TẠI SAO THƠ DỞ VĂN NHẠT LÊN NGÔI - Tùy bút Nguyễn Hoàng Đức (Hà Nội)

1 comment
(Nguồn ảnh: Internet)
TẠI SAO THƠ DỞ
VĂN NHẠT LÊN NGÔI
*
Vừa rồi có một bạn comment rằng “rượu nhạt uống lắm cũng say/ điều hay nói mãi cũng nhàm”, tôi đã định comment lại, nhưng nghĩ tôi sẽ viết thẳng vào bài viết, nó chính thức, sang trọng hơn và cũng giải bày được nhiều hơn.
Nói như thế là ở tầm muốn thưởng thức say sưa vui vẻ. Ở đời có vô số việc làm không thể vui vẻ mà phải mang bổn phận dù nhám chán nhọc nhằn. Xây nhà chẳng hạn ai thích vất vả vôi vữa? Quét nhà, vệ sinh đường phố bẩn thỉu nhàm chán có ai thích đâu? Chữa bệnh cho đời, nào máu me bẩn thỉu, mùi hôi hám, vi trùng nhung nhúc, nhưng làm sao tránh được phải bắt tay vào? Cái tư duy thích vui, rồi làm thơ là cuộc chơi nói chung chỉ có ở mấy nhà thơ rặt rẹo Việt Nam, mấy mẩu, mấy vần, lô nhô lên mặt báo bằng vài con tem, cả đời đã hí hửng kiêu hãnh, khoe mẽ dạt dào khắp nơi, rồi dở trò đố kỵ, cậy thế cửa quyền mậu dịch ngáng đường đánh chặn người khác, rút cục chỉ có thứ tài năng mua ghế chạy giải, ăn cả phạm qui lẫn đạo văn thành giải nhất, thử hỏi còn cửa nào cho tài năng của người khác?!
(Tác giả Nguyễn Hoàng Đức)
Con người được coi trọng là do làm bổn phận nặng nề khó nhọc lam lũ bẩn thỉu như người thợ lò chui sâu xuống đất đào quặng cho đời. Còn loại lúc nào cũng ham vui, thích say sưa chỉ là loại cave, con hát “xướng ca vô loài”. Con hát còn tập tành khổ sở nào đàn nào ca, còn chường mặt ra đường hát rong kiếm sống, chứ thứ nhà thơ vắt mũi mấy vần vèo đã tí tởn suốt đời nghê nga ngâm vịnh cầu danh tiến chức, thử hỏi đáng trọng bao nhiêu? Có nhiều người hỏi tôi, vốn đâu mà sao viết về nạn làm thơ nhiều thế? Tôi thử hỏi, nếu tôi không viết thì ai viết? Câu lạc bộ thơ chui vừa qua, lạm dụng sự háo danh của cả vạn người lè tè xếp vần hai bài để thành nhà thơ quốc gia, kiếm chác tiền tỉ, thử hỏi nếu không quét dọn thì ai quét dọn? Quét dọn đến bao giờ? Cho đến khi nào Việt Nam nên từ bỏ lối tư duy ít học vần vèo, muốn trở thành những nhà khoa học, những kỹ sư, bác sĩ, hay thơ ca uyên bác có tác động mạnh mẽ vào cuộc đời, thì tương lai quốc gia mới tiến bộ được. Chứ lúc nào cũng thấy đầy rẫy cả vạn, cả triệu người bập bõm mấy vần háo danh thì đất nước hùng mạnh kiểu gì? Con người cũng như gia đình hay quốc gia muốn giầu mạnh hùng cường thì phải có nhiều người làm việc khó như tưới mồ hôi trong phòng thí nghiệm, nấu giấy sôi mực viết tác phẩm lớn, leo lên độ cao chóng mặt để xây những công trình hay lặn sâu vào lòng đất đi tìm quặng… chứ ông nào cũng đòi ham vui bẻo lẻo mấy câu thơ thì giầu mạnh cái gì, hay chỉ thấy tâm hồn yếu ớt rặt rẹo đang khoe mẽ hám danh còi? Mở đầu mỗi tuần, tôi viết khoảng ba bài tiểu luận về văn thơ, nhưng sau, có trang chủ nói, “ông viết chậm thôi, kẻo người ta lại tưởng trang mạng của tôi là của ông”, nên tôi sẽ viết hai bài một tuần. Đây cũng là thách thức và phép thử của tôi. Không hiểu tôi có viết được cỡ trăm bài về văn thơ cũng như nạn suy đồi rặt rẹo của nó hay không? Thử xem vốn của tôi có được bao nhiêu? Mời mọi người chứng thực. Và nếu ai không thích, thì hãy nên nghĩ tôi đang làm việc quét dọn thôi. Đức Khổng Tử sau khi viết “Kinh Xuân thu” có nói đại ý: Tôi không phải người sáng tạo, tôi chỉ là kẻ ‘thuật nhi bất tác’, nghĩa là người thuật lại. Tôi chép lại những việc của đời trước để răn dạy người đời sau, thấy hay mà theo, thấy dở mà tránh.
Còn tôi, tôi chỉ làm công việc quét dọn, nhưng nếu cái chổi của tôi chỉ là chổi cùn, thì có phải đã bị đám rác rưởi thơ văn đã bẻ gẫy từ lâu? Người Việt bảo “nói phải củ cải cũng nghe”, hoặc “miệng kẻ sang có gang có thép”. Người nói đúng và có tâm tự nhiên đã mang lấy sức mạnh của chân lý. Mong rằng tôi vẫn đang cố gắng nhân danh sức mạnh đó.
Mới đây, nhà thơ, nhà lý luận phê bình Trần Mạnh Hảo có viết bài  THƠ DỞ, VĂN DỞ… ĐANG ĐẮT GIÁ. Một bài viết gan ruột của một tác giả đã từng sống “trong chăn mậu dịch” rất lâu, ở đó hiển nhiên chứa đựng rất nhiều hạt nhân xác đáng của sự thật. Giờ chúng ta thử xem tại sao văn thơ dở nhạt nghèo như mầu áo cán bộ của mậu dịch lại đang thống lĩnh văn đàn đến vậy?
Trước đây, khi chợ Đồng Xuân chưa xây mới, tôi vào chợ và ngạc nhiên khi thấy, vải len dạ rất đẹp thì lại rẻ hơn vải mầu bộ đội bình thường. Tôi có hỏi, thì nghe giải thích: mầu bộ đội rất nhiều người ưa mặc, từ nông dân, công nhân, đến lính tẩy hè phố, đều thích mặc, vì vậy đắt hàng. Tại sao mọi người thích mặc mầu bộ đội? Vì đó là mầu của quyền lực cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Tích cực vì Việt Nam có số quân đông bậc nhất thế giới, đất nước được quân sự hóa và trại lính hóa, nên người ta thích mặc mầu bộ đội để thể hiện uy quyền. Còn dân đầu đường xó chợ, trộm cắp hay lừa đảo cũng chỉ thích mầu bộ đội, mặc vào nó hàm chứa, lực lượng của bọn tao rất đông sẵn sàng tới ngay, các nhóm giang hồ còn đặt cái tên “quân khu” như Quân khu Nam Đồng, quân khu Mơ Táo… Số đi bắt trộm gà chó còn được gọi là “mấy thằng bộ đội” cho nó xóa tội và oai. Từ việc này chúng ta rút ra, khi chúng ta nghèo và dốt, thì vải đẹp rẻ rúm hơn vải thường là rất bình thường.
Cũng chuyện mậu dịch, trong một lần ăn cỗ, mọi người đua nhau ôn nghèo kể khổ bao cấp mậu dịch. Anh kia nói, mấy anh em tôi không ngủ đi xếp hàng thịt từ tối qua đêm, đến giờ bán hàng, lại chỉ mua được thịt toàn nạc. Tất nhiên đó là loại ngon nhất, nhưng không ai muốn thế, tôi năn nỉ đổi lấy thịt mỡ mà không được, vì lẽ mỡ về còn rán để giành ăn lâu ngày, mỗi bữa một thìa, chứ còn chỗ nạc này về dim cả nhà ăn liền hai bữa là hết veo.
Chị kia bảo, chúng tôi xếp hàng mua gạo, vớ phải loại gạo nông dân vừa đóng thuế, trời ơi buồn khôn xiết. Bởi ai cũng chỉ mong đong được gạo mậu hẩm trong kho, mốc xanh mốc đỏ, chẳng còn tí tuyết gạo nào, như thế khi nấu, một hạt gạo mới ngậm ba hạt nước nở bung như ngô rang, nó mới ra cơm. Chứ còn gạo ngon cả nhà ăn trong mấy chốc?
Vậy đấy thịt mỡ gạo mốc lại đắt hơn cả thịt nạc, gạo ngon, cũng giống vải mặc bên trên. Đấy là luồng gió từ dạ dầy lên. Còn luồng gió chính trị vĩ mô? Cuộc cách mạng của chúng ta gọi tắt là cách mạng vô sản, tức là cách mạng của những người vừa không có tài sản tư liệu sản xuất, vừa không có học, bởi vì người nghèo lấy tiền đâu ra mà học? Nhưng người vô sản đã lên ngôi, họ lấy số đông, nói chính xác ra là “lấy thịt đè người” tụ bạ, cấu kết, dìm dỏ người tài. Cụ thể, tại Liên Xô, Stalin đã đầy cả vạn trí thức, nhà văn uyên bác lên vùng Siberia lạnh lẽo. Ở Trung Quốc Mao Trạch Đông bắt giáo sư phải về nông thôn nghe nông dân giảng dạy về cuộc đời. Ở Cam Bốt, Pôn Pốt, Iêng xa ri dùng vồ đập chết hàng triệu trí thức. Tại Việt Nam thì “Trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ”, cho đám “nhân văn giai phẩm” ra ngoài lề văn hóa vô sản… Như vậy cơn gió từ dạ dầy thổi thốc lên, kết hợp với gió vô sản từ vĩ mô chính trị thổi xuống, đã dựng lên một đội ngũ nhà thơ ao chuôm, một hội hè nhà văn cán bộ sền sệt óc tiểu nông, lấy ngẫu hứng viết văn thơ bằng tem phiếu đường sữa và ưu tiên được trèo lên mặt báo, mặt đài, hay ti vi.
Về mặt đối sách chung, lâu nay chúng ta vẫn phổ biến áp dụng việc dùng người dốt hay kém. Về mặt chính thống, nếu ai có khả năng cấp tiến canh tân thì bị gạt ra lề. Còn mặt trận, hay các lực lượng tôn giáo, nhà nước chỉ chấp thuận người hiền, người dại, người vô thưởng vô phạt, cho đỡ phải lo bị chống đối.
Người Việt có câu “con lợn lên ti vi cả làng nổi tiếng”. Đằng này chưa biết văn thơ ra sao, ta là cán bộ, xã viên làm thơ của hội nhà nước được leo lên báo và ti vi, thử hỏi những thứ văn thơ dù tài mấy mà không được phép có mặt dám sánh à? Muốn sánh, đến lúc thi, ta chấm giải cho cán bộ dù phạm qui của hội ta, thử xem bọn chầu rìa kia có nản chí không? Gần đây tình hình văn thơ còn xuống cấp gấp bội khi nó vào hùa với nạn mua quan bán chức, chạy bằng cấp giả. Nạn bỏ tiền chạy ghế, chạy giải rất phổ biến. Liệu có ngẫu nhiên không, khi ông thơ bịp thiền kia giầu nứt đố đổ vách được hội thảo ứng cử thơ Nobel? Còn câu lạc bộ thơ chui vừa lộ ra trắng trợn nạn “ăn bánh trả tiền”, “tiền nào của ấy”, “tiền ít làm sao đòi hít giải cao”, muốn ăn giải cao cứ nộp nhiều tiền như người ta bán đấu giá ấy, ai trả cao thì mua được giải lớn?!
Tại sao thơ dở văn nhạt lên ngôi ư? Rõ ràng nó được ưu tiên trợ giúp phù ủng bao nhiêu thập kỷ, giờ đây nó vẫn chứng tỏ uy lực cửa quyền tuyệt đối của mình qua quyền cho đăng, cấp giấy phép, đặt lên ghế, cũng như trao giải. Mới đây, các nhà nghiên cứu trên phạm vi toàn cầu dứt khoát chứng minh rằng: không giống sản phẩm cơ bắp chân tay có thể được làm từ nhiều người, sản phẩm trí tuệ như phát minh hay sáng tạo không bao giờ ra từ hai bộ óc. Luật vạn vật hấp dẫn phải gắn với Newton, thuyết tương đối phải đi kèm Einstein, máy vi tính phải có tên Bill Gate… vậy thì văn thơ lấy hội đám đông cửa quyền ăn thẻ ưu tiên để hơn người làm sao mà đậm đà cho được? Làm sao có được giọng đơn ca hay khi tất cả đều hát đồng ca với tâm niệm “hát hay không bằng hay hát”?
*
Hà Nội, 23 tháng 08.2013
NGUYỄN HOÀNG ĐỨC
Địa chỉ: Số nhà 100, đường Nguyễn Xiển
(ngã 4 Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển)
quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: Paulnguyenhoangduc@gmail.com
.






  ...........................................................................................................
- Cập nhật từ email donguyenhn@yahoo.com gửi ngày 01.06.2016.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.      

1 nhận xét: