MỘT HỦ TỤC ĐẦU XUÂN
Những ngày đầu xuân, thay vì chào đón mùa xuân mới bằng nụ cười
tươi mát, chúng ta lại bắt đầu bằng sự sợ hãi, âu lo vì: năm nay là năm tuổi!!!
Mới đầu năm mà bị người này hăm he, người khác nhắc khéo: ‘Năm nay năm tuổi của
bạn đó nhe! Tránh đi lại càng nhiều càng tốt. Đặc biệt là đầu năm, đừng có đi
xông đất nhà nào cả!’
Rõ ràng tục cúng sao hạn không phải phát xuất từ đạo Phật mà từ
đạo Lão. Quan niệm của họ là trên trời có 24 ngôi sao do 24 vị thần chủ có ảnh
hưởng đến số phận con người, trong đó chín ngôi sao sáng sẽ luân phiên chiếu
mệnh mỗi năm. Đó là các sao La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương,
Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức. Chín vì sao này hay còn gọi là Cửu Diệu là
các sao phối trí theo các phương, sắp xếp theo 12 chi và ngũ hành. Trong chín
ngôi sao này, có sao tốt, có sao xấu. Nhưng phần nhiều, không ai nghe nói
nhiều đến sao tốt mang đến điềm lành gì cả, mà chỉ nghe những tiêu cực đáng sợ
của những ngôi sao xấu.
Đầu năm mới, ai bị sao xấu chiếu mệnh, người này sẽ gặp phải
chuyện không may, tai nạn, ốm đau, bệnh tật…, có thể là suốt năm, gọi là vận
hạn, là sao chiếu mạng. Nặng nhất là “nam La Hầu, nữ Kế Đô” là loại ám hư tinh
vì hai sao này chẳng thấy được mặt trời. Vì vậy, mỗi năm gặp các sao tốt phải
cúng đón các vị, nếu gặp sao xấu phải cúng lễ để các vị hung tinh bớt tác oai,
tác quái. Có lẽ do ảnh hưởng của truyện ‘Tây Du Ký’ một truyện hư cấu quanh
ngài Đường Huyền Trang, một cao tăng người Trung Quốc, nên việc cúng sao hạn
được thực hiện trong chốn chùa chiền nhiều hơn là các miếu đình.
Điều đáng buồn ở đây là cha ông chúng ta đã bỏ nhiều công sức để
tạo nên một tập tục thật đáng quý đó là: Mừng xuân, ăn tết, hưởng lộc ông
bà. Nhưng đa số chỉ lo khẩn cầu, vái van cho tai qua, nạn
khỏi! Thử hỏi có đầu óc nào mà ăn tết, thưởng xuân. Những hủ tục,
mê tín dị đoan này đã làm tốn phí không biết bao nhiêu tiền của và những sự lo
sợ vô lý, viễn vông. Xin hỏi hiện dân số trên toàn thế giới là khoảng trên
bảy (7) tỉ (theo thống kê ngày 12 tháng 3, năm 2012 của Văn phòng thống kê
Hoa kỳ - USCB), chia đều ra theo chín ngôi sao chiếu mệnh thì kết quả có
khoảng 777 triệu người trên thế giới có cùng một sao chiếu mệnh trong một năm!
Nếu chỉ tính dân số nước Việt nam là 88 triệu, thì có khoảng 9 triệu 700 ngàn
người Việt trong nước có cùng một sao chiếu mệnh !!! (không kể người Việt
sống ngoài nước). Tất nhiên, mọi người đều có quyền tự do cá nhân tin tưởng
vào những gì mình cho là đúng, là hợp tình, hợp lý. Nhưng thử nhìn con số
bên trên, chúng ta có thể tưởng tượng được rằng có chừng ấy người (777 triệu)
sẽ phải chịu tai họa giống như mình trong một năm; và năm sau cũng chừng ấy
người chịu tai họa cho năm kế tiếp vì là sinh nhằm sao xấu! Dù công tâm mà
nói: chỉ có một nửa sao xấu và một nửa sao tốt thì con số của thế giới cũng đã
là 388.5 triệu người; còn của Việt nam thì cũng khoảng 4 triệu 800 ngàn dân có
vận hạn xấu!
Mùa xuân đến là mùa hoa trái đâm chồi nảy lộc, mùa của sinh sản,
tươi mát. Mọi sự sống vừa tỉnh giấc sau một mùa đông lạnh lẽo, buốt
giá. Nên Ông bà mình có câu đối ví ngày xuân như là một sự đổi mới của năm
cũ:
Đêm ba mươi, đạp thằng Bần ra cửa,
Sáng mồng một, bồng ông Phúc vào nhà.
Thế nhưng những hủ tục, dị đoan khiến mình thêm âu lo vì năm mới
đến thay vì bồng ông Phúc vào nhàthì mình lại hoảng sợ vì bị sao
xấu chiếu mệnh. Sáng mồng một mình đã vội vã đi chùa, đi miếu dâng sớ cúng
sao vì sợ nếu không làm kịp các hung tinh sẽ giáng họa lên gia đình, hay chính
bản thân. Nỗi sợ hãi đã khiến cho nhiều gia đình không đón xuân một cách
trọn vẹn vì lòng luôn nơm nớp lo sợ.
Là người con Phật, chúng ta phải triệt để không tin theo những
hủ tục, mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh này. Vì luật nhân quả, nghiệp
báo và phước báo đều do chính mình gây tạo và cũng do chính mình thụ
hưởng. Phật dạy rằng: Không một vị trời thần nào có quyền năng thưởng
phạt, hay làm giảm thiểu những tội phước mình đã tạo ra. Thay vào tiền
tài, vật thực dâng cúng cho các hung tinh, mình có thể làm phước, bố thí cho
những kẻ bất hạnh, nghèo cùng rồi hồi hướng công đức lành này cầu cho gia đình
được hưởng một mùa xuân an lành, hạnh phúc. Đó mới là cách làm đúng đắn
nhất, là bồng ông Phúc vào nhà, là chào đón một mùa xuân tươi mát
bên gia đình và người thân.
Cầu bình an đầu năm, không có nghĩa là đi cúng sao hạn để được
tai qua, nạn khỏi, mà là gia đình nhắc nhau nhân đầu xuân mới lễ Phật, tụng kinh
tự mình phải làm mới, tạo thêm phước lành, tránh làm điều xấu ác, tu nhân tích
đức để nhờ công đức này gia đình được an vui, hạnh phúc suốt năm. Đó mới
đúng theo luật nhân quả: Tạo nhân lành sẽ được hưởng quả lành là vậy!
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Bạn đọc cảm nhận
về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe nhạc phẩm TÂM SỰ NGÀY XUÂN
của Hoài Linh qua tiếng hát Ngô Quốc Linh và Ôn Bích Hà:
Trần Hải Sơn giới thiệu
Tác giả: Thiện Ý - nguồn: chuaadida
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
0 comments:
Đăng nhận xét