LỤC BÁT SAU TRUYỆN KIỀU - Tác giả: Đỗ Đình Tuân (Hải Dương)

Leave a Comment
(Huế năm 1920 - Nguồn ảnh: internet)
LỤC BÁT SAU TRUYỆN KIỀU
*
(Tác giả Đỗ Đình Tuân)
Lục bát sau truyện Kiều phát triển đa dạng hơn, nhiều phong cách hơn và có xu hướng kết hợp sử dụng cả hai lối Lục bát truyện Kiều và Lục bát dân gian. Ngay trong cùng một tác giả cũng vậy. Tố Hữu là một ví dụ rõ nhất. Bên cạnh rất nhiều bài làm theo lối Lục bát truyện Kiều, ông cũng có không ít những bài làm theo lối Lục bát dân gian:
- Bà bủ nằm ổ chuối khô 
Bà bủ không ngủ bà lo bời bời... 
                                       (Bà bủ)
- Em là con gái Bắc Giang 
Rét thì mặc rét nước làng em lo 
Nhà em phơi lúa chưa khô 
Thóc chửa vào bồ, sắn thái chưa xong 
Nhà em con bế con bồng 
Em cũng theo chồng đi phá đường quan... 
                                        (Phá đường)
Rồi lối biến thể vần trắc, được thay thế bằng lối Lục bát dán thất:
Con ra tiền tuyến xa xôi 
Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền 
Nhớ thương con bầm yên tâm nhé 
Bầm của con mẹ vệ quốc quân. 
                                      (Bầm ơi)
Gần đây xu hướng đổi mới thơ Lục bát càng được xúc tiến tích cực. Hầu hết người làm thơ Lục bát, chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, nổi tiếng và chưa nổi tiếng, hình như đều cố gắng tìm kiếm sự đổi mới cho thơ Lục bát. Có thể kể ra mấy xu hướng chính sau:
- Xu hướng thay đổi cách trình bày dòng thơ. Theo cách này, bài Lục bát không trình bày theo lối truyền thống trên 6 dưới 8 nữa, mà trình bày theo nhịp thơ, kể cả những cách ngắt nhịp theo ngẫu hứng chủ quan của tác giả. Cách trình bày này đã làm hình thức hiển thị của bài Lục bát đa dạng và lạ mắt hơn nhiều. Khi thì nom chúng giống như một bài thơ leo thang, khi thì chúng được xếp thành như một hình tam giác, rồi một bông hoa...Chẳng hạn:
Một mình ngồi với một mình 
Một mình nhấp chén 
Một mình đầy vơi 
Một người ngồi ngắm một người 
Một chênh chao bóng 
Một cười ngất ngư 
Một thưa 
Một gọi 
Một ừ 
Hết thời võng lọng...còn dư cái buồn 
                                (Một mình đối bóng - Bùi Ngọc Trình)
- Xu hướng biến hình thành một thể thơ khác. Tôi mới thấy có một trường hợp của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Đó là bài Câu Hát Tản Mạn. Xin trích ra đây ít câu để bạn đọc dễ hình dung:
Tuổi hai mươi đấy chống gậy như già 
Trẻ trai leo dốc hóa ra lưng còng 
Đi rừng bạn hỡi chớ ngại đường vòng 
Chớ e lối tắt lắm dòng suối sâu 
Qua cầu nước dựng chớ đứng trông cầu 
Run tay rơi mũ biết đâu mà tìm...
Nếu xu hướng thể nghiệm này thành công, được nhiều người thích và làm theo, thì ta sẽ có thêm một thể thơ mới thoát thai từ thơ Lục bát đó là thơ Bát bát, hoàn toàn khác với Thơ tám chữ vốn đã có trong thơ ca truyền thống.
- Xu hướng lạ hóa ngôn từ trong thơ. Theo cách này, người làm thơ thường tìm đến những kết hợp từ mới chưa hề có để làm lạ, làm mới thơ. Khá nhiều người tìm tòi theo hướng này . Sau đây chỉ là một ví dụ nhỏ:
Một trời hoang tưởng lơ mơ 
Thoáng hồn ngọc bích ngẩn ngơ lối tình 
Ngước trông mây trắng siêu hình 
Lá xưa cũng tự lay mình mà thu. 
                                   (Thu - Hoàng Thế)
Xu hướng này quả là có tạo ra được sự mới, sự lạ, có làm cho người đọc dừng lại lâu hơn ở dòng thơ, câu thơ... tìm tòi, nghĩ ngợi. Nếu đem so với thơ hiện đại và hậu hiện đại thì còn dễ đọc chán. Nhưng dường như nó vẫn chưa tự nhiên và còn nhẹ. Từ những câu thơ hay, những bài thơ hay, những ngẫu hứng, những tìm tòi thành công, ta sẽ thấy ở trong đó cái mới với cái cũ, cái quen với cái lạ, cái thường và cái diệu...vẫn nằm chung với nhau, gắn bó trong tổ ấm "thi ảnh, thi nhạc":
Bao nhiêu là thứ bùa mê 
Cũng không bằng được nhà quê của mình 
Câu thơ nấp ở sân đình 
Nhuộm trăng trăng sáng nhuộm tình tình đau 
Nhuộm buồn những hạt mưa mau 
Thành sao nở trằng vườn cau trước nhà 
Nhuộm hương của các loài hoa 
Thành mơn mởn tóc đuôi gà cho em. 
                                       Đồng Đức Bốn
Đã có biết bao nhiêu những câu thơ Lục bát viết về nhà quê rồi ? Vậy mà những câu thơ trên vẫn làm ta sửng sốt về cái mới cái lạ của nó. Nhưng đọc rồi, tĩnh tâm lại ta vẫn thấy nó gần gũi và quen thuộc lắm,... mà đẹp đến vô ngần. Ta sung sướng và hào hứng là vì thế. Cho nên có người từng cho rằng không nên phân biệt thơ cũ với thơ mới, thơ hiện đại với thơ không hiện đại,... mà chỉ nên phân biệt thơ hay và thơ dở, không phải là không có lý. Thơ hay sẽ sống mãi trong lòng công chúng và xây đài vinh quang cho nhà thơ. Thơ chưa hay thì sau khi hoàn thành "nhiệm vụ được giao" sẽ rơi vào quên lãng. Còn thơ dở thì tất nhiên sẽ chết yểu, không có bất kỳ một phương thuốc nào có thể cứu chữa được. Cái định mệnh khắt khe này của thơ mãi mãi là bất biến.
*.
ĐỖ ĐÌNH TUÂN
Địa chỉ: nhà số 9, ngõ 4, phố Tôn Đức Thắng,
KDC Nguyễn Trãi 2, phường Sao Đỏ,
thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương







…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật từ email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn ngày 01.05.2017 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét