HÌNH CHIM TRÊN TRỐNG ĐỒNG LẠC VIỆT - Tác giả: Trần Gia Phụng (Canada)

Leave a Comment

 


HÌNH CHIM TRÊN

TRỐNG ĐỒNG LẠC VIỆT

*

 1.-   XUẤT XỨ CỦA CHỮ “LẠC”

(Tác giả Trần Gia Phụng)

 Tài liệu bằng văn bản quan trọng đầu tiên về chữ “lạc” trong danh từ “Lạc Việt” (Lo Yueh), cho đến ngày nay tìm thấy được, nằm trong đoạn văn của Giao Châu ngoại vực ký (sách của Trung Hoa) xuất hiện khoảng giữa đời Tấn (265-420), được nhiều sử sách trích dẫn, từ Thủy kinh chú (thế kỷ thứ 6) của Lịch Đạo Nguyên (Trung Hoa), đến An Nam chí lược (thế kỷ 13) của Lê Tắc (người Việt sống ở Trung Hoa), rồi các sách khác về sau nữa. 

 Lịch Đạo Nguyên, trong sách Thủy kinh chú, đã lặp lại theo Giao Châu ngoại vực ký như sau: “Giao Chỉ tích hữu quận huyện chi thời, thổ địa hữu lạc điền.  Kỳ điền tòng thủy triều thượng hạ.  Dân khẩn thực kỳ điền, nhân các vị Lạc dân, thiết Lạc vương, Lạc hầu chủ chư quận huyện.  Đa vi Lạc tướng, đồng ấn thanh thụ.” (Xưa, khi Giao Chỉ chưa thành quận huyện, đất đai có ruộng gọi là ruộng lạc, ruộng đó tùy thủy triều lên xuống mà làm.  Dân khẩn ruộng đó mà ăn, vì thế tất cả gọi là dân Lạc.  Họ lập Lạc vương, Lạc hầu để coi quận huyện.  Có nhiều Lạc tướng, có ấn đồng lụa xanh.) (1)

 Trong An Nam chí lược, Lê Tắc trích như sau: “Tại Giao Châu ngoại vực ký, tích vị hữu quận huyện thời, lạc điền tùy triều thủy thượng hạ, khẩn kỳ điền giả vi lạc dân, thống kỳ dân giả vi lạc vương, phó vương giả vi lạc tướng, giai đồng ấn thanh thọ…” (Giao Châu ngoại vực ký chép: hồi xưa, chưa có quận huyện, thì lạc điền tùy theo thủy triều lên xuống mà cày cấy.  Người cày ruộng ấy gọi là lạc dân, người cai quản dân gọi là lạc vương, người phó là lạc tướng, đều có ấn bằng đồng và dải sắc xanh làm huy hiệu…) (2)

 Tuy hai cách hành văn khác nhau, nhưng ý chung của cả hai phần trích dẫn trên đây, trong hai sách khác nhau đều bắt đầu rằng ở cổ Việt có một loại ruộng gọi là “lạc điền”, người cày cấy “lạc điền” đề sinh sống là “Lạc dân”, rồi mới có “Lạc vương”, “Lạc hầu”, “Lạc tướng”.

 Di chỉ rõ ràng nhất về nền văn minh Lạc Việt là trống đồng.  Khi Mã Viện (Ma Yuan, 14 TCN – 49) đem quân sang cổ Việt đánh Hai Bà Trưng vào năm 41 (tân sửu), ông lấy được nhiều trống đồng ở cổ Việt, nhiều đến nỗi ông đã dùng các trống đồng đó để nấu chảy và đúc thành con ngựa, dâng lên vua của ông là Hán Quang Võ (Han Kuang-wu, trị vì 25 – 57).  Sử sách Trung Hoa gọi trống đồng ở cổ Việt là “Lạc Việt đồng cổ” (trống đồng Lạc Việt). 

 Như vậy là sau “Lạc điền, Lạc dân, Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng” thì có thêm chữ “Lạc Việt đồng cổ”.  Từ các tài liệu Trung Hoa trên đây, danh xưng Lạc Việt được dùng để chỉ chủng người sống trên đất cổ Việt, và là tổ tiên của người Việt chúng ta ngày nay. (3)

 Trên những trống đồng Lạc Việt, trên mặt trống cũng như trên thân trống, có rất nhiều hình ảnh, trong đó có hình chim, mà không có một tài liệu nào của người xưa giải thích về các hình vẽ, hoặc những ẩn dụ trong các hình vẽ, khắc trên trống đồng.   Các sử sách cổ cũng không giải thích hình chim trên trống đồng Lạc Việt là chim gì?  Nói cách khác, những hình vẽ trên trống đồng Lạc Việt là hình “câm”, và các giải thích của những học giả đời sau chẳng qua là những lời phỏng đoán, những giả thuyết mà thôi, và khó có ai giải mã được đầy đủ ý nghĩa của những hình vẽ nầy.

 Ngoài ra, hình vẽ trên các trống đồng Lạc Việt hoàn toàn không có màu sắc.  Màu sắc các loại chim rất quan trọng vì có nhiều thứ chim có ngoại hình giống nhau, nếu không có màu sắc thì không làm sao phân biệt được.  Ví dụ ở Ontario, Canada, có một loại chim gọi là chim sẻ Azores, ngoại hình và bộ lông hoàn toàn giống chim sẻ bình thường (có rất nhiều ở khắp nơi), chỉ trừ cái ức màu đỏ (khác với chim sẻ bình thường), và tiếng hót rất hay trong khi chim sẻ bình thường không biết hót.  Nếu du khách ghé thăm thác Niagara giữa Hoa Kỳ và Canada, ở phía bờ Canada, khi nghe tiếng chim hót rất hay, chú ý theo dõi trên các cành cây, sẽ thấy ngay loại chim nầy.  

 Ở Việt Nam không có chim Azores.  Nếu đem một tấm hình đen trắng chụp chim Azores về Việt Nam, rồi kể rằng chim nầy hót rất hay, thì người trong nước sẽ không tin điều đó, vì họ nghĩ chim sẻ làm sao hót được?  Vậy những con chim trên trống đồng Lạc Việt chẳng có màu sắc, làm cho việc phỏng đoán thêm khó khăn.

 

2.-   CHIM “LẠC” LÀ CHIM GÌ?

  Để đi tìm ý nghĩa của chữ “Lạc Việt”, các nhà nghiên cứu Việt Nam vào giữa thế kỷ 20 tra cứu chữ “lạc” trong các từ điển Trung Hoa, và được biết rằng một trong những ý nghĩa của chữ “lạc” trong từ điển Trung Hoa là một loài chim.  Các ông liền liên tưởng đến hình chim trên các trống đồng Lạc Việt, và đưa ra giả thuyết rằng chữ “Lạc” trong “Lạc Việt” là một loài chim, và có thể là vật tổ của người Lạc Việt. 

Đầu tiên, học giả Đào Duy Anh, trong sách Lịch sử Việt Nam, xuất bản lần đầu năm 1955, chương 3 (Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, người Lạc Việt), đã viết: “Những điểm ấy khiến chúng ta thấy rằng những người đúc trống đồng ấy – người Lạc Việt – tất đã từng vượt biển.  Những chim hậu điểu ấy người ta thấy khắc trên trống đồng chính là chim tô-tem của những người chủ nhân của những trống đồng ấy, tức là người Lạc Việt.  Tìm ý nghĩa chữ Lạc hay là họ [Lạc], tức là tên thị tộc của người Lạc Việt, chúng ta thấy chữ ấy chỉ là một loại hậu điểu ở Giang Nam.  Xã hội học cho chúng ta biết rằng các thị tộc ở xã hội nguyên thủy thường lấy tên vật tổ mà tự đặt tên.  Như thế thì chữ Lạc chính là tên vật tổ, tức loài chim hậu điểu mà chúng ta thấy hình dung trên trống đồng Ngọc Lũ.”(4)

Đi theo cách thức nghiên cứu của học giả Đào Duy Anh, là các ông Văn Tân, Hà Văn Tấn và linh mục Nguyễn Phương.  Hai nhà nghiên cứu Văn Tân và Hà Văn Tấn tham khảo các từ điển Trung Hoa như Khang Hy, Từ hải, Từ nguyên, để mô tả hình dạng và tranh luận về con chim “lạc”.  Còn sử gia Nguyễn Phương cũng dựa vào các từ điển Trung Hoa, và thêm rằng: “Đối với chúng tôi, thiết tưởng không có gì ngăn trở chúng ta nghĩ rằng thứ chim được vẽ trên các trống đồng rất có thể là chim Lạc.  Những thứ chim đó là giống chân cao mỏ dài nhưng cổ  vắn, thật giống như lời tả gặp được trong các tự điển về chim Lạc nói rằng nó “giống như chim Nghịch nhưng cổ vắn”… (5)

Nếu các tác giả trên đây phỏng đoán rằng hình chim trên các trống đồng là chim “lạc”, vậy chim “lạc” phải là loại chim sống với người cổ Việt, trên đất cổ Việt.  Trong trường hợp đó, câu hỏi đầu tiên cần đặt ra là nước Việt Nam chúng ta có chim lạc hay không?

Trong đời sống thực tế, hiện nay người Việt ở khắp các miền đất nước Việt Nam, không ai biết chim lạc là chim gì, không ai thấy chim lạc như thế nào, và thậm chí cũng chưa hề nghe nói đến một loại chim là chim “lạc”.  Chính các tác giả Đào Duy Anh, Văn Tân, Hà Văn Tấn, Nguyễn Phương cũng không biết chim “lạc” là chim gì, vì nếu biết, các ông đã không cãi nhau về hình dạng con chim “lạc”. 

 Bên cạnh thực tế thiên nhiên, có lẽ cũng nên đi vào các từ điển Việt Nam, chứ không phải từ điển Trung Hoa, để truy tìm chim lạc là chim gì ở Việt Nam?

 Từ điển Annamiticum-Lusitanum, et Latinum của linh mục Alexandre de Rhodes, xuất bản lần đầu tại Rome năm 1651, được Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt và Đỗ Quang Chính dịch, Nxb. Khoa học Xã hội in lại năm 1991, trang 131, không có riêng chữ “lạc” đứng một mình, mà chỉ có chữ kép: “LẠC ĐÀNG: Lạc mất đường.  Chém lạc: Chém trật.  Đi lạc: đi lạc. Chim lạc: chim lạc, và cũng nói về các thú vật khác…”  (sic.)  Chú ý là từ điển nầy không giải thích riêng chữ “lạc”, mà bắt đầu bằng chữ “Lạc đàng”.

 Trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, xuất bản ở Sài Gòn năm 1895 có chữ “lạc”, nhưng không có chữ “lạc” nào nói đến ý nghĩa là con chim hay con thú.  Từ điển tiếng Việt do Ban Văn học Hội Khai Trí Tiến Đức Hà Nội khởi thảo, Imprimerie Trung Bắc Tân Văn ấn hành năm 1931, đưa ra năm ý nghĩa của chữ “lạc” (trang 290), nhưng không có ý nghĩa là chim hay thú.  Tự điển Việt Nam phổ thông của Đào Văn Tập, Nhà sách Vĩnh Bảo, Sài Gòn 1951, có chữ “lạc”, nhưng cũng không có chữ “lạc” nào chỉ con chim hay con thú.  Trong Việt ngữ chính tả tự vị của Lê Ngọc Trụ, Sài Gòn, Nxb. Thanh Tân năm 1959, trang 260, mục chữ “lạc”, nghĩa thứ 5, có ghi: “tên loại thú”.  Sau đó trong Việt Nam từ điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, Nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1970, cũng không đề cập ý nghĩa “lạc” là chim hay thú.  Tại Hà Nội, Từ điển tiếng Việt, in lần thứ ba, năm 1991, do Văn Tân chủ biên cùng 12 tác giả hợp soạn (trong đó, ngoài Văn Tân, có những tác giả nổi tiếng như Trần Văn Giáp, Hoa Bằng…), cũng không có chữ “lạc” nào có nghĩa là thú hay chim.

 Trong các sách trên đây, chỉ có từ điển của Alexandre de Rhodes viết “Chim lạc: chim lạc, và cũng nói về các thú khác”, và từ điển của Lê Ngọc Trụ ghi “lạc” là “tên loại thú”.  Còn các từ điển khác thì không đề cập đến chim lạc hay “lạc” là “tên loài thú”.  Từ điển của A. de Rhodes và của Lê Ngọc Trụ đều không xác định được chim lạc là chim gì, mà còn dẫn người ta đến chỗ “lạc” là một loại thú.  Ngay cả ông Văn Tân, trước đây rất hùng biện về hình dạng chim “lạc”, nhưng nay trong bộ Từ điển tiếng Việt do chính ông chủ biên và xuất bản nhiều lần tại Hà Nội, lại không có chữ nào nói về con chim “lạc”. 

 Cuối cùng, đi tìm trong truyện cổ tích Việt Nam, trong truyện thần thoại Việt Nam (Việt điện u linh tập, Lĩnh Nam chích quái), trong truyện dân gian đồng quê Việt Nam, trong ca dao, trong tục ngữ Việt Nam, hoàn toàn không có dấu vết con chim lạc.

 Như thế con chim “lạc” theo sự phỏng đoán của những nhà nghiên cứu trên đây, cũng không khác gì con rồng trong truyền thuyết, vì chẳng có ai thấy con rồng, và trong thực tế không có con rồng.  Đã không biết chim lạc là chim gì, thì làm sao có thể đoán được hình chim trên trống đồng là chim lạc? 

 Ngoài ra, nếu chim lạc là vật tổ, là loại chim quan trọng, thì hình chim lạc phải nằm ở vị trí trang trọng nhất trên mặt trống đồng, đó là vị trí trung tâm.  Đàng nầy, hình chim trên các trống đồng Lạc Việt không nằm ở vị trí trung tâm, mà nằm ở vòng ngoài cùng; cũng không phải chỉ có một hình chim trên mỗi trồng đồng, mà có rất nhiều hình chim (vừa bay vừa đậu) chạy vòng tròn quanh mặt trống, có thể xem là những hoa văn trang trí chung quanh mặt trống mà thôi.

Bề mặt trống đồng Ngọc Lũ. (6)  Hình chim bay và đậu ở vòng ngoài cùng.

Nền văn minh nông nghiệp ở Việt Nam từ thuở ban đầu cho đến thế kỷ 19, rất ít thay đổi nếu không muốn nói là không thay đổi.  Kỹ thuật cày cấy theo đúng câu phương châm “xưa bày nay làm”, vẫn là con người kéo cày, hoặc “con trâu đi trước cái cày theo sau”.  Do đó, nếu con chim lạc là một loại hậu điểu và là vật tổ của nông dân cổ Việt, tại sao vật tổ nầy hoàn toàn không có vết tích gì được ghi lại trong tín ngưỡng vật linh, trong truyền thuyết dân gian, trong chuyện cổ tích, trong sách vở, trong ngôn ngữ và ngay cả trong phong tục hay đời sống hằng ngày của nhà nông Việt Nam? 

Người Việt gọi cá ông (cá voi), ông ba mươi (con cọp), nhưng tuyệt nhiên không có ai nói gì đến chim lạc hay hậu điểu.

 

3.-   “LẠC” LÀ MỘT TỪ NGỮ PHIÊN ÂM

 Vào thế kỷ thứ 18, học giả Lê Quí Đôn (1726-1784) trong sách Vân đài loại ngữ, khi nghiên cứu về cổ sử, đã đưa ra nhận xét: "…Tôi xét đời Hùng Vương, trên nối đời Hồng Bàng, không có chữ nghĩa gì truyền lại; về 15 bộ đặt ra thời đó, cùng với các quận huyện do nhà Hán, nhà Ngô [Trung Hoa] mới đặt ra, tên gọi lẫn lộn; tôi ngờ rằng những tên đó do các hậu nho góp nhặt vay mượn chép ra, khó mà tin được…" (7) Những “hậu nho” nầy chẳng những là “hậu nho” Việt, mà cả những “hậu nho” Trung Hoa nữa.

Việc “các hậu nho góp nhặt vay mượn chép ra, khó mà tin được” bắt nguồn từ hai lý do:  Thứ nhất, trước khi Triệu Đà áp đặt nền đô hộ ở cổ Việt năm 198 TCN (quý mão), những danh từ riêng như tên đất, tên người đều là tiếng bản địa cổ Việt.  Khi đến đô hộ cổ Việt, người Trung Hoa phiên âm các danh từ nầy, rồi viết lại, nghĩa là người Trung Hoa dùng những chữ Hán có âm giống tiếng cổ Việt, ghi lại địa danh và nhân danh.  Chắc chắn chữ “Lạc Việt” cũng nằm trong trường hợp đó.

Thứ hai, tuy Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán (mậu tuất), giành độc lập vĩnh viễn cho người Việt năm 938 (mậu tuất), nhưng mãi đến thế kỷ thứ 13, nước Việt mới có bộ chính sử đầu tiên là Đại Việt sử ký do Lê Văn Hưu (1230-1322) soạn xong năm 1272 dưới đời vua Trần Thánh Tông (trị vì 1258-1278).  Ghi nhận điểm nầy để lưu ý rằng trước đó nước Việt chưa có sách sử.  Các sử gia từ Lê Văn Hưu trở về sau, muốn viết lại lịch sử nước nhà từ thời cổ đại, đều phải dựa vào sử liệu Trung Hoa, đồng thời dựa thêm những truyền thuyết, chuyện cổ tích, chuyện truyền kỳ, mới có thể viết được.  Vì vậy, Lê Quý Đôn mới viết “tên gọi lẫn lộn; tôi ngờ rằng những tên đó do các hậu nho góp nhặt vay mượn chép ra, khó mà tin được…"

 Trong sách Việt Nam thời khai sinh, sử gia Nguyễn Phương trích dịch một bài báo của Claude Madrolle nhan đề “Le Tonkin ancien” đăng trên Tập san Viễn Đông Bác Cổ (Bulletin de l’École Française d’Extrême-Orient), theo đó Claude Madrolle cho rằng chữ “Lạc” trong “Lạc Việt” là một chữ phiên âm.  Claude Madrolle viết:

 “Tiếng đã quá quen biết với chúng ta đó, các sách Trung Hoa dùng để chỉ vị vua và các tướng cùng dân ở Bắc Kỳ, nghĩa là dân Annamites, và chúng ta cũng dùng hùa theo như vậy.  Tuy nhiên trong cảnh xưng hô chung đó, có một chỗ chúng tôi cho là không được ổn đó là vì tiếng phiên âm “lo” cũng gặp được tiếng “Hok-lo, tổ tiên của dân Hải Hậu… Sự trùng hợp đó làm sáng tỏ công trình nghiên cứu của chúng tôi.  Thực ra người Lạc ở châu thổ không phải là dân Annamites, nhưng là dân Hok-lo của nước Việt, gọi là Hải Hậu…”(8)

 Sau Claude Madrolle, tác giả Hoàng Văn Chí, trong sách Duy văn sử quan, cũng chủ trương rằng chữ “lạc” là một chữ phiên âm.  Ông cho biết người Trung Hoa đã phiên âm chữ “lạc” với nhiều cách khác nhau, tức với nhiều “bộ” khác nhau, nhưng theo ông “bất cứ chữ Lạc nào [trong chữ Hoa], viết với bất cứ “bộ” nào, với nghĩa là con lạc đà, con chim biển, hay một con thú bốn chân nào đó, cũng đều vô nghĩa.  Và đã không có nghĩa, mà viết lung tung, “bộ nọ, bộ kia”, thì chúng ta phải ngờ đây là những chữ người Tàu đã dùng để phiên âm một tiếng nào đó của người địa phương, của tổ tiên chúng ta.”(9)

 Thông thường, một chữ phiên âm thì phải đọc cho đúng âm của chữ đó.  Sau khi đọc cho đúng âm, lại cần phải tìm hiểu ý nghĩa của chữ đó trong tiếng gốc trước khi được phiên âm, và trong trường hợp nầy là tiếng cổ Việt, thì mới hiểu được chữ đó.  Chữ Lạc viết bằng chữ Trung Hoa.  Người Trung Hoa chỉ dùng âm của chữ nầy để chỉ chủng người ở cổ Việt.  Vậy phải đọc theo âm Trung Hoa mới đúng, chứ không phải đọc theo âm Hoa (Hán) Việt.  Chữ “Lạc” đọc theo âm Hán Việt của người Việt là “lạc”, còn đọc theo âm của người Trung Hoa là “lo, ló, lô”.  Ví dụ Lạc Dương, kinh đô Trung Hoa thời nhà Châu được phiên âm theo chữ Latin là Loyang.  Rõ ràng âm “Lo” là Lạc.

 Về việc phát âm chữ nầy, ông Hoàng Văn Chí viết rõ hơn: “Ngay cả cái lò để nung, người Tàu gọi là lò, chúng ta cũng bắt chước gọi là lò, mà chữ Lò của Tàu, bây giờ tiếng Hán Việt cũng là Lạc.  Tóm lại, những chữ mà người Tàu đọc là ló, hay lò, bây giờ chúng ta đọc là lạc hết thảy.  Vì người Tàu chỉ dùng chữ Lạc để phiên âm tiếng Ló của người Giao Chỉ, nên về sau, họ viết bất cứ chữ Lạc nào, Lạc là con lạc đà, Lạc là chim biển cũng được, vì bất cứ chữ Lạc nào, viết với bất cứ “bộ” nào, họ cũng đọc là Ló tất.” (9)

 Tiếp đó, nếu đọc là “lo, ló, lô”, thì phải tìm hiểu ý nghĩa những chữ nầy trong tiếng Việt cổ.  Còn nếu chúng ta nhất định đọc theo âm Hán Việt là “lạc”, rồi tìm hiểu nghĩa theo chữ Trung Hoa, thì chúng ta sẽ bị lạc hướng. 

 Ví dụ tên nước Canada được người Trung Hoa đọc theo tiếng “Phổ thông” là “Cá nả tà(i)”, rồi phiên âm qua chữ Trung Hoa.  Người Việt đọc chữ Trung Hoa đó theo âm Hoa (Hán) Việt là Gia Nã Đại.  Tên của thủ đô nước Hoa Kỳ là Washington.  Người Trung Hoa đọc là  “Hỏa shỉn tơn”, rồi phiên âm qua chữ Trung Hoa.  Người Việt đọc chữ Trung Hoa đó theo âm Hoa Việt là Hoa Thạnh Đốn.  Không lẽ một lúc nào đó, người Việt giải thích rằng “Gia” là…, hoặc “Hoa” là… Giải thích “Hoa” là cái bông hoa hay là cái gì đi nữa, dù là có nghiên cứu thiên kinh vạn quyển về chữ “hoa”, về các loại hoa, cũng đều hoàn toàn vô nghĩa, vì đã sai từ căn bản, do chữ “hoa” thật sự chỉ là một tiếng phiên âm. 

Trường hợp chữ “Lạc Việt” cũng thế.  Chữ “lạc” là tiếng phiên âm một từ ngữ của người bản địa cổ Việt.  Dầu có nghiên cứu thiên kinh vạn quyển về chữ “lạc” trong sách Trung Hoa, trong các bộ từ điển như Khang Hy, Từ hải, Từ nguyên, và dầu các bộ từ điển nầy đã căn cứ trên những cổ thư danh tiếng của Trung Hoa,(10) thì đó là ý nghĩa chữ “lạc” trong tiếng Trung Hoa phát âm theo lối Hán Việt, chứ không phải là chữ phiên âm từ tiếng của người bản địa cổ Việt. (11) 

 

4.-   “LẠC” LÀ LÚA GẠO

 Chữ “lạc” đọc theo âm Hán Việt là “lạc”, nhưng đọc theo âm tiếng Hoa là “lo, ló, hay lô…”  Như vậy, cách tốt nhất nên tìm nghĩa của chữ  có âm “lo, ló, lô” trong tiếng cổ Việt là gì? 

 Xin hãy bắt đầu bằng tục ngữ, là những lời nói bình dân phổ thông có vần điệu của mọi người.  Tại miền Quảng Bình, phía bắc Trung phần, có câu tục ngữ: “Cơm mô [đâu] cho vừa bụng chó, ló mô cho vừa bụng gà”.   Chữ “ló” trong câu nầy có nghĩa là “lúa”, vì từ Thừa Thiên ra đến Nghệ An, dân chúng nông thôn đều hiểu và nói thường ngày chữ “ló”, nghĩa là lúa.  Ngoài ra, ai cũng biết người miền núi và cao nguyên Việt Nam đều trồng một loại lúa gạo gọi là lúa lốc.  Chữ “lốc” cũng là một lối đọc từ chữ “ló” mà ra.

 Gần đây, xuất hiện hai bộ từ điển tiếng Việt là Từ điển đồng nguyên (viết trên CD) của ông Nguyễn Hy Vọng, và Từ điển tiếng Huế của ông Bùi Minh Đức (California: Nxb. Tâm An, 2001, tr. 271), đều viết rằng “ló” có nghĩa là “lúa gạo”.  Theo tác giả bộ Từ điển đồng nguyên, từ ngữ nầy hiện vẫn được dùng ở một số sắc tộc miền núi nước ta như người Mường, người Bờ-ru (Brou), người Mon…, và nhiều sắc dân Đông nam Á.

 Có hai chi tiết đáng chú ý trong câu viết của sách Thủy kinh chú, khi trích dẫn Giao Châu ngoại vực ký: “Giao Chỉ tích hữu quận huyện chi thời, thổ địa hữu lạc điền.  Kỳ điền tòng thủy triều thượng hạ.  Dân khẩn thực kỳ điền, nhân các vị Lạc dân, thiết Lạc vương, Lạc hầu. Đa vi Lạc tướng…” (Xưa, khi Giao Chỉ chưa thành quận huyện, đất đai có ruộng gọi là ruộng Lạc, ruộng đó tùy thủy triều lên xuống mà làm.  Dân khẩn ruộng đó mà ăn, vì thế tất cả gọi là dân Lạc.  Họ lập Lạc vương, Lạc hầu.  Có nhiều Lạc tướng…) 

 Chi tiết thứ nhất là “Giao Chỉ tích hữu quận huyện chi thời, thổ địa hữu lạc điền. Kỳ điền tòng thủy triều thượng hạ.” (Xưa, khi Giao Chỉ chưa thành quận huyện, đất đai có ruộng gọi là ruộng Lạc, ruộng đó tùy thủy triều lên xuống mà làm.).  Tùy thủy triều lên xuống mà cày cầy, thì rõ ràng ruộng Lạc là loại ruộng lúa nước, nghĩa là lúa gạo chứ không phải lúa mì hay lúa mạch ở ruộng khô. 

Theo Phan Khoang, “từ đời Tây Châu [1186-771 TCN] trở về trước, người Hoa chỉ chiếm lưu vực sông Hoàng Hà...” (12)  Điều nầy rất dễ nhận thấy nếu chịu khó mở bất cứ một bản đồ nào về nhân chủng và dân số Trung Hoa qua các thời đại trong các sách Anh ngữ viết về Trung Hoa cổ đại trong các thư viện Bắc Mỹ.  Người Trung Hoa cổ đại sống ở thung lủng sông Hoàng (Hoàng Hà), trồng (lúa) mì, (lúa) mạch và kê ở ruộng khô, chưa biết lúa gạo ở ruộng nước. 

Một nhà nghiên cứu Hoa Kỳ cho biết: “Thuật trồng lúa gạo và thuần hóa gia súc chắc chắn [Trung Hoa] đã tiếp thu từ các sắc dân tầm thường ở miền nam xa xôi hẻo lánh [nam Man].” (nguyên văn: “The arts of cultivating rice and domesticating cattle were doubtless adopted from the despised races of the remote south.”

Cũng nhà nghiên cứu nầy cho rằng Đức Khổng Tử (13) “sống chủ yếu bằng loại bánh làm bằng kê” (nguyên văn: “…Confucius have subsisted chiefly on millet cakes…”), và “Khổng Tử chưa bao giờ thưởng thức trà, và chắc chắn rằng Vương Xung, sáu thế kỷ sau, cũng thế.” (nguyên văn: “…Cofucius never tasted tea, and it is doubtful that Wang Ch’ung, six centuries later, did either….” (14)  Trà là loại giải khát cũng phát xuất từ miền nam.

Càng ngày càng có nhiều kết quả khảo cứu của các học giả Hoa Kỳ,  Nga, Trung Hoa và cả Việt Nam, cho thấy rằng trung tâm đầu tiên trên thế giới của nền văn minh lúa nước là Đông nam Á, rồi từ đó lan truyền đi khắp nơi trên thế giới.  Cũng theo các tác giả trên, tâm điểm của trung tâm văn minh lúa nước ở Đông nam Á chính là khu vực Hòa Bình ở Bắc Việt. (15)  Hòa Bình nằm trong khu vực uốn khúc sông Đà để đổ lên sông Hồng, gần huyện Mê Linh (tức Phú Thọ, Vĩnh Phúc), quận Giao Chỉ thời cổ Việt, nơi phát tích của Hai Bà Trưng.

 “Theo một tư liệu được coi như tiếng nói chính thức của giới nghiên cứu sử học Trung Quốc, quyển An Outline History Of China, do nhà xuất bản Ngoại văn ở Bắc Kinh ấn hành, trong khoảng giữa năm 1973 đến 1978, các nhà khảo cổ đã khai quật được một số lượng rất lớn các di chỉ lúa gạo, xương và các lưỡi mai bằng gỗ đã hóa thạch dùng trong việc trồng lúa ở làng Hemudu, thuộc huyện Yuyao, tỉnh Zhejiang; niên đại các di chỉ này cách nay 7.000 năm.” (16)

 Tỉnh Zhejiang (phiên âm theo Pinyin), còn được viết là Chekiang (phiên âm theo Wade-Giles) tức là tỉnh Triết Giang hay Chiết Giang (phiên âm Hoa Việt) bên Trung Hoa, nằm ở phía đông nam sông Dương Tử, phía trên tỉnh Phúc Kiến.  Cách nay 7,000 năm có nghĩa là 5,000 TCN, lãnh thổ tỉnh Zhejiang tức Triết Giang hay Chiết Giang chưa thuộc về Trung Hoa.  Tài liệu nầy càng cho thấy rõ việc trồng lúa ở Trung Hoa phát xuất từ phía nam mà đi lên.

 Người Trung Hoa gọi những người ở phía nam sông Dương Tử là Bách Việt, trong đó Zhejiang tức Triết Giang hay Chiết Giang là nơi cư ngụ của nhóm người Đông Việt.  Đông Việt thuộc chủng Việt, chứ không phải là người Hoa (Hán), và ai cũng biết các chủng người Việt ở phía nam sông Dương Tử trong nhóm Bách Việt, có nhiều liên hệ với nhau vào thời cổ đại.  Bằng chứng của mối liên hệ nầy là ngày nay, nhiều người địa phương từ tỉnh Triết Giang xuống phía nam, sử dụng một số từ ngữ rất giống tiếng Việt và không có trong tiếng Trung Hoa, vì chính họ cũng gốc từ nhóm Bách Việt, trong đó có Lạc Việt (17).  Hiện nay, vấn đề chủng tộc “Việt” (Yueh) là một vấn đề chính trị rất nhạy cảm ở các tỉnh đông nam Trung Hoa và cả Đài Loan nữa.

 Chi tiết thứ hai trong câu văn của Thủy kinh chú lập lại ý của Giao Châu ngoại vực ký là: “Giao Chỉ tích hữu quận huyện chi thời, thổ địa hữu lạc điền… Dân khẩn thực kỳ điền, nhân các vị Lạc dân, thiết Lạc vương, Lạc hầu. Đa vi Lạc tướng...” (Xưa, khi Giao Chỉ chưa thành quận huyện, đất đai có ruộng gọi là ruộng Lạc… Dân khẩn ruộng đó mà ăn, vì thế tất cả gọi là dân Lạc.  Họ lập Lạc vương, Lạc hầu.  Có nhiều Lạc tướng…)  Trong câu nầy, chữ “lạc” bắt đầu từ “lạc điền”, sau đó được lặp lại nhiều lần, “lạc dân, lạc vương, lạc hầu, lạc tướng”; tất cả đều bắt đầu bằng chữ “lạc”. 

Nếu hiểu chữ “lạc” là lúa nước tức lúa gạo, thì chữ “Lạc điền” nghĩa là “ruộng lạc”, tức là ruộng lúa nước, hữu lý hơn là chữ “lạc” là chim, vì nếu “Lạc điền” là “ruộng chim lạc”, thì ý nghĩa không được chính xác.  Có thể có người cho rằng “Lạc điền” là ruộng “người Lạc” thì cũng không đúng, vì trong trình tự câu văn nầy, rõ ràng bắt đầu từ “lạc điền” (ruộng ló tức ruộng lúa gạo).  Sau đó tác giả Giao Châu ngoại vực ký mới định danh rằng “Dân khẩn thực kỳ điền, nhân các vị Lạc dân, thiết Lạc vương, Lạc hầu chủ chư quận huyện.  Đa vi Lạc tướng…” (Dân khẩn ruộng đó mà ăn, vì thế tất cả gọi là dân Lạc.  Họ lập Lạc vương, Lạc hầu để coi quận huyện.  Có nhiều Lạc tướng…)  Hơn nữa, theo ông Hoàng Văn Chí, không ai nói “Hán điền” (ruộng Trung Hoa) hay “Pháp điền” (ruộng Pháp) nên không thể nói “Lạc điền” là ruộng của “người Lạc”.(18)

 Cuối cùng tất cả những “Lạc dân”, “Lạc vương”, “Lạc hầu”, “Lạc tướng” sống bằng “lạc điền” được gọi chung là Lạc Việt, tức là sắc dân Việt cày cấy ruộng lúa gạo để sinh sống, nhắm phân biệt với các sắc dân Việt khác trong nhóm Bách Việt ở phía nam sông Dương Tử như Mân Việt ở Phúc Kiến, Dương Việt ở Giang Tây, Nam Việt ở Quảng Đông, Đông Việt ở Chiết Giang…  Sắc dân Lạc Việt được nhắc nhiều đến trong sách Hậu Hán thư của Phạm Việp (Fan Yeh, 398-446), nhất là từ giai đoạn Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống Tô Định (Su Ting) năm 40 (canh tý) và Mã Viện cầm quân tấn công Hai Bà Trưng năm 41 (tân sửu), xâm lăng Lạc Việt.

 

5.-   CHIM GÌ TRÊN TRỐNG ĐỒNG?

Nếu nói rằng chữ “lạc” không phải là chim lạc, và chữ “lạc” là “lo, ló, lô”, tức lúa gạo, “lạc điền” là ruộng lúa gạo, “Lạc Việt” là người Việt sống bằng ruộng lúa gạo, thì một câu hỏi mới cần được đặt ra là hình chim trên trống đồng là loại chim gì?

Để trả lời câu hỏi nầy, trước hết chúng ta nên đặt thêm một câu hỏi phụ là ở Việt Nam, từ xưa tới nay, loại chim nào là loại chim sống gần với ruộng lúa nước, với nhà nông và với nghề nông nhất?  Trả lời câu hỏi phụ nầy là có thể trả lời luôn câu hỏi về hình chim trên trống đồng Lạc Việt, tức trống đồng của những người Việt sống nhờ “lạc điền”, trồng lúa nước tức lúa gạo.

Trên các cánh đồng lúa Việt Nam, có các loại chim thông thường sau đây: chim sẻ, chim mía, chim sâu, chim ột rột hay rột rột (một loại chim có tổ rất đẹp), chim sáo, chim cu đất, chim cu cườm, chim cò, chim hạc…  Trong số các loại chim nầy, chim cò và chim hạc, hai loại chim hơi giống nhau, với mỏ dài, cổ dài, cánh dài xem ra có vẻ giống với các hình chim được vẽ trên trống đồng hơn các loại chim khác. 

Trên trống đồng, ngoài hình chim, còn có nhiều hình khác nữa trong đó có hình người, có thể là những vũ công, hoặc có thể là những chiến sĩ đang nhảy múa.  Những người nầy trang điểm bằng những lông chim dài trên đầu.  Trong số các loài chim trên đồng ruộng Việt Nam, chim cò có lông dài, có thể dùng để trang điểm, đeo lên đầu, như hình người trên các trống đồng Lạc Việt. 

Thứ nhất hình dạng cổ của con chim.  Có thể có ba cách suy đoán hình dạng nầy:  1) Đây có thể là cái bìu dài nơi cổ. Nếu là cái bìu dài ở cổ, thì đây phải chăng là chim bồ nông, một loại chim săn cá?  Chim bồ nông cũng là một loại chim có mặt trên đồng ruộng Việt Nam. Tuy nhiên, ở Việt Nam chim bồ nông không phổ thông như chim cò, có nhiều nơi hoàn toàn không có bồ nông, trong khi chim cò tràn đầy khắp nơi, từ bắc chí nam, từ bình nguyên lên cao nguyên, nơi nào có hồ ao, ruộng lúa là có chim cò.  2)  Đây cũng có thể là chim cò đang ngậm miếng mồi, vì sau khi bắt được mồi, chim đậu lên cành để nghỉ. 3) Đây có thể là chim cò, và bộ lông chim ở cổ chim bị gió thổi hất tung ra ra. 

 Thứ hai, tại sao có những chiếc lông bờm dài trên đầu hình chim?  Có người trả lời rằng đây không phải là những lông bờm trên đầu cò, nhưng nếu thường sống ở nông thôn Việt Nam, thì có thể thấy được hình ảnh nầy: trong những ngày lộng gió, gió thổi làm cho lông đầu của cò xửng lên khá giống tấm hình nầy. 

Có thể người xưa chú trọng đến việc trang điểm bằng lông chim nên vẽ lông chim cò theo mô thức mà họ thích.  Phải chăng bộ lông dài trên đầu xửng lên là nét độc đáo của cò, nên sở Bưu Điện Hoa Kỳ ghi lại hình ảnh nầy trên tem thư (stamp) phát hành năm 2003?  Đây là hình loại “snowy egret”, một trong những loại cò sống từ miền nam Hoa Kỳ xuống tới Chile và Argentina.  Lông chim dài, trắng như tuyết, rất đẹp; dân chúng thích săn bắt loại cò nầy để lấy lông làm đồ trang điểm, nên hiện nay chính phủ Hoa Kỳ ra lệnh cấm săn bắt loại chim nầy để bảo vệ chim khỏi bị tuyệt chủng.

Chim cò hiện diện trên khắp lãnh thổ Việt Nam, ở miền bình nguyên cũng như trên các cao nguyên.  Cò chuyên bắt cá, tôm, tép, cua, ếch, nhái trên các ao hồ, sông ngòi và nhất là trên các cánh đồng lúa nước.  Cò gắn liền với đời sống nông nghiệp, bàng bạc trong ca dao tục ngữ Việt Nam.  Cò có chân dài, bước trên ruộng nước lúp xúp để kiếm mồi, mỏ dài để thò xuống nước bắt mồi, và cò dễ kiếm mồi ở những ruộng nước đục (đục nước béo cò).  Đôi khi cò giẫm hư lúa của nhà nông.  Vì vậy ca dao có câu:

 “Cái cò cái vạc cái nông,

Sao mày giẫm lúa nhà ông hởi cò?

Không không tôi đứng trên bờ

Mẹ con cái vạc đổ ngờ cho tôi…”

Bất cứ khi nào ra đồng cày cấy, nhà nông cũng gặp ngay con cò, dù sáng sớm hay xế chiều, kể cả phải kiếm ăn ban đêm:

 “Con cò mà đi ăn đêm,

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…”

Vào những ngày đẹp trời, cò bay lượn thong thả rất đẹp, được ghi lại trong một bài ca:

 “Con cò bay lã bay la,

Bay qua ruộng lúa, bay về đồng xanh…” 

Thân cò mảnh khảnh, lại rất siêng năng, kiếm sống suốt ngày, không khác gì người phụ nữ Việt Nam, cần cù làm việc trên các cánh đồng để nuôi nấng gia đình, thay cho chồng lên đường theo phận sự nam nhi:

 “Thân cò lặn lội bờ sông,

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.

Nàng về nuôi cái cùng con,

Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng…”

Câu ca dao nầy đưa chúng ta liên tưởng đến hình ảnh bà Trần Tế Xương, một phụ nữ Việt Nam tiêu biểu, do chính chồng bà ghi lại:

Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Lặng lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Một duyên hai nợ, âu đành phận,

Năm nắng mười mưa, dám quản công.

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,

Có chồng hờ hững cũng như không(20)

Tất cả những câu ca dao, tục ngữ, bản nhạc, bài thơ trên đây cho thấy tâm tình của người dân Việt Nam nói chung, và đặc biệt nông dân Việt Nam nói riêng, rất gần gũi với chim cò.  Như thế chắc chắn vào thuở bình minh của lịch sử dân tộc, người Lạc Việt cũng tiếp cận thân thiết với con cò trong khi cày cấy đồng ruộng mà theo Giao Châu ngoại vực ký là loại ruộng nước.  Loại ruộng nước rất thích hợp với đời sống con cò. 

 Ngày ngày, người nông dân thuở sơ khai gặp gỡ thường xuyên con cò đi kiếm ăn trên những cánh đồng lúa nước, nên hình ảnh của con cò gắn liền với đời sống của họ, thấm đậm trong tâm tư tình cảm của họ.  Vì vậy, có thể người Lạc Việt đã ghi lại hình ảnh con cò trên các trống đồng của mình.  Nói cách khác, hình chim trên trống đồng Lạc Việt có thể là những con cò trên đồng lúa cổ Việt, và chủng loại cò đó tồn tại mãi cho đến ngày nay ở Việt Nam.

 Khi giải thích chữ “Lạc Việt” và hình chim trên trống đồng Lạc Việt, những nhà nghiên cứu từ   Đào Duy Anh đến Nguyễn Phương chỉ chú trọng đến những bộ từ điển có tính cách hàn lâm Nho học của Trung Hoa, mà không nhìn lại những bộ từ điển Việt Nam như Annamiticum-Lusitanum, et Latinum (năm 1651) của linh mục Alexandre de Rhodes, Đại Nam quấc âm tự vị (năm 1895) của Huỳnh Tịnh Paulus Của, hay Từ điển tiếng Việt (năm 1931) của Hội Khai Trí Tiến Đức Hà Nội, là những bộ từ điển đã được ấn hành trước thời các ông. 

 Ngoài ra, còn có một bộ từ điển khổng lồ mà ai cũng có thể tra cứu.  Đó là đời sống của nông dân Việt Nam trong cảnh quan thiên nhiên, với những sinh thực vật thân thiết chung quanh.  Đó là những ruộng lúa trên khắp các nẻo đường đất nước, cùng với những động vật sống theo đồng ruộng, sống nhờ đồng ruộng. 

 Trong thực tế, những đồng ruộng đó đã nuôi sống dân tộc chúng ta từ thuở khai sinh, và cũng nuôi sống luôn một số động vật khác, trong đó con cò rất gần gũi thân thiết với nhà nông, nhưng vì quá bình dân và quá quen thuộc, nên không được các học giả chú ý. 

 Con cò là đề tài của ca dao tục ngữ, của thơ văn, âm nhạc, thế thì tại sao con cò không thể là đề tài của điêu khắc và hội họa?   Nền điêu khắc và hội họa nầy rất xưa, thật là xưa.  Đó là những hình vẽ trên trống đồng Lạc Việt, xuất hiện cách đây trên 2,000 năm.

 Để kết luận, xin lưu ý trở lại rằng tất cả những hình ảnh trên trống đồng Lạc Việt đều là hình “câm”.  Những ý kiến đưa ra chung quanh các hình ảnh trên trống đồng, kể cả bài viết nầy, chỉ là những phỏng đoán, những giả thuyết, chứ không phải là những kết luận.  Giả thuyết có thể đúng, có thể sai.  Giả thuyết nào hợp lý sẽ đứng vững.  Hy vọng sẽ có thêm những thảo luận về vấn đề nầy để càng ngày càng làm sáng tỏ hơn nữa lịch sử thuở khai sinh của dân tộc Việt.

----------

CHÚ THÍCH

1. Nguyễn Phương trích dịch, Việt Nam thời khai sinh, Huế: Phòng Nghiên cứu Sử, Viện Đại học Huế, 1965, tt. 137-138.

2. Lê Tắc, An Nam chí lược [chữ Nho],Huế: Uỷ ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam,Viện Đại học Huế, phiên âm và dịch nghĩa, 1961, tr. 39. 

3. Trong sách Việt Nam thời khai sinh, sử gia Nguyễn Phương cho rằng tổ tiên của người Việt thuộc chủng Mông-cổ (Mongoloiid), nhưng ông không giải thích vì sao người Việt nói tiếng Việt chứ không nói tiếng Trung Hoa.  Trong khi đó, càng ngày càng có nhiều tài liệu cho thấy người Việt là hợp chủng của người bản địa cổ Việt (Malayo-Polinesian hay Indonesian) với người Mông-cổ đến sau, mà trong đó yếu tố bản địa có tính cách chủ yếu.

4. Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam [xuất bản lần đầu năm 1955], Hà Nội: Nxb. Văn Hóa Thông Tin [tái bản], 2002, tr. 38.  Theo lời nói đầu trong sách, Đào Duy Anh cho biết ông soạn sách nầy từ năm 1949 ở Thanh Hóa, nơi tìm ra được nhiều trống đồng. Cuốn sách này về sau được tác giả viết lại đầy đủ hơn và được xuất bản năm 1957, với tựa Cổ Sử Việt Nam.

5. Nguyễn Phương, sđd. tr. 136.

6. Trống đồng Ngọc Lũ: phát hiện năm 1893, nguyên vẹn trong lòng đất ở xã Như Trác, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.  Đường kính 79 cm, cao 63 cm.  Bề mặt: Mặt trời 14 tia, 3 vành hoa văn: 1 vành cảnh sinh hoạt, 1 vành 20 hươu đi và 14 chim bay, 1 vành 18 chim bay xen kẽ 18 chim đứng.  Tang: Hoa văn hình thuyền, lưng hoa văn người múa. (Hình vẽ lại, trích từ Phạm Huy Thông (Chairman of Editorial Board), Dong Son Drums in Viet Nam, Hà Nội: The Vietnam Social Science Publishing House, 1990, tr. 5.) [Theo ghi chú của Nxb., sách in ở Nhật Bản.]

7. Lê Quí Đôn, Vân đài loại ngữ, Hoa Kỳ: bd. của Phạm Vũ và Lê Hiền, Tự Lực [tái bản], không đề năm ấn hành, tr. 167. 

8. Nguyễn Phương trích dịch, sđd. tt. 132-133.  (Về số báo, Nguyễn Phương ghi là BEFEO XL)

9. Hoàng Văn Chí, Duy văn sử quan, Nxb. Cành Nam, Hoa Kỳ, 1990, tt. 78 và 79.

10. Các từ điển Khang Hy, Từ hải, Từ nguyên được soạn từ thế kỷ 17, 18 trở đi ở Bắc Kinh (Trung Hoa), và căn cứ trên những bộ cổ thư Trung Hoa, nên có tính Trung Hoa hơn là cổ Việt hoặc Đại Việt.  Những bộ cổ thư đó đại để như Tứ thư, Ngũ kinh, Đạo đức kinh, Nam hoa kinh, Mặc tử, Liệt tử, Sử ký (Tư Mã Thiên), Chiến quốc sách, Ngô Việt xuân thu, Hán thư (Ban Cố), Hậu Hán thư (Phạm Việp), Hoài Nam tử, Quốc ngữ, Thuyết văn, Nhĩ nhã, Quảng nhĩ nhã…

11. Từ vấn đề nầy, có lẽ nên mở rộng việc nghiên cứu thêm một số tên của những nhân vật nổi tiếng như Trưng Trắc, Triệu Thị Trinh…

12. Phan Khoang, Trung Quốc sử lược, Đại Nam tái bản không đề năm, tr. 1.

13. Khổng Tử (551-478 TCN): người tỉnh Sơn Đông (Shandong hay Shantung) vùng hạ lưu Hoàng Hà và ở phía bắc sông Dương Tử.

14. Edward H. Schafer, Ancient China, New York: Time-Life Books, 1967, tt. 16, 37, 38.  Wang Ch’ung tức Vương Xung (27-97), triết gia thời Đông Hán (25-220) là tác giả nhiều sách lý luận về triết học, trong đó quan trọng nhất là bộ Luận hoành (Lun Heng, 30 quyển).  Hoành là cái cân, nghĩa rộng là cân nhắc, so sánh.

15. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. TpHCM, 1997, tt. 75-86.

16. Nguyễn Đức Cung, “Chung quanh vấn đề Lạc Việt”, tạp chí Đất Mẹ, Houston, số 119, tháng 10-2005, tr. 50,  trích dẫn sách của Yang Zhao, Fang Linggui, Gong Shuduo, Zhu Zhongyu, An outline history of China, Edited by Bai Shouyi, Foreign languages press, Beijing, 1982, tr. 39.

17. Theo lời kể của một số người Việt du lịch Trung Hoa, đã đến thăm các tỉnh từ Triết Giang xuống phía nam.

18. Hoàng Văn Chí, sđd. tr. 78.

19.  Hình trích từ Nguyễn Khắc Ngữ: Mỹ thuật cổ truyền Việt Nam, Montréal: Tủ Sách Nghiên Cứu Sử Địa, 1981, tr. 49.

20. Dương Quảng Hàm, Việt Nam thi văn hợp tuyển, Bộ Quốc Gia giáo Dục, Sài Gòn, in lần thứ 8, 1962, tr. 179.

*.

TRẦN GIA PHỤNG

Nguyên quán: tỉnh Quảng Nam.

Định cư tại: Toronto, Canada.

Email: trangiaphung@gmail.com

.

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 27.07.2017.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét