TRUYỆN VUI và

TRUYỆN LIÊU TRAI

*

TRUYỆN VUI:

ÔI CHỊ! EM KHÔNG HIỂU

*

Vừa vào nhà, chị véo cái vào má lão rồi ơi ới anh chồng đi cùng:

- Eo ơi, anh nhìn này, chẳng thấy em ấy thay đổi chút nào anh nhỉ?

Lão ngượng, cười:

- Ồ chị, gần mười năm...

- Ừ, hơn chín năm rồi chị em mình mới gặp lại nhau Xuyến nhỉ... Dạo này em béo và già đi nhiều đấy. Gặp em ngoài đường chắc chị không nhận ra được em đâu Xuyến ạ.

- Dạ...

Vừa lúc đó cục cưng của lão thập thò ngoài cửa, chị nhìn thấy, hỏi:

- Này em, thằng cu này con nhà ai đấy? Trông kháu khỉnh đáo để em nhỉ?

- Dạ, thằng cu nhà em chị ạ. Chào 2 bác đi con.

Chị kéo cục cưng vào lòng, xoa xuýt:

- Eo ơi giống bố Xuyến thế nhỉ. Nhìn là biết ngay con trai bố Xuyến. Đúng thật là giỏ nhà ai quai nhà ấy em ạ. Cứ như là bản công chứng ý!

Rồi chị ngoảnh sang hỏi lão:

- Này, lâu rồi em có về quê không? Quê mình giờ thay đổi nhiều quá em nhỉ? Bữa trước về quê, chị phải hỏi đường đấy. Eo ơi, nông thôn bây giờ hiện đại lắm, khác xưa nhiều lắm...

Lão ngắc ngứ vì lão đâu có cùng quê với chị? Vì không muốn chị mất vui nên lão cứ ậm ậm ừ ừ cho qua chuyện.

Chị quày quả với chồng:

- Anh ạ, em ấy là đồng hương mình đấy. Eo ơi, đồng hương mình nhiều người làm ăn khấm khá lắm anh ạ. Em ấy cũng là tấm gương vượt khó bằng nghị lực, trí tuệ đấy.

Như nhớ ra chuyện gì quan trọng, chị vỗ vỗ vào trán kiểu giới trí thức nhiều việc, rồi vẻ rất lơ đãng của giới nghệ sỹ, chị hỏi:

- Chị nghe vợ chồng thằng Long bảo em đang xây nhà ở quê? Em ở Yên Bái hay Quảng Ninh? Từ đây về quê em xa lắm không? Lâu rồi không về thăm quê em nên chị quên mất rồi Xuyến ạ....

Ôi chị!

Chị già thật rồi hay hôm nay thời tiết thay đổi nên chị bị ẩm IC?

*

Hà Nội, 17 tháng 11 năm 2012

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

THỀ BỎ RƯỢU

*

Đang ngon giấc ngủ thì điện thoại đổ chuông.

Lại là Tú.

Nhấc máy lên, lão sổ luôn: - Lại gì nữa đây, Tú? Anh đâu có thù oán với mày mà mày cứ hành củ tỏi anh mãi thế? Sáng tinh mơ đã nheo nhéo nheo nhéo. Giờ anh tranh thủ ngủ trưa cũng bị mày mè nheo là sao? Tha cho anh đi mày...

Tú nhăn nhở cười:

- Điện đến xin lỗi sáng nay đã làm anh mất ngủ. Muốn tạ lỗi anh bằng can rượu quê vừa mang lên. Có nhận không để chiều em mang đến.

Ôi thằng này. Rượu chè cái gì? Nói ra chỉ thêm bực! Lần trước, mượn 3 can 20 lít bảo về quê mang rựơu lên, sẽ biếu lão một can để ngâm rượu thuốc, “thi thoảng em đến có uống trạc cũng đỡ ngại”. Lão hăm hăm hở hở, san san sẻ sẻ từ bình nọ sang bình kia để chứa thêm rượu. Những 20 lít cơ mà! Lão chờ, chờ đến đỏ cả con mắt nó mới mang rượu đến, nhưng không phải can 20 lít mà là can 2 lít. Lão choáng khi thấy nó “khệ nệ” xách can rượu 2 lít, đặt lên bàn, rồi nhắc đi nhắc lại, rất trịnh trọng là rượu quê nấu men gạo chuẩn, nguyên chất đấy. “Quý anh lắm, em mới để dành cả can rượu đấy.”. Grăng-đê sống lại, chắc cũng phải đứng từ xa vái lấy vái để, mong nó chiếu cố thu nạp làm đệ tử!

Ư hữ vài câu, lão bảo dạo này sức khỏe có chiều xuống cấp nên đang quyết tâm bỏ rượu. Nó phá lên cười, cực đểu: - Anh dỗi rượu? Anh quyết tâm bỏ rượu? Hay anh đang viết truyện cười đấy? .... Hố hố hố.... Có mà bỏ thêm rượu mới vào trong dăm ba hũ! Dám thề bỏ rượu không hở sâu rượu?

Từ nhỏ, lão có nguyên tắc là không được lấy lời thề để xây dựng và củng cố niềm tin nơi người khác. Nếu buộc phải thề thì tuyệt đối không thề sai sự thật. Nhưng cuộc sống, đôi khi vì quá bức xúc hoặc khi rượu đã phê phê khiến lão không giữ được tỉnh táo mà phạm vào nguyên tắc đó. Lần này cũng vậy, phần vì bực khi nhớ lại chuyện cũ, phần vì muốn nhanh cúp máy để ngủ bù mấy đêm mất ngủ nên lão thề đại. Nghe lão thề, nó lặng người rồi vớt vát: - Ừ thì em cứ nói thế.... Nếu cần rượu ngâm thuốc thì alô, em sẽ mang đến. Rượu nhà nấu nên an toàn anh ạ.

Cúp máy xong mới ân hận. Chẳng lẽ lão phải bỏ rượu thật? Ôi... lại thề! Lần này, chắc phải để “lời thề cá trê chui ống”!

*.

Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2013

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

PHẠT TAXI

*

Giữa tháng chạp năm ngoái (2012), lão về quê xem nhà cửa làm đến đâu rồi thì ngang đường - đoạn rẽ phố Nối về Thành phố Hưng Yên, thuộc địa phận huyện Mỹ Hào (đoạn đi tắt để ra bùng binh về huyện Ân Thi) - bị mấy anh công an giao thông tuýt còi đòi kiểm tra giấy tờ. Lái xe trình đủ các loại giấy tờ theo yêu cầu.

Không bắt lỗi về giấy tờ được, mấy anh công an nghiêng nghiêng ngó ngó vào trong xe, rồi anh lớn tuổi nhất đám hất hàm hỏi tài xế:

- Sao taxi lại chở chăn?

Lái xe nhăn nhó (có lẽ vì bực):

- Đó là hành lý của khách, có thuộc nhóm hàng cấm đâu mà em không được phép chở.

Một anh công an khác, quãng 30 tuổi, nheo mắt nhìn lái xe, gằn giọng:

- Mày là thằng lái xe mà thích nói chuyện luật pháp nhỉ? Đ.M! Mày có biết thế nào là nhóm hàng cấm không?

Lái xe cố nhã nhặn:

- Em không nói luật mà chỉ trả lời câu hỏi của các anh là sao xe của em lại chở chăn.

Anh công an ít tuổi nhất lấy chân đá đá vào đống chăn, hất hàm:

- Đ.M, chở đéo gì mà lắm chăn thế, những 5 cái cơ à?

Lái xe cau có:

- Anh đá chăn như thế bẩn chăn của khách, em lại phải đền cho khách đấy.

Không trả lời lái xe, anh công an ít tuổi nhất nhảy phắt lên xe, lơ lơ láo láo, ngó ngó nghiêng nghiêng một chặp rồi bắt lỗi lái xe tại sao không có bình chống cháy, đòi phạt “nóng” (không lập biên bản) 1 triệu đồng. Lái xe lật đống chăn, lôi bình chống cháy ra thì anh công an lớn tuổi nhất sầm mặt lại, chửi:

- Đ.M! Bình này có đúng chủng loại đéo đâu! Mày dùng để đối phó à?

Xin xỏ một hồi không được, lái xe mới bấm máy gọi cho ai đó (chắc sếp lớn) rồi chuyển máy cho anh công an nhiều tuổi nhất.

Dạ dạ vâng vâng rối rít, anh công an lớn tuổi nhất quay ra ngọt nhạt với lái xe:

- Thế mà em không nói trước. Thôi, em lên xe đi. Bọn anh cũng chỉ là thi hành nhiệm vụ thôi mà.

*.

Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2013

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

GỌI NHẦM ĐIỆN THOẠI

*

Chuyện của tối qua. Giờ rảnh việc, lão mới hầu chuyện mọi người.

Chuyện là thế này:

“BẠN” điện đến, hỏi:

- Năm rồi mi tổng kết ra răng? được hay mất?

Lão cự nự:

-  Ai đó? Mà hỏi mần chi?

“BẠN” phá lên cười:

- Tổ cha mi, lại thế nữa! Hỏi để biết chứ tau có xin mi mô mà nản?

- Ừa, thì được!

- Được chi?

- Được nhiều lắm! Đươc người! Được của! Được tiếng! Được tai!...

Chưa kịp nói hết câu, “BẠN” lại hô hố cười, rồi tràng giang “BẠN” chửi:

- Chu choa! Mi vẫn rứa. Vẫn cứ tính nỏ mồm, bù lu bù loa, hệt mấy con bán gà bán vịt.... Mà bây chừ mi ở với ai? Đã đón con nớ về chưa? Vẫn chưa à? Sao mi cố chấp rứa? Tau thấy tội hắn lắm... Chừ mi tính răng? Hắn cũng đâu đến nỗi! Mi cứ rứa, tội hắn lắm, mi ơi...

- Thì cũng tính như rứa nhưng mà hắn nỏ chịu… Chừ biết tính mô?

- Ủa? Cắc cớ chi mà hắn không chịu? Hay tại mi vẫn đèo bòng con nạ nên chừ hắn mới rứa? Thôi, nghe tau, đón con nớ về, ở mình ên sao đặng? Rồi còn lo chuyện con cái, tưng đấy tuổi rồi, không lo sinh con đẻ cái sau này già cả rồi thì mần răng?

LÃO ậm ừ ra vẻ đắn đo:

- Ừa, thì cũng đã tính như rứa nhưng hắn nỏ chịu, chừ biết tính mô?

“BẠN” có vẻ bực bực nên giọng hơi căng:

- Răng mi cứ con gà con vịt rứa? Việc của mi chứ việc tau đâu mà mãi con gà con vịt với tau rứa!

- Ừa... thì cũng tính như rứa nhưng hắn nỏ chịu, chừ biết tính mô?

- Mi... mi...

Chắc ngờ ngợ điều gì, “BẠN” lặng yên một lát rồi hốt hoảng, chửi:

- Chu choa lộn số. Sao bây không nói tau sớm. Cha bây, tốn tiền tau rồi...

Nói xong, cụp máy cái rụp.

*.

Hà Nội, 15 tháng 02 năm 2013

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

NHÀ THƠ GẠ BÁN THƠ

*

Anh điện đến hỏi: 

- Này, sao thơ tôi, ông không chịu bán giúp? Ông thấy đấy. Trên phây, bài nào của tôi cũng vài trăm like. Thơ thế, ông mà bán thì thôi rồi, tôi khẳng định sẽ đắt như tôm tươi...

Anh cứ thao thao làm lão ngại, không biết trả lời anh sao nữa. Thật lòng, cũng rất muốn bán giúp anh nhưng giờ có ai bỏ tiền ra mua thơ để đọc? Nói thẳng sợ anh buồn, không nỡ, đành viện lý do này kia để anh đỡ buồn thì anh lại trách là ích kỷ, là không có tinh thần đồng hương, đồng đội. Lão vâng dạ rối rít để anh bớt giận nhưng hình như anh không chịu hiểu nỗi khổ của lão nên cứ dồn: 

- Ông có biết thơ của thằng Z không? Ông thấy thơ của nó thế nào? 

Lão thật thà: 

- Anh ấy tặng em mấy tập thơ nhưng em mới đọc được dăm bài vì... bận quá.

Anh gặng: 

- Thế đọc, ông có hiểu gì không?

Lão sốt sắng: 

- Có chứ anh...

Anh gạt luôn: 

- Bậy! Bậy hết sức! Thơ đọc mà hiểu liền thì đéo phải là thơ! Thơ là bậc thầy của nghệ thuật sử dụng ngôn từ, chữ nghĩa, đâu phải là cách ăn nói bỗ bã, thiển cận của dân chợ trời mà cánh phàm phu tục tử đọc là hiểu liền... Chết thật! Chết thật! Chả trách văn hóa đọc của nước mình ngày càng xuống cấp trầm trọng đến thế...

Lão ỉu xìu như bánh đa nướng gặp phải trời mưa, chẳng biết nói sao, chỉ ấp úng: 

- Vâng, thưa anh… nhưng thơ là tiếng nói của tâm hồn, là ..

Anh gắt: 

- Là... cái con vẹt! Ông biết đếch gì về thơ ca mà “ní với chả nuận”. Mai tôi cho con bé nhà tôi đèo đến trăm cuốn, ông muốn nhét vào đâu thì nhét...

Lão ngớ người, muốn nói rằng, anh ơi tha cho em, thơ anh em đọc không hiểu thì biết "nhét" vào đâu... Nhưng đầu dây bên kia anh đã kịp dập máy, Lão cứ mãi ú ớ, khiến cu con nhà lão hoảng hốt:

- Bố! Bố bị sao thế? Bố bị trúng gió à...?

- !!!

*

Hà Nội, 17 tháng 03 năm 2013

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

CHUYỆN CỦA “ĐÀN ÔNG XỊN”

*

Cu em dại đã chuyếnh choáng, cứ vít đầu lão xuống, ghé vào tai thì thầm:

- Em thề… em là đàn ông anh ạ. Đàn ông xịn 100% đấy... Em không giống thằng Tuấn Anh, chỉ được mẽ đẹp trai, dẻo mỏ... nhưng đếch phải là đàn ông.... Em.. Em hận con vợ em. Mẹ nó chứ. Em đã tha thứ cho nó, chấp nhận về ở với nó cũng chỉ vì con cái... Ấy thế mà nó lại lén uống thuốc ngừa thai... 

Mùi rượu, cộng với cái mùi “cả tháng không thèm đánh răng” từ mồm thằng em bốc ra, xộc thẳng vào mũi làm lão muốn ói… Lão đẩy nó ra, tức giận:

- Thì cô ấy không muốn sinh thêm em bé chứ sao? Đẻ lắm làm gì, chỉ khổ con cái …

Không để lão hết câu, thằng em dại dướn lông mày lên, cay cú:

- Loại đàn ông không tài mà lắm tật như anh thi biết cái gì. Mấy tháng nay, ngủ với nó em có làm đếch gì đâu mà nó phải ngừa thai... Ức lắm anh ạ.... Mẹ nó chứ... Nó thật vô liêm sỉ. Nằm bên em mà nó lại nhắn tin cho thằng nhân tình. Khốn nạn. Nó còn chạy vào nhà vệ sinh thỏ thẻ với thằng nhân tình rằng anh ơi thằng đụt nó vẫn còn thức, chưa ngủ.. Quay ra, thấy em, nó thản nhiên hỏi: - Nghe hết rồi à? Càng tốt. Đây đỡ phải giấu... Là anh thì anh có tức không? Anh sẽ làm gì? Anh nói đi...

Lão ngớ người với câu hỏi đột ngột và khó trả lời của nó. Lão ấp úng, lão bối rối như gà mắc tóc vì lão làm gì có kinh nghiệm bị vợ cắm sừng mà đưa ra câu trả lời thỏa đáng: - Thì … thì .. anh làm sao biết được. Thế lúc đấy chú xử lý thế nào?

Nó lắc đầu: - Đau, đau lắm anh ạ.

Lão thấy tội cho nó nên vỗ về, an ủi:

- Ừ, đau thật...Bị vợ cắm sừng công khai như thế thì đau thật. Rồi sao nữa? Chú xử lý thế nào?

- Em hỏi nó đã dội nước nhà vệ sinh chưa để em giúp.

Lão trợn mắt nhìn nó. Lão cứ ngỡ nó sẽ kể rằng em giang tay tát bốp cái rõ đau vào mặt con vợ, hoặc chí ít cũng phải là vài câu chửi cho hả giận, ai ngờ...

Có lẽ hiểu sự ngạc nhiên đến tức giận của lão nên nó thở dài: - Chấp làm gì với thằng chỉ dám tán vợ em qua điện thoại hả anh. Như thế nó là thằng không đàng hoàng, không phải là đàn ông xịn. Mình là đàn ông xịn 100%, chấp với nó thì khác gì cho nó cơ hội bằng mình... Em chẳng dại... 

Chưa nói hết câu, thằng em dại vội quay mặt...

Lão nhìn nó, lặng người.

*

Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2013.

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

CHUYỆN MAI MỐI

*

Mới sáng sớm, Chính đã điện đến, cười phe phé: - Dở ơi… Hôm nay mày dậy sớm thế?

Đang ốm, lại bị khua dậy từ 6 giờ sáng nên lão rất bực, nhưng vì nó là thằng bạn thân thời lính, lại đồng hương huyện, cũng gần chục năm rồi không gặp nhau nên lão gượng cười:

- Ừ, ông có việc gì mà điện cho tôi sớm thế? Đang có việc ở Hà Nội à?

Nó cười ngất: 

- Hà Nội cái con khỉ. Đang ở quê. Vợ tao nhắc tao điện cho mày, bảo chủ nhật này mày có về quê thì nhớ rẽ vào nhà tao chơi.

Nghe nhắc tới Lan, vợ nó, lão thấy thật lạ. Thằng này tướng tá đã không ngon con, lại mắc tật khi ngủ miệng cứ chóp cha chóp chép, nước dãi chảy ra cả một đống thế mà cưới được cô vợ xinh đáo để. Không chỉ xinh mà vợ nó còn khéo ăn khéo ở. Đúng là mèo mù vớ phải cá dán. Có lẽ kiếp trước nó tu đến nơi đến chốn nên kiếp này mới được hưởng quả lành.

Đợi nó cười xong, lão mới hỏi:

- Có việc gì không ông? Tối thứ 4 bố con tôi về quê cả tuần. Đến thứ 4 tuần sau mới lên Hà Nội. Chắc chiều thứ 2 bố con tôi mới vào nhà ông chơi được, vì tôi về đợt này còn có đôi ba việc gia đình ông ạ.

Nghe vậy, nó giãy nảy lên: 

- Thôi, mày vào một mình, đừng cho thằng con mày đi theo rồi nhỡ hết việc.

Lão trấn an nó: 

- Thằng cu nhà tôi biết nghe lời, không nghịch lắm nên ông an tâm. Có chuyện gì quan trọng thế ông?

Nó cười cười: 

- Mày còn nhớ cái Huệ con anh Hùng nhà tao không?... Không nhớ à? Vợ tao bảo mày vào nhà tao chơi.... để nó giới thiệu con Huệ cho mày.

Lão cười, đùa nó: 

- Tôi làm cháu rể ông? Sao không nhận tôi làm con rể ông cho gần hơn?

Nó phân trần: 

- Mày làm cháu rể tao thì có làm sao? Chuyện đấy cũng bình thường mà! Con gái tao năm nay mới học lớp 12, chồng con cái con khỉ. Mày vào sẽ ưng con Huệ liền. Nó được người được nết mày ạ.

Thấy nó nói vậy, lão cười cười: 

- Tôi ở “góa” thôi ông ạ. Cái số đã hỏng đường hôn nhân thì vợ con nữa làm gì cho mệt.

Nó chửi: - Số cái con khỉ. Mày phải lấy vợ để có người quản lý tiền bạc mày làm ra, chứ đàn ông không vợ khác đếch gì cái giỏ không đáy. Còn lúc ốm đau, lúc này lúc kia nữa chứ, không có vợ là khổ lắm. 

Không để lão phân trần, nó “thông” luôn: 

- Mày mà cưới được con Huệ thì phúc cho mày lắm. Nó được người được cả nết. Chịu khó và tằn tiện lắm mày ạ. Tao thấy nó với mày có nhiều điểm rất hợp nhau..

Thấy nó tràng giang đại hải, lão vội ngắt lời: 

- Nhưng Huệ mấy tuổi? Làm gì? Ít nhất ông cũng phải sơ sơ cho tôi biết chứ?

Nó cụt ngủn: - 28 tuổi, làm ruộng.

Lão “buột” miệng: 

- Con gái ở quê làm ruộng mà 28 tuổi chưa chồng thì chắc nhan sắc hoặc tính nết có vấn đề….

Không đợi lão hết câu, nó chửi luôn:

- Mẹ mày chứ... Đéo mời mày vào nhà nữa…. Nó đẹp thì đã chẳng ế đến giờ này... Mẹ kiếp… Mày xem lại mày đi, già khú rồi, trai tân đếch đâu mà kén với chọn…

Rồi dập máy.

Lão thua!

*.

Hà Nội, ngày 21 tháng 04 năm 2013.

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

HỌC THEO THIÊN HẠ

*

Chuyện là thế này:

Thằng em dại đỗ xe huỵch cái, rồi vỗ vỗ vai lão, nói như cho cả khu phố cùng nghe:

- Anh yêu! Mình về đi!

Lão giật thót người, hớt hải tia mắt nhìn mọi người, rồi sẵng giọng với nó:

- Cái... gì? Sao mày lại gọi tao là anh yêu?

Nó toét miệng cười:

- Thì hôm nọ thấy anh gọi chị Nga là chị yêu ơi, chị ấy có vẻ “sương sướng” nên....

- Thằng ngu! Đấy là con trai với con gái, còn tao với mày là hai thằng đàn ông, dở à?

Nó gãi đầu, nhăn mặt:

- Thì ... Em tưởng tình cảm con trai con gái đều giống nhau, đâu phân biệt giới tính...

Bực mình, nhưng thấy khuôn mặt thộn ra đến tội nghiệp của nó nên LÃO đành hạ giọng: 

- Mày đúng là thằng “tứ chi phát triển”. Mà ... tìm anh có việc gì?

Nó thở hắt ra rồi líu ríu:

- Mẹ em bảo sang phiền anh đưa đến nhà thằng Viện ái, nhờ nó sắp xếp thời gian đưa mẹ em đến phủ cô Hiền dâng lễ giải hạn.

Trời! Lão đâu quen thằng Viện ái! Lão chỉ “tiện mồm” khen theo thiên hạ là thằng ấy nhảy đồng dẻo lắm, khấn vái bài bản lắm... Lão đâu biết thằng Viện mồm ngang mũi dọc thế nào? Lão càng mù tịt chuyện hầu đồng mở phủ. Lão nghe lỏm người ta kháo nhau là thế, rằng thế nên đúng lúc đang lê tê phê rượu lão mới huyếnh lên rằng thằng Viện ái là bạn chí thân của lão, rằng thằng Viện ái rất biết nghe lời lão...! Có việc gì cần tới Viện ái cứ alo, lão sẽ bảo Viện ái lo liệu hết mình. Uầy! Giờ thì chết lão rồi. Tính sao đây?

Thấy lão đứng thộn mặt ra, thằng em dại cuống quýt:

- Sao thế anh? Em có gì sai à? Xin lỗi nhé. Mà em sai chỗ nào phải chỉ cho em biết chứ cứ nghệt mặt ra như bò đội nón như thế thì bố em cũng chẳng hiểu được.

Nhìn thằng em cuống quýt, lão thấy tội tội cho nó nên bụng bảo dạ. Thôi. Cứ dẫn thằng “đầu thì to mà óc lại quả nho” này về nhà rồi liệu cơm gắp mắm sau. Nghĩ thế nên lão khoát tay thằng em lên xe về nhà.

Vừa vào nhà, thằng em dại đã toe toét cười cười với cô cháu gái của lão, bỗ bã như chỗ thân tình lắm:

- Eo ơi con gái nhà ai mà xinh thế? Cho anh thơm cái miệng tí tì ti nào!

Tưởng thằng “óc to như quả nho” chỉ tếu táo cho vui, ai dè nó sấn sấn sổ sổ vào đòi thơm miệng con bé thật. Lão chưa kịp quát thì nghe bốp một cái rõ to, rồi đến tiếng kêu oai oái của thằng “tứ chi phát triển”:

- Ơ... Cái con cọp cái này... Sao lại đánh anh đau thế!

Cô cháu gái của lão đằng đằng sát khí, chỉ tay vào mặt thằng “em chã”:

- Đồ mất dạy! Lần sau mà còn thế nữa thì “chị” đánh cho nát cái mặt họ nhà dê nhà mày đấy.

Ôm má, thằng “em chã” chạy đến xuýt xoa “mách” lão: - Ạnh nhìn mặt em này. Xưng hết lên rồi đấy. Sao cháu anh ghê gớm thế! Em đã thơm được cái nào đâu mà nó giang tay đánh em rõ đau. Đúng là con cọp cái!

Nhìn bộ mặt thiểu não của nó, lão không nhịn được cười, nhưng phải cố nghiêm mặt hỏi tội: - Mày oan ức lắm sao? Vô duyên vô cớ lại đòi thơm nó là thế nào? Là anh thì hôm nay mày nhừ đòn rồi.

Thằng em dại giãy nảy lên:

- Vô duyên vô cớ cái gì? Thì em cũng làm theo lời dặn của mẹ em là sang nhà anh, nếu có trẻ con thì phải thể hiện sự yêu quý trẻ nên em mới làm thế. Với lại, hôm qua anh thơm vào miệng cái Tý nhà anh Sơn, em thấy cái Tý nó cười như nắc nẻ với anh chứ nó có dữ dằn đánh trả như con cháu cọp cái của anh đâu.

Lão sững người trước câu trách móc đầy ấm ức của thằng “em chã”. Lão không biết nó ngù ngờ thật hay giả bộ ngây ngô? Hai mươi mấy tuổi rồi, sao có thể ngớ ngẩn đến thế?... Nhưng nhìn vào khuôn mặt bí dị, cau có và ánh mắt tức giận của nó, lão thấy hình như nó nói thật.

Không nhịn được buồn cười, lão ôm bụng mà cười, khiến thằng em dại cáu: - Sao anh vô duyên thế! Em bị cháu gái anh vô cớ đánh đau như thế lại cứ nhìn em cười. Vô duyên thế đã đủ chưa?

Cố nín cơn buồn cười, lão hỏi: - Mày... Mày có biết con Tý nhà anh Sơn khác cháu anh ở điểm nào không?

Thằng em dại gãi gãi đầu: - Cùng là con gái và cùng là trẻ con... Không có điểm nào khác nhau cả.

Đến nước này thì lão thật sự thấy tội nghiệp cho cái đầu sền sệt những bã đậu của thằng “em chã” nên quát: - Con Tý là đứa trẻ 2 tuổi, còn cháu gái anh nó đã 15 tuổi rồi. Nó đang trở thành một thiếu nữ. Một thiếu nữ! Mày hiểu chưa? Sao mày lại bắt chước như thế?

Thằng em dại ngớ người một lúc rồi lẩm bẩm:

- Ừ, đúng rồi! Cái Tý nhà anh Sơn là trẻ con còn cháu gái anh đang trở thành thiếu nữ! Ôi! Lạy Chúa tôi! Có thế mà em cũng không nghĩ ra. Chán quá anh nhỉ?

Đến lượt lão lại tròn mắt nhìn thằng em dại. Miệng lão cũng “tiện thể” theo tiếng lẩm bẩm của nó mà lắp bắp: - Ừ... Cái Tý là trẻ con còn cháu gái anh đang trở thành thiếu nữ!... Ôi! Lạy Chúa tôi! Có thế mà cũng không nghĩ ra... Chán quá nhỉ!

*

Hà Nội, 31 tháng 10 năm 2013.

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

BÓI DẠO

*

Gã thanh niên xấp xỉ tuổi 30, chằm chằm nhìn lão, rồi  bả lả hỏi:

- Này anh. Có tin con người có số mệnh không?

Đang buồn vì không có người nói chuyện, thấy cách “bắt chuyện” của gã cũng hay hay, lạ lạ nên lão trả lời:

- Có chứ! Giày dép còn có số nữa là đời người!

Như gãi đúng chỗ ngứa, gã vỗ tay đét cái, hỉ hả:

- Biết ngay mà. Nhìn là biết anh thuộc người của tứ phủ, cũng căn quả lắm đây! Mà... vợ con gì chưa?

Lão cười cười:

- Con thì có, vợ thì giờ vẫn chưa kiếm được.

Gã sấn đến, ngồi xuống, cầm tay lão, gãi gãi, xoa xoa. Ngón tay út khẽ cong lên, rồi ấn ấn, bóp bóp, dạn dĩ và rất chuyên nghiệp.

Vuốt vuốt gan bàn tay, cạ đi cạ lại gò Kim Tinh trên bàn tay của lão, gã nheo nheo mắt, nhăn nhở:

- Lại chuyện bị vợ chê là yếu sinh lý chứ gì? Gớm! Trông ra dáng gà chiến thế này mà... chẳng khác gà thiến là mấy... Tiếc nhỉ?

Lão giả bộ nai tơ, ngạc nhiên hỏi:

- Sao biết? Tài thế?

Gã bĩu môi rõ dài, rồi nhấn nhá:

- Không phải khoe đâu nhá... Em nhìn là em biết ngay. Đàn ông mà mặt buồn buồn như thế này thì khổ vì chuyện phòng the là đúng rồi. Lại nữa, cái tay... Ối giời ơi, gò Kim Tinh gì mà nát như băm như vằm thế kia thì đĩ lên đĩ xuống là phải... Từ từ, để xem đường sinh lý thế nào nào... Gớm, ngại cái gì, đĩ vung đĩ vẩy như thế mà cứ giả bộ đàng hoàng, đứng đắn... Ôi, nhìn cái bàn chân kìa, dài rộng thế này thì vợ nó chê như đuôi chuột ngoáy lọ mỡ là phải? ... Dào ồi! Vẽ chuyện. Mấy thằng đực với nhau thì ngượng cái gì?... Đưa tay mặt ra đây... Thế, thế...... Nhắm mắt lại xem nào… Xem giúp thôi, có lấy tiền đâu mà sợ đắt với rẻ?...

Lão thấy kỳ kỳ nên rụt tay lại, ngó quanh, ái ngại:

- Uầy... Có gì đâu mà sợ? Chỉ là thấy nhột nhột nên không thích, thế thôi!

Gã nhìn lão, thêm chăm chú, rồi trầm giọng:

- Này, hỏi thật nhé, có định đi bước nữa không? Hay quyết định ở góa nuôi con?

Chẳng hiểu sao lão lại trải lòng:

- Cũng mấy lần định tìm vợ nhưng cu con phản đối dữ quá nên tạm gác lại, đợi vài năm nữa cu con lớn hẳn mới tính tiếp chuyện ấy...

Gã nhìn lão, xỉa 2 tay vào nhau, vỗ đét một cái, rồi cao giọng:

- Ngu thế! Việc gì phải kìm hãm sự sung sướng lại làm gì? Ở góa mà nuôi con cũng tốt nhưng chuyện bồ bịch thì cứ phải chiến vô tư chứ... Dở hơi à mà kìm hãm sự sung sướng của mình như thế... Gái nó chửi cho đấy! Dở!

Đảo mắt thật nhanh, gã véo lão một cái rõ đau, rồi hạ giọng, thủ thỉ: - Này, trông vẫn còn nặng nghiệp lắm, vẫn còn nhiều Đào Hoa lắm. Yêu đi, đừng kìm hãm sự sung sướng như thế... Năm nay, vận Đào Hoa sẽ nhiều đấy, chớp lấy cơ hội, đừng để tuột mất như mấy năm trước mà uổng.... Vài năm nữa, có các thêm vàng, gái nó cũng chẳng thèm đâu....

Gã lại chăm chắm nhìn, ánh mắt như lọc xương lọc thịt, rồi ngón tay lại ấn, lại véo, lại làm lão đau, lão nhột.

Bất giác gã trai hất tay lão, thở hắt ra, rồi trệu trạo mà gượng cười: - Xem giúp thế thôi. Đến giờ đi đón vợ rồi... Đừng ngẩn người ra như thế! Có duyên ắt gặp lại. Bb nhé!

Nhìn theo gã, lão giật mình, lẩm bẩm: - Ơ... Rõ là vớ vẩn! Tự nhiên lại ngồi nghe mấy chuyện tào lao, chẳng đâu vào đâu... Rõ thật... ngớ ngẩn!

*.

Hà Nội, ngày 13 tháng 02 năm 2014

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

CHUYỆN NGHE Ở CHỢ

*

Sáng, ra chợ, cô hàng rau nhìn lão cứ cười cười, rồi thẽ thọt:

- Có tình yêu à mà trông anh “bảnh” thế?

Lão thấy ngượng nên méo mó:

- Yêu đương gì đâu? Già rồi. Giờ mà yêu... ngượng chết!

Chị hàng thịt đế vào:

- Chú kêu già thì chị kêu thế nào đây? Thôi, vợ đi. Lừng khừng rồi về già sẽ khổ lắm đấy.

Lão gượng cười:

- Vâng! Cũng muốn lắm chứ nhưng có ai yêu đâu mà cưới hả chị?

Cô hàng rau bĩu môi:

- Gớm! Kén lắm vào rồi tối ngủ một mình. Ở mãi thế không thấy chán à? Mà em nói thật nhá... Lâu lâu không làm bận thì người nó đần đi đấy.

Nói xong, cô hàng rau tự thưởng cho mình một tràng cười rổn rảng như ngô nổ.

Cậu hàng cá hiếng mắt nhìn cô hàng rau, ngáp một cái rõ dài rồi vênh vểnh mặt lên xoa cằm, mặc dù cằm cậu nhẵn thín, bói mãi cũng không thế có một cọng râu.

Một lúc, chừng như đợi dư âm tràng cười của cô hàng rau kịp lắng xuống, cậu hàng cá mới nheo nheo mắt, giọng cà tửng cà tửng:

- Lấy vợ làm gì. Đợi mươi năm nữa con trai cưới vợ, ở nhà bế cháu cho sướng, anh nhỉ? Vợ là nợ. Thêm nợ làm gì cho cực!

Chưa kịp trả lời cậu hàng cá, lão đã nghe chị hàng thịt chát chúa với cậu hàng cá:

- Tí tuổi thì biết cái gì mà vợ là nợ! Trẻ ranh mà cứ đòi tham gia chuyện của người lớn.

Lườm cậu hàng cá một cái khá dài, chị hàng thịt quay sang lão, hỏi nhỏ:

- Hay chị giới thiệu cho chú nhé? Ở cạnh nhà chị, có cô 30 tuổi vừa bỏ chồng, ngoan và xinh lắm. Cô ấy bỏ chồng vì thằng chồng yếu sinh lý quá nên lấy nhau mãi mà chẳng đẻ đái gì được... Chán! Cô ấy cặp bồ với tay trưởng phòng, nhưng mà tay ấy súng ống cũng có vấn đề sao ấy nên cô ấy cặp lâu lâu rồi mà cũng chẳng thấy chửa đẻ gì sất! Biết đâu... Gặp chú, cô ấy lại sòn sòn ý chứ!

Cậu hàng cá cười ngặt nghẽo:

- Thôi con xin u. Con lạy u! U định hại đời anh ý thêm một lần nữa à? Nói thật, ngữ đàn bà đấy mà về với anh này thì chưa quá một tuần lễ sẽ đá anh này bay luôn...

Chị hàng thịt lại lườm cậu hàng cá, bĩu môi:

- Trẻ ranh biết cái gì mà tham gia. Mày tưởng anh mày còn giá lắm hả? Tuổi đã nhiều, lại qua một đời vợ rồi, ế xưng ế xỉa lên ý chứ...

Quay sang lão, chị nhìn từ đầu xuống chân, rồi lại nhìn từ chân lên đầu, ngắm ngắm nghía nghía, kỹ lắm, hệt như người ta săm soi chọn con giống, rồi gật gù, gật gù:

- Chú trông thế này chắc cái khoản kia sẽ không tệ! Này, chị hỏi thật nhé. Thế... Có vợ mới trẻ đẹp bên cạnh, một đêm cậu ... được mấy lần?

Lão đỏ mặt, loay hoay với câu trả lời.

Cô hàng rau vừa nhặt rau vừa thẽ thọt:

- Gớm. Chị hỏi khó như thế thì bố ai dám trả lời. Trông người ngợm thế kia, chắc cũng được đôi bận một đêm, anh nhỉ!

Lại một tràng cười re ré re ré, như xé màng nhĩ, nhưng không phải của cô hàng rau mà là tiếng cười của cậu hàng cá:

- Hé hé hé hé... Thôi! Con lạy các hồn! Anh này súng ống đã nhỏ bé, khí thế khi xung trận lại nhút nhát, mặc cảm thì lấy đâu ra thỏa mãn cho “đối tác” mà đòi có hạnh phúc. Lấy nhau về, được vài bữa lại lôi nhau ra tòa mà “bêu xấu” nhau! Thôi, “ăn chay” cho lành!

Chị hàng thịt lườm lườm cậu hàng cá:

- Sao cái nhà cậu này cứ bàn ngang thế? Cậu lên giường với chú ý rồi à mà biết súng ống của chú ý nhỏ bé? Lại còn khí thế khi xung trận nhút nhát, mặc cảm nên không làm cho đối tác được thỏa mãn? Nói cứ như... là... hai người đã từng ăn nằm với nhau rồi ý! Nghe thấy ghê!

Cậu hàng cá đỏ mặt, gân cổ:

- Cần gì phải lên giường với anh ý. Cô nhìn bàn chân của anh ý dài mà nhỏ thế kia thì chuyện đấy có khác gì đuôi chuột ngoáy lọ mỡ? Bàn chân như thế làm sao cho vợ thỏa mãn được? Như thế thì anh ấy mới mặc cảm, mới nhút nhát khi xung trận chứ? Ôi dào! Đúng là đồ hàng thịt!

Chị hàng thịt bĩu môi, chì chiết:

- Cậu thì sao? Đúng là đồ hàng cá, thở ra toàn mùi cá ngang ngạnh, tanh rè! Người yêu còn chưa có mà nói cứ như thánh phán ý. Bàn chân thì liên quan gì đến chuyện đấy. Đúng là chim mới ra giàng đã đòi bay bổng! Nghe cậu phán mà vãi!

- Cô đã không biết lại cứ thích ra vẻ! Cô nhìn phía dưới đuôi mắt của anh ý kìa. Lõm sâu và tối hãm như thế, cung hôn nhân như vậy mà đòi lắm vợ để rước thêm cực à?

Chị hàng thịt dài giọng, chanh chua:

- Eo ơi. Hôm nay tôi mới biết cậu có tài xem tướng đấy! Giỏi như thế sao không mở quán bói mà hốt tiền của thiên hạ, lại ngồi đây chường mặt ra bán cá để người sặc mùi tanh của cá làm gì?

Cậu hàng cá đỏ gay mặt, sẵng giọng:

- Cô... Cô... Cô đúng là đồ hàng thịt! Đã không biết gì lại cứ thích chém!

Cô hàng rau nhìn hai người, bụm miệng cười, rồi quay sang bỗ bã với lão:

- Ơ cái nhà anh này... Sao cứ đứng tủm tỉm cười như thế? Người ta bàn luận về mình mà cứ thộn mặt ra nghe như nghe chuyện của thiên hạ là sao? Gớm. Chả trách ế xưng ế xỉa là phải! Hâm nặng rồi! Thỉnh thoảng cũng phải gái gú một chút cho minh mẫn cái đầu chứ, cứ “chay trường” như thế có mà hâm nặng! Hâm nặng...

Lão giật mình, tự hỏi: - Ừ ... Sao mình lại thộn mặt ra nghe thiên hạ bàn luận về mình dửng dưng cứ như nghe chuyện của thiên hạ thế nhỉ? Thật ra, mình có hâm không? Uầy... Có khi mình hâm thật rồi, hâm nặng là đằng khác. Thôi, mình cũng nên thay đổi cách sống một chút cho bớt hâm, nhỉ?!

*.

Hà Nội, ngày 20 tháng 03 năm 2015.

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

 “VỢ NHẶT” CỦA ANH K...  

*

Anh hơn tuổi, học trước nhiều khóa, lại chơi với nhau khi lão đã ra trường chán chê nên chỉ loáng thoáng nghe chuyện tình duyên của anh lận đận lắm. Mọi người kể, thời sinh viên, anh yêu mê mệt “cô bé” tên Chi, nhưng chẳng hiểu lý do gì mà hai người lại chia tay, anh “khép cửa tình yêu” từ đấy. Bạn bè đồng trang lứa, rồi đàn em sau anh 5 khóa, 10 khóa, 15 khóa... lần lượt rời bỏ cuộc sống độc thân, anh vẫn lầm lũi một bóng đi đi về về căn gác đã mua từ thời trai trẻ.

Thế rồi đùng cái anh yêu. Yêu vội, rồi cưới gấp theo đề nghị của “nhà gái”. Đến dự đám cưới, nhìn cô dâu, lão choáng vì người đâu mà xấu. Cái mặt đã dài lại còn vẹo vọ. Hàm răng đã cái thò cái thụt lại xỉn màu nham nhở. Nói không quá lời, Thị Nở nếu hiện diện có khi nhan sắc nhìn còn dễ chịu hơn, duyên hơn… Quá thất vọng, lão buột miệng, thốt câu: - “Đã nhịn đến từng này tuổi sao lại đi rước hàng tồn kho phế phẩm như thế!”. Bạn bè bấu lão, nhắc: - “Nói khẽ thôi kẻo nhà gái họ nghe thấy, chửi vỡ mặt đấy.”. Rời hôn lễ, lão ghé tai anh nói nhỏ: - “Nhịn bao năm mà lấy vợ xấu thế.”. Anh cười ngất, đấm lưng lão, chửi: - “Thằng khỉ! Chỉ cần anh thấy chị mày trẻ trung, xinh đẹp là oke rồi.”. Mừng cho anh đã có mái ấm gia đình nhưng thật lòng lão vẫn thấy gợn gợn điều gì đó rồi sẽ không ổn với người “vợ nhặt” của anh...

Cưới xong, nghe vợ, anh bán nhà ngoài Hà Nội rồi chuyển công tác vào Sài Gòn cùng vợ, chấp nhận trở lại làm anh công chức quèn để vợ chồng sớm sinh em bé. Từ đấy, lão với anh không gặp lại. Mấy lần liên lạc với anh qua điện thoại nhưng anh không bắt máy, tưởng anh thay số nên lão xóa khỏi danh bạ, vì thế lão mù tịt về anh, vẫn nghĩ, cuộc sống của anh chắc vẫn ổn.

Chiều qua, nghe điện thoại, thằng bạn bảo: - “Con Thủy nó lừa hết tiền bạc của ông ấy rồi. Còn lừa ông ấy đứng tên vay nợ nhiều người mà toàn cam kết là vay cho riêng mình. Giờ ông ấy khổ lắm. Không vợ, không con, sắp tuổi nghỉ hưu rồi mà không có chỗ trú nắng trú mưa, lại cõng một đống nợ trên lưng…”

Buông điện thoại, lão thẫn người, thương anh là người tốt sao số lại khổ đến thế!

*

Hà Nội, 27 tháng 04 năm 2015

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

TRẬN RƯỢU NHỚ ĐỜI!

*

- Viết tặng Nguyễn Toàn Thắng -

 

Một bận, không biết “cú” chuyện gì, Thắng xuống nhà “gạ” lão lên Triệu Việt Vương “nếm” rượu. Lão là thằng thích rượu, khi uống, cứ tì tì chén 1 chén 1; đã uống là phải uống cho đã, phải “tưng tửng” say mới chịu rời bàn. Còn Thắng, thuộc thành phần thêm người cụng chén cho rôm rả nên lão lấy điện thoại, định gọi thêm chiến hữu thì Thắng cản: - “Hôm nay em có chuyện muốn nói với anh. Chỉ anh em mình ngồi với nhau.”. Thấy lạ, nhưng nghĩ chắc cu em muốn tâm sự chuyện gia đình, chuyện học hành, hoặc chuyện yêu đương... nên LÃO gật đầu.

Hết ly thứ 2, Thắng hít hơi dài, vẻ nghiêm chỉnh, thấp giọng: 

- Em hỏi, anh nói thật nhé! Anh thấy em là người thế nào?

Lão cười, nâng ly rượu lên định ực cái thì Thắng giữ lại, khẩn khoản: 

- Em hỏi nghiêm túc đấy. Anh trả lời đi.

Nhìn thái độ của Thắng, lão thấy ngộ ngộ nên phì cười, bắn tung tóe ngụm rượu ra bàn. Thắng cau mày, gọi ly khác, rồi giao hẹn: - Anh trả lời em đã rồi anh em mình 100% chén này.

Lão trố mắt nhìn Thắng. Lão ngạc nhiên vì Thắng chưa từng thế trong bàn nhậu. Đặt ly rượu xuống, lão hỏi: 

- Chú muốn hỏi anh về vấn đề gì? Cứ chung chung thế, anh biết trả lời sao?

Thắng ngập ngừng:  - Thì... Anh nhận xét thật vô tư... Em có thông minh không?

Uầy... Cái thằng này! Lão phì cười, trả lời: 

- Không dưng lại hỏi anh câu đó? Anh em chơi bời, cơ bản gặp nhau nơi quán xá, biết sao mà nói? Nhưng thật lòng, anh thấy chú là người sáng dạ, lanh lợi và chân thật!

Thắng đứng dậy, oang oang giọng: - Bắt tay anh cái! Em đoán thế nào anh cũng nói vậy!

Cụng ly 100% xong. Thắng gọi tiếp 2 ly, lại hỏi:  - Thế anh thấy anh Hoa thế nào?

Lão thật lòng:  - Cử chỉ của Hoa dịu dàng, mềm mại. Giọng của Hoa hơi thím, hơi mợ. Nhưng Hoa là người trực tính, tốt tính! Chơi được!

Thắng gặng: 

- Anh thấy anh Hoa có “bị ái” không?

Lão thoáng lăn tăn: - “Thằng này hôm nay sao vậy? Toàn chuyện ba láp ba xạo!” nhưng vẫn nhẹ nhàng: - Gặp Hoa có 2 lần, anh sao biết Hoa “bị ái” hay không? Sách tướng nói, đàn ông mà trông mặt như con gái, thường là đĩ lắm, chuyện “trai trên gái dưới” thuộc bậc thầy. Nhìn eo ẻo nhưng chắc gì đã “ái”, có khi còn “hay” gái hơn mấy ông ngời ngời nam tính.

Thắng vỗ đùi đét cái, giọng hỉ hả: - Đúng! Đúng! Lớp em gọi anh ấy là Hoa mái nhưng sát gái lắm anh ạ! Bắt tay anh. 100%  vì nhận xét của anh!

Ực cái hết ly rượu. Thắng gọi tiếp 2 ly nữa.

Thái độ khác thường, rất lạ của Thắng làm lão dè dặt:  - Chú sao thế? Hôm nay chú uống hơn mọi khi rồi đấy.

Thắng ấn ly rượu vào tay lão, giọng nghe chừng đã ngấm chút mềm ướt, trơn trượt của chất cay: 

- Anh an tâm! Em sẽ đèo anh an toàn về tận nhà. Giờ em hỏi tiếp một câu, anh phải trả lời thật đấy.

Lão chột dạ, thầm nghĩ: - “Thằng em dại này cay cú chuyện gì đây? Chắc định mượn rượu để khai thác mình? Dại lắm cu em. Lẽ ra, đợi anh tì tì thêm vài chén, rồi hãy túc tắc 100 % thì anh sẽ “đứt cước”. Được! Chú định “chơi” anh thì anh cho chú gục, mà trận gục này anh sẽ cho chú nhớ đời!”

Lão cầm ly lên, xoay người, khinh khỉnh: 

- Uống được nữa không? Uống xong ly này, chú ngủ luôn tại bàn, sớm mai anh lên đón nhỉ?

Thắng bật cười, quơ tay chém gió rất mạnh: 

- Anh coi thường thằng em quá.

Rồi ực cái hết ly rượu.

Khoát tay gọi tiếp 2 ly nữa. Giọng Thắng bắt đầu có độ deo dẻo, nhừa nhựa: - Nói thật, lẽ ra em đếch chơi với anh đâu. Nhưng anh biết tại sao em lại xin làm chỗ anh không? Anh nói đi... Anh có biết tại sao không? Nói thật nhé. Anh làm sao trả lời ngay được... Phải động não mười mấy ngày nữa, may ra anh mới đoán được...

Lão vừa bực, vừa buồn cười. Thầm nghĩ: -“Thằng em dại này, đúng là ngựa non háu đá! Hôm nay, anh sẽ cho chú một trận nhớ đời, để chú rút kinh nghiệm.”

Vân vê ly rượu, xoay xoay vài vòng, rồi nâng lên, khẽ chạm môi, lão hít hà cái thật sâu, giọng cà tửng, cà tửng:  - Sao anh biết được! Chú giấu kín trong lòng, thánh cũng chả biết, nói gì anh! Nào! 100% chén này để anh đoán thử xem có trúng không?

Thắng cười cười, tay khoắng gió: 

- Uống thì uống, chứ anh làm sao mà đoán được... Nào! 100% thì 100%!

Ực! Ực! Thế là xong ly rượu.

Thắng lại khoát tay: 

- Ê, phục vụ! Cho 2 ly nữa... 2 ly nữa... Nhanh!

Lão cười thầm: - “Thằng em dại! Rượu bắt đầu nhảy múa rồi. Chuẩn bị tinh thần, anh cho mày đứt....”. Rồi giơ tay đón 2 ly rượu từ cậu phục vụ, LÃO cũng líu nhíu: - Ơ...Cái cậu này...2 ly...2 ly là 4 ly...sao chỉ có 2 ly?. Cậu... coi thường anh Thắng quá.

Gườm gườm nhìn cậu phục vụ, Thắng nhấc ly rượu, ngửa cổ ực cái, rồi khoát tay: 

- 2 ly... 2 ly là 4 ly.... Mày coi thường anh Thắng mày quá. Mang 2 ly... 2...ly nữa ra đây...

Lão tủm tỉm cười rồi lại líu nhíu phụ họa: 

- Ơ... Cái cậu này... Nhanh...nhanh lên... 2 ly...tiếp 2 ly nữa để các anh còn tâm sự...

Thắng khục khục đầu, giọng cố tỉnh: - Hỏi thật nhé. Thế... từ nãy, anh đã nghĩ ra chưa?

Lão nhìn Thắng, lắc đầu. Thắng vỗ đùi đét cái, cười đắc thắng:  - Biết ngay mà! Anh làm sao mà nghĩ ra được... Anh biết tại sao không? Vì nhìn anh rất ngứa mắt! Anh có biết vì sao nhìn anh ngứa mắt không? Vì anh rất kiểu cách, rất kiêu ngạo.... Nói chung là ngứa mắt, rất ngứa mắt... Chỉ muốn đấm một cái, không, phải vài cái thật mạnh vào mặt anh mới đỡ ngứa mắt...

Lão nóng mặt. Lão muốn thọi quả đấm vào mặt thằng em cho hả giận. Nhưng nhìn dáng ngồi xiêu vẹo, ánh mắt chuyển dần sang lờ đờ của nó, lão chùng lòng, lão thấy mình có lỗi. Lão thả lỏng hai bàn tay, hít hơi thật sâu, rồi bảo: 

- Ừ. Thế giờ chú còn muốn đấm anh vài phát cho hết ngứa mắt không?

Thắng rướn mắt, rè giọng: - Anh hỏi ngu thế? Giờ là anh em, sao lại ngứa mắt?

Biết Thắng đã ngấm rượu, không làm chủ được mình, lão dừng cuộc nhậu, dìu Thắng ra xe.

Bước ra cửa, Thắng ghé tai lão, cằn nhằn: - “Anh kéo thế này, làm em bẽ mặt với mọi người. Có tí rượu, đã say sao được.”. Rồi xoay người, đối diện với lão, Thắng gật gù, gật gù: - “Em nói thật... em... em...”. Rồi: - “Ợ...Ợ...Ợ...”. Một mớ “sản phẩm” của bữa nhậu từ miệng Thắng thốc tháo xối vào người lão...

Ôm chặt lão, Thắng lẩm bẩm: 

- Em xin lỗi! Em say rồi anh ơi....

Xoay người, dìu Thắng ra xe, lão nhăn mặt, thấy một vệt thẫm bên ống quần của Thắng đang loang dần, loang dần, chảy dài xuống đất...

*.

Hà Nội, ngày 16 tháng 07 năm 2015

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

CHUYỆN CỦA ANH T...  

*

Anh đã ngoài 50 tuổi nhưng nhìn vẫn còn trẻ trung và phong độ lắm. Da anh trắng, lại mịn, tính thích bông đùa, tếu táo nên chẳng ai nghĩ anh đã đến 45 tuổi. Đi cùng con gái lớn, tuổi đã ngấp nghé 30, nếu giới thiệu là bố con cũng chẳng ai chịu tin.

Anh lấy vợ đầu, được vài năm thì đưa nhau ra tòa. Chị để lại đứa con còn đỏ hỏn cho anh nuôi rồi xách va ly theo một chàng trai trẻ. Nghe đâu, chàng trai đó kém chị đến cả chục tuổi. Nuôi con cứng cáp, anh gặp chị thứ 2 kém vợ đầu chừng mười tuổi, bén duyên, rồi cưới. Về làm vợ anh, chị cũng chăm chỉ, chịu thương chịu khó, rõ là người nết na hiền thục. Hàng xóm, ai cũng quý đường ăn nết ở của chị. Đã xinh gái, lại nết na hiền thục, cư xử có trên có dưới, được lòng cả phố nên anh yêu và chiều chị như báu vật. Thế rồi chị sinh cho anh một bé trai, đẹp như thiên thần, giống anh thật nhiều. Anh càng yêu và chiều chị hơn. Chả hiểu vì sao, khi cậu ấm đã biết chạy, chị lại đâm ra đổ đốn, ánh mắt cứ khoái mơn man, vuốt ve những chàng đô con, đẹp mã. Anh đã nhiều lần khó chịu, bóng gió, xa xôi để chị “chừa cái tính khí tiểu tư sản làm mất mặt chồng con” đó đi. Chị cũng xấu hổ lắm với “tính khí đua đòi kiểu tiểu tư sản” đó và cũng nhiều lần quyết tâm “không làm xấu mặt chồng con” nữa nhưng lý trí đều thất bại khi mỗi lần chạm trán đàn ông, thậm chí, chỉ cần nghe giọng nói ồm ồm của đàn ông là tâm trạng chị đã thay đổi, cứ xao xuyến, cứ thèm lắm được ai đó vuốt ve, rồi được vuốt ve ai đó cho đỡ bức bối...

Đận ấy, anh cơi nới thêm diện tích trên tầng 3, phòng khi khách khứa ở quê lên có chỗ nghỉ ngơi, đỡ phiền hàng xóm nên thuê nhóm thợ ở quê lên xây dựng. Trong nhóm thợ, có một gã trai trẻ mặt đẹp như tài tử điện ảnh, thân hình đô con, lực lưỡng, miệng toàn leo lẻo những chuyện tiếu lâm tục tĩu... mà theo lời bác “cai xây dựng” thì gã trai trẻ đó chưa vợ nhưng “dâm lắm”, “liều lắm”, “chả biết sợ là gì”... Anh cũng có ý đề phòng chị sẽ này kia với gã trai trẻ nên cũng “rào dậu” ghê lắm.

Một hôm, anh đi vắng, cả nhóm thợ cũng đi vắng, chỉ còn gã trai trẻ ở nhà đánh vật với đống quần áo mấy ngày chưa giặt... Gã vô tư cởi trần, mặc chiếc quần đùi rộng thùng rộng thình, vừa giặt quần áo vừa ông ổng những lời ca não nề về chuyện tình dang dở… Gã “điếng người” khi gặp ánh mắt của chị đang lấm lét “khám phá” chỗ “tế nhị” của gã, thế là chẳng cần ý tứ, gã nheo mắt nhìn chị, rồi “thả rông” ánh mắt đến những chỗ “tế nhị” của chị, khiêu khích sự đoan trang của chị, khiến chị bị “ma đưa lối quỷ dẫn đường” tự bước vào cõi u mê... Thế là chị cuỗm hết tiền bạc của anh, rồi khăn gói bí bầu vào nam cùng gã, vất lại bé con thiên thần để anh nuôi. Anh hận đàn bà và thề sẽ không bao giờ lấy vợ nữa.

Gà trống nuôi con nhưng trời phú cho anh “hoa tay”, khéo nói, hay làm nên cửa hàng may đo của anh đông khách lắm. Cuộc sống của bố con anh không giàu nhưng cũng thuộc diện có bát ăn bát để.

Khi con gái lớn vào đại học, anh gặp chị bây giờ, cũng tình cờ như hai người vợ trước. Chị xinh và kém anh nhiều tuổi lắm. Ai cũng mừng cho anh, nhưng cũng thấp thỏm cho anh. Cả ba đời vợ, người nào cũng xinh, cũng nết na hiền thục nhưng chẳng biết có phải vì sự đưa đẩy của số phận hay không mà hai người vợ đầu đều đổi tính đổi nết khi đã sinh cho anh những bé con kháu khỉnh. Mọi người thầm mong anh sẽ được hạnh phúc tới đầu bạc răng long với người vợ thứ ba này, dù chị kém con gái lớn của anh đến mấy tuổi.

Cũng như hai người vợ trước, chị nhanh chóng sinh cho anh một thiên thần, bé nhặt hết nét đẹp của anh của chị nên anh yêu và chiều chị lắm.

Cách đây vài năm, gặp lão, anh vỗ vai lão, giọng lanh lảnh:

- Chú lấy vợ đi, gà trống nuôi con cực lắm. Mình là thằng đàn ông đàng hoàng, lấy đâu chả được đứa tử tế, xinh đẹp. Chú thấy đấy, vợ anh còn kém tuổi cả con gái anh mà gia đình anh vẫn cứ êm ru. Mình là thằng đàn ông đàng hoàng mà chú!. 

Anh cười ngất, rồi thong thả bước như để nhấm nháp nỗi niềm hạnh phúc. Lão cười và có nhoi nhói một chút ghen tỵ.

Bẵng đi một thời gian, thấy gia đình anh cũng yên ả như mọi nhà nên lão cũng quên câu anh nói... Nhưng dễ đến gần năm nay, tuần nào cũng như tuần nào, dăm bảy bận trong tuần hàng xóm lại xáo xác khi nghe tiếng anh riết róng: - “Bố con đĩ! Tối qua mày ngủ với thằng nào?”; “Mẹ cha con chó! Mày vừa đi đĩ với thằng nào về?”. Rồi tiếng chị chanh chua tréo trả: - “Thằng chó! Tao ngủ với ai thì việc đéo gì phải bẩm báo với mày? Mày câm mẹ mồm lại! Thằng khốn nạn!”; “Ừ. Tao vừa ngủ với thằng con rể tương lai của mày về đấy. Mày làm đéo gì được tao...”

Lần này, nghe chuyện của anh, lão cũng cười, nhưng sao thấy lòng đắng ngắt...

*.

Hà Nội, 18 tháng 11 năm 2015

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

GIÁ CỦA SỰ THÁI QUÁ

*

Chị vỗ đét cái vào mông anh rồi trề môi, cong cớn: - Eo ơi, già rồi mà còn trẻ con lắm! Gần năm chục tuổi đầu rồi mà nhí nhảnh con cá cảnh lắm cơ.... Đời thủa nhà ai, tóc đã bạc trắng mái đầu rồi mà bày đặt níc nêm là em còn bé lắm... Ơ, mà chồng xưng em với ai thế... Chẳng lẽ chồng xưng em với vợ?

Anh đỏ mặt, ấp úng:

- Thì đặt thế cho nó lạ,... chứ em với ai đâu?

Chị sầm mặt:

- Thế là không được! Thế là chồng không trung thực, chồng gian dối với vợ! Chẳng ai đặt níc nêm lại không có nghĩa cả? Thôi chết! Hay chồng phải lòng mụ bán xôi đầu ngõ mới xưng em ngọt ngào như thế? Chả trách, chồng toàn khen xôi nhà mụ ý vừa ngon vừa rẻ. Tháng trước, vợ đánh dấu 5 lần chồng ăn xôi nhà mụ ý đấy.

Anh gãi gãi đầu, giọng có chiều “nể vợ”:

- Thì xôi nhà bác ấy ngon và rẻ thật nên chồng mới ăn. Mà... năm ngoái vợ chả khen xôi nhà bác ấy nấu ngon, sạch lại bán rẻ còn gì? Vợ chả nhắc đi nhắc lại chồng phải thường xuyên ăn xôi ủng hộ nhà bác ấy đấy thôi...

Chị tròn mắt nhìn anh rất lâu, rồi thẽ thọt:

- Thật không? Có đúng là vợ nhắc chồng như thế không? Mà... Vợ chả tin đâu! Vợ chả dại xúi chồng như thế đâu! Nhìn mụ ý cứ hơn hớn hơn hớn như thế, nỡ mụ ý có ý gì với chồng thì chết à? Chồng có nhớ cái vụ năm kia không? Nhớ không?... Ối dào... Chắc chồng lại cãi đấy là tai nạn chứ gì? Vợ biết tỏng chồng mà... Thế nào chồng cũng nói là tai nạn... Thôi, chồng đừng có định cãi vợ nữa... Như thế là không trung thực, là gian dối. Mà chồng biết đấy, vợ rất ghét ai có tính không trung thực, rất ghét ai có tính gian dối. Chồng nhìn chồng bác Nga mà học, cả đời chẳng biết cãi vợ câu nào… Ngoan ơi là ngoan. Đâu giống chồng, vợ chưa nói xong câu mà chồng đã cãi năm cãi bảy. Vợ nói rồi, vốn kiệm lời nên vợ đâu thích nói nhiều... Mà... vợ đang nhắc chồng chuyện gì nhỉ?

Anh lụng bụng:

- Chuyện xôi nhà bác đầu ngõ.

Chị quệt tay vào mép rồi lấy khăn lau tay, lau đi lau lại, kỹ càng lắm. Chán chê, chị lại dài môi, thẽ thọt:

- Có đúng là vợ nói chuyện xôi nhà bác đầu ngõ không? Ồ đúng rồi, xôi nhà bác ấy ngon, sạch sẽ mà rẻ lắm cơ... nhưng mà vợ không ưng cái thái độ nhà mụ ấy, vợ chúa ghét cái thái độ của mụ ấy... Đàn bà có chồng có con rồi, lại cứ đon đon đả đả với đàn ông là làm sao! Vợ thấy như thế là vô duyên, là lố bịch…. Vợ thấy chướng mắt! Vợ không ưng!

- Nhưng bác ấy bán hàng, phải thế.

Chị dài giọng, trề môi:

- Bác ấy bán hàng, phải thế... Biết ngay mà. Vợ biết tỏng chồng sẽ bênh mụ ấy như thế mà.... Sao không để chồng mụ ấy ra đon đả với chồng mà lại là mụ ấy. Eo ơi. Rõ là có tình ý với nhau nên bênh nhau cứ chằm chặp, chằm chặp ý... Đàn ông ra đon đả với đàn ông, sao lại để đàn bà?

Anh ái ngại nhìn mọi người, rồi khẽ khàng với chị: - Bác ấy vừa ngồi bán hàng vừa mời chào khách chứ có đon đả kiểu như vợ nghĩ đâu...

Chi lại trề môi, chừng muốn dỗi:

- Đấy! Lại cãi! Sao chồng toàn bênh mụ ấy thế? Chồng sợ miệng mọc da non sao mà cứ nhem nhẻm nhem nhẻm cãi vợ? Như thế là không trung thực! Như thế là giả dối! Mà chồng biết rồi đấy, vợ rất ghét ai không trung thực, vợ rất ghét ai sống giả dối... Mà... Mà có chuyện gì không trung thực ở đây nhỉ? (Chị vỗ vỗ đầu một lát rồi hí hửng)... Đúng rồi! Là chuyện tình cảm giữa chồng với mụ bán xôi đầu ngõ... Như thế là chồng không trung thực. Như thế là chồng giả dối. Mà chồng biết rồi đấy…

Anh gắt: - Là đủ rồi! Người ta bán hàng phải tươi cười mời chào khách lại bảo người ta lố bịch? Hàng xóm láng giềng, một tháng mua ủng hộ có 5 bữa sáng mà kêu nhiều là sao? Lại nữa! Người ta là người đàng hoàng sao cứ một điều mụ ấy, hai điều mụ ấy là thế nào? Hở?

Chị co chân lên ghế, nghiêng người, lấy khủy tay che che mặt, ấm ức: - Eo ơi... Sao chồng lại quát tháo vợ như thế? Chồng không nhớ là vợ bị yếu tim à? Hay chồng không coi vợ ra thể thống gì nên mới thế? Vợ biết tỏng chồng mà... Giờ vợ già rồi, vợ xấu rồi nên chồng không chiều chuộng, không nâng niu vợ nữa... Thế này thì vợ chết quách đi cho rồi! Vợ chán sống rồi! Vợ... Vợ… Vợ sẽ đi chết đây!

Chị nhìn anh. Nhìn mọi người. Rồi lại nhìn anh.

Thấy mọi người ngoảnh mặt đi, không nhìn chị, còn anh vẫn “đằng đằng sát khí”, chị sụt sùi:

- Vợ biết mà. Chồng không còn yêu vợ nữa nên chồng kiếm cớ để chê vợ, bỏ vợ. Số vợ khổ, khổ lắm nên mới lấy phải chồng... Chồng quên rồi à? Ngày chồng còn đang cưa cẩm vợ ấy, chồng hứa những gì? Chồng thề thốt những gì mà bây giờ chồng phũ phàng với vợ như thế... Ối giời cao đất dày ơi... Ới hàng xóm láng giềng ơi… Ới bạn ới bè ơi… Mà này, chồng đi đâu đấy?

Anh không trả lời, khoác áo, bước nhanh ra cửa. Chị chạy theo, níu áo, gặng: - Chồng đi đâu đấy?

Anh hất hàm: - Muốn biết thật à? Đi ra quán xôi làm chầu “tình cảm”. Ở nhà với vợ mệt đầu lắm.

Chị luống cuống: - Chồng ra đấy thật à? Thế chồng định đi ra đấy một mình à? Không! Vợ sẽ đi cùng chồng. Vợ cũng đang muốn chầu “tình cảm” với xôi đây...

Mồm nói, chân bước, chị khoác tay anh rất chặt.

Bước chân vào quán, chị cố khoác tay anh thật tình tứ. Rồi vênh mặt lên như để cho mọi người biết anh và chị yêu nhau lắm, lắm.

Ái ngại với mọi người, anh khẽ nhắc chị:

- Vợ đừng khoác tay chồng nữa, mọi người nhìn vào, ngại chết.

Chị phá lên cười, rồi bẹo má anh, nũng nịu:

- Eo ơi... Chồng lại bày đặt làm bộ e thẹn, ngượng ngùng nữa chứ? Yêu chồng lắm cơ!

Chị kéo ghế ngồi xuống. Một tay vuốt tóc, một tay gắp miếng xôi, nghiêng nghiêng đầu nhìn anh, rồi chậc chậc lưỡi, giống kiểu ở nhà chị vẫn nựng cu tí ăn bột: - Nào... Chồng há mồm ra,... há to tí nữa nào... Ừm… Ừm… Thế... Thế... Eo ơi nhìn chồng ừm yêu lắm cơ... Gớm, sao nước miếng của chồng tứa ra nhiều thế? Há to tí nữa nào... Thế… Thế... Chồng ừm cái nữa để vợ xem nào! Hoan hô chồng! Chồng ừm giỏi lắm!...

Anh gạt tay chị, vẻ khó chịu, làu bàu:

- Vợ đừng làm thế. Mọi người cười cho đấy.

Chị trề môi rõ dài, rồi nguýt: - Gớm! Mọi người cười cho đấy... Mọi người nào ở đây? Chồng ngại chị chủ quán chứ gì? Vợ biết tỏng trong đầu chồng nghĩ gì rồi... Hôm nay, nhất định ... Vợ... Vợ... vợ phải làm cho ra ngô ra khoai mới được...

Chị giậm chân. Chị chắp tay vào hông. Chị tiến lại chỗ chị chủ quán, chưa kịp la lối thế này thế kia thì anh giang tay tát bốp một cái, rõ đau, rồi lôi chị xềnh xệch về nhà. Vừa đi anh vừa gằn giọng:

- Bà làm tôi xấu hổ với mọi người. Tôi sẽ khâu mồm bà lại để bà hết thói lắm điều! Tôi... Tôi xấu hổ vì bà.

Chị tái mặt.

Chị lắp bắp mãi không thành câu.

Hình như chị chưa lường được tình huống này thì phải!

*.

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2015

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

CHUYỆN CỦA CHỊ LINH GIÒ CHẢ

*

Hôm trước, lâu rồi, chả hiểu duyên cớ gì, chị Linh giò chả tự dưng “bắt chuyện”:

- Em vất vả nên trông già hơn chị gái anh chứ thực ra tuổi tác thì em còn kém chị gái anh đến mấy tháng đấy.

Nghe buồn cười nhưng lão cố nhịn, nhỏ nhẹ:

- Đã biết chị bằng tuổi chị gái của em sao lại xưng em với em thế?

Chị gãi gãi đầu, hềnh hệch cười, phân trần:

- Em quen xưng hô với khách hàng thế rồi anh ạ. Biết là dở hơi nhưng khó sửa quá.

Tưởng chị hết chuyện nên lão quay bước, chị vội kéo lại, hồn nhiên “khoe”:

- Em còn biết cả tuổi của anh nữa đấy. Anh nhiều hơn thằng con lớn nhà em mấy tuổi.

Nghe xong câu chị nói, lão đứng chết trân, cứng hàm không cười nổi, há hốc mồm nhìn chị đang quay sang thanh minh với chị Mơ hàng mắm:

- Không phải tớ đĩ mà lấy chồng sớm đâu. Thời ấy, cả khu phố nhà tớ chả hiểu thế nào mà con gái cứ 15, 16 tuổi đã sồn sồn đòi lấy chồng rồi. Có đứa mới 14 tuổi đã làm mẹ. Tớ thuộc diện hoa khôi của phố mà 17 tuổi mới đẻ thằng lớn là thuộc diện đứng đắn, con gái nhà lành lắm đấy... 

Chị Mơ nghe chuyện cứ luôn mồm thế á, thế á, rồi tủm tỉm cười...

*

Hôm nọ, nhưng cũng lâu lâu rồi, thấy một “ông cụ” khá hom hem ngồi sắp xếp giò chả ở quầy hàng của chị, lão phân vân vì nhớ có lần chị kể ngày bố chồng chị mất mưa to gió lớn lắm nên bụng bảo dạ: Chắc ông cụ là bố đẻ của chị Linh... Nhưng mà sao không thấy “ông cụ” có nét nào giống chị?

Thấy lão cứ đứng nhìn, chị chạy ra, vồn vã:

- Anh vào mua hàng đi. Chồng em đấy. Chắc anh tưởng là bố chồng em chứ gì. Đồng trang lứa với em nhưng trông rầu rĩ thê lương thế anh ạ.

Nghe chị nói, lão tròn mắt hỏi:

- Anh bằng tuổi chị?

Chị xoa tay, cười cười:

- Vâng! Em với lão ấy cùng là giống lợn. Đồng trang lứa lợn với nhau đấy anh ạ.

Lão lẩm bẩm:

- Cùng sinh năm Kỷ Hợi sao già thế nhỉ?

Chị hô hố cười, lốp chốp:

- Đâu mà cùng Kỷ Hợi hả anh. Chỉ mình em là Kỷ Hợi còn lão chồng em là Đinh Hợi. Em là Kỷ lợn, còn lão là Đinh lợn...

Lão vỡ lẽ, gật gù:

- À... Chồng chị lớn hơn một giáp. Thảo nào...

Chị giãy nảy lên:

- Không phải một con giáp đâu anh. Lão chồng em nhiều hơn em 12 tuổi. 

*

Sáng hôm kia, đang đứng ở hàng thịt bò, chị đi ngang qua, véo mông lão, rõ đau, bả lả:

- Sao anh này không lấy vợ nữa đi? Bị hỏng hẳn cái khoản kia rồi à?

Chưa kịp trả lời, chị đã bô lô bô la:

- Thằng lớn nhà em cũng thế. Mới bốn mươi tuổi mà đã xịt hẳn rồi. Con dâu nhà em cứ cằn nhằn suốt ý. Chán nhỉ? Đời người có mỗi cái khoản ấy là khoái nhất lại bị hỏng thì phí quá.

Lão đỏ mặt, ngại sự bỗ bã của chị. Định rảo bước thì chị véo tiếp vào mông lão, nháy mắt:

- Em bảo này. Hôm nào anh đến nhà em, nhờ lão chồng em nó bày cách cho. Trông lão hom hem như con chó ghẻ thế thôi nhưng cái khoản ấy thì lão chồng em xứng đáng là tổ sư của bọn dê cụ. Ác chiến lắm anh ạ... 

Chị Thịnh thịt bò chau mày:

- Con mụ Linh này ăn nói bỗ bã thế. Sao không về bảo chồng phổ biến kinh nghiệm cho con giai để con dâu đỡ cằn nhằn. Chú ấy khiến gì mụ bày vẽ. Rõ là đồ lắm chuyện.

Chị Linh đi được một đoạn mới ngoảnh lại, dài giọng: - Thằng lớn nhà em bị tiểu đường gần chục năm rồi. Nặng lắm. Có thánh cũng chả chữa được... Kệ mẹ chúng nó. Sướng chúng nó chứ sướng đếch gì mình. Mà sướng chúng nó rồi lại khổ mình. Chả dại.

*

Chiều qua, đi ngang quầy giò chả của chị, lại bị chị vô cớ giữ chân “tâm sự”:

- Anh này... Em hỏi thật nhé. Anh bị xịt như thế có thấy tiếc không? Trông phong độ thế này mà trên bảo dưới không nghe thì nẫu ruột nhỉ? Mà anh bị bệnh thật không? Bị lâu chưa? Sao anh không chữa chạy đi? Để như thế không thấy ái ngại à? Đời người, có mỗi khoản ấy là khoái nhất, lời nhất mà không được hưởng thì đời cũng vô vị, quá chán...

Chị Mơ hàng mắm bặm môi cười cười, đây đẩy lão, rồi toang toác: 

- Cái nhà chú này đến lạ. Bị mụ ấy chọc ghẹo như thế mà cứ thộn mặt ra nghe, chẳng đốp chát vài câu cho mụ ấy hết thói ngứa mồm. Còn mụ này nữa. Thấy chú ý hiền, cứ ngứa mồm ăn khoai môn là sao. Phải người khác, người ta đấm cho mụ vỡ mặt rồi.

Chị Linh bĩu môi:

- Ngứa mồm ăn khoai môn? Bà thì biết cái gì. Tôi thật lòng muốn tốt cho anh ấy mới góp ý. Bà nhìn đi. Cái mặt anh ấy hiền hiền, đần đần như thế kia, phải chỉ bảo cụ thể thì anh ấy mới biết được. Chứ cứ xa xôi, ý tứ thì xin lỗi, cái mặt ấy còn lâu mới hiểu...

Quay sang lão, chị gật gù:

- Anh nhỉ? Em muốn tốt cho anh mới tham gia, góp ý. Chẳng cám ơn em thì thôi, lại trách em thì dở hơi à, anh nhỉ?

Xéo chị Mơ một cái nữa, thật sắc, chị Linh lại trề môi, dài giọng:

- Này. Thằng con lớn nhà tôi nó bảo, Những ngữ như nó với anh này, nhìn người khác làm chuyện vợ chồng thèm lắm, rỏ dãi ra nhưng đếch làm gì được. Ức nhưng phải chịu vì cũng như ông cụ 90 tuổi, rụng hết răng, còn trơ lại mỗi lợi thì gặm đùi gà thế đếch nào được... 

Vỗ tay đét cái rồi cười khùng khục, tự thưởng cho câu nói rặt chất “triết lý” của mình, chị quay sang lão, nheo nheo mắt, ra chừng hỉ hả lắm:

- Anh nhỉ? Em nói quá chuẩn, anh nhỉ?

Chị Thịnh, thịt bò, phủi ghế, thủng thẳng:

- Cũng lạ cho nhà chú này. Người đâu mà lành đến thế...

Chị Linh trề môi, cướp lời:

- Người đâu mà lành thế? Xin lỗi bà Thịnh nhé. Cái mặt anh ấy mà lành á? Chẳng qua tôi nói trúng tim đen nên mới chịu trận, không cãi. Tôi nói sai xem nào? Anh ấy liệu có để cho tôi yên không? Nói phải củ cải cũng phải nghe, chị ạ. 

Chị Thịnh nhẹ nhàng:

- Chẳng qua chú ấy coi thường Linh, không thèm chấp nhưng Linh lại không biết, cứ tưởng thế là hay. Người chứ có phải thánh đâu mà hoàn hảo. Nếu có ai lôi chuyện chân khèo, răng vẩu của Linh ra chọc cười thì Linh nghĩ sao? Hoặc đem chuyện phòng the của Linh ra bỡn cợt thì Linh nghĩ thế nào? Sao Linh cứ thích chạm vào điều tế nhị, không muốn nói của người khác thế?

Chị Linh đỏ mặt:

- Chuyện phòng the của tôi thì làm sao? Chẳng có gì để bỡn cợt cả.

Chị Thịnh vẫn nhẹ nhàng:

- Ừ. Linh để Thịnh nói hết đã. Già rồi mà đêm nào cũng hành chồng vài bận, hơn cả vắt chanh, làm chồng kiệt sức, sợ quá phải chạy sang nhà con trai lánh nạn, mới ngã ngửa ra con trai bị bất lực cả chục năm rồi nên mãi không có cháu bồng. Không thương con, không xót chuyện của con lại lôi chuyện của con ra làm trò đùa, mua vui với thiên hạ. Linh không nghĩ như thế là ác với con, ác với chồng, ác với cả chính Linh à? Ngọc còn có vết rạn, huống hồ con người. Sao lại lấy nỗi đau của người khác làm niềm vui cho mình? Như thế là ác lắm. Tệ lắm, Linh ạ. 

Tái mặt. Chị Linh chống chế:

- Ờ ... thì đùa anh ấy cho vui chứ tôi có ác ý gì đâu mà bà mắng mỏ tôi ghê thế.

Giọng vẫn đều đều, chị Thịnh nhẹ nhàng tiếp:

- Mình chưa hoàn hảo. Gia đình mình cũng chưa hoàn hảo sao lại cười cợt sự chưa được tròn trĩnh của người khác, gia đình người khác như thế. Thật là buồn cười!

Chị Linh cúi xuống, tay cứ mân mê mãi mấy cọng lạt gói giò. Chừng như chị ngại lắm thì phải. 

*.

Hà Nội, ngày 06 tháng 05 năm 2016

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

CHUYỆN ANH CHÀNG

ĐÀO HOA NỞ MUỘN

*

Anh sinh năm 1953, ở Hà Nội, giàu lắm, có mấy cái nhà mặt phố cho thuê, toàn cỡ vài chục triệu/tháng nhưng đường vợ con của anh thì lận đận lắm. Đến tận năm anh rất luống tuổi mới biết yêu, nên vội cưới. Nghe em rể anh kể, thì “chị” sinh năm 1984, hình thức cũng thuộc diện xinh gái, khéo ăn khéo nói, người Hà Nội, gia đình cũng khá giả, kém anh “chỉ có” 31 tuổi, mà anh là con trưởng, lại ở thế độc đinh, xưa tới đó chưa từng biết chuyện gái gú là gì nên cả gia đình gật đầu tắp lự khi anh đưa “chị” về ra mắt, tuyên bố sẽ cưới “chị” làm vợ. Cưới được hơn năm, “chị” sinh cho anh cậu ấm, giống anh như tạc nhưng chả hiểu sao từ ngày sinh được cậu ấm, “chị” đâm ra đổ đốn: Cãi bạt mạng khi anh nhắc nhở chuyện a, chuyện b trong văn hóa ứng xử; chị còn tự mình đặt ra quy định thế này thế kia với họ hàng ruột thịt của anh trong khi anh là người làm ra tiền, là người đang “cầm chịch” lễ nghi của dòng họ. Cãi nhau vài bận, chị đâm đơn ra tòa. Anh gật đầu cái rụp. Cũng chẳng cần ý kiến của tòa, anh hâm hâm đề xuất: Phụ cấp 10 triệu/tháng cho cậu ấm, đưa luôn cả 17 năm 3 tháng (thời điểm cậu ấm tròn 18 tuổi) cho gọn. “Chị” đề xuất anh chi thêm mấy trăm triệu để “chị” mua tạm ngôi nhà nho nhỏ làm nơi tá túc. Anh gật đầu rụp cái trước tòa, nhất trí chi thêm cho “chị”, tổng cộng tròn 3 tỷ. Mọi người trách anh hâm. Anh cười: Đằng nào cũng chi cho con nên đưa luôn cả thể cho gọn. Mọi người nhắc anh cẩn thận kẻo “người đàn bà” đó lợi dụng cậu ấm để rút ruột, “trả thù”. Anh hô hố cười, rồi mắng mọi người lo xa, khẳng định như đinh đóng cột sẽ không có chuyện đó.

Cầm 3 tỷ anh đưa, “chị” tuyên bố: - Hàng tháng, tiền chu cấp cho con tối thiểu 10 triệu phải gửi vào tài khoản của “chị” trước ngày mồng 3 hàng tháng. Anh nói tiền chu cấp cho con đã đưa trong số 3 tỷ “chị” vừa cầm. “Chị” mắng anh là thằng khùng, thằng dở người, thằng thần kinh có vấn đề, đấy là tiền hỗ trợ mua nhà cho cậu ấm. Anh lại gật đầu cái rụp: Ừ thì đưa trước ngày mồng 3 hàng tháng. Đều đặn từ đó đến giờ, tháng nào anh cũng chuyển 10 triệu vào tài khoản của “chị”; tháng nào “chị” cũng cho cậu ấm đến xin anh thêm vài triệu đến chục triệu để trả các khoản abc “chị” đã chi “thêm” cho cậu ấm.

Năm kia, 2015, anh cưới vợ lần nữa. “Chị” mới này trẻ hơn “chị” cũ 3 tuổi, có nghĩa “chị” mới kém anh 34 tuổi. Theo lời anh thì “chị mới” sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, dứt khoát không phải là người có gốc gác ở quê. “Chị mới” yêu anh, chấp nhận làm vợ anh, có lẽ không phải vì hám anh giàu có. Bằng chứng là 3 tháng quen nhau “chị mới” không hề biết anh có mấy cái nhà mặt phố cho thuê. Chưa bao giờ anh thấy “chị mới” đả động đến chuyện anh sống bằng nguồn thu nhập nào? Anh khen “chị mới” vô tư lắm. Ngồi sau xe anh, toàn hát bài “con chim non thích véo con”, ngộ lắm, dễ thương lắm. Gia đình thấp thỏm không biết “tình yêu bọ xít” của anh tồn tại được mấy bữa. Thế rồi câu trả lời cũng sớm đến, sớm hơn dự đoán của mọi người: “tình yêu bọ xít” của anh “cay đắng” ra đi sau hơn 1 năm, chính xác là 1 năm 1 tháng lẻ 5 ngày, về nhà anh làm vợ “thằng hấp”. Lấy anh, “chị” muốn có con sớm, anh lại bảo “chả cần đẻ vì anh đã có cậu ấm rồi, đẻ nhiều con làm gì, mệt lắm”. Cứ nhăm nhăm ngày nào “không an toàn” là anh tếch ra ngoài ngủ với mấy thằng cháu, bắt “chị mới” nhịn. Rồi anh đón luôn cậu ấm về nuôi nấng nhưng tháng tháng vẫn đều đặn chuyển vào tài khoản của “chị cũ” 10 triệu. Không chịu nổi, “chị mới” lại đâm đơn ra tòa. Đận này có vẻ khôn hơn, anh chỉ oke các khoản “chị mới” yêu cầu hợp lý. Cũng rất quân tử, anh tặng thêm “chị mới” 100 triệu để “chị” mua cái xe tay ga mà đi lại cho an toàn. Ngày “chị mới” dời nhà anh, cũng là ngày “chị cũ” điều động cậu ấm trở về sống với mẹ, tháng tháng đều đặn đến anh “truy lĩnh” các khoản tiền “cần chi thêm” cho cậu ấm, có tháng đến 20 triệu.

Năm nay, cách đây mấy ngày, gia đình anh lại nhốn nháo khi anh lù lù dẫn về một “chị mới nữa”, “chị mới này” sinh năm 1991, cũng mỏng mày hay hạt, cũng ăn nói nghe chừng lễ phép như 2 “chị” trước. Mặc mọi người phản đối, anh tuyên bố sẽ đi xem ngày để ăn hỏi, rồi cưới “chị mới nữa” về làm “dâu trưởng”. Lần này, anh sẽ “cho chị mới nữa đẻ thả cửa” chứ không “hãm đẻ” như “chị mới trước” vì anh muốn “đối trọng” lại với “chị cũ nhất”, để cậu ấm không bị mẹ lợi dụng làm công cụ rút ruột, trả thù bố, để cậu ấm sẽ là “thằng con ngoan chứ không hư hỏng như cách dạy của mẹ nó.”. Anh tặc lưỡi: Biết thế cho “con dở” (chị mới trước) đẻ thì đã có “đối trọng” với “con hâm” (chị cũ nhất) lâu rồi.

Nghe chuyện của anh, thấy cũng nhiều nét hao hao giống chuyện của anh T. hàng xóm. Bụng bảo dạ xin ông anh kết nghĩa, em rể của anh, ngày giờ năm tháng sinh của anh để tìm câu trả lời qua lá số nhưng mải chuyện nhà cửa, sách vở thế là quên.

*.

Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2017.

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

CÚ ĐIỆN THOẠI BÌNH THƠ

*

Ông điện cho tôi, giọng rổn rảng:

- Này cậu! Mấy bài thơ mới của cậu hay lắm. Tớ vừa đọc, rất khoái. Lớp trẻ các cậu bây giờ viết nhanh, trực giác mạnh nên bọn tớ đọc thơ của lứa các cậu thích đấy, nhưng mà... nói thật, để hiểu được thơ của các cậu cũng mệt óc lắm.

Rất thật, tôi rụt rè:

- Vâng. Cháu cám ơn chú đã khích lệ. Nhưng... Chú cho cháu một vài lời cụ thể được không ạ?

Có lẽ, cũng rất thật, ông chậm rãi:

- Thơ cậu, tớ đọc có hiểu mẹ gì đâu mà cho ý kiến cụ thể.

Rồi ông cao tông giọng:

- Thơ của cậu thế nào ý. Đấy đếch phải là thơ. Kiểu như cái bài “Lan Man Và Chuyện Đàn Cừu”, với bài “Lan Man Và Chuyện Thằng Bạn”. Đúng là lan man thật. Sao lại lôi con Cừu vào thơ thế? Lại bình đẳng con Cừu với Con Người Việt Nam ta là thế nào? Cậu có biết hình ảnh con Cừu trong biểu tượng văn hóa là tượng trưng cho điều gì không? Là nô lệ! Là tầng lớp bị trị ngu đần và bạc nhược! Ở Việt Nam ta có Cừu không? Có nhưng không nhiều, rất hiếm, vì đấy là hàng “nhập ngoại” nên không thể là hình ảnh tượng trưng cho bất kỳ điều gì trong thực trạng văn hóa của người Việt Nam cả. Cậu dùng hình ảnh con Trâu, con Bò hoặc con Chó, con Lợn,... còn khả dĩ chấp nhận được phần nào... Đằng này lại là hình ảnh con Cừu. Hẳn cả một đàn Cừu. Đấy. Phi thực tế như thế mà cũng đưa vào thơ được. Mà... Sao lại “bạn rủ tôi về nhà nghe hát”? Sao không là bạn rủ tôi về nhà nghe nhạc cho nó sát với thực tế, mà cũng đậm đà chất thơ? Lại còn nửa đêm sợ tiếng thạch sùng, với những tiếng tờ lạch tạch? Rất yếu đuối, rất phi thực tế. Đàn ông đàn ang, ai lại sợ những con vật nhỏ bé, yếu ớt như con thạch sùng, con gián, con kiến? Đàn bà, con gái cũng không ai yếu đuối đến vậy. Đã thế, đêm hôm không lo ngủ, hoặc lo bảo nhau làm mấy cái chuyện sung sướng lại dựng bạn dậy để khoe nhiều tiền.... Kiểu... Rất chi là vô học. Ừ. Còn lan man, vô lý ở chỗ: Đang tả bạn thờ thẫn, man dại vì thèm tiền lại nhảy sang tả khuôn mặt bạn người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm với những khuôn nét vừa của thánh nhân, vừa của quỷ dữ. Xong, chốt câu “Tôi đã từng sợ ma” để hạ màn. Vớ vẩn. Sao lại sợ ma ở đây? Chả ăn nhập gì với nhau. Linh tinh. Dở oẹt. Tóm lại, đấy đếch phải là thơ. Là tản mạn mấy tiếng thở dài của mấy thằng dở người nửa đêm nửa hôm đếch biết làm gì nên rủ nhau làm mấy cái chuyện khác người, rõ ngớ ngẩn.

Rồi Ông cụp máy cái rụp.

Tôi thẫn người vì tràng giang những điều ông vừa nói. Chưa kịp giãi bày một hai điều thì ông đã cụp máy nên thực lòng, tôi cũng hơi ấm ức.

Vươn vai, làm mấy động tác cho giãn xương cốt, lưu thông khí huyết, tôi lên giường chuẩn bị ngủ thì ông lại điện đến.

Tôi uể oải nhấc máy:

- Dạ, cháu nghe...

Ông giật giọng:

- Này. Tớ hỏi thật nhé. Cậu có hiểu những điều tớ vừa nói không?

Tôi nhát gừng, giọng buồn ngủ nhưng thật lòng:

- Dạ! Thật sự là cháu không hiểu ạ!

Ông cười ngất, rồi chậm rãi:

- Tớ biết cậu không có hiểu nhưng cứ hỏi để kiểm chứng nhận định của tớ chính xác thế nào. Thôi. Cậu nghỉ đi. Tớ cũng đi ngủ đây. Muộn rồi.

*.

Hà Nội, 23 tháng 05.2017

ĐẶNG XUÂN XUYẾN 

 

 

TRUYỆN LIÊU TRAI:

TRỞ VỀ CHỐN XƯA

*

Đêm kia, (22/10/2012) khi đang mơ mơ màng màng, thấy có tiếng người thầm thì, hối thúc: - Trần Văn Toán (hoặc Trần Văn Toản), Trần Văn Toán (hoặc Trần Văn Toản),... Sau đó, tôi thấy mình lạc vào một ngôi làng lạ lắm, cảnh vật như quen, như lạ, có nét dân dã ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, cũng có nét hoang dại của miền sơn cước. Mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt nửa hân hoan, chào đón, nửa cự nự, dò xét. Mặc họ, tôi cứ thủng thẳng đi. Đến một khu đất trống, giống như sân kho hợp tác xã ngày xưa, có một đám thanh niên đang tụ tập hát hò, hình như là họ đang tập văn nghệ. Tôi bước vào, hắng giọng rồi diễn giải một vài tuồng cổ cho đám trai làng. Đám thanh niên giương mắt nhìn tôi rồi bàn tán điều gì đó, vẻ như không thích sự có mặt của tôi. Buồn, tôi lững thững bước ra đường. Một phụ nữ, chừng 30 tuổi, phảng phất nét đẹp của một sơn nữ, nói gì đó với đám trai làng, đám thanh niên nháo nhác gọi tôi, vẻ như ân hận vì đã xúc phạm tới bậc tiền bối.

Tôi cứ đi, đi đến một đám đông khác - hình như là phiến đất ở giữa làng - đang bàn tán, phổ biến cho nhau kinh nghiệm gì đó. Mọi người ở đây ăn mặc thật lạ: Áo gụ, quần nâu, tóc xõa vai, đi chân đất,.... cứ như là đang sống ở đầu thế kỷ XX vậy. Cách nói chuyện, cư xử cũng thế, rất lạ. Cứ dè dặt, lo lắng, cứ như đang sợ sệt điều gì đó sắp ập xuống, sắp giáng họa xuống cho dân làng.

Thấy tôi, mọi người phấn chấn hẳn, nói chuyện hình như có chủ ý để tôi nghe được, thấy được....

Có vẻ, tôi rất được dân làng tôn trọng.

Có vẻ như mọi người đang chờ đợi chủ kiến của tôi.

Dửng dưng nhìn mọi người tranh cãi, bàn luận, tôi lơ đễnh bước ra đường.

Đến cạnh dặm cúc tần, tôi lưỡng lự, nửa muốn đi tiếp, nửa muốn quay lại với mọi người...

Một thanh niên dong dỏng cao, có khuôn mặt trái xoan, nước da ngăm ngăm, chạy ra đứng cạnh, đượm buồn hỏi:

- Đã về rồi sao không ở lại còn đi?

Tôi lảng tránh ánh nhìn của người thanh niên, không nói gì nhưng tâm trạng thật lạ: Có chút day dứt, xốn xang, có chút xót xa, hờn tủi...

Nắm chặt bàn tay thanh niên nọ, tôi cúi mặt, trốn chạy ánh mắt của người phụ nữ có khuôn mặt tròn phúc hậu, bảo là mẹ của tôi, đau đáu nhìn tôi, xót xa, trách giận...

Hình như tôi đau lắm nên thổn thức thành lời, khiến Tuấn Hưng tỉnh giấc, hỏi:

- Bố nằm mơ gặp bà nội à?

--------------

*. - P/s: Giấc mơ thật lạ.

Lạ vì cảm giác trong mơ như thật, rất thật.

Lạ nữa là sao cứ Trần Văn Toán (hoặc Trần Văn Toản), mà không phải ai khác, trong khi tôi đâu biết Trần Văn Toán (hoặc Trần Văn Toản), là ai?

*.

Hà Nội, ngày 24 tháng 10.2012

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

ÉP LÀM THẦY BÓI

*

Đêm hôm kia (17/06/2013) mơ giấc mơ thật lạ.

Lang thang một mình đến một khu vườn lạ, gặp rất nhiều nam thanh nữ tú đang dập dìu ong bướm. Tôi cứ tha thẩn đi, mặc mọi người rủ rê, bỡn cợt.

Bất chợt một cơn mưa ập đến, mọi người nháo nhác tìm nơi trú mưa. Có ai đó cứ kéo tôi nép vào gốc cây để tránh mưa nhưng tôi gạt ra. Chạy đến ngôi nhà 2 tầng, gần giống kiểu nhà sàn, làm bằng tre nứa, tôi vội leo lên.

Lên tầng 2, tôi hốt hoảng khi thấy mái nhà xiêu vẹo, dột nát, định chạy xuống thì cầu thang không còn nữa, ngôi nhà như lơ lửng giữa không trung.

Vội chạy vào góc nhà nhìn có vẻ tươm tất nhất để tránh mưa thì nghe thấy giọng sang sảng của một phụ nữ, rất giống giọng chị Đông:

- Nhà của cái Tho đấy. Thánh định cho nó ăn lộc nhưng thấy nghiệp nó còn quá nặng mới thu lại nên nhà cửa giờ mới hoang vắng như thế.

Ngơ ngác nhìn quanh, không thấy người đâu chỉ thấy cuốn sách có tựa: CHÂN TRUYỀN TỬ VI LÝ SỐ đặt trên chiếc chõng tre, tôi cầm lên đọc.

Thấy hay, tôi vội lấy điện thoại để chụp nội dung cuốn sách thì bị một bàn tay chặn lại. Một cụ bà không biết từ đâu xuất hiện trước mặt, miệng bỏm bẻm nhai trầu, tủm tỉm nói:

- Lạy ta 3 lạy, gọi ta là sư phụ ta sẽ cho cuốn sách đó.

Tôi cười cười:

- Bà cho cháu mượn thì cháu cám ơn chứ lạy bà, tôn bà làm sư phụ thì cháu không làm đâu.

Bà cụ quắc mắt:

- Bay không lạy ta, không gọi ta là sư phụ mà dám cầm sách của ta đọc à?

Tôi cười:

- Thì cháu trả lại bà. Cháu không có số để làm thầy bà ạ.

Bà cụ quát:

- Bay láo nhỉ. Dám cãi lời của ta à!

Rồi cầm gậy, nhằm đầu tôi phang tới tấp.

Vừa giơ tay đỡ, vừa cuống quýt bỏ chạy, tôi hốt hoảng kêu:

- Có ai không? Cứu tôi với!

Vấp phải bậu cửa, ngã, tỉnh giấc.

--------------

Tỉnh mộng mà vẫn thấy lạnh cả người.

Chép lại để ngẫm xem sao.

*.

Hà Nội, 19 tháng 06 năm 2013

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

MUA NHÀ Ở QUÊ

*

Đêm qua (18/06/2013), lại gặp giấc mơ rất lạ. 

Khi tôi và con trai (Đặng Tuấn Hưng) đang loay hoay với đồng đồ đứng chờ xe taxi thì gặp Dũng (con trai em Đạm). Cháu mời tôi và Tuấn Hưng lên xe: “- Tiện đường về quê có việc, cháu mời bác và anh Tuấn Hưng về cùng.”. Nhìn đống đồ, cháu hỏi: “- Bác về quê sao lỉnh kỉnh đồ đạc như về nhà mới thế?”. Tuấn Hưng trả lời: “- Bố anh vừa làm thêm nhà ở quê, hôm nay bố con anh dọn về nhà mới.”. 

Trên đường về, Dũng nói chuyện thật nhiều về những ngày cháu mới ra Hà Nội tìm việc phải vất vả, bươn chải thế nào? cơ cực ra làm sao? Rồi cháu cười, nụ cười tự tin, mãn nguyện: “- Giờ cháu đã kiếm được tiền, tuy không giàu có nhưng cũng đủ để lo cho cuộc sống của vợ con được no đủ và có chút ít báo hiếu bố mẹ. Thôi thế cũng được rồi bác nhỉ?”. 

Khi rẽ vào nhà mới khoảng mươi mét, thì bị vợ chồng anh Phần, chị Minh nằm ngáng đường, không cho ô tô vào ngõ. Dũng xuống xe năn nỉ thế nào vợ chồng anh Phần cũng không chịu đứng dậy. Tôi bước xuống, chào anh chị, rồi nói dăm câu (tôi không nhớ cụ thể đã nói gì nhưng đại loại là dù thiên hạ rỉ tai tôi thế này, thế kia nhưng tôi vẫn tin anh chị là người tốt.), bấy giờ anh chị mới chịu đứng dậy. 

Xe từ từ lăn bánh vào nhà. Tâm trạng tôi lâng lâng khó tả. Có gì đó như háo hức, chờ đợi, như muốn được vỡ òa ra cho thỏa cơn khát khao, dồn nén lâu ngày nhưng lại có nỗi sợ mơ hồ, như muốn trốn chạy, muốn bưng kín, đóng chặt để đi vào tĩnh lặng, quên lãng...

Nhìn ngôi nhà mới, hoàn toàn khác ngôi nhà khánh thành cuối năm ngoái (2012). Tuấn Hưng làu bàu: “- Bố lãng phí tiền. Con chẳng thích ngôi nhà này. Con về nhà trong làng đây.”. Động viên mãi, con mới chấp nhận ở lại làm lễ nhập trạch xong thì cùng mọi người về nhà trong làng. 

Đang loay hoay không biết vào nhà bằng cách nào vì bỏ quên chìa khóa trên Hà Nội thì anh Thắng mang chùm chìa khóa đến. Anh cười, mắng tôi là thằng dở, hậu đậu, về nhà mà quên mang chìa khóa thì khác gì đi cày quên dắt theo trâu. Vẫn thế, vẫn miệng nhai trầu dẻo quẹo, anh vừa bày biện đồ lễ, vừa hỏi: “- Thằng dở đã chuẩn bị đủ đồ lễ chưa? Chị mày sợ mày đàn ông đàn ang không biết gì nên bảo anh đến ngó xem thiếu gì còn chuẩn bị cho đủ”. Sắp xong, anh sai mọi người bê lễ vào nhà. Dũng cười cười, nháy mắt: “- Bác ơi, chừa lại rượu, tối cháu vào hầu rượu bác.”. Tôi cười, mắng: “- Nhà bác đâu thiếu rượu mà anh phải nhắc bớt lại rượu.”. Dũng cười hì hì, chào mọi người về nhà. Khi ra đến cổng, một con chó rất to, đi bằng 2 chân, lao vào tấn công Dũng. Cháu vật lộn với nó nhưng có vẻ yếu hơn nên luôn bị nó cào cắn. Tôi lao ra giúp cháu thì con chó bỏ chạy, người nó cứ nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hút. Dũng ôm chặt tôi, lắp bắp: “- Bác ơi, ma đấy. Cháu sợ lắm.”. Tuấn Hưng cằn nhằn: “- Con đã bảo bố đừng mua nhà này, bố cứ tham rẻ, không nghe. Giờ thì có bán rẻ hơn cũng chẳng ai mua.”. Tôi giật mình, phân vân, hình như nhà này tôi chưa trả tiền, nhập trạch sao được? Anh Thắng sốt ruột, hỏi: “- Thực ra chú đã trả hết tiền người ta chưa? Cái nhà này anh cũng không ưng. Nếu mua rồi thì làm lễ nhập trạch cho có thủ tục rồi về nhà trong làng nghỉ ngơi, ăn uống, chứ ở đây anh cũng thấy thế nào ý.”

Tôi và mọi người vào trong nhà. Đến gian bếp thấy thiết kế rất lạ: Gian bếp rộng. Đun nấu bằng rơm rạ. Ban thờ thần bếp được thiết kế, trang trí theo kiểu của bọn người Tàu... Đồ vật sắp xếp rất cẩu thả, luộm thuộm… Tôi bắt đầu thấy ngán ngẩm. Anh Thắng, lầm bầm: “- Thật vớ vẩn. Nhà này mà chú cũng mua.”. Tuấn Hưng đế thêm: “- Bố cháu tham rẻ đấy bác ạ. Cháu gàn nhưng bố cháu không nghe.”. Dũng, vẫn còn sợ vụ bị ma chó tấn công, phân bua: “- Nhà này rộng, thoáng mát, vườn cây lại xanh tốt như thế nên bác Xuyến mới bị đánh lừa...”. Cô Nha ở đâu tự dưng xuất hiện, phân trần: “- Bác Xuyến mua nhà này cũng không sao bác Thắng ạ. Bác ấy sẽ trị được bọn ma chó đó. Có bác Xuyến về làm hàng xóm thì em an tâm lắm. Em định làm lại nhà nhưng giờ không cần nữa, tiền đó để em gửi tiết kiệm dưỡng già bác ạ.”.

Anh Tiến (Trần Tiến), anh rể tôi, càu nhàu: “- Cậu mua nhà này phí quá. Đã không có tiền làm lại nhà trên 344 Đường Láng lại quẳng tiền vào mua nhà này làm gì? Rõ phí phạm.”. Chú út khì khì: “- Chắc bác ấy mua để dành cho cô con gái rượu khi nó tìm về nhận tổ quy tông.”. Chị gái tôi quát: “- Cậu vớ vẩn. Con gái rượu nào? Đặng Tuấn Hưng là duy nhất. Không có cháu gái nào cả. Nhà này trả lại khẩn trương, không mua bán gì nữa. Một nhà ở quê là đủ rồi. Phí tiền.”. 

Khó khăn lắm tôi mới gàn được mọi người không bàn cãi về ngôi nhà mới mua nữa. Cùng cháu Dũng về nhà cũ của bố mẹ để lấy thêm đồ, gặp anh Sao, anh ấy trừng mắt: “- Mày về đây làm gì? Về để cười đểu vợ chồng tao à?”. Bực nhưng tôi vẫn nhẫn nại: “- Em về lấy lại chút đồ của em mang sang nhà mới. Hay dở thì mình cũng là ruột thịt, lẽ nào em lại cười đểu anh chị?”. Dũng thấy vậy, đon đả cho dịu căng thẳng: “- Hai bác sang giúp bác Xuyến dọn về nhà mới đi, chứ nhà cửa bề bộn như thế không có hai bác sang giúp thì hơi mệt đấy. Cháu cũng vào giúp bác Xuyến mấy ngày bác ạ.”. 

Tuấn, con chú Toại, cùng thằng bạn bỗng xuất hiện, mắng tôi về nhà mới sao không thông báo cho anh em bạn bè biết. Tôi gãi đầu, cười trừ: “- Tại anh bận quá Tuấn à. Thôi, đã về đến đây thì sang giúp anh một tay. Nhà cửa còn bề bộn lắm. Xong thì vào nhà trong làng, anh em mình hàn huyên tâm sự, mai hãy lên Hà Nội.”. Tuấn ghé tai thì thầm: “- Anh biết chuyện vợ chồng chị Phượng chưa? Vừa lôi nhau ra tòa, có vẻ căng thẳng lắm đấy. Anh đúng là vô tâm.”. 

Chuyện trò một lúc. Tôi cùng mọi người kéo nhau sang nhà mới. Khi thắp hương làm lễ nhập trạch, bỗng xuất hiện một cụ bà, tay cầm roi mây quất túi bụi vào mọi người, mắng mọi người sao không ngăn cản, lại a dua xúi tôi mua ngôi nhà này. Chừng như đã mệt, cụ ngừng tay, chỉ mặt tôi, mắng: “- Còn ngươi nữa, đã biết đất này không hợp với ngươi còn cố dẫn xác đến đây làm gì. Cút! Cút ngay! Cút về nhà trong làng ngay”.

Tôi nhìn cụ, bực tức hỏi: “- Không cho mua thì thôi sao bà lại đánh mọi người? Can cớ gì bà lại chửi cháu như thế? Bà là ai mà hung hăng thế?”. Cụ bà mím môi lại, tức giận chửi tôi: “- Tiên sư thằng học sinh mất dậy, dám hỗn láo với ta à?”. Thuận tay, cụ vớ cây bút trên bàn phi thẳng vào mặt mình, chửi: “- Ta là ai à? Phục sinh cái loại học trò hỗn láo nhà ngươi.”

Sợ quá. Tình giấc.

--------------

- P/s: Giấc mơ thật lạ: Rất liền mạch, có đầu có cuối, hệt như câu chuyện có thật được kể lại một cách trình tự. Chỉ có điều, ngôi nhà mới trong giấc mơ rất lạ nhưng tôi lại có cảm giác quen quen, như đã thấy ở đâu đó. Những người đã gặp trong mơ, trừ cụ bà và con chó ma, tất cả đều là người thân quen với tôi. Ngôi nhà trong làng và ngôi nhà của bố mẹ trong giấc mơ cũng y hệt như thực. 

Ghi lại giấc mơ này để chiêm nghiệm xem sao.

*.

Hà Nội, ngày 19 tháng 06.2013

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

“THẰNG CHÁU” TRONG MƠ

*

Trưa (23 tháng 02 năm 2014), ngủ, lại mơ lên 344 Đường Láng. Thấy bà Mùi và bà Tý cãi nhau hăng lắm. Bà Mùi xông vào quán, ôm đồ đạc của bà Tý vất đầy ra ngõ, rồi chỉ mặt, chì chiết, chửi bà Tý là con mụ béo, con nhà quê. Bà Tý hăng tiết, chửi lại bà Mùi là con nặc nô, con “a đầu” rẻ rách, rồi cầm cán chổi tới tấp đập vào đầu bà Mùi. Đau quá, bà Mùi lăn đùng ra ăn vạ. Bà giãy hăng lắm. Vừa lăn vừa gào nhưng mắt vẫn canh chừng cán chổi của bà Tý: - “Ới làng ới xóm mau cứu tôi với. Con Tý nhà quê nó đang định giết tôi đây này…”

Định ra can 2 bà nhưng ngại lại sảy ra hiểu lầm rồi mang vạ vào thân như năm nào nên tôi lẳng lặng vào nhà tránh mặt. 

Rõ ràng là đi lên tầng 2 nhà ở 344 Đường Láng, vậy mà khi bà Tý mang nước lên lại là cảnh tôi đang ngồi trên con đường đất mới mở, ở quê, không phải ở Hưng Yên, quen nhưng mà lạ lắm. 

Một cậu bé quãng 10, 11 tuổi, nước da trắng trẻo, khuôn mặt sáng đẹp đến chào tôi, đưa chiếc ghế nhựa, lễ phép mời tôi ngồi, rồi vạch “chim” định đái vào tường nhà. Tôi quát: - “Cháu không được tè bậy như thế. Chú cho no đòn đấy!”. Thằng bé khúc khích cười, đi vòng ra sau, ôm cổ tôi, tình cảm hệt như với người thân vậy, rồi lừa lúc tôi sơ ý, tè luôn vào tường ngôi nhà kế sau. 

Bực, định phát vào mông thằng bé thì bà Tý hề hề cười, bảo: - “Ô, thế bố Xuyến không nhớ thằng bé này là con ai à mà lại định đánh nó? Phải hỏi thân thế của nó xem sao đã chứ? Nhỡ may đánh nhầm phải người thân thì thế nào?”

Tôi sững người, chưa kịp trả lời thì thằng bé khúc khích cười, liến thoắng: - “Chú ấy già rồi, lẩm cẩm lắm nên không nhớ được gì đâu bà ạ! Đấy! Vẫn hấp tấp như mười mấy năm trước. Chả thay đổi gì cả! Chán!.” 

Nói xong, chạy mất hút vào ngõ.

Tôi quay sang hỏi bà Tý thằng bé ấy tên gì? Con nhà ai? Sao trông quen thế? Thì bà cụ tròn mắt hỏi lại: - “Ơ thế anh cũng không biết nó à? Cô tưởng anh với nó là chỗ thân tình? Thấy nó bảo là người “quen cũ” của anh, để nó mang nước lên cho anh nhưng cô sợ nó lóng ngóng, đánh vỡ ấm chén nên cô bê lên.”

Tôi đứng dậy, móc túi để trả tiền nước thì thằng bé lại xuất hiện. 

Nhìn tôi, nó buồn buồn hỏi:

- Thế chú không nhớ cháu thật à?

Tôi bảo:

- Ừ! Chú xin lỗi! Thật sự chú không nhớ cháu là ai? con nhà nào?

Nó ngước mắt nhìn tôi, rưng rưng lệ, ai oán trách:

- Người đâu mà vô tâm thế! Mới xa nhau có hơn mười năm, giờ gặp lại mà đã quên cả anh cả em rồi.... 

Tôi phì cười, mắng:

- Uầy. Hư nào cháu! Chú với cháu sao có thể là anh em được. Hư quá!.... 

Không đợi tôi hết câu, nó gào lên: - “Thằng anh mất dậy, bạc nghĩa bạc tình này! Kiếp trước, ngồi uống rượu với nhau bao lần mà quên em nhanh thế? Nhìn kỹ đi, rồi cố mà nhớ xem ngôi nhà này đã gặp ở đâu?”. Rồi lao vào đấm đá tôi túi bụi. 

--------------

Giật mình, tỉnh giấc.

Thấy giấc mơ lạ, chép lại để ngẫm xem sao.

*.

Hà Nội, 23 tháng 02 năm 2014

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

.

 

CỤ BÀ TRONG MƠ

*

Đêm qua (28/03/2014), lại mơ, một giấc mơ rất lạ.

Tôi về quê, vào nhà cũ của bố mẹ. Cảnh vật y như ngày còn bé: Vườn rau trước sân, nhà bếp xây bằng gạch non, lợp rạ, liền kề sân nhà anh Sứ. 

Tôi chưa vào nhà, cứ đứng trân trân ở sân, tâm trạng xốn xang, rất lạ. Đến lúc định vào nhà thì tự dưng mặt sân chao đảo, rạn nứt. Tôi tò mò lần theo vết rạn, thấy bức tường phía sau nhà bếp từ từ tách làm đôi. Bước qua kẽ nứt, định sang nhà anh Sứ thì bị bức tường rào cản lại. Tôi ngó sang, thấy bác Lễ đang nói với anh Sứ về chuyện duyên số vợ chồng trong vòng luân hồi sinh tử. Nghe nhưng câu được câu chăng nên tôi chẳng hiểu gì.

Nhìn dãy đất trũng sau bếp, tôi hỏi với sang:

- Bác và anh làm lại sân à? 

Anh Sứ nói:

- Không! Bên nhà anh có làm gì đâu. Chắc ý chú định hỏi nhà anh sửa sang gì mà làm toác tường bếp nhà chú chứ gì? Mưa gió như thế, bếp nhà chú xây bằng gạch non nên bị hỏng thôi.

Nhìn kỹ thì đúng là nhà anh Sứ không sửa sang gì, bức tường ngăn cách 2 nhà vẫn chắc như cũ. 

Thấy tôi đăm chiêu, bác Lễ bảo:

- Nhớ con nhớ cháu nên bác với anh về thăm, chứ giờ có muốn động chân động tay đỡ đần con cháu, bác cũng đâu làm được? Đồ cũ đã hỏng thì thay đồ mới, là chuyện tốt, chuyện nên làm, sao còn lấn cấn hả cháu?

Tôi ngẩn người vì thấy bác Lễ nói cứ như nhà hiền triết. Ngờ ngợ điều gì đó nhưng tôi mãi không nghĩ ra. Có lẽ đoán được lấn cấn của tôi, anh Sứ cười cười, bảo:

- Chú ngạc nhiên khi gặp bố con anh à? Chú là người có căn duyên nên mới nói chuyện được với người âm. Bố anh khuyên chú đúng đấy. Phấn chấn lên chú nhé!

Chưa kịp trả lời anh Sứ thì đã thấy tôi cùng con trai, cháu Thắng đang ở nhà trong làng. 

Lục đồ ăn mang từ Hà Nội về, con bảo Thắng:

- Mày ăn thử đi! Ngon lắm! Chú để dành, mang về cho bọn mày nếm thử đấy.

Nhìn quang cảnh không giống nhà trong làng, nhất là cây nhãn, bể nước, sân, vườn... Tôi hỏi anh Thắng sao lại khác vậy? Anh cười, mắng:

- Thằng dở! Chú điện về nhờ anh làm lại bể nước, anh mới làm. Bể nước thiết kế lại thì đương nhiên khuôn viên sân, vườn cũng phải thay đổi. Thổ địa ở đây tốt nên cây cối mới xanh đẹp như thế. Chú phàn nàn gì nữa!

Kéo tôi đến bể lọc, anh chỉ dòng nước đang chảy, bảo:

- Anh thiết kế dòng thoát như thế này hợp lý hơn trước. Chú thấy ổn không? Duy mỗi cái bể nước chìm ở sân thì anh chưa ưng lắm. Chị mày phàn nàn thành bể xây thấp quá, không tốt.

Vừa lúc đó, chị Sáu đi vào, cằn nhằn: 

- Anh em nhà chú chẳng để ý đến chuyện kiêng kỵ phong thủy gì cả. Cái thành bể phải xây cao hơn mặt sân, chứ thấp như thế vừa không vệ sinh, vừa không tốt về phong thủy. Mà chú cũng nên để mắt tới thằng Đức nhà chú Sao một tí. Nó có lớn nhưng không có khôn, còn nhiều dại dột lắm. Thương con thương cháu thì chú giơ cao đánh khẽ, dạy bảo nó chứ cứ để thế thì đời nó tàn. Chị thấy dạo này chú Sao cũng có vẻ căng lắm, hình như có chuyện về thằng Đức đấy. Thôi, anh em chín bỏ làm mười chú ạ. 

Định giãi bày với chị thì thấy một bà cụ, tóc bạc trắng, khuôn mặt tròn, phúc hậu, chống gậy đi vào, nhìn mình chằm chằm rồi mắng: 

- Tổ cha học sinh nhà mày! Nhìn lại bản thân xem nào? Bằng từng đấy tuổi rồi mà vẫn cứ ngơ ngơ ngác ngác, sống trên mây trên gió! Cứ thế này thì bao giờ mới khôn lớn được hả con! Thiên hạ thì ma lanh, còn nhà anh thì cứ dở dại dở khôn mãi là thế nào?

Cũng như mấy lần trước, định trả lời bà cụ thì lại thấy lạc vào nơi mới: Một khu vườn xanh tốt, rất nhiều nam thanh nữ tú đang đùa dỡn.

Thấy tôi đi vào, đám đông ngẩn người, nhìn tôi như nhìn người của hành tinh khác. Kệ họ chỉ trỏ, to nhỏ, tôi cứ lững thững đi. Đến ngôi nhà, trước cửa trồng nhiều loại hoa, bên trái là mấy khóm tre đằng ngà, bên phải là mấy cây khế trĩu quả, tôi mở cổng, bước vào. Từ trong nhà, một thanh niên dong dỏng cao, nước da ngăm ngăm, khuôn mặt trái xoan, điển trai, chạy ra, sững người khi thấy tôi, ngập ngừng hỏi:

- Về chơi hay về hẳn? Mẹ gọi hay tự về?

Tôi không nói gì, lững thững vào nhà.

Thanh niên nọ lại hỏi:

- Hở... Thế về hẳn hay chỉ về chơi rồi lại đi? 

Tôi lắc đầu, không nói. 

Thanh niên nọ làu bàu:

- Đến lạ! Vẫn cố chấp, giận dai! Bao năm rồi mà chẳng thay đổi gì cả!

Lại xuất hiện cụ bà tóc trắng như mây, khuôn mặt tròn phúc hậu, tay cầm gậy, chỉ mặt tôi quát:

- Phục sinh nhà mày! Ai cho mày trở lại đây! Có đi ngay không thì bảo?

Rồi cụ sấn tới, đuổi tôi quyết liệt!

Thanh niên nọ quỳ xuống, xin cụ bà cho tôi ở lại vài ngày. Kéo tay tôi, thanh niên nọ khẩn khoản:

- Quỳ xuống! Xin lỗi mẹ đi! Xin mẹ cho ở lại chơi vài ngày đi!

Tôi gạt tay thanh niên nọ ra, sẵng giọng:

- Điên à! Đi hay ở liên quan gì tới ông!

Như bực lắm, cụ bà giơ cao gậy nhằm đầu tôi phang tới tấp. Thanh niên nọ hoảng hốt lao ra, đỡ đòn thay tôi, cuống quýt quát:

- Chạy đi! 

Rồi đẩy mạnh tôi ra khỏi nhà.

--------------

Giật mình. Tỉnh giấc.

Thấy giấc mơ lạ, chép lại để ngẫm xem sao.

*.

Hà Nội, 29 tháng 03 năm 2014

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

ÂN NGHĨA TIỀN KIẾP

*

Mơ. (Đêm: 21/05/2017, sáng 22/05/2017) Một giấc mơ thật lạ.

Lại lững thững vào ngôi nhà với những nét cổ xưa, có mấy bụi tre đằng ngà, nằm ở phía bên trái cổng ra vào, và xa xa, nơi giáp với con đường làng gồ ghề, phía bên tay phải, là mấy bụi cúc tần xanh mướt... Mệt mỏi, tôi ngả lưng xuống phản. Đang thiu thiu thì hắn, người thanh niên dong dỏng cao, khuôn mặt trái xoan, nước da ngăm ngăm, đánh thức tôi dậy. Đưa cho tôi cốc nước nghi ngút khói, giục uống nhanh kẻo “mẹ về bắt gặp là em không được uống đâu.”. Định gạt đổ cốc nước, không uống, nhưng nghĩ sao tôi lại cầm, từ từ nhấp môi, uống. Thật lạ. Cốc nước nghi ngút khói mà uống vào lại thấy mát lạnh, rồi dương khí như chảy tràn khắp người, ấm nóng và sảng khoái. Hắn nhìn tôi, tủm tỉm:

- Biết nghe lời là tốt rồi. Không lo nữa. Cam lộ sẽ bảo vệ em. Chợp mắt tí đi rồi trở lại nơi đó, không ở lại đây được đâu, mẹ sẽ trị tội thêm nặng đấy.

Tôi ngả lưng xuống phản. Rồi thấy mình lơ lửng, lơ lửng, bay phía trên một con đường. Tôi càng cố hạ thấp độ cao để xuống con đường thì càng hạ, con đường càng thấp xuống, như cố giữ khoảng cách giữa tôi và con đường không thay đổi. Giữa lúc chán nản, định buông xuôi, thì con đường bị ngắt làm đôi, rồi như có ma lực rất mạnh hút tôi xuống hố sâu phía dưới. Hốt hoảng, tôi vũng vẫy để bay lên nhưng càng cố càng bị hút sâu xuống. Nhìn con đường cao dần, xa dần, tôi bất lực, bật khóc... Bỗng một thanh niên, từ đâu lao đến lấy thân mình làm bệ đỡ, hất tôi bay lên mặt đường, rồi người đó cũng bay lên, đổ vật xuống cạnh. Cảm động, tôi rối rít cám ơn. Cậu thanh niên lạnh tanh trả lời:

- Ơn huệ gì. Nợ thì phải trả. Còn 6 lần nữa, ông ạ.

Hỏi tên tuổi, nhất định cậu ta không nói. Rồi cậu ta ghé lưng bảo tôi ôm cổ để cậu ta cõng, bay cho nhanh. Chừng dập bã trầu, đến một ngôi đền, cậu ta đặt tôi xuống, giục: - Anh vào lễ Mẫu đi. Rồi lao xuống hồ nước. Tôi hét to hỏi tên, cậu ta trồi lên mặt nước, búng tay ra 2 chữ ĐT, rồi lại lặn sâu xuống hồ.

Tôi lững thững vào đền lễ Mẫu.

Thật lạ, ở ngoài là ngôi đền rất nhỏ nhưng vào bên trong lại rộng lớn, càng đi càng hun hút, hun hút. Đến một gian thờ, rộng lắm, bên phải, bên trái, trước mặt, sau lưng đều là những ban thờ, với những tượng thờ không rõ là thờ Tam Tòa Thánh Mẫu hay thờ Đức Thánh Trần Triều. Tôi loay hoay, loay hoay không biết thắp hương ban thờ nào trước và khấn lễ ra sao thì một ni cô, quãng chừng 18, 20 tuổi xuất hiện, chắp tay trước ngực, nhìn tôi, rất khẽ: - “A Di Đà Phật! Mẫu tại tâm! Phật tại tâm! Phật trong ta! Ta trong Phật!”. Rồi bay lên không trung, biến mất.

Tôi ngồi xuống, chắp tay trước ngực, tư thế như niệm chú. Rồi thấy mình lại lơ lửng, lơ lửng bay đến một khu vườn, cây cối xum xuê, đầy hoa trái.

Đến một ngôi nhà cao nhất, to nhất, tôi hạ xuống.

Đón tôi là một cụ ông, râu tóc bạc trắng, ánh mắt sáng quắc. Cụ hắng giọng, e hèm vào phía trong:

- Cậu về rồi. Sao bay không ra nước nôi cho cậu?.

Một đám choai choai, bưng nước ra để tôi rửa mặt. Rồi pha nước mời tôi uống.

Nhìn xuống nền nhà, tôi giật mình vì ngôi nhà lơ lửng giữa không trung, không có nền. Hun hút bên dưới là chen chúc những người là người. Tôi căng mắt nhìn và nhận ra một nhóm 7 người trông quen quen, có cả nam cả nữ, cả già cả trẻ đang bị đánh đập dã man. Tôi chỉ vào cậu thanh niên bị đánh nhiều nhất, hỏi cụ già:

- Cậu miệng lệch kia phạm tội gì mà bị đánh dã man thế?

Cụ ông phẩy phẩy quạt, thủng thẳng:

- Hạn Song Hao, khởi đầu là cờ bạc bịp, lừa đảo, mới chỉ là khởi đầu, cậu ạ. Đại vận 10 năm, mới là năm đầu, tránh sao được quả báo!

Tôi hỏi:

- Có cách gì cứu không?

Cụ già cười:

- Khó lắm! Mệnh trời, cãi sao được!

Tôi gặng:

- Chẳng lẽ không còn cách nào sao?

Cụ vuốt râu, khà khà:

- Có đấy cậu ạ. Ngoài tích đức thì lợi dụng bản tính của Song Hao mà tát nước theo mưa, may giảm được họa chút ít.

Thấy cậu ta bị đánh đau quá, tôi đứng dậy, búng tay một cái, một luồng điện chạy thẳng xuống đánh tên cai ngục gục ngã. Cụ ông hốt hoảng giữ tay tôi, lắp bắp:

- Thiện tại! Thiện tai! Thiên cơ bất khả lộ! Thiên cơ bất khả lộ!

Vừa lúc đấy, cụ bà với khuôn mặt tròn phúc hậu lại xuất hiện. Giơ cao gậy, chỉ thẳng mặt tôi, quát:

- Phục sinh nhà mày! Ai cho phép trở lại đây! Có cút ngay không!

Rồi phang tới tấp.

Tôi vội chạy.

Và lại thấy mình đứng trong sân nhà, ở quê. Nhìn mấy cây đào bị bứng ra khỏi chậu, tôi cằn nhằn với anh Thắng:

- Năm ngoái để chết cây đào bích tiếc quá. Năm nay gây lại được 2 cây đào phai, không đẹp nhưng trồng để trừ tà, rước lộc, sao bác lại bứng cả ra ngoài như thế?

Anh Thắng cười:

- Cây đào bích chết là do chú. Cây đang xanh tốt, chú về nghỉ cuối tuần, lại trách anh để ũng nước nên đào mới bị chết. Tuần sau y rằng cây đào bị chết. Cây khế cũng thế. Anh quên tưới nước nên cây bị khô, héo. Tưới nước lại, cây bắt đầu nảy mầm thì chú về, trách anh để chết cây khế quý. Y rằng, tối chủ nhật chú lên Hà Nội thì thứ 2, mấy mầm khế tự dưng héo, cây khế chết thật. Mà anh thấy chú lạ lắm. Cây bưởi mấy năm không ra quả. Chú đe không ra quả chú sẽ chặt thế là năm ngoái đậu được mấy quả, năm nay quả sai trĩu cành.

Tôi cằn nhằn:

- Em đang nói 2 cây đào phai và thêm cây sung kia nữa. Sao bác lại bứng ra khỏi chậu thế.

Anh Thắng gắt:

- Chú hay nhỉ. Cây thì chậu vỡ anh chưa thay được chậu. Cây thì để trồng trong chậu không hợp lý nên anh bứng ra, đợi kiếm được chậu hợp với cây thì thay. Chú toàn thắc mắc thừa.

Đang định to tiếng với anh Thắng thì cụ bà xuất hiện. Chống gậy đứng đầu cổng, ngắm nghía mấy cây cảnh, vẻ vừa ý, cụ gật đầu rồi nhìn tôi, bảo:

- Phục sinh nhà anh! An phận mà ở lại đây chứ còn bén mảng trở lại chốn đó là tôi đánh anh què chân đấy.

Nói xong. Cụ biến mất.

--------------

Tỉnh giấc. Nhìn đồng hồ: 05 Giờ 15, ngày 22 tháng 05 năm 2017.

Ghi lại giấc mơ để ngẫm xem sao.

*.

Hà Nội, sáng 22 tháng 05.2017

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

 

CHUYỆN VỚ VẨN CỦA

THÁNG TÂN DẬU (2018)

*

Tầm 11 giờ trưa thứ 2, Mồng Một tháng Tám âm lịch (10/09/2018), xuống ban thờ Thần Tài - Thổ Địa thắp hương. Vừa ngồi xuống chắp tay, thấy phảng phất nam nhân chừng 25, 26 tuổi, đầu trần, tóc ngắn, áo sơ mi trắng trước ban thờ Thổ Địa. Dụi mắt mấy cái, vẫn thấy nam nhân đó tủm tỉm cười, môi mấp máy, loáng thoáng như cậu ta nói về mấy chuyện định nghiệp, tiền kiếp... Mãi mới đứng dậy được, dụi mắt thêm lần nữa thì không thấy nam nhân đó nữa. Lạ là nam nhân đó không phải là một vong nam mà là ảo ảnh của một người mới gặp hôm trước, chủ nhật, trên một chuyến xe.

Cơm trưa xong, tranh thủ chợp mắt để chiều đi lễ chùa thì vừa thiu thiu ngủ, thấy một luồng hơi lạnh phả dọc sống lưng, rùng mình vì lạnh và thế là phát sốt.

Đêm, chợt tỉnh giấc vì những tiếng chân lạo xạo quanh phòng, mở mắt nhìn nhưng không thấy ai, ngó qua màn hình camare quan sát ở sảnh chờ cầu thang cũng không thấy bóng người, vội vùng dậy, đi sang phòng bên kiểm tra, thấy vắng lặng, tịnh không có gì lạ. Lên giường nằm, một lúc cũng khá lâu, lại thấy những tiếng lạo xạo như ai đó rón rén ở phòng bên, nghe quen lắm, liền vùng dậy đi sang, vẫn không thấy gì khác thường. Bực, buông câu trách: - “Phá đám vừa vừa thôi. Khuya rồi. Cho người ta ngủ chứ.”. Rồi lên giường, bật điều hòa, đắp chăn ngủ. Rồi mơ, lạc về một làng quê hẻo lánh, lại gặp người thanh niên dong dỏng cao, khuôn mặt trái xoan, nước da ngăm ngăm, nhắc nhở: - “Ít đi thôi, ở nhà giữ sức khỏe.”. Tỉnh giấc, thấy người đẫm mồ hôi, hạ sốt.

Sáng thứ 6, 15/09/2018, thấy đã khỏe hẳn nên đặt xe để thứ 7 về quê. Phấn chấn vì Chủ Nhật sẽ đi Hải Phòng (từ quê với họ hàng) dự đám cưới cháu gái nên tranh thủ chuẩn bị chút đồ. Vừa sắp xếp xong mấy bộ quần áo, ra cửa sổ ngó xuống đường, bỗng thấy chóng mặt bởi một luồng gió lạnh từ ngoài hắt vào. Lảo đảo, lên giường nằm và sốt trở lại, nặng hơn trận sốt trước.

Thứ 4, 20/09/2018, khỏi sốt nhưng vẫn hung hắng ho. Chị Nhan ở quê điện lên mời Chủ Nhật tuần tới về dự đám cưới cháu gái. Chị hỏi: - “Thế hôm ấy liệu cậu có khỏe không? có về dự cưới cháu được không?”. Sốt sắng quả quyết với chị: - “Từ nay đến đây cả chục ngày, em sẽ khỏe hẳn, sẽ về chứ, chị. Cưới cháu Huyền, em không dự được, ngại lắm.”. Đêm ngủ, lại thấy lạnh người, rồi sốt trở lại.

Sáng nay, 23/09/2018, thấy khỏe nhiều, định ngồi lọ mọ gõ vài chuyện cần làm thì díu mắt lại. Lên giường, định nhắm mắt chút rồi dậy lọ mọ bàn phím tiếp thì lạc vào giấc mơ, lại gặp thanh niên dong dỏng cao, nước da ngăm ngăm đen, tủm tỉm: - “Ba bảy hai mốt ngày, mới khỏi.”. Giật mình, tỉnh giấc, lẩm bẩm: - “21 ngày mới khỏi.”.

21 là ngày cưới cháu gái. Phải 7 ngày nữa mới khỏe hẳn sao?

Uầy... lạ nhỉ?

Ghi lại, để kiểm chứng.

*

Hà Nội, trưa 23.09.2018

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

.

 

 

 

-----------------------------------

Đang cập nhật

.

 

 

1 nhận xét:

  1. Truyện hay quá,mình đọc mà cười ngây ngây luôn hehe, cảm ơn bai viết của bạn, mời các bạn tham khảo các thông tin >> Cách chăm sóc răng sứ Lumineers sau phục hình như thế nào ?

    Trả lờiXóa