VÌ SAO THÁNG 12 ÂM LỊCH
ĐƯỢC GỌI LÀ THÁNG CHẠP?
Tháng 12 Âm lịch còn được dân gian gọi là tháng Chạp. Nguồn gốc
và ý nghĩa của tên gọi này gắn liền với những đặc điểm cuộc sống, hoạt động của
người dân trong thời điểm cuối năm.
Tháng Chạp là thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong văn
hóa Việt Nam, tháng có nhiều ngày lễ, nhiều nghi thức thờ cúng quan trọng hướng
về tổ tiên và chuẩn bị tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới.
Vì sao tháng 12 Âm lịch
được gọi là tháng Chạp?
Từ "chạp" có
nguồn gốc từ chữ Hán "lạp",
và thường được hiểu là gắn liền với khái niệm lễ lạp. Chữ "lạp" trong
tiếng Hán có nghĩa là "bữa tiệc
cuối năm" hay "lễ hội
tạ ơn cuối năm". Đây là thời điểm mà người xưa tổ chức những lễ hội để
cảm tạ tổ tiên, thần linh đã bảo vệ và phù hộ họ trong suốt một năm. Vì thế,
tháng này còn được gọi là tháng "lạp" -
một thời điểm quan trọng để tổng kết, nhìn lại những điều đã trải qua trong năm
và chuẩn bị cho một năm mới.
Trong tiếng Hán, từ "lạp" có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa “lễ tế chạp”, tức lễ tế thần vào tháng
cuối năm âm lịch. Theo lễ nhà Chu (Trung Quốc), lễ tế tất niên gọi là “đại lạp”. Vì thế, tháng cuối năm được
gọi là “lạp nguyệt” (tháng
có đại lạp).
Ngoài ra, chữ “lạp” trong
tiếng Hán cũng có nghĩa là thịt cá muối hong khô. Tháng cuối năm là thời gian
người ta tích trữ các loại thực phẩm để đối phó với mùa đông rét mướt, và cũng
để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Trong đó, thịt cá là loại thực phẩm quý giá,
quan trọng.
"Lạp" về
sau phái sinh nét nghĩa “lễ cúng tổ
tiên, ngày giỗ”. Khi vào tiếng Việt, lạp bị đọc chệch thành “chạp” và trở thành từ đồng nghĩa
với “giỗ”. Cho nên, trong tiếng
Việt mới có tổ hợp “ngày chạp” tương
đương “ngày giỗ” và thường
gộp gọn khi nói là “giỗ chạp”.
Trong lịch sử văn hóa nông nghiệp, tháng Chạp là thời điểm mà
người dân hoàn tất công việc đồng áng trong năm cũ và chuẩn bị cho những nghi
lễ linh thiêng đón chào năm mới.
Tháng Chạp đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong năm, khi mọi
người gấp rút hoàn thành những công việc cuối cùng, thanh toán nợ nần, dọn dẹp
nhà cửa và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm để người dân chuẩn bị
những mâm cỗ tươm tất, sắm sửa quần áo mới và trang hoàng nhà cửa, tất cả nhằm
chào đón một năm mới an khang, thịnh vượng.
Tháng Chạp có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và văn
hóa của người Việt. Đây là lúc xum họp gia đình, tưởng nhớ ông bà tổ tiên và
cũng là thời điểm phù hợp nhất để thực hiện những nghi thức tâm linh quan
trọng. Những lễ cúng diễn ra trong tháng này, như lễ cúng mùng 1 tháng Chạp,
cúng Rằm tháng Chạp, cúng tất niên hay cúng ông Công ông Táo, thể hiện lòng
biết ơn và mong ước một năm mới bình an, đầy đủ.
Một số phong tục diễn ra
trong tháng Chạp
Dọn dẹp nhà cửa
Điều đầu tiên không giữ chính là bụi bẩn. Việc dọn dẹp bụi bặm
với ý nghĩa "tống cựu nghinh tân". Đây là phong tục lâu đời của người
Việt mỗi khi chuẩn bị bước sang năm mới giúp xua đuổi đi những điều không tốt
và đón nhận những điều may mắn trong năm mới.
Nhiều gia đình ngay trong những ngày đầu tháng Chạp đã thực hiện
việc dọn dẹp, sắp xếp lại nhà cửa. Việc trang hoàng nhà cửa cũng không thể
thiếu được trang trí các loại hoa, cành đào, chậu quất…
Cúng ông Công, ông Táo
Đây là một trong những lễ cúng quan trọng nhất trong tháng Chạp.
Lễ cúng ông Công, ông Táo diễn ra vào ngày 23 tháng 12 Âm lịch. Theo niềm tin
dân gian, ông Công, ông Táo là các vị thần trông coi việc bếp núc của mỗi gia
đình. Lễ cúng này nhằm tiễn ông Táo về trời báo cáo Ngọc hoàng về tình hình gia
đình trong suốt một năm qua.
Mâm cúng thường gồm cá chép (để ông Táo cưỡi về trời), mâm ngũ
quả, hương, hoa, nước, và các món ăn truyền thống. Nét đặc sắc của lễ cúng này
nằm ở tục phóng sinh cá chép tại sông, hồ sau khi lễ cúng kết thúc.
Tảo mộ
Vào cuối tháng Chạp, nhiều gia đình cũng có tục đi tảo mộ, tức
là viếng thăm và dọn dẹp mộ phần của tổ tiên, bày tỏ lòng biết ơn và kính nhớ
những người đã khuất.
Mua sắm và chuẩn bị Tết
Các gia đình cũng tranh thủ thời gian này để mua sắm, chuẩn bị
các vật phẩm cần thiết cho Tết như bánh kẹo, hoa quả, và đặc biệt là gói bánh
chưng, bánh tét - những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết.
Cúng Tất niên
Lễ cúng Tất niên là nghi thức kết thúc một năm cũ, thường diễn
ra vào ngày cuối cùng của tháng Chạp. Đây là dịp để các gia đình tưởng nhớ ông
bà tổ tiên và cầu mong một năm mới thịnh vượng, bình an.
Những lễ cúng quan trọng bậc nhất trong tháng Chạp này không chỉ
dừng lại ở việc dâng lên tổ tiên những lễ vật trang trọng hay mâm cỗ thịnh soạn
mà còn là thời điểm để các thành viên trong gia đình quây quần, sum họp, chia
sẻ những kỷ niệm và kế hoạch cho năm mới, cùng nhau hướng đến một năm mới với
nhiều điều tốt đẹp.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Bạn đọc cảm nhận
về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
ĐẦU THAI CHUYỂN KIẾP LÀ CÓ CĂN CỨ KHOA HỌC:
La Thụy giới thiệu
Tác giả: Phương Anh - nguồn: giadinhonline
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
0 comments:
Đăng nhận xét