CHUYỆN THÁNG 8
Ngay sát chỗ đội tù 19 trại Văn Hoà canh
tác là một dãy nhà dân. Không hiểu sao lại có một dãy nhà dân khoảng chục nhà ở
bên tay phải con đường vào trại giam. Nếu là nhà của cán bộ thì dễ hiểu, nhưng
đây là của dân, nó bị bao quanh đằng trước, sau và hai bên đều là đất của trại
giam.
Hình như trước đây là đất của một khu nhà
máy hay gì đó, sau lấy làm trại giam. Phần đất thì lấy được, nhưng phần làm nhà
ở của cán bộ công nhân cũ thì không.
Cái dãy nhà dân này mở quán để phục vụ cán
bộ, tù và người nhà tù đến thăm.
Đất canh tác của đội 19 là sau dãy nhà dân
ấy. Trại tù chỉ phát cơm trắng và rau luộc oi khói, cho nên tù thường phải mua
thức ăn từ những nhà dân trên. Hàng sáng khi đi làm, tù quẳng cái cạp lồng nhựa
vào nhà dân. Đến trưa khi đoàn tù đi qua nhà dân, người bán hàng sẽ để cạp lồng
trước cửa, tù đi qua của ai người đó lấy.
Thức ăn thường chỉ có canh rau, đậu phụ
kho, lạc rang... thỉnh thoảng có khúc cá, ít trứng tráng hay thịt ba chỉ rang.
Tuỳ theo hoàn cảnh kinh tế mà tù đặt nhà dân, ví dụ mức 200 nghìn một tháng,
mức 300 nghìn... nhà dân tự cân đối bố trí theo số tiền đó, nấu gì cho tù ăn.
Tôi chi tiêu ở mức 150 nghìn, mức thấp
nhất trong đội tù. Tôi đặt thức ăn ở nhà chị Thơm.
Vị trí trong đội của tôi cũng thấp nhất,
điều đó không có gì lạ, tôi là tù đầu, nhà điều kiện kinh tế không có. Lại
không muốn bè phái, quẫy, hội để làm đàn em cho các đại ca. Cho nên thế là điều
tất nhiên, quan hệ gia đình với các đại ca, tôi chỉ sử dụng vào việc không bị
đánh đập, chèn ép, bắt nạt.
Tôi làm việc nặng nhất với thái độ chăm
chỉ, giữ thái độ trung lập với tất cả tù nhân. Không cầu cạnh hay nịnh bợ gì
những đại ca mà tên tuổi của họ thời ấy rất lớn như anh Dũng Gỗ, Nam Chả, Tuấn
Trang... ở trong đội.
Những đại ca lớn thực thụ, tầm họ cũng
khác. Với những thằng trẻ ranh 23 tuổi tù đầu như tôi, chăm làm và nhà nghèo,
không ngó nghiêng, tắt mắt, toan tính gì... họ cũng chẳng để ý, chẳng chèn ép
làm gì. Nếu gặp gia đình, chẳng có tiền biếu họ, họ cũng chẳng vì thế mà làm gì
tôi. Thậm chí, đôi khi họ còn cho chút này, chút kia.
Tôi luôn chi tiêu ở trong mức gia đình
cho. Nhưng rồi cứ theo năm tháng, do quen biết công việc, ông quản giáo cứ cất
nhắc tôi lên từng nấc một. Cứ lên mỗi nấc lại phải có kinh tế khả dĩ phù hợp.
Ví dụ như làm đến đội phó thì không thể hút thuốc lá Souvenir, lúc đó phải hút
mèng nhất là Vinataba. Vì có lúc gặp đội trưởng, đội phó, thi đua hay vũ trang
rút thuốc ra mời, bao Vinatabar cũng là bét nhất rồi. Một số tù có điều kiện,
gặp gia đình họ cho tôi vài chục nghìn, để tôi làm ngơ cho thời gian gặp gia
đình dài hơn. Số thu nhập ít ỏi đó phải tằn tiện, cân đối lắm để chi cho những
việc khác.
Tù có câu ''mưa lúc nào mát mặt lúc ấy''
hay ''cờ đến tay ai người đó phất''. Tôi có thể tận dụng vị trí đội phó, đội
trưởng của mình để quay quắt lấy tiền của tù nhân khác để trang trải những nhu
cầu mà vị trí của mình tối thiểu cần phải có.
Tuy nhiên tôi không làm. Tôi sợ rằng nếu
làm thế, tính chất giang hồ cá lớn nuốt cá bé sẽ nhiễm vào con người mình. Tôi
từ vị trí thấp nhất đi lên, tôi hiểu tâm lý người yếu thế bị chèn ép trong lòng
uất hận thế nào. Hơn nữa cũng chẳng phải mình ghê gớm gì hơn họ, cũng do sống
lâu lên lão làng, có gì mà ra vẻ đại ca với người yếu thế đi sau.
Cuộc đời tôi còn dài, khó khăn chỉ là giai
đoạn. Nếu trong giai đoạn ấy chỉ vì miếng ăn, cái mặc trước mắt mà làm điều tệ
hại bắt bạt kẻ yếu, hù doạ người thế cô, không những mang tiếng sau này mà còn
hư bản thân mình.
Có những điều mà trong quãng thời gian tù
của mình, dù còn rất trẻ, tôi giữ không dính vào. Đó là xăm trổ. Hai là bắt
nạt, chèn ép người khác yếu hơn mình. Ba là nịnh nọt người trên. Bốn là không
kết bè, kết cánh làm chỗ dựa. Năm là không cờ bạc, chích choác, rượu.
Nhưng nợ tiền là điều không thể tránh
khỏi, dù như nói từ đầu, tôi rất chắt chiu trong mức độ gia đình mình cho. Cuối
cùng khi hết án tù trở về, tôi vẫn còn nợ chị Thơm 180 nghìn.
Ngày hết án, ra khỏi cổng trại tôi ghé nhà
chị với lời hứa, sẽ trả món nợ.
Chị Thơm cười trừ, tôi biết chị chẳng tin.
Vì tất cả những tù về nợ ít, nợ nhiều đều chẳng ai quay lại trả. Dường như chị
cũng căn mức án của từng tù nhân, và để họ chịu ở mức độ nào đó, dù họ không
trả thì cũng nằm trong mức lãi kinh doanh xác định sẽ thất thoát của chị.
Tôi về xin đi làm đủ nghề, làm giao sách
báo, làm bảo vệ nhà hàng, đồng lương eo hẹp phải tằn tiện lắm mới đủ sống. Một
ngày đầu tháng 8, tôi nhận được việc làm thêm ở cái cửa hàng bán mỹ phẩm lớn ở
phố Bạch Mai. Vì ban ngày họ còn bán hàng, nên ban đêm họ mới cho làm. Tôi lại
ngày đi làm thuê, đêm mới làm được, đôi bên hợp thời gian. Họ để tôi làm, đêm
đó tôi được tiền công 300 nghìn.
Đã gần một năm tôi ra tù, quay lại ghé nhà
chị Thơm, khi chào chị còn hỏi tôi là có ai quen mới về trại này à. Tôi ngồi
trong nhà chị, nhìn những đồ đạc đơn sơ trong nhà chị chẳng có gì thay đổi. Tôi
rút tiền ra đếm 180 nghìn, nói trả nợ. Chị cầm tiền sững sờ.
- Chú cẩn thận thế, chị có đòi chú đâu.
Tôi cười trêu.
- Em lo xa, sợ có ngày vào lại đây, chị
nhìn thấy em còn bán chịu.
Hai chị em cùng cười, rồi hỏi thăm người
nọ kia. Chị Thơm nhìn 180 nghìn trên tay nói lúc chia tay.
- Chú là người duy nhất quay lại trả nợ
đấy. Chị cám ơn nhiều, không phải vì số tiền chú nợ trả đây đâu, cám ơn chú làm
chị vui vì còn nhớ đến chị. Chú đến không có trả, chị cũng rất mừng.
Đã gần 30 năm, chính xác là 27 năm kể từ
khi chia tay chị Thơm hôm đó. Tôi vẫn giữ nguyên tắc trong cuộc đời mình là
luôn chi tiêu ở dưới mức kiếm được và hạn chế tối thiểu vay mượn gì ai trừ
người thân trong nhà. Nếu có vay ai, thì có tiền tìm trả đầu tiên bất kể là
tiền cờ bạc thua hay tiền mình hứng lên đứng ra bảo lãnh cho ai vay.
Đến giờ chỉ duy nhất cô chú Mùi, Thường là
cho tôi vay mà tôi chưa trả, hồi đó tôi bỏ làm quảng cáo ở công ty, muốn tự lập
bỏ việc ra ngoài làm, cô chú cho tôi vay tiền làm vốn. Cô dốc mấy cái nhẫn vàng
tròn, đưa cho tôi được 7 chỉ. Tính đến giờ cũng đã 20 năm, tôi cũng chưa trả.
Nhưng đó là cô ruột tôi, tôi không muốn trả vì cô chú không khó khăn gì, tôi
muốn để đấy để nhớ ơn cô chú như cha mẹ tôi. Thực tình thì cô chú mà cần 7 cây
vàng, tôi cũng biếu cô chú. Nhưng 7 chỉ vàng kia, tôi sẽ mang nợ mãi mãi.
Chẳng bao giờ tôi phủ nhận là xã hội đen,
là lưu manh. Nhưng chưa ai nói tôi vay mượn tiền, rồi quỵt không trả, rồi chày
cối kiếm chuyện trừ vào cái này, trừ vào cái kia để không trả. Thậm chí có
những người nợ tiền tôi, không có trả. Họ bán hàng gì, tôi mua và vẫn trả tiền
đủ.
Tôi làm ăn với ai, chia lời không để ai
nói. Lỗ tôi luôn nhận phần thiệt hơn.
Nhiều người bảo tôi dại, tôi dễ dàng cho
vay để bị quỵt nợ.
Chẳng phải thế, tôi muốn nuôi tâm mình tốt
mà thôi. Như tôi nhớ thằng Lê Sinh Tuấn lúc tôi cần tiền mua máy khoan, máy
hàn. Hai thằng làm chung lời 5 triệu, tôi đưa tiên chia đôi. Nó thấy tôi làm
phải đi thuê máy hàn, máy cắt sắt. Nó không nhận chỉ bảo.
- Thôi, ông cầm lấy mà mua đồ làm.
Có những con người như nó hay cô tôi và
những người nữa, như thằng Chính mới quen, lúc ngồi uống bia nó thấy tôi trả
lời điện thoại về chuyện thiếu vốn mua máy làm. Nó bảo anh cứ ngồi với em, nói
chuyện cho vui. Tí mọi việc đâu sẽ có đó. Lúc tan cuộc, nó đưa tôi ra cây rút
tiền, lấy 20 triệu đưa cho tôi với thái độ nhẹ như lông hồng.
Những người cho tôi mượn , thái độ coi
đồng tiền nhẹ như không. Nhưng với tôi nó nặng lắm, nặng đến tận bây giờ. Dù
mấy chục năm qua, nợ xong rồi nhưng mỗi khi chúng nó ới cái gì, bận đến mấy tôi
cũng trả lời, làm được gì chúng nhờ, tôi đều không từ chối.
Tôi nghiệm ra một điều, những người biết
ơn cho dù có lúc khổ thế nào, nhưng sau cũng sẽ có cuộc sống tươm tất. Còn
những kẻ vô ơn, những kẻ tưởng mình khôn tranh phần hơn với bạn bè, những kẻ
quỵt nợ... tất cả bọn chúng đều sống cuộc đời dặt dẹo, dù già trẻ gì đi chăng
nữa. Đặc biệt những kẻ diễn vai tình cảm, thân thiết để vay mượn, lừa đảo thì
số phận của chúng không thể khá được.
Tôi có thể dại để kẻ khác lợi dụng lừa
tiền, nhưng tôi không đánh mất đi chữ tín của mình với ai, tôi cũng không vì
gặp nhiều kẻ lừa lọc, xảo trá mà bất mãn trở thành người vô cảm.
Thế nên hôm nay tôi ngồi đây, kể lại câu
chuyện của đời mình, cho dù đó là những năm tháng tù tội. Lòng than thản chẳng
phải ngại điều gì.
Con trai tôi có việc gì, nó gọi điện cho
người quen tôi.
- Bác ..ạ, cháu là Tí Hớn con bố Hiếu,
cháu có chuyện này ...
Tôi chẳng dại đâu, tiền có thế lúc có lúc
không. Cái lớn là để lại cho con mình niềm tự hào về người bố của nó, chứ không
phải nỗi ô nhục có người bố lừa đảo, quỵt nợ, tranh cướp hơn thua với anh em bè
bạn.
Những con nợ là cha mẹ, đừng để cho con
cái mình mang nỗi nhục.
----------
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết của
(về) tác giả Bùi Thanh Hiếu0
- Các bài viết của
tác giả Đặng Xuân Xuyến0
- Các bài viết của
(về) tác giả Đặng Văn Sinh0
- Các bài viết của
(về) tác giả Trần Mạnh Hảo0
- Các bài viết của
(về) tác giả Trần Đăng Khoa0
- Các bài viết của
(về) tác giả Hoàng Vũ Thuật0
- Các bài viết của
(về) tác giả Hoàng Hải Vân0
- Các bài viết của
(về) tác giả Hoàng Vũ Thuật0
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc
truyện ngắn
CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân
Xuyến:
*.
BÙI THANH HIẾU (Người Buôn Gió)
Quê quán: huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
Nơi sinh: Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Cư trú tại: thành phố Berlin, Liên bang Đức.
.............................................................................................
- Cập nhật nguyên bản từ facebook Bùi Thanh Hiếu
ngày 13.08.2024.
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ
nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang
Đặng Xuân Xuyến
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét