(Nguồn ảnh: internet) |
GIAI THOẠI VỀ
TẢ AO
ÔNG TỔ PHONG
THỦY CỦA NGƯỜI VIỆT
*
(Tác giả Thiên VIệt) |
TẢ AO người Việt Nam học được khoa địa lý
chính thống ở Trung Quốc vào thế kỷ 16 (có nhiều tư liệu viết về
điều này đều không nhất quán, có sách nói là vào thế kỷ 17 hay 18).
Còn tên thật của ông là Nguyễn Đức Huyên, người làng Tả Ao, huyện
Nghi Xuân, tỉnh Hà Tỉnh. Và Tả Ao sinh vào năm nào không ai rõ, chỉ
được biết ông sinh vào thời vua Lê chúa Trịnh (1545 – 1788), qua các câu
chuyện truyền khẩu.
Nhà Tả Ao nghèo, cha mất sớm còn mẹ bị
bệnh lòa mắt, vì thế nên ông đến giúp việc cho một ông thầy thuốc
người Tầu ở trong huyện, trước lấy tiền trị mắt cho mẹ sau học thêm
được nghề bốc thuốc chữa bệnh. Chính vì thế mà ông chữa được bệnh
mắt lòa cho mẹ.
Ông thầy Tầu thấy Tả Ao có chí lớn, nên
khi về lại bên Trung Hoa đã dẫn ông theo để dạy thêm nghề thuốc. Trên
đất khách, gần nhà ông thầy thuốc, có một thầy địa lý rất giỏi,
cũng đang bị bệnh về mắt, Tả Ao liền được thầy phái sang chữa trị thay ông ta.
Thầy địa lý nói rằng, nếu Tả Ao chữa
khỏi bệnh mắt cho mình thì ông sẽ thưởng 50 lượng vàng. Tả Ao nhờ
kinh nghiệm chữa khỏi bệnh mắt cho mẹ, nên đã chữa khỏi bệnh cho
thầy địa lý, nhưng ông không nhận vàng mà chỉ xin ông ta truyền cho
nghề xem phong thủy.
Vì ơn nghĩa, nên thầy địa lý bằng lòng,
truyền dạy hết tinh hoa địa lý phong thủy cho Tả Ao, đến khi thành
tài học và hành viên mãn, ông xin cả 2 ông thầy cho về nước.
Trước khi cho Tả Ao về Việt Nam, ông thầy
địa lý muốn thử lần cuối sự hiểu biết của Tả Ao, ông ta làm ra 100
mô hình đất kết trên bãi cát, dưới mỏi huyệt có yểm một đồng tiền,
rồi đưa Tả Ao 100 cây kim ra đấy tìm huyệt để điểm.
Tả Ao điểm đúng 99 lổ của đồng tiền, còn
một cây điểm ở mép, mà huyệt này lại là huyệt thứ 100. Đây là
huyệt ảo, vì mô hình tạo dáng rất huyền bí ẩn hiện dưới những mô
đất nhấp nhô, những thầy địa lý giỏi cũng khó phát hiện ra đúng
huyệt đạo. Cho nên thầy địa lý biết rằng người Việt Nam đã học hết
bí kíp phong thủy của người Trung Hoa.
Khi Tả Ao về đến quê hương, ông chỉ lo hành
nghề bốc thuốc, ít khi sử dụng đến khoa địa lý, chỉ khi nào cần
thiết ông mới ra tay xem thế đất dùm mọi người, tuy vậy danh tiếng xem
địa lý, phong thủy của Tả Ao lại nổi hơn nghề thầy thuốc.
Cũng chính vì ông không hành nghề xem phong
thủy cho ai, nên không có hậu bối. Khi Tả Ao mất người nhà chỉ tìm
thấy 2 bộ sách viết về địa lý phong thủy, là Địa đạo diễn ca và
Dã đàm Tả Ao. Nhưng trong dân chúng có nhiều sách được in
ra nói là sách do chính Tả Ao viết. Còn các nhà địa lý phong thủy,
khi đọc xong 2 quyển sách trên, đều cho đây là sách quý.
NHỮNG TRUYỀN THUYẾT VỀ TẢ AO
Tuy Tả Ao không hành nghề xem phong thủy, ông
chỉ chuyên chữa bệnh cho người nghèo, nhưng trong dân gian có những
truyền thuyết truyền khẩu nói về nghề xem phong thủy của ông.
Có lẽ vì điều này mà ông được người đời
xưng tụng “vua địa lý” của nước Việt chăng ?!
Sau đây là một vài truyền thuyết về tài
xem địa lý phong thủy của Tả Ao:
Cứu Vua nhờ mộ kết phát:
Một ngày nọ Tả Ao đi ngao du sơn thủy, tuổi
tuy đã già nhưng dáng người vẫn quắc thước khoẻ mạnh, khi ông đi đến
một làng quê nọ, trời nắng nóng nên ghé vào ngồi nghỉ mát dưới gốc
cây đa bên làng, ông nhìn thấy một anh nông dân đang miệt mài cày
ruộng, đến khi mặt trời đứng bóng mới chịu tháo cày cũng vào gốc
đa ngồi mở cơm nắm ra ăn.
Thấy một ông lão cùng ngồi ở đó nhưng
không ăn uống gì cả, anh ta mới lên tiếng hỏi:
– Xế trưa rồi ông không dùng cơm sao, hay là
ông không sẵn mang theo, thôi cùng nắm cơm này ăn với cháu cho vui.
Anh nông dân vừa giở cơm, vừa mau mắn mời
ông lão :
– Cháu mời ông dùng cơm…
Thấy thái độ anh nông dân dễ mến, Tả Ao
không khách khí, bèn vui vẻ ngồi lại cùng ăn. Bốn năm ngày như vậy,
anh nông dân vẫn một lòng kính trọng Tả Ao, mời cơm và ông cũng không
lần nào từ chối. Đến bữa cuối cùng, bỗng ông nói với anh nông dân:
– Chắc anh vẫn không biết ta là ai? Ta chẳng
giấu gì anh, ta chính là thầy địa lý Tả Ao đây!
Anh nông dân nghe danh Tả Ao đã lâu, nay có
dịp diện kiến nên vừa mừng vừa hốt hoảng, liền quì lạy xin ông tha
lỗi. Tả Ao đỡ anh nông dân đứng dậy nói tiếp:
– Ta xem anh là người có đức nên có ý giúp
anh đặt một ngôi mộ sau này sẽ phát phúc, phát tài, cho anh nở mặt
với thiên hạ…
– Ông dạy quá lời, nhà cháu mấy đời nay
đều là nông dân chân lấm tay bùn, bần hàn, đi cày thuê cuốc mướn kiếm
cơm qua ngày, mong gì nở mày nở mặt với ai?
– Anh cứ yên tâm. Ta nói sẽ giúp anh được
giàu sang phú quí trong vòng 100 ngày thôi. Nào anh hãy dẫn ta ra nơi
mộ của cha mẹ của anh đi, ta xem thế nào sẽ sửa cho.
Anh nông dân mừng rỡ bèn nghe theo lời Tả
Ao, dẫn ông đi ra mộ của cha anh ta. Tả Ao xem xong mới truyền:
– Mộ đặt nơi thế đất không tốt, suốt đời
sẽ bần hàn cơ cực. Phải đào lên cải táng, di dời qua nơi đất khác
mà thôi.
Nói rồi bảo anh nông dân đào mộ lên, xếp
xương cốt vào một chiếc hủ đất đem đi chôn ở một huyệt đất mà Tả Ao
đã chọn sẵn. Xong đâu đấy, Tả Ao căn dặn:
– Anh nhớ không cho ai biết chuyện này! Một
trăm ngày nữa, vào ngày mùi tháng ngọ, đúng giờ tý anh phải có mặt
ở kinh đô, đứng ở hướng Đông. Hễ gặp một người đàn ông mặc áo
trắng, đi hài xanh, từ trong thành chạy ra với bộ mặt hốt hoảng, thì
anh cứ chạy lại bảo: “Con xin cứu
ngài!”, rồi cõng thẳng về giấu trong nhà, ngày ngày lo cơm nước
cho tử tế. Anh cứ thế mà làm, đừng suy nghĩ gì hết!
Nói xong, Tả Ao từ biệt anh nông dân mà đi
thẳng, về sau anh ta có đi tìm nhưng chẳng biết ông đi về đâu.
Đúng như lời dặn của Tả Ao, đúng ngày giờ
anh nông dân ra kinh đô đứng đợi ở cửa Đông. Bỗng nghe có náo động từ
trong thành vọng ra nào tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng quân reo hò,
tiếng người gào thét, rồi lửa bốc cháy đỏ rực một góc trời. Và
quả nhiên, một người đàn ông dáng thư sinh mặc áo trắng, đi hài xanh,
hớt hải một mình chạy qua gần chỗ anh nông dân đang đứng. Anh ta chỉ
đợi có thế bèn chạy đến bên nói to:
– Thưa ngài, con xin cứu ngài!
Nói đoạn ghé vai cõng người ấy chạy một
mạch về giấu trong nhà. Người ấy dáng chừng sợ hãi, suốt ngày im
lặng nghe ngóng động tĩnh. Anh nông dân cũng chẳng hỏi thân thế của
người đàn ông ấy đang lo sợ đến quên ăn mất ngũ.
Vài ngày sau bỗng có loa truyền rằng, ai
đang giữ vua ở đâu thì báo cho quan quân kịp đưa vua về kinh. Lúc ấy
ông khách mới nói cho anh nông dân biết mình chính là vua, mấy ngày
trước đây bị bọn gian thần định soán ngôi. Rồi nhà vua sai anh ta đi
báo cho quan quân biết nơi vua đang ở ẩn. Khi quan quân đến rước vua, vua
cho phép cả anh nông dân cùng đi theo mình về kinh thành.
Tại kinh đô vua thiết triều, trấn an trăm họ
và phong cho vị ân nhân là anh nông dân được làm quan đến chức nhị
phẩm, cùng vàng bạc lụa là nhiều vô số kể.
Thì ra ngôi mộ mà Tả Ao đặt cho người cha
anh nông dân, kết phát y như lời ông nói khi trước, chỉ trong vòng 100
ngày.
Khi Tả Ao thương và giận:
Khi thương…
Quanh năm Tả Ao thường đi đây đó khắp trong
nước để tìm những ngôi đất quí. Một lần đi qua tỉnh nọ thấy
có một ngôi đất rất đẹp, bèn buột miệng khen:
– Kiểu đất này mà đặt mộ thì chắc chỉ sáu
tháng là phát làm quan! Nhà ai có phúc thì được hưởng thôi?
Sau đó ông đi về hướng làng, gặp một người
đàn ông trung niên đi tới. Nhìn thấy nét mặt ông ta tuy phúc đức nhưng
tướng lại khắc khổ quá. Tả Ao mới hỏi:
– Ông có muốn ra làm quan không?
Người đàn ông đáp:
– Lạy ông, nhà tôi bất hạnh ba đời, học
hành chỉ đủ đọc sách, muốn làm quan không xong, thi cử đợt nào cũng
thi rớt, nên nay vẫn sống kham khổ làm ruộng kiếm sống thôi. Được làm
quan thì phúc ba đời để lại.
Tả Ao nghĩ bụng ông ta không nói sai. Rồi
ngắm nhìn ông ta một lúc bèn nói:
– Thôi được, tôi sẽ giúp ông̣ đặt lại ngôi
mộ tổ. Ông về lo sẵn 300 quan tiền.
Người đàn ông mừng lắm vội mời Tả Ao theo
mình về nhà, gọi người thân ra đào ngôi mộ tổ, bốc xương cốt cho vào
cái tiểu sành đem đến chôn sâu xuống huyệt đất do Tả Ao vừa thấy ban
sáng mà táng lại.
Xong việc, ông ta giữ lời, trao cho Tả Ao đủ
300 quan tiền, nhưng Tả Ao chỉ lấy có ba quan, còn lại bảo đem phát
hết cho người nghèo khó trong làng.
Gần sáu tháng sau, vào một đêm không trăng,
cả nhà ông ta đang quây quần dưới ngọn đèn bỗng có tiếng người gõ
cửa. Người nhà ông ta ra mở cửa, thấy trước mặt là một ông tướng uy
nghi lẫm liệt nhưng có vẻ đang thất cơ lỡ vận. Khách thật thà nói mình
đang lỡ độ đường, xin gia đình cho ăn uống. Ông ta vốn hiếu khách vội
sai người nhà nấu cơm đãi khách rất mực nồng hậu.
Cơm nước vừa xong, ông khách mới nói:
– Thưa ông̣, tôi là tội phạm đang bị nhà
Chúa lùng bắt. Đằng nào tôi cũng không thoát khỏi. Xin ông̣ mang dây
thừng trói tôi lại rồi đem nộp cho chúa Trịnh mà lĩnh thưởng. Như
vậy dù tôi có bị hại, tôi cũng giúp ích được cho gia đình ông̣, còn
hơn là uổng thân vô ích.
Cả nhà kinh ngạc sững sờ trước những lời
nói của người khách lạ. Không ai nỡ hành động, nhưng ông khách cứ
giục mãi, bất đắc dĩ họ phải làm theo.
Chúa Trịnh được ông ta giao nộp viên tướng
thất thế, hết sức khen ngợi, bèn phong cho làm chức Tri huyện để
trọng thưởng. Vị khách đó chính là Mạc Kính Đô, tướng nhà Mạc đang
bị thất thế. Vì cảm tấm lòng tốt của ông lão mà Kính Đô đáp lại
ông bằng một hành động lạ lùng có một không hai trong thiên hạ.
Đúng như lời tiên đoán của Tả Ao không sai.
Chỉ trong sáu tháng là được làm quan.
... và giận!
1. Một hôm Tả Ao
đang đi đến vùng đất nọ. Thấy ngôi đình làng ở đây đặt hướng bị
thất cách, ông đứng ngắm mãi rồi đến gần để xem cho rõ.
Giữa lúc trong đình đang làm lễ kỳ yên.
Các vị chức sắc trong làng đang chuẩn bị bữa tiệc chiều. Một người
biết mặt Tả Ao liền chạy ra khẩn khoản mời ông vào trong đình. Các
vị chức sắc được gặp thầy địa lý trứ danh nên mừng lắm, ông tiên
chỉ trong làng nói:
– Hôm nay là ngày tế kỳ yên trong làng, may
được gặp thầy thật là phúc cho cả làng này lắm. Nhân thể nay mai
làng cho sửa lại ngôi đình, xin cụ coi cho cái hướng nào tốt, làm sao
cho làng chúng tôi phát khoa bảng rầm rầm, nhằm đè đầu cưỡi cổ thiên
hạ một phen cho họ biết tay! Lâu nay cả làng chưa ai thi đậu cả!
Một ông hăng hái nói thêm:
– Cụ tiên chỉ nói phải đấy thưa cụ! Các
làng bên, không làng nào không có tiến sĩ, cử nhân, xoàng thì cũng
phó bảng, chót chét cũng tú tài. Riêng làng này chắc các cụ trước
đặt hướng đình có nhầm nhỡ gì đây,nên bao nhiêu năm trời vẫn suôn
cành, không hưởng được trái lộc nào. Cụ đã đến đây xin ra tay giúp
chúng tôi được đè đầu cưỡi cổ thiên hạ một phen cho hả!
Tả Ao chỉ cười nói:
– Tưởng gì chứ nếu các cụ chỉ ước có
vậy thì tôi xin ra tay, không dám nề hà gì! Nhưng chỉ xin 3000 quan
tiền để lấy công thôi.
Các vị chức sắc nghe nói đến tiền công
đến 3000 quan, thì lắc đầu le lưỡi, có người than thở:
– Làng này vì không đỗ đạt, nên không “tơ
hào” được gì nên còn nghèo túng, chỉ mong sau này đè đầu cưỡi cổ
được thiên hạ, nói gì 3000 đến 5000 quan chúng tôi cũng lo cho cụ
được, mong cụ xem lại mà bớt cho.
Tả Ao nghĩ thầm trong bụng, ta lấy tiền
giúp người nghèo chứ có phải dùng riêng đâu. Bọn chúng mi thích đè
đầu cưỡi cổ thiên hạ để kiếm tiền hưởng thụ, thì ta sẽ chiều ý
thôi. Nghĩ thế nên giận, Tả Ao lên tiếng:
– Nghe các vị nói như vậy, ta cũng cảm
động lắm, thôi thì các vị có bao nhiêu để trả công, xin cứ nói thấy
được ta giúp cho.
Vị tiên chỉ nghe Tả Ao nói thế, liền đáp :
– Trong đình chỉ còn vỏn vẹn 500 quan tiền,
mong cụ lấy giúp.
Tả Ao lại giận trong lòng, đình làng nghèo
mà cúng kỳ yên đến hai bò năm trâu mười lợn như thế này thì thánh
thần nào chứng. Nhưng để làm gương cho đám chức sắc, ông cũng hài hả
đáp :
– Thôi được, mấy vị đã nói thế ta cũng
giúp cho làng, sau này ai cũng đè đầu cưỡi cổ thiên hạ đều được cả.
Ngay sau đó, Tả Ao ra trước sân đình đặt
tróc long định hướng, rồi cắm hướng mới cho ngôi đình. Xong ông cáo
biệt đi thẳng.
Mấy tháng sau khi đình đã được xoay ngôi
đổi hướng, các vị chức sắc kỳ mục không nói cho dân làng nghe
chuyện, mà chỉ dặn con cháu ra công đèn sách nay mai ứng thí.
Nhưng quái lạ, tất cả đám con trai, từ lớn
đến bé hễ cầm quyển sách định học, nhưng học mãi mà chữ nghĩa
chẳng vào đầu! Các thầy đồ được mời đến dạy cũng thở dài ngao
ngán. Rồi thay vì sách vở bút nghiên, càng ngày càng có nhiều anh
con trai con các chức sắc kỳ mục rủ nhau đi sắm hòm đồ nghề thợ
cạo, xách đi khắp nơi hớt tóc dạo! Trong lúc hành nghề, họ tha hồ
mà “đè đầu đè cổ” thiên hạ để… cắt tóc, cạo mặt, ngoáy tai…
Các cụ chức sắc lúc ấy mới ngã ngửa
hiểu ra cái thâm ý của thầy Tả Ao trước đây! Nhưng cũng hiểu rõ, tại
họ quá tham lam, chỉ biết tư lợi cá nhân, nên mới bị Tả Ao chơi trác.
2. Ở tỉnh Đoài có
một gã trọc phú thích công danh, chỉ ước cho hai con mình được đỗ
đạt hầu vênh vang với thiên hạ.
Nhân dịp Tả Ao ghé qua tỉnh, nhà trọc phú
bèn túm lấy năn nỉ ông, đặt giúp cho một ngôi mộ làm sao cho hai đứa
con được đỗ bảng nhãn, thám hoa rồi được bổ làm quan.
Tả Ao nói:
– Nếu ông thực lòng muốn thế thì tôi sẽ
giúp, nhưng tôi xin nói thật, để thỏa lòng việc này cũng phải tốn
kém lắm!
– Tốn kém như thế nào xin ông cứ cho biết,
tôi sẽ cố gắng lo liệu – gã trọc phú nói.
– Chí ít cũng phải 500 quan tiền. Ông biết
đấy, đoạt được bảng nhãn, thám hoa, đâu phải chuyện chơi!
Gã trọc phú liền gãi đầu:
– Thưa ông, những 500 quan một ngôi mộ… chẳng
giấu gì ông, tôi đang gặp cơn đen vận túng, chi những 500 quan một lúc,
cũng khá nặng. Xin ông nới tay cho thì tôi cảm ơn lắm!
– Thế chí ít ông chi được bao nhiêu quan
tiền?
– Chừng 200 quan có được không? Xin ông ra ơn
làm phúc, sau này như ý tôi sẽ hậu tạ thêm!
– 200 quan thì sao đủ? Nào phải phân kim, xem
hướng long mạch, định huyệt, rồi cúng tế cho ngũ phương, ngũ thổ long
mạch thần linh, nào Trạch chúa, Sơn hà hải ngạn chi thần, nào đương
niên đương canh mệnh vị thần quân, nào thành hoàng bản cảnh đại vương
liệt vị! Những ngần ấy thứ sao đủ sắm lễ…
– Thôi được! Ông đã có lòng giúp thì tôi
cũng vui lòng dấn thêm, ta quyết với nhau 300 quan tiền nhé! Xin ông
bắt tay vào việc ngay cho!
– Thôi được! Tôi nể lời ông lắm vì muốn tạo
phúc cho con cái.
Tả Ao sau khi nhận tiền xong, sai người đi
mua một chiếc tiểu sành. Còn bao nhiêu tiền đem cho những người nghèo
khó hết.
Hôm sau, dưới sự chỉ dẫn của Tả Ao, gã
trọc phú và đám gia nhân bốc ngôi mộ tứ đại chôn vào ngôi huyệt mới.
Rồi Tả Ao giao cho gã trọc phú một ống tre, trong đựng một tờ
“phép”, dặn phải đúng một năm sau mới được mở ra xem. Nếu táy máy
mà giở ra đọc trước, ngôi mộ sẽ hỏng mất thì đừng trách ông.
Chưa được một năm, bỗng nhà trọc phú gặp
liên tiếp nhiều tai họa, gia sản bị cướp bóc, lại bị thưa kiện, rồi
bệnh hoạn. Hai thằng con trai thì đổ đốn bỏ học, đi chơi bời lêu lổng
thêm tính nghiện hút. Gia đình lâm vào cảnh cùng quẫn, cả nhà phải
xoay ra làm nghề mổ heo đem ra chợ bán kiếm miếng ăn. Mấy cha con hóa
thành đồ tể.
Đúng ngày Tả Ao dặn, gã trọc phú tán gia
bại sản mới giở ống tre ra xem, thì thấy có một mảnh giấy trong đó
viết mấy câu sau:
Thiếu tiền 3 quan
Bị giảm 3 phần
Bút hóa ra cây xiên (thịt)
Nghiên hóa ra thớt
Bảng nhãn thám hoa
Hóa ra đồ tể!
Đọc xong tờ giấy, cả nhà mới ngã ngửa
người ra. Thì ra lúc giao tiền cho Tả Ao, gã trọc phú đã cố tình
đếm thiếu 3 quan! Gã có ngờ đâu hành vi ấy đã làm Tả Ao giận và cả
nhà phải lãnh hậu quả quá thê thảm đến như thế!
3. Ở một làng có
một anh chàng láu cá thượng hạng nhưng thông minh và hiếu học. Hoàn
cảnh anh ta thật đáng thương, có người chị gái góa bụa có con thơ,
vẫn phải đầu tắt mặt tối nuôi em ăn học. Hai chị em bữa đói bữa no.
Anh chàng cảm thấy vô cùng phẫn chí.
Bỗng một hôm anh ta nghe tiếng thầy Tả Ao đi
qua làng, bèn liều mình đến lạy ông thương xót hoàn cảnh của hai chị
em mà gia ân làm phúc. Tả Ao thấy anh ta mặt mày khôi ngô, lại tỏ ra
con người có chí tiến thủ, bèn nhận lời.
Sau khi làm bữa cơm đãi thầy, người chị
sụt sùi kể:
– Bẩm cụ chẳng may cho hai chị em cháu, cha
mẹ đều mất sớm. Em cháu đã cố theo nghiệp bút nghiên, mà không hiểu
sao đi thi mấy lần đều trượt. Nay chị em cháu trông cậy vào cụ, xin
cụ rộng lòng thương!
Tả Ao mới hỏi:
– Thế mộ cụ thân sinh của chị đặt ở đâu ?
Người chị nghe hỏi, càng nức nở khóc rằng
:
– Thưa cụ, cha mẹ chúng cháu mất từ khi
chúng cháu còn quá nhỏ, nên đến nay không còn biết mộ đặt ở chỗ
nào nữa !
Tả Ao suy nghĩ rồi bảo :
– Thôi, cũng không can hệ gì!
Đoạn ông vừa uống rượu vừa chú ý nhìn ra
ngoài sân. Chợt phát hiện có một luồng khí trắng từ dưới đất bốc
lên, đích thị đó là khí long mạch.
Tả Ao liền nghĩ đến phép “táng sống”, một
trong những phép vi diệu nhất của môn địa lý phong thủy.
Ông sai hai chị em đào một cái hố ở ngay
địa điểm có luồng khí bốc lên, sâu hơn hai thước. Sau đó bảo chàng
trai đứng xuống hố, và dặn hễ thấy nóng tới đâu thì phải báo cho
ông biết tới đấy.
Đoạn Tả Ao đứng ở một chỗ khác, dùng chân
dậm lên long mạch, miệng khấn: Bản xứ thổ địa long mạch thần linh,
phóng hậu khí vào anh học trò thi cử lận đận. Quả nhiên anh học trò
bắt đầu thấy nóng ran từ dưới bàn chân nóng lên đầu gối rồi lên
đùi. Anh ta nghĩ rằng chắc càng nóng nhiều và càng lên cao trên mình
thì càng tốt. Vì vậy anh ta cố sức chịu nóng. Tả Ao liền hỏi:
– Nóng đến đâu rồi?
Anh học trò thấy đã nóng tới đùi, nhưng
nói dối rằng :
– Thưa cụ, tới bắp chân rồi ạ!
Lát sau Tả Ao lại hỏi:
– Nóng tới đâu rồi?
– Thưa, tới đùi rồi ạ!
Tả Ao dậm mạnh chân hơn rồi lại hỏi:
– Nóng tới đâu rồi?
Thực ra nóng đã tới vai, nhưng anh học trò
láu cá lại bảo :
– Thưa, tới bụng rồi ạ!
Tả Ao lấy làm lạ, tại sao lần này hậu
khí lại lên chậm như thế ? Ông lập tức chạy đến chỗ chàng trai, sờ
vào người thì thấy nóng đã tới vai. Ông bực lắm quát :
– Tại sao đã nóng tới vai mà anh lại bảo
mới nóng đến bụng ? Anh nói dối thế này rồi sẽ gặp đại họa. Tôi
bảo trước cho anh biết, sau này anh tuy được làm quan nhưng sẽ phải
chết bất đắc kỳ tử.
Nói xong, Tả Ao vào khoác tay nải đi luôn một
mạch. Vừa đi ông vừa hối hận, rằng đã già trên đầu hai thứ tóc còn
bị một thằng con nít́ lừa. Giá ông không nhanh trí chạy lại sờ xem
thì chắc anh chàng láu cá sẽ chờ nóng đến đầu, ắt sẽ được làm
vương.
Hiệu quả của sự “táng sống” này thật là
mầu nhiệm. Từ hôm đó, anh chàng học một biết mười, chẳng bao lâu
chiếm được bảng vàng rồi được bổ làm quan đến chức nhất phẩm. Nhưng
về sau trong nước xảy ra loạn lạc, vua sai anh ta cầm quân đi đánh, và
bị trúng tên chết liền tại trận.
4. Một hôm Tả Ao
đang đi bị lỡ độ đường, ông phải vào một làng xin ngủ đỡ qua đêm.
Tả Ao đi đã nhiều nơi nhưng không thấy nơi
đâu buồn tẻ như cái làng này. Tất cả đàn bà trong làng đều tất bật
lam lũ, gồng gánh suốt từ mờ đất cho đến lúc gà lên chuồng vẫn chưa
ngơi tay. Họ phải làm hàng xáo (bán gạo thóc), nào đong gạo, phơi
phóng, sàng sẩy, phân loại gạo nào ra thứ gạo ấy rồi gánh ra chợ
đua tài buôn chín bán mười, lấy tiền nuôi chồng nuôi con. Trong khi các
ông chồng lại quanh năm không mó tay vào một công việc gì. Suốt ngày
rủ nhau hết rượu chè hút xách, lại cờ bạc thâu đêm suốt sáng.
Tuy làng này đối với ông không có họ hàng
gì, nhưng không hiểu sao Tả Ao vẫn không thể nào nhẫn tâm mà bước đi
tiếp. Ông nghĩ phải tìm cách kiếm cho bọn đàn ông trong làng một
nghề ngỗng gì đó cho họ làm.
Sáng hôm sau, ông ra quán nước đầu làng ngồi
uống nước, gặp ngay vị tiên chỉ. Sau câu chào hỏi làm quen, Tả Ao nói:
– Bẩm cụ, tôi là thầy địa lý, hôm nay rảnh
rỗi đi xem phong thủy vùng ta hung cát thế nào…
Ông tiên chỉ mừng rỡ kêu:
– Ối trời đất ơi! Thì ra cụ là thánh địa
Tả Ao đấy a !? Lạy thánh mớ bái, tôi thật là được văn kỳ thanh mà
bất kiến kỳ hình! Thưa cụ, xin mời cụ vào trong đình để các vị bản
chức trong làng được yết kiến thánh nhan của cụ và xin cho mấy lời
chỉ bảo, xem cái lẽ hung kiết của làng ra sao? Sau nhờ bảo ban cho
chúng tôi một lời.
Trước sự niềm nở của ông tiên chỉ, Tả Ao
bằng lòng theo ông ta vào trong đình. Ông được các vị chức sắc trong
làng thết đãi khá tươm tất. Sáng hôm sau tất cả hương chức cùng nhau
dẫn thầy đi xem phong thủy. Nhân tiện, Tả Ao hỏi xem trong làng này có
nghề gì phát đạt nhất?
Cụ tiên chỉ đáp:
– Ấy thưa cụ, trong làng này độc nhất có
nhà tôi làm nghề làm cối xay đã lâu. Cái nghề tuy kiếm được đồng
tiền bát gạo, nhưng phải cái lao lực chứ không được nhàn hạ. Vì vậy
mà bao nhiêu tráng đinh trong làng quen dài lưng chẳng ai chịu theo nghề!
Tôi cũng rất lấy làm tiếc!
Tả Ao nghe xong vừa đi vừa nghĩ, rồi ông
lẩm bẩm: “Không chịu theo, lười lao động hả? Rồi ta cho phải theo,
phải làm tất!”
Chợt Tả Ao phát hiện ra một gò đất ở
cuối làng, cho rằng có thể làm nên cơ sự ở cái gò đất này.
Ông bảo với vị tiên chỉ :
– Cái gò này án ngữ ở đây không lợi cho
làng ta mấy. Nó cản trở cả phần đinh (sinh con sinh cháu) lẫn phần
phú (tiền tài). Vậy phải được cải đổi đi một phần, tất sẽ có lợi.
Các hương chức đều nhất trí:
– Cụ dạy thế nào chúng tôi xin thi hành như
thế. Được như lời cụ thì thật phúc cho làng quá.
Ngay lập tức các tuần đinh được điều động
mang cuốc xẻng ra bạt hai dẻo đất phía tả và phía hữu của gò đất,
như thể cắt bớt cánh của con chim ưng. Gò đất chỉ còn lại một ụ
tròn, hai bên có hai cái tai như tai cối xay gạo.
Thấy lạ một vị kỳ mục lên tiếng thắc mắc
hỏi :
– Thưa cụ tôi xin hỏi, cứ như con mắt tôi
nhìn thì gò đất này bây giờ trông sao mà giống cái cối xay gạo đến
thế?
Tả Ao cười:
– Thưa cụ, sách địa lý đã dạy: “Địa lý
bất ngoại địa hình” (địa lý không ngoài hình thể đất đai). Nên sau
này về hậu sự, các cụ sẽ thấy sách dạy không sai.
Sau khi cải đổi hình thể gò đất xong, Tả
Ao cáo bận xách túi đi ngay. Các hương chức biếu ông tiền, ông cũng
nhất định từ chối.
Quả nhiên mấy tháng sau, tình hình trong
làng khác hẳn. Các bà vợ đều mang thai hết một loạt. Rõ ràng làng
đã phát về “đinh”, nhưng đồng thời vì bận con mọn nên không ai đi bán
hàng xáo nữa.
Các ông chồng hết còn cơ hội bám váy vợ
để hưởng thụ an nhàn, nên cực chẳng đã phải tính cách đi kiếm sống.
Ông tiên chỉ cho gọi họ sang mở lò đóng cối, không một ai chê bai gì
nữa. Tình trạng rượu chè cờ bạc của cánh đàn ông hầu như tuyệt
hẳn. Mà cái nghề làm cối xay này rõ ràng là kiếm ăn được, cối xay
làm ra không kịp để bán. Các lái buôn từ các tỉnh tín nhiệm thứ
cối gỗ mít thượng hạng của làng, đã ùn ùn kéo đến mua cối về
bán.
Tất cả mọi người ngẫm lại lời của Tả Ao
nói ngày trước mà bái phục. Rõ ràng “địa lý bất ngoại địa hình”
là cuối làng có một gò đất có hình cối xay, và làng thì lại phát
về nghề làm cối xay, nổi danh khắp thiên hạ!
CÁI CHẾT CỦA TẢ AO
Tục ngữ có câu “hàng săng chết bó chiếu”
(người làm áo quan chết bó chiếu). Mang câu ấy luận vào Tả Ao thấy
rất đúng.
Tất cả mọi người đều biết, suốt một đời
Tả Ao đã tìm đất đặt mộ cho không biết bao nhiêu người, bao nhiêu làng
xã. Và nhờ có tài siêu việt của bậc thánh nhân phong thủy nơi ông,
mà những làng, những người, những dòng họ đã phát đạt, thậm chí
sau đó còn truyền tử di tôn cho đến mấy đời con cháu.
Cũng vì quá mải mê giúp người, giúp đời,
mà Tả Ao bình sinh lấy sự đi chu du giúp thiên hạ là chính, ít khi ở
nhà. Chính vì vậy mà cho đến lúc tuổi già, Tả Ao vẫn không rảnh
rang được lúc nào để nghĩ tới việc “hậu sự” cho con cháu của ông.
Là thầy địa lý bậc nhất trong thiên hạ mà
ông… quên việc chọn cho mình một ngôi đất để sau này con cái táng ông
vào đấy, được phát phúc về sau.
Mãi đến khi nhận thấy mình sắp sửa về
chầu tiên tổ, ông mới gọi con cháu đến bảo, hãy khiêng ông đến ngay
một nơi có miếng đất hình “nhất khuyển trục quần dương” (một con chó
đang đuổi một đàn dê), mà ông chợt nhớ ra đã có lần để ý đến.
Thế nhưng con cháu khiêng ông mới đi được
một đoạn đường thì ông đã thở hắt ra. Biết không kịp đến chỗ đất
kia, mà có dặn thì con cháu cũng không biết đường mà lần, ông bèn
bảo chúng dừng võng lại bên đường, đoạn gượng quay nhìn một gò đất
ngay cạnh đường, rồi chỉ tay mà nói :
– Chỗ kia là đất “huyết thực” bất đắc dĩ
thì cứ chôn ta vào đây cũng được !
Nói xong, Tả Ao liền tắt thở.
Con cháu y lời, táng ông vào miếng đất ấy,
đó chính là một cái bờ ao. Cũng vì sự việc này mà người ta gọi
Tả Ao là Trạng Bờ Ao.
Cũng chính vì vậy nghề địa lý phong thủy
của Tả Ao bị thất truyền, vì ông mải mê đi đó đây, đã không tìm ra
một đệ tử để chân truyền môn địa lý ông học được từ bên Trung Hoa
mang về.
Nhưng Tả Ao hình như đã tiên liệu được điều
này, nên trong sách để lại cho con cháu có hai câu thơ :
“Đạo cao đức trọng chưng thân
Hổ long liên phục, quỹ thần liên kinh”
Có nghĩa, có đức trong cuộc sống thì sẽ
có phúc, người có phúc sẽ được đất kết, con cháu nhờ đức đó mà
vinh hiển (được mọi người kính nể bởi tiếng tăm của cha mẹ để lại).
Khi diễn đạt hai câu thơ này, câu Đạo cao
đức trọng chưng thân là người có đức có tài, thì rồng cọp (Hổ Long)
cũng phải phục (chưng thân, liên phục), quỷ thần cũng tránh xa (quỹ
thần liên kinh).
Hiểu sâu sa hơn lời của Tả Ao, là làm
người phải sống có đạo lý, kính trên nhường dưới, tôn trọng nhân lễ
nghĩa trí tín, mọi sự sẽ được tốt lành.
Đức không phải từ Thiên Địa (Trời đất) ban,
mà chính con người phải tạo ra mới có. Có đức ắt sẽ có đất kết,
không cần phải tầm long, định hướng theo phong thủy.
Chúng tôi muốn mượn lời của Tả Ao, một
thầy phong thủy nổi danh của nước ta, để kết thúc bài viết này.
Mời thư giãn với nhạc phẩm MÁI ĐÌNH LÀNG BIỂN
của Nguyễn Cường, qua tiếng hát Tùng Dương:
*.
THIÊN VIỆT (tên thật Nguyễn Văn Việt)
Địa chỉ: 119D, KP3 Mai Chí Thọ, An Phú,
Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh.
Email: nguyenviet168@yahoo.com.vn
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 15.11.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân
Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét