“ĐẶC KHU 99 NĂM” - TIẾNG NÓI CỦA NGƯỜI DÂN - Nhiều Tác giả

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
ĐẶC KHU 99 NĂM -
TIẾNG NÓI CỦA NGƯỜI DÂN
Nhiều tác giả
Hà Nội biểu tình chống Trung Quốc
*
NGHỊCH LÝ VỀ ĐẶC KHU KINH TẾ
(Nguyễn Quang Dy)
Gần đây, dư luận quan tâm và tranh cãi nhiều về dự luật “đơn vị hành chính -kinh tế đặc biệt” (gọi tắt là “đặc khu kinh tế”) sắp được Quốc Hội “bấm nút” thông qua. Dự kiến ba đặc khu kinh tế đầu tiên là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) có kinh phí đầu tư là 1.570.000 tỉ VNĐ (tính đến năm 2030). Tuy không phản đối khái niệm “đặc khu kinh tế” (special economic zone) và chưa biết họ lấy tiền từ đâu để đầu tư nhưng tôi không ủng hộ ba đặc khu kinh tế nói trên, vì các lý do sau.
Bối cảnh
Tuy đối với các nước có nền kinh tế chuyển đổi (như Việt Nam), đặc khu kinh tế vẫn là một mô hình phát triển hấp dẫn, nhưng dường như đã lỗi thời và có nhiều bài học thất bại. Nó đòi hỏi những điều kiện nhất định, vì vấn đề không phải là làm cái gì (what) mà là làm thế nào (how). Mọi chuyện đều có thể, nhưng “sai một ly đi một dặm”. Nếu đủ điều kiện và phát triển đúng hướng/đúng cách, nó có thể là đòn bẩy kinh tế và đầu tàu phát triển (như Thâm Quyến). Dubai là một bài học thành công mà nhiều nước khác muốn bắt chước. Nhiều người Việt đã từng mơ ước biến Chu Lai thành Dubai của Việt Nam, hay biến Phú Quốc thành Singapore của Việt Nam. Singapore thành công vì có Lý Quang Diệu (Việt Nam không có). Dubai thành công vì không có yếu tố Trung Quốc (Việt Nam có quá nhiều).
Tuy ý tưởng về đặc khu kinh tế không mới, nhưng người ta đã chóng quên bài học xấu về các dự án lớn như “đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng”, khai thác bauxite Tân Rai & Nhân Cơ (Tây Nguyên), cũng như kinh nghiệm xấu tại Chu Lai (Quảng Nam, 2003), Dung Quất (Quảng Ngãi, 2005), Nhơn Hội (Bình Định, 2005), Chân Mây (Thừa Thiên, 2006), Vân Phong (Khánh Hòa, 2006), Phú Yên (Phú Yên, 2008). Tại sao các nơi đó thất bại? Cái gì đảm bảo ba đặc khu mới này sẽ thành công? Nếu Việt Nam không cải tổ thể chế để kiểm soát quyền lực và tham nhũng, thì các mô hình phát triển tương tự sẽ lặp lại bài học “lợi bất cập hại”.
Khi tài nguyên ngày càng cạn kiệt và quỹ đất ngày càng khan hiếm, các nhóm lợi ích tất nhiên sẽ đua nhau tận thu bằng nhiều cách, như tăng thuế (VAT, thu nhập, tài sản), tăng giá (xăng dầu, điện, nước), tăng phí (như BOT). Đặc khu kinh tế là một miếng mồi ngon mà họ sẽ vận động để có phần. Trong khi Trung Quốc ráo riết quân sự hóa và kiểm soát Biển Đông, không cho người Việt khai thác dầu khí và đánh cá trong vùng biển của mình, chắc họ sẽ tăng cường bành trướng thế lực để chiếm các vị trí hiểm yếu trên đất liền. Đặc khu kinh tế là một miếng mồi ngon mà họ thèm muốn. Các nhóm lợi ích Việt Nam có thể câu kết với các tập đoàn Trung Quốc (vì song trùng lợi ích) để thao túng chính sách và dự án.
Tuy năng lực quản trị-điều hành của các cấp chính phủ (nhất là địa phương) còn yếu kém, nhưng lòng tham vô đáy, nên họ dễ bị các nhóm lợi ích thao túng. Trong khi bài học đau đớn về Formosa và bauxite Tây Nguyên còn chưa quên, thì bê bối về các dự án đầu tư công tại Ninh Bình đang làm dư luận giật mình kinh hoàng. Dù Ninh Bình không phải là đặc khu kinh tế, nhưng đã là “vương quốc” riêng. Các nhóm lợi ích không chỉ “ăn của dân không từ một cái gì” (như bà Nguyễn Thị Doan nói) mà họ còn “ăn tàn phá hại” và để lại những hệ quả khôn lường, không chỉ về kinh tế và xã hội, mà còn về an ninh quốc gia.
Bức tranh kinh tế
Theo chuyên gia Vũ Quang Việt, các đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc “đặt lợi ích nhóm lên hàng đầu”. Các quy định trong dự luật về đặc khu chủ yếu nhằm vào thị trường địa ốc (property) và đánh bạc (casino) chứ không nhằm thu hút đầu tư công nghệ cao. Trong khi đó, cái mà Việt Nam cần là công nghệ cao và giáo dục để tăng năng suất lao động, phát triển công nghiệp và kinh tế trí thức, chứ không phải là phát triển địa ốc và casino. Ông Việt cho biết trong giai đoan 2011-2016, năng suất lao động trong khu vực công nghiệp tại Việt Nam tăng (hàng năm) rất thấp (chỉ đạt 2.9%), trong khi triển vọng tăng GDP (bình quân hàng năm) không thể cao hơn 5.0%, nếu năng suất lao động không tăng cao hơn 4.0%. Đó là một “hiện tượng kinh tế kỳ lạ”, và là một nghịch lý phát triển tại một đất nước mà năng suất lao động vào loại thấp nhất thế giới (thấp hơn Singapore 15 lần).
Do không có cuộc tranh luận (debate) để đánh giá nghiêm túc và định lượng cụ thể các mặt lợi & hại về kinh tế-xã hội cũng như về địa chính trị, nên dễ dẫn đến tình trạng ngộ nhận (do chủ quan duy ý chí) hoặc bị động làm liều (do các nhóm lợi ích thao túng) nên dễ mắc sai lầm (như trước đây). Có mấy kịch bản có thể xẩy ra: Thứ nhất, chắc sẽ có một cơn “sốt đất mới” (new land rush) trong một thị trường địa ốc vốn đã quá nóng do giá đất đã bị giới đầu cơ địa ốc đẩy lên khá cao (thậm chí từ khi mới đồn đại về đặc khu). Thứ hai, dễ xuất hiện “bong bóng địa ốc” (property bubble) có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng cung-cầu (over supply) làm bức tranh kinh tế càng thêm méo mó và hỗn loạn. Thứ ba, do hệ quả của 2 hiện tượng nói trên, các đặc khu này sẽ không hấp dẫn đối với giới đầu tư công nghệ cao, vì họ cần một môi trường đầu tư sạch và một hệ sinh thái kinh doanh lành mạnh hơn.
Trong khi kêu gọi đầu tư cho công nghệ 4.0 thì những gì đang diễn ra tại các đặc khu này chỉ là tư duy kinh tế 1.0. Nếu định dùng ưu đãi cho thuê đất 99 năm để hấp dẫn đầu tư công nghệ cao thì không thực sự cần thiết, vì giới đầu tư công nghệ 4.0 không cần quyền sử dụng đất lâu dài. Để kinh doanh theo chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu, nhà đầu tư luôn cần kết nối với hệ thống hạ tầng và hệ sinh thái kinh doanh, mạng lưới đối tác và các tổ chức trung gian về tài chính, các dịch vụ chuyên nghiệp và nguồn lao động tay nghề cao, là những thứ mà các đặc khu kinh tế này không có. Điều duy nhất mà nó có chỉ đơn giản là thiết lập một không gian tự do kinh doanh trong một môi trường kinh doanh không tự do. Những ưu đãi đặc biệt thực ra chẳng có gì đặc biệt. Vậy mục đích thực sự của đặc khu kinh tế là gì (ngoài bất động sản)? Câu trả lời nhãn tiền là “casino và redlight” vì đây là nơi duy nhất (tại Việt Nam) họ được phép hành nghề tự do. Nhưng còn một lý do nữa mà nhiều người nghĩ đến nhưng ngại nói ra (vì sợ nhạy cảm) là yếu tố Trung Quốc. Ngoài ra không có gì khác.
Bức tranh chính trị-xã hội 
Hành lang pháp lý của đặc khu quy định nhiều quyền hạn cho “chủ tịch đặc khu” như lãnh chúa (hay “vua con”) có quyền cho phép nhà đầu tư nước ngoài thuê đất 70 năm đến 99 năm (nếu được Thủ tướng đồng ý), và có quyền chọn thầu, ký hợp đồng lao động, tuyển công chức…Các nhà đầu tư được miễn thuế thuê đất 30 năm, có thể bán lại tài sản và thừa kế tài sản. Một số chuyên gia cho rằng cho thuê đất tối đa 99 năm chỉ có lợi cho các đại gia bất động sản, trong khi đó 85% các nhà đầu tư khẳng định chính sách ưu đãi thuế là không cần thiết (theo World Bank). Người nước ngoài được phép làm việc 180 ngày/năm (mà không cần giấy phép lao động). Họ chỉ cần đầu tư 110 tỷ VNĐ ($5 triệu) là được cấp thẻ tạm trú 10 năm. Người Việt được phép vào chơi casino, và được miễn thuế thu nhập cá nhân trong vòng 5 năm (và giảm tiếp 50% sau đó). Những ưu đãi này sẽ dẫn đến một làn sóng di dân mới, đặc biệt là lao động giản đơn từ Trung Quốc và các nước láng giềng khác, làm đảo lộn cơ cấu dân số (demographic structure) và có thể làm gia tăng tệ nạn xã hội và tội phạm như tình trạng “miền Tây Hoang dã” (Wild West). Đồng thời, đặc khu kinh tế còn là “cái nôi đặc biệt” (special cubator) cho chủ nghĩa tư bản thân hữu (hay “tư bản đỏ”).
Theo giáo sư Minxin Pei, sự cấu kết của “chủ nghĩa tư bản thân hữu” (crony capitalism) làm cho quá trình dân chủ hóa sẽ gặp khó khăn, rắc rối. Kịch bản dân chủ hóa do tầng lớp trung lưu dẫn dắt rất khó xảy ra dưới chế độ tư bản thân hữu (tại Trung Quốc). Các di sản của chủ nghĩa tư bản thân hữu (như tình trạng bất bình đẳng về tài sản, chính quyền địa phương mafia, cấu kết với các đại gia có đặc quyền) sẽ tạo điều kiện cho những kẻ chiếm đoạt được nhiều tài sản lớn sử dụng quyền lực chính trị để trấn áp các nhân tố dân chủ mới làm cho họ không thể phát triển. Chế độ thối nát (regime decay) sẽ hủy hoại thanh danh chế độ Đảng/Nhà nước bằng ba cách. Thứ nhất, khi các nhóm lợi ích hình thành và xâm nhập vào mọi ngõ ngách của chế độ, chúng sẽ thao túng quyền lực chính trị, biến quyền lực của chế độ thành công cụ quyền lực riêng. Thay vì phục vụ lợi ích của chế độ, chúng chỉ mưu cầu lợi ích riêng. Thứ hai, mạng lưới tham nhũng sẽ tranh giành quyền lực và lợi ích nhóm, làm suy yếu sự thống nhất của Đảng. Thanh trừng nội bộ gia tăng sẽ gây nguy hiểm cho sự an toàn cá nhân của lãnh đạo cấp cao. Thứ ba, khi tham nhũng cấu kết và lan rộng trong bộ máy an ninh của Đảng/Nhà nước, chắc chắn nó sẽ hủy hoại sự trung thành và hiệu quả của các thể chế trụ cột mà Đảng/Nhà nước đang dựa vào để tồn tại. (China’s Crony Capitalism, Minxin Pei, Harvard University Press, 2016).
Trong khi một số người cho rằng Phú Quốc có thể phát triển như Singapore (theo nghĩa tốt), một số người khác cho rằng Vân Đồn có thể trở thành Cremea (theo nghĩa xấu). Nhưng câu chuyện thành công của Singapore (the Singapore Story) dựa trên những tiền đề hoàn toàn khác. Ông Lý Quang Diệu từng nói: “Lẽ ra vị trí số một ở châu Á phải là của Việt Nam”. Theo ông, vị trí địa lý chiến lược, tài nguyên thiên nhiên phong phú là hai yếu tố hàng đầu có thể đưa Việt Nam trở thành “người khổng lồ ở châu Á”. Nhưng đáng tiếc ngày nay năng suất lao động của người Việt Nam chỉ bằng 1/15 của người Singapore (hay 1/5 của người Malaysia, 2/5 của người Thailand). Ông khẳng định sự thành công của một quốc gia bao gồm ba yếu tố chính là: (1) điều kiện tự nhiên (như vị trí chiến lược và tài nguyên thiên nhiên), (2) con người, và (3) thời cơ, nhưng căn bản nhất vẫn là yếu tố con người… Vì vậy Ông Lý Quang Diệu rất tiếc vì Việt Nam không biết trọng dụng nhân tài, và cho rằng nhân tài của Việt Nam đã định cư ở nước ngoài hết rồi. (Việt Nam trong mắt Lý Quang Diệu, Cao Huy Huân, VOA, 14/9/2014).
Bức tranh an ninh quốc gia
Giả sử các đặc khu kinh tế đó có thành công nhất định (trước mắt) về du lịch, địa ốc và casino, thì sẽ phải trả giá về vị thế địa chính trị và an ninh quốc gia. Nói cách khác là “lợi bất cập hại”. Nếu điều 62 về Luật Đất đai là một lỗ hổng chính sách, bị các nhóm lợi ích thao túng, thì điều 69 là cánh cửa mở rộng cho Trung Quốc xâm nhập Việt Nam…Tại dự án thép Formosa (Hà Tĩnh) và dự án giấy Lee & Man (Hậu Giang) tràn ngập người Trung Quốc. Gần đây, dư luận phản ứng chính quyền Quảng Ngãi định di dời đồn Biên phòng Bình Hải để giao đất cho tập đoàn FLC làm dự án “quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị Bình Châu-Lý Sơn”. Không phải chỉ có Quảng Ngãi mà trước đó Đà Nẵng cũng đã di dời đồn biên phòng để lấy đất giao cho dự án tư nhân. Thượng tướng Võ Tiến Trung (nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng) khẳng định, “việc bố trí đồn biên phòng ở đâu đã được nghiên cứu rất kỹ. Bởi lẽ đồn nằm trong thế trận phòng ngự, bảo vệ địa phương” (Zing, 22/4).
Điều 62 còn tiềm ẩn lợi ích nhóm, quy định chính quyền địa phương có quyền thu hồi đất của dân giao cho doanh nghiệp làm dự án. Các doanh nghiệp Việt Nam có quyền giao lại đất cho doanh nghiệp nước ngoài (như Trung Quốc). Trong một cuộc hội thảo tại Nhật (7/9/2017), ông Trịnh Văn Quyết (chủ tịch FLC) tuyên bố ngoài việc bán cổ phần, “FLC có thể chuyển nhượng cả dự án cho nhà đầu tư nước ngoài”. Theo tin báo chí, UBND tỉnh Quảng Trị đang chuẩn bị giao cho FLC 1000 ha tại bãi biển Cửa Việt, dự kiến để làm resort, sân golf, và xây dựng một sân bay. Ngoài Vũng Áng (đã nằm trong tay Trung Quốc), Vân Phong và Cửa Việt là hai vị trí chiến lược hiểm yếu đang bị Trung Quốc nhòm ngó. Từ Bắc Trung bộ đến Nam Trung bộ, nhiều vị trí phòng thủ chiến lược đã và đang được giao cho doanh nghiệp làm dự án mà không tính đến yếu tố an ninh quốc gia. Tại Đà Nẵng và Nha Trang, nhiều vị trí phòng thủ chiến lược dọc bờ biển đã bị các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm.
Trong bối cảnh lợi ích kinh tế và chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông đang bị Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng, việc mở ba đặc khu kinh tế tại các địa điểm hiểm yếu đó vào lúc này không thể biện minh, cả về lý do phát triển kinh tế lẫn lý do an ninh quốc gia. Với năng lực quản trị yếu kém nhưng tiềm năng tham nhũng vượt trội, các khu vực đó sẽ trở thành các “đặc khu tham nhũng” của các nhóm lợi ích “tư bản đỏ” không bị kiểm soát, và là “cái nôi đặc biệt” cho “tư bản thân hữu”. Nếu trước đây hầu hết các dự án lớn tại Việt Nam rơi vào tay các tập đoàn Trung Quốc, thì không có lý gì các đặc khu kinh tế đó lại không rơi vào tay họ và biến thành các “tô giới của Trung Quốc”. Các tập đoàn “tư bản thân hữu” Trung Quốc được nhà nước chống lưng có thừa nguồn vốn và động cơ để thôn tính các đặc khu kinh tế này như một cuộc “xâm lược mềm”, không cần đánh vẫn thắng (như binh pháp Tôn Tử hay “Cờ Vây”). Những vị trí hiểm yếu trên đất liền mà Trung Quốc không chiếm được bằng vũ lực (như họ đã từng chiếm Hoàng Sa và Trường Sa) thì họ sẽ cưỡng chiếm bằng được qua đầu tư và “sức mạnh sắc bén” (sharp power). Vì vậy, “chủ tương lớn” về ba đặc khu kinh tế với những ưu đãi đặc biệt (như cho thuê đất 99 năm), chẳng khác gì “gửi trứng cho ác” hay “nối giáo cho giặc”.
Bức tranh địa chiến lược
Trong lịch sử, Vân Đồn vốn là một tiền đồn có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ phía Đông Bắc, để ngăn chặn thủy quân Trung Quốc xâm nhập bằng đường biển, như thời Ngô Quyền chống quân Nam Hán (tại Trận Bạch Đằng năm 938), thời Lý Thương Kiệt chống quân Tống, (1075-1077), thời Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên Mông (1287-1288). Khi Lý Thường Kiệt đem quân đánh Khâm Châu, Liêm Châu và Ung Châu, thì Vân Đồn và Móng Cái là địa điểm tập kết quân nhà Lý. Khi Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến Sông Cầu để chống quân Tống, Vân Đồn là căn cứ của thủy quân nhà Lý để ngăn chặn thủy quân Tống, không cho ngược sông để hội quân với bộ binh địch, nên quân Tống đã bại trận…
Nếu Vân Đồn có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ phía Đông Bắc nhìn ra Vịnh Bắc Bộ, thì Phú Quốc có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ phía cực Nam nhìn ra Ấn Độ Dương, trong khi Vân Phong có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ Miền Trung nhìn ra Biển Đông. Tại Miền Trung, ngoài cảng Sơn Dương (Vũng Áng) mà Trung Quốc đã nắm, nay chỉ còn Vân Phong và Cửa Việt là hai cảng trung chuyển lớn (nước sâu) có tầm quan trọng chiến lược, nhưng Trung Quốc chưa nắm được. Phú Quốc có vị trí đặc biệt trong tầm nhìn chiến lược Indo-Pacific (cách Sihanoukville và Bokor có mấy chục km). Trung Quốc đã thuê được (lâu dài) hai vị trí chiến lược đó của Campuchea, nên họ rất thèm có Phú Quốc, để hình thành một tam giác chiến lược. Một khi Trung Quốc thỏa thuận được với Thailand để làm kênh đào Kra thì vị trí chiến lược của Phú Quốc còn quan trọng hơn cả Singapore.
Theo James Holmes (một chuyên gia hàng đầu của Mỹ về chiến lược hải quân), một cuộc xung đột vũ trang tại Biển Đông là có thể, và Trung Quốc có thể thắng Mỹ trong một cuộc chiến tại Biển Đông bằng “chiến tranh nhân dân trên biển” (people’s war at sea). Các chính khách và chuyên gia tại Washington và Hà Nội không nên coi phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Trung quốc Thường Vạn Toàn (tướng Chang Wanquan) chỉ là “dọa dẫm” (bluster). Trung Quốc có thể thắng dù họ vẫn yếu hơn Mỹ, bằng cách tập trung binh lực áp đảo Mỹ tại địa điểm và thời điểm quan trọng nhất. Tư tưởng “phòng ngự tích cực” (active defense) là tấn công chiến thuật để phòng ngự chiến lược. Hiện nay, các tư lệnh Trung Quốc có thể hợp đồng tác chiến bằng các lực lượng cả nhỏ lẫn lớn để đương đầu với Mỹ và đồng minh. Vì vậy các tư lệnh Mỹ và đồng minh phải nghiên cứu binh pháp của Trung Quốc để hiểu rõ tư tưởng phòng ngự tích cực ngoài khơi (offshore active defence) tại Biển Đông sẽ diễn ra thế nào. (China Could Win a War Against America in the South China Sea, James Holmes, National Interest, May 30, 2018).
Nếu xung đột tại Biển Đông xảy ra thì ba đặc khu Vân Đồn, Vân Phong, và Phú Quốc có ý nghĩa chiến lược hiểm yếu đối với mục tiêu ngăn chặn địch tiếp cận (A2/AD). Nếu ba vị trí chiến lược đó bị đối phương (Trung Quốc) chiếm thì coi như hết cờ (và “xong phim”), không chỉ đối với Việt Nam mà còn cả ASEAN và các cường quốc khác có lợi ích sát sườn tại Biển Đông như Mỹ-Nhật-Ấn-Úc, và EU (hoặc Nga). Nếu Biển Đông có ý nghĩa sống còn không chỉ đối với Việt Nam, mà còn với ASEAN và các cường quốc khác, thì câu chuyện đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc cũng có ý nghĩa tương tự. Ý nghĩa quan trọng nhất của ba đặc khu kinh tế này là chiến lược (chứ không chỉ kinh tế).
Thay lời kết
Ba đặc khu kinh tế mới là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) có kinh phí đầu tư là 1.570.000 tỉ VNĐ. (Riêng Vân Đồn là 270.000 tỉ, Bắc Vân Phong là 400.000 tỉ, Phú Quốc là 900.000 tỉ). Tuy chưa biết họ có định “đội vốn” lên như “hội chứng Ninh Bình” hay không, nhưng với con số 1.570.000 tỉ VNĐ, ngân sách nhà nước hay doanh nghiệp Việt đào đâu ra tiền (nếu không từ “phương bắc”). Điều này tiềm ẩn những rủi ro lớn và nguy cơ lâu dài về địa chính trị và an ninh quốc gia. Nếu đặt câu chuyện ba đặc khu kinh tế này trong bối cảnh xung đột lợi ích Biển Đông và tầm nhìn Indo-Pacific hiện nay, thì yếu tố Trung Quốc trong bức tranh địa chiến lược hiện lên rất rõ.
Bản chất của các đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc, Vân Phong, chủ yếu là sân chơi địa ốc và cờ bạc. Ngay khi vừa mới bàn đến triển vọng thành lập đặc khu thì người ta đã đổ xô đến chiếm đất để đầu cơ và đẩy giá lên rồi, vậy cần thành lập đặc khu làm gì nữa. Muốn Vân Phong trở thành một cảng trung chuyển thì không nhất thiết phải lập đặc khu. Đầu tư địa ốc thực chất cũng chỉ là đầu cơ để để trục lợi ngắn hạn. Yếu tố chính để thu hút đầu tư là một số ưu đãi để lách luật, trốn thuế, hay rửa tiền. Nhưng nếu thu hút đầu tư bằng mọi giá, thì cái giá phải trả cũng sẽ rất lớn. Muốn phát triển bền vững, phải cải tổ thể chế để hội nhập quốc tế theo các tiêu chuẩn chung đã cam kết thông qua các hiệp định như WTO, BTA, FTA (và CPTPP).
Tuy Đảng lãnh đạo “toàn diện và triệt để”, nhưng Quốc Hội cũng phải gánh một phần trách nhiệm. Đây là lúc đại biểu quốc hội và quan chức chính phủ cần suy xét kỹ và quyết định nên chọn cái gì (như nên “chọn cá hay thép”). Nếu quyết định đúng họ sẽ được hậu thế hàm ơn. Nếu quyết định sai họ sẽ bị hậu thế nguyền rủa (dù có cao chạy xa bay). Nhiều chuyên gia cho rằng để được thông qua, dự luật này cần phải bổ xung, sửa đổi rất nhiều, để đảm bảo lợi ích quốc gia, và tránh những sai lầm đáng tiếc. Hậu quả tiêu cực về kinh tế, xã hội, thể chế, môi trường, và an ninh quốc gia, do các đặc khu để lại có thể khôn lường. Vì vậy, các đại biểu quốc hội và quan chức chính phủ cần suy xét xem ai được lợi từ đặc khu, và quyết định “bấm nút” vì lợi ích quốc gia, chứ không vì lợi ích nhóm (hay ngoại bang).
-----------
Tham khảo:
1. Việt Nam trong mắt Lý Quang Diệu, Cao Huy Huân, VOA, 14/9/2014
2. China’s Crony Capitalism, Minxin Pei, Harvard University Press, 2016
3. Dự án luật về ba đặc khu Vân Đồn, Văn Phong và Phú Quốc, Vũ Quang Việt, Viet-studies, 30/5/2018
\4. Mô hình đặc khu đã lỗi thời, Nguyễn Tiến Lập, MTG, 31/05/2018
5. China Could Win a War Against America in the South China Sea, James Holmes, National Interest, May 30, 2018
*.
Ngày 01/06/2018
NGUYỄN QUANG DY
LUẬT ĐẶC KHU: NHỮNG BẤT ỔN TRỌNG YẾU
(Lê Văn Luân)
Những vấn đề quan trọng mà nó thể hiện sự bất ổn của Luật Đặc khu là ở mấy điểm chính yếu ngắn gọn sau:
1. Quyền tài phán của Toà án Việt Nam tại đặc khu bị thu hẹp và nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn dùng hoặc không dùng Toà án Việt Nam mà có thể lựa chọn toà án nước ngoài để giải quyết các tranh chấp xảy ra tại đặc khu (không phải chỉ đơn giản là mua bán hàng hoá quốc tế để mà áp dụng Công ước Viên 1980, mà nó vẫn có thể bị từ chối áp dụng) trong nhiều trường hợp; và việc thu hẹp quyền tài phán của toà án là một hạn chế lớn trong việc áp dụng luật và sức mạnh kiểm soát của đặc khu;
2. Việc miễn thị thực cho lao động nước ngoài ra, vào đặc khu lên tới 60 ngày và cộng dồn không quá 180 ngày trong một năm;
3. Việc di chuyển khách nước ngoài bằng máy bay mà chỉ cần một điểm đến hoặc một điểm đi là đặc khu thì bất kỳ hãng hàng không quốc tế nào cũng được cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không - Trung Quốc có thể bay từ đảo Hải Nam vào Vân Đồn hoặc Phú Quốc một cách dễ dàng;
4. Đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh) cho phép người nước láng giềng có chung biên giới được nhập cảnh vào đặc khu mà chỉ cần được bảo lãnh của chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành mà không cần thị thực với thời hạn xác định (Chính phủ quy định điều này) - tức là được đi lại tự do khi chung biên giới (Trung Quốc);
5. Việc cho thuê đất kéo dài tới 99 năm và nhà đầu tư có thể bán, chuyển nhượng dự án cho người khác và có thể thế chấp cho ngân hàng nước ngoài. Đây là một vấn đề rất quan trọng. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ vụ án Việt kiều Trịnh Vĩnh Bình (người Hà Lan) kiện chính phủ Việt Nam đòi bồi thường số tiền 1.2 tỷ đô la vì liên quan đến quyền sở hữu/sử dụng bất động sản ngay từ những năm 1990s. Nên nếu đã dính đến nhà đầu tư nước ngoài mà không kiểm soát được luật pháp về quyền tài phán và các giao dịch đối với bất động sản thì nó trở thành vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Cùng với việc một loạt các quy định người nước ngoài được sở hữu nhà ở căn hộ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng...thì đặc biệt cần phải xem xét lại.
6. Việc thành lập 3 đặc khu vào đúng các vị trí địa chính trị và chiến lược rất quan trọng và hiểm yếu.
*.
Luật sư LÊ LUÂN
TRƯỚC KHI QUỐC HỘI BẤM NÚT VỀ LUẬT ĐẶC KHU
(Tạ Duy Anh)
Có thể trên thực tế Quốc hội dưới sự lãnh đạo của đảng đã bấm nút về Luật Đặc khu rồi, hoặc ai không định bấm rồi sẽ phải bấm (như biểu quyết sáp nhập Hà Tây vào với Thủ đô) nhưng tôi vẫn kiên nhẫn nói thêm với các vị đôi điều.
Các vị đã từng cho phép thành lập những Tập đoàn kinh tế nhà nước, với lý lẽ để tạo nhiều quả đấm thép đưa nước ta bắt kịp Hàn Quốc. Khi đó ai nói khác đi là bị dọa “Bộ chính trị đã đồng ý”. Giờ thì nhìn đấy, mô hình Tập đoàn kinh tế là thảm họa chưa có lối thoát cho đất nước, là nơi công nghệ rác thải của Trung Quốc làm mưa làm gió trên lưng người dân Việt. Và thay vì mau mau sánh kịp Hàn Quốc, chúng ta tụt lại so với họ thêm một quãng dài miên man.
Các vị đã từng cho phép khai thác Bô-xít ở Tây Nguyên cũng với lý lẽ để tạo nguồn thu cho ngân sách và tăng trưởng quốc gia. Khi đó giới trí thức ra sức can ngăn, đều bị quý vị bỏ ngoài tai còn người can ngăn thì bị coi là phá hoại, là thế lực thù địch. Trong Quốc hội nếu có ai nói khác đi là bị dọa “Bộ chính trị đã đồng ý”. Giờ thì các vị đã thấy trắng mắt ra chưa? Lỗ nặng chưa phải là thảm họa đáng sợ nhất. Môi trường bị tàn phá tan nát chưa phải là thảm họa kinh khủng nhất. Hãy hình dung mấy chục năm các cơ sở của Trung Quốc không làm kinh tế, mà chuẩn bị cho việc to lớn hơn là thôn tính lãnh thổ, thì điều gì xảy ra hẳn các vị có thể hình dung, mặc dù thực lòng tôi nghi ngờ lòng yêu nước và trí tuệ của đa số quý vị.
Các vị đã từng cho phép khu công nghiệp Fomosa, tập đoàn kinh tế bị xua đuổi khắp nơi vì gây ô nhiễm vào tọa chiếm vùng xung yếu về an ninh của bờ biển Hà Tĩnh, với thời hạn tới 70 năm, cũng vẫn với lý lẽ để tạo cú huých cho tăng trưởng kinh tế, tạo bức tranh sáng cho đầu tư nước ngoài, vực dậy một vùng nghèo đói và nào là đánh thức tiềm năng…Giờ thì quý vị thấy hậu quả đã nhãn tiền. Tôi dám đảm bảo, thứ mà Fomosa tạo ra cho đất nước chúng ta, chỉ bằng một phần rất nhỏ thứ mà nó làm mất đi của đất nước. Đấy là chưa kể, trong 70 năm dài dằng dặc, sẽ còn bao nhiêu sự cố kinh hoàng như đã xảy ra, đi kèm sẽ là những cuộc nổi loạn không ai dám nói trước có thể kiểm soát của ngư dân. 
Tôi không phải là người cứ muốn là nói lấy được, càng không là tín đồ của chủ nghĩa dân tộc một mực bài Trung Quốc. Có nhiều thứ chúng ta còn xa mới làm được như Trung Quốc. Đó là một sự thật. Nhưng sự thật mà tôi muốn nói ra trước tiên, là chúng ta đang tự trở thành miếng mồi ngon dưới con mắt của con sư tử Đại Hán chưa khi nào tàn bạo và tham lam như hiện nay.
Còn quá nhiều ví dụ khác mà tôi không còn hứng thú và sức lực để dẫn ra. Nhưng những thứ mà tôi đã dẫn và chưa dẫn, không phải để khía thêm nỗi bẽ bàng mà các quý vị đã và sẽ nhận đủ, mà chỉ để nhắc các vị nhớ lại, trước khi quyết định một vấn đề to lớn hơn tới vận mệnh và số phận của đất nước: Vấn đề thành lập các đặc khu kinh tế. Tôi cho rằng, mạng xã hội, với tình cảm quá sốt sắng, đang có sự nhầm lẫn khi hướng chú ý vào sự lựa chọn giữa hậu quả nhỏ và hậu quả lớn. 99 năm hay 70 năm, hay 50 năm không phải là vấn đề. Vấn đề là có cần phải thành lập các đặc khu trong bối cảnh hiện nay (xét cả về xu hướng phát triển, tiến bộ công nghệ, đòi hỏi của hoàn cảnh đất nước và nhất là KHI MÀ CHÚNG TA, BAO GỒM CẢ CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, BIẾT RÕ TRUNG QUỐC đang muốn gì ở cái mảnh đất hình chữ S này?) Mục tiêu cuối cùng của họ là biến cả Việt Nam thành một ĐẶC KHU của họ. Nếu tôi là Tập Cận Bình, thì tôi cũng sẽ làm thế, nhân danh lợi ích dân tộc Trung Hoa. Vì thế (tôi đang nói với tất cả) thay vì trách họ nham hiểm (trách Trung Quốc nham hiểm khác nào trách sao họ có tới một tỉ rưỡi người!), hãy trách mình trước: Vì sao mình lại dại dột để cho họ dắt mũi, vì sao mình không có chiến lược bài bản như họ, vì sao mình thiếu vắng những nhà lãnh đạo có tầm nhìn như họ…Vấn đề đó không ai giải quyết thay người Việt, vì thế, không ai có lỗi ngoài chính chúng ta. (Tôi thấy lạ, khi tận giờ này vẫn có người lập luận rằng chúng ta gặp khó vì Hoa Kỳ nước đôi, vì Nga thực dụng, vì Camphuchia hai ba bốn mặt, vì Lào thân Trung Quốc hơn, vì thế giới tối mắt trước lợi ích…)
Trở lại chuyện đang bàn. Đừng lấy ví dụ thành công của Thâm Quyến hay bất kì sự thành công của các đặc khu nào khác làm lý lẽ thuyết phục cho sự ủng hộ luật đặc khu. Cũng không cần phải mang sự thất bại của mô hình này ở đâu đó ra để tăng trọng lượng cho ý kiến phản đối. Chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm của thế giới, nhưng đã đến lúc người Việt phải tập thói quen độc lập khi đưa ra những quyết định liên quan đến sự tồn vong của mình. Trên tinh thần đó, tôi đồng ý với nhà báo Huy Đức là chúng ta không cần phải có đặc khu kinh tế, không cần ưu đãi nơi này hơn nơi khác khiến đất nước thêm chia rẽ, trong khi tốn tiền xây thành trì cho tội phạm và tư bản thân hữu, mà hãy tạo một không gian mà sự kiếm sống để hưởng hạnh phúc của người dân trở nên thuận lợi, nhân bản cho cả cái đất nước này. Đừng hành hạ dân, hãy tạo ra một thế chế mà không quan chức nào muốn và có thể tự biến mình thành con mối chúa kéo theo cả đàn mối đục khoét đất nước, đừng bỏ rơi người tài chỉ vì họ không thích thú với các nguyên tắc chính trị hiện hành, hay khi họ căm ghét sự xu nịnh, không chịu nói như vẹt. Và xin đừng cố gắng biến nhân dân thành vật thế chấp cho các mục tiêu tù mù…Chỉ cần ngần ấy thôi, tự đất nước sẽ thanh bình, sẽ phát triển, sẽ giầu có mà không cần phải “lót ổ cho phượng hoàng” khi biết trước là diều cắt, cú vọ sẽ nhảy vào trước.
Các quý vị có tự hỏi và có biết là người dân đang hỏi: Vì sao Quốc hội lại sốt sắng với luật Đặc khu đến thế? Một bộ luật đụng chạm đến an nguy quốc gia, đến sự tồn vong của nòi giống, đến cuộc sống của nhiều thế hệ tương lai, mà sao lại cập rập trong thảo luận, trong tập hợp ý kiến người dân? Khôn ngoan của người Việt để đâu hết cả rồi? Tôi không muốn làm kẻ nói bừa, nhưng tôi tin rằng nhất định là có khuất tất.
Vài hôm nữa, với danh nghĩa là cơ quan quyền lực tối cao, quý vị có thể bấm nút thông qua luật đặc khu, bất chấp mọi sự phản đối và lo lắng của người dân cùng với giới sỹ phu (tôi muốn dùng lại từ này). Nhưng tôi muốn chân thành khuyên quý vị, làm diễn viên tồi quá lắm chỉ đáng chê cười vì thế, nếu vì miếng cơm manh áo mà phải thủ vai thì cũng được. Nhưng đừng tự biến mình thành tội đồ, khi biết rõ hoặc linh cảm thấy khả năng đó là rất cao. Dân tộc này có thể tha thứ mọi tội lỗi-như lịch sử từng cho thấy - trừ tội theo chân Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống.
*.
Nhà văn TẠ DUY ANH
Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh:
ĐỒNG Ý LÀ BÁN NƯỚC!
(Nguyễn Trọng Vĩnh)
Hơn 8 giờ sáng hôm nay ngày 31/5 , tôi sang thăm cụ Nguyễn Trọng Vĩnh đồng thời hỏi ý kiến của cá nhân cụ về việc chính phủ cho thành lập 3 đặc khu và cho thuê đất 99 năm ở mỗi đặc khu này để xem cụ đánh giá như thế nào.
Để cho khách quan và minh bạch , tôi mời cả chị giúp việc đồng thời cũng là người cháu họ xa với cụ ra cùng nghe. Rất chậm rãi cụ Vĩnh nói:
"Cá nhân tôi hoàn toàn không đồng ý với việc thành lập 3 đặc khu và cho thuê đất 99 năm với 3 nhận định như sau:
- Vị trí của 3 đặc khu vô cùng quan trọng, với 3 vị trí rải đều trên phần lãnh thổ Việt Nam cả mặt Đông Bắc, mặt Đông và mặt Tây Nam như vậy thì quốc gia nào thuê 99 năm đều có thể khống chế được toàn bộ vùng đất, vùng trời, vùng biển của Việt Nam. Đặc biệt là Vân Đồn.
- Trước khi đưa ra kế hoạch này thì người hoạch định nó đã có tính toán kĩ càng về giá trị kinh tế, quốc phòng,...chưa? Có công khai cho toàn dân biết và đã lấy ý kiến của dân chưa? Nếu chưa thì đó là việc làm khuất tất.
- 99 năm nữa thì những người quyết định cho thuê đất 99 năm đã chết từ lâu rồi, vậy ai là người chịu trách nhiệm nếu 3 đặc khu đó làm ăn không hiệu quả hoặc cả 3 đặc khu đó vĩnh viễn rơi vào tay nước khác.
- Không biết ai đưa ra ý tưởng như vậy, kể cả những người đồng ý thì đều là những kẻ bán nước."
Cám ơn cụ Nguyễn Trọng Vĩnh, một trái tim nhân hậu, một người con của dân tộc Việt Nam vô cùng yêu quê hương đất nước và căm ghét giặc ngoại xâm. Kính chúc cụ sống thật lâu để đóng góp thêm nhiều tiếng nói chính trực cho sự trường tồn của đất nước.
*.
Hà Nội, 31.05.2018
TRẦN THỊ THẢO
Giáo sư Phạm Quang Long:
TÔI CÓ Ý KIẾN
(Phạm Quang Long)
Dạo này, các trang mạng xã hội tràn ngập những vấn đề nóng: giao thông, giáo dục, y tế, tư pháp, đặc khu...Xen vào đó là nỗi bất bình vì phát ngôn của các chức sắc" phân bổ ngân sách nước nhà ở đỉnh cao minh bạch" (Đinh Văn Nhã), "đừng nhìn đặc khu kinh tế từ góc nhìn quốc phòng an ninh"(Nguyễn Đức Kiên), dự án từ 76 tỉ đồng ngày phê duyệt đội lên 2.760 tỉ trong quá trình thực hiện "là do cơ chế" (Nguyễn Thị Thanh)... Tâm trạng bất bình với các phát ngôn vô trách nhiệm và kém hiểu biết ấy dần nhường chỗ cho những lo lắng về các đặc khu kinh tế sắp được thông qua. Những tâm trạng ấy có căn nguyên của nó. Xin được nói vài suy nghĩ của một công dân về điều này:
1. Ngày chống Pháp dân ta nhận thức chưa cao như bây giờ nhưng khi Bác Hồ ra lời kêu gọi "chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ" thì dường như toàn thể công dân, không phân biệt tôn giáo, giai cấp, dân tộc đều đứng lên đánh giặc cứu nước. Nhà nước thiếu tiền, nhân dân sẵn sàng hiến vàng, tiền, nhà cửa ủng hộ. Tư tưởng "Tổ quốc trên hết" là mệnh lệnh của mọi trái tim và trên thực tế nó là tình cảm và ý chí đoàn kết mọi người tạo nên sức mạnh toàn dân tộc. Và chúng ta chiến thắng nhờ sức mạnh ấy.
Thời chống Mỹ, hàng triệu gia đình đã hi sinh gia tài quý giá nhất là người thân của mình cho mục tiêu giành độc lập cho đất nước. Nỗi đau của hàng triệu gia đình mất người thân cũng nguôi ngoai khi đất nước thống nhất. Ngày ấy nhân dân dọc đường ra trận sẵn sàng dỡ nhà làm đường, mở đường, giúp đỡ nhà nước với tinh thần "xe chưa qua, nhà không tiếc". Chính Bác Hồ đã tổng kết "dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Như vậy dân lo việc nước, ý Đảng lòng dân hoà hợp tạo nên những giá trị vững bền không gì có thể khuất phục.
2. Thời Đổi Mới chính nhân dân đã mở đường phá vỡ tư tưởng quan liêu, bao cấp. Thực tiễn cuộc sống đã tạo tiền đề để Đảng tiếp tục tư tưởng Đổi Mới đi xa hơn vì Đảng giữ vai trò lãnh đạo. Ba mươi năm qua, Đổi Mới đã đưa đất nước ta phát triển nhưng tỉnh táo nhìn lại thì không thể không thấy rằng lẽ ra ta có thể đi nhanh hơn, đạt nhiều thành tựu lớn hơn nữa, nhân dân còn hạnh phúc hơn nữa, đất nước còn giàu mạnh hơn nữa nếu trước những vấn đề trọng yếu của đất nước, lãnh đạo có những quyết sách chính xác hơn trong các khâu quyết định chọn người đứng đầu, những quyết sách về tổ chức, cán bộ, những chính sách kinh tế xã hội phù hơp. Những bài học thất bại là kinh nghiệm quý để chúng ta tránh lặp lại những sai lầm cũ. Lịch sử cần cho hiện tại là vì thế.
3. Sự suy thoái của xã hội ở nhiều mặt quan trọng thời gian qua đến mức báo động không phải chỉ do tác động của mặt trái cơ chế thị trường như những ghi nhận chính thống. Sự hư hỏng của hệ thống bắt đầu từ những khiếm khuyết của chính hệ thống: không chọn được cán bộ xứng tầm ở mọi cấp, không có cơ chế giám sát quyền lực, giao quyền lực cho những người không xứng đáng ở cả năng lực lẫn tư cách. Vì thế họ ra những quyết sách sai lầm, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển đất nước. Việc rất nhiều cán bộ ở đủ các cấp vi phạm pháp luật, bị xử lý thời gian qua là những cái giá quá đắt để chúng ta nhận ra gót chân Ashin trong hệ thống của mình. Việc nhân dân ủng hộ Đảng chống tham nhũng là một tín hiệu mừng vì nhân dân đã biến những bất bình của mình thành những đóng góp đầy tâm huyết và trí tuệ, vẫn coi Tổ quốc trên hết là nghĩa lớn mà gạt những điều riêng tư sang một bên.
4. Nhìn lại những thất bại trong chủ trương phát triển kinh tế mấy chục năm qua có thể thấy: có cái do chủ trương sai, có cái do giao việc sai, có cái do nhận thức sai. Các Tổng công ty với hi vọng là các quả đấm thép đã thất bại, trở thành gánh nặng, không biết bao giờ mới khắc phục xong; Formusa thành thảm hoạ bây giờ vẫn phải giải quyết và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; bauxite Tân Rai thất bại; bao nhiêu dự án của Bộ Công thương, các tỉnh thành đội vốn, thua lỗ đẩy nợ công lên mức cao chưa từng có(bình quân mỗi người hơn 30 triệu)... Tất cả những điều này đã được một số chính khách, nhiều nhà khoa học, trí thức, nhân dân cảnh báo nhưng các cơ quan tham mưu đều chứng minh những góp ý ấy là sai lầm, lãnh đạo vẫn quyết làm và hậu quả thì ai cũng đã thấy. Nhưng đáng tiếc cho đến nay chưa có cơ quan nào nhận sai mà chỉ có những cá nhân sai. Mà chủ yếu sai do tham nhũng. Tôi nghĩ cần xem lại vấn đề này.
5. Tâm trạng lo lắng về các đặc khu trong xã hội đang phổ biến. Có luật sư đã phân tích về sự chưa chặt chẽ của dự thảo luật Đặc khu. Tôi không phải là chuyên gia luật, kinh tế, không có nhiều thông tin như những người có trách nhiệm để lý giải việc nên hay không nhưng trước tâm trạng xã hội không thể không suy nghĩ. Tại sao có nhiều người lo ngại thời gian quá dài? Có đại biểu Quốc hội lo ngại đặc khu nếu không chặt chẽ sẽ trở thành nơi di dân của nước ngoài. Rất nhiều người lo ngại Trung Quốc sẽ lợi dụng để lách luật làm những điều tổn hại cho đất nước...Về điều này dù ít hiểu biết tôi cũng xin kiến nghị như sau:
- Chưa bao giờ tôi tin vào sự thành thật của giới lãnh đạo Trung Quốc từ xưa đến nay. Lịch sử thì rõ rồi. Họ chỉ muốn biến nước ta thành quận huyện của họ. Mao từ những năm 50 của thế kỷ trước đã lăm le thôn tính nước mình dù ngoài miệng vẫn đồng chí, anh em hữu hảo với nhau( đọc lại bài ông Lê Duẩn nói về điều này). Đặng thì xâm lược thực sự, không che đậy. Suốt dải biên giới với Trung Quốc có bao giờ yên vì Trung Quốc luôn gây hấn, bày trò lấn chiếm. Tập thì sang ta nói ra vẻ hữu hảo, vừa rời ta sang Singapore đã giở giọng khác, vừa vô pháp vô thiên, vừa mất tư cách của một người đứng đầu quốc gia. Vừa mới tuần trước ở Shangri - La tướng Trung Quốc tuyên bố thẳng muốn cướp cả Trường Sa của ta nữa.
- Mọi việc làm của Trung Quốc trong kinh tế chỉ muốn ta suy yếu: bán cho ta các kỹ thuật lạc hậu về xi măng, thép, giao thông...lạc hậu; cho thương lái tìm cách phá hoại như mua rẻ, ép giá, đang giao thương bình thường thì ngừng lại; mua rễ hồi, móng trâu, dược liệu theo kiểu tận diệt...
- Ở các khu công nghiệp ở Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Tân Rai Trung Quốc đưa dân sang dưới dạng du lịch rồi vào làm việc trái phép, gây ra những hậu quả xã hội đáng lo ngại. Không chỉ là những hành vi vi phạm pháp luật cá lẻ mà mang tính hệ thống, lâu dài. Tất cả những chuyện này Trung Quốc thực hiện công khai, trắng trợn, nghênh ngang, toàn đặt chúng ta vào chuyện đã rồi.
Từ những điều đó, tôi nghĩ những người có trách nhiệm, đặc biệt là Quốc hội, khi quyết những vấn đề lớn liên quan đến chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia cần hết sức thận trọng. Các đại biểu Quốc hội do nhân dân bầu ra, trước những vấn đề lớn như vậy cần lắng nghe những cử tri của mình. Nếu trưng cầu dân ý chưa thích hợp thì nên cử các đoàn đi tiếp xúc với cử tri (đừng chọn đại biểu như những lần tiếp xúc thông thường vì sẽ không nghe được hết ý kiến cần nghe đâu) để lắng nghe tâm tư của dân thế nào. Tôi có quyền nghi ngờ nhiều đại biểu vì nghe họ phát biểu, trả lời phỏng vấn thấy họ hiểu về vấn đề này rất lơ mơ, thậm chí nói sai cả chủ trương của Đảng. Họ mà thay dân quyết định những vấn đề này, tránh sao không sai được?
6. Trước hoạ xâm lăng của nhà Minh, cha con Hồ Quý Ly có hỏi nhau về kế sách giữ nước. Hồ Nguyên Trừng đã trả lời cha "tôi không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo". Mối lo ấy có thật, nhà Hồ thất bại vì không được dân theo và đẩy đất nước vào hoạ bị ngoại bang thống trị. Nguyễn Trãi nhận định "chính sự phiền hà" và "lòng dân oán hận" đã là nguyên nhân mất nước vì kẻ thù chỉ mong có thế.
Xin Quốc hội nghiên cứu thật kĩ, có quyết sách đúng vì trên vai Quốc hội là số phận của một đất nước với hơn 90 triệu dân. Mong rằng trong tim các vị vẫn nóng tư tưởng sáng suốt từ khoá đầu tiên đã xác định Tổ quốc trên hết.
*.
PHẠM QUANG LONG
ĐẶC KHU VÀ TIẾNG KÊU CỦA NHÂN DÂN
(Nguyễn Quang Thiều)
Kính thưa các vị!
Trong những ngày này, quanh chúng ta đang vang tiếng kêu của nhân dân về một mối đe dọa mà nhân dân đang cảm thấy và nhìn thấy. Đó là mối đe dọa từ cái tên “ đặc khu”. Trong suy nghĩ đơn giản của tôi, đặc khu không phải tạo ra bất cứ điều gì gọi là sự đe dọa. Nhưng ai là người thuê đặc khu ấy trong một thời gian quá dài mới là kẻ làm ra sự đe dọa. Và trong suy nghĩ có thể là thiển cận của mình, tôi nghĩ “đặc khu” không phải là con đường duy nhất làm cho một đất nước phát triển và giàu có. Rất nhiều quốc gia giàu có trên thế giới không phải dùng phương án gọi là đặc khu mà họ đã phát triển đất nước rực rỡ. Hơn nữa, người sẽ thuê 3 đặc khu ở những vị trí rất đặc biệt và quan trọng có nguy cơ là Trung Quốc. Và chính vì người sẽ thuê 3 vị trí chiến lược của Việt Nam là Trung Quốc nên tiếng kêu của người dân mới vang lên khẩn thiết như vậy.
Trước hết, tôi muốn các vị hiểu một điều quan trọng là tiếng kêu của nhân dân xuất phát từ đâu?
Từ cảm giác của nhân dân về sự bất an
Từ linh cảm của nhân dân về những bất trắc
Từ trí tuệ của dân dân là trí thức, văn nghệ sỹ, các nhà kinh tế học, các doanh nhân chân chính...
Từ kinh nghiệm và sự thật lịch sử của một dân tộc chống ngoại bang
Từ trách nhiệm và lương tâm của nhân dân đối với vận mệnh tương lai của đất nước.
Kính thưa các vị,
Cách đây mấy năm, tôi đã viết trên báo một bài nói tới sự cảnh báo của nhiều nước lớn về Trung Quốc. Một trong những điều tôi nói tới là hình ảnh các China Town (phố Tàu) trên thế giới. Đoạn viết như sau: 
“Trước năm 1992, tôi không hiểu gì về China town - phố Tàu ngoài nghĩa là một cộng đồng di dân người Trung Quốc sống tập trung. Tháng 7 năm 1992, tôi được Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc mời đến thăm Úc. Trong chuyến đi ấy, tôi đã đọc một cuốn sách nghiên cứu về China town của một nhà nghiên cứu Úc. Tôi xin tóm tắt những gì tác giả này viết về China town:
Khi China town được dựng lên, chúng ta (người Úc) đến đó với tinh thần đi thăm quan một cộng đồng di dân có một nền văn hóa khác biệt. China town lúc đầu giống như một hội chợ của người Trung Quốc tổ chức trên đất Úc. Chúng ta đến đó xem họ múa lân và thưởng thức các món ăn Trung Quốc. Chúng ta thực sự thấy vui vẻ khi trên đất nước chúng ta có một cộng đồng đầy bản sắc bởi Úc là một đất nước đa bản sắc nên sự chấp nhận các cộng đồng khác không có gì quá khó khăn.
Rồi chúng ta lãng quên đi. Mười năm sau chúng ta trở lại China town. Chúng ta giật mình. China town đã phát triển quá nhanh. Nhưng điều đáng suy nghĩ nhất là China town không phải là khu cộng đồng của người Trung Quốc định cư trên đất Úc hay là một hội chợ của Trung Quốc nữa mà nó đã biến thành một tiểu Trung Quốc trên đất Úc với sức ảnh hưởng không nhỏ của nó. China town này muốn mở rộng mãi mãi và muốn Trung Quốc hóa những khu vực mà China town lấn tới. Đến lúc này, niềm vui và tính tò mò của chúng ta về trò múa lân cùng với hương vị của ẩm thực Trung Quốc không còn mà thay vào đó là một nỗi lo sợ.
Nỗi sợ hãi của tác giả cũng là nỗi sợ hãi của rất nhiều người ở những quốc gia mà những người Trung Quốc đến định cư và làm mọc lên những China town. Tổng thống Mỹ Donald Trump trong thời gian tranh cử đã liên tục cảnh báo người Mỹ về mối nguy hiểm của con bạch tuộc mang tên Trung Quốc. Và trrong cách nhìn của tôi thì các China town là những cái hang của con bạch tuộc đó.
Đọc trên trang web SOI, tôi thấy một bài viết rất hay về hội họa Kenya trong một triển lãm quốc tế. Điều bài báo nói đến là “ một triển lãm hội họa Kenya ( Châu Phi ) nhưng lại là tranh đặc Tàu của các họa sỹ người Hoa định cư ở đó. Một cú đánh trắng trợn và một cái chết thảm thương của nền hội họa của nước Châu Phi này.
Tôi đã nói khá kỹ phần nghiên cứu về China town của nhà nghiên cứu xã hội Úc trên một tờ báo trong nước từ những năm 1990 của thế kỷ trước. Tất nhiên ý kiến về một nguy cơ có vẻ “xa xôi” này có lẽ quá ít người chú ý. Giống như khởi đầu của những China town – phố Tàu trong những ngày đầu xuất hiện”.
Kính thưa các vị!
Trong những năm gần đây, các cơ quan truyền thông thế giới và báo chí chính thống của chúng ta đã liên tục lên tiếng về hành động của Trung Quốc trong vấn đề biển đảo và những cuộc “xâm lược mềm”. Trung Quốc đã dùng sức mạnh về người, về tiền và vũ khí trắng trợn vi phạm chủ quyền biển đảo của chúng ta và một số nước láng giềng của họ. Những nhóm du lịch Trung Quốc ngang nhiên đứng giữa một số thành phố của chúng ta và tuyên bố chủ quyền của họ. Gần đây nhất, một nhóm du lịch Trung Quốc nhất loạt mặc áo có in bản đồ công khai tuyên bố một số hòn đảo của Việt Nam thuộc chủ quyền của họ. Đây không phải là trò láo lếu của một thằng oắt con vô học trốn bố mẹ đi chơi mà là chiến lược của Trung Quốc. Chỉ bằng những hiện thực ít ỏi vậy thôi chúng ta cũng thừa đủ chứng cứ để hiểu Trung Quốc đã và đang làm gì với đất nước chúng ta.
Kính thưa các vị!
Đặt ngón tay lên nút ấn ngay cả nút ấn phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân sẽ không làm những ngón tay ấn nút ấy có một chút gợn nào của sự đau đớn và chết chóc. Bởi thế nó dễ làm người ta bị đánh lừa bởi những cảm giác êm ái khác ví dụ như cảm giác nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển thành rồng thành hổ. Nhưng hậu quả sau đó thật khôn lường. Viết đến đây, tôi nhớ tới một bài thơ của cố nhà thơ Phạm Tiến Duật khi ông viết về một bà mẹ ở địa đạo Vĩnh Linh trong năm tháng chiến tranh khốc liệt chống Mỹ bảo vệ tổ quốc. Bà mẹ Vĩnh Linh ấy nói “Thà ăn muối suốt đời còn hơn là có giặc”. Nếu chỉ vì miếng ăn thì trong những ngày này chúng ta sẽ không nghe tiếng kêu của nhân dân vang lên khẩn thiết cho dù rất nhiều nhân dân của các vị đang sống trong muôn vàn khó khăn. Và tôi biết, có những người trong các vị trong những ngày này đã cất tiếng kêu công khai cùng tiếng kêu của nhân dân và cũng không ít vị đang dày vò lương tâm.
Hơn lúc nào, lúc này tất cả chúng ta phải thật tĩnh tại và suy ngẫm thật thấu đáo. Hơn lúc nào, lúc này chúng ta cần sử dụng đến lương tâm và tình yêu tổ quốc của mình. Các vị có thể ấn nút thông qua cho Trung Quốc thuê 99 năm 3 “vùng lãnh thổ đặc biệt” của chúng ta mà không cảm thấy có gì bất trắc. Rồi mươi năm sau này, các vị cũng sẽ không cảm nhận thấy gì cả. Nhưng 30, 50 hay 100 năm sau khi chúng ta trong đó có các vị đã tan vào cát bụi hư vô, thì là lúc con cháu chúng ta đứng trước đất nước và bật khóc hỏi : vì sao dân tộc chúng ta lại như thế này???
Dân tộc chúng ta đang đứng trước những thách thức khổng lồ. Có không ít các dân tộc trên thế giới ở những “cuộc chiến” nào đó và ở một giai đoạn nào đó họ đã không chiến thắng. Nhưng điều quan trọng nhất là các dân tộc đó đã không khuất phục. Bởi khuất phục là sự thất bại đau đớn và hổ nhục nhất mà không có chiến thắng nào sau đó có thể bù đắp được. Và “ sự khuất phục” mới thực sự là thất bại thảm hại nhất mà không ai có quyền ngụy biện.
Xin chúc các quí vị luôn là người chiến thắng. Bởi nhân dân của các quí vị chưa bao giờ chịu khuất phục trong toàn bộ lịch sử của mình.
*.
Hà Đông, 3 tháng 6 năm 2018.
Nhà thơ NGUYỄN QUANG THIỀU
 
Giáo sư Trần Ngọc Vương:
HÃY CHẶN ĐỨNG SỰ NGU DẠI KHỔNG LỒ!!!
(Trần Ngọc Vương)
Ngoài kia là Hoàng Sa, quần đảo đã bị cướp trắng và đang bị kẻ cướp biến thành căn cứ quân sự hùng mạnh.
Xa hơn là Trường Sa, từ chỗ kẻ thù không một tấc đảo cắm sào, ba mươi năm qua chúng lộng giả thành chân với sự tiếp tay của một nhóm Việt gian tiếm quyền "hùng mạnh", đã kịp đảo hoá những rạn san hô và đá ngầm thành một tổ hợp quân sự khổng lồ khác.
Cảng Hải Phòng đã bị cho thuê một phần từ vài chục năm trước.
Chưa đủ mở mắt ra sao?
Ai là kẻ biểu quyết cho thuê đất biển đảo và duyên hải với thời hạn 99 năm, chắc chắn kẻ đó vừa mù vừa điếc lại vừa tham vặt.
Hồn nhiên bán rẻ đất nước đến vậy, sao không ngăn chặn?
Hãy nhớ: Hồng Kong chỉ là một làng chài cằn cỗi, 99 năm và thêm 20 năm nữa vẫn còn là điểm nhức nhối địa chính trị của Trung Quốc. Khi giờ đây nó đã thành một vùng lãnh thổ "gai góc" mà mạnh và tàn độc như Trung Quốc còn không biết xử lý làm sao!
Kinh nghiệm ngược ấy mà di căn sang Vân Đồn thì ...hết thuốc!
Hãy chặn đứng sự ngu dại khổng lồ này!!!
*.
Ngày 26.05.2018
TRẦN NGỌC VƯƠNG


Mời thư giãn với nhạc phẩm MÀU HOA ĐỎ
của Thuận Yến, thơ Nguyễn Đức Mậu, qua tiếng hát Tùng Dương:
           


.

- ĐẶNG XUÂN XUYẾN giới thiệu -

0 comments:

Đăng nhận xét