ĐỌC LẠI THƠ MÌNH - Tùy bút Chử Văn Long (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: Internet)
ĐỌC LẠI THƠ MÌNH
*
Ngồi chọn lại thơ cho tập sách hơn ba chục năm cầm bút của mình, những năm tháng đã qua bỗng ùa về vây bọc quanh tôi:
Đây là chú bé nhà quê ba tuổi, theo lời mẹ kể đã nghịch lửa làm cháy trụi cả cửa nhà, nếu mẹ không nhẩy vào lửa cứu ra thì thân hình này đã lẫn vào cùng tro bụi…
Đây là cậu học trò tha thẩn khắp nẻo đường quê với bông hoa, cánh bướm bỗng dưng chia tay tuổi thơ của mình để lên thành phố học nghề Cơ điện, mãi không quen với nhịp sống thị thành, để rồi sau khi tốt nghiệp cũng là lúc xa mẹ, xa làng, xa người con gái mình yêu thương biền biệt cả chục năm trời… Bao gương mặt lạ xa dần quen thuộc, bao con người thân thuộc lại phải chia xa…
Đây quãng đời rừng xanh thác đổ mãi còn réo gọi điều chi mỗi khi một mình ngồi nhớ lại dòng thác như tự trời cao dội xuống, mạch suối như từ ruột đá cuộn lên lòng lại cồn cào không yên những câu hỏi vẩn vơ vơ vẩn.
Con người ta sinh ra trên đời để làm gì? Ta lại muốn tan ra để thấm hết mọi vui buồn sự sống.
Vì sao mình cầm bút làm thơ, và thơ để làm gì, thơ cần để cho ai mà mình đã đắm say khổ đau đến thế?
Và đây những dòng thơ khắc hoạ tuổi thơ tôi:
Khi còn là chú bé con cổ quàng khăn đỏ
Hồn đầy ắp những thần tiên cùng với phép mầu…
Ngỡ tương lai đang chờ ngay trước cửa
Mấy bước thôi là tới được tuơng lai
Như thể sau cơn mơ tỉnh dậy
Là tiến lên chủ nghĩa xã hội rồi
Thêm vài bước bước vào đường cộng sản
Đường đã rải sẵn hoa chờ đón tôi kia
Tôi bước ung dung giũa nắm tay bè bạn
Nhìn mặt người nào cũng ngây ngất say mê
Ngây thơ
Những câu thơ đã đánh thức lại trong tôi giấc mơ màu hồng, từng có thật, từng ướp hương đắm say trong trái tim hàng triệu con người, ấm nóng, sáng trong như búp sen hồng mở ra thấy như có tất cả đất trời, sông núi, dọc ngang, tha hồ vỗ cánh. Vì sao cái thời vật chất còn đơn sơ đến vậy, mà hồn ta lại thanh thản lạ kỳ. Tôi bỗng nhận ra giữa những đủ đầy vật chất áo cơm với hạnh phúc trong lành, ấm êm ta từng mơ ước cách nhau một cách xa vời.
Tôi thấy quý yêu cái tư tưởng muốn xây dựng thiên đường trên mặt đất này, xã hội không còn có giai cấp, con người không còn có bóc lột; dù có là không tưởng thì khát vọng ấy chắc còn sống mãi trong hồn nhân loại như một giấc mơ mãi mãi ngọt ngào. Nó gần gũi với ước mong mà thi ca đã kiếm tìm muôn thưở.
Nhưng chính bởi giấc mơ màu hồng đã nhuộm thắm hồn tôi từ thuở ngây thơ ấy khi bước vào đời, con tim luôn phập phồng âu lo. Tôi nhớ lần đi thực tế ở xưởng thuỷ tinh Thanh Đức gần chợ Mơ - Trương Định, Hà Nội, vào một ngày đầu xuân, đó đây vẫn còn thắm sắc hoa đào, không biết vì sao tôi lại viết:
Vào xưởng thuỷ tinh
Gặp toàn chai lọ
Lòng bỗng phập phồng
Điều chi dễ vỡ
Vào xưởng thuỷ tinh
Đầu xuân đến xông đất, xông nhà, nói vậy là có thể bị đuổi ra khỏi cửa. Cái chứng tật trời sinh này đã theo tôi suốt đời không sao đổi được, những năm tháng chiến tranh chống Mỹ có sức cuốn hút giông bão, hút hết được người ta ra khỏi hang hốc cá nhân vị kỷ gian tham. Nhìn các nhà thơ khác thổi được điệu kèn anh hùng ca lảnh lói, hấp dẫn mà thèm. Cố gắng mấy tôi cũng chỉ viết được câu thơ dạng như:
Tôi khao khát những miền xa lạ
Bởi lòng tôi yêu lắm quê hương
Khi đứng dưới bờ tre mái rạ
Lòng bâng khuâng theo hút những con đường
Tôi khao khát những miền xa lạ
Chiến tranh kết thúc hơn hai mươi năm gian khổ máu sương ai chẳng tự an ủi lòng, từ nay hết giặc chỉ còn sống trong hạnh phúc sum họp bình yên. Vậy mà trong tôi, nỗi phấp phỏng lại rung lên:
Sao tim tôi lại gióng còi báo động
Khi từ lâu mặt đất đã báo yên.
Cách nhìn này đã giúp tôi tự hoạ bức chân dung mình khác với cách viết tưởng tượng mơ màng trước đó:
Anh yêu em một tình yêu nhỏ bé
Như bao điều nhỏ bé ở xung quanh
Không mong ước lớn lao, không mơ gì vĩ đại
Ngoài đơn sơ mái ấm nhà tranh.

Nhưng cuộc sống lại vô cùng khắc nghiệt
Ném anh ra giữa dòng thác sôi trào
Khi dừng lại. Nửa phần đã hết.
Nửa phần còn chưa biết sẽ ra sao.

Về gặp lại bạn bè thân thuộc cũ
Người giầu sang, kẻ có chức có quyền
Kẻ lâm cảnh túng nghèo xơ xác
Mình làm thơ như thể một thằng điên
Nếu cứ theo cách cảm này bài thơ sẽ dẫn vào ngõ cụt, không biết nhờ đâu thơ tôi tìm được lối ra:
Nhưng nghĩ lại, lại thấy mình hạnh phúc
Bao người đi vĩnh viễn không về
Anh hiện diện trước em với thân hình lành lặn
Với nụ cười đằm thắm vẫn xưa kia.
Và như thế ta đâu cần gì nữa
Mọi vàng son đâu có nghĩa phút này
Anh lại được ngồi bên em nói những điều
                                         không quan trọng
Lại được cầm nhỏ bé một bàn tay.
Một tình yêu nhỏ bé
Qua cái thời điều gì cũng “quan trọng” cũng “vĩ đại”. Lần đầu tôi ý thức được thứ hạnh phúc nhỏ bé nhưng xiết bao ấm áp vừa thực vừa mộng trong đời. Ý thức ấy trở thành điểm tựa vững chãi cho thơ tôi. Khi nghĩ về người vợ bao năm gồng gánh thay mình ở chốn quê nghèo khó:
Cột thu lôi cao vút lên trời,
Nơi dập sét cuối cùng lại là nơi tiếp đất,
Cũng như cuộc đời anh, trải qua nhiều
                                         đớn đau, thử thách,
Có ai ngờ nơi gánh chịu lại là em!
 Cột thu lôi
Tôi nhìn thấy điều ấu trĩ chung trong xã hội bằng nỗi đau se sắt ở trong mình:
Một thời người ta nói
Trái đất hết buồn
Con người không còn bi kịch nữa
Tôi đã thật lòng tin
Niềm tin trắng trong như lụa
Tôi đem may áo hạnh phúc cho mình
Qua tấm áo suốt một đời gìn giữ
Mới hay rằng hạnh phúc quá mong manh.
 Không đề
Nhưng tôi vẫn sống mãi với cảm nhận:
Tôi như chiếc ốc con xiết vào cỗ máy,
Cỗ máy lấm lem bùn đất mỡ dầu,
Để đi qua khúc cong hay đoạn đường sóc nảy
Thân mình tôi vặn với nỗi đau.
 Tôi yêu cuộc đời
Nhiều người cầm bút với nhân danh này nọ, còn với tôi là sự tan ra như hòn than tự đốt mình:
Ơi hòn than rực đỏ trong lò
Đang đốt mình cho đời ngọn lửa
Phút này đây còn cần gì nữa
Mà ta nghe réo sôi!
Sau lời tôi như có tiếng trả lời
Tôi cần gió - hãy cho tôi nhiều gió
Tôi muốn đốt mình nhanh hơn nữa
Trước khi thành tro bụi nát tan
Để lại cho đời những mẻ thép, gang
Làm bánh sắt con tầu, làm vành răng cỗ máy
Và người hãy quên đi thép ấy
Đã hình thành trong lửa đốt đời tôi.
 Hòn than
Hòn than còn trở lại lần nữa ở bài thơ kỷ niệm với Hòn Gai:
Mười năm sống ở đây hòn than cho tôi nếp nghĩ
Để toả sáng phút giây phải triệu năm trong
                                            lòng đất âm thầm
Yêu quý biết bao cuộc đời ngắn ngủi
Con người ơi phải sống hết mình!
 Thị xã bên bờ vịnh đẹp
Nhưng thế nào là sống hết mình - Cháy sáng để rồi tàn! Yêu thương hết lòng hết dạ để rồi khi nhắm mắt xuôi tay bớt phần tiếc nuối tháng ngày ta đã sống.
Từ khát vọng ấy tôi luôn sục sạo kiếm tìm cái ý nghĩa nhân sinh của cuộc sống con người ngắn ngủi mà sao lắm dằn vặt khổ đau. Tôi đã thấy được điều con người luôn sống trong nhầm lẫn, từ những gì nhỏ bé ở quanh ta đến cả khái niệm lớn lao về đức Chúa trời:
Những kẻ hôm ấy đem treo cổ Chúa
Những ngày sau chúng sống thế nào
Khi trên đầu chiếc thập áp cứ buông lơ lửng
Những ngày sau chúng sống ra sao?

Cây bạch dương hôm ấy nếu không bị phạt
                               cành dựng cây thập ác
Chắc sẽ còn nẩy lộc tiếp mùa xuân
Dần người ta quen cây thập ác sinh ra để
    treo cổ những tên tội ác
Mà quên nó bắt đầu sinh ra để treo cổ thánh thần.
 Nhầm lẫn
Đọc những trang sách của Tư Mã Thiên và nhìn vào lịch sử đầy bí ẩn của nước Trung Hoa, buộc tôi thốt thành lời:
… Lịch sử sao mà nghiệt ngã
Luôn chứa ở trong mình dối trá
Đã ở đâu có được công bằng
Ai nói rằng lịch sử của nhân dân
Nhân dân đã bao giờ được tự tay cầm lấy?
Tôi viết những dòng này đúng lúc nước Mỹ luôn tự hào là xứ sở của tự do, bác ái, bình đẳng, bầu vị tổng thống thứ 43. Hai ông Al Gor và Giocgio Bút đang tranh giành nhau lá phiếu nhầm lẫn ở bang Florida. Thì sao nhân dân Mỹ lại xuống đường biểu tình, thật đúng với cảm nhận của tôi trong bài thơ “Thế giới”:
Thế giới như thể bàn cờ
Bày ra, dập, xoá
Những bàn tay đeo găng trắng muốt chơi cờ
                                     trên số phận nhân dân…
Thấy được điều này đã khó. Nhưng có lẽ khó hơn là nhà thơ dám cầm bút viết lên được những dòng thơ gợi cảm cho người ta nhìn ra chân lý. Bởi chân lý thường thuộc về kẻ có tiền, có quyền, có thể xáo trộn, đổi thay đen trắng cả xã hội. Nhà thơ ngoài tài năng để khẳng định mình chẳng có gì khác là ý thức được thiên chức của người cầm bút. Ngày Pasternak được phục hồi danh dự tôi đã viết:
Thiên tài là một cái gì không chịu nổi
Vì lẽ ấy
Thường phải lấy chính mạng mình ra đổi
Lần viết bài bàn lại một chút cảm nghĩ cá nhân về chân dung thơ Xuân Diệu với Trần Đăng Khoa (in ở báo Văn Nghệ) tôi viết: “… nhiều lúc không biết làm gì tôi thường giở lại truyện Kiều để đọc trong một lần nào đấy, một hoàn cảnh nào đấy, tôi bỗng thấy, nếu không có những câu thơ:
Chọc trời khuấy nước mặc dầu
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai
có lẽ tác phẩm sẽ thấp đi vài phân”. Thứ phẩm chất người đời thường không chịu nổi. Đến Tự Đức ông vua đầy quyền bính mà phải thốt lên: “Nguyễn Du mà còn sống sẽ nọc ra đánh đòn”!
Không phải người làm thơ nào cũng có phẩm chất ấy. Nhưng thiếu nó có lẽ nhà thơ sẽ thấp đi nhiều.
Ý nghĩa ngang dọc tìm kiếm càng rộng lớn bao nhiêu, tôi càng nhận ra nỗi bất lực của con người:
Ở nơi ấy anh nhìn đời rất rõ
Đời khao khát thương yêu, mong chống lại lọc lừa,
Nhưng bắt đầu từ đâu, cuộn chỉ đời rối rắm?
Trong lòng tay tạo hoá cứ bông đùa.
 Mơ giấc mùa xuân
Chiến tranh là trò đùa ác độc nhất của tạo hoá cho con người khát khao hoà bình hạnh phúc, cũng cho con người niềm tị hiềm ganh tị căm thù, nhằm vào nhau mà bóp cò nổ súng. Ngàn năm, vạn năm xương máu triền miên, thơ chỉ còn biết khao khát. Khi nằm dưới mộ sâu rồi, con người sẽ bừng tỉnh hối hận, mong kẻ còn sống trên đời nhận ra được nỗi đau này:
Mùa xuân về trên mộ hai người lính
Một phía bên kia, một phía bên này
Những ngọn cỏ gà bò lan chầm chậm
Như những bàn tay tìm gặp bàn tay…
 Mùa xuân về trên mộ hai người lính
Nhưng trong bất lực tưởng không gì thay đổi được, tôi vẫn nhìn thấy ánh lên vẻ đẹp diệu kỳ ở bản chất con người:
Ước gì mỗi con người, mỗi phần nhỏ nhất
                            của con người
Nghiền không nát, cứ lành nguyên bản chất
Như giọt thuỷ ngân này lấp lánh gương soi!
 Đi tìm thuỷ ngân
Vẻ đẹp ấy chỉ hiện ra trong trí tuệ nhà thơ khi chết đi sống lại:
Anh đã chết bao lần trong đau khổ
Lại hồi sinh trong đó bao lần
Không biết còn xảy ra bao nhiêu lần nữa
Để sau cùng mơ trọn giấc mùa xuân.
Nhìn anh như chẳng chút gì xa lạ,
Vẫn bên em, bên bè bạn hàng ngày
Ai biết được từng khi anh đã chết
Lại trở về cười mỉm trước em đây…
 Anh đã chết bao lần trong đau khổ
Qua những chết sống tinh thần ấy ta sẽ thấy “Niết bàn”, “Thiên đường” không phải là ước vọng tận cùng:
Tôi luôn bước ra chơi ngoài hữu hạn
Khi cuộc sống nặng nề tình đời chán nản
Tôi tìm tới chuyện trò cùng với những vì sao
Để thấy được cả những tinh cầu giá lạnh ấy cũng không ngoài quy luật buồn vui:
Rồi có đêm mơ thấy trận mưa rào
Sao sa xuống đầy vườn như dát ngọc
Và đêm ấy có ngôi sao đã khóc
Để lại giọt buồn trên búp lá non tơ!
 Ngôi sao đã khóc
Khi cảm nhận hết được những rộng dài nóng lạnh ấy tôi đã tin ở mình:
Và ta biết có ngôi sao đã tắt
Triệu năm rồi ánh sáng còn bay
Nên tin lắm cả khi đã khuất
Hồn thơ ta còn thổi gió trong cây
                    Trăng sao
Có người cầm bút lầm lẫn rằng có thể tranh giành được uy tín văn chương làm tôi nhớ tới Khuất Nguyên xưa, nhà thơ nói: “Ta tranh sáng cùng mặt trăng, mặt trời”. Cái ý tưởng hàm chứa thẳm sâu xa rộng ấy. Đâu phải con người có thể làm ra ánh sáng thật, để tranh sáng cùng mặt trời, mặt trăng mà là ánh sáng mặt trăng, mặt trời chỉ phủ lên được bề ngoài…
Sau cái cảm giác thăng hoa mây gió là sự trống vắng vô cùng như con diều run rẩy với gió trăng vẫn phải cột chặt đầu dây kia cùng trái đất, thơ tôi lại tìm về chum dụm đời sống với vẻ đẹp có thật của con người:
Tôi sống giữa những người chân đất
Những người của nắng mưa thấm đẫm vui buồn
Cả khi có dép rồi họ vẫn thích đi chân đất
Chân đất đã quen, chân đất tự do hơn.
 Tôi sống giũa những người chân đất
Hình ảnh anh xe thồ vẫn đạp xe qua đường phố hàng ngày:
Nghênh ngang mấy chú xe thồ
Chở bao nhiêu nỗi giày vò đi theo…
Vu vơ
Có bài thơ nhằm kể câu chuyện rất thực nhưng lại đem tới một ý nghĩ lạ lùng:
Bạn tôi ngồi bán hoa tang
Hôm nay chẳng có khách hàng tới mua
Đường chiều nắng nhạt người thưa
Mấy vòng hoa ế ngẩn ngơ bên đường
Hoa không bán được bạn buồn
Tiền lưng thì hết, gạo hòm thì vơi
Nhưng ai mà dám mong trời
Bắt ai chết sớm bạn tôi đắt hàng.
 Bạn tôi ngồi bán hoa tang
Nuôi đẹp hồn thơ tôi đến mãi bây giờ, xin cảm tạ trời đất và nghìn lần cảm ơn mẹ cha sinh ra tôi nơi làng quê đẫm hồn trăng gió, nơi đã cho tôi mối tình quê với người con gái tôi thương, dù em không còn, vẫn đẹp mãi trong tôi như thuở ban đầu:
Thuở ấy vầng trăng như chiếc trâm vàng
Còn nhiều mộng mơ nên đời đẹp lắm
Anh từng có ước ao thầm lặng
Đem vầng trăng kia cài mái tóc đen dầy.
 Thuở ấy
Mỗi mùa Xuân trở lại tôi như lại thấy:
Em vẫn cứ là cô bé xưa
Dưới tàu lá chuối đứng che mưa
Cho tôi hồi hộp bên em đứng
Bốn phía mưa xuân rắc bụi mờ…
Hồn quê
Đâu đó quanh tôi vẫn như phong giữ vẻ đẹp nguyên sơ:
…nụ cười e thẹn
Dưới trăng vàng rời rợi góc vườn quê…
 Câu hát một thời xa
Ngoảnh lại ngắm làng làng thật đẹp
Vần trăng như mộng, mắt như sao.
 Mùa xuân mầu nhiệm
Rồi vẻ đẹp tình yêu xưa cũ luôn xốn xang khăn áo trong hồn:
Tình yêu muôn thuở chẳng nghèo
Tước đay se võng nhuộm điều cứ mơ
Cứ như người xửa người xưa
Em nhan sắc thế nên giờ tôi say.
 Mưa xuân lại bay
Đã vấp phải những đổ vỡ gia đình trong xã hội hiện đại, thơ tôi đã gióng hồi chuông báo động:
Bỏ anh em bỏ bằng xong
Anh thành chú ngựa ra đồng ngược xuôi
Chẳng còn gì để buồn vui
Mong chi có lúc em ngồi em thương…
Bỏ anh em bỏ đã xong
Anh thành chú ngựa trên đồng chạy hoang
 Bỏ anh
Đời tôi quen với những năm tháng được nhận sự dịu dàng, chung thuỷ, lại thấm thêm nỗi buồn xa dằng dặc những năm dài, nên đã có lần cảm được nỗi vô tình trong đời người với hạnh phúc:
Có nột ngày anh bỗng nhớ về em
Ơi bông hồng bị bỏ quên
Nở và tàn nào ai biết!
Có buồn không hỡi bông hoa đẹp?
Đã vì ai bừng nở trước hiên nhà,
Những tháng ngày khao khát rộng xa
Đã quên mất bên thềm em ngóng đợi
Hoa cứ nở hết sắc hồng chói lọi
Cứ dịu dàng như thế đợi chờ anh
Cho đến khi rã cánh lìa cành
Mà cho đến hôm nay anh mới nhớ
Em không thể lần thứ hai lại nở
Ôi bông hồng bị bỏ quên!
Bông hồng bỏ quên
Khi nỗi đau chia ly thực sự đến với mình, tôi mới bàng hoàng nhận ra:
Tôi trở về ngôi nhà nhỏ bé
Ngôi nhà có dây leo và hoa tím mùa thu
Bỗng nhớ chàng HíkMet ngày xưa.
Chàng từng mơ một tình yêu khổng lồ
Để lại nỗi buồn cho cô nàng mắt xanh và
 ngôi nhà có hoa leo nhỏ xíu…
Lòng buồn bã vô cùng
Nhớ thương em ngày xưa bé nhỏ
Anh rời bỏ cửa nhà
Đuổi theo giấc mơ quá cỡ
Bỏ lại em cùng mảnh vườn xanh với dây leo
 hoa tím mùa thu
Giờ em ở đâu trong cõi vô cùng
Giấc mơ anh đã thành mây khói
Lòng rưng rưng nhớ chàng HíkMet ngày xưa!
 Nhớ Hík Mét
Trong những cơn đau có lúc thấy mình vô nghĩa:
Anh còn sống trên đời làm gì nhỉ
Không còn em tất cả đã là không
Một trăm ngày
Và thơ cũng vô nghĩa:
Thơ anh còn để làm gì
Mộng mơ thành đám mây chì trên không…
 Cỏ xanh
Với đời:
Giữa đời đông vui tháng ngày đẹp đẽ
Không có em anh càng thấy bơ vơ
 Một trăm ngày
Tôi đã viết ba mươi bài thơ khóc vợ, hồi tưởng quãng đời đã sống với bao mặn nhạt sẻ chia, bao nhiêu buồn vui gắn bó tưởng không gì có thể chia cắt chúng tôi ở cõi đời này. Có lần đi xa về nhìn dáng gày mảnh mai của em tôi, tôi đã viết bài thơ “Nói dại”, ý rằng, mình đã chết đi, nhưng vì quá thương em không chết nổi, mà chỉ chết đùa:
Đùa vậy - chứ anh chưa chết được
Còn em đây còn sự sống thiết tha
Chưa sống trọn làm sao mà nhắm mắt
Anh chỉ khuất đi sau giọt lệ em nhoà
Nói dại
Không ngờ ma xui, quỷ ám, tôi đã “nói dại”, “nói gở” thật, không phải tôi chết, mà em tôi chết. Nhưng hình bóng em thì mãi quanh quất bên tôi. Từ mùi hương hoa lý thoảng đưa đến tiếng gió vườn khuya xào xạc tôi đều thấy em về. Lúc đứng lúc đi:
Đâu cũng thấy như em vừa ở đó
Chỉ cất tiếng gọi thôi là nghe được tiếng em thương!
 Em như vầng trăng sáng mãi
Gục ngã, suy sụp, tôi tưởng không thể đứng lên được nữa. Thế rồi người con gái không quen biết trong bức thư tận miền trung xa lắc gửi tới lúc ba ngày vợ tôi vừa mất, như thể định mệnh, khi biết hoàn cảnh đau khổ của tôi, nàng thư từ, phần xin lỗi lá thư trước vì không biết đã đường đột gửi thư, phần an ủi tôi rằng: “Người mất chắc sẽ không vui khi thấy người mình thương còn sống mà lại ốm đau tàn tạ”. Rồi nàng kể cho tôi cuộc đời nàng đã gượng lên được sau sóng gió bão bùng, những bài thơ buồn, chứa đựng khát khao của tôi đã an ủi giúp đỡ nàng vững vàng thêm trong cuộc sống. Vì vậy mới có thư nàng gửi cho tôi. Nàng cùng một số anh em văn nghệ miền Trung mời tôi vào chơi thăm Nghi Xuân, quê Nguyễn Du cho khuây khoả… Hai cánh chim bơ vơ như tìm được sự tựa đỡ ở nhau… Tôi ghi lại lòng mình thành những bài thơ in cuối tập “Ngôi sao đã khóc” cùng với nửa tập thơ khóc vợ ở trên. Sách ra, người đọc từng trải thì thương cảm. Có người lại bàn tán xì xào rằng tôi thiếu chung thuỷ cùng vợ. Tôi thật buồn, vì người đời bây giờ đi tìm thú vui mới ngay sau lưng chồng vợ thì vẫn như là tốt đẹp. Tôi từng có câu thơ về nỗi buồn này:
“Từ đây những mối tình quê,
Còn ai giữ nữa lời thề trăm năm”.
 Bỏ anh
Còn người sống như tôi hết lòng với vợ, với con:
“Suốt đời thương em
Vẫn thấy mình thương em chưa đủ”,
thì lại bị chỉ trích rằng thiếu thuỷ chung. Tôi sống thật lòng, cứ dãi hết lòng mình trong những bài thơ gửi người con gái ấy…
Rồi mỗi người vẫn ở một phương trời thường gặp nhau tronng những lá thư đầy tâm sự, lâu lắm mới có lần gặp mặt. Điều dơn giản nhất của con người là thương nhau mong gần gũi an ủi lẫn nhau cũng đâu có dễ. Người làm thơ đi tìm giầu sang danh vị ở đời hẳn khác với niềm đăm đắm trong tôi sau khi tìm kiếm mọi ý nghĩa sự sống chỉ mong con người ta được bình an, bình thường, thậm chí nhỏ nhoi mà suốt đời được gần nhau, thương nhau:
Có điều gì luôn nuối tiếc ngẩn ngơ
Xin tuổi trẻ từng qua mau, xin tuổi già đến chậm
Những đôi lứa sau ta bớt đi lận đận
Sống đến trăm năm, yêu đến bạc đầu!

Anh hát em nghe với cả nguyện cầu
Con người sống với nhau cứ mãi còn vụng dại
Để mãi mãi thương nhau, để thương nhau mãi mãi
Người không thương nhau, có rất ít ở trên đời!
 Khúc hát đồng quê
Từ nỗi đau riêng tư nhìn lại, tôi càng thấy rõ hơn. Đời cầm bút của mình luôn thao thức về những trắc trở khổ đau con người phải gánh chịu nó thành định hướng mục đích suốt đời cho thơ tôi đi. Nó xa lạ với những thứ vinh quang tung hô ràng buộc mà nhiều người đang sống, nên tôi cũng không bất ngờ khi có người yêu mến thơ tôi như Trần Văn Lý trong cuốn “Cảm nhận thi ca” Nxb. Văn học năm 1999 đã ghi tên tôi trong năm nhà thơ yêu thích nhất thế kỷ XX, và trước đó trong cuộc tiếp xúc với bạn đọc ở một siêu thị Văn hoá cạnh hồ Gươm, tôi đã nhận được những giọt nước mắt của hàng chục độc giả nghe tôi đọc những bài thơ viết về người vợ yêu thương của tôi vừa qua đời. Giữa những ngày tháng tôi đã chứng kiến con người bị vét cạn lòng thương cho cả kẻ ăn mày ăn xin, thì việc nhận được những giọt nước mắt bằng những câu thơ của mình đâu có dễ…
Xin cảm ơn những bạn đọc thơ tôi đã lưu giữ thiện cảm trong lòng. Riêng cảm ơn bạn Trần Văn Lý không phải vì bạn đã phong “Hoa hậu” cho tôi mà vì những điều tri âm được với nhau trong những bài phân tích thơ tôi đã công bố, và còn vì bầu nhiệt huyết dũng cảm của người lần đầu cầm bút đã mạnh dạn đặt vấn đề theo chính kiến của mình. Ngày quyển “Chân dung và đối thoại” của nhà thơ Trần Đăng Khoa ra đời, dư luận khen chê rầm rộ, tôi đã từng in trên báo Văn Nghệ: “…Tôi không quảng cáo cho toàn bộ “Chân dung và đối thoại”, nhưng tôi xin bỏ phiếu cho những ý tưởng mạnh dạn dũng cảm đánh giá văn chương lúc này…”.
Có bài viết ví tác giả “Cảm nhận thi ca” như người trải chiếu cho năm nhà thơ: Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Tố Hữu, Chử Văn Long ngồi. Nghe thú vị đấy, nhưng tôi thật sự ngán thứ “chiếu bệ, làng xã”, cái cảm giác nặng nề mệt mỏi hàng ngàn năm trong sự sống đã qua. Chẳng biết những nhà thơ lớn kia nếu còn sống sẽ nghĩ thế nào. Còn với tôi vinh quang mỗi nhà thơ không ở chiếu bệ, mà ở những trăn trở, day dứt không nguôi trong lòng người đọc. Chưa bao giờ con người chịu đựng những phân tâm khắc nghiệt cần tìm thấy ở thơ sự đồng cảm của mình với những báo động, báo yên những an ủi, tỉnh thức như hiện tại. Nhà thơ thời nay nếu có trách nhiệm với sự sống với con người, không dễ ngồi thả hồn theo những đám mây Tần của Nguyễn Bính. Đau cũng đau khác thời Hàn Mặc Tử chịu đựng. Dù có muốn nồng nàn như Xuân Diệu yêu thương cũng đâu dễ tìm được đối tượng để nồng nàn. Ai còn có thể hát hùng ca như Tố Hữu ngày xưa đã từng say. Ngồi ôm bàn tay trái vừa gẫy hôm qua , bó bột, tay phải cầm bút gẫy năm ngoái, tôi thấy thêm cả nỗi đau rất thực mỗi con người cũng khác nhau: Nguyễn Bính suốt đời đi lang thang tìm mơ mộng, Hàn Mặc Tử bị bệnh hiểm nghèo, Xuân Diệu không có vợ con, Tố Hữu không có thơ yêu… Rồi Xuân Diệu bị gẫy tay nhưng bị gẫy một lần còn mình thi bị gãy cả hai tay… có gì chung nhau buồn vui mà cùng chung chiếu.
Trước Trần Văn Lý, trong tập tiểu luận phê bình “Các nhà thơ cổ điển Việt Nam”, Xuân Diệu từng giới thiệu Nguyễn Trãi, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương là những nhà thơ bàn nhất của mười chín thế kỷ thơ. Không ai hiểu đây là sự “trải chiếu” cùng ngồi. Mỗi nhà thơ như ngôi sao toả sáng một vùng riêng biệt. Sức sống cùng thời gian, ánh sáng lan toả rộng hẹp phụ thuộc vào tầm ôm chứa của thơ mình. Không ai lại đem so sánh Hồ Xuân Hương với Nguyễn Trãi, Trần Tế Xương với Nguyễn Du, vì cùng là nhà thơ bàn nhất.
Chỉ là ý kiến của riêng Xuân Diệu, nhưng đã hơn hai mươi năm chưa thấy ai có ý kiến khác bàn. Bởi sau lưng các vĩ nhân kia là khoảng thời gian đủ để thế chấp cho sự bền vững những tên tuổi tài danh tồn tại. Tuy vậy, trong dòng thời gian trôi chảy không ngừng tiếp theo không ai được miễn trừ thử thách.
Thấm được quy luật đời như vậy, tôi từng ý thức được bản thân, ngay cả chiếc thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đang ở trong túi áo tôi đây, và cả những giải thưởng tôi được trao trong những cuộc thi thơ cũng không đủ để đảm bảo cho tôi là nhà thơ, nếu thơ tôi không sống được, không lay động được lòng người. Những câu thơ, những bài thơ ấy đã sinh ra từ ngọn lửa đốt đời mình cháy sáng trong những phút giây không bao giờ lặp lại trong đời. Vì vậy mỗi bài thơ hoàn chỉnh tự hình thành một thi pháp riêng. Không có thi pháp chung cho một nhà thơ như người ta vẫn tưởng.
Ngồi viết những dòng tâm tình này, vừa ôm bàn tay buốt nhức có lúc đến tê dại, phải ngừng viết, lấy tay lành xoa bóp tay đau cho máu lưu thông, để mong giảm nhẹ nỗi đau. Có lúc dở khóc dở cười tôi đã trách tạo hoá đùa cợt chi số phận riêng tôi nhiều vậy?
Anh bạn biết xem Dịch học, Tử vi, Nguyễn Thanh Lâm nghe tin tôi bị tai nạn, về thăm. Anh bảo: “Chiều qua hay tin biết giờ khắc ông bị nạn, giở sách ra coi, tôi thấy ông có số “Kình Đà độc thủ”. Kình Đà biểu thị cho tai tật, tai tật tay chân, nhưng tai tật Kình Đà lại tạo nên “Cái thế Văn chương”, có thể thêm cái đau này làm thơ ông toả sáng”.
Tôi dùng bàn tay lành nắm tay bạn, lại nghĩ đến những điều vừa viết về các vĩ nhân, không ai được miễn trừ trong dòng thời gian thử thách mất còn. Hơn ba nghìn câu thơ Kiều của Nguyễn Du, tuyệt tác đến thế, giờ đã có những câu lộ ra sự không toàn bích như xưa. Hồ Xuân Hương từng được phong ngôi “Bà chúa thơ nôm”, nhưng đến nay đọc lại thấy như thiếu sự ôm chứa rộng dài cuộc sống trong thơ bà viết. Và cái thế văn chương chung đất nước thế này, tài năng thật sự chăng nữa cũng bằng cách nào toả sáng hay đành chịu thua quy luật “đậy nắp quan tài”.
Nghĩ thế, tôi mỉm cười siết chặt tay bạn hơn để cảm ơn sự động viên mình, vào những lúc này.
Sau những vui buồn tâm sự cùng bạn đọc, thơ tôi xin chỉ làm khúc hát ru sự sống con người:
Anh sẽ hát tặng những ai anh gặp trên đường,
Lời ca về em say đắm
Mong họ vui hơn sau vất vả hàng ngày,
Trong lòng mọi người sẽ nảy sinh những bài ca khác
Họ mang tặng người mình yêu với tất cả đắm say.
 Với thơ
Tôi lại trở về với miền quê đồng bãi, lại là anh chàng chân đất bước vào làng văn. Ngày lại hai lần vượt qua con đường hơn hai chục cây số vào Hội Văn nghệ Hà Nội , phố Hàng Buồm làm việc. Nơi hơn hai chục năm gắn bó đời tôi cùng bạn bè văn chương. Để rồi những buổi chiều ra về, trên con đường bây giờ xa thẳm, lại qua ngả rẽ nghĩa trang Văn Điển, lại gặp những thoi vàng hồ từ những cỗ xe tang rắc xuống đánh dấu nẻo về cho những vong hồn vĩnh biệt thế gian. Tôi lại xúc động ứa nước mắt với người từ hôm nay cũng như tôi cô lẻ sống trên đời. Rồi lại an ủi lấy mình bằng câu thơ bông đùa một thuở:
Tôi hàng ngày hai lần đạp xe đi về qua đất chết,
Có lẽ mình “bất tử” cũng nên!
*.
CHỬ VĂN LONG
Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.     
Điện thoại: 01658818263
Email: haicv08@gmail.com










…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 31.01.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

0 comments:

Đăng nhận xét