MỘT LẦN THĂM MỘ NGUYỄN DU - Tác giả: Chử Văn Long (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
MỘT LẦN THĂM MỘ NGUYỄN DU
*
(Nhà thơ Chử Văn Long)
Mỗi lần về quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh, tôi lại có dịp tới thắp hương mộ Đại thi hào Nguyễn Du, không chỉ vì nhà ở gần khu lưu niệm, cách vài cây số, mà còn bởi lòng thành của người cầm bút hậu sinh ngưỡng mộ tài đức thi nhân.
Nhớ lại tuổi thơ, gia cảnh bần bách, cha mất sớm, tôi còn chưa nhớ nổi gương mặt của cha, một vai mẹ gánh gồng nuôi cả đàn con, vậy mà mỗi lần chợ về mẹ đã dành dụm mấy đồng xu nhỏ mua một hai tập truyện cổ tích, truyện thơ dân gian như: Người lấy cóc, Nữ tú tài, Ca hành vân sang nam, Tiếng oanh vàng, Đồng tiền vạn lịch...
Những truyện thơ như: Hoàng Trìu, Thạch Sanh, Bần nữ thán,Tần cung oán, Ba giai, tú xuất, Phật bà quan âm, Chinh phụ ngâm, Thù chồng nợ nước...Rồi truyện Phan trần, Truyện Hoa Tiên, Truyện Kiều...tôi được đọc từ khi vừa thuộc hết mặt chữ không phải đánh vần.
Vào những buổi công việc đồng bãi tạm xong hay những đêm mưa gió, mẹ ở nhà, người bảo tôi rót thêm dầu vào cây đèn nhỏ để mời các bà, các chị quanh xóm sang chơi, nghe tôi đọc truyện; bên rá bỏng ngô nở bung, nóng hổi, chị cả tôi hì hụi rang dưới bếp mang lên. Lúc ấy tôi chưa phân biệt được truyện nào hay nhiều, truyện nào hay ít, tùy mẹ và các bà các chị thích nghe truyện gì tôi đọc truyện ấy...dần dần mới biết quyển được đọc đi, đọc lại nhiều lần là quyển truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, có bà có chị thuộc lòng từng đoạn thơ Kiều từ lúc nào đấy không hay... Bình thường thì đọc truyện nào cho đến hết truyện ấy, nếu chưa hết thì gập trang đánh dấu, lần sau đọc tiếp. Riêng truyện Kiều có hôm vừa đọc xong đoạn thằng bán tơ gây họa cho gia đình Kiều, mẹ bảo hôm nay các bà, các chị đông vui, con đọc lại đoạn này nghe lần nữa...Sau này tôi hiểu ra đó là đoạn thơ đứt ruột của nàng Kiều phải chia cắt tình duyên với Kim Trọng... Khi đọc đến những câu thơ "Ôi Kim Lang, hỡi Kim Lang/Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây", tôi bỗng nghe tiếng sụt sùi bên cạnh, ngẩng nhìn quanh thấy ai cũng đang đưa vạt áo lên thấm lệ ngùi ngùi...
Lâu dần những trang Kiều vui buồn bỗng thành ám ảnh vào đời những người dân quê hiền lành, chất phác. Nhiều người đã đốt hương trầm, nâng quyển sách trên hai bàn tay, lầm rầm khấn vái, xin quẻ cho con gái đi lấy chồng, anh con trai đang tìm vợ... Người bói quẻ xem người đi xa lâu chưa thấy tin về... Chẳng biết những quẻ bói ấy có linh ứng hay không, tôi ngồi đọc giúp chỉ thấy hay hay...
Thú đọc truyện Kiều hầu mẹ và các bà, các chị, cùng tuổi thơ tôi để lại quê nhà khi học xong tốt nghiệp trường Trung cao cơ điện, một trường dạy nghề cơ khí, tôi xung phong đi xây dựng kinh tế miền núi gần hết mười năm trèo đèo lội suối, rồi bom đạn giặc Mỹ leo thang, bạn bầu có người đã vĩnh viễn nằm lại nơi lán nứa rừng sâu. Tôi may mắn được trở về Hà nội quê nhà thì nhà cửa đã bị trận đại hồng thủy sông Hồng năm 1971 cuốn phăng theo lũ... Cố gắng chắp nối, rách lành, bớt  cái gánh nặng trĩu trên đôi vai gầy mảnh của người vợ thương chồng suốt những năm xa... Nhưng không kịp nữa rồi, nàng đã đổ trọng bệnh và sớm qua đời, để lại nỗi buồn đau ly biệt...Tôi đã ghi lại tất cả nỗi xúc động đời mình với những vui buồn ứ nghẹn của cuộc sống chung quanh sau cả chặng đường dài... Lúc một mình ngồi nhớ lại, tôi mới thấm hiểu câu Kiều “Trải qua một cuộc bể dâu"! Tôi mới thấm thêm những nét hay vẻ đẹp, lòng nhân ái, sự thủy chung, rộng mở của những tập sách, những quyển truyện cổ tích, tuyện dân gian cho đến những tác phẩm văn chương còn sống mãi tới hôm nay như Hoa tiên, Chinh phụ ngâm, và đặc biệt kết tinh mọi tinh hoa dân tộc trong tác phẩm truyện Kiều bất hủ, mang vẻ đẹp rất riêng trong nền thi ca nhân loại. Một bản thể vừa chứa đựng lại giao hòa được mọi triết lý nhân sinh cả duy vật lẫn duy tâm, lại khẳng định vị thế tồn tại của con người đàng hoàng trước quy luật lớn lao, sinh tồn vũ trụ. Khi thì “Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới dự phần thanh cao". Có lúc "khi lên trời cũng chiều người". Và có lúc  tự mình phải khẳng định “Có trời mà cũng có ta"!
Bây giờ tôi không còn mẹ để tạ ơn công sinh thành, nuôi dưỡng không chỉ bằng bầu sữa ngọt lành. Cái thuở nghèo đói là vậy mẹ đã cho con sớm được thuộc lòng những trang sách thấm đẫm nhân tình, sống để làm người phải mang nặng ân nhân, bạn bầu  đồng loại, mỗi quyển sách như một ngọn gió trong lành, một dòng suối mát theo tôi vượt qua đèo dốc gian lao, biết sẻ chia đồng cảm cùng những thân phận không may nơi mỗi ngả đường đời... Riêng tấm lòng thành xin được mang ơn truyện Kiều, ơn thi hào Nguyễn Du đã cho tôi những trải nghệm nghĩ suy  suốt cuộc đời cầm bút "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" mới làm nên được  những dòng thơ sâu sắc, luôn nhóm lại giữa lòng cuộc sống những yêu thương, giữ lại cho tâm hồn hiện tại, mai sau vẻ đẹp nhân sinh không thể phai tàn, dù cuộc đời có thay đổi đến đâu chăng nữa!
Dù là vậy, nỗi ly biệt với người vợ thương yêu đã có lúc dâng ngập trong lòng tôi nỗi cô đơn buồn bã đến muốn bỏ tất cả bút giấy theo tôi mấy chục năm trời, nhưng hình như Tạo hóa không tha, lại đem vòng dây ân tình “buộc chỉ cổ tay" tôi vào người con gái làm thơ đất Nghi xuân cũng mê mẩn những trang Kiều, đời cũng éo le phận số, để giờ tôi có quê ngoại ở đất Nghi Xuân, để mỗi lần về quê không quên thành kính tới thắp hương mộ thi nhân để hàm ơn và an ủi lòng mình...Mỗi lần đến đây tôi thường cắm nén hương xong, vợ chồng thơ thẩn quanh khu vườn mộ, khi dừng lại hồi lâu bên khóm trúc vàng, nhìn những vết kẻ xanh chảy dài nơi đốt trúc như ngấn lệ, nên có tên là" trúc sông Tương"...Lúc tần ngần bên" gốc ngâu già", đã xin cụ những chùm quả  ngâu về đúc thành cây cho vào chậu cảnh...Có lần đi tới góc vườn, thấy lộ hình hai chiếc nẫm rượu, vợ chồng tôi bới cát phủ lấp rồi lấy tay chùi, phủi đất bụi lâu ngày đã bám chặt quanh lọ, màu men bắt ánh sáng lại long lanh.
Trên thân nẫm có bức tranh vẽ đôi uyên ương ngồi dưới bóng trăng cạnh ngôi lầu, tay nâng ly rượu... Nơi cổ nậm in hai câu thơ "Khi gió gác, khi trăng sân/ Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ", vợ chồng tôi xin cụ mang về, dù chẳng hay rượu cũng chọn thứ rượu gạo quê bên bờ sông Lam, rót đầy bình đợi bạn văn 
chương. Ngôi nhà nhỏ chúng tôi luôn kiếm thêm những cây hoa dân dã về trồng, bên những cây na, cây bưởi mùa cho trái ngọt hoa thơm, có thêm hoa Ngâu, chiếc nậm rượu từ nơi vườn cụ Nguyễn như có thêm hơi ấm tinh thần mỗi khi mở trang giấy trắng...
Lần này tôi về Nghi Xuân, tới thăm mộ đúng ngày giỗ Thi Hào (mồng 10 tháng 8 âm lịch), thấy khuôn viên ngôi mộ đã thay bức tường ngăn với vườn bằng đá, hai hàng cau cao quá đầu người vừa bén lá xanh... Hàng cau lên đẹp sẽ gợi sự gần gũi nơi Người yên nghỉ trong tâm hồn người Việt...Chỉ tiếc, sau nhiều lần tu sửa khu vườn không rộng to gì mà cây cối xờ xạc không có cây nào đủ bóng che cho khách bộ hành tới đây thắp xong nén hương có chỗ đứng đợi tàn hương. Nhìn quanh, thấy hai bên kề sát mộ, hai gốc đa vừa trồng, chúng tôi tới xem, lòng thật mừng, chẳng bao lâu cây sẽ cho bóng rợp, sẽ xua bớt đi nắng lửa gió Lào nơi phần mộ thi nhân. Khi nhìn kỹ quanh gốc cây còn có tấm bia đúc bê tông ghi tên người trồng. Bia gốc cây bên phải, nhìn từ cổng vào ghi: (Tiến sỹ Nguyễn Xuân Mừng - Đức Lâm - Đức Thọ - Hà Tĩnh. Trồng ngày 05- 01-2017). 
Bia gốc cây bên trái ghi: (Đại tá Phạm Đức Long- Đức Lâm- Đức Thọ - Hà Tĩnh. Trồng ngày 05- 01-2017). Vậy là hai người thành tâm rủ nhau đường xa dặm thẳm, với thân cây tính cả trọng lượng cả bầu đất gốc phải hàng tạ, chắc hai ông phải dùng xe tải mới vận chuyển được từ Đức Thọ về đây dâng hiến trồng vào khu mộ...Vợ chồng tôi bàn luận xong thoáng bổng chạnh lòng... trong khi mình ở gần đây chả góp đuọc gì ngoài nén tâm nhang và chút lòng thành. Mấy ngày sau nhóm bạn từ bên kia cầu Bến Thủy sang chơi, tôi mang bầu rượu xin nơi góc vườn Cụ Nguyễn ra rót rượu mời bạn, tôi kể chuyện đi thắp hương mộ Thi Hào thấy khu mộ sang sửa, đường nét nghệ thuật hơn... Mừng nhất là có hai cây đa mới trồng hai bên, cạnh sân gạch sẽ hứa hẹn tỏa bóng che cho khách viếng thăm...Vui bạn, tôi kể rằng người trồng còn ghi lại cả tên, địa chỉ, ngày tháng trồng cây bằng tấm bia đúc xi măng. Một nhà thơ lão thành nghe xong, ông nói: "Thật đáng quí khi thêm một cái cây ai đó đem trồng, thêm chút màu xanh tỏa mát cho khách đường xa, huống hồ đường xa dặm thẳm là vậy, còn gì thành tâm hơn thế... Nhưng, giá như hai vị không nên khắc bia để lại tên mình thì quý biết bao. Bởi tâm lý người Việt Nam mình từ xưa, khi nghĩ về nhà thơ như nghĩ về một cõi thanh cao, ở ngoài mọi lợi danh quyền bính, giữa cuộc đời đầy tham muốn, cạnh tranh, giành giật, nhà thơ thấy mình rất cô đơn, muốn trốn khỏi kiếp sống trần ai...nên khi yên nghỉ hẳn lòng Nguyễn Du muốn mình thanh thản cùng với trăng sao! Và giả thử có bao người tâm thành khác cũng đem cây tới trồng quanh khu mộ, rồi khắc tên Bộ trưởng này, Bí thư tỉnh nọ... hoặc những đại gia, chủ tịch tập đoàn kinh tế lẫy lừng...kể cả lớp nhà thơ chúng mình cũng không nên mượn (lầu thơ của cụ) để ghi danh. Người tới đây chỉ nên để lại tấm lòng thành, niềm tự hào đất nước mình có được Đại Thi Hào Nguyễn Du ngang tầm với các danh nhân nhân loại"
Ghi lại những dòng này vào bài viết, như thêm một chút tâm tình của lớp nhà thơ hiện nay đang sống trong một xã hội có bao xáo trộn đổi thay tốt xấu khôn lường vẫn phải giữ cho thơ vẻ đẹp, lòng yêu thương như hơi thở trong lành!

Mời thư giãn với nhạc phẩm VỀ HÀ TĨNH NGƯỜI ƠI
của Xuân Thủy, qua tiếng hát Lê Mận:
         
*.
CHỬ VĂN LONG
Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.       
Điện thoại: 035.881.82.63
Email: haicv08@gmail.com       




  ...................................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 01.01.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

.

0 comments:

Đăng nhận xét