NGẪU HỨNG PHỞ CÙNG NHẠC SĨ TRẦN TIẾN - Tác giả: Nguyễn Nam ; Trần Chí Cường giới thiệu

1 comment

 


NGẪU HỨNG PHỞ

CÙNG NHẠC SĨ TRẦN TIẾN

*

NGẪU HỨNG PHỞ

Nhạc sĩ Trần Tiến hôm qua mới xuống máy bay đã được các em, các cháu trong nhà chở tuốt đi ăn phở Hà Nội. Nhưng có lẽ chưa phải “gu” của ông lắm, nên tối qua sau một trận đồ Âu nhưng kết thúc bằng bát bánh đa cua tại Press Club ông dặn chúng tôi: “Sáng mai đi ăn phở nhỉ, nhưng phải ăn đúng kiểu Trần Tiến đấy nhé!”. Gớm, tưởng cả Hà Nội chả ai biết ăn phở hay sao, lại phải để một bác già Vũng Tàu ra đây hướng dẫn, chúng tôi tò mò lắm nhưng cứ để yên đấy đã…

Sáng sớm đã thấy anh em báo tin “bác Tiến thế nào dậy sớm quá, trước hẹn cả tiếng, qua đón ngay đi!”. Vội phi đến, đã thấy play boy đội quả mũ trứ danh đứng loanh quanh cửa khách sạn từ bao giờ rồi. Chiến dịch “ngẫu hứng phở” bắt đầu!

Thực ra chả phải ngẫu hứng, nó có kịch bản hết rồi. Dọc đường anh kể: “mẹ tớ khi trước làm phục vụ cho phở mậu dịch chỗ Phùng Hưng, nên lúc tầm 17 tuổi tớ có đợt cả năm trời ra phụ mẹ làm ở đấy, chủ yếu là rửa xoong nồi. Hồi đói khổ ấy ai làm thì buổi sáng tiêu chuẩn được một bát phở “không người lái”, tức là không có thịt. Thế nhưng người ta hay giấu để dưới lớp bánh đó là ú ụ thịt, có lẽ duy nhất cậu trai mới lớn Trần Tiến từ chối không ăn những bát phở ấy… Ông Cồ Cử lẳng lặng quan sát anh, có lẽ sự trung thực đó là điều khiến ông chọn Trần Tiến là "truyền nhân" chứ không phải hai ông con trai ruột của mình. Đến khi 18 tuổi anh được vào chân ca sĩ ở đoàn ca múa nhạc Hà Nội anh đã mời nhân viên cả cái quán mậu dịch ấy đi xem một buổi…”. Anh bảo xe chở tới cổng trường Chu Văn An. Thoăn thoắt xuống xe, anh qua đường thì thấy quán “Phở Gân”, mấy chú em thái thịt đã nhận ra, hỏi :”Chú hôm nay ăn phở hay mua gân?” Anh bảo: “Thái cho tớ trăm nghìn toàn gân nhé, về uống rượu!”. Quay sang tôi anh bảo: “Phải nói thế, chứ anh kiêng rượu đến hôm nay 12 ngày rồi, sắp diễn thì phải giữ giọng chứ già rồi, không ẩu được!”. Xách cái túi gân tòng teng, anh chỉ đường cho xe lùi lại 25 m, đây rồi, một quán phở “Cồ Cử” như trăm nghìn quán Cồ Cử khác ở xứ này…

Nhác thấy anh, mấy đứa trong quán đã ồ lên, còn ông chủ chạy ngay ra: “anh Tiến!”. Tay bắt mặt mừng, anh mới kể: “nhà này của cậu con ông Cồ Cử, mà chả được bố truyền nghề đâu, mà chính ông Cồ Cử truyền nghề phở cho anh đấy!”. Trong lúc chờ mấy bát tái nạm gầu rồi bổ sung cái chỗ gân kia vào để thành một bát phở “đúng kiểu Trần Tiến” anh kể tiếp: “Phở nó bắt nguồn từ làng Giao Cù, cách bến đò Quan 14 km, anh đã mò mẫm về tận nơi. Làng này xưa kia giỏi nấu phở nhất, còn làng Vân Cù thì khéo làm bánh phở (loại to) ngon nhất - thế cho nên hai làng phải "cộng sinh" với nhau, làng nọ thiếu làng kia cũng đều không được. Phở kiểu Cồ Cử đậm chất bò, nước dùng có nhiều gia vị, khác với một dòng phở khác ở Hà Nội là bánh nhỏ, nước trong, chỉ dùng nước mắm là chính… trường phái nào cũng có nhiều “fan hâm mộ” cả!

Trước sự chứng kiến hân hoan của ông chủ quán, anh Tiến và chúng tôi chén ngon lành, anh còn giảng: ”qua việc ăn phở phát hiện được 2 điều – nếu ăn hết cả cái cả nước như chúng mình tức là phở ngon đấy, và nó cũng nói lên là thực khách cũng khỏe đấy mới ăn hết được bát tú ụ này!”. Rồi anh kể cho chúng tôi và chủ quán: “Tớ chả được đi theo nghề phở, nhưng có hồi mở quán khét tiếng về tiết canh ốc đấy nhé! À, còn phở tuy không làm nhưng dạy nấu phở thì có. Có lần dạy tây, được 3000 “đô”, hồi ấy là to đấy nhé! Lại còn khách sạn Bảo Sơn thuê tớ dạy nấu phở nữa, không tin lên quán tầng trên hỏi xem có đúng là phở Trần Tiến không hay lại bảo tớ nói phét giống người Hà Nội! Ở hải ngoại có 3 quán phở học nghề nấu theo đúng kiểu Trần Tiến. Đến bây giờ ở Vũng Tàu ngày nào tớ cũng ăn phở với cơm nguội như ở Hà Nội, nói thế để biết tớ yêu phở đến thế nào”. Nhưng anh bảo, được cụ Cồ Cử dạy nhưng anh sẽ không truyền hết lại nghề cho bất cứ ai, nhất là hai bí quyết sau. Thứ nhất là cách dùng các chất sao cho nồi nước dùng của quán phở dù đang đầy nước hay gần cạn thì múc vào bát ăn vẫn thấy vừa như nhau về độ mặn nhạt, do đó không cần phải nếm nhiều rồi cho thêm mắm muối làm gì. Thứ hai là bí quyết để cho thêm vào phở một thứ này, để người ta ăn rồi cứ bị quen mồm đi, cứ "nghiện" Cồ Cử mà không thích đi ăn quán khác nữa! Ngạc nhiên chưa!

Đoạn này phải “chú thích” một tí: anh Tiến dặn đi dặn lại chúng tôi “ăn chơi” thì được, “làm” thì tránh xa người Hà Nội ra, không chung chạ gì được đâu! Vì chúng nó “Hà Nội không vội được đâu”, mình cuốn theo chúng nó có mà đói to…mặc dù mình cũng là “Hà Nội” đấy chứ đâu! Anh bảo vào được đến miền Nam anh mới nên người, mới có Trần Tiến ngày hôm nay, chứ cứ ở Hà Nội thì bây giờ có lẽ thành một lão “nói cái gì cũng hay ho, thâm thúy lắm, chuyện gì cũng biết, tinh thông mọi nhẽ, nhưng cứ đụng đến làm là nghĩ lên nghĩ xuống, cuối cũng có lẽ chả làm được cái cóc gì…. Chứ miền nam họ thẳng tính hơn, đấy ông có giỏi lên sân khấu mà hát, mà lên thật chứ sợ gì, hát sai thì sửa, thì học thêm… Không lên sân khấu thì lên mạng mà hát mà diễn, nhiều hay ít người vào xem biết nhau ngay, chả phải tỏ vẻ cao đạo hàn lầm cái khỉ mẹ gì!”. Quả là anh đã 75 rồi mà vẫn lên sân khấu “đấm bốc” ngay – đúng như anh diễn tả. Chơi cả trên mạng, xá gì thanh niên, chứ không nó ì thân xác ra, đừng sống bằng quá khứ tương lai gì hết, sống từng ngày đi! Đấy là bài học kinh doanh của Trần Tiến khi ăn phở đấy…

Xong vụ “ngẫu hứng phở” anh hẹn mai lại để anh đưa đường chỉ lối đi ăn quà Hà Nội, rồi ăn thêm bánh cuốn cà cuống nữa. Cũng thú vị thật, một buổi sáng với chàng nhạc sĩ U80 gốc gác phố Hàng Lọng này (đố các bạn không Google mà biết phố ấy ở đâu nhé!). Rồi xin sẽ kể tiếp câu chuyện trở về lại Hà Nội mến thương với một người gốc Hà Nội “quái chiêu” như anh Trần Tiến!

 

HÀ NỘI NGẪU HỨNG PHỐ - VỪA CƯỜI VỪA KHÓC

Sau bài viết của tôi về “Ngẫu hứng phở” anh Trần Tiến chả hiểu có buồn tôi không, nhưng vừa gặp sáng sớm anh đã nhắc ngay: “Em viết phải cho thật chính xác…!”. Và thế là tôi đã phải xin lỗi anh và sửa phần viết về “phở” như bây giờ các bạn thấy. Chưa hết, anh còn bảo: “cậu gọi tớ là nghệ sĩ không sai, làm nghệ thuật thì có thể gọi là nghệ sĩ – nhưng gọi đúng thì nên dùng từ nhạc sĩ. Tớ vừa sáng tác vừa trình diễn, nếu chỉ trình diễn không thì gọi là nghệ sĩ đàn này đàn kia, hay ca sĩ… thì được, nhưng tớ đa di năng hơn, nhạc sĩ là chuẩn. Hơn nữa tớ không khoái cái vụ “nghệ sĩ nhân dân” với “nghệ sĩ ưu tú” mặc dù tớ cũng “nhân dân” đấy, tớ khoái vì làm gì có danh hiệu “nhạc sĩ nhân dân”. Vâng, em xin ghi nhận!

Nhưng chắc anh không giận gì cái thằng đánh máy là tôi, bởi anh rủ đi ăn sáng tiếp, lại “ngẫu hứng phố”, nhưng lại vẫn theo kịch bản của Trần Tiến. Một sáng chủ nhật trời thật đẹp, trẻ em cấp II đang thi lên cấp nên các điểm trường thì đông, còn phố xá vắng hơn mọi khi nhiều. Đầu tiên anh chỉ đánh xe tới ngay góc ngã tư Nguyễn Du-Quang Trung, gần ngay trụ sở cũ của Đảng Xã hội, bên bờ tường ngay trên vỉa hè có một bác gái ngồi với thúng xôi và một thực khách duy nhất. Anh giải thích: “xôi xéo có ngô bây giờ còn ít chỗ bán lắm, nơi này ngon nhất Việt Nam!”. Xuống xe anh tươi cười với bà chủ thúng xôi “Xin chào người yêu xôi ngô của tôi!”. Rồi anh đòi trả tiền, nhưng nhất định chỉ mua 10 nghìn xôi thôi, bắt chia làm hai gói bé bằng nắm tay trẻ con, cũng rưới nước mỡ đầy đủ. Thấy tôi chụp ảnh anh Tiến, bác hàng xôi nói như mếu “Cậu ơi, ngày trước anh Phú Quang cũng hay ăn xôi hàng của tôi lắm, khổ thân bác ấy quá!”. Trần Tiến như chợt lặng buồn, anh lầm bẩm “Ừ, thằng Quang cũng hay ăn chỗ này thật!”. Rồi anh giục đi ngay chứ không cho ngồi ăn trên mấy cái ghế đẩu bằng gỗ bé tí. Trên xe anh giở xôi ra bắt ăn ngay cho nóng, xôi thật tuyệt vời, dẻo thơm vô cùng, mấy hạt ngô lại rất quyện với gạo nếp, đậu xanh mới lạ chứ, còn nước mỡ thì ngon lắm lắm, Mà có lẽ ngon nhất là vì nó quá ít, 5 nghìn so với thời giá bây giờ mà đòi ăn ngon thì biết rồi đấy! Vừa ăn anh vừa kể:

- Tớ chỉ cho cậu ăn ít vì có câu chuyện thế này. Ngày trước cách đây mấy chục năm rồi thằng bạn rất thân của tớ là Nguyễn Cường một hôm bảo sẽ đãi tớ ăn sáng thật ngon. Hỏi ra thì nó chỉ có đúng 7 nghìn đồng, tớ thì đang “vô sản”. Tớ bảo hai thằng đi ăn theo sự hướng dẫn của tớ cho ngon mà tiết kiệm, chẳng hạn xôi thì mua một suất thôi, rồi chia đôi. Phở cũng thế, các thứ khác cũng thế, chỉ có từng ấy tiền mà muốn ăn nhiều thứ cho ngon thì phải làm vậy thôi! Tớ mới đùa nó:

“Hà Nội cái gì cũng rẻ

Chỉ có quý nhất là mày thôi…”

Thế là trong khi đi ăn trong đầu tớ đã hiện ra giai điệu của cái bài hát “Ngẫu hứng phố” đấy!

Vừa lúc xe tới bánh cuốn bà Hoành ở Tô Hiến Thành, anh dặn để anh xuống mua cà cuống, nhưng không được ăn bánh cuốn ở đây, không phải Thanh Trì. Anh bảo trước kia anh với Nguyễn Cường ăn đủ 4 món với vẻn vẹn 7 nghìn, thì hôm nay anh cũng cho đi ăn 4 món, bao nhiêu tiền không biết nhưng sẽ phải ngon! Lấy mười con cà cuống, chắc mỗi lần ra Hà Nội anh đều tới đây mua nên cô bán hàng không hề ngạc nhiên, lôi ngay cả túi ra cho anh chọn. Đến khi trên xe rồi anh mới bảo: “Cà cuống đực thì mới có cái túi hương các em nhé! Đây thì cà cuống đực chuẩn rồi, nhưng to đùng to đoàng như con bọ dừa thế này – chính ra loại cà cuống con bé hơn mới là đỉnh cao cơ!”.

Quay về chợ Cửa Nam anh chỉ cho chúng tôi cái nhà 94 Hàng Lọng nơi anh ra đời, rồi cái trường cấp I có lớp 4E của anh, nơi anh đã làm bài thơ đầu tiên. Anh tự nhận là anh viết văn hay đấy, nhiều chiêm nghiệm lắm, chẳng hạn “Ngẫu hứng” - nhưng thôi anh phải “nhịn” viết văn, để dồn bút lực cho viết lời bài hát!

“Hà Nội cái gì cũng rẻ

Chỉ có đắt nhất bạn bè thôi

Hà Nội cái gì cũng rẻ

Chỉ có quý nhất tình người thôi…”

Chỉ một chữ “quý” mà bọn in bài hát lậu đánh nhầm thành chữ “đắt” lặp đi lặp lại thành ra ca sĩ nào hát cũng sai lời hết cả, mất hết cả “duyên” của câu hát. Tất nhiên là cũng do anh, đến ngần này tuổi đầu rồi còn chưa ra tuyển tập bài hát nào cả, mặc dù số bài hát thì nhiều lắm, nhiều nhất đấy. Xe tới Sinh Từ (Trần Tiến khoái dùng những cái tên ngày trước) rồi ngã ba ngõ Ngô Sĩ Liên, anh thiết tha bảo chú lái xe “Anh nhiều lúc lẩm cẩm rồi, nãy quên bẵng chú em chứ không phải tiếc 5 nghìn đâu, em phải xuống ăn bánh cuốn cà cuống với anh đấy nhé!”. Lại một “người tình bánh cuốn của tôi” – cô bánh cuốn tên Xuân với đôi mắt liếc vẫn sóng sánh lắm, tuy chỉ kém anh Trần Tiến đúng chục tuổi. Anh chỉ lấy trong túi ra một con cà cuống, bảo “hai đứa một con là vừa, nhưng ba đứa hai con hơi bị nhiều, thôi ba anh em ăn một con nhé!”. Gắp từng miếng bánh cuốn mỏng tang chấm nước mắm cà cuống bà chủ pha hộ, anh bảo “đây là Thanh Trì thứ thiệt, nhưng chả biết có ngon nhất Hà Nội không, bây giờ còn mỗi chỗ này anh biết…”. Nếu nói như tiếng miền Nam nơi anh sống thì là “ngon bá cháy!”, chỉ tiếc cái đĩa bé quá, bánh cuốn ít quá, nhưng chúng tôi biết rằng anh chỉ cho ăn một tí thế thôi, lấy hương lấy hoa. Trong lúc nhạc sĩ đang tán vui với bà mẹ bánh cuốn làm cô con giúp việc cứ nguýt lên nguýt xuống thì một thực khác cũng đã 65 xuân xanh xin trả tiền hộ cho tất cả chúng tôi, vì “bao lần đi karaoke hát Mặt Trời Bé Con của anh Tiến mà chắc nhạc sĩ chả được tiền bản quyền gì cả”. Trần Tiến cũng đùa: “Ông phải ra phường xin phép đi, không nó khép tôi vào tội nhận hối lộ là phiền lắm, rồi lại vào lò cả lũ…”.

Lên xe, anh lại kể tiếp: “…Có giai điệu rồi nhưng phần lời cũng phải một tháng sau mới xong. Nguyễn Cường nghe thử thích lắm, nó bảo bài này hay nhất, bởi vì trong một bài lại về Hà Nội mà vừa vui, vừa buồn thế này chỉ có Trần Tiến!”

Hà Nội cái gì cũng rẻ

Chỉ có đắt nhất bạn bè thôi

Hà Nội cái gì cũng rẻ

Chỉ có quý nhất tình người thôi

 

Hà Nội cái gì cũng buồn

Buồn thương đến thế mùa thu ơi

Hà Nội cái gì cũng vui

Rủ nhau ra phố bia hơi vỉa hè

 

Hà Nội mùa mưa

Bạn bè tuổi thơ lội dòng sông phố nô đùa

Hà Nội mùa đông

Quán đê thơm nồng mùi ngô nướng sém

 

Hà Nội là em

Vụng dại thầm kín một thời thiếu nữ u hoài

Hà Nội mẹ tôi

Vấn khăn nâu sồng một đời áo cũ

Thương con mắt đỏ thờ chồng

 

Hà Nội Hồ Gươm

Bình rượu ngàn năm để lại bên phố nghiêng buồn

Hà Nội nghìn thu

Lối xưa xe ngựa đành lòng thương nhớ

 

Hà Nội đầu ô

Một chiều đầy gió một người không nỡ quay về

Hà Nội lòng tôi

Giấc mơ xa vời của người xa quê

Ai ơi sống gửi thác về

Anh chỉ xe đi về Văn Miếu, rồi rẽ ra Hàng Bột quay đầu, để dừng ở quán phở Thịnh ngay gốc cây đa xum xuê. Dặn trước: “phở Thịnh lâu năm nhưng ngon nhất là sốt vang, mấy thứ khác chưa bằng được. Dòng Cồ Cử cũng mạnh về sốt vang, tất nhiên có rượu nho thật của Pháp mà cho vào một tí thì còn gì bằng”. Lại như vẫn thường gặp gỡ, tay chủ quán hô ngay “sốt vang cho bác Trần Tiến nhé” làm nhiều thực khách mắt tròn mắt dẹp, chẳng nhẽ Trần Tiến đây ư? Anh lại giảng tiếp về phở: “không phải phở bò nhất thiết phải ăn với giấm đâu, ăn chanh cũng được, nhưng sốt vang nhất thiết phải là giấm” – anh giơ cả lọ giấm ớt lên để tôi chụp ảnh - Nhưng ngon nhất cả chanh cả giấm, mà vắt chanh phải như thế này, nhìn kỹ nhé!”. Thế là anh vắt làm mẫu, anh ngửa miếng chanh lên, vắt thật mạnh để cho nước chanh chảy thành dòng xuống bát phở, qua cả mấy ngón tay anh! Anh bảo: “nước chanh phải chảy qua phần vỏ quả chanh mới thực sự thơm ngon!”. Chưa hết, anh gọi li rượu trắng, anh thì không được uống rồi nhưng bắt tôi nhấm trước một ngụm bé, “cho nó rạo rực người lên”, sau đó mới ăn sốt vang vừa ăn vừa nhâm nhi, đúng kiểu “Hà Nội cổ”. Anh bảo trước kia có quán ở ngõ chợ Hàng Da nấu sốt vang cũng ngon chả kém, nay đi đâu mất rồi, đây là anh đang kể chuyện Hà Nội ba bốn mươi năm trước, chứ giờ có thể có thêm nhiều quán ngon nữa mà anh đâu có được cập nhật, thôi thì cứ ăn theo kiểu của anh đi!

Trên xe anh bảo đáng nhẽ còn đãi chúng tôi ăn thêm món bún ốc nguội tuyệt hảo nữa cho đủ 4 như với Nguyễn Cường năm xưa, nhưng sắp tới giờ anh đi dạy nhạc rồi – chuyện anh dạy nhạc thì hay lắm nhưng để khi khác mới kể được! Xe lao vun vút đưa anh đến Đặng Thai Mai, đi tới cuối phố thì hồ Tây hiện ra trước mắt, “đầy nắng, đầy gió” tuyệt đẹp trong buổi sáng mùa hè, mà có lẽ hồ Tây có view đẹp nhất là đứng nhìn từ chỗ này (không tin các bạn thử xem nhé!). Còn sớm một chút, chúng tôi vào một quán cà phê ngay ngã ba, loại rất bình dân, ngồi bàn ghế nhựa để ngắm cảnh hồ. Làm quả dừa để nhớ “quê thứ ba” là Vũng Tàu, anh nói như một lời hứa với hồ Tây, với Hà thành:

- Đời anh 30 năm đầu Hà Nội, 30 năm sau Sài Gòn, rồi 12 năm Vũng Tàu. Anh với chị vợ đã xuống đấy sống như một dạng “đi ở ẩn”, bắt chước các cụ kiểu Nguyễn Khuyến “ao sâu lạnh lẽo nước trong veo/Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo…”.Thế rồi bệnh tật, thế rồi người ta đồn ác khẩu mấy lần “Trần Tiến chết rồi”! Bây giờ như được sống lại, anh mới thấy các cụ sai rồi, anh đã sai rồi. Và anh nghĩ ra câu hát rất hay cho bài hát sẽ ra mắt để đánh dấu sự “trở về” của mình:

“Gã cao bồi chết trên lưng ngựa

Kẻ du ca gục xuống bên đàn…”

Trần Tiến đã trở về là chính mình!…

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Trao đổi thêm về bài thơ Đồng Dao Cho Người Lớnl

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Trương Ngọc Tuân đọc truyện ngắn

CHÀNG LÙN NỂ VỢ của Đặng Xuân Xuyến:

Trần Chí Cường giới thiệu

Tác giả: Nguyễn Nam - nguồn: namnguyen

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

1 nhận xét: