(Nguồn ảnh: internet) |
Thư đi thư lại:
VÀI
CHUYỆN VẶT VÃNH
(NGUYỄN BÀNG và CHU
VƯƠNG MIỆN)
Được tác gia, nhà giáo Nguyễn Bàng, hiện cư trú tại thành phố Hồ
Chí Minh chia sẻ những trao đổi qua email của Ông với nhà thơ Chu Vương Miện,
đang định cư tại Hoa Kỳ, vài
chuyện “vặt vãnh” về ngôn ngữ tiếng Việt, ví như: con chó, con lợn, con heo... hiểu thế nào cho đúng?
Trộm nghĩ những “quan tâm nho nhỏ” của 2 Ông chắc sẽ hữu ích với nhiều bạn đọc,
vì thế, trang Đặng Xuân Xuyến đã biên tập và trân trọng chia sẻ cùng bạn đọc.
Nhà thơ CHU
VƯƠNG MIỆN:
(Hoa kỳ: 18.06.2017)
Kính
anh!
Nếu có
thì giờ làm ơn phân biệt giúp em: CON CHÓ và CON MÁ.
Thế nào
là CHÓ và thế nào là MÁ và ĐỒ CHÓ MÁ?
Kính.
Nhà giáo NGUYỄN BÀNG
(Sài Gòn: 18.06.2017)
(Tác gia, nhà giáo Nguyễn Bàng) |
Mấy hôm
nay, tôi có chút việc nhà không mấy thì giờ lên mạng. Nay đọc thư bác, thấy bác
hay hỏi tôi nhiều câu hiểm hóc quá.
Tôi nhớ
hồi đầu học Trung học thời Pháp ở Hà Nội có tuần báo HIẾU HỌC do ông Bùi Cẩm
Chương làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Tờ báo giúp học trò hiểu thêm nhiều kiến
thức học đường và rất nhiều điều hay về mọi mặt trong đời sống qua hỏi đáp với
các nhân vật có những cái tên rất giản dị, vui và dễ nhớ dễ mến yêu như: ÔNG
TRƯỞNG HÓM, một người nhiều tuổi nhưng rất vui tính và yêu trẻ/ CHỊ HIỀN, một
người chị xinh đẹp và hiền hậu/ ANH CÀ SẾU cao gầy lẳng khẳng nhưng hay giúp đỡ
mọi người. Đặc biệt CHÚ BÁCH KHOA, trẻ trung với đôi kính dày cộp biết tuốt, ai
hỏi gì cũng sẵn lòng giải đáp.
Tôi đã
học được ở ông Trưởng Hóm một chút lòng yêu trẻ, ở Chị Hiền một chút tính hiền
hậu, ở Anh Cà Sếu một chút tinh thần giúp đỡ người khác nhưng cái đầu tôi thì
không sao có được nhiều kiến thức như Chú Bách Khoa! Ôi, ước gì tôi có được cái
đầu như chú Bách Khoa thời ấy!
Nay bác
hỏi: Thế nào là CHÓ và thế nào là MÁ và ĐỒ CHÓ MÁ?
Thôi thì
nghe được đến đâu thì trao đổi cùng bác đến đó cho vui tuổi già trong buổi
hoàng hôn.
CHÓ thì
khỏi nói nhiều.
Còn MÁ,
thì có nhiều kiểu giải thích khác nhau:
a/ Theo
một số người đi đây đi đó tỏ ra biết nhiều thì:
má
= chó - một vài vùng vẫn gọi con chó là má/ như tu má (con chó) trong tiếng
Thái, người Tày Nùng cũng gọi con chó bằng tiếng na ná như má! (?)
b/ Theo
các nhà ngôn ngữ học thì:
chó má
là một từ kép, từ đôi được cấu tạo gồm một từ gốc, hay còn gọi là từ căn - từ
Hán Việt, "căn" nghĩa là gốc, kết hợp với một từ mà có nhà nghiên cứu
Việt ngữ gọi là "từ đệm" với nghĩa đệm vào, thêm vào, thành từ đôi
cân xứng, nói nghe đỡ "cụt", đỡ "cộc". Ví như tre pheo,
làng mạc, nước nôi, gà qué, chó má, thuế má, ngựa nghẽo, đất đai, tối tăm, sáng
sủa, v.v.
Và giảng
giải thêm:
Từ đôi
có khi là từ ghép bằng hai tiếng cùng Nòi khác sắc. Hai tiếng cùng Nòi có thể
đều là của Việt, có thể một của Việt, một mượn của tộc khác miễn là nó cùng Nòi
(tức đồng nghĩa) để khái niệm thành ý Nhiều (hơn). Ví dụ cùng Nòi “gà” thì Gà
(từ Việt) ghép với Qué ( từ Hoa, Qué=Kê) thành từ đôi Gà Qué có nghĩa là nhiều
loại gà; cùng Nòi “tre” thì Tre ( từ Việt) ghép với Pheo (từ Mường) thành từ
đôi Tre Pheo có nghĩa là nhiều loại tre; cùng Nòi chó thì Chó (từ Việt) ghép
với Má (từ Tày) thành từ đôi Chó Má có nghĩa là nhiều loại chó.
Cách
giải thích này cũng thừa nhận người Tày gọi chó là má.
c/ Theo
các tay hay lý sự, lắm lẽ nhiều lời thì:
Để phân
biệt con má và con chó chỉ 1 cách duy nhất: Khi ăn thịt chó thấy vài con vật
bốn chân, sủa gâu gâu lẩn quẩn bên cạnh; ta vứt cục xương xuống đất; nếu con
vật nào bỏ chạy thì đó là con chó. Con vật nào nhảy xổ tới ăn thì đích thị là
con má.
Từ đó
suy ra, con chó có thể ăn bẩn nhưng dứt khoát không bao giờ ăn thịt đồng loại.
Còn con má thì đến thịt đồng loại cũng không từ.
Cũng từ
đó suy thêm, trong dân gian thường nói “người - ngợm”. Vậy ngợm là con
gì?
Ngợm
cũng đi bằng hai chân, mặc quần áo, mang hia, đội mũ, có trí tuệ, có tiếng nói,
ăn thượng vàng hạ cám từ cao lương mỹ vị đến bắp luộc, khoai nướng nhưng khác con
người ở chỗ con người có thể ăn đủ thứ nhưng ko bao giờ ăn thịt đồng loại, ngợm
thì đến thịt đồng loại cũng sẵn sàng ăn sống nuốt tươi.
Trong
thế giới loài chó, chó nhiều nhưng má thì rất hiếm; ngược lại trong xã hội loài
người hình như ngợm hơi bị... không ít.
Cách
giảng giải của các tay lý sự này mang màu sắc ngôn từ Ba Giai Tú Xuất bông đùa,
trêu cợt và đặc biệt là hàm ý đả kích vào những thói hư, tật xấu của một số con
người nặng về phần con hơn phần người.
d/ Theo
những người dốt đặc còn hơi hay chữ lỏng trong đó có tôi thì:
Nói cho
nhanh là: Trời sinh ra cái tiếng Việt là thế. Chó má luôn đi chung với nhau khi
người ta cần dùng hai tiếng đó, không thể cắt nghĩa từng tiếng được.
Trong
dân gian, người ta dùng hai tiếng “Chó má” làm một tiếng chửi: Đồ chó má chỉ kẻ
bần tiện, thô bỉ cũng giống như khi chửi Đồ lang sói nhằm cho kẻ gian manh tàn
ác.
Người
Pháp chửi nặng nhất là: Đồ con lợn nhưng người Nga lại là Đồ chó đẻ, Việt Nam mình thì là
Đồ chó má nhưng Đồ chó má vẫn chưa tồi tệ xấu xa bằng cái Đồ mặt l..
(Mặc dù
cái l..luôn luôn được “Chúa dấu vua yêu một cái này”)
Nhà thơ CHU
VƯƠNG MIỆN:
(Hoa kỳ: 18.06.2017)
(Nhà thơ Chu Vương Miện) |
Thưa
Bác, bài Bác hồi âm cho Chu Vương Miện đúng gần hết, tuy nhiên Chu Vương Miện
cũng bắt chước bác mà nói Vớt cho vui, theo sự hiểu biết sơ sài cùa Chu Vương Miện
thì như sau:
Đế quốc
Chăm Pa, là người Chăm, người lai giữa Ê Đê (Rhade) và người Chăm là người
Ragiai "RaRhai hay Gialai" những người này goi Ma Chó hay Ma Gà, có
nghĩa là Con Chó hay Con Gà, từ Ma chỉ thứ vị thứ ba , (không có đực cái).
Chẳng
hạn từ "A Mỉ Ma Thuột" có nghĩa là Làng của Mẹ con Thuột, mà không có
nghĩa là Con mà cũng không có nghĩa là Thằng, sau đó thì chuyển thành Buôn Ma
Thuột "tức là làng của thằng Thuột" người Việt chuyển thành Ban
Mê Thuật (không có nghĩa gì cả?)
Các
dân tộc ít người ở các tỉnh sát biên giới Việt Trung như "Hà Giang
Lào Cai Bắc Cạn, Cao Bằng Lạng Sơn Quảng Ninh”, như người Giao người Tày,
Nùng, người Mèo, Mán, người Thái Đen và Trắng thường gọi là con Má (con
Chó). Những miền đất này thường là nuôi con Má (chứ không nuôi con Chó) ví dụ
như quê nội của CVM ở Quảng Ninh chỉ nuôi con Má (và quê ngoại của Chu Vương
Miện) ở Kiến An Hải Phòng chỉ nuôi được con Chó.
Con Chó
và Con Má bề ngoài thì y như nhau, nhưng nhìn kỹ thì phân biệt được con nào là
con Chó và con nào là con Má, con Chó thì lưỡi nó loang như da con trăn, con Má
thì lưỡi nó trắng y như lưỡi người ta, con Chó thì nuôi ở miền Trung Du Đồng
Bằng, không có tinh miễn dịch, nếu bị rắn độc cắn là chêt ngay (nếu chữa trị
không kịp), trái lại con Má nuôi trên vùng mạn ngược tức Thượng Du, có tính
miễn dịch như con bò là bất cứ loại rắn độc nào cắn cũng không chết (không
sao cả), mà sức chịu đựng nóng lạnh cao hơn con Chó. Tuy nhiên con Chó khôn hơn
con Má, là con Chó không bao giờ ăn xương đồng loại, còn con Má thì xơi tưốt.
Tờ Giấy
là tờ Giấy Trắng, nhưng Giấy Tờ là Tờ Giấy đã dùng để viết "Văn Tự hay Văn
Khế" gọi là Giấy Má, khai thuế chỉ 1 lần là xong thì gọi là Thuế nhưng
khai đi khai lại vài lần là Thuế Má.
Má là
chỉ những cái gì rau mơ rễ má, lòng thòng làm đi làm lại mãi mới xong? Ở
đời cái gì xuông xẻ thì không ai nói tới, hoặc có nói tới thì cũng ngon như “miếng
dồi chó”, hoặc Ngon như xáo Chó, lỡ mà không ra sao cả, thất bại thì thõng tay
mà thốt lên rằng: - Đúng là đồ Chó Má
Nhà giáo NGUYỄN BÀNG
(Sài Gòn: 18.06.2017)
Cảm ơn
bác đã trả lời đầy lý thú.
Người
Chăm hay người Thái, người Tày có thể họ gọi con chó là con má. Nhưng con chó
khác con má như bác giải thích: “Con Chó
và Con Má bề ngoài thì y như nhau, nhưng nhìn kỹ thì phân biệt được con nào là
con Chó và con nào là con Má, con Chó thì lưỡi nó loang như da con trăn, con Má
thì lưỡi nó trắng y như lưỡi người ta,…” thì tôi thấy chưa được
thuyết phục lắm. Bởi nếu đúng thế thì các sách từ điển tiếng Việt, tiếng Thái
…và các sách về động vật học sẽ không bỏ qua con vật là con má và chắc chắn đã
có rất nhiều bài viết và tranh ảnh về con vật này. Giáo sư, Nhà giáo nhân dân
Đào Văn Tiến (1920 - 1995) là nhà sinh học Việt Nam , đặc biệt có nhiều công trình
trong lĩnh vực động vật học. Nhưng đọc một số sách của ông, tôi cũng không nhìn
thấy con má nào cả. Bây giờ “Cái gì không
biết thì tra Gu gồ” nhưng tôi tra ông Gu gồ đến mỏi tay cũng đâu có thấy
hình con má.
Năm
1895, từ điển của Huỳnh Tịnh Của lại giải thích khác hẳn như thế này: "chó má" ý là "Bộ ngộ nghĩnh, dễ thương. Nói về con nít".
Tôi dốt
đặc, vì vậy tôi nghiêng về lý lẽ của anh dốt đặc còn hơi hay chữ lỏng: Chó má
là chó má thế thôi! Nó không phải chỉ là con chó mà cũng không phải chỉ là con
má mà là một tiếng chửi những kẻ bần tiện, thô bỉ. Nay bác thêm ý: “ở đời cái gì xuông xẻ thì không ai nói tới,
hoặc có nói tới thì cũng “ngon như miếng dồi chó” hoặc Ngon như xáo Chó, lỡ mà
không ra sao cả, thất bại thì thõng tay mà thốt lên rằng: - Đúng là đồ Chó Má”
Tôi thấy
cũng chưa chuẩn. Trong trường hợp này người ta chỉ thốt lên hai tiêng: Chó
thật! hoặc Chó thế, như Tú Xương đã thốt: “Tế"
đổi làm "Cao" mà chó thế!”
Còn đồ
chó má thì là chửi người khác chứ không lẽ tự chửi mình!
Tiện đây
tôi cũng nhắc lại, câu chửi đồ chó má chưa phải là một câu chửi tệ hại và thô
tục của người mình, câu chửi tệ hại và thô tục thông thường nhất vẫn là câu: Đồ
mặt l..! Mặc dù cái ấy không hề xấu xa thô bẩn mà nó còn được “Chúa dấu vua yêu
một cái này”
Nhà thơ CHU
VƯƠNG MIỆN:
(Hoa kỳ: 26.06.2017)
Xin bác
diễn giải:
Từ CON
LỢN miền BẮC theo chân vua GIA LONG vào NAM rồi tự nhiên được chuyển thành
HEO?
Câu này
bác chỉ suy luận, không có sách nào nói cả.
Em là
người nghiên cứu Văn học, nếu cái gì cũng có sách thì mình còn nghiên cứu cái
gì?
Kính
Nhà giáo NGUYỄN BÀNG
(Sài Gòn: 26.06.2017)
Bác là
người nghiên cứu không chỉ văn thơ mà còn nhiều lĩnh vực khác, vậy bác thừa
biết về hai tiếng HEO VÀ LỢN. Tôi chỉ nghe để biết và thấy như vầy:
Một hôm,
tôi hỏi bà hàng xóm người Nam
chính tông vừa đi chợ về, bà mua đâu mà có miếng thịt lợn ngon vậy? Thì bà ấy
đáp, Dạ, chợ hôm nay nhiều thịt heo ngon lắm, mua quầy nào cũng có ông Hai ạ!
Như vậy người Nam
cũng hiểu lợn là heo và người Bắc cũng hiểu heo là lợn. Nó khác chuyện
này:
Một lần
vào chợ đến phản thịt lợn, tôi bảo cô bán thịt cân cho ba lạng thịt thăn thì
xem ra cô ấy không hiểu tôi muốn mua bao nhiêu nên hỏi lại tôi, chú mua mấy
trăm gờ ram? Tôi trả lời lại, ba trăm gờ ram thì cô ấy cắt thịt cân ngay.
Về HEO
và LỢN, tôi nghe được như vầy:
1/ Theo
cách giải thích trong dân gian:
Người
Miền Nam phần lớn là những di dân từ Miền Trung, (Thanh Nghệ Tĩnh), tiếng
nói của họ nặng, khi phải bẩm trình với quan lớn, họ lại phát âm thành “quan
lợn”. Quan cho là vô phép nên sai lính lấy hèo phạt, ai bẩm “quan lợn” là phạt
đòn 10 hèo. Nhiều người bị phạt hèo như vậy, nên khi thấy con lợn họ hình dung
ngay ra những cây hèo vút vào mông họ, họ bèn mỉa mai gọi con lợn là “con hèo”.
Rồi để khỏi lầm lẫn con lợn với cây gậy quái ác ấy, họ bớt đi dấu huyền, còn
lại là con heo.
2/ Theo
sách vở thì Paulus Huỳnh Tịnh Của là một học giả người Miền Nam,
trong Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, ông đã giải nghĩa lợn là con heo, là
giống lục súc béo hơn hết”.
Cách
giải nghĩa của Paulus Của đúng như con lợn tự khoe trong tác phẩm Lục Súc Tranh
Công mà tôi đã được học năm lớp Đệ Thất Trung học: “Nội trong hàng lục súc với nhau/ ai sánh đặng mình heo béo tốt?”.
Mà Lục
súc tranh công là một tác phẩm nôm khuyết danh có rất phần tiếng miền trong ở
vùng Nghệ Tĩnh trở vào. Nhưng về giọng và lối văn thì khá chải chuốt và âm vận
du dương, khác với những thể văn chất phác ở thời cổ nhiều, chắc là xuất xứ từ
thời Lê mạt hoặc đầu Nguyễn. Xem vậy thì tiếng “heo” có từ lâu rồi chứ không
phải mãi khi người miền Nam
đông đảo mới có. Theo tôi, lợn hay heo là cách gọi theo cách nói vùng miền mà
thôi, giống như người Hà Tĩnh nói con lợn là con lạn, con cá là con cúa.
3/ Các
cách giải thích khác:
a) Theo
những người có tính hài hước, thích đùa thì: con heo thì ăn bắp, con lợn thì ăn
ngô.
b) Theo
dân thích xem phim sex thì: Con Heo đóng phim người lớn trong các phim gọi là
phim con heo, con Lợn đóng phim thiếu nhi như phim Hiệp sĩ Lợn. Nhưng người Bắc
cũng gọi là phim con Heo chứ không là phim con Lợn và các dịch giả dẫu chính
gốc dân Nam khi dịch phim hay truyện cho thiếu nhi vẫn luôn dịch là Lợn như
trong truyện Hoàng tử Lợn hay phim Hiệp sĩ Lợn mà không dịch là Hoàng tử Heo
hay Hiệp sĩ Heo!
b) Theo
một nhà nghiên cứu được mệnh danh là Học giả đường phố là ông An Chi giải thích
khá chi tiết thì:
Thực
ra, người Đàng Trong cũng từng gọi “heo” là “lợn”. Từ Đàng Ngoài, họ đã đem
theo “lợn” vào Đàng Trong. Bằng chứng là Dictionarium Anamitico Latinum
(1772-73) của Pierre Pigneaux de Béhaine, lấy tiếng Đàng Trong làm nền tảng,
cũng đã ghi nhận cho ta mục “lợn” với 3 mục phụ: “giỏ da lợn”; “bánh da lợn” và
“thịt lợn”. Đặc biệt, trong Đại Nam quốc âm tự vị, Huình-Tịnh
Paulus Của còn ghi nhận danh ngữ “màu da
lợn” với lời giảng “màu da heo, có
nhiều sắc trắng đỏ xen lộn, cũng như lớp nạc, lớp mỡ”. Danh ngữ kép này
cũng được tỉnh lược thành danh ngữ đơn “da lợn” để chỉ màu sắc và dáng vẻ, như
trong “bánh da lợn” mà H.-T. Paulus Của giảng là “bánh làm giống cái da heo, phân ra trắng đỏ nhiều lớp”.
Đây là
chuyện trong Nam nhưng ngoài Bắc thì vẫn có xài “heo” mà cái chứng cứ rõ rệt
nhất là thành ngữ “nói toạc móng heo”, vốn không phải là sản phẩm của Đàng
Trong. Vậy thì cả “lợn” lẫn “heo” đều xuất phát từ Đàng Ngoài và ta có thể
ngược lên nguồn mà suy luận rằng, trước kia đã có một sự phân công - mà ta chưa
biết được lý do - khiến cho “lợn” thì đi với “da” thành “da lợn” mà “heo” lại
đi với “móng” thành “móng heo”. Và lưu dân đã đem “da lợn” từ Đàng Ngoài vào
Đàng Trong rồi dùng danh ngữ này mà đặt tên cho một thứ bánh được làm ra là
“bánh da lợn” - mà Đàng Ngoài không có - sau khi họ tiếp xúc với người Miền
Dưới (tức Malaysia và Indonesia) về phương diện ẩm thực. Cái bánh này đã chết
tên trước khi dân Đàng Trong thay “lợn” bằng “heo” theo xu hướng “dị hóa ngôn
ngữ” với Đàng Ngoài kiểu thay “bát” bằng “chén”, “ô” bằng “dù”, “cốc” bằng
“ly”, “khỏe” bằng “mạnh”, “ốm” bằng “đau”, “gầy” bằng “ốm”, “đun” bằng “nấu”,
“là” bằng “ủi”, v.v…
Còn
chuyện “phim con heo chứ không phải phim con lợn” thì không khó giải thích vì
về mặt văn hóa - xã hội thì trước 1975, dân miền Nam có điều kiện công khai xem phim
sex mà miền Bắc thì không. Do đó, cái tên “phim con heo” ra đời ở miền Nam là
chuyện thường tình và sau khi đất nước thống nhất thì loại phim đó đã chết tên
trên các phương tiện truyền thông từ trước.
Cách lý
giải của ông An Chi về phim con heo + phim sex như trên, theo tôi cũng chưa
thoả đáng. Người phương Tây gọi phim sex, phim cấp III, phim xxx…còn người Nhật
thường gọi những phim ấy là phim Người lớn. Nhưng khi các phim ấy vào Việt Nam
thì được gọi là phim con heo vì, dân ta và cả dân Trung Quốc xưa thường dùng
khái niệm “con heo” để chỉ sự quan hệ tình dục (làm tình) vì lý do đơn giản là
con heo thân hình trần trụi, không có lớp lông như quần áo che bọc bên ngoài,
như con người khi quan hệ tình dục vậy.
Trong
một quyển chính sử của Việt Nam
là Đại
Việt sử ký toàn thư có chép như sau: “Năm Quý Dậu (1513) tháng Giêng, ngày 26, nhà Minh bên Trung Quốc sai sứ
sang nước ta sắc phong cho vua Lê Tương Dực làm An Nam Quốc vương. Phó sứ Hy
Tăng trông thấy vua Tương Dực có tánh mê sắc dục, dâm ô nên nói với chánh sứ
Nhược Thủy rằng: “Quốc vương An Nam tính háo dâm nên là vua heo (Trư vương)”
(SĐD, Hoàng Văn Lâu và Ngô Thế Long dịch, tập III, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội,
1993, trang 65). Như vậy, khái niệm “con heo” để chỉ hành vi dâm ô, đồi trụy,
nặng chất tình dục (sex) đã có ở nước ta từ thời đó hay trước nữa rồi, chứ
không phải chờ đến khi người Tây đưa phim sex qua nước ta mới có.
Chào tạm
biệt bác!
Mời thư giãn với tiểu phẩm ÔNG ĐỒ
thơ Vũ Đình Liên, qua diễn ngâm của nghệ sĩ Quốc Anh:
*
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com
.
.
........................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác
giả gửi qua email ngày 21.04.2018.
- Bài viết không thể hiện quan
điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét