CỔ THÀNH
Cuốn phim dài chừng nửa giờ. Được xếp
vào thể loại tài liệu, mang mục đích quảng cáo hoặc trao gửi chút khái niệm ban
đầu về cảnh quang mà bạn sắp hoà mình vào, sống thở. Hãy chuẩn bị tinh thần.
Những hình ảnh lạ mắt được giản lược khi giới thiệu. Mùa đông tuyết ngập đầy
chiếm hơn nửa độ dài của thước phim.
Đó chỉ là khúc dạo đầu. Mười ngày sau,
hai mươi sáu khán giả luôn rộn ràng ấy chính thức bước ra khỏi lòng phi cơ vừa
bay qua nhiều lãnh thổ, chân đi không bình thường như say sóng để bắt gặp hàng
chữ Welcome to Canada.
Người ta đã tính toán một cách hợp lý
khi thu nhận bọn người có chánh quán nhiệt đới, dùng mùa hè để mở rộng vòng tay
đón chào. Nói khác đi, họ không tiện đánh phủ đầu đám người lơ ngơ kia bằng cái
ghê rợn chết người của băng tuyết ràn rụa trôi như trong đoạn phim có chủ đề
Mon pays c’est l’hiver (tên một bản nhạc
thịnh hành của nhạc sĩ người Québec). Ngoài kia là tầng không, trong vắt, mây
xanh, trời rộng, những cánh rừng xôn xao bởi gió đào xới đám lá lục diệp. Một
hương mùi khó cắt nghĩa vừa lùa tới khi căng ngực đón nhận, tạm bằng lòng với
giải thích riêng mình: Hương tự do.
Chính quyền có tuyển một bác “người
mình” làm thông dịch viên. Ông ta độ chừng khoảng trên bốn chục tuổi, com-lê
cà-vạt đủ bộ sậu nhưng y phục che đậy nọ không làm cứng người. Ông mang tên
Phúc có vẻ linh hoạt, nhanh lẹ hợp với hạng tuổi chín muồi, nếu ví đời người
tựa một loại trái cây đã già nắng. Mông-xừ Phúc bảo, tên họ người Việt thường
làm khó bọn Tây, cậu tên Lực thì thật khoẻ trí khi chúng gọi thành Luc. Luc phổ
thông như họ Nguyễn vậy.
Một vị đại diện thành phố sở tại lấy làm
sung sướng khi có nhiệm vụ trao tay ân cần cho đám tị nạn mỗi người một tờ giấy
bạc 20 Gia kim có in mặt bà Nữ hoàng Anh quốc. Banque Du Canada. Bank Of
Canada. Chỉ có vậy, chẳng việc gì phải chua thêm hàng chữ dài dòng “Hình phạt
khổ sai chung thân cho những kẻ nào làm giả mạo tờ giấy bạc”. Ông Phúc chuyển
dịch thành lời về nghĩa cử ban đầu kia: Để phòng hờ quý vị muốn mua vật kỷ niệm
hoặc nhỡ điện thoại thăm hỏi ai thì cho có mà trang trải, sử dụng, tiêu pha.
Cả bọn được chở về khách sạn bình dân
nhằm trú thân đôi ba ngày chờ hoàn tất nốt những thủ tục hành chánh. Luc ngứa
chân buồn miệng ra đầu đường tìm mua bao thuốc lá. Không nói chẳng rằng, đưa
tay chỉ vào một nhãn hiệu chưa từng nếm thử: Player’s (Un gout qui
t’appartient). Đưa ra tờ 20, nhận lại 16 đồng 75 xu tiền thối đi kèm với bao
diêm quẹt. Săm soi bao thuốc, đốt lửa cho “khói huyền bay lên cây”. Thắp đuốc
tìm không thấy hàng chữ thuốc lá làm hại tới sức khoẻ bạn. Văn minh thật! Chớ
đe nẹt vào sự thụ hưởng của mỗi cá nhân. Đó có phải là bài học vỡ lòng của Tự Do?
Uống rượu làm rút ngắn tuổi thọ những 30 năm. Nào có hề chi, tiệm bán rượu luôn
rồng rắn cảnh người đứng sắp hàng. Chẳng nhẽ họ muốn vào hỏi mua nước suối tinh
khiết? Luc ghé ngang quán cà phê có treo cờ tam tài của bọn thực dân Pháp thử
mua cốc expresso. Một vá bột vung đưa vào máy, như mèo đái, nó nhỏ giọt nghi
ngút ra dung lượng chứa vừa cái ly to khủng cỡ hột mít. Ép tim. Thơm nồng nàn.
Đậm đen. Quéo lưỡi. Ngon dàng trời. Cái nồi ngồi trên cái cốc mà đụng phải
“thằng” này e lễ độ và cả thẹn cúi đầu thưa rằng đại ca.
Hai chục bạc chính phủ cho mất tăm trong
ngày thứ hai, để lại dấu vết 15 xu lặn dưới túi quần đi chẳng phát tiếng. Một
trải nghiệm đầu đời mua toàn chất đắng chát mà nhâm nhi ơn vô lượng. Hạnh phúc
thay khi đứng đầu đường xó chợ trên một địa hình mà ngay cả chim cũng ríu rít
bay về tụ bầy hát ca. Bồ câu thì khỏi nói, giống vật biểu tượng cho hoà bình ấy
cứ lúc thúc bên chân, sà cánh xuống sát thân, hỗn xược đậu trên vai. Giàn thun
đâu, ná bắn chim đâu? E suốt đời chúng mầy chả thấy qua thứ vũ khí lợi hại tiêu
diệt trong câm lặng ấy? Chim dễ thương là thế nhưng chó, vì cớ gì có cậu làm
mặt quạu khi ngó ra tớ? Mắt chừng bắn tới nghi vấn: Ê thằng kia, mày từng xơi
cờ tây chưa? Có ngon nhức răng không? Dạ thưa tôi vốn người lành, gần như Phật tử
thuần thành với kinh. Ra đường người lạ đừng khinh, một đứa xa xứ mần thinh
đạo, đời.
Khoa văn bên Pháp có sách in bài luận
thậm hay tả mẹ nắm tay tôi đi học buổi tựu trường. Luc đi học tiếng Pháp lớp
mẫu giáo ngu ngơ ngần ngại mà chẳng có mẹ dẫn dắt. Mẹ ơi, hôm đó, một sớm sương
thu đầy gió lạnh… Chương trình soạn thảo là bạn được theo học trong ba tháng,
chúng tôi phát tiền cho bạn hàng tuần để chi trả tiền thuê áp-pạt-tờ-măng, tiền
mua chăn mền giường chiếu chén bát nồi niêu soong chảo, tiền sắm tủ bàn máy
nhạc ti-vi tủ lạnh, tiền chợ búa, tiền điện thoại, tiền xe buýt taxi, tiền sắm
áo ngự hàn, cái muỗng đôi đũa cho tới cây tăm xỉa răng. Trang bị miễn phí, đủ
đầy tới tận răng, hy vọng sau ba tháng trau dồi võ nghệ, biết vấn đáp chút
chút, bạn sẽ kiếm được việc làm tự lực cánh sinh. Ba tháng, chừng đó cũng đủ
bạn mọc lông mọc cánh mà tập bay xa tha mồi ngậm cỏ kết vành. Ngân sách nhà
nước cũng có giới hạn, xin thông cảm giùm, chúng tôi còn phải để dành cho những
đợt di dân sau. Đóng cửa từ chối thì chẳng đành lòng nên thực thi phương án
liệu cơm gắp mắm, ăn trông nồi ngồi xem hướng. Comprenez-vous? Do you
understand?
Mais oui. Absolument. Ô kê, dân tôi quen
chịu cực từ khuya, có sao đâu mà dài lời mất lòng trước được lòng sau. Nhà nước
cứ cắt ngân lượng, thôi phân phát thì có chết thằng Tây nào mà sợ. Thiệt vàng
sợ chi lửa, thêm thay ở xứ này nào có ai bị chết đói đâu? Chết rét chết cóng
thì có, chết vì tình đời một mực lãnh cảm! Nhưng suy cho cạn, quý vị đã nhóm
trong lòng chúng tôi những cái lò sưởi ấm áp vô cùng tận. Merci beaucoup. Cảm
ơn nhìu lém.
Luc đi học, lên từng cấp một, mỗi cấp có
thầy cô riêng đứng lớp, họ chẳng lấy làm điều khi mỗi ngày phải khô hơi rát cổ.
Je t’aime moi non plus là tên một bài hát, giờ văn phạm mang ra hỏi thì bị cô
la: Trò đừng nghe những gì nghệ sĩ nói mà hãy nhìn những gì nghệ sĩ làm. Là
sao, thưa cô? Là họ đặt điều, dựng chuyện khác người. Khi trò nói Je t’aime thì
tui sẽ đáp trả Moi aussi. I love you. Me too. Thế mới hợp lý, nhỉ? Hai thầy hai
cô, bốn vị lăn xả tận tuỵ với thiên lương giáo chức việc gõ đầu trẻ. Nhưng
riêng cô Lucie đặc biệt khác thường, cô biết gõ trái tim Luc. Cô ân cần khơi mở
chuyện trò bằng những tâm tình đã sàng lọc qua, tối giản những từ rắc rối giúp
Luc chóng lãnh hội, thông hiểu. Ngôi thứ nhất, số ít, chia ở thì hiện tại. Cứ a
bê xê dắt dê đi ỉa cái đã, chuyện gì cũng còn có đó, từ từ tính sau.
Nhìn cuốn vở nhét túi quần của Luc có bề
dày khác lạ, Lucie tò mò giở lật. Cái gì đây? Sao tinh ròng toàn chữ nghĩa xa
lạ? Ôi, chẳng dấu gì toa, moa tập viết văn chữ quốc ngữ. Chuyên chở những gì?
Về con đò sang sông, về lần lạc hồn cập bến. Về màu trăng cũ, về sóng đùa ngọn
thuỷ triều huyền nhiệm đẩy đưa. Về cái mới lạ mọc đầy chợt hiện sau luỹ tre
xanh, rào cản nhốt đứa mục đồng ngồi lưng trâu vẫn hát một điệp khúc muôn đời
chăn trâu khổ đau lẫn u mê lắm mẹ ạ. Mẹ ơi chớ đánh con đau, để con xa xứ đãi
thau chọn vàng, dặm đi vượt suối non ngàn, xin mẹ quên lãng giọt tràn mi cay…Cớ
gì bạn không thử viết ra bằng tiếng Pháp? Tôi giúp bạn hoàn thiện việc sửa sai
văn phạm ngữ cảnh cho. Tôi muốn đọc hiểu tâm tình bạn, nhuận sắc.
Trang trước là những hàng chữ hỏi ngã
nặng chen nhau xô đẩy cùng lem nhem với bôi xoá đầy trắc trở thì ở trang sau có
đôi dòng viết thẳng thớm sạch sẽ của cô giáo Lucie: J’espère que la vie
s’arrange bien pour toi. Ne perds jamais courage, on connait tous des moment
difficiles dans la vie et ca finit par s’arranger avec le temps…Đừng đánh mất
can đảm, chúng ta hiểu thấu những khó khăn vẫn hiện ra qua từng gian đoạn trắc
trở trong đời sống và nó được chấm dứt ổn thoả theo thời gian…
Lucie khoái khẩu món chả giò dù ở quán
ăn, chủ nhân người Việt đã gói sai công thức, với khẩu vị Luc cho là chẳng
ngon. Cô cũng thử dùng qua bát phở gà, cô bảo hy vọng một ngày nào đó ở tương
lai, Luc dẫn tôi đi thăm chốn cũ của toa một chuyến. Luc mần thinh, không nói
ra lời: Bộ hết chỗ chơi rồi sao? Moa từng chạy mất dép, vắt giò trên cổ. Moa tị
nạn cộng sản, bởi vậy chốn này mới xem moa như con ruột, thương đứt ruột, đoạn
trường vô thanh. Họ nhắn nhe, đừng dại về nghe, bị bắt bớ, toà lãnh sự Canada
đặt chốn nọ không can thiệp đâu nha. Thương yêu cũng chừng mực nào đấy thôi.
Dại khờ bị đòn roi là đúng, kêu ca nỗi gì?
Thường là cuối tuần, Luc luôn kiếm cách
được gần Lucie sau những buổi học trong tuần mãi bận bịu. Lucie thành hôn sớm,
một lầm lỡ, một tai nạn, cô cho hay. Ly dị chồng, lãnh phần nuôi đứa con gái.
Mỗi tháng đều dắt cháu về thăm ông bà ngoại, nhà ở bên kia sông. Bố mẹ tôi đã
nghỉ hưu, thương và tìm đủ cách để chìu lòng đứa cháu như thể muốn bồi đắp chút
gì về hoàn cảnh đứa con thiếu mặt cha… Bạn thì sao? Luc trầm ngâm, tìm lời diễn
đạt: Cha mẹ tôi mất đã lâu, tôi nghe tin từ chốn cũ nhắn qua là mộ phần ông bà
vừa bị người ta ra lệnh di dời đi chỗ khác. Gia hạn trong vòng một tháng, qua
ngày thứ ba mươi hai họ mang xe ủi đất tới cày xới, san bằng, xoá sạch dấu vết
một nghĩa trang.
Oh, mon Dieu! Lucie đè tay lên ngực, màu
mắt xanh mở to, gần như hốt hoảng. Lạy Chúa tôi! Xin lỗi khi hay tin. Chủ nhật,
ngôi giáo đường khuất trong phố cổ vừa thong thả gửi đi những hồi chuông. Kinh
cong, ngân vang, uốn lượn bên dãy tường chất cao gạch đá có niên hiệu 1759. Trơ
như đá vững như đồng, ngoài ra nó luôn được sự quan tâm từ chính phủ, bảo vệ,
trùng tu, quyết giữ sự thô lậu trung thực theo bản chính. Không ai có thể chối
bỏ văn hoá của tiền nhân để lại, kể cả những bộ lạc đang sống trong hang động,
những hình vẽ đơn sơ, mộc mạc, thuần khiết tính cách hồn nhiên in dấu trên đá
vẫn mang giá trị nghệ thuật mà nhân loại ngưỡng mộ gửi trao. Những xứ sở mang
trình độ thấp kém thì lại khác, đập phá cái cũ không khoan nhượng chẳng phân
vân để khi tái kiến trúc họ bôi son trét phấn màu mè cực kỳ diêm dúa. Thành quách
đền đài cung vàng điện ngọc cứ thế mà tủi hờn núp bóng vào gánh hát bội, vào
phông màn của đoàn cải lương. Ai kia sao nở tương tàn? Cố đô dấm dúi buông màn
hổ ngươi!
Rồi thời gian lạnh lùng trôi. Lá vàng
rụng đầy đợi tuyết trắng về chôn vùi. Luc nhập vai Triệu Tử Long một thương một
ngựa một bạch y tả xung hữu đột việc cày bừa lao động chẳng vinh quang. Không
hiểu bắt trời làm mưa biểu đất làm lúa có dễ không chứ đi xin việc rửa chén
trong nhà hàng cũng phải có kinh nghiệm, tối thiểu ba tới sáu tháng. Đi giao
Pizza thì phải tinh tường bản đồ có chu vi 20 cây số vuông, thuộc lòng như cháo
những tên đường chằng chéo. Gõ được cửa nhà mà đưa ra cái vật bèo nhèo lạnh
tanh thì gia chủ ném ngay vào mặt chữ Tabarnak dễ thương hơn Merde với Chien.
Thất nghiệp ngay tắp lự. Moa nói cho toa hay, cái hộp giấy đã in rành rành hàng
chữ “bảo đảm nóng sốt, không chon giòn không lấy tiền”. Thù oán gì nhau mà toa
hạ bệ phẩm chất thương hiệu moả? Chó nào ăn nổi món bánh xèo lạnh lùng ấy?
Lại chúi đầu gầm mặt vào tờ nhật báo,
đọc thấy mục cần người ra nông trại ngoại thành cong lưng thu hoạch hoa màu cà
rốt, hành tây, xà lách, rau cải, hành ngò. Không cần kinh nghiệm, sẽ dạy dỗ
sau. Lực lượng lính chính quy cấp số cỡ đại đội toàn cả người Mễ da ăn nắng như
cột nhà cháy di động vây quanh xem thường thằng nhân dân tự vệ sạch nước cản.
Vậy là biết thêm đôi chữ để giao lưu tình cảm. Cómo estás. Muy buen. Gracias.
Te amo. Không ăn đậu không phải dân Mễ, không đi trễ không phải Việt Nam. Lực
chánh quán Việt Nam nên Lực chuyên đi trễ. Vì đi trễ nên chủ cánh đồng rau xanh
cho Luc nghỉ chơi. Chuồn chuồn cắn rốn biết bơi, dầm thân sông rộng tơi bời sức
trai, mới vừa ngày một ngày hai, chịu đời không thấu mặt chai nằm nhà. Nằm
chẳng yên đặng lưng dài, vai ba tấc hẹp con ngài hoá thân. Bướm bay cánh mỏng
lần khân, đi qua phố rộng vui chân nhập vườn. Jardin Bleu là tiệm làm bánh ngọt
Francais nguyên bổn đứt đuôi con nòng nọc. Sếp đích thân lăn vào lò nhồi bột
làm nhân nhuỵ trét kem các thứ, giao cho bà vợ gian ngoài thù tiếp khách vào
uống cà phê nhâm nhi mẩu bánh ngậm mà nghe. Ông bà Philips quê quán ở miền nam
nước Pháp lưu lạc sang đây làm ăn đã hai đời. Bọn tao đang cần một đứa chạy bàn
phụ đỡ một tay, cuối tuần lau chùi dọn dẹp làm vệ sinh trong quán, cũng có thể
sẽ dạy ngươi chút bí kíp làm bánh gateaux đơn giản. Bọn tao chúa ghét tụi
Quebecois chây lười lao động, bánh chúng nó làm ra y như một cục đường, thô
thiển kém phẩm chất mất nghệ thuật. Lương căn bản nhé, có đắc-co không nè? Mày
người Việt phải không? Ông nội tao từng đánh đấm ra trò ở mặt trận Điện Biên
Phủ đấy, ngực móc đầy huy chương. An nam đi dễ khó về, ông nội chơi gái bỏ thề
trôi sông. Dông một lèo chẳng qua đọ không lại một biển người thề uống máu quân
thù, xem cái chết nhẹ tợ lông hồng. Hỡi anh em vô sản, hãy đoàn kết lại! Chín
giờ còi thổi ấp-bên, thôi em ở lại anh về cút-sê.
Luc lãnh hai tuần lương đầu, giấy bạc
thơm mùi bơ đường sữa béo ngậy dắt một cục sau đít lò dò tạt về trường cũ thăm
cô Lucie, định bụng mời cô đi kéo ghế ăn một bữa đình đám cho bõ những ngày cơ
cực, xa vắng, thiếu nụ cười. Ngoài ơn đền oán trả, Luc còn mang nỗi nhớ không
tên. Nhớ đôi mắt thu cất một vuông trời sầu mộng, nhớ những sợi lông măng vàng
óng vân vê suốt chiều dài cánh tay trần. Nhớ chiếc áo rộng cổ nhốt ơ hờ, thấp
thoáng đằng sau một khu vườn mọc đầy tưởng tượng giữa núi đồi. Luc với Lucie,
hai mẫu tự L quấn quýt vào nhau nằm trong trang vở chừng mãi hoài không bị bổi
bẩn. Một sự tinh khôi luôn để trắng. Thầy Jean mất năm phút ngây mặt mới gật gù
nhìn nhận ra Luc. Bụi hồng trần đã phủ qua người thằng thuyền nhân xác xơ đầy
sóng gió dạo nọ. Một loại bụi không có cách gì để phủi sạch, ngoại thân là vậy
huống chi tâm tưởng thu dấu đằng sau lắm nỗi niềm đa đoan. Jean cho hay Lucie
đã nghỉ dạy, cô ta xanh xao, xuống kí, mang bệnh tình gì thì chẳng cho hay.
Chừng như đã về phía bên kia sông ở hẳn với cha mẹ cô ấy. Rất bất ngờ, bọn đồng
nghiệp tụi moa muốn làm bữa tiệc tiễn đưa cũng trở tay không kịp. Giờ này nhiều
đổi thay, sẽ không lâu ngôi trường này cũng buộc phải đóng cửa. Nhất tự vi sư
bán tự vi sư, hai thầy trò ngồi ở cafeteria uống cạn ly nước đắng, hút tàn lụi
một điếu thuốc rồi chia tay. Ô rờ voa, mừng gặp toa. Cũng xem như thể chu choa
lâu ngày. Cuộc cờ dang dở ai bày, lên sĩ xuống ngựa tốt này qua sông.
Khi Luc được ông bà Philips tín nhiệm
bày vẽ cho ba công thức chế biến thứ bánh gia truyền ngon tựa La Mere Poulard
nổi tiếng của Paris, lâu ngày chầy tháng những trang viết tích tiểu thành đại
cũng theo tỷ lệ thuận mà vun đầy. Sẵn dành dụm được ít tiền, Luc có ý định in
ra một tập truyện. Chủ nhật tiệm bánh đóng cửa, Luc đón xe buýt nhắm tuyến
đường chạy qua phố cổ. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương là của ai kia chứ ở
Québec đèn đóm cháy tỏ đằng sau cổng thành chẳng rêu phong mấy lớp. Bao lối đi
uốn lượn xuống thấp lên cao ôm giữ hài hoà các kiến trúc bày biện cân xứng. Luc
dẫm chân vào mấy con đường mà thuở ấy từng bước qua với cô Lucie, đi như có một
thôi thúc khuất lấp nào vẫy gọi. Như tai còn nghe rõ lời Lucie thoảng nhẹ: Muốn
nương nhờ tới kỹ thuật hiện đại hòng đổi thay diện mạo là chuyện bất khả, y như
bên thành phố London của Anh quốc vẫn đặt nguyên những buồng điện thoại, những
hòm thư lộ thiên màu đỏ xưa cũ, những chiếc xe buýt hai tầng rệu rã chạy sật sừ
qua phố hẹp… mọi vật đã tựa một con mộc đóng lên, bảo chứng về mặt thẩm mỹ hiếm
hoi mà họ được sở hữu, tự hào và mang ơn tiền nhân đã khai mở. Do vậy tinh thần
hoài cổ được tán dương, tôn lên, trân trọng, bảo quản, từ thế hệ này sang thế
hệ khác.
Có con đường hẹp lát đá, nơi tập trung
những chiếc xe ngựa thường chở du khách hiếu kỳ đi lòng vòng trong cổ thành
ngoạn cảnh. Nó tựa cul de sac, vì cuối tiểu lộ xanh um nhiều bóng cây ấy là bức
tường chắn lối, ngự trên tường đá vững chắc mà từ chỗ đứng này Luc có thể nhìn
ra đôi ba khẩu thần công đúc đồng chúi mũi xuống dòng sông Saint Laurent mùa
này con nước trông thoáng rộng và gió từ hướng đó mãi chuyên cần gửi về làm hạ
nhiệt một khu vực có lắm nhân quần. Lucie từng dắt Luc tới dựa thân vào tường,
dong tay chỉ qua hòn đảo nằm bên kia sông: Cha mẹ tôi ở bên thành phố đó, thỉnh
thoảng tôi mang con gái qua ở yên trong đôi ngày để tìm nhặt cho lòng mình chút
an ổn. Nó thực sự cách biệt những âm thanh rậm rật của phố thị. Những sáng
những trưa những chiều đong đưa với từng cung bậc của bao loài chim rộng lòng
về hót cách khoảng trong vườn lặng, chúng chuyền cành, đánh rơi xuống những nốt
nhạc líu lo…
Từ dáng dậm chân cam phận của mấy con
ngựa đứng án ngoài kia cho đến tận cùng là bức tường khép đóng, dọc con lộ nhỏ
có nhiều hoạ sĩ ngồi trên ghế xếp hành nghề vẽ chân dung. Họ dựng những tác
phẩm đã hoàn chỉnh vào các thân cây, sử dụng đủ mọi chất liệu, đa số là màu
nước. Lẫn vào cái sinh hoạt yên ả kia, có người ngồi trên hòn đá cúi mặt vào
đàn guitar khảy lên những bản cổ điển dồn dập từng lượng sóng xô đẩy nhau tưởng
bất tận. Cái nón vải của ông ta chứa lắm bạc lẻ, không biên giới, đủ quốc gia
mà nhiều nhất vẫn là tiền Mỹ “In God We Trust”.
Bất chợt, Luc dừng chân. Nốt độ rề mi la
nào đã vừa rơi vào lòng, xôn xao đầy ngờ vực, cắm đứng? Tự động, không toan
tính, Luc ngồi xuống chiếc ghế trống trước mặt người con gái. Dáng nhỏ nhắn,
khuôn mặt thanh tú nọ vừa khai nở một nụ cười:
Ông muốn có một bức chân dung?
Theo cô, để in vào bìa sau một tập
truyện ngắn, phác hoạ nào là thích hợp?
Thú thật là tôi chỉ sở trường về thể
loại chì than thôi, thuần đen trắng.
Hình như chúng ta từng gặp gỡ ở đâu đó?
Trông cô quen thuộc quá…
Chẳng phải ông là khách phương xa đến
thăm Québec sao?
Không. Tôi dân địa phương. Tôi vô quốc tịch
đã lâu. Có thể bảo là giữa đôi ta chẳng có sự khác biệt về địa phận.
Ông là nhà văn?
Không. Tôi viết toàn cả chuyện vu vơ.
Tôi chưa thành danh. Tôi cần cô giúp để tựu thành mộng ước.
Đừng nói thế. Đừng nhìn tôi như vậy. Hãy
buông thả, hãy tự nhiên cho. Tôi bắt đầu vẽ đây.
Tôi nói điều quấy thì mong cô bỏ quá
nhé. Cô có biết một người mang tên Lucie? Bà ấy là người dạy Pháp văn cho dân
tị nạn và tôi may mắn được Lucie dành riêng sự ưu ái, tận tuỵ. Tôi về trường cũ
thì hay tin cô giáo tôi yêu quý đã ngã bệnh, vô phương việc đi thăm hỏi.
Mới khởi phác ra đôi nét, cô gái ngừng
tay. Không là hoạ sĩ, Luc cũng nhìn nhận được nét buồn lặng vừa vướng đọng trên
lông mày cô ấy khiến phải nhíu lại. Đôi mắt cô, rõ là chứa đựng đủ cái thẳm sâu
xa vắng hệt như Lucie. Khuôn mặt gầy, sống mũi cao, những nốt tàn nhang và ngay
cả màu tóc. Cô chính là thứ âm bản mà tấm dương bản thất lạc kia, Luc đang khó
nhọc muốn tìm nhặt lại. Luc nhớ cha mẹ mình từng dạy: Uống nước phải nhớ nguồn.
Nước sông Saint Laurent vẫn ngăn chia hòn đảo bên kia, xa miết. Ai có qua cầu
mới hay. Ai đã qua sông đắm đò?
Mẹ tôi mất đã hơn tháng. Ra đi sau ông
ngoại tôi chỉ ba ngày. Ông tên chi?
Tôi tên Luc.
Này ông Luc, có lẽ hôm nay tôi không vẽ
được cho ông một tấm chân dung, xin lỗi nhé.
Tôi có thể biết tên cô không?
Stephanie.
Tôi lấy làm áy náy khi vô cớ đến gây nỗi
buồn cho Stephanie. Tôi cũng đang buồn đau bất ngờ, quả đoán rằng thế nào trong
xấp giấy cứng đặt bên ghế Stephanie ngồi sẽ có tối thiểu một bản vẽ chân dung
về mẹ mình và hy vọng tôi được mua lấy. Tôi sẽ lộng kiếng và treo lên, thắp
nhang tưởng niệm, trân trọng một linh hồn trong sáng. Cô có vui lòng giúp
không?
Đường đột thật đấy. Có lẽ tôi sẽ cuốn
gói dọn hàng về nghỉ sớm …
Tôi muốn mời Stephanie đi uống một cốc
cà phê, ở cái quán mà có khi tôi được ngồi kề bên mẹ cô. Được chăng, một hình
thức tưởng nhớ?
Không. Cảm ơn. Tự dưng tôi thấy không
được khoẻ. Khi khác vậy.
Hãy ghi cho tôi số điện thoại của
Stephanie.
Tôi không có điện thoại. Tôi ở với một
người bạn và tôi la cà chỗ này suốt ngày, chẳng trốn khỏi con đường ngắn ngủi
bé hẹp này.
Như vậy là cô từ chối, chẳng đáp ứng sự
mong mỏi của tôi?
Hiện tại tôi không có thứ ông muốn. Tôi
vẽ nhiều lần khuôn mặt mẹ nhưng chẳng bao giờ hài lòng, chẳng lột tả được vẻ
sầu muộn mẹ mang. Chỉ được duy một bức, tôi đã đóng khung và bà ngoại tôi độc
quyền sở hữu. Nếu đúng với thành tâm như ông vừa thổ lộ, thì ngày mai xin đến
đây, tôi sẽ trao tặng ông một tấm ảnh chụp mẹ tươi cười hôm sinh nhật tôi tròn
17 tuổi.
Luc rất muốn ôm bớt đồ đoàn nhưng
Stephanie từ khước thiện ý. Luc muốn đi cùng cô một đoạn đường nhưng cô chận
đứng. Cô bảo: Ngày mai nhé, thích hợp nhất là vào giấc trưa. Bye.
Những sợi tóc màu nâu bay rối sau dáng
mỏng. Lucie từng vẽ ra một dự tính, được Luc dắt đi Việt Nam, nơi chốn mà cô
giáo chỉ nhìn thấy trên T.V, trên những thước phim đầy máu lửa có trong cuộc
chiến khi đồng minh đổ quân vào muốn ngăn chận làn sóng đỏ. Lucie từng viết lời
uỷ lạo, bạn chớ đánh mất sự can đảm, rồi cuối cùng theo thời gian mọi thứ sẽ
được dàn xếp ổn thoả. Luc nhìn xuống con đường lát đá gồ ghề dưới chân mỏi, một
cái chết thầm lặng tới mang Lucie đi khuất, có đáng gọi diễn biến đau buồn kia
là sự dàn xếp ổn thoả?
Luc băng qua đường. Một tiếng còi xe.
Một cú đạp thắng, bốn bánh cắn mặt đường tới bốc khói. Một khuôn mặt kháu ó bặm
trợn thò ra khỏi cửa. Và dĩ nhiên kèm gửi theo một tràng chửi thô tục: Địt mẹ
mày thằng Tàu chệt đi lơ ngơ. Đui mù hả? Muốn chết hả? Ỷ thế biết món kung-fu
hả? Muốn đi thăm bác Mao hả? Mẹt xà lù.
Luc nói xin lỗi. Luc yêu người dân ở
đây. Ở sau bảng số xe luôn khắc ghi hàng chữ “Québec Je me souviens”.
Stephanie, tôi cũng yêu em, người con vừa vắng bóng mẹ hiền. Lucie, giờ này cô
đang ở đâu?
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về
Chuyện làng văn0
- Các bài phê
bình, cảm nhận thơ0
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe AudioBook Chọn Lọc đọc truyện ngắn
CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:
*.
Địa
chỉ: thành phố Montreal,
tỉnh
bang Quebec, Canada.
.............................................................................................................
- Cập nhật nguyên bản từ email nhà thơ
Luân Hoán gửi ngày 14.06.2023
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được
sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể
hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
câu chuyện rất hay
Trả lờiXóa