TRẦN TIẾN DẠY NHẠC
*
TRẦN TIẾN DẠY NHẠC
Lần này bác Trần Tiến
ra Hà Nội, mấy anh em dặn nhau, đừng để nhạc sĩ này ngồi lâu chém gió với những
thành phần quan chức, phức tạp lắm! Ông anh thẳng tính quá, có gì bức xúc xã
hội là hay trút lên đầu mấy chú em “lãnh đạo”, tầm này thì họ ít tuổi hơn ông
nhiều, nhiều vị chỉ được coi là hàng “cháu”. Anh Phú Quang khi xưa cũng quái
tính, nhưng được các “quan” yêu chiều hơn cũng bởi anh rất giỏi “ngoại giao” mà
vẫn không đánh mất mình, vẫn có “cái tôi” to tướng. Nhưng Trần Tiến còn hơn
thế, với anh chị em quen biết ông tình cảm, nhẹ nhàng bao nhiêu thì đối với tầng
lớp “quan” ông lại hay bộc phát, cáu kỉnh, xỏ xiên bấy nhiêu… Đó là chưa kể tai
Trần Tiến khá nghễnh ngãng rồi, dù có dùng máy nghe nhưng nhiều khi nghe vẫn
không rõ, phải đoán, mà đoán “quan nói gì” thì khó lắm, dễ quạu…
Thế nào cái hôm ông dẫn
chúng tôi đi ăn sáng, kế hoạch là ăn đủ 4 món như Nguyễn Cường khi trước, mà
đến 3 món thì ông bảo phải đi dạy học, khất món cuối ấy (bún ốc nguội) đến hôm
khác vậy. “Dạy học” gì nữa, từng này tuổi rồi, ra Hà Nội chơi với anh em con
cháu, chứ sao lại đi dạy, mà dạy nhạc gì cái buổi sáng chủ nhật ấy. Ông bảo
không, cực kỳ nghiêm túc đấy, ông ra đây kết hợp đi dạy nhạc, mà dạy lại chỉ
một mình một trò… Trần Tiến bảo: “Tớ dạy sáng tác âm nhạc, đúng 10 buổi là
xong, không hơn không kém, học sinh không phải dân nhạc đâu mà ngược lại, zê rô
toàn tập, tớ dạy 10 buổi ấy nó học xong là phải sáng tác nhạc, làm được bài hát
cả nhạc lẫn lời, tài chưa?!”. Chả ai tin, Trần Tiến phải bật điện thoại, cho cả
bọn xem “học phí” mà học sinh này đã chuyển trước cho “thầy”, mỗi buổi học phí
cũng bằng một lần ca sĩ hạng trung đi diễn một tối. Anh bảo: “hôm nay buổi học
đầu tiên, thầy không nên đi muộn, nhưng đến sớm thì có vẻ quỵ luỵ cũng không
ổn, tớ sẽ đến cực đúng giờ cho mà xem, đưa tớ đi từ bây giờ nhỡ tắc đường!”.
Thế là chúng tôi đưa nhạc sĩ đi khá sớm, lên tận mấy đầm sen đẹp nhất ở Hồ Tây,
vẫn chưa tới giờ học là 9h 30, cả bọn đi cà phê ngắm hồ chờ “khai giảng”.
Trần Tiến kể: “Tớ đã
bắt đầu hát và sáng tác từ trước khi biết nhạc lý. Tớ là dân thích toán, văn
cũng được, nhạc lý mãi sau mới được học, nhưng đã sáng tác trước đấy rồi, có
thể coi tớ là đứa tự học chứ các thầy cô trong trường chẳng dạy tớ một tí nào,
mà có lẽ dạy thì tớ cũng không học! Chính vì biết như thế cái tay “học sinh”
này tự hắn muốn được chính tớ dạy, vì hắn tuy rất yêu thích nhưng “mù nhạc”
hoàn toàn! Thế thì còn ai hơn tớ để thích hợp dạy hắn đâu, hắn hiểu thế là
chuẩn đấy!”. Dọc đường đi ông bảo dừng tại một cửa hàng photocopy để đưa cái
USB nhờ in (2 bản, cho chúng tôi một bản “kỷ niệm”) – có mỗi tờ A4, chủ tiệm
nhận ra nhạc sĩ còn chả chịu lấy tiền (xem ảnh cái “giáo trình” của thầy giáo
này nhé!). Nội dung các bạn tự xem đi, còn học sinh học kiểu “một thay một trò”
thế nào thì nghe nhạc sĩ miêu tả: “tớ sáng tác cả nhạc cả lời, thế cho nên học
sinh cũng phải học được như thế”. Anh kể là nhiều khi ca từ nó tự xuất hiện
trong đầu anh, còn dần dần sẽ nghe được giai điệu đi cùng, thêm phần tự loay
xoay của mình nữa, thế là dần cũng thành ra bài hát!
“Vì không biết nốt quái
nào cả, nên tớ sẽ cho học sinh học sáng tác luôn, bắt đầu bằng một hình tượng.
Chẳng hạn: hãy sáng tác một bài hát về cái chén uống nước! Nếu phải đứa kém về
cảm nhận, hay nó định làm một bài “làng ca” về Bát Tràng chẳng hạn, thì xin
mời, nó sẽ có bài hát về men thế nọ, gốm thể kia, đun bao nhiêu mẻ, đất sét làm
sao, giá trị long lanh…Nhưng từ cái đầu bài như thế, nếu là đứa có cảm xúc nghệ
thuật như tớ chẳng hạn, thì có một bài hát khác hẳn đấy! Ví dụ tớ sẽ viết về
chuyện cái chén còn đây, nhưng người đối ẩm với ta nay đã tận chân trời góc
biển nào rồi. Nhìn làn khói nhẹ bốc lên mà nghĩ tới những ngón tay ai kia đã
hái những búp chè xanh nõn… Phải làm sao để nó bật ra được 5-6 chữ đầu tiên cơ,
rồi dần dần đắp thêm vào thành cả bài hát. Lời 1, lời 2…”. Thế rồi tuy đang
trên xe nhưng nhạc sĩ cũng ngân nga luôn mấy câu, quả là nghe cũng “đi vào lòng
người” ra phết, với cái bài tập “cái chén” làm ví dụ này!
Tôi hỏi: “Bác ơi nếu hết
10 buổi mà tay học sinh kia chả rặn ra được bài hát nào khả dĩ, thì làm gì
tiếp?”. Trần Tiến chắc cũng nghĩ rồi: “Tớ kiểu gì cũng sẽ không dạy thêm cho
nữa. Khuyên hắn nên quên hết những gì Trần Tiến đã dạy cho đi. Nhưng sau đấy hy
vọng hắn sẽ trở thành một người biết tự học, tự cảm nhận âm nhạc! Học theo các
trường lớp bây giờ có khi 100 buổi chả được như thế đâu. Bọn giàu chúng nó đâu
có ngu…”.
Vẫn còn thời gian, anh
kể về âm thanh, về ý nghĩa của chúng nó trong cuộc đời anh. Nhớ hồi cấp 1, anh
được mẹ may cho cái áo bông mới, khi đó Trần Tiến đang lớp trưởng, cô giáo giao
cho đi thu bài kiểm tra của các bạn, anh đi đến đâu chúng bạn cười đến đấy! Anh
chả hiểu vì sao, có đứa nó mới hỏi “áo bông của mày sao đi cứ kêu sột soạt như
vậy”. Anh nghe kỹ, đúng là có tiếng sột soạt thật. Sau mới vỡ lẽ, đó là tiếng
của giấy báo, mẹ anh cho con chiếc áo ngoài là vải mới nhưng trong không có
bông, dùng độn toàn giấy báo cho thêm ấm! Và tiếng sột soạt của chiếc áo tuổi
thơ đã theo anh cho tới tận bây giờ! Trở thành nhạc sĩ anh thần tượng nhất
Trịnh Công Sơn, nhưng anh bảo chính anh Sơn có lần bị “mê hoặc” bởi bài “Giấc
mơ Chapi” của Trần Tiến, tới mức ổng suốt cả đi lẫn về trong một chuyến từ Sài
Gòn ra Mũi Né trên xe cứ bắt mở suốt chỉ mỗi chếc cassette với bài hát này…
Tôi kích thêm: “sao em
thấy anh cứ thương cái bọn doanh nhân chúng em, mà lại hay giận dỗi với giới
quan chức thế?”. Trần Tiến xổ ra ngay một tràng: ”Doanh nhân khổ bỏ mẹ, chả
phải thương bọn em thì thương ai! Quan chức chúng nó cũng là người như anh em
mình, nhưng anh cay chúng nó khi trước bài nào của anh cũng cấm hết! Bây giờ
thì thi nhau nghe, thi nhau hát. Anh có lẽ là thằng nhạc sĩ duy nhất phải kiện
để đòi quyền tác giả cho mình, chúng nó in mấy đĩa CD mấy tập nhạc toàn bài của
anh, đã không trả tiền thì chớ, cũng chả thèm hỏi lấy nửa lời! Ra toà hẳn hoi,
vẫn nhớ thằng Tuyển “Tuần Châu” nó giúp anh, nào là đeo ca-ra-vat làm sao, nào
là phải đối đáp mềm mỏng thế nào, rồi anh thắng đấy! Bây giờ cứ mỗi dịp 2/9 anh
lại nghĩ, mình mà cấm mẹ nó bài “Giai điệu Tổ quốc” đi thì chúng nó hát bằng
gì?!...”
Tôi lại trêu: “thế mà
bây giờ học sinh quan chức trả nhiều tiền thì anh dạy hết chứ gì?” Anh cười,
cái nụ cười hào sảng đặc trưng của Tiến “vẩu” nhưng vẫn rất đẹp trai: “Tớ dạy
đủ loại chứ, trước kia dạy free cả trăm trẻ mồ côi, đi mua máy tính đời đầu về
dạy chúng nó, thế mới được bọn Trương Gia Bình với Hải Robert tặng cho mấy
chiếc, hồi đó to tiền lắm…”. Sát giờ học rồi, gần chín rưỡi, anh bảo chở tới
nhà “học sinh”, nhìn cái trạm gác bên ngoài cũng biết là “dưới vài người mà
trên muôn người” rồi. Anh nháy mắt, “thôi mấy em về đi, giờ này bắt đầu bởi thể
nào học sinh nó chả giữ thầy lại ăn trưa”. Thế rồi anh cầm tờ A4 lững thững
tiến vào…
Hôm nay theo lịch là
“bế giảng” đây, tôi kể lại câu chuyện “dạy học nhạc” này của nhạc si Trần Tiến,
cũng hy vọng sẽ được dịp hỏi về thành tích của thày và trò. Thêm một “quan” học
âm nhạc, có lẽ cuộc đời sẽ đẹp lên ít nhiều chứ nhỉ?!
NHỮNG NGƯỜI TRỞ VỀ
Nhạc sĩ Trần Tiến năm
nay đã vượt quá nhiều cái tuổi “xưa nay hiếm” rồi, và vốn là người hay nói
những câu khá sâu sắc, thâm thuý thì hình như bây giờ ông càng hay chia sẻ những
chiêm nghiệm về cuộc đời, về âm nhạc với bất cứ ai. Tôi đến đón ông tại khách
sạn vào lúc sáng khá sớm, đã thấy ông ngồi ở lobby với một cậu thanh niên trẻ
măng đang nghe ông chăm chú. Hoá ra cậu Việt kiều này chả biết Trần Tiến là ai,
tức là nào có biết cái ông già kỳ cục đang góp ý cho mình, trong nhà cũng đội
mũ sùm sụp này là ai đâu, nhưng cậu hiểu được ông đang chia sẻ - đúng hơn là
dạy dỗ chuyện gì. Cậu trẻ này đang hoan hỉ vì được ship tới hơn chục cuốn sách
tiếng Việt, thì ông già Trần Tiến đến bảo: “Cháu ơi, thấy cháu trẻ mà yêu đọc
sách thế này thì quý lắm. Nhưng có biết nên đọc thế nào không? Ông cũng yêu đọc
sách lắm, từ ngày xưa rồi cơ, bây giờ cũng vẫn rất “sướng” khi được tặng sách.
Nhưng đọc nhiều quá cũng chả phải là hay đâu, rồi mọi thứ nó rối bung lên trong
đầu, rồi quên trước quên sau. Ông mà có mười cuốn sách như cháu thì sẽ chọn ra
những cuốn mình ưa thích nhất, rồi đọc một cuốn sách rưỡi thôi, đọc kỹ vào, các
cuốn khác để sau…Cuộc sống cũng là một cuốn sách vĩ đại không có trang cuối, dù
trẻ cũng càng nên để thời gian mà sống cháu ạ!”
Tôi vô tình được chứng
kiến bài giảng ấy, và nghĩ giá mà cậu Việt kiều biết đó là ai, biết ông đã phải
trải qua những gì trong đời thì mới thấy hết được giá trị của “bài lên lớp”.
Trần Tiến phát hiện ra mình bị ung thư vòm họng – một vị trí vô cùng khó phát
hiện và khó chữa trị ung thư. Vốn có sức khoẻ đặc biệt và khá kiên cường, trong
vòng 2 năm ông đã vượt qua được bệnh tật bước đầu, bình phục một cách khá khó
tin. Ông kể là đã vượt qua tới 20 lần chiếu “tia phóng xạ” tức là xạ trị, mà
ông bạn thân trong viện cũng vào loại quật cường nhất chỉ chịu được 14 lần đã
“đi theo cụ Mác, cụ Lê”, những người khác cũng chả ai chịu được đến con số ấy.
Trừ Trần Tiến, có lẽ vì rất lạc quan nên ông đã trở về với cuộc đời khá mạnh
khoẻ, và không chỉ thế, ông quay lại với âm nhạc, với sáng tác và cả… trình
diễn nữa, giọng ông vẫn rất khoẻ. Ông đùa: “Tớ giống Tôn Ngộ Không, bây giờ
không còn tên trong sổ của Diêm Vương nữa, nên lúc nào thích chết thì chết thôi
chứ chả có ngày giờ chết nữa!” Và với lần ra Hà Nội này ông chuẩn bị một sự
“trở về” thực sự! Đã có phòng thu ở Sài Gòn, ở Vũng Tàu nhưng nay ông sẽ set up
thêm một phòng thu nữa ở Hà Nội. Và như thế ông sẽ sống với âm nhạc khắp nơi
ông muốn. Chưa hết, ông lại đang lựa chọn một bộ âm thanh di động, một loại
“loa kẹo kéo” nhưng mà “xịn” để đến với khán giả là những bệnh nhân trong bệnh
viện, những trại dưỡng lão, trại trẻ mồ côi… Có lẽ chúng ta lại được chứng kiến
một cuộc “du ca” của Trần Tiến!? Hơn 30 năm ở Hà Nội, 30 năm ở Sài Gòn, rồi 12
năm ở Vũng Tàu – những tưởng ông đã tìm được chốn yên bình để “về già”. Nhưng
có lẽ chính bệnh tật rồi sự trở về, lòng yêu quý của người hâm mộ đã làm Trần
Tiến hiểu ra, ông không có gì giống với một Nguyễn Khuyến để về ở ẩn với “Ao thu
lanh lẽo nước trong veo/Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo…” nữa cả. Xách đàn lên
và đi thôi, và câu hát của bài hát trong tương lai đã nảy ra trong đầu ông:
“Gã cao
bồi chết trên yên ngựa
Kẻ du
ca gục xuống bên đàn…”
Chị Bích Hà kém nhạc sĩ
hơn mười tuổi, là một cái bóng của chính mình đã hai mươi năm nay, bởi vì không
biết phải làm gì cả, vì công việc chả cần đến sự tham gia của mình nó đã quá
tốt rồi. Giống như Trần Tiến về vùng biển Vũng Tàu, chị Hà cũng đã về sống ở
vùng biển Mũi Né hàng năm trời, để “né tránh” sự ồn ào của đô thị. Thế nhưng
sức khoẻ yếu, rồi cái chết bởi ung thư của những người thân nhất trong gia đình
làm chị phải nghĩ về cuộc sống, nó có ý nghĩa gì và chúng ta có thể thay đổi
được nó không?! Tự nghiên cứu rất nhiều trường phái về cải thiện sức khoẻ và
tâm lý con người, chị đúc kết ra trường phái tổng hợp mà giờ đây có thể gọi là
“trường phái VietHealthy của Trần Bích Hà”, với hàng trăm ngàn người theo dõi
và áp dụng. Chị muốn thay đổi cách nghĩ của xã hội về người cao tuổi, nhất là
họ phải tự thay đổi cách nghĩ về bản thân, “già nhưng vẫn cần sống vui khoẻ,
vẫn có thể cống hiến và hưởng thụ”. Không lâu nữa những trung tâm nghỉ dưỡng
mang dấu ấn đặc biệt của VietHealthy sẽ mọc lên ở cả ba miền đất nước, còn
chính chị Hà sẽ trở về với một lối sống cực kỳ năng động và tích cực, là “người
truyền lửa”, sẽ đi khắp nơi để tuyên truyền cho một cách sống khoẻ mạnh và vui
tươi của những người muốn gần gũi với thế giới tự nhiên.
Một sáng Hà Nội nắng
trong veo, bên bờ Hồ Tây xanh ngắt, hai người đều không còn trẻ nữa chia sẻ với
nhau những dự định sắp tới của mình. Bệnh K ư, kệ mẹ, sợ quái gì. Nhiều tuổi
rồi ư, càng phải gấp gáp lên chứ sao. Họ mỗi người sẽ có một con đường để mà
rong ruổi, phiêu du, những trang tiếp theo của cuốn sách cuộc đời còn phải đọc
nốt, khó khăn trắc trở ư, có mà đầy ra…Nhưng họ đã thực sự trở về, những người
sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, và cuộc phiêu lưu phía trước đang vẫy gọi. Đầy
ngẫu hứng…
Bonus: nếu có 333 trái
tim thì sẽ kỳ cạch gõ thêm chuyện nhạc sĩ đi dạy nhạc thế nào.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Trao đổi thêm về
bài thơ Đồng Dao Cho Người Lớnl
- Bạn đọc cảm nhận
về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl
- Đặng Xuân Xuyến -
Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:
Trần Chí
Cường giới thiệu
Tác giả: Nguyễn
Nam - nguồn: namnguyen
Ảnh minh họa sưu tầm từ
nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
Trần Tiến rất đa tài
Trả lờiXóa