NGHỆ SĨ
THÀNH LỘC:
NGƯỜI ĐÀN
ÔNG TỬ TẾ, CHÂN CHÍNH...
*
THÀNH LỘC
TRONG MẮT LÊ HOÀNG
(Tác giả: Thu Trang)
Là một "cây đại thụ" ở làng sân khấu Việt,
những thành tựu mà nghệ sĩ Thành Lộc đạt được trong sự nghiệp là mơ ước của
biết bao nghệ sĩ trẻ. Gần 40 năm gắn bó với nghiệp diễn, Thành Lộc đã cống hiến
rất nhiều vai diễn để đời ấn tượng. Trong đó, có một số nhân vật được anh hóa
thân xuất sắc đến mức khó ai có thể tái hiện lại như: người lính Vorodin trong
vở Đêm hoạ mi, Chu Xung trong vở kịch kinh điển Lôi Vũ, Ba Thư trong Đối mặt và
vai ông Tư trong vở Dạ cổ hoài lang...
Năm 2001, Thành Lộc được Nhà nước phong tặng danh hiệu
Nghệ sĩ ưu tú vì những đóng góp lớn cho nền nghệ thuật nước nhà. Bên cạnh đó,
anh còn được giới báo chí cũng như đồng nghiệp mệnh danh là "Phù thủy của
những vai diễn". Ngoài thành công trong lĩnh vực sân khấu kịch, nam nghệ
sĩ còn đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau như: người dẫn chương trình, diễn viên
điện ảnh, diễn viên hài, đạo diễn sân khấu và hiện nay là Phó Giám đốc Sân khấu
kịch Idecaf.
Cách sống và tài năng của Thành Lộc nhận được lời khen
nhiều từ đồng nghiệp, bạn bè. Tuy nhiên, đạo diễn Lê Hoàng lại có những cái
nhìn khác về nghệ sĩ này và đưa ra những điều chê.
Là một người quen Thành Lộc từ khi còn nhỏ, Lê Hoàng
chê 7 điều về Thành Lộc: "Chê đầu tiên là tính khí Thành Lộc rất
thất thường. Anh có thể cười hớn hở, vui vẻ với chúng ta suốt cả ngày, sau đó
bất ngờ im lặng không nói mà chả ai hiểu tại sao, mãi mãi cho tới cuối đời.
Chê thứ hai là Thành Lộc cực kỳ dễ thương nhưng cũng
cực kỳ cay độc. Thảm họa cho đứa nào bị anh ghét. Đời nó coi như đã xong. Thậm
chí có thể tất cả những gì liên quan tới nó cũng xong.
Chê thứ ba là Thành Lộc vô cùng nhạy cảm. Là một diễn
viên kịch lớn, nhưng anh hay quên phắt cuộc đời cũng là một vở kịch khổng lồ.
Nghĩa là trước mặt anh người ta có lúc cũng phải diễn. Anh lập tức phát hiện
ngay và chế giễu không thương xót khiến kẻ đó mất mặt và mất cả những gì liên
quan đến mặt.
Chê thứ tư là Lộc quá tự do. Anh chỉ tin trên đời tồn
tại có hai thứ: nghệ thuật và chơi. Không hề nghĩ rằng chúng sanh còn khốn khổ
quá, còn bao nhiêu thứ cần quan tâm Lộc không có hoặc không thèm có. Chưa đồng
hành cùng anh được. Thế là có khả năng anh giận.
Chê tiếp theo là Lộc vô cùng cảm tính. Anh có thể tự
tổn thương mà chả ai xung quanh nghĩ ra mình có lỗi gì, nhưng ai lờ mờ thầm
đoán rằng mình sai. Thế là cả căn phòng im bặt, đông cứng lại, đàn em thì thầm,
đồng nghiệp rón rén. Mặt Lộc giá băng.
Chê nữa là anh vô cùng kỹ lưỡng. Toàn thân thể Thành
Lộc, nếu có một con ruồi đang đậu thì chắc chắn anh đang cho phép đậu, và màu
của con ruồi đang hợp với màu áo, màu quần và màu cavat anh. Chả có lúc nào
Thành Lộc không mix những món trên cơ thể với những quy luật chỉ mình anh biết,
và vô phúc cho đứa nào không biết.
Khuyết điểm nữa của Thành Lộc là anh cực kỳ lễ nghĩa.
Sinh ra trong một gia đình rất cổ điển, đừng có ai lơ mơ với Lộc về các tư thế
chào hỏi, cúng kiến, nghiêng mình, nghiêng đầu hay nghiêng cổ, nghiêng tới bao
nhiêu và một ngày được phép nghiêng mấy lần. Sai phạm sẽ chết như chơi".
Đạo diễn Lê Hoàng cho biết thêm về con người của Thành
Lộc: "Nói tóm lại, khi ở cạnh Thành Lộc, khi ngồi ăn với Thành Lộc
và nếu có kẻ nào hạnh phúc tột đỉnh, được tắm cùng Thành Lộc, mọi người luôn
luôn trong cảm giác vui mừng, vinh dự, bất an, sợ hãi, hốt hoảng vui tươi. Gặp
Lộc vài tiếng đồng hồ, nhiều đứa về nhà nằm suy nghĩ mấy đêm.
Là một diễn viên, theo tôi là lớn nhất trong giờ phút
này trên sân khấu Việt Nam, Thành Lộc có một kiến thức khổng lồ về các bộ môn
nghệ thuật, các nền văn hóa. Anh là kẻ hiếm hoi có thể đóng đứa bé trong tầm
vóc một ông vua vì anh am hiểu sâu sắc và ở trong tâm hồn cả hai người. Tuy
nhiên, là một diễn viên, đôi khi anh quá thiên lệch. Anh có thể làm hết sức
trên sân khấu đến mức nhiều khi anh chỉ làm có một mình, những đứa khác cả chùm
bơi lội đằng sau, chới với, kêu than và anh không hề ngoái lại.
Lộc là nghệ sĩ gần như duy nhất ở Sài Gòn luôn luôn
khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi và chưa khi nào nghĩ ra cách trả lời. Đó là:
Nếu không có anh, sân khấu sẽ ra sao? Tất nhiên nó không chết nhưng có thể thoi
thóp, suốt đời không lớn ít ra ở một số nơi quan trọng.
Lê Hoàng quen Thành Lộc lâu lắm rồi, khi cả hai còn
rất trẻ. Bây giờ anh vẫn trẻ y như thế khiến Lê Hoàng mỗi lần gặp lại mừng thầm
vì hy vọng mình cũng giống vậy, mặc dù đó chỉ hy vọng quái đản nhất. Trong
Thành Lộc, lúc nào cũng có một đứa trẻ con đang giẫy dụa, cho nên toàn bộ khán
giả thiếu nhi ở Sài Gòn đều mê anh và tin chắc anh là bạn đang cùng múa hát và
ngồi bô với chúng. Đó là đều vĩ đại độc đáo duy nhất tồn tại trong nghệ thuật
Việt Nam".
--------
(Nguồn: https://vietnammoi.vn/dao-dien-le-hoang-bat-ngo-che-7-dieu-nay-ve-nghe-si-thanh-loc-99524.htm)
THÀNH LỘC -
NGƯỜI NGHỆ SĨ YÊU NƯỚC
(Tác giả: Lê
Anh)
Lời bộc bạch chính trực của Nghệ sĩ Thành Lộc, xin gửi
đến những người mến mộ!
"Hồi còn
làm Ban Giám Khảo của Vn’s Got Talent đến mùa thứ 2 thì có một bạn hâm mộ tại
Hà Nội đã lấy chân dung tôi, Huy Tuấn, Thuý hạnh và MC Thanh Bạch ghép vào hình
ảnh nhóm thầy trò đường tăng Tam Tạng đi thỉnh kinh trong Tây Du Ký để bày tỏ
lòng ngưỡng mộ. Tôi có nói với bạn ấy (qua facebook thôi) rằng tôi cảm kích
lòng ngưỡng mộ của bạn ấy dành cho chương trình và riêng Ban giám
khảo & MC, nhưng xin đừng ghép tôi vào cái nhóm văn hoá Trung Quốc vì
tôi không muốn trông thấy hình ảnh chính mình lại khoác bộ trang phục của họ để
cổ suý cho một nền văn hoá của một quốc gia đang xâm lấn lãnh thổ và làm hại
người dân tôi mỗi ngày trên biển đảo!
Bạn ấy bảo tôi cực
đoan, chính trị là chính trị mà nghệ thuật là nghệ thuật! Tôi nói trước đây tôi
cũng đã từng nghĩ như vậy nhưng bây giờ thì không, vì chính Trung Quốc cũng đã
không nghĩ như vậy, họ là những kẻ xảo ngôn nên ta không cần phải tôn trọng và
hãy lấy hình ảnh tôi ra khỏi bức ảnh ấy, người bạn này đã tỏ ra thất vọng và
miệt thị tôi khá nặng! Lúc đó tôi có nghĩ chắc bạn này là 1 dư luận viên.
Trong đợt kỷ niệm
cho sự kiện của một hội chuyên nghành về sân khấu, người ta muốn dựng lại một
số vở kịch lừng danh của nhà hát sân khấu nhỏ 5B mà một thời tôi đã gắn bó tài
nghệ mình nơi đó, chỉ là một đợt hoạt động mang tính sự kiện thôi nhưng trong
đó có vở Lôi Vũ (tác giả Tào Ngu - Trung Quốc) mà tôi đã thành công nhiều với
vai Chu Xung. Tôi từ chối tham gia cũng vì lý do trên, không thể khác!
Không thể viện lý
do nghệ thuật khác với chính trị để chính mình tự làm tổn thương lòng tự trọng
dân tộc của mình. Khi hai quốc gia còn là bạn bè tôn trọng chủ quyền của nhau
thì nghệ thuật còn làm thăng hoa nhau được, chứ ai lại có thể đi tôn vinh văn
hoá của một quốc gia nó bắn giết dân ta, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của ta
từng ngày từng giờ được? Tôi đã nói rõ quan điểm của mình như vậy với ban tổ
chức và không hiểu sao sau đó đợt sự kiện đó cũng ngưng lại luôn, chắc vì không
có kinh phí chứ không phải là từ tôi, tôi chỉ là hạt cát trong cái sa mạc
showbiz Việt nhu nhược nầy!
Cũng như có lần
tôi từ chối làm đại sứ hình ảnh cho một sản phẩm của Trung Quốc (họ đài thọ tôi
du lịch miễn phí bên đó) thì cũng có vài người bảo tôi dại đã để vuột khỏi tay
1 cây cờ !!!
Rồi bây giờ là một
danh sách dài ngoằng các tài tử minh tinh điện ảnh và nghệ sĩ của Trung Hoa lục
địa mà “thần dân” xứ Việt chết mê chết mệt đã lên tiếng ủng hộ cái gọi là
“đường lưỡi bò” láo xược trên biển Đông của chính quyền Trung Quốc, họ phản đối
phán quyết của toà án quốc tế, bất chấp luật pháp và đi ngược lại với lương tri
thế giới. Những cái tên như Phạm Băng Băng, Triệu Vy, Huỳnh Hiểu Minh, Lục Tiểu
Linh Đồng… vốn đã xem chúng ta là thần dân của họ, tài nguyên nước ta là tài
sản của quốc gia họ từ bao đời nay rồi! Vậy có đúng là nghệ thuật kinh tế đi
trước để lót đường cho chính trị và xâm lược đi sau không?
Các văn nghệ sĩ,
các fans hâm mộ những soái ca, tỉ tỉ, những thứ ngôn tình hay nam thần ngọc nữ
gì đó….. hãy tỉnh táo và sáng suốt mà lo bảo vệ những giá trị văn hoá Việt còn
sót lại trong mong manh và chỉ có chúng ta mới là những người phải thể hiện
lòng tự tôn dân tộc mình. Tôi không kêu gọi kỳ thị mà tôi kêu gọi sự thức tỉnh!"
---------
THÀNH LỘC -
MỘT NGHỆ SĨ TRỌNG DANH DỰ
(Tác giả: Đàm Ngọc Tuyên)
Đợt dịch Covid-19 bùng phát hồi năm ngoái, mọi hoạt
động nói chung của xã hội bị đình trệ. Khiến cho rất nhiều người dân nghèo
khốn khó càng thêm khốn khổ hơn. Bao gồm, một vài nghệ sĩ nổi tiếng, những
người của công chúng, đồng cảnh ngộ. Anh Thành Lộc là trường hợp điển hình -
một người nghệ sĩ biết (vì) trọng danh dự nên cho dù nổi tiếng vẫn nghèo.
Trong lần dịch bùng phát ấy, anh Thành Lộc phải bán
bớt đi một số vật dụng trong gia đình để trang trải cuộc sống thường nhật. Nghe
có vẻ khó tin, vì lẽ, thực tế giới nghệ sĩ choai choai mới nở mà còn giàu, thì
làm chi có chuyện nghệ sĩ gạo cội, không diễn hơn tháng lại đói được phải
không? Để trả lời cho nghi vấn này, có thể xem nội dung clip, từ đấy mỗi chúng
ta sẽ cảm nhận được là vì sao?
Hay, trong một bài viết ngắn của nhạc sĩ Tuấn Khanh,
đã chia sẻ về anh Thành Lộc, như sau:
"Lúc anh
Lộc ra cuốn sách Tâm Thành Lộc Đời, ảnh nhắn "Anh để cho em một cuốn ký
tặng đàng hoàng, anh nghĩ có những điều em coi sẽ thích", rồi bất ngờ anh
Lộc đổi giọng "tại tao biết mày quá".
Thiệt tình, hổng
biết ảnh "biết" mình là như thế nào. Từ ngày tự nhiên mọc sừng, mọc
đuôi, phát ngôn ăn nói bặm trợn với đời, mình trở nên ngại tiếp xúc với rất
nhiều người. Nhất là với những người đang làm ăn, đang làm việc nhà nước, và cả
những người đang gặp thuận lợi với đời, vì chỉ sợ làm họ liên lụy và phiền vì
mình. Người thì bảo nó chảnh, người thì bảo chắc nó bị giam lỏng rồi nên không
đi đâu được. Ấy vậy mà mỗi lần gặp ảnh, câu đầu tiên của anh Lộc vẫn là
"mất tích đâu vậy thằng quỷ?". Mỗi lần đổi số, ảnh cũng nhắn cho
mình.
Lộc dễ hiểu, yêu
ghét cứ bật ra như hơi thở thường ngày, khó giấu. Nói gì mà ảnh không thích,
ảnh cười, gượng gạo, nhìn biết liền. Lộc diễn giỏi trên sân khấu, nhưng thật
với cuộc đời lắm.
Tháng 5/2016, lúc
dân chúng xuống đường biểu tình, thấy người bị đánh dữ. anh Lộc buồn bực quá
viết status một đoạn ngắn, nhưng sao đó nhiều người vào bình luận loạn lên hết
nên ảnh đóng. Có người nói bọn "phản động" làm giả để kích động chứ
không phải của nghệ sĩ Thành Lộc. Nhưng mình nhìn thì mình tin, đúng là ảnh.
Không bộ tịch và thẳng như tát vào mặt, Ổng chứ ai. Lúc ổng giận lên là phải
biết.
Trong video mà mọi
người đang chia sẻ, anh Lộc nói như tuôn hết ruột gan. Kinh nghiệm của một
người có hơn 15 năm bị công an để ý, theo dõi, gửi giấy làm việc... mình biết ở
phía dưới vẫn có ít nhất là một "ai đó" đang im lặng ghi lại. Rồi có
thể anh Lộc sẽ không đến được những cuộc giao lưu như vậy nữa. Tự nhiên, nhớ
cách ảnh hay cười hề hề "Kệ, đâu có chết".
Đúng là chúng ta
không thể chết. Vì sống như mình và nói đúng như mình tồn tại là cách chứng
minh mình có mặt trên cõi đời này một cách sống động nhất. Và chắc chắn là rất
khác biệt với muôn vàn "nghệ sĩ, người nổi tiếng..." vẫn đang sống
như là đã chết (chữ trong ngoặc kép là nhại lại lời anh Lộc nói trong video
nha).
Vậy thì chúng ta,
và những người khác đang nói thật, sống thật và không thỏa hiệp với cái sai,
vẫn sống, dù sẽ nhọc nhằn, anh ha? Anh nói anh được đời cho Lộc, nhưng tâm
thành ấy, sao lại không phải là Lộc cho đời?
Mình vẫn chưa bao
giờ lầm cảm giác quý mến lâu nay dành cho anh Lộc. Giờ thì có lẽ còn nhiều hơn
nữa. Giờ chắc gặp lại ảnh, mình không để ảnh nói trước, trấn áp mình nữa đâu,
mình sẽ nói ngay "Nè, em biết anh quá mà!"".
(hết trích)
Đặc biệt, trong những vai diễn có liên quan đến những
nhân vật ở Trung Quốc, thì anh Thành Lộc sẽ từ chối ngay, cho dù thù lao nhiều
đến bao nhiêu. Bởi theo anh ấy, không có chuyện giao lưu văn hóa gì với những
kẻ vẫn miệt mài ngày đêm giết hại ngư dân là đồng bào của anh, ngoài biển
Đông, chẳng hạn.
Thế thì thử hỏi làm sao giàu tiền nhiều bạc cho được?
(Mà thật sự, có những anh chị em văn nghệ sĩ mà tôi may mắn được biết, họ cũng
nghèo ráo trọi, dẫu tài năng đâu kém chi ai)
Một triết gia phương Tây có nói đại khái: bọn con buôn
thì với chúng làm gì có tổ quốc. Đúng sai tôi không dám lạm bàn. Tuy nhiên, nếu
câu nói ấy là hầu hết nghệ sĩ ở Việt Nam, làm gì biết tổ quốc. Quả thật, thực
tế hiển hiện.
Nghèo một chút cũng không sao, không chết nhưng khi
không còn danh dự của con người thì đã chết dù đang sống rất giàu.
---------
(Nguồn: https://www.facebook.com/100000346148495/videos/4204659552888875/)
THÀNH LỘC -
NGƯỜI NGHỆ SĨ CHÂN CHÍNH
(Tác giả: Bùi Tuấn)
Sức hút của anh không chỉ nằm ở cái tên Thành Lộc mà ở
đó còn chính là cách làm nghề tử tế của một người nghệ sĩ chân chính.
Sân khấu ngày nay có phần ảm đạm hơn so với thời kỳ
vàng son của nhiều năm về trước. Nhưng suất diễn nào có tên Nghệ sĩ Ưu tú Thành
Lộc đều khiến mọi người chen nhau đặt chân đến rạp, gây nên hiện tượng
“cháy vé”. Vì sao lại như thế?...
Người
bạn của tuổi thơ
Thế hệ 8X - 9X không còn lạ lẫm gì khi nhắc đến Nghệ
sĩ Ưu tú Thành Lộc . Tên tuổi của anh gắn liền với một loạt chương trình
dành cho thiếu nhi như: Chuyện ngày xưa (truyền hình), Ngày xửa ngày xưa (sân
khấu), … khiến khán giả nhớ đến tận bây giờ. Anh được xem như là “người bạn
tuổi thơ” của các em thiếu nhi khi mang đến cho các em những tràng cười sảng
khoái cũng như những bài học giá trị qua mỗi câu chuyện. Một loạt vai diễn như
con cú mèo trong vở “Nữ thần Lee Kim Chi”, Thúy mama trong vở “Công chúa Chích
Chòe”, bọ cạm câm trong vở “Hoàng tử Ai Cập”, … đã trở thành huyền thoại.
Đặc biệt là vai diễn nàng Cám chảnh chọe trong vở “Tấm
Cám”. Vào vai Cám, anh mang đến một hình ảnh đặc sắc và sống động hơn so với
nguyên bản gốc của truyện. Bên cạnh sự lười biếng, xấu tính, nàng Cám qua diễn
suất của Thành Lộc còn là một cô bé ham chơi, tính cách vô cùng đỏng đảnh bao
lần làm khán giả không thể nhịn cười.
Ngoài là một vở diễn có tần suất kỷ lục, “Tấm Cám” còn
là một câu chuyện hậu trường kinh hoàng mà ít ai biết về anh. Do rất được khán
giả yêu thích nên hầu như một ngày diễn 2 đến 3 suất là điều bình thường. Điều
này dẫn đến sự sơ suất trong khâu hậu đài khi đang diễn một phân cảnh Thành Lộc
bất ngờ giẫm phải đinh vào lòng bàn chân. Tâm lý vô cùng lo sợ nhưng bản thân
là một diễn viên nên anh ý thức mình phải cố gắng hoàn thành vai diễn. Thế là
Thành Lộc nén hết can đảm hoàn thành hết phân cảnh.
Nhắc về kỷ niệm nhớ đời với vai Cám, anh chia sẻ: “Phân nửa cây đinh nằm trong gang bàn chân
của tôi, cảm giác thốn lên đến óc. Suất diễn vừa xong, tôi phải chạy đi đến
trạm xá, hôm đó lại là chủ nhật không nơi nào mở cửa. Chạy đến đường Tôn Đức
Thắng thì tại phường có phòng y tế, ngày hôm đó người ta cũng không làm việc
nhưng có một chị đang trực. Cửa chỉ mở he hé, tôi đập cửa và tha thiết thỉnh
cầu. Lúc đó, mặt tôi vẫn còn là một con Cám, son phấn dính đầy. May mắn chị ấy
nhận ra tôi và kịp thời tiêm thuốc rồi băng bó. Vừa xong, tôi quay trở lại diễn
suất tiếp theo”.
Với sự diễn xuất của Thành Lộc, vai diễn này đã trở
thành một huyền thoại mà đến nay khó có nghệ sĩ nào qua được. Anh đã thành
công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật cũng như lối diễn xuất biến hóa đa
dạng của mình. Nàng Cám như sống mãi với thời gian khi nó trở thành một hiện
tượng viral của giới trẻ với những ảnh chế, meme trên khắp các mạng xã hội. Anh
khiến mọi người phát cuồng vì mình và luôn sống mãi trong ký ức tuổi thơ của
hàng triệu thế hệ khán giả.
“Phù
thủy sân khấu” đa dạng qua các vai diễn
Không phải ngẫu nhiên mà công chúng dành tặng
cho Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc nghệ danh “phù thủy sân khấu”. Với
hơn 30 năm làm nghề, anh đã nỗ lực cống hiến hơn 200 vai diễn khác nhau không
chỉ trên sân khấu mà kể cả điện ảnh. Qua đó mang đến cho khán giả những cung
bậc cảm xúc khác nhau và cái nhìn đa chiều về một người nghệ sĩ tận tâm với
nghề.
Trong số những vai diễn tạo nên thương hiệu không thể
không nhắc đến vai cô gái điếm trong vở “Hợp đồng mãnh thú”. Một vở diễn chỉ
diễn ra trong 3 bối cảnh gồm 4 diễn viên nhưng nó lại gây nên sự thú vị dành
cho khán giả.
Trong “Hợp đồng mãnh thú”, Thành Lộc vào vai một chàng
trai nghèo và thường xuyên đội lốt một cô gái điếm hành nghề mua vui cho các vị
đại gia. Với kỹ năng diễn xuất thượng thừa cùng khả năng ứng biến nhanh, Thành
Lộc là người khiến khán giả phải quay trở lại sau khi đã xem qua một lần. Ấn
tượng qua vai diễn này là những màn hỏi xoáy đáp xoay nhanh đến khó đỡ của anh
và các bạn diễn. Tuy là vai giả gái nhưng Thành Lộc tạo hình rất duyên, hợp
thời trang và diễn xuất vô cùng nhập tâm qua từng cử chỉ, hành động của nhân
vật.
Sự thành công của “Hợp đồng mãnh thú” đã từng khiến
ekip sân khấu Idecaf đưa vở diễn này sang tận nước ngoài để phục vụ cho cộng
đồng người Việt tại hải ngoại xem. Đây cũng là vở diễn mà Thành Lộc tâm đắc
nhất trong tất cả các vở diễn mà anh từng thể hiện.
Nếu như Nghệ sĩ Ưu tú Hữu Châu tạo được
tiếng vang qua vai Nguyễn Trãi trong vở “Bí mật vườn Lệ Chi” thì anh lại khiến
khán giả trải qua nhiều cảm xúc qua vai thái giám Tạ Thanh trong cùng vở diễn.
Ở vở này, Thành Lộc đã đảm nhận vai diễn phản diễn. Một vị hoạn quan nham hiểm
đã phối hợp với thái hậu Nguyễn Thị Anh ra tay hãm hại Nguyễn Trãi. Anh đã
khiến khán giả như đứng ngồi không yên, khiến họ từ ghét cay ghét đắng sang tức
giận rồi lại sợ hãi trước vị thái giám đầy mưu mô xảo huyệt. Tuy là một vở diễn
lịch sử không thiên về hài kịch nhưng lại nhận được nhiều sự yêu mến của khán
giả cho đến tận bây giờ.
Gần đây nhất, Thành Lộc khiến khán giả thích thú trước
vai diễn Hồ Ngọc Hân trong bộ phim điện ảnh “Ngôi nhà bươm
bướm”. Trong phim, Thành Lộc hóa thân thành một người đồng tính, hành nghề
drag-queen. Qua diễn xuất của mình, anh cho khán giả thấy một hình ảnh mới về
cộng đồng LGBT, không phải cứ là đồng tính thì sẽ thích chuyển giới. Hồ Ngọc
Hân tự tin, kiêu hãnh với chính bản ngã của mình mà không hề lo sợ người khác
biết sự thật về thân thế. Đảm nhận vai trò người mẹ trong thân xác một người
đàn ông, Thành Lộc đã lột tả được hết những khía cạnh của một người đồng tính
khiến khán giả đều phải trầm trồ thán phục.
Chính những kỹ năng diễn xuất, sự trải đời cùng với
tinh thần nhập tâm sống cùng nhân vật, vai diễn khó đến mấy Thành Lộc cũng đều
xử lý một cách dễ dàng. Trong suốt quá trình tham gia nghệ thuật chưa có một
vai diễn nào gây cản trở khó khăn cho anh. Được mọi người yêu mến và ban tặng
danh xưng “phù thủy sân khấu” là một điều đúng đắn và hết sức tuyệt vời với
những gì Thành Lộc đã mang đến cho khán giả.
Lối diễn xuất tài tình, khả năng biến hóa đa dạng, tạo
sự lôi cuốn cho người xem, anh như là một tượng đài bất diệt trong lĩnh
vực sân khấu. Dấu ấn diễn xuất của Thành Lộc đến
nay vẫn được xem là một biểu tượng, ảnh hưởng không ít đến các đàn em diễn viên
trẻ sau này.
Trọn
tình dành cho sân khấu
Hoạt động nhiều năm, dù đã có chỗ đứng vững chắc trong
lòng khán giả nhưng người nghệ sĩ này vẫn không
từ bỏ sân khấu chạy theo những giá trị vật chất khác. Anh vẫn tiếp tục tâm
huyết với nghề diễn, cống hiến hết mình cho ngọn lửa đam mê. Sau 3 mùa
Vietnam’s Got Talent, dù đã có rất nhiều lời mời Thành Lộc cho những vị trí chủ
chốt ở các chương trình gameshow nhưng anh đều luôn từ chối vì sợ đánh mất bản
thân mình.
“Tôi cảm thấy
Việt Nam đã có quá nhiều gameshow, nó làm cho công chúng đánh đồng gameshow,
giám khảo nào cũng giống nhau. Tôi quyết định ngưng ngay trong sự tiếc nuối của
ban tổ chức và tiếc nuối của chính tôi, bởi vì tôi muốn bảo toàn danh tiếng của
mình. Tôi tập trung trở lại với công việc chính thống là ôm cái sân khấu của
tôi mà sống. Thu nhập ít hơn rất nhiều, khó khăn chật vật hơn nhưng mà tôi cảm
thấy mình yên ổn” - Thành Lộc nói.
Tuy hiện nay sân khấu không mang lại nhiều thu nhập
cho người nghệ sĩ và dần có phần thoái trào. Thành Lộc vẫn không than vãn hay
rên rỉ bất kỳ điều gì. Anh vẫn miệt mài, âm thầm và cho ra đời những tác phẩm
mang giá trị lịch sử cao cho nhân loại và là một người truyền cảm hứng làm nghề
cho các thế hệ về sau. “Tiên Nga” là một trong những ví dụ rõ nhất về những tâm
tư mà Thành Lộc muốn
gửi gắm.
Ra mắt vào năm 2017, “Tiên Nga” mất đến 4 năm để Thành
Lộc ấp ủ và thai nghén tác phẩm nghệ thuật này. Ngoài là một tác phẩm
truyện thơ Lục Vân Tiên, anh còn mang đến một giá trị lịch sử ẩn sâu bên trong
rất sâu sắc về lòng yêu nước của dân tộc. Vở diễn thu hút đông đảo người xem,
đặc biệt là những khán giả trẻ như đúng những gì mà anh mong muốn. Đặc biệt
“Tiên Nga” còn giúp Thành Lộc mang về những giải thưởng danh giá như giải nhất
Giải thưởng Văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh và “Vở diễn sân khấu được
yêu thích nhất” trong khuôn khổ lễ trao giải Mai Vàng 2018.
Để có được những thành công như ngày hôm nay phải nói Thành
Lộc có một nghị lực vô cùng bền bỉ. Tuy tuổi tác đã có phần về già, anh vẫn hết
mình qua những vai diễn. Tình hình sân khấu không mấy thuận lợi, anh vẫn bất
chấp tất cả để cho ra mắt những vở diễn mới trước mặc cho vấn đề về tài chính.
Dù sân khấu vẫn còn đó những bài toán khó khăn trước mắt, anh vẫn đặt để
bản thân mình lạc quan nhất. Nói về sự đào thảo khắc nghiệt của ngành giải trí.
Nghệ sĩ từng bộc bạch: “Tôi vẫn thấy hiện tại mình còn rất là nhanh. Nếu tôi không làm diễn
viên được nữa tôi vẫn sẽ làm đạo diễn được. Bởi nghề đạo diễn không có giới hạn
về mặt tuổi tác, trừ khi mình không còn sự minh mẫn. Còn một điều quan trọng
nữa là khán giả còn yêu thích tôi, không đuổi tôi khỏi sân khấu thì tôi vẫn sẽ
tiếp tục làm!”.
Qua chia sẻ trên, có thể thấy Thành Lộc là một
người đàn ông không hề sợ hãi trước những vấn đề tuổi tác mang lại cho người
nghệ sĩ. Với anh, sân khấu chính là nhà, chính là cái tình yêu thiêng liêng
nhất trên cõi đời này. Duy chỉ có sự minh mẫn mất đi mới khiến người nghệ sĩ
phải giã từ nơi cắm rễ đam mê.
Qui luật cuộc đời “tre già măng mọc” là điều tất yếu
nhưng hào quang của Thành Lộc sẽ là thứ ánh sánh vĩnh cửu không bao giờ tắt đi
trong tâm trí của biết bao nhiêu thế hệ. Đó chính là sự nỗ lực làm nghề một
cách tử tế cùng thái độ sống tốt. Hơn trên hết anh là một người nghệ sĩ
chân chính luôn sáng tạo và cống hiến hết mình cho khán giả, cho nghệ thuật.
-------
(Nguồn: https://www.duyendangvietnam.net.vn/thanh-loc-nguoi-nghe-si-chan-chinh.html)
-
ĐẶNG XUÂN XUYẾN giới thiệu -
.
.
0 comments:
Đăng nhận xét