TIẾNG CHUÔNG NHÀ THỜ BUỔI SỚM TINH MƠ - Tản văn Nguyễn Bàng (Sài Gòn)

1 comment
(Nhà thờ Mẫu Tâm ; Nguồn ảnh: internet)
TIẾNG CHUÔNG NHÀ THỜ
BUỔI SỚM TINH MƠ
*
(Tác giả Nguyễn Bàng)
Không là giáo dân nhưng quá nửa đời người lại ở gần nhà thờ. 52 năm, là Nhà thờ chính tòa tước hiệu Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi thành phố Hải Phòng và giờ đây, là nhà thờ Giáo xứ Mẫu Tâm ở phía Nam Sài Gòn. Bởi thế hầu như sáng tinh mơ nào cũng được nghe tiếng chuông nhà thờ rung những âm thanh cao vút vang xa từ trên ngọn tháp cao đánh thức mọi người dậy, chào một ngày mới và mời đón giáo dân đi dự Thánh lễ buổi sớm.
Mới 4h30, chưa tắt đèn đường. Nằm yên lắng nghe tiếng chuông trong trẻo không vướng chút bụi của lúc giao thời giữa đêm và sáng, có cảm giác tâm hồn tan loãng vào linh tinh trăm thứ chuyện. Nhưng khi hồi chuông vừa dứt, trăm chuyện linh tinh ấy cũng vụt biến đi hết để dành chỗ cho một câu hỏi : Ai đang rung chuông nhà thờ sớm nay và chuông được rung như thế nào nhỉ?
Một câu hỏi nghe thật đơn giản và tưởng chừng rất dễ trả lời, vậy mà gần hết một đời người tự mình chưa giải đáp được. Bởi lẽ chưa từng được leo lên tháp chuông, chưa được trông thấy cái chuông nhà thờ và chưa được gặp một người rung chuông nào mặc dù, gần 60 năm trước, có biết một người kéo chuông nhà thờ nổi tiếng khắp thế giới. Nhưng tiếc thay người ấy chỉ là một nhân vật trên trang sách: Đó là thằng gù Quasimodo trong cuốn tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris của văn hào Victor Hugo.
Hãy khoan nói chuyện về tâm hồn tế nhị, mối tình si sâu sắc chung thủy và cao đẹp của Quasimodo trong thiên tình sử bi thảm của gã với cô vũ nữ kiều diễm Esmeralda, mà chỉ xem gã đã kéo chuông nhà thờ như thế nào. Một kẻ dị hình, dị dạng với đủ khuyết tật chột, khoèo, gù, nom chỉ là một cái gì gần giống như người, đã thế lại thêm phải kéo chuông từ mười bốn tuổi nên gã bị điếc đặc. Tâm hồn gã rơi vào đêm đen thăm thẳm. Điếc làm cho gã câm, vậy mà gã đã cống hiến cho Paris hoa lệ những hồi chuông ngân vang buổi sáng, những cung bậc rộn ràng trong những buổi hôn lễ, hay lễ rửa tội cho một bé sơ sinh.
Trong suốt 600 trang truyện, chỉ một lần V.Hugo tả Quasimodo kéo chuông nhà thờ vào một ngày khí trời rất trong thanh, rất nhẹ:
Hắn trèo lên tháp chuông phía Bắc. Bên dưới, người coi nhà thờ đang mở rộng cửa.
Leo tới chuồng treo chuông, Quasimodo ngắm nhìn sáu quả chuông, buồn bã nhún vai.
Nhưng khi rung chuông hắn lại thấy hớn hở.
Hắn quên tất. Tim hắn nở ra, khuôn mặt rạng rỡ. Hắn đi đi, lại lại, chạy từ dây chuông này đến dây chuông khác. Hắn vỗ tay”.
Việc rung chuông, mà có tới 6 quả chuông, xem vậy đâu chỉ là việc đụng tay đơn giản. Nó đòi hỏi một sự thành thục và nhanh nhậy, nói đúng hơn là cả một nghệ thuật. Vậy Quasimodo đâu phải là một thằng gù xấu xí mà phải là một nghệ sỹ tài hoa thì mới làm cho 6 quả chuông ngân vang những cung bậc rộn ràng như thế.
Hiện nay, một số nhà thờ đã có chuông điện tử nhưng hầu hết vẫn là chuông do người kéo. Những người ấy hiển nhiên không phải là Quasimodo vì cuốn tiểu thuyết có tên gã đã tròn 190 tuổi rồi. Có thể đó cũng là một người khuyết tật, là một lão bọ già yếu mà cũng có thể là một thanh niên khoẻ mạnh. Họ rung chuông ắt hẳn không tài hoa nghệ sĩ như Quasimodo. Nhưng chỉ một việc, mỗi ngày họ phải thức dậy từ 4h00 sáng và leo lên tháp chuông nhà thờ với cái ngọn cao vút chọc thẳng lên trời, đội trên đầu một cây thánh giá sắt, tượng trưng cho một hình ảnh cao cả: đó là ngón tay Thượng Đế chỉ cho loài người Nước Thiên Đàng đầy sự hoan lạc bình yên, để rung chuông nhà thờ, cũng đã nói lên sự cần mẫn nhọc nhằn của họ. Vì vậy, bỗng dưng ước gì tất cả những người làm trong các cơ quan công quyền của Nhà Nước có được cái đức ấy! Và hãy thử hình dung xem, một sớm tinh mơ không có tiếng chuông thì nhà thờ sẽ ủ dột, câm lặng ra sao trong buổi chào đón ban mai?!
Ấy vậy mà, gần một năm nay, trong tình cảnh ngày càng ít người đi lễ nhà thờ, mặc dù người Công giáo biết rõ đó là một bổn phận phải giữ, và rằng Thánh lễ là bữa tiệc, trong đó Thiên Chúa bổ sức cho chúng ta tiến đến hạnh phúc vĩnh cửu. Nhưng cơm áo không đùa với các tín đồ, lại là tín đồ ở mảnh đất nghèo nơi này, đa phần làm thuê làm mướn, chở xe ôm, lái tắc xi, bán vé số dạo hay buôn bán đầu chợ cuối sông từ sáng sớm đến gần hết đêm.
Một mục sự phái Phúc âm đã nói: “Là những Giáo hội Kitô giáo, chúng ta có nước hằng sống, thứ nước mà Chúa Kitô đã hứa là dập hết mọi ngọn lửa và giải hết mọi cơn khát. Nhưng vấn đề là, chúng ta không đem nước hằng sống đến nơi đang bùng lửa. Chúng ta cứ rảy nước lung tung đủ mọi nơi, ngoại trừ nơi đang bốc cháy!”. Ông ấy nói đúng, thứ nước hằng sống ấy không giải được cơn khát cơm áo gạo tiền cho người nghèo.
Nhận thấy điều đó, Giáo đường xứ này chỉ dóng chuông buổi sớm vào các ngày thứ ba, thứ năm, thứ bẩy và Chủ nhật.
*        *
*
Gần hai chục năm rồi, kể từ ngày cầm sổ lương hưu, trong đầu không còn mấy khái niệm về thời gian. Năm mấy, tháng mấy, ngày mấy, thứ mấy? Nếu ai hỏi, thật không biết trả lời ra sao.
Nhưng đến Chủ nhật trong tuần thì lại biết hôm nay đã Chủ nhật rồi. Bởi lẽ ngày này, chuông nhà thờ xứ gần nhà dóng dả ngân vang gần chục lần cho gần chục Thánh lễ khiến cái đầu đang già cỗi nhớ ra hôm nay là ngày thứ 7, ngày nghỉ ngơi của Thiên Chúa sau 6 ngày Tạo dựng Thế giới.
Với người già, một năm 365 ngày đều là 365 ngày nghỉ ngơi như nhau cả. Nhưng không hiểu sao nghe tiếng chuông nhà thờ ngày nghỉ ngơi của Chúa thì lại bỗng nao nao nhớ tới bản nhạc Tuổi Đá Buồn của Trịnh Công Sơn. Không thể không nghe lại một lần:
Trời còn làm mây, mây trôi lang thang
Sợi tóc em bồng trôi nhanh trôi nhanh
Như dòng nước hiền
Ngày chủ nhật buồn còn ai còn ai
Đóa hoa hồng vùi quên trong tay
Ôi đường phố dài lời ru miệt mài
Ngàn năm ngàn năm
Ru em giận hờn ru em giận hờn.
Nghe xong, bỗng thấy lòng se sắt một cảm giác buồn vô cớ. Bèn dạo gót ra con đường có nhà thờ xứ, với nỗi mong mỏi mong manh được nhìn thấy một cô gái trẻ đẹp, nét mặt thánh thiện, đôi mắt buồn buồn, có nét huyền ảo mang chiếc áo dài trắng tinh khiết đang đi đến giáo đường với đóa hồng đỏ thắm trong tay giữa làn sương mai mênh mang, nặng ưu tư những bước chân nhỏ bé và xinh xắn tìm đến chốn có bóng hình của Chúa để lấy tình yêu của Ngài cho quên đi dòng đời cô quạnh. 
Nhưng tất cả đều vô vọng. Không thấy bóng dáng người con gái nào như thế trên đường đến giáo đường. Cũng không thấy một dấu chân nào của người con gái ấy lưu lại trên lối đi. Phải chăng, đó chỉ là một vẻ đẹp mơ hồ, mỏng mảnh và đã bị phôi pha, tàn héo, đã về nơi cuối trời, về miền cát bụi hết rồi.
Nhìn quanh ngoài nhà thờ chỉ thấy những cô cậu teen theo chân người lớn đến nhà thờ nhưng không chịu vào thánh đường mà tụ nhau đứng bên hè đường sát cổng nhà thờ, quần áo cũn cỡn, đầu tóc vàng xanh đỏ, có khi dựng ngược, có khi để một chỏm... trông rất kỳ quái, lố lăng và phản cảm, tay nhoay nhoáy lướt hoặc smartphone hoặc ipad rồi giơ cao hạ thấp mấy thứ đó, cười hý hố chụp ảnh cho nhau, hẹn sẽ like nhau trên phây búc.
Những Tuổi đá 15, 17 thánh thiện nhất còn sót lại thì lặng lẽ ngồi vào hàng ghế trong nhà thờ, lần tay mở trang giáo lí rồi theo đấng chăn chiên thực hiện các nghi thức tham dự thánh lễ với những cặp mắt chân thật pha chút ngu ngơ, khờ khạo thỏ non vẫn còn vương chút ngái ngủ, chờ xong lễ ra về cho kịp đến những buổi học thêm đã kéo dòng cả tuần nay lại sẽ kín nốt cả ngày Chúa cũng phải nghỉ ngơi.
Những tuổi đá 30-50, chưa hẳn đã hiểu nhi lập, nhi bất hoặc hay tri thiên mệnh là gì nhưng chỉ chờ xong lễ là đứng lên nháo nhào nhảy ngay lên xe máy phóng nhanh về các nẻo đường. Một số ăn mặc bảnh bao tìm đến những quán cà phê tụ hội bàn các phi vụ kiếm tiền để làm giầu bằng mọi phương tiện hay tìm vui trong trong việc ăn uống, kể cả nơi cờ bạc, du hí sa đọa. Những người còn nghèo khó thì mải miết về nơi các khu chợ đầu mối, các nhà hàng, các xưởng việc tư nhân...để kiếm sống.
Những tuổi đá 60, 70, cái được nghỉ ngơi, tận hưởng sự lão giả an chi hoặc vui sướng với tuổi cổ lai hy thì cũng nhanh chân ra khỏi nhà thờ. Số ít có của ăn của để vội về trông cửa trông nhà cho con đi làm giàu thêm, cho cháu đi kiếm chữ thêm để sẽ thêm danh thêm giá. Số đông là những mái đầu đã ngả bạc, những khuôn mặt đã đầy nếp nhăn, những cặp mắt đã đang mờ đục nhưng tuổi đã xế chiều vẫn nghèo vẫn khổ thì vội đến với những chiếc xe hàng đi bán rong các món ăn như bánh mì, chè đậu đỏ, bánh bao đậu xanh, bánh chuối hoặc đi thu gom phế liệu, trên những ngã tư, con hẻm, vỉa hè; số khác sẽ chạy xe ôm, bán hàng thuê ngoài chợ hoặc trông bế trẻ thơ cho nhà chủ...Những bộn bề công việc trong ngày cuốn mọi người đi rất nhanh, bỏ lại giáo đường không còn họ trong vắng lặng ngác ngơ.
*        *
*
Còn lại một mình, tuổi đá Lời Thiên Thu Gọi lại không phải là con chiên thì lững thững trở về nhà, nghe lại lần nữa Tuổi Đá Buồn để rơi vào lặng lẽ với lời ru miệt mài ngàn năm giận hờn, ngàn năm muộn phiền cho qua một ngày nghỉ của Chúa đầy hư không, ảo vọng.

         
Mời thư giãn với nhạc phẩm TUỔI ĐÁ BUỒN
của Trịnh Công Sơn, qua tiếng hát Khánh Ly:
              
*
Sài Gòn, 04.06.2018
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com
.






  ........................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 04.06.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

1 nhận xét:

  1. DVD không rõ tác giả viết về nhà thờ Công Giáo hay nhà thờ Tin Lành?

    Trả lờiXóa