Kinh nghiệm luận giải Tử Vi: TED KENNEDY - SỐ KHÔNG LÀM TỔNG THỐNG - Tác giả: Đằng Sơn (Hoa Kỳ)

Leave a Comment
(Ted Kennedy ; Nguồn ảnh: internet)
TED KENNEDY
SỐ KHÔNG LÀM TỔNG THỐNG 
*
Bài này được viết lúc cuộc chạy đua vào tòa Bạch Ốc bắt đầu bước vào đoạn nước rút sau cùng. Như chúng ta đều biết, hai ứng cử viên kỳ này là đương kim tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đại diện đảng Cộng Hòa và thượng nghị sĩ John Kerry đại diện đảng Dân Chủ.
Đứng ngoài kịch liệt chỉ trích tổng thống W. Bush và vỗ tay ủng hộ ông Kerry là một thượng nghị sĩ hết sức đặc biệt của đảng Dân Chủ. Vị này đã được bầu vào thượng viện khi mới 31 tuổi ta và có lúc được tin chắc sẽ là tổng thống tương lai của Hoa Kỳ, nhưng bây giờ ở tuổi 73 e chẳng còn hy vọng gì nữa. 
Như các độc giả tinh ý đã đoán ra, đó chính là ông Ted Kennedy!
Là em út, trên có 3 anh 5 chị, ông Ted Kennedy là ngôi sao duy nhất còn sót lại của một dòng tộc đã trải qua những huy hoàng tột độ và những bi thảm tận cùng. Ba người anh của ông đều yểu tử. Ông anh cả Joe Kennedy chết năm 1944 trong một phi vụ thời đệ nhị thế chiến (30 tuổi). Ông anh thứ 2 là vị tổng thống lừng danh John F. Kennedy bị ám sát năm 1963 trong một chuyến công du ở Texas (47 tuổi). Ông anh thứ ba là thượng nghị sĩ Robert Kennedy bị ám sát năm 1968 ở Los Angeles trong khi đang tranh ngôi vị ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ (44 tuổi). 
Sau khi ông Robert Kennedy bị ám sát vạn con mắt của giới phân tích chính trị đều đổ dồn vào ông Ted Kennedy, dù chỉ mới 37 tuổi ta nhưng đã có thành tích vững vàng là 6 năm trong thượng viện. Xét từ cảm tình hết sức đặc biệt mà dân chúng Mỹ dành cho hai ông anh John và Robert cộng với hai cái chết bi thảm của họ, thật dễ đoán rằng ông em út Ted sẽ được quần chúng Mỹ bầu bằng lá phiếu của con tim để thành tổng thống một ngày không xa lắm. 
Nhưng nếu dễ đoán như vậy thì đã chẳng có cuộc đời. Chỉ hơn năm sau, chi tiết hơn là ngày 27 tháng 7 năm 1969, khi lái xe qua một chiếc cầu hẹp ở đảo Chappaquiddick sau một buổi dạ hội, ông Ted Kennedy lạc tay bánh. Hậu quả là xe bay khỏi cầu xuống nước khiến cô thư ký của ông là Mary Jo Kopechne ngồi cùng xe bị thảm tử. Hơn 9 giờ sau khi tai nạn này xảy ra ông Ted mới thông báo cho cảnh sát; và về sau người ta có bằng cớ hẳn hòi là ông toan chạy tội. Thế nhưng -hiển nhiên là nhờ thanh thế gia đình- khi ra tòa ông chỉ bị án treo! Lạ nữa là khi ông lên TV hỏi ý kiến dân Massachusetts thì đa số vẫn muốn ông tiếp tục làm thượng nghị sĩ đại diện họ, rồi thế hệ này thế hệ kia tiếp tục dồn phiếu tín nhiệm ông, kéo dài cho đến bây giờ.
Nhưng dù sao thì sự cố Chappaquiddick cũng đã trở thành một đám mây đen không chịu tan đi. Vì đám mây đen ấy, ông Ted Kennedy bị đẩy vào một vị trí lạ kỳ: Làm thượng nghị sĩ thì quá dư, nhưng tranh chức tổng thống thì quá thiếu! Ta sẽ trở lại vấn đề này sau.
Giới nghiên cứu tử vi thích phân loại các lá số, như số làm quan to, số làm giàu, số nghèo hèn, số yểu mệnh v.v... nên ta không khỏi thắc mắc: Phải chăng sự kiện ông Ted Kennedy chẳng được làm tổng thống Mỹ cũng đã được an bài trên lá số?

Tham Lang cư Tý lãng lý thành công!
Theo các tài liệu được xếp hạng tối cao về độ đáng tin cậy, thượng nghị sĩ Ted Kennedy ra đời lúc 3:58 giờ sáng ngày 22 tháng 1 năm 1932 ở Dorchester tiểu bang Massachusetts, bắc vĩ tuyến 42.17.50, tây kinh tuyến 71.04.30. Vì ngày hôm ấy ở Dorchester mặt trời lên đỉnh đầu lúc 11:58 trưa; nên 3:58 giờ sáng phải điều chỉnh thành 4:00 sáng (chỉ thêm 2 phút) cho tương ứng. Tính ra âm lịch địa phương được giờ Dần ngày 17 tháng giêng năm Nhâm Thân. 
Lá số này lạ lùng vì mệnh cư Tý có Tham Lang độc thủ. Sách có câu "Tham Lang cư Tý như lãng lý hành thuyền", lại có câu "Tham Lang Hợi Tý danh vi phiếm thủy đào hoa"; cộng cả hai câu lại ý nghĩa đại khái mệnh cư Tý có Tham Lang vô chí hướng, đời sống trôi nổi bềnh bồng, thích rượu mê hoa chẳng nên tích sự gì cả. Đó là chưa kể lá số này thêm Kình hãm địa đồng thủ mệnh; chẳng có vẻ phù hợp gì với ông Ted Kennedy, dù chẳng được làm tổng thống cũng đã tung hoành ngang dọc ở thượng viện trên 40 năm! Vậy thì phải giải thích làm sao?
Xin thưa rằng vì "ngôn bất tận ý" các câu phú tử vi không thể luận một cách cứng ngắc mà phải hiểu theo lý tính của chúng. Trước hết, bốn chữ "thích rượu mê hoa" hoàn toàn đúng với ông Ted Kennedy. Bây giờ người ta tin rằng sự cố Chappaquiddick xảy ra vì lúc ấy ông đã quá say rượu mà còn ráng lái xe. Gần đây hơn, năm 1989, báo chí tung ra một bức hình chụp từ xa ông trần truồng nằm đè lên một người đàn bà cũng trần truồng ngay giữa sàn một chiếc ghe máy không mui ngoài khơi Coté d'Azure. Vụ này khiến ông bị một thượng nghị sĩ đồng nghiệp 'chơi' một câu khá đau là "I noticed that you had changed your position on offshore drilling!" (xin miễn dịch vì dịch là phản ý), nhưng nhanh chóng bị quên đi. Cuộc đời vốn nghịch lý như vậy: Kẻ đã hay phạm tội thì khi phạm thêm tội thường được giảm khinh hoặc chẳng bị kết án gì cả.
Nhưng dù hoang đàng thế nào đi nữa, đã thành tựu như ông Ted Kennedy thì lá số không thể nào tầm thường được. Quả nhiên nhìn lại ta thấy Tham Lang cư đúng vòng Thái Tuế (ở vị trí Quan Phù) lại được đủ cặp Hỏa Linh chia ra hai vị trí tam hợp phù tá, trở thành đại cách. Thêm nữa, thân cư quan có Sát Khoa Tả Hữu Kình Đà và hai cách hết sức tốt đẹp cho người làm chính trị bằng tài miệng lưỡi là Hổ Tấu và Tấu Cái. Điểm quan trọng ở đây là Sát Kình Đà đều thuộc kim, hoàn toàn phù hợp với bản mệnh kim của ông Ted Kennedy nên ông dễ thành tựu. 
Tiếc thay, Hỏa gây họa cho Sát, tam hợp thì bị Xương cùng cung khiến Phá thiếu quyết liệt, Kình cùng cung khiến Tham trở thành nông nổi. Giả như không bị những phá cách này thì biết đâu đã chẳng có vụ Chappaquiddick hoặc vẫn có nhưng quần chúng lờ đi, và nước Mỹ đã có hai nhiệm kỳ của tổng thống Ted Kennedy? 

Cha bá đạo làm sao con ngay thẳng?
Muốn thấy cái hại của Kình hãm địa đồng cung Tham Lang trong lá số của ông Ted Kennedy, ta phải trở về tuổi mới lớn khi ông còn là cậu con út cần cha mẹ bảo bọc. Thời gian này thuộc đại hạn thứ 2, vào cung phụ mẫu nên ta phải nói một chút về cung này.
Phụ mẫu ở Sửu có Đồng Cự hãm địa thêm Đào Hồng Hỉ Riêu Hình Không Kiếp bình thường phải luận cha mẹ chẳng ra gì nếu không muốn nói là khố rách áo ôm, sinh ly tử biệt. Nhưng kỳ diệu làm sao Cự Môn ở đây tự hóa Quyền, thỏa lẽ cùng tắc biến thành phản cách, giúp cha mẹ có thể thành tựu phi thường. Tuy nhiên, cộng hưởng sao vẫn quá kinh khủng nên ta biết cách thành tựu của cha mẹ cậu Ted phải nhuốm màu bất chính bá đạo. Quả đúng, vì cha cậu là ông Joseph Kennedy làm nên sự nghiệp một phần lớn bằng cách mua bán cổ phiếu bằng tin tức tay trong. Ngoài ra ông Joseph lại lợi dụng một giấy phép đặc biệt, mượn cớ nhập cảng rượu làm thuốc chữa bệnh để tích trữ rượu trong thời gian nước Mỹ có luật cấm rượu. Khi luật cấm rượu bị hủy bỏ năm 1933, ông tức thì tung số rượu tích trữ này ra và tha hồ hốt tiền mệt nghỉ.
Chủ trương làm ra tiền bằng mọi giá rồi dùng tiền để mua quyền, ông Joseph tung tiền ủng hộ ông Franklin Roosevelt tranh cử tổng thống với hy vọng được một chân tổng trưởng khi ông Roosevelt đắc cử. Tiếc thay ông chỉ được đền bù bằng chức an ủi là đại sứ Hoa Kỳ ở nước Anh năm 1938, rồi bị triệu hồi về nước năm 1940 sau khi ông biểu lộ cảm tình rõ rệt với Đức quốc xã và tỏ ra ghét cay ghét đắng người Do Thái. Bản thân không đạt mục đích chính trị, ông Joseph đổi trọng tâm sang bốn cậu con trai, cố giúp họ thành công bằng mọi nỗ lực và thủ đoạn. 
Trở lại đại hạn thứ hai 13-22 (ứng với thời gian 1944-1953) ở phụ mẫu. Năm 1950 cậu Ted theo bước chân cũ của các anh vào học ở đại học số một Harvard. Nhưng cuối năm thứ nhất, tức năm 1951 cậu bị đuổi học vì một tội hết sức trầm trọng là gian lận thi cử. Rõ ràng hơn, cậu nhờ người khác thi dùm một kỳ thi cuối khóa nhưng chẳng may bị bắt. Dữ kiện này hoàn toàn phù hợp với cái liều lĩnh nông nổi của mệnh có Tham ngộ Kình hãm địa. Đồng thời nó cũng phù hợp với tính bá đạo của cung phụ mẫu, nên diễn biến hợp lý là cha cậu ra tay cứu đứa con trai út. Nhờ thế lực của cha, cậu Ted được sang kinh đô hoa lệ Paris phục vụ hai năm trong tổng hành dinh của một cơ quan quân đội gọi là SHAPE. Tức là đi lính để chạy tội mà chẳng khác gì đi chơi.

Công danh đắc chí
Khi cậu Ted Kennedy mãn hạn ở SHAPE trở về Mỹ vận đã chuyển sang đại hạn 23-32 (ứng với thời gian 1954-63), quan lộc vào cung di nguyên thủy có thượng cách Tử Vi cư Ngọ hội họp Khúc Hữu lại hóa Quyền nên phát triển hết sức thuận lợi. Lại nhờ thế lực của cha, cậu được Harvard cho vào học lại rồi ra trường năm 1956. Tiếp đó cậu vào trường luật của đại học Virginia. Nơi đây cậu có cơ hội phát triển sở trường là tài hùng biện và khả năng thuyết phục người khác. Tiểu đăng khoa rồi đại đăng khoa, năm 1958 lấy vợ, năm 1959 ra trường luật và đậu bằng hành nghề. 
Năm 1960 ông anh thứ hai của cậu, tức John F. Kennedy, trở thành tổng thống trẻ nhất lịch sử Hoa Kỳ. Hai năm sau tức năm 1962 có cuộc bầu cử để tìm người thế chỗ John Kennedy trong thượng viện. Thật may mắn vì năm ấy cậu Ted vừa đủ tuổi tối thiểu để làm thượng nghị sĩ (tức 30 tuổi tây). Cậu ra tranh ghế này và thắng vẻ vang mặc dù chẳng có kinh nghiệm chính trị gì cả. Dễ hiểu, bởi vì lúc ấy nước Mỹ đang lên "cơn sốt Kennedy". Đã có tổng thống Kennedy (John) và bộ trưởng tư pháp Kennedy (Robert), thì thêm thượng nghị sĩ Kennedy (Ted) có vẻ là một an bài hợp lý.

Họa phúc khôn lường
Nhưng nếu con người thích an bài hợp lý thì trời đất lại có những an bài rất cay nghiệt nếu không muốn nói là ác nghiệt. Ông Joseph Kennedy không được hưởng trọn vẹn cái hạnh phúc tột đỉnh của người cha thấy cả ba đứa con trai của mình thành tựu trong năm 1962, vì một năm trước đó tức năm 1961 ông đã bị tai biến mạch máu não, người cứng đờ ra chỉ còn nói được vài chữ giản dị. Rồi ngày 22 tháng 11 năm kế tiếp là 1963 thì như chúng ta đều đã biết, tổng thống Kennedy bị ám sát chết ở Texas, hưởng dương 47 tuổi. 
Nhìn lại lá số tử vi, ta thấy cung phụ mẫu của đại hạn vào Mão có Nhật Lương hóa Lộc bị Thiên Hình và Thiên Địa Không xung chiếu. Nhật ứng với cha, lại rất sợ Hình cùng cung hoặc xung chiếu nên đây quả là lúc ông già bá đạo Joseph Kennedy phải trả nợ đời. Cái tương ứng nghiệt ngã của huynh đệ lại càng ly kỳ. Chính cách của cung huynh đệ nguyên thủy là Âm Dương Hợi Mão song Lộc. Cung quan của huynh đệ (tức cung điền) lại thành cách Nhật Lương song Lộc Quang Quý, thảo nào anh em của ông Ted Kennedy thành tựu phi thường. Tiếc rằng đại hạn huynh đệ gặp Không Kiếp Hình Riêu, đều là những hung thần phá hại chính cách Âm Dương. Thế nên đã thành công to thì phải có họa lớn kèm theo, làm sao tránh nổi?

Cái chết của Robert Kennedy và hậu quả Chappaquiddick
Tưởng trời xanh cay nghiệt như vậy là quá mức rồi, không ngờ sang đại hạn mới 33-42 (tức thời gian 1964-1973), hạn mệnh Thái Dương bị Hình ở thiên di xung, hạn huynh đệ có Vũ Khúc hóa lưỡng Kỵ (hóa Kỵ và tự Kỵ), thêm ác cách Linh Xương Đà Vũ; thảm họa lại tiếp tục đua nhau giáng xuống.
Đâ`u tiên là năm 1964. Tỏ lộ cái nông nổi của Tham Kình hãm địa cư mệnh, ông Ted Kennedy bất chấp lời khuyên của tả hữu, nhất định bay đi dự một cuộc họp mặt chính trị giữa lúc có bão to. Đây là việc tối kỵ vì lá số của ông có Phá Quân cùng cung với Xương hoặc Khúc dễ bị họa vì nước, tiểu hạn thiên di lại có Kình hãm địa. Kết quả là máy bay rớt, ông may mắn chỉ bị thương nặng rồi bình phục, nhưng phi công và một phụ tá thì chết thảm. 
Và rồi năm 1968, người anh thứ ba và cuối cùng của ông là Robert Kennedy bị ám sát trong khi tranh cử chức ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ! 
Cha bị tật nguyền, ba người anh đều chết thảm khốc; mất hết các điểm tựa trên cao, ông Ted Kennedy đâm khủng hoảng. Người ta khuyên ông bình tĩnh lại, biến đau thương thành hành động bằng cách thay ông Robert Kennedy ra tranh cử.
Nhưng phải chăng lại vì ảnh hưởng của Tham Kình mà ông không những chẳng đấu tranh vượt thắng mà còn vùi đầu tìm quên trong men rượu. Thời gian khủng hoảng này kéo dài đến khi xảy ra sự cố Chappaquiddick năm 1969 mà chúng ta đã nói ở trên. Sau đó ông tỉnh ra nhưng đã quá trễ rồi. 

Số không làm tổng thống
Năm 1972 ông Ted được ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ là George McGovern mời làm ứng cử viên phó tổng thống mà từ chối thì có lý, vì lúc ấy chỉ mới 3 năm sau sự cố Chappaquiddick. Nhưng năm 1974 tại sao ông lại tuyên bố quá sớm rằng sẽ không ra tranh cử năm 1976 mặc dù mọi cuộc thăm dò dân ý đều cho thấy rằng ông có xác xuất thắng rất cao? Câu trả lời đã nằm sẵn trong lá số, vì năm này (1974) đại tiểu hạn trùng phùng ở Thìn, mặc dù chính cung đắc cách Sát Kình Đà, nhưng quan lộc có Phá Xương nên thiếu sự quyết liệt cần thiết. Thật đáng tiếc vì đang ở đại hạn trùng cung thân đắc vị Bạch Hổ, tiểu hạn 1976 lại vào ngọ có Tử Vi hóa Quyền có lẽ là năm mà ông có xác xuất thắng cử cao nhất. 
Bốn năm sau (1980) ông ra tranh với đương kim tổng thống Carter thì thất bại não nề. Rất dễ hiểu vì tiểu hạn vào tuất, nghĩa là tiểu hạn quan ở Dần, bị lưỡng Kỵ thêm cách Linh Xương Đà Vũ nên quan vận khó được xứng ý toại lòng. Một công dụng thiết thực của khoa Tử Vi là nó cho ta biết khi nào ta được "chín bỏ làm mười" hoặc bị "sợi tóc chẻ làm tư". Hạn 1980 bất lợi chính là lúc "sợi tóc chẻ làm tư". Quả nhiên khi xuất hiện trong chương trình TV đầu tiên của cuộc tranh cử này, ông Ted liền bị người ta dồn vào chân tường bằng cách khơi lại vụ Chappaquiddick. Chới với, ông chỉ biết giả lả cho qua chuyện. Tiếp đó ông thua tơi tả ở mấy tiểu bang rồi rút lui không kèn không trống. 

Biết đâu là thượng cách
Năm 1982 là một khúc quanh rất lớn trong đời ông Ted Kennedy. Trước hết, hai vợ chồng ông tiến hành thủ tục ly dị sau gần 24 năm chung sống. Đây cũng là năm ông tuyên bố không có ý tranh cử tổng thống Hoa Kỳ nữa. Việc thứ nhất đáng tiếc, việc thứ hai khó hiểu vì lúc này ông chỉ mới 51 tuổi ta, trong chính trị thế vẫn còn quá trẻ, tại sao lại tuyên bố một câu như muốn tự cắt đứt triển vọng tương lai của mình như vậy?
Vì tiểu hạn năm 1982 vào cung mệnh nguyên thủy, có thể luận rằng ảnh hưởng bồng bột thiếu nghĩ suy của Tham Kình đã một lần nữa khiến ông Ted Kennedy làm chuyện dại dột. Nhưng người viết cho rằng vì dòng họ Kennedy quá đặc biệt ta không thể chỉ xét riêng ông Ted mà phải so sánh ông với 3 người anh đi trước. Đồng ý như vậy rồi thì sẽ thấy một bức tranh khác hẳn. Ta có thể chê ông Ted là thiếu cái tham vọng tột đỉnh của dòng họ Kennedy, nhưng cái tham vọng đó đã khiến ba người anh của ông yểu tử nên nghĩ cho cùng thì đã chắc gì hay. 
Còn ông Ted? Đời sống của ông có như Đoàn Chính Thuần hay không thì dĩ nhiên ông phải giữ bí mật, nhưng phần phong lưu thì ai cũng biết cả rồi. Ở nước Mỹ "chính trị" và "phong lưu" vốn là hai từ mâu thuẫn, vậy mà đến năm nay đã 73 tuổi ta ông Ted vẫn liên tục được cử tri dồn phiếu, tha hồ tung hoành ngang dọc trên sân khấu chính trị, chẳng cần phải nghĩ chuyện về hưu. Thế chẳng phải là cái thượng cách của người có Tham Lang thủ mệnh hay sao?
*.
San Jose, ngày 9 tháng 9, 2004
ĐẰNG SƠN (tên thật: Trần Đằng Sơn)
(bút danh khác: Thanh Y cư sĩ)
Địa chỉ: San Jose, California, Hoa Kỳ
.



…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email tranchicuong27@yahoo.com.vn gửi ngày 25.06.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

.

0 comments:

Đăng nhận xét