QUAN ĐIỂM CỦA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU VỀ ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI VÀ TẠP TÍNH LUYẾN ÁI - Tác giả: Nguyễn Thị Lan Anh (Hải Dương)

Leave a Comment

QUAN ĐIỂM CỦA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU

VỀ ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI

VÀ TẠP TÍNH LUYẾN ÁI

*

(Tác giả Nguyễn Thị Lan Anh)

Frend là người khoan dung nhất và sáng suốt nhất trong những nhà lý luận về đồng tính luyến ái. Ông công nhận rằng mọi người "đều" có thể lấy những người cùng giới mình cũng như những người khác làm đối tượng tình dục. Suốt theo chiều dài các tác phẩm của mình ông bảo vệ khía cạnh tự nhiên, và không phải bệnh lý của đồng tính luyến ái chống lại những nhà giới tính học giữa quan điểm có một "giới thứ ba" hay "giới trung gian". Tuy nhiên ông cũng chống lại những người thuộc phe mình - những nhà phân tâm học.

Frend còn khẳng định rằng tạp tính luyến ái cũng có vấn đề không ít hơn là đồng tính luyến ái. Trong cuốn "Một kỷ niệm thời thơ ấu của đéoner de Vinci", ông không những khẳng định người ta tất cả đều có khả năng chọn lựa đồng tính luyến ái, mà ông còn khẳng định rằng tất cả mọi người "đã làm gì đó ở một thời điểm nhất định trong cuộc đời mình, rồi sau đó, hoặc còn gắn bó với nó trong vô thức, hoặc bảo vệ nó bằng một thái độ ngược lại mãnh liệt".

Frend luôn luôn thận trọng khi đề cập về những nguyên nhân của đồng tính luyến ái. Ông công nhận rằng mình không đi tới chỗ tìm được cách lý giải vấn đề đảo nghịch giới. Trong cuốn Ba tiểu luận, ông nói tới sự ưu trội của những yếu tố thiên hướng cổ xưa và của những cơ chế nguyên thuỷ, việc chọn lựa đối tượng si mê và tầm quan trọng dục tính còn được bảo lưu ở vùng hậu môn, cũng như một sự cố định hoá dục tính quá mạnh vào bà mẹ. Tuy nhiên, tất cả những nhân tố ấy cũng không đủ để phân biệt rõ ràng giữa đồng tính và tạp tính.

Vấn đề đồng tính luyến ái đối với Frend có tầm quan trọng lớn, đến nỗi ông đã đứng về phe ủng hộ một sự cực kỳ khoan dung, điều này xảy ra nhiều lần trong cuộc đời ông. Lấy ví dụ năm 1903, ông đã nhận một cuộc phỏng vấn trong tờ báo Die Zeit thành viên để bảo vệ người đàn ông bị khởi tố vì đã thực hành đồng tính luyến ái. Đến năm 1930, Frend ký vào bản kiến nghị xin xét lại luật hình sự và huỷ bỏ điều phạm tội đồng tính luyến ái giữa hai người thành viên đồng thuận với nhau. Quan điểm này của ông đối địch với E. Jones - ông này từ chối quy chế nhà phân tâm học cho một người đồng tính luyến ái. Nhưng Frend vẫn kiên trì và từ chối phân tâm học cho người đồng tính luyến ái, trừ khi họ là những người mắc bệnh rối tâm thần. Đối với ông kẻ đồng tính luyến ái là những người khoẻ mạnh bình thường.

Con người ngay từ khi mới lọt lòng mẹ đã có tính dục, không đợi đến tuổi dậy thì như lâu nay vẫn tưởng. Tuy nhiên qua từng giai đoạn, dục vọng của một đứa trẻ cho đến một thanh niên tập trung vào các bộ phận khác nhau. Và Frend cho rằng bản năng của người gồm hai mặt: Một là tính dục, bản năng của sự sống và xuất hiện từ khi con người mới ra đời cho đến khi chết, nó dẫn đến những hành vi giúp cho cá nhân hay chủng loại tồn tại, một bên là hung tính có tính phá hoại mà sau này Frend gọi là lực chết (fulsion de monrt) tức dẫn đến phá hoại bản thân, nó đối lập với tình dục (Pibilo).

Lá thư của Frend gửi cho một bà mẹ người Mỹ - khi bà này có những trăn trở về cậu con trai của mình, rất cảm động. Frend đã viết: "Theo thư của bà, tôi nghĩ rằng mình đã hiểu rằng con trai của bà là người đồng tính luyến ái. Tôi đã bị ấn tượng, vì sự kiện bản thân bà đã không nhắc đến từ ngữ này khi bà cho tôi những thông tin về cậu ấy. Liệu tôi có thể hỏi tại sao bà lại tránh dùng từ ấy?.

Đồng tính luyến ái rõ ràng không phải là một điều lợi, nhưng ở đó chẳng có gì ta phải xấu hổ cả, đó chẳng phải là một tật xấu, cũng không phải điều làm mất phẩm giá, và ta cũng không thể gọi nó là một tật bệnh; chúng ta coi nó như một biến đổi chức năng tình dục, nó bị gây nên do một sự ngừng phát triển tình dục nào đó".

Học thuyết của Frend với phân tâm học được nêu ra từ năm 1896 đến nay đã hơn 100 năm, thế nhưng đối với tất cả các nhà tâm lý trên thế giới nó vẫn luôn gây ra những tranh cãi gay gắt, thậm chí hiện nay cũng vậy. Đã có một thời đối với các nhà tâm lý học Xã Hội Chủ Nghĩa (các nước Cộng Sản) hầu như không công nhận nó và cho rằng đây là một học thuyết phản động, những khái niệm của Frend đưa ra mang tính duy tâm, chủ quan tuỳ tiện. Những lời phê bình này hình như có vẻ quá cực đoan, duy ý chí. Bởi vì ngày nay mọi người đều phải thừa nhận rằng, dù nói gì đi chăng nữa, và tuy không chấp nhận toàn bộ học thuyết nhưng vẫn phải vận dụng một số khái niệm cơ bản do Frend đưa ra để chữa các tâm bệnh, hoặc tìm hiểu con người nói chung. Và mặc nhiên tất cả đều phải công nhận rằng Sigmund Frend là một nhà tư tưởng lớn của thời đại, của thế kỷ 20. Vì vậy hiện nay không còn thái độ phản bác kỳ thị gay gắt với các quan điểm của ông như trước kia nữa.

Bản tường trình Kinsey sau thế chiến II đã đem tới một đóng góp chủ yếu cho luận thuyết về lưỡng dục tính "bise nalite" của con người. Đây là bản tường trình nổi tiếng được xuất bản năm 1948 đã rọi sáng với dãyliên tục tạp tính đến đồng tính luyến ái. Kinsey và những người cộng tác đã chứng minh rằng, khuynh hướng đồng tính và tạp tính luyến ái đã tồn tại ở đa số con người. Tỷ lệ tương ứng của chúng biến thiên từ khuynh hướng tạp tính luyến ái chuyên nhất (mà kinsey gọi là độ số 0 trong thang bậc) cho đến khuynh hướng đồng tính luyến ái chuyên nhất (độ số 6 trong thang bậc). Mỗi độ trung gian tương ứng với tỷ lệ hoặc nhiều hoặc ít mạnh mẽ về khuynh hướng đồng tính hay tạp tính luyến ái. Theo điều của Kinsey trên 16.000 người Mỹ đã chứng tỏ rằng chỉ có 4% cư dân nam là đồng tính luyến ái chuyên nhất từ khi dậy thì, 37% đàn ông (và 19% phụ nữ) công nhận đã có ít nhất một kinh nghiệm đồng tính luyến ái dẫn đến cực khoái giữa tuổi dậy thì và tuổi trưởng thành. Hơn nữa 30% đã có ít nhất một kinh nghiệm đồng tính luyến ái ngẫu nhiên giữa 16 và 55 tuổi.

Chính bản tường trình mới của Kinsey xuất bản từ những điều tra tiến hành những năm 1969 - 1970, đã củng cố những kết quả của bản tường trình 1948 bằng cách nhấn mạnh nhất về tính đa dạng của những người đồng tính luyến ái. Từ đây Alan Bell đã làm một hiệu chính quan trọng: "Về cung cách những người đồng tính luyến ái trưởng thành tự xếp loại trong thời kỳ thanh niên" gần một phần ba cho là mình chủ yếu là tạp tính trong ứng xử tình dục, và 25% là tạp tính trong tình cảm. 40% đàn ông đã thay đổi tình cảm và ứng xử trong thời kỳ thanh niên... Trong tuổi thanh niên, gần 2/3 những người đồng tính luyến ái nam và nữ đều cảm thấy những kích thích tình dục tạp tính luyến ái. Nghiên cứu đời sống tình dục con người theo chiều dọc cho phép hiểu những con sóng tiến và thoái của kinh nghiệm đồng tính luyến ái và tạp tính luyến ái, và đặt lại vấn đề công luận, theo đó người ta hoặc là đồng tính, hoặc là tạp tính luyến ái".

Những cuộc điều tra gần đây nhất của Shere Hite càng khẳng định thêm các công trình đi trước: "Nói chung những người đàn ông cho là quan trọng với sự việc phải đứng cách xa về mặt thể xác đối với những người đàn ông khác, người ta có thể ngạc nhiên khi nhận thấy rằng rất nhiều chàng trai những người "tạp tính luyến ái" tương lai, phần lớn lại có những quan hệ tình dục, dưới hình thức này hay hình thức khác với một cậu con trai: Không có mối tương liền giữa sự kiện một cậu con trai có hoặc không có một kinh nghiệm tình dục với những cậu con trai khác, và sự kiện cậu tự coi mình là "đồng tính luyến ái" hay "tạp tính luyến ái" trong cuộc sống này. Nhiều người "đồng tính luyến ái" không bao giờ có những quan hệ với các cậu trai khác trong thời tuổi trẻ, và nhiều người "tạp tính luyến ái" lại có những quan hệ ấy" - trích trong "Bản tường trình Hile về đàn ông" của Shere Hite.

Đến nay liệu có thể kết luận như một số người đã làm rằng: Mỗi người chúng ta đều là đồng tính và cả tạp tính luyến ái, rằng sẽ không tốt khi nói những người đồng tính luyến ái như một thiểu số dục tính, và rằng chẳng còn lý do gì nữa để nói rằng tất cả mọi người đều tạp tính luyến ái, cũng như khẳng định rằng tất cả mọi người đều đồng tính luyến ái.

- Robert Stoller và Richard Friedman phản đối ý tưởng về một đồng tính luyến ái có tính phổ quát. Theo Stoller đồng tính luyến ái không phải một bệnh mà do một thứ ưu ái giới (thích giới này hơn giới kia). Và không phải là một tập hợp những dấu hiệu và những triệu chứng đều đặn những tính chất đồng dục chỉ thuộc về những người đồng tính luyến ái, họ khác biệt những người khác, và như vậy họp thành một thiểu số. Trong con mắt của Stoller, những người này chẳng có gì bệnh hoạn hơn những thiểu số khác (người Do Thái, da đen Mỹ...), nhưng sẽ không chính xác nếu để lẫn họ với những người tạp tính luyến ái.

Đây cũng là ý kiến của Friedman, ông này có ý định chứng tỏ rằng "phần đông những người đàn ông tạp tính luyến ái không sẵn sàng có thiên hướng đồng tính luyến ái vô thức. Và đảo ngược lại phần đông những đàn ông đồng tính luyến ái chuyên nhất cũng không sẵn sàng có thiên hướng tạp tính luyến ái vô thức... Chỉ có một thiểu số đàn ông lưỡng dục tính của họ, hoặc những ảo ảnh tạp tính luyến ái của họ".

Có thể thấy nếu đồng tính luyến ái là một tính chất riêng của một số người này và không phải của một số người khác, vậy tính chuyên biệt này từ đâu mà ra? Có ba giả thiết đã được nghiên cứu: Bất bình thường về nội tiết tố, bất bình thường về gien, hay những yếu tố tâm lý.

Chính mối liên quan giữa đồng tính luyến ái nam và số lượng testosteron đã được người ta tìm cách chứng minh trong vòng năm mươi năm. Nhưng vô ích, người ta đã thử tiêm những hoóc môn giới tính cho những người đồng tính luyến ái nam với hy vọng kích thích sự thèm khát của họ đối với đàn bà, kết quả thu được từ thí nghiệm này lại trái ngược hoàn toàn: Càng kích thích sự thèm khát của họ đối với đàn ông. Hơn nữa, phần lớn những nghiên cứu về hoóc môn chứng tỏ rằng tuyệt đại đa số những người đồng tính luyến ái cũng cùng có số lượng testostêron như những người tạp tính luyến ái.

Ngày nay, phần lớn các nhà nghiên cứu nghiêng về giải thuyết nội tiết có ảnh hưởng tới thời kỳ trước khi sinh đối với khuynh hướng nội tiết tố về ứng xử. Điều này xảy ra trong đời sống bào thai vào lúc những nội tiết tố giới tính đã giới tính hoá" hệ thần kinh ở mọi thang bậc. Tuy nhiên cũng khó đi sang bên kia giai đoạn giả thiết ở con người, bởi vì người ta không thể tiến hành tiêm những liều lượng mọi tiết tố một cách hệ thống cho mọi bào thai. Những công trình của Doruer trên loài chuột đã chứng minh rằng, nếu những con chuột đực được nhất thời đặt trong tình trạng thiếu chất androgène trong thời kỳ quyết định trước khi sinh lúc phân hoá não bộ, thì lúc trưởng thành lũ chuột đực sẽ biểu lộ những ứng xử rõ ràng nữ tính. Từ đó ông đi đến kết luận rằng một sự liều lượng hoá chất androgène trước lúc sinh không đầy đủ đối với hệ thần kinh trung ương sẽ dẫn đến sự phân hoá não bộ mang tính nữ một phần, tức là dẫn đến đồng tính luyến ái nam. Còn nếu quá nhiều chất androgène ở cùng giai đoạn ấy sẽ là nguồn gốc đồng tính luyến ái nữ. Điểm sau hình như được xác nhận do quan sát những phụ nữ bị điều trị vào trong tử cung quá nhiều chất androgène.

Có một nhà nghiên cứu sau khi quan sát một vài người đồng tính luyến ái đã khẳng định rằng ông tìm thấy một sự bất bình thường về gien ở vài người trong số họ. Nhưng ít lâu sau, người ta cho rằng thí nghiệm đã không thể có kết luận gì về chuyện này.

Năm 1963 Kallman đã tiến hành những nghiên cứu trên những đứa trẻ sinh đôi đơn hợp tử và song hợp tử. Ông nhận thấy rằng, trong mọi trường hợp trẻ sinh đôi đơn hợp tử, khi một đứa đồng tính luyến ái thì đứa kia cũng thế. Điều này không thấy ở trẻ sinh đôi song hợp tử. Từ khi có công trình của Kallman, người ta đã chứng minh có một số trường hợp những đứa trẻ sinh đôi đơn hợp tử có khuynh hướng tình dục khác nhau.

Trường hợp những "sissy boys" - cậu con trai bị nữ hoá từ thưở ấu thơ, trường hợp này có lợi cho luận thuyết bản chất. Đã có rất nhiều nhà nghiên cứu về vấn đề này và đều có chung những quan điểm về "sissy boys". Chú bé "sissy boys" là một cậu bé có một ứng xử qúa ư nữ tính từ thời kỳ hai ba tuổi: Điệu bộ đi đứng, cử chỉ giọng nói, tất cả biếm hoạ một thứ làm điệu nữ. Cậu tỏ ra quan tâm đặc biệt tới quần áo nữ (nhất là quần áo của mẹ), cậu nói tới chúng và mặc chúng với sự thích thú. Cậu cẩn thận tránh những trò chơi tàn nhẫn của con trai và thích những trò chơi và đồ chơi của con gái cũng như thích chơi với con gái. Phần lớn những đứa trẻ này khi trưởng thành đều trở nên những người đàn ông phi loại hình: Chuyển đổi giới tính, mắc tật giả trang hay đồng tính luyến ái. Như vậy có thể thấy trường hợp các "sissy boys" bị nữ hoá quá sớm mà khuynh hướng không thể thanh toán được làm ta nghĩ rằng có những yếu tố "cấu thành" đối với loại hình đồng tính luyến ái này. Bởi vì xã hội chúng ta không đưa ra một mô hình nào về người đàn ông yêu người đàn ông. Nhưng cần phải cẩn thận phân biệt những hành động đồng tính luyến ái với khuynh hướng đồng tính luyến ái. Ở đây cũng vậy, cần phải thận trọng bởi vì một thanh niên có thể có những ảo ảnh đồng tính luyến ái và lại trở nên một người trưởng thành tạp tính luyến ái...

Cuối năm 1960 cùng với việc đặt lại vấn đề của phong trào nữ quyền đối với nhân dạng và vai trò giới tính, một số người đồng tính luyến ái đã bước ra khỏi sự im lặng cưỡng bức để chấm dứt một sự âm thầm bí mật đau đớn như mang tính bệnh lý. Họ bắt đầu thay đổi cách gọi "đồng tính luyến ái" - có một nghĩa kèm có tính y học gắn với sự đồi bại, thành từ "Gay" (gay: tiếng lóng chỉ đồng tính luyến ái). Từ này được coi là trung tính hơn, nó chỉ một nền văn hoá chuyên biệt và tích cực. Đó là sự ra đời của phong trào Gay, nó chứng minh rằng tạp tính luyến ái không phải là hình thức tình dục độc nhất bình thường. “Bằng cách không thừa nhận tạp tính luyến ái coi như quy chuẩn tâm lý và xã hội, những chàng Gay đã cáo giác một số khía cạnh của những thể chế nam và đặc quyền nam” - trích trong “Đàn ông yêu đàn ông: Sự thách đố của phong trào giải phóng Gay” của Gary Kinsman. Từ đó, những nghiên cứu Gay đã đóng góp nhiều cho sự suy tư nữ quyền.

Trong khoảng một thập kỷ (1970 - 1980), đã có nhiều nơi trên thế giới xuất hiện một phong cách sống, một biểu hiện chính trị và những đòi hỏi quyền được hợp pháp. Như ở Hoa Kỳ, con người tự định nghĩa mình bằng sự quy chiếu vào chủng tộc và tôn giáo, vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi những người đồng tính luyến ái đi tới chỗ tự coi mình như một nhóm chủng tộc khác và đòi hỏi được công nhận trên cơ sở tương tự này. Đòi hỏi này của họ đã nhen nhóm trở lại cuộc tranh cãi về nhân dạng đồng tính luyến ái. Điều này đã tạo ra sự khai trừ mà họ đã mong muốn biết bao được thoát khỏi.

Phải nói rõ rằng sự công nhận quy chế thiểu số cho người đồng tính luyến ái có những cái lợi và những điều bất lợi. Trong những điều lợi, đó là phát triển được tình cảm tự tin vào bản thân và tình cảm chấp nhận, nó có ích cho những người muốn tự công nhận mình như nó vốn thế. Còn trong những điều bất lợi khi nhấn mạnh vào ý tưởng thiểu số, sẽ trở nên khó khăn để nhìn nhận rằng đồng tính luyến ái, dù rõ ràng hay là bị ức chế, vẫn là một khía cạnh trong giới tính của tình con người. Ngoài ra còn một bất lợi khác là những người đồng tính luyến ái càng "dễ nhìn thấy" và đấu tranh đòi hỏi thì người ta, càng thấy xuất hiện những hình thức thù địch mới chống lại họ. Điều này lại phủ định cách lập luận do chủ nghĩa - họ nghĩ rằng, càng làm cho mọi người biết mình hơn thì họ càng được chấp nhận hơn.

Thực ra, nếu một bộ phận những người đồng tính luyến ái thay đổi nhiều trong khoảng một thập kỷ, thì xã hội tạp tính luyến ái lại không tiến triển như vậy, nó vẫn bảo lưu nhiều thành kiến và những ảo ảnh tiêu cực.

Năm 1980 đánh dấu sự xuất hiện của phong trào Đạo đức đa số. Phong trào này chống nữ quyền, chống đồng tính luyến ái và chống phá thai. Nó đề cao sự trở về những giá trị truyền thống, từ đây đòi hỏi những người đồng tính luyến ái phải thay đổi lý thuyết và chiến thuật của họ.

Một số nhà nghiên cứu ý thức rằng, đồng tính luyến ái là một khái niệm rất rộng hơn là khái niệm nhân dạng giới. Vì vậy họ đưa ra "Nghiên cứu Gay" để chứng minh rằng những người đồng tính luyến ái là con người như những người khác. Ngay cả nếu đồng tính luyến ái là một sự từ chối vai trò giới truyền thống thì tình dục cũng không quyết định được giống. Từ nay, những ai nghĩ tới từ đồng tính luyến ái thì cần rất cẩn thận để vứt bỏ mọi thứ đồng hoá giữa từ "nhân dạng" và từ "khuynh hướng" giới. Để phân biệt hành vi và điều kiện đồng tính luyến ái, một số người đề nghị không nên sử dụng từ "đồng tính luyến ái" như một danh từ nữa mà chỉ dùng như một tính từ. Rồi còn nhiều người khác cũng đề nghị bỏ cái nhãn hiệu "gay" vì từ này cụ thể hoá tính dục và còn được dùng làm như thứ thể nhân dạng.

Với Feffrey Weeks, ông không ngừng nhắc lại sự đa dạng của đồng tính luyến ái, và từ chối làm tù nhân của một giải pháp cực đoan. Ông chấp nhận có sự khác biệt giữa những người đồng tính và tạp tính luyến ái. Chống lại những người theo bản chất luận, ông cho rằng những khác biệt thực sự này không nhất thiết sinh ra những quyền và những nhân dạng đối địch nhau. Theo ông quan niệm đồng tính luyến ái là một phong cách học, Feffrey Weeks suy nghĩ nhân dạng theo quan hệ chọn lựa và chiến đấu: "cuối cùng nhân dạng có lẽ chẳng là cái gì khác ngoài lối chơi một chiến thuật để có thể hưởng thụ một kiểu loại nào đó về quan hệ và về thú vui.

Cuối cùng, phong trào đồng tính luyến ái và hệ tư tưởng đi kèm với nó cũng có sự tiến triển. Có thể thấy sau một thời kỳ đòi hỏi ồn ào về quyền được khác biệt, những người đồng tính luyến ái chuyển sang đòi hỏi quyền không khác biệt. Họ mong muốn, người ta nhìn họ như những con người và những công dân như những người khác, không có sự thiệt thòi cũng như không có sự ưu đãi đặc biệt. Tuy nhiên, bi kịch của thiểu số đồng tính luyến ái phụ thuộc vào cái nhìn mà đa số tạp tính luyến ái chiếu vào họ. Điều này có thể hiểu là những người đồng tính luyến ái được dùng như thứ vật kê đệm tâm lý để làm nổi bật những tạp tính luyến ái hay còn gọi là tù nhân của ý thức hệ phụ quyền. Số phận của họ cũng như số phận những người phụ nữ phụ thuộc chặt chẽ vào sự chấm dứt chế độ phụ quyền.

Nếu như cuộc đấu tranh nữ quyền là một cuộc chiến tranh không khoan nhượng chống lại sự ghét nữ với sự tán đồng, hợp thức của toàn xã hội, thì đồng tính luyến ái không có cùng một lực lượng động viên như vậy để chống lại sự ghét đồng tính. Ngoài ra, cũng không có một sự hợp thức giống thế trước cái nhìn của pháo đài cuối cùng của chế độ phụ quyền.

----------------

(Trích từ ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI VÀ NHỮNG HỆ LỤY

 của Nguyễn Thị Lan Anh ; Nhà xuất bản Thanh Hóa - 2008)

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Vài cảm nhận khi xem phim BỐ GIÀ (web drama) của Trấn Thànhl

- Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệtl

- Tản mạn chuyện giới tính của “sao”l

- Tản mạn chuyện nghệ danh của các “sao” Việtl

- Kỷ niệm khó quên thời là lính văn nghệl

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

*.

NGUYỄN THỊ LAN ANH

Địa chỉ: Khu Bình Minh, phường Phạm Ngũ Lão

thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Email: nguyenthilananh80@yahoo.com

 

 

 

 

..............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 18.01.2016.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

.

0 comments:

Đăng nhận xét