VỊ TRÍ NHẬT - NGUYỆT TRÊN LÁ SỐ: Phần 1 - SAO THÁI DƯƠNG - Tác giả: Đặng Xuân Xuyến

11 comments

VỊ TRÍ CỦA NHẬT - NGUYỆT

TRÊN LÁ SỐ

*

Khi xem lá số, điều quan trọng là phải tìm xem sao NHẬT - NGUYỆT đóng ở vị trí nào để phối hợp luận giải cùng các cung khác. Vì hai sao này tượng trưng cho ảnh hưởng của cha, mẹ, chồng, vợ và hai giòng nội, ngoại (Thái Dương biểu tượng cho người cha, người chồng, họ nội còn THÁI ÂM tượng trưng cho người mẹ, người vợ và họ ngoại) nên khi xem số phải được cân nhắc để bổ túc cho những ý nghĩa được thể hiện trong các cung Phụ Mẫu, Phu Thê, Thân, Mệnh...

Đây là hai sao tối quan trọng của khoa Tử Vi vì thông qua hai sao Nhật (Dương), Nguyệt (Âm), người xem số có thể thấy được một số nét chính về gia đình và cuộc đời  của đương số.

Chẳng  hạn: Cả hai sao Âm Dương đều miếu vượng tất lúc nhỏ đương số được bố mẹ chăm sóc chu đáo, cuộc sống có nhiều thuận lợi, nếu hãm địa thì tiên quyết đương số có tuổi thơ vất vả, hoặc khắc cha khắc mẹ. Hay với nữ số, khi NHẬT hãm địa thì tiên quyết rằng cuộc sống gia đạo sẽ gặp nhiều trắc trở, nhất là khi NHẬT hãm lại gặp sát tinh: muộn lập gia đình, làm lẽ, cô đơn, khắc chồng… Điều này càng chính xác khi NHẬT an tại cung Phu Thê hoặc Thân, Mệnh.

 Thông qua vị trí của hai sao Nhật, Nguyệt trên lá số, người xem số còn có thể phần nào đoán được tiền tài, sự nghiệp và hạnh phúc gia đạo của đương số nên việc nghiên cứu kỹ thế đứng của Nhật - Nguyệt trên lá số là điều tối cần với người xem số.

 

1. THẾ ĐỨNG CỦA NHẬT - NGUYỆT TRÊN LÁ SỐ VÀ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH:

Nếu Nhật Nguyệt hãm địa thì vợ chồng dễ xung khắc, dễ bỏ nhau hoặc xa cách, chia ly, nhưng nếu tại Thìn Tuất thì lại khó bỏ.

Nhật - Nguyệt đều miếu vượng thì vợ chồng khó có chuyện bỏ nhau, mà thường tương đắc, trừ phi gặp sao khắc kỵ với Nhật - Nguyệt, nhưng nếu Nhật - Nguyệt miếu vượng tại Thìn, Tuất thì vợ chồng tương đắc về sở thích nhưng lại hay tranh cãi nhau. 

Âm - Dương cách cung (ví dụ như Nhật tại Dần, Nguyệt tại Tí…) thì vợ chồng chia ly, hoặc ít gần nhau (do công vụ....).

Mệnh giáp Âm - Dương lạc hãm thì vợ chồng cũng dễ xa cách nhau hoặc chia ly, nếu gặp Tuần Triệt thì hạnh phúc gia đạo cũng bất ổn dẫn đến chuyện bỏ nhau nhưng bỏ chậm.

Nhật - Nguyệt tại Sửu Mùi thì vợ chồng thường không nhường nhịn nhau nên dễ đưa đến bất hòa. Hạn đến thì sẽ có chuyện tranh chấp giữa vợ chồng, dễ đưa đến chia ly, nếu chưa có gia đình thì không thể lập gia đình trong giai đoạn này được.

Hạn rơi vào Âm Dương thủ hạn cũng quan trọng, thông thường dễ liên quan đến chồng hoặc cha nếu gặp Thái Dương, và mẹ hoặc vợ nếu gặp Thái Âm

Hạn gặp Âm Dương phản bối thì khó lập gia đình nhưng lại có chuyện vấn vương về tình cảm

Âm Dương sáng sủa thì cha mẹ thông thường thọ, còn lạc hãm thì không thể kết luận về sự thọ yểu của cha mẹ được

Nữ nhân có Thái Âm lạc hãm thì kinh nguyệt không đều, ít nhất là xảy ra trong một giai đoạn nào đó trong cuộc đời và thông thường sinh lý không mạnh, không có nhiều hứng cảm khi làm tình. Nếu Thái Âm sáng sủa thì kinh nguyệt điều hòa

Nam số có Thái Dương lạc hãm thì sinh lý có vấn đề như: xuất tinh sớm, bất lực hoặc sinh lý yếu, chất lượng tinh trùng kém... Nếu Thái Dương sáng sủa thì sinh lý mạnh khoẻ, âu đó cũng là một điều kiện để đưa đến hạnh phúc gia đình được suôn sẻ.

 

2. SAOTHÁI DƯƠNG:

1.2- CÁI NHÌN TỔNG THỂ VỀ SAO THÁI DƯƠNG:

Thái Dương là dương hỏa tượng trưng mắt bên trái, đại diện cho người cha, cho ánh sáng của lý trí, của sự thông minh kiêu hãnh. Thái Dương ban phát ân huệ một cách vô tư, không đòi đáp lại. Được hưởng ân huệ của Thái Dương nhiều nhất là người mệnh Hỏa, thứ nhì là mệnh Thổ, các mệnh Kim - Thủy - Mộc hưởng như nhau. Dù đóng bất cứ tại cung nào, Thái Dương cũng ảnh hưởng mạnh đến cuộc đời của đương số.

Khi gặp Tuần, Triệt nếu Thái Dương miếu vượng thì Tuần Triệt chỉ có thể gây khó khăn giai đoạn đầu, còn về sau vẫn phát triển rực rỡ, nhưng nếu Thái Dương hãm thì những cái xấu bị chế giảm bớt cho may mắn hơn, dễ chịu hơn chứ không thể làm mất hết cái hãm của Nhật để tốt lên như Nhật đắc, miếu được.

Thái Dương là Dương tinh nên chính vị ở các cung Dương, hợp với các tuổi Dương và đặc biệt phù trợ mạnh cho những người sinh ban ngày. Nam số có Thái Dương lạc hãm thì sinh lý có vấn đề như: xuất tinh sớm, bất lực, ... Nếu Thái Dương sáng sủa thì sinh lý mạnh khoẻ, một điều kiện đưa đến hạnh phúc gia đạo.

Khi Thái Dương miếu vượng sẽ hóa khí là Quyền và Lộc ngoài ra còn là biểu tượng của Trí tuệ thông thái, cho nên đóng cung nào giáng phúc cho cung đó, nhưng tốt nhất là ở Mệnh hay Quan Lộc.

Thái Dương hãm, dù đóng bất cứ nơi nào cũng phải luận đoán là tuổi trẻ buồn nhiều hơn vui, về hậu vận mới được thanh nhàn. Trong trường hợp này nếu gặp Hóa Lộc, Hóa Quyền sẽ là phản vi kỳ cách, gặp Tuần Triệt thì những cái xấu sẽ giảm đi. Tuy nhiên, dù có phản vi kỳ cách hay gặp Tuần Triệt thì đương số cũng phải nỗ lực nhiều mới mong được hưởng cảnh “tiền bần hậu phú”.

Thái Dương miếu vượng là người cao vừa tầm, trắng trẻo, thông minh, rộng rãi nhưng dù ít dù nhiều cũng có tính kiêu căng. Đi với Văn Xương hay Song Hao miếu là người thông kim bác cổ, học một biết mười, là người dong dỏng, dáng thư sinh và khuôn mặt đẹp. Đi cùng Đà La là người thấp vừa tầm, khôn ngoan nhưng thâm hiểm. Đi cùng Không, Kiếp thì mặt hay bị mụn, trí thông minh bình thường. Khi Không Kiếp miếu là người nóng nảy liều lĩnh, dám nghĩ dám làm. Đi với Quang Quý sẽ làm cho tính kiêu căng của Thái Dương giảm đi rất nhiều, trở nên nhân ái từ hòa hơn. Đi với Hóa Kỵ dễ mắc bệnh về trí óc và cả nghĩ.

Thái Thứ Lang cho rằng, những người có Thái Dương hãm địa thủ mệnh là những người có thân hình nhỏ nhắn, cao vừa tầm, mặt choắt, hơi gầy, má hóp, mắt lộ, thần sắc kém và da xanh xám, vẻ mặt u buồn, tính tình tuy nhân hậu, từ thiện nhưng lại kém thông minh, ương gàn, khắc nghiệt và không bền chí.

Thái Dương đắc địa trở nên khi đi với các sao Hỏa, Linh hay đóng ở những cung Dương Hỏa (?) có thể bị loạn thần, loạn trí. Những bệnh này cũng có thể xảy ra nếu Nhật hãm địa bị Tuần, Triệt án ngữ.

Những người Mệnh có Thái Dương hãm địa tại Hợi, Tý là những người nho nhã, từ thiện, say mê văn chương, triết lý nên thường là những nhà nghiên cứu, nhà tư tưởng.

Chỉ khi Thái Dương ở Sửu, Mùi mà gặp Hóa Kỵ thì tốt, còn ở các cung khác rất cần tránh xa Hóa Kỵ.

Khi gặp Thiên Hình đồng cung thì chắc chắn sẽ có tật ở mắt. Thái Dương dù đắc địa hay hãm địa mà gặp Kình, Đà, Không, Kiếp, Hình, Riêu sẽ khổ sở, vất vả, thường gặp tai nạn và tuổi thọ bị chiết giảm.

Thái Dương hãm địa mà gặp Kình (Đà), Kỵ thường là người đau mắt, cận thị, có thể bị mù và kém thông minh… nếu có thêm Hình, Kiếp Sát rất dễ bị mổ mắt.

Thái Dương đắc địa là người rất thông minh, thẳng thắn nhưng hơi nóng nảy, chuyên quyền nhưng nhân hậu, từ thiện, thích triết lý. Gặp nhiều sao sáng sủa tốt đẹp như: Xương, Khúc, Khôi, Việt, Tả, Hữu, Khoa, Quyền, Lộc, Đào, Hồng, Hỷ tất sẽ là người giàu sang phú quý, phúc thọ song toàn.

Thái Dương ghét lũ Riêu, Đà, Kỵ vì gặp lũ Tam ám này thì bị miệng tiếng, bản thân cũng có điều mờ ám.

Nhật hãm ngộ Xương, Khúc, Tam Hóa là người có dáng dong dỏng cao, trắng trẻo, thông minh, biết tận dụng thời cơ, anh hùng trong thời loạn. Nếu Nhật hãm mà không gặp được các sao trên là người có hình thức thấp bé và xấu xí, tính đã cố chấp, ngu độn mà còn nặng bảo thủ.

2.2- VỊ TRÍ ĐỨNG CỦA SAO THÁI DƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN 12 CUNG:

Thái Dương ở Tý:

Tý là cung dương, Nhật ở đây bị hãm, rất nguy hiểm, rất cần được Tuần, Triệt án ngữ. Nhật hãm ở Tý nguy hại nhất cho người tuổi Giáp, vì tuổi Giáp khi ấy Thái Dương, Hóa Kỵ đồng cung, Nhật đã hãm lại còn gặp Kỵ nữa thì càng xấu, mặc dù Hóa Kỵ vượng ở Tý. Trường hợp này nếu có được Tam Minh sẽ làm cho Thái Dương quang đãng hơn, đương số bớt khổ hơn.

Người có Thái Dương hãm địa tại Tý thường là những người ham thích nghiên cứu văn hóa nghệ thụât, sống trung thực, rất ghét sự dối trá, gian tà. Họ là người tài giỏi nhưng bất đắc chí. Ngoại trừ người tuổi Bính, Đinh thì được giàu sang tín nghĩa, kỳ dư các tuổi khác đều không may mắn trong cuộc đời.

Thái Dương cư Tý sẽ có Cự Môn hãm địa ở Thìn tam hợp chiếu nên rất cần được Tuần, Triệt hoặc Tam Hóa hội họp để chiết giảm cái xấu của Cự, Nhật hãm địa. Trường hợp này dù có được Tam Hóa cũng không xem là phản vi kỳ cách, mà chỉ coi là cái xấu sẽ giảm đi, cái tốt tăng lên để cuộc đời đương số được dễ chịu hơn, may mắn hơn về lúc hậu vận.

Nguy hiểm nhất là gặp Đà La sẽ làm cho cuộc đời đương số hung hoạ triền miên, cuộc đời đau thương không còn gì để so sánh. (Vì ngay cả khi Thái Dương ở nơi vượng địa thì Đà La (là khắc tinh của Nhật - Nguyêt) cũng phá hết cách đẹp của đương số, nhưng nếu gặp Tứ Linh cũng làm cho bớt xấu, nếu có thêm cả Hóa Khoa nữa thì Đà La chỉ còn gây họa vừa vừa thôi, không còn là phá cách.)

Thái Dương ở Sửu:

những vị trí (tại Sửu - Mùi) này, con người còn có nội tâm đặc biệt, đó là người luôn day dứt nội tâm, cầu toàn, kiểu làm xong việc gì cũng ân hận, không làm được việc gì cũng ân hận… Tuy nhiên đây là kiểu người phong lưu công tử nhưng tuổi trẻ bất hiển công danh.

Tại cung Sửu, Thái Dương đắc địa đồng cung với Thái Âm. Lúc này hai nguồn sáng Nhật - Nguyệt phá nhau, rất cần có sao TUẦN hoặc sao KỴ đồng cung để ngăn cản sự tranh chấp giữa Nhật và Nguyệt. Sao Triệt cũng tốt nhưng không bằng hai sao trên.

Ngoài ra nếu có sao Thiên Tài cũng tốt. Nhật ở Sửu nếu không có các sao trên thì bình thường, cả đời bất đắc chí.

Tuy nhiên, nếu Nhật - Nguyệt đồng cung tại Sửu - Mùi thì ở Sửu sẽ tốt hơn ở Mùi về công danh, sự nghiệp vì lúc bấy giờ ánh trăng tuy đã tàn nhưng bình minh đang ló sáng, báo hiệu sự vất vả, khó nhọc thủa thiếu thời sẽ gây dựng được sự nghiệp cho tương lai, dầu vậy thì “cơm no áo ấm” vẫn không thể bằng khi Thái Dương cư  Mùi.

Thái Dương ở Dần:

Cung Dần là cung mà Thiếu Dương bắt đầu hình thành. Nên khi Thái Dương đóng tại đây (đồng cung với Cự Môn) là nơi vượng địa, tuy ban đầu phải vất vả, cơ cực nhưng cuộc đời càng về sau càng sung túc, vinh hiển. (Có sách cho rằng, khi Thái Dương đắc địa tại Dần sẽ là người sướng từ trong trứng sướng ra, thích văn chương nghệ thuật nhưng về già sẽ dở dang sự nghiệp. Quan điểm này khó chấp nhận bởi thực tế người có Cự - Nhật đồng cung tại Dần phần nhiều có tuổi thơ vất vả, họ được gia đình yêu quý, tin tưởng vì tài năng, đức độ và bước đường công danh, sự nghiệp của họ càng về sau càng phát đạt.)

Khi đồng cung tại Dần, CỰ - NHẬT đều vượng, sẽ giao thoa nhau tăng mạnh ảnh hưởng lên rất nhiều, không những ảnh hưởng mạnh tại chính cung mà còn ảnh hưởng mạnh đến cung xung chiếu và hai cung tam hợp. Thành ra Mệnh CỰ - NHẬT tại Dần cho các tuổi Mộ, nếu đắc vòng Thái Tuế nữa thì toàn mỹ bởi vì cung Quan ,Tài chịu ảnh hưởng của Cự Nhật chiếu đến có thể xem như có CỰ - NHẬT tọa thủ, hội thêm Long - Hổ - Cái, cung Di sẽ có Mã ngộ Khốc - Khách, được Nhật, Nguyệt hợp chiếu, chính là Thư Hùng mã vậy. Nếu Mệnh có CỰ - NHẬT không đắc Thái Tuế thì chỉ có danh tiếng, thông minh chứ không quyền cao chức trọng, giàu có. (Mệnh vô chính diệu có CỰ - NHẬT chiếu cũng rất tốt)

 CỰ - NHẬT ở Dần gặp Tuần Triệt cũng không sợ, bản thân Thái Dương miếu vượng ít ngại Tuần, Triệt, Cự Môn vượng lại rất cần Tuần, Triệt làm vỡ đá ra để cho Cự Môn được ánh sáng của Thái Dương chiếu vào mà tỏa sáng. Nếu gặp thêm Song Hao nữa thì thật toàn mỹ. Song Hao miếu sẽ cản tác dụng của Triệt, Tuần lại làm cho Thái Dương không bị cản ngăn, ngoài ra có Song Hao Cự Môn đã đẹp lại càng thêm đẹp. Hội thêm Xương, Khúc, Tả, Hữu, Khoa, Lộc, Quyền, Khôi, Việt, Quang, Quý thì là số tối quý, làm nên sự nghiệp rực rỡ. Tuy nhiên, rất hiếm có lá số nào được như thế.

CỰ - NHẬT tại Dần rất kỵ Lộc Tồn đồng cung, vì nếu gặp Lộc Tồn đồng cung thì chẳng khác nào Ngọc Quý bị che mất. Trường hợp CỰ - NHẬT tại Dần, Thân cũng tối kỵ gặp Kình, Đà, Kỵ, nếu gặp thì sẽ là phá cách, cả đời bất đắc chí. Gặp Linh, Hỏa không đáng lo, gặp Không, Kiếp thì đời có lúc hoạnh phát nhưng rồi cũng sẽ tàn lụi nhanh chóng. 

Khi CỰ - NHẬT đồng cung rất cần Xương, Khúc, Tả, Hữu nếu có Quang, Quý ở Quan và Di chiếu về thì làm cho Thái Dương trở nên hòa dịu hơn, bớt kiêu căng (xin lưu ý Nhật miếu vương thủ Mệnh bao giờ cũng có tính kiêu căng, không ít thì nhiều).

Thái Dương ở Mão:

Nhật ở Mão (có Thiên Lương đi cùng) là Nhật vào nơi đất Phật nên bản tính nhân hậu, vị tha, có lòng thương người và tuổi thọ tương đối cao. Khi NHẬT - LƯƠNG đồng cung ở Mão sẽ tạo thành cách Nhật xuất lôi môn. Người có cách này tất được Thái Âm miếu ở Hợi chiếu về. Nếu cung Mệnh hay Thân an ở Mùi được NHẬT -  LƯƠNG chiếu về thì gọi là cách Nhật Nguyệt tịnh minh, rất tốt. Nếu hội đủ Xương, Khúc, Khoa, Quyền, Lộc, Tả, Hữu là người rất thông minh, có tài kinh bang tế thế, hơn thế còn là người nhân hậu, bác ái.

Bộ NHẬT - LƯƠNG rất kỵ đồng cung với Hóa Kỵ và Lục Sát tinh sẽ thành ra phá cách. Nếu gặp Tuần, Triệt cũng không đáng ngại lắm, tuy nhiên trong trường hợp này rất cần có Tả, Hữu, Xương, Khúc phù trì thì mới vượt qua được sự ngăn cản phá hoại của Tuần, Triệt.

Thái Dương ở Thìn:

Thái Dương ở Thìn như Mặt Trời sáng tỏ lúc bình minh, rất đẹp, được Thái Âm miếu ở Tuất xung chiếu, hội đủ cả hai nguồn sáng Âm Dương thì thật là cực quý.

Trường hợp nếu Mệnh đóng ở Thìn sẽ được gọi là cách Nhật Nguyệt tranh huy. Người có cách này rất thông minh, nhân ái, có chí lớn hơn người. Nếu có thêm Xương, Khúc, Tả, Hữu, Quang, Quý hội tụ nữa thì thật là cực quý. Nếu lại đắc vòng Thái Tuế nữa sẽ có thêm Long, Phượng, Mã hội tụ, làm cho NHẬT - NGUYỆT đã đẹp càng thêm đẹp. Nếu không đắc được vòng Thái Tuế sẽ được đền bù bằng Tam Minh, tuy nhiên sẽ không được đẹp bằng đắc vòng Thái Tuế.

Thái Dương ở Tỵ:

Khi Thái Dương miếu địa ở Tỵ thì rất sáng, được Thái Âm cũng sáng ở Dậu hợp chiếu tạo thành cách Nhật Nguyệt tịnh minh, là người uy tín, đức độ, công danh vinh hiển, tuy nhiên sẽ không được tốt như ở Thìn, hay CỰ - NHẬT đồng cung tại Dần. Trường hợp này, nếu gặp Tuần, Triệt án ngữ cũng không đáng lo ngại.

Trường hợp Thái Dương ở Tỵ, nếu Mệnh an ở Sửu sẽ có sao Thiên Lương tọa thủ, thì sẽ không được hưởng cách Nhật Nguyệt tịnh minh. Dẫu vậy, đương số vẫn được hưởng sự giàu sang phú quý, dĩ nhiên là không thể bằng Nhật Nguyệt tịnh minh, Nhật Nguyệt tranh huy hay CỰ - NHẬT ở Dần.

Trường hợp Mệnh đóng tại Tỵ sẽ được Cự Môn tại Hợi xung chiếu. CỰ - NHẬT lúc này tách rời nhau ra, nên dù cả hai sao đều đắc địa cũng không thể cộng hưởng với nhau được, nên người có cách này thì chỉ giàu sang mà không phú quý. Đặc biệt khi Nhật gặp Đà La, Hóa Kỵ thì là phá cách, con người trầm luân bể khổ.

Thái Dương ở Ngọ:

Đây là nơi Thái Dương phát triển đến cực vượng, Thái Dương đóng ở đây là đẹp đẽ nhất, thường là người quyền cao chức trọng, đứng đầu một ngành, ví như mặt trời giữa trưa chói sáng, nhưng ở vị trí được gọi là "Cùng tắc biến" nên rất cần có Tuần, Triệt án ngữ hoặc Thiên Tài đồng cung để ngăn cản sức phát triển đừng lên đến cực điểm của Thái Dương, nếu không về hậu vận sẽ bất đắc chí vì theo quy luật của vạn vật thì khi đã phát triển đến cực điểm thì tất phải đến giai đoạn suy kiệt. Tuy nhiên, sao Triệt hiệu lực không hay bằng sao Tuần vì sao Triệt thì quyết liệt nhưng dễ gỡ còn sao Tuần dai dẳng khó dứt.

Thái Dương cư Ngọ (thủ Mệnh) nếu có thêm Văn Xương đồng cung thì là người thông thái và làm quan to, nếu không có Tuần - Triệt án ngữ hay Thiên Tài đồng cung thì hậu vận sẽ có lần ôm hận về công danh.

Trong trường hợp này (Nhật cư Ngọ), Thái Dương nên đóng ở cung Quan Lộc, được Cự Môn ở Tuất (Tài Bạch) chiếu về Mệnh (ở Dần) vô chính diệu là thượng cách. Cách này tốt nhất cho người mệnh Hỏa, Mệnh Kim, và cung Mệnh ở Dần rất cần có thêm Linh, Hỏa hoặc Bạch Hổ để thành cách Hung tinh độc thủ, được Cự Nhật chiếu về. Tốt nhất là sao Bạch Hổ bởi vì sẽ có Tứ Linh hội hợp, sự nghiệp rạng rỡ lâu bền. Hai sao Linh, Hỏa thì thiên về võ nghiệp, lẫy lừng lắm nhưng cuối đời chắc không toàn vẹn, có thể chết trong uất ức. Nếu có Không, Kiếp độc thủ, cuộc đời lúc lên lúc xuống, lên cũng nhanh mà xuống cũng chóng, nên ly tổ lập nghiệp thì tốt. Nếu có Kình Đà cuộc đời buồn nhiều hơn vui.

Tuy nhiên, tất cả các trường hợp trên đều là người thông minh, cơ mưu, quyền biến.

Thái Dương ở Mùi:

Thái Dương ở Sửu hay Mùi thì công danh khó hiển đạt, tuy nhiên ở Mùi không tốt bằng ở Sửu về công danh, sự nghiệp vì lúc bấy giờ mặt trời tuy chưa tắt nắng nhưng ánh sáng yếu ớt dần, báo hiệu sự nhạt nhòa lúc về già, dầu vậy thì cơm no áo ấm vẫn hơn hẳn khi Thái Dương cư Sửu. Khi Thái Dương đồng cung với Thái Âm tại Sửu, Mùi là hình ảnh tranh chấp nội tâm của người có tài mà không có đất dụng võ, cuộc đời lúc nào cũng ở thế lưỡng nan, ngập ngừng không dứt khoát.

Thái Dương cư Mùi, thường là người không bền chí, chỉ siêng năng buổi đầu, về sau lười biếng, trễ nải dở dang. Ở vị trí này, còn là người luôn day dứt nội tâm, cầu toàn, kiểu làm xong việc gì cũng ân hận, không làm được việc gì cũng ân hận… Tuy nhiên đây là kiểu người phong lưu công tử, nhưng tuổi trẻ bất hiển công danh.

Thái Dương ở Thân:

Thái Dương đóng tại cung Thân, có Cự Môn đi cùng sẽ tạo ra cách "Cự Nhật Dần Thân quan phong tam đại, thực lộc trì danh". Thực ra CỰ - NHẬT ở Thân không thể gọi là đẹp được, càng không thể so sánh với cái đẹp ở Dần vì tại cung Thân là lúc Thiếu Âm bắt đầu phát triển, Nhật bắt đầu suy tàn (tuy Nhật bị hãm nhưng cũng không đáng sợ lắm) nên sức ảnh hưởng của CỰ - NHẬT bị chiết giảm nhiều. Người có Cự - Nhật tại Thân thường có tuổi thơ được sung sướng nhưng về già thì bình thường. Họ là người học giỏi nhưng không làm nên, phần nhiều là người bất đắc chí trong cuộc đời. Họ chỉ siêng năng buổi đầu nhưng về sau trễ nải, lười biếng.

CỰ - NHẬT tại Thân rất cần gặp Đào, Hồng, Hỷ để sáng ra, và tối kỵ gặp phải lũ Tam ám sẽ làm cho cuộc đời đương số gặp nhiều oan trái.

Cũng như CỰ - NHẬT tại Dần, CỰ - NHẬT tại thân cũng tối kỵ gặp Kình, Đà và Hóa Kỵ, sẽ là phá cách, cả đời bất đắc chí. Gặp Linh, Hỏa không đáng lo, gặp Không, Kiếp đời có lúc hoạnh phát nhưng rồi cũng sẽ tàn lụi nhanh chóng.

Thái Dương ở Dậu:

Nhật ở Dậu (có Thiên Lương đi cùng) là Nhật hãm. Dậu cũng là nơi đất Phật, cho nên ở đây tuy bị hãm nhưng bản tính vẫn là người nhân hậu, đức độ, nếu đi tu sẽ dễ đắc đạo.

NHẬT - LƯƠNG cư Dậu tất có Thái Âm hãm ở Tỵ chiếu, cách này rất cần cả Nhật, Nguyệt ngộ Tuần Triệt, Tam Minh, Tam Hóa để đương số mở mày mở mặt. Nếu không được như trên mà lại gặp Tam ám, Lục Sát tinh thì cả đời u mê, đau khổ, chỉ có đi tu mới được yên thân.

Thái Dương ở Tuất:

Người có Thái Dương ở Tuất thì chắc chắn có Thái Âm hãm ở Thìn xung chiếu. Cả hai nguồn sáng Âm Dương này đều mờ nhạt, yếu ớt nên cuộc đời đương số chắc chắn sẽ gặp những gian truân, đau khổ. Những người có Thái Dương ở Tuất thường là những người yêu thích văn chương nhưng bất hiển công danh.

Nhật ở Tuất là Nhật hãm, rất xấu, rất cần gặp Tuần, Triệt, Tam Minh, Tam Hóa hoặc Thiên Không đồng cung để những cái xấu bị chế giảm, để dễ chịu hơn. Nhưng đẹp nhất không phải là gặp Tuần Triệt mà là gặp Tam Hóa, Xương Khúc, Tả Hữu, Quang Quý, lúc này được gọi là phản vi kỳ cách. Người có cách này sẽ làm nên sự nghiệp trong thời loạn. Xương - Khúc, Tả - Hữu, Quang  -Quý miếu vượng sẽ là những trợ thủ đắc lực phò tá Nhật Nguyệt. Tuy nhiên ,có cách này tuổi thiếu niên chắc chắn khổ cực, khắc cha mẹ. Công danh phải từ trung vận trở đi mới sáng sủa.

Thái Dương ở Hợi:

Thái Dương ở Hợi là nơi tối hãm nhất của Nhật, là nơi được gọi là "Cùng tắc biến" nên rất cần gặp được Tam Hóa để thành phản vi kỳ cách. Dĩ nhiên, để được như vậy rất cần hội tụ thêm các trung tinh phò trợ. Một mình Tam Hóa sẽ không làm nên chuyện, chỉ giảm bớt những cái xấu của Nhật hãm địa để đương số may mắn hơn, dễ chịu hơn.

Người có Thái Dương hãm địa tại Hợi thường rất thích việc nghiên cứu văn chương, nghệ thuật, sống trung thực và ghét sự giả dối, gian tà.

Cũng như trường hợp Nhật hãm tại Tuất, trường hợp Nhật hãm tại Hợi cũng rất cần gặp được Tuần, Triệt, Tam Hóa, Tam Minh để chiết giảm những cái xấu, không hay do Nhật hãm đem lại.

------------------------------

Mời nhấp chuột đọc thêm:

https://dangxuanxuyen.blogspot.com/2015/08/vi-tri-nhat-nguyet-tren-la-so-phan-2.html


(Trích từ: TỬ VI KIẾN GIẢI của Đặng Xuân Xuyến

Nhà Xuất bản Thanh Hóa, xuất bản năm 2009)



11 nhận xét:

  1. Rất bổ ích.Nhưng không biết nếu thay cung mệnh bằng cung thân thì sao nhỉ??

    Trả lờiXóa
  2. Mệnh được ví như cái gốc, Thân được ví như thân cành nên Mệnh vẫn cần được đẹp, tốt, không bị xấu thì mới mong được hưởng cách đẹp của Thân (nếu có). Nhưng đó là xét trên lý thuyết, cụ thể phải căn cứ vào tùy lá số, chị Nho Tran ạ.
    Chúc chị ngày lễ Vu Lan vui vẻ!

    Trả lờiXóa
  3. Cho em hỏi. Em mệnh an tạn mùi, vô chính diệu, thân cư quan lộc có thái âm, lộc tồn, tả phù tại hợi, thái dương thiên lương hữu bật, hóa lộc tại mão. Nhưng đau đầu là thái âm miếu bị triệt, thái dương thiên lương bị tuần. Vậy cách cục này có xấu không ạ? Mong các anh chị am tường có thể chia sẽ giúp em.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quá bất lợi người ngay bị trù dập học Phật tu tâm mới mong chuyển nghiệp

      Xóa
  4. Thưa bác Đặng Xuân Xuyến, cháu muốn hỏi là lá số của cháu có mệnh là cách Cự nhật tại Thân, cháu đọc ở trên thì thấy cũng không đep lắm nhưng cung mệnh của cháu có sao tuần, có thiên việt và có thiên khôi ở cung quan chiếu, có tam hợp hồng loan và đào hoa, có thai cáo, tấu thư văn xương, tam đức, vậy thì mệnh của cháu trở thành cách cự nhật đắc địa hay hãm địa ạ, công danh của cháu liệu trắc trở không? Cháu cám ơn chú đã giải đáp!

    Trả lờiXóa
  5. A ơi. Xin hỏi a mệnh tôi Thiên lương tại sửu gặp tuần. Thân cư Cung Quan lộc tai Tỵ có Thái Dương gặp Triệt. Cung tài có Âm sáng tại Dậu. Bây giờ đã 42 tuổi thì Tuần Triệt có ảnh hưởng đến mệnh thân và cung Quan lộc nhiều ko ạ.

    Trả lờiXóa
  6. Anh cho hỏi: Thái Dương đóng tài tại Tỵ , Thái Âm ở mệnh tại cung Dậu, Thiên Lương đóng quan tại Sửu gặp triệt vậy có gọi là Nhật Nguyệt tịnh minh không? Cám ơn!

    Trả lờiXóa
  7. Mệnh nữ thái dương cư ngọ gặp triệt, xương khúc khôi việt quang quý tam minh lẽ ra công danh vinh hiển. Xin hỏi cớ sao 32tuoi lận đận công việc như vậy.

    Trả lờiXóa
  8. Mệnh nữ thái dương cư ngọ gặp triệt, xương khúc khôi việt quang quý tam minh lẽ ra công danh vinh hiển. Xin hỏi cớ sao 32tuoi lận đận công việc như vậy.

    Trả lờiXóa
  9. Vào đọc để biết thêm kiến thức về tử vi, không nên nhờ tác giả giải đáp vì họ không có thời gian đọc mà trả lời.

    Trả lờiXóa
  10. Rất hay mong được làm quen và học hỏi anh 0979506967

    Trả lờiXóa