C.I.A và CĂN BỆNH
SÙNG BÁI TÌNH BÁO
*
Chuyên viên tình báo của C.I.A, Vích-to Ma-set-ti và Giôn Mác - nhân viên
Cục Tình báo và nghiên cứu Bộ Ngoại giao Mỹ đã viết cuốn "C.I.A và bệnh
sùng bái tình báo" từ năm 1972. Trong cuốn sách này hai tác giả khẳng định
nước Mỹ có một cái "nạn" sùng bái mà tác giả đã gọi tên nó là
"bệnh sùng bái tình báo".
Không phải ai khác những người sùng bái nó là những tay mật vụ chuyên
nghiệp của C.I.A. Còn người đỡ đầu và bảo vệ nó là những quan chức cao cấp nhất
của Chính phủ liên bang. Người ta dám chắc một điều rằng số hội viên của nó
vượt ra nhiều chính giới khác nữa, mở rộng đến những trung tâm thế lực của công
nghiệp, thương nghiệp, tài chính và lao động. Ngoài ra, nó còn có nhiều
"bạn bè" trong những khu vực có ảnh hưởng quan trọng đối với quần
chúng: giới giáo sư và giới thông tin. Những nhà quý tộc chính trị Mỹ cũng
thường tụ thành một hội kín phục vụ bệnh sùng bái tình báo.
Mục đích của bệnh sùng bái tình báo là giúp đỡ đẩy mạnh những
chính sách
đối ngoại của Chính phủ bằng những biện pháp mật và thường là không hợp pháp,
đồng thời ngăn chặn sự lan tràn của chủ nghĩa Cộng sản. Người Mỹ hy vọng bệnh
sùng tình báo sẽ nuôi dưỡng một nền trật tự trên thế giới trong đó Mỹ sẽ làm bá
chủ, làm "người lãnh tụ quốc tế vô địch". Tuy nhiên, đến ngày nay,
giấc mơ đó đã bị thời gian và những thất bại thường xuyên làm cho mờ nhạt đi.
Do đó, mục tiêu của bệnh sùng bái này đã bớt đồ sộ nhưng cũng chẳng "nhỏ
bé" hơn là bao. Phần lớn những kẻ tôn sùng tình báo luôn tìm cách đưa vai
trò tự phong của Mỹ lên làm người trọng tài cao hơn hết về sự thay đổi chính
trị, kinh tế và xã hội trong những vùng đang trỗi dậy ở Á, Phi và Mỹ La tinh.
(Tác giả Giáp Kiều Hưng) |
C.I.A vừa là trung tâm vừa là công cụ chủ yếu của bệnh sùng bái tình báo
khi thực hiện những công việc như: gián điệp và phản gián, tuyên truyền và phao
tin giả, tâm lý chiến và hoạt động bán quân sự. Nó xâm nhập và dùng thủ đoạn
vận động các tổ chức tư nhân, đồng thời tạo nên những tổ chức riêng của nó (gọi
là "cơ sở kinh doanh") khi cần thiết. C.I.A tuyển điệp viên và lính
đánh thuê, nó đút lót và hăm doạ công chức nước ngoài để thực hiện các nhiệm vụ
ghê tởm nhất của nó. Nó làm bất kể cái gì cần thiết để đạt được mục đích của
mình, không kể gì tới việc đạo lý bị dẫm đạp hay hậu quả về đạo đức do những
hành động của nó gây nên. C.I.A là vũ khí hành động mật của chính sách đối
ngoại Mỹ, C.I.A có phương thức hiệu lực nhất đó là việc can thiệp ngầm vào công
việc nội bộ của những nước mà Chính phủ Mỹ muốn kiểm soát hay muốn chi phối.
Hầu hết những hoạt động của C.I.A đã được những chuyện tưởng tượng
"lãng mạn hoá" đi, hoặc được những hình ảnh giả che khuất hay sự dối
trá của những thế lực quyền uy o bế. Những mưu mô của C.I.A được che dấu sau
những kiểu hợp pháp hoá cũ kỹ và ám muội không để cho công chúng và thậm chí cả
Quốc hội biết cơ quan bí mật ấy đang làm gì và tại sao lại có những mưu mô đó.
Những người tôn sùng bệnh sùng bái tình báo bào chữa với những lời khẳng định
rằng: Mục đích của C.I.A nhằm bảo vệ "nền an ninh quốc gia", các hành
động của nó là để đáp ứng yêu cầu phòng thủ quốc gia.
Bệnh sùng bái tình báo kiên quyết quản lý công việc đối ngoại của Chính phủ
Mỹ, không cần đến sự hiểu biết hay sự tham gia của nhân dân. Nó không công nhận
bất cứ một vai trò nào của một cơ quan tra xét hay một toà báo điều tra nghiên
cứu. Những kẻ sùng bái tình báo tin rằng chỉ có họ mới có quyền và nghĩa vụ
quyết định cái gì cần thiết để thoả mãn những nhu cầu quốc gia.
Trong những trường hợp cần thiết, những kẻ mắc bệnh sùng bái tình báo, kể
cả Tổng thống, thường nói dối để che chở C.I.A và giấu giếm trách nhiệm của
chính họ về các hoạt động của nó. Trong lịch sử đã có những bằng chứng về nhận
xét này. Chẳng hạn, chính quyền Ai-xen-hao đã nói dối nhân dân Mỹ về sự dính
líu của C.I.A vào cuộc đảo chính ở Goa-tê-ma-la năm 1959, về sự giúp đỡ của
C.I.A trong cuộc nổi loạn không thành công ở In-đô-nê-xi-a năm 1958 và về vụ
U.2 năm 1960 của Fran-xit Ga-ri Pao-ơ. Còn chính quyền Ken-nơ-đi đã nói dối về
vai trò của C.I.A trong cuộc xâm lược Cu-ba chết yểu năm 1961 và chỉ thú nhận
có dính líu vào vụ đó sau khi hoạt động đã thất bại thảm hại. Chính quyền
Giôn-xơn đã nói dối về phạm vi những cam kết của Chính phủ Mỹ ở Việt Nam, Lào và
tất cả những cam kết của C.I.A muốn lèo lái cuộc bầu cử ở Chi-lê trong năm
1970. Đối với những tên mắc bệnh sùng bái tình báo thì tính đạo đức giả và nói
dối cũng như tính giữ bí mật đã trở thành kỹ thuật chuẩn bị để ngăn cản sự hiểu
biết của công chúng về những hoạt động mật của C.I.A và để lẩn tránh trách
nhiệm trước Chính phủ khi phải giải thích về những hoạt động đó. Những người
đòi mình phải được nhìn nhận là đáng tôn trọng, yêu nước thực sự đó lại còn quả
quyết là Chính phủ có quyền nói dối nhân dân khi bị bắt quả tang là đang bịp
bợm.
Người ta đã biện hộ cho con cái gọi là "quyền nói dối" đó như
sau: Các hoạt động ngầm cần thiết phải được giữ bí mật để bảo vệ các chính sách
và hành động của Mỹ khỏi bị "kẻ thù" để ý. Khi nào mà phe đối lập
không chú ý đến những hoạt động của C.I.A thì lúc ấy phe đó mới không phản ứng
lại và C.I.A chắc có thể may mắn thành công. Mặc dù vậy, trong nhiều trường hợp
phe đối lập biết đích xác điều mà trong công tác mật đang nhằm chống họ và họ
đã chống lại khi có điều kiện. Chẳng hạn, Liên Xô đã biết rất rõ những chuyến
bay do thám của U.2 và sau đó là những chuyến bay do thám của các vệ tinh chụp
ảnh. Khi tiến hành những hoạt động có tầm vóc như thế, hầu như C.I.A bất lực
trong việc giữ bí mật trước phe đối phương. Phe đối lập cũng vậy, họ cũng dùng
một cơ quan tình báo chuyên nghiệp để moi móc tin tức của C.I.A. Thực tế là từ
1952-1964, vào lúc cao điểm của chiến tranh, cơ quan tình báo Liên Xô K.G.B đã
bắt và dịch được các bức điện mật nhất của Sứ quán Mỹ ở Mat-xcơ-va. Nhưng, việc
xâm phạm vào bí mật này có vẻ ít gây tai hại cho nền an ninh quốc gia Mỹ. Hơn
nữa, cũng chẳng phải tay vừa, trong nhiều năm C.I.A đã bí mật nghe được những
cuộc nói chuyện riêng của các lãnh tụ Xô viết khi họ nói qua máy bộ đàm trong
xe hơi của họ. Cả hai đều biết quá rõ chuyện này nên việc để lọt tin không có
tác dụng gì cả. Thực tế là trên đất nước Mỹ, sự giữ bí mật và dối trá trong
những hoạt động tình báo nhằm nhiều vào việc che dấu Quốc hội và công chúng
không biết được Chính phủ mình đang làm gì, cũng như nhằm che giấu những hoạt
động ấy khỏi mắt phe đối lập. C.I.A làm như thế để được tự do hành động và trốn
tránh trách nhiệm phải giải thích.
Một phần lớn thế lực của C.I.A tuỳ thuộc vào mức độ khôn khéo của nó trong
việc thần thánh hoá và tô son vẽ phấn cho những chiến công của nghề mật vụ.
Thậm chí đôi lúc việc này còn kéo theo cả việc cổ vũ sự cảm thông những sai lầm
của C.I.A của một số quần chúng yếu bóng vía. Dù với phương pháp gì đi nữa thì
sự lừa bịp của nghề tình báo không làm cho người ta khâm phục nó như là một thứ
nghề bí hiểm, trừ khi có thể hoàn thành công việc vừa lớn vừa khó khăn một cách
thần diệu. Chẳng khác là bao so với phần lớn những chuyện hoang đường, những
mưu mô thành công của C.I.A trong những năm qua đều là "tưởng tượng"
hơn là có thực. Tuy nhiên, ngay cả những thành công thực tế của C.I.A, đôi khi
cũng bị quần chúng, thậm chí cả những kẻ sùng bái tình báo coi là "tưởng
tượng" vì họ luôn nghĩ rằng những gì mà C.I.A nói đều là "không thể
tin được"!
C.I.A có sứ mệnh ban đầu là sắp xếp, phối hợp các kế hoạch thu lượm tin
tình báo của các bộ trong Chính phủ và các cơ quan tình báo, rồi làm báo cáo và
phiếu nghiên cứu mà các nhà lãnh đạo quốc gia đòi hỏi để chỉ đạo các công việc
đối ngoại của nước Mỹ.
Đây là quan điểm của Tổng thống Tru-man khi ông thông qua đạo luật cho
thành lập C.I.A bằng cách thông qua đạo luật An ninh quốc gia 1947. Tuy nhiên,
có một số người lại không có chung quan điểm với Tổng thống Tru-man. Tướng
Uy-li-am Đô-nô-van, A-len Đa-lét và những tay kỳ cựu của Cục công tác chiến
lược (O.S.S) trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai-một số tổ chức hầu như
không được chỉnh đốn, vừa lãng mạn, vừa liều lĩnh, rất phù hợp với những ước mơ
cháy bỏng nhất của người làm công tác mật - là những người có tư tưởng bất đồng.
Họ cho rằng, cơ quan công tác sẽ lập ấy như là một công cụ bí mật để
Oa-sinh-tơn đạt được những mục đích đối ngoại mà công tác ngoại giao không thể
đạt được. Họ tin vai trò lãnh tụ thế giới đã từ người Anh chuyển qua cho người
Mỹ và cơ quan bí mật của chính họ phải tiếp tục việc của người Anh bỏ dở. Do đó
họ đã vận động Quốc hội để được quyền quản lý những hoạt động mật.
Tru-man có hy vọng rằng cơ quan tình báo bí mật mà mình gắng hết sức để lập
ra sẽ là một tổ chức làm nổi bật lên việc tổng hợp và phân tích tin tình báo
hơn là đi mạnh vào những hành động mật. Điều này, đối với nước Mỹ là đáng khen.
Tuy vậy, ngược lại khi ông nghĩ mình có thể kiểm soát được những người chủ
trương hành động ngầm thì đó lại là một sự tính toán sai lầm. Trong một bầu không
khí căng thẳng của cuộc chiến tranh lạnh Quốc hội đã để cho những nhà tình báo
chuyên nghiệp thuyết phục được mình. Thông qua đạo luật An ninh Quốc gia năm
1947, Quốc hội cho cơ quan C.I.A mới thành lập này được đặc miễn bị gọi ra kiểm
tra bình thường trước Quốc hội, và hai năm sau, đạo luật về các cơ quan tình
báo (Central Intelligence Agency) năm 1949 lại mở rộng thêm những khoản miễn
nữa. Điều khoản cho phép C.I.A "thực hiện những chức năng và nhiệm vụ khác
có liên quan đến tình báo ... mà Hội đồng An ninh quốc gia thỉnh thoảng có thể
chỉ đạo" được ghi trong luật 1947 đã để lại hậu quả lớn nhất và xa nhất.
Từ ít lời vô thưởng vô phạt ấy, trong rất nhiều năm, C.I.A đã có thể phát triển
một bản hiến chương bí mật dựa trên các chỉ thị của Hội đồng An ninh quốc gia
và những lệnh hành chính của Tổng thống. Tuy nhiên, đó là một bản hiến chương
hầu như hoàn toàn khác với ý định rõ ràng của đạo luật đã lập ra cơ quan ấy.
Đoạn câu mơ hồ vừa được trích dẫn ở trên đã khiến cho C.I.A hoàn toàn tự tin
khi tiến hành các hoạt động ngầm, đã cho nó quyền bí mật can thiệp vào công
việc nội bộ của các nước khác. C.I.A đã làm như vậy cùng với sự tán thành của
Nhà Trắng, tuy nhiên, gần như không bao giờ công chúng Mỹ được biết.
Khi mà quần chúng mù tịt về các hoạt động của C.I.A thì tất nhiên, những
thất bại thảm hại của nó cũng chẳng bao giờ được nói toạc ra trước công chúng.
Trong lĩnh vực tình báo cổ điển, Cục Mật vụ của C.I.A đã đặc biệt không thành
công trong những vụ xâm nhập, dò xét các mục tiêu chủ yếu. Chẳng hạn như vụ
đường hầm Bec-lin giữa năm 1960 được người ta tuyên truyền ầm ĩ. Trong khi đó
đây chỉ là một vụ nghe trộm điện thoại. Kết quả của vụ này là thu được cả tấn
thông tin nhưng hầu hết chỉ là những tin tầm thường và những lời đồn nhảm,
không cung cấp được điều gì mang tính mật cấp cao cho những nhà nghiên cứu tin
tình báo có thể dùng được. Giá trị thật của vụ này chỉ là gây lúng túng cho cơ
quan K.G.B của Liên Xô và khuyếch trương danh tiếng cho C.I.A. Đối với những
hành động chống Trung Quốc, mỗi thời kỳ từ khi thành lập đến trước năm 1970 hầu
như không có thành công nào. Chỉ dùng có vụ Pen-cốp-xi đầu năm 1960, hoạt động
gián điệp duy nhất chống Liên Xô mà C.I.A có thể tự hào. Nhưng đây chỉ là một
điều may mắn bất ngờ mà tình báo Anh đã giúp cho C.I.A làm được.
Mặc dù vậy, cũng may cho Mỹ là những nhà chuyên môn kỹ thuật cùng làm việc
với chuyên viên Lầu Năm Góc trong những lĩnh vực riêng, qua nhiều năm đã phát
triển rộng rãi một loạt những hệ thống điện tử để thu được nhiều tin có ích về
Liên Xô và Trung Quốc. Từ những hệ thống máy thu tin, cộng thêm những tư liệu
tập hợp qua đường ngoại giao và những nguồn công khai (báo chí, bản tin...) các
nhà nghiên cứu trong C.I.A và ở các cơ quan tình báo khác trong Cộng đồng Tình
báo Mỹ đã có thể theo kịp sự phát triển của tình báo các cường quốc Cộng sản.
Cục Mật vụ của C.I.A đã thành công trong địa hạt phản gián hơn là địa hạt
gián điệp cổ điển (lấy điệp viên để đi khai thác thông tin tình báo). Tuy vậy,
trong lĩnh vực phản gián thì những thắng lợi có được phần lớn là do những tên
bỏ ngũ đã cung cấp những tin gì mà chúng nắm được chứ không phải là do điệp
viên và ngay cả những thành công hạn chế ấy cũng phải loại trừ đi những tin sai
lạc do những "mưu mẹo" đưa cho-tức là những gián điệp đôi do phe đối
lập phái đi hoặc "đưa ra" để chạy sang với C.I.A và làm cho nó bớt
rối.
Mặc dù đã có nhiều thành công lớn trên những địa hạt mà C.I.A ráng sức hoạt
động ngầm nhưng sai lầm và thất bại của nó đôi khi gây nhiều lúng túng cho nước
Mỹ. Chẳng hạn, C.I.A đã thành công trong việc ngăn chặn sự lan tràn của chủ
nghĩa Cộng sản ở Tây Âu. Tuy nhiên người ta vẫn còn thắc mắc một điều rằng,
C.I.A có khôn ngoan hơn không nếu nó không can thiệp vào Goa-tê-ma-la, Cu-ba
hay Chi-lê, không đóng vai trò bí mật ở I-ran hoặc ở những nơi khác ở Trung
Đông, không mắc sâu vào công việc ở Đông Nam Á, đặc biệt là Đông Dương. Nhưng
C.I.A đã can thiệp và nước Mỹ sẽ còn phải chịu đựng những hậu quả của những
hành động ấy.
Đôi khi, những công tác mật đem lại kết quả ngược với sự mong muốn, làm cho
quần chúng phải chú ý. Chẳng hạn, U.2 bị bắn rơi, cuộc xâm lăng vào Vịnh Con
Lợn của Cu-ba bị thất bại. Trong những trường hợp ấy, những cuộc điều tra của
các nhà báo và những thành viên cứng cỏi của Quốc hội đã cho công chúng phần
nào hiểu được những gì mà C.I.A đã thực sự làm. Ví dụ, cuộc điều tra về vụ
Oa-tơ-ghết xấu xa đã phát giác một số hành động bí mật của C.I.A bên trong nước
Mỹ, cho thấy rõ một cách đáng sợ về những thủ đoạn mà C.I.A đã dùng nhiều năm ở
nước ngoài. Sự giúp đỡ của C.I.A đối với những tên "nghe trộm" của
Nhà Trắng và những cố gắng đưa C.I.A vào việc che đậy vụ ấy lại càng chỉ rõ
những mối nguy hiểm đặt ra cho nền dân chủ Mỹ do một cơ quan tình báo bí mật
không được kiểm soát một cách thoả đáng gây nên.
Đối với một Chính phủ thì việc thu thập tin tình báo là một chức năng cần
thiết. Bởi lẽ, nó có đóng góp quan trọng cho nền an ninh quốc gia và nó là vấn
đề sống còn đối với việc chỉ đạo công tác đối ngoại. Nước Mỹ không thể thương
lượng một cách tự tin và cũng sẽ không tôn trọng hiệp ước hạn chế vũ khí chiến
lược, hay thực hiện một biện pháp làm bớt căng thẳng thực sự nào đối với những
nước kình địch của mình trên thế giới... nếu không chuẩn bị một kế hoạch có
hiệu quả để thu lượm tin tình báo và để phân tích khả năng, ý đồ có thể có của
những nước đó. Như vậy, lợi ích của tình báo là rất rõ ràng, nhưng điều khiến
cho người ta phản ứng là những hoạt động không hợp pháp và phi đạo đức được
thực hiện dưới danh nghĩa tình báo và nhằm mục đích không minh bạch của C.I.A
lại thường được Chính phủ Mỹ o bế, thậm chí trực tiếp đề ra những kế hoạch đó.
Một vấn đề đơn giản có thể tranh cãi ngay được là về mục đích hoạt động của
C.I.A có nên hoạt động theo con đường mà ngay từ đầu người ta đã có ý định cho
nó hoạt động? Tức là một cơ quan tình báo phải phối hợp chịu trách nhiệm thu
thập, đánh giá và chuẩn bị những tin tình báo nước ngoài có ích cho những người
vạch chính sách của Chính phủ. Về mặt danh nghĩa thì là như vậy, nhưng trên
thực tế, nó lại là một vũ khí để hoạt động, một công cụ bí mật của Tổng thống và
một nhóm người có thế lực, hoàn toàn vô trách nhiệm đối với công chúng. Nó chỉ
có một mục đích chính là can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác bằng cách
đưa các điệp viên xâm nhập, tuyên truyền, can thiệp bí mật bằng thủ đoạn bán
quân sự.
*.
GIÁP KIỀU HƯNG
.
…………………………………………………………………………
- © Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng giữ bản quyền.
- Cập nhật theo bản lưu trữ tại Công ty T.N.H.H Văn Hóa Bảo Thắng.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét