(Nguồn ảnh: internet) |
“SAY ĐI EM” -
MỘT BÀI THƠ “TỚI BẾN”
*
(Tác giả Phạm Đức Nhì) |
Tôi không nhớ đã
“quen biết” bài thơ Say Đi Em của Vũ
Hoàng Chương ở đâu và khi nào. Nhưng trong danh sách những bài thơ hay để giới
thiệu với độc giả thì nó đứng đầu. Đọc để cảm thì sao cũng được – đó là “cái
riêng” của mỗi người khi đọc thơ, những người khác ít ai dám xía vào. Nhưng
bình thơ thì phải có khen chê - phải có một quan niệm về thơ để làm chỗ dựa cho
sự khen chê đó. Mỗi lời khen, tiếng chê - ngoại trừ cái hay, dở của ngôn ngữ
thơ - đều phải có lập luận để giải thích, và nếu bị phản bác, để bảo vệ nó.
Say Đi Em là bài thơ khó
bình. Tôi đã “ngâm” nó trong kho từ vài năm trước. Mỗi lần mở ra đọc lại thấy
ơn ớn. Chỗ mình muốn khen hết lời thì lại có một cây đại thụ về phê bình văn
học (Vũ Ngọc Phan) (1) dè bỉu, chê bai. Một số điểm hay khác của bài thơ thì
lại … quá lạ, không biết mình nêu lên có gây sóng gió, bão táp gì
không?
Nói vậy để độc giả
thông cảm chứ tôi đã ăn ngủ với Say Đi Em cả mấy tháng nay rồi. Đã thuộc, đã
nghiền ngẫm từng chữ nên khi viết lời bình cũng có đôi chút tự tin. Tuy nhiên,
cái hay, cái đẹp (và cả cái dở) của thơ thì mênh mông như biển cả. Nếu bài viết
này có gì sai sót, rất vui vẻ đón nhận mọi phê bình, góp ý.
SAY ĐI EM
1/
Khúc nhạc hồng êm
ái
Điệu kèn biếc quay
cuồng
Một trời phấn hương
Đôi người gió sương
Đầu xanh lận đận,
cùng nhớ thương, càng xót thương...
Hoa xưa tươi, trăng
xưa ngọt, gối xưa kề, tình nay sao héo?
Hồn ngả lâu rồi
nhưng chân còn dẻo
Lòng trót nghiêng
mà bước vẫn du dương
Lòng nghiêng tràn
hết yêu thương
Bước chân còn nhịp
Nghê Thường lẳng lơ
2/
Ánh đèn tha thướt
Lưng mềm não nuột
dáng tơ
Hàng chân lả lướt
Đê mê hồn gửi cánh
tay hờ
Âm ba gờn gợn nhỏ
Ánh sáng phai phai
dần...
Bốn tường nghiêng
điên đảo bóng giai nhân
Lui đôi vai, tiến
đôi chân
Riết đôi tay, ngả
đôi thân
Sàn gỗ trơn chập
chờn như biển gió
Không biết nữa màu
xanh hay sắc đỏ
Hãy thêm say, còn
đó rượu chờ ta
Cổ chưa khô đầu
chưa nặng mắt chưa hoa
Tay mềm mại bước
còn chưa chuếnh choáng
Chưa cuối xứ Mê Ly
chưa cùng trời Phóng Đãng
Còn chưa say hồn
khát vẫn thèm men
3/
Say đi em! Say đi
em!
Say cho lơi lả ánh
đèn
Cho cung bậc ngả
nghiêng, điên rồ xác thịt!
Rượu, rượu nữa! Và
quên, quên hết!
Ta quá say rồi
Sắc ngả màu trôi...
Gian phòng không
đứng vững
Có ai ghì hư ảnh sát
kề môi
Chân rã rời
Quay cuồng chi được
nữa
Gối mỏi gần rơi!
Trong men cháy giác
quan vừa bén lửa
Say không còn biết
chi đời
4/
Nhưng em ơi
Đất trời nghiêng
ngửa
Mà trước mắt Thành
Sầu chưa sụp đổ
Đất trời nghiêng
ngửa
Thành Sầu không sụp
đổ, em ơi!
(Vũ Hoàng Chương)
“Em”
Trong Bài Thơ Là Ai?
Theo tôi, câu hỏi
đó đã được trả lời một cách kín đáo ở đoạn đầu bài thơ.
Khúc nhạc hồng êm
ái
Điệu kèn biếc quay
cuồng
Một trời phấn hương
Tác giả nói đến vũ
trường, nhạc dập dìu quanh các nàng ca ve son phấn.
Đôi người gió sương
Đầu xanh lận đận,
cùng nhớ thương, càng xót thương
Hoa xưa tươi, trăng
xưa đẹp, gối xưa kề, tình nay sao héo?
Gặp người quen,
cũng là dân “sương gió”; nàng là gái nhảy, chàng là khách làng chơi mê khiêu
vũ, xưa đã có một thời mặn nồng, sau đó vì “đầu xanh lận đận” nên nay tình đã
héo. Cụm từ “gối xưa kề” đã bóng gió nói đến thời mặn nồng đó.
Hồn ngả lâu rồi
nhưng chân còn dẻo
Lòng trót nghiêng
mà bước vẫn du dương
Nay tình không còn
mặn nồng nữa nhưng vẫn còn khoái món khiêu vũ. Cụm từ “Lòng trót nghiêng” hơi trừu tượng; vừa muốn giải thích lại vừa muốn
đưa vào 2 câu lục bát cho ngọt dòng thơ nên ông viết tiếp:
Lòng nghiêng tràn
hết yêu thương
Bước chân còn nhịp
Nghê Thường lẳng lơ
Lòng đã hết thương
nhưng chân còn mê nhảy.
Tóm lại, đoạn đầu
có thể hiểu như sau; Vào vũ trường nhảy nhót, uống rượu giải sầu, lại gặp bạn
“giang hồ” cũ. Dù tình đã hết cũng xáp lại để có đôi có cặp, để được đối ẩm,
khiêu vũ với người “hợp gu”, “hợp rơ”.
Thành
Sầu Của Vũ Hoàng Chương
Tập thơ Say của Vũ Hoàng Chương xuất bản năm
1940 – có nghĩa là bài thơ Say Đi Em
được viết trước đó.
Nho học đã lụi
tàn. Khoa thi Hương cuối cùng là khoa Mậu Ngọ (1918), tổ chức tại trường
Thừa Thiên. Sau khoa thi Hương này, ngày 28/12/1918, vua Khải Định ra chỉ dụ
bãi bỏ khoa cử ở Việt Nam. Khoa thi Hội và thi Đình cuối cùng được tổ chức năm
1919. Những người thi đỗ có bằng nhưng không được bổ nhiệm chức vụ gì. (2)
Cha mẹ Vũ Hoàng
Chương, cũng như rất nhiều bậc cha mẹ thuộc hàng quan lại, khá giả thời bấy
giờ, ở vào thế tấn thối lưỡng nan. Một là, giữ lấy chút tiết tháo kiểu quân tử
Tàu, thà để con lông bông chịu dốt chứ không thèm hợp tác với ngoại bang. Hai
là, cho con theo Tây học để mở mang kiến thức, có cơ hội thăng tiến trong xã
hội mới. Họ, hầu hết, đã chọn con đường thứ hai. Vũ Hoàng Chương nhờ thế, đỗ Tú
Tài Pháp ban toán năm 21 tuổi (1937).
Năm 1938 ông
vào Trường Luật nhưng chỉ được một năm thì bỏ, đi làm Phó Kiểm Soát Sở Hỏa
Xa Đông Dương, phụ trách đoạn đường Vinh – Na Sầm
(Wikipedia). (3)
“Vào năm 1935, Hà Nội tuy sống dưới chế độ bảo
hộ của thực dân Pháp nhưng có một bộ mặt rất thanh bình, vui vẻ, trẻ trung. Nhà
cầm quyền đang cố tình dung túng các cuộc ăn chơi phóng túng để người ta quên
đi biến cố đàn áp tàn bạo vừa qua (Năm 1930, Nguyễn Thái Học và mười hai liệt
sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng khác phải lên đoạn đầu đài ở Yên Bái, sau đó là chiến
dịch lùng sục bắt bớ ở nhiều nơi), đồng thời để ru ngủ thanh niên nên các
trà đình, tửu điếm, các tiệm nhẩy đầm, các nhà hát ả đào (còn gọi là hát cô
đầu) và các tiệm hút thuốc phiện mọc lên nhan nhản. Người ta đua nhau ăn diện,
nhiều cậu công tử Hà Thành diện đúng mốt Paris, tay sách can đi bên cạnh các cô
gái tân thời, phấp phới áo dài Lemur Nguyễn Cát Tường. (4)
Vũ Hoàng Chương
ngoài việc bắt buộc phải theo Tây học để tiến thân, còn cắn phải miếng mồi “ru
ngủ” của người Pháp. Ông cũng lao vào những thú vui trác táng - rượu, thuốc
phiện, nhảy đầm và cả gái nữa. Về điểm này, Trong Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh
đã có một đoạn khá đầy đủ:
Người say đủ thứ:
Say rượu, say đàn, say ca, say tình đong đưa. Người lại còn "hơn" cổ
nhân những thứ say mới nhập cảng: Say thuốc phiện, say nhảy đầm. Bấy nhiêu say
sưa đều nuôi bằng một say sưa to hơn mọi say sưa khác: Say thơ. (3)
Như vậy, “thành
sầu” của Vũ Hoàng Chương là nỗi sầu đất nước bị ngoại bang đô hộ, dân tộc bị
chúng làm tha hóa, băng hoại bằng đủ mọi âm mưu thâm độc. Trớ trêu thay, chính
ông lại góp tay, giúp sức cho bộ máy cai trị ấy, chính ông lại lậm vào những
cuộc chơi trác táng do chúng đặt ra, không những tự làm hỏng mình mà còn làm
gương xấu cho lớp trẻ, rường cột của tương lai dân tộc. Ông cảm thấy tội lỗi,
tủi nhục, uất ức và chất ngất buồn sầu. Là người có liêm sỉ, ông đã can đảm nói
lên sự thật:
Lũ chúng ta lạc
loài dăm bảy đứa
Bị quê hương ruồng
bỏ giống nòi khinh
Bể vô tận xá gì
phương hướng nữa
Thuyền ơi thuyền,
theo gió hãy lênh đênh.
(Phương Xa)
Và thế là
năm 1941, ông bỏ Sở Hỏa Xa đi học Cử nhân toán tại Hà Nội,
rồi lại bỏ dở để đi dạy (tư) ở Hải Phòng (3).
Nỗi tủi nhục buồn
sầu đó bắt rễ, ăn sâu rồi cao lớn như một bức tường thành sừng sững trong tâm
hồn nhà thơ – đã trở thành điểm mấu chốt trong tứ thơ của thi phẩm Say Đi Em.
“Thành
Sầu” Trong “Say Đi Em” Của Vũ Hoàng Chương Có Nỗi “Sầu Tình” Không?
Cha Vũ Hoàng Chương
là Vũ Thiện Thuật, một nhà nho bảo thủ, nghiêm khắc, làm Tri Huyện, muốn sau
khi Vũ Hoàng Chương học xong sẽ hỏi con gái một quan Bố Chánh, bạn thân của
mình, cho ông. Ông không thích kiểu hôn nhân áp đặt nên không đồng ý và đã làm
phật lòng cha. Vì thế khi ông yêu cầu đi hỏi Tố Uyển - người yêu của mình - về
làm dâu trong gia đình thì cha ông đã từ chối thẳng thừng. (4)
Khoảng tháng 3 năm
1941 song thân của Tố Uyển mới nhận lễ vật dạm ngõ của nhà trai (anh Cử Cương)
(4) và mãi đến ngày 12 tháng 6 năm Tân Tỵ (khoảng tháng 7 năm 1941) nàng mới
lên xe hoa về nhà chồng. (6) Sau đây là một đoạn trong bài Mười Hai Tháng Sáu
ông viết về mối tình tan vỡ của mình:
Tháng Sáu mười hai,
từ đấy nhé
Chung đôi, từ đấy
nhé lìa đôi.
Em xa lạ quá đâu
còn phải
Tố của Hoàng xưa,
Tố của Tôi.
Nỗi sầu thất tình
của Vũ Hoàng Chương xuất hiện sau năm tập thơ Say ra đời (1940) nên có thể nói
chắc rằng nó không ăn nhập gì đến “thành sầu” của thi sĩ trong bài thơ
Say Đi Em.
Tứ Thơ
Trong một đêm đi
nhảy ở vũ trường, gặp “bạn nhảy cũ”, tác giả mời nàng đối ẩm, có ý muốn mượn
rượu để giải sầu, nhưng uống đến mức “say
không còn biết chi đời” mà nỗi sầu vẫn sừng sững như một bức tường thành,
không sụp đổ.
Bố Cục
Và Dàn Ý
Bài thơ có thể chia
làm 4 đoạn:
1/ Đoạn mở đầu 10
câu, thiết lập khung cảnh của bài thơ: Đến vũ trường, gặp người tình cũ đang là
ca ve ở đấy. Tình đã héo nhưng chân còn “ngứa ngáy” nên xáp lại.
2/ Đoạn hai 16 câu:
Cảm giác “Đê mê hồn gửi cánh tay hờ”
khi đang dìu em trên sàn nhảy lúc rượu đã ngà ngà.
3/ Đoạn ba 13
câu: Mời em cùng uống cho đến khi “say
không còn biết chi đời”.
4/ Đoạn kết 5 câu:
Nỗi sầu vẫn còn đó - sừng sững như một bức tường thành, không sụp đổ.
Vũ Hoàng Chương
viết Say Đi Em không theo lối kể
chuyện lớp lang theo trình tự thời gian. Trong một lúc tĩnh lặng nào đó, ông
hồi tưởng rồi trải lên trang giấy những hình ảnh, cảm giác, tâm trạng lưu lại
trong ông ấn tượng mạnh mẽ nhất, sâu đậm nhất của một đêm đi nhảy, uống rượu ở
vũ trường.
Vì thế, ở đoạn 2,
có lẽ ông nói đến điệu nhảy sau cùng, nhịp điệu nhanh, tâm trạng phấn khích,
hào hứng, có người còn liên tưởng đến những bước “fantaisie” của vũ điệu Tango
(cũng điệu Tango 4 phách, chế ra những bước nhảy mới lạ - gọi tắt là nhảy
“phăng”). Trước khi vào đoạn 3 ông đã mấp mé ở ranh giới giữa “ngà ngà”
và thật say. Cho nên nâng ly mời cô bạn nhảy “Say đi em! Say đi em!” thì chắc chỉ được vài ly là ông đã “Say không còn biết chi đời”.
Nhưng dù say đến
thế nhưng nỗi sầu quá sâu đậm, vẫn như một bức tường thành, không sụp đổ.
Vần Và
Dòng Chảy Của Tứ Thơ
Về hình thức, tác
giả sử dụng thể Thơ Mới, nhưng không phải lối thơ Trường Thiên (mỗi đoạn 4 câu)
mà là thể thơ nhất khí liền mạch – một hơi từ câu đầu đến câu cuối. Nhưng cũng
không phải như Nhớ Rừng của Thế Lữ - cứ 8 chữ một câu với vần liên tiếp, đọc lên
nghe rất ngán. “Say Đi Em” rất phóng
khoáng. Có đôi chỗ ngừng là do tác giả muốn chuyển ý, đổi vần chứ không phải do
đòi hỏi của luật thơ. Ông cũng tạo ra một số thay đổi, vừa tránh được trói buộc
của luật tắc, vừa có thể nhấn mạnh điểm chính của tứ thơ:
1/ Số câu trong bài
không giới hạn, viết hết ý, hết hứng thì thôi.
2/ Số chữ trong câu
thay đổi (với biên độ rộng) một cách tùy tiện, tùy hứng. Câu ngắn nhất 3 chữ
(Chân rã rời), câu dài nhất 13 chữ (Hoa xưa tươi, trăng xưa đẹp, gối xưa kề,
tình nay sao héo). Nhờ thế, nhịp điệu thơ thay đổi liên tục.
3/ Vần rất đậm,
nhưng không có hội chứng nhàm chán vần, đọc lên không thấy ngán. Câu sau nối
tiếp câu trước, tứ thơ và cảm xúc cứ thế tuôn chảy thành dòng. Lý do: Nhịp điệu
thay đổi cộng với sự giúp sức của mấy đoạn gieo vần gián cách:
Ánh đèn tha thướt
Lưng mềm não nuột
dáng tơ
Hàng chân lả lướt
Đê mê hồn gửi cánh
tay hờ
Và:
Chân rã rời
Quay cuồng chi được
nữa
Gối mỏi gần rơi!
Trong men cháy giác
quan vừa bén lửa
Say không còn biết
chi đời
Thêm vào đó, để
thay đổi không khí, còn có hai câu thơ lục bát mượt mà ở đoạn đầu và sự phối
hợp một cách tài tình điệp ngữ, điệp vận với vần ôm ở đoạn kết.
Ở thời điểm trước
năm 1940 mà đã sử dụng vần phóng khoáng và điệu nghệ như vậy thì thật đáng nể
phục.
Cũng xin nói đến
một điểm nổi bật về kỹ thuật thơ của Vũ Hoàng Chương là sự chuyển đoạn ăn khớp,
khéo léo - từ ý này bước qua ý khác rất ngọt.
a/ Đoạn 1 qua đoạn 2
Từ:
Lòng nghiêng tràn
hết yêu thương
Bước chân còn nhịp
Nghê Thường lẳng lơ.
qua:
Ánh đèn tha thướt
Lưng mềm não nuột
dáng tơ
Hàng chân lả lướt
Đê mê hồn gửi cánh
tay hờ.
Vừa nói “hết yêu nhưng còn mê nhảy” đã chuyển qua
cảnh ôm em trên sàn nhảy. Sự kết nối thật tương hợp.
b/ Đoạn 2 qua đoạn 3
Từ:
Còn chưa say, hồn
khát vẫn thèm men
qua:
Say đi em! Say đi
em!
Đều nói đến rượu,
kết nối hợp lý.
c/ Đoạn 3 qua đoạn 4
Từ:
Say không còn biết
chi đời
qua:
Nhưng em ơi
Đất trời nghiêng
ngửa
Vừa thú nhận “Say không còn biết chi đời” đã thấy “Đất trời nghiêng ngửa”. Mối liên hệ nhân
quả, không một kẽ hở.
Nhờ sự chuyển đoạn
khéo léo như vậy nên tứ thơ thông thoáng, bài thơ nhất khí liền mạch, cảm xúc
lớn mạnh nhanh chóng.
Điệp Vận
Ở Phần Sau Đoạn 3 - Nói Về Cơn Say
Ta quá say rồi
Sắc ngả màu trôi...
Gian phòng không
đứng vững
Có ai ghì hư ảnh
sát kề môi
Chân rã rời
Quay cuồng chi được
nữa
Gối mỏi gần rơi!
Trong men cháy giác
quan vừa bén lửa
Say không còn biết
chi đời
Có 9 câu thơ ngắn
mà đến 6 lần vần ôi (hoặc ơi) - điệp vận đến mức thoạt nhìn qua là đã mất cảm
tình. Nhưng thật lạ! Đọc lên không những không thấy ngán mà còn thấy hồn mình
như bị dính chặt vào ý thơ - cơn say thực sự, “say không còn biết chi đời” - của tác giả. Với cơn say ở đỉnh
điểm như vậy, không còn chỗ cho lý trí và con đẻ của nó là sự dối trá, bám víu.
Năm câu sau của đoạn kết đúng là tiếng lòng chân thật.
Điệp vận kiểu ấy,
theo tôi, nếu là người làm thơ tỉnh táo, chắc là sẽ tránh xa. Vũ Hoàng Chương,
trong lúc lạc lần trí, đã hiên ngang bước vào “bãi mìn” ấy, nhưng nhờ thế, đã
tạo được một đoạn thơ độc đáo, có giá trị như một con dấu chứng nhận sự chân
thật cho đoạn kết, góp phần hết sức quan trọng vào sự thành công của thi phẩm
say Đi Em.
Đoạn Kết
Tuyệt Vời
Sau khi đã uống
đến “Say không còn biết chi đời”
thi sĩ đã cho tuôn ra đoạn thơ:
Nhưng em ơi
Đất trời nghiêng
ngửa
Mà trước mắt Thành
Sầu chưa sụp đổ
Đất trời nghiêng
ngửa
Thành Sầu không sụp
đổ, em ơi!
Đoạn thơ hay cả về
ngôn ngữ, thi ảnh, cấu trúc, âm điệu và nhịp điệu. Đặc biệt điệp ngữ ở hai cụm
từ “em ơi” và “đất trời nghiêng ngửa” cho độc giả như tôi cái cảm giác đang nghe
CODA của một bản nhạc, được viết rất khéo bởi một nhạc sĩ tài danh. Thành sầu
của ông như đang chịu một trận động đất mạnh đến mức “đất trời nghiêng ngửa” mà
vẫn “chưa sụp đổ” và đã chuyển
từ chỗ “chưa sụp đổ” – còn chờ đợi,
còn một chút hy vọng mong manh - đến chỗ “không
sụp đổ” – nghĩa là đã hoàn toàn tuyệt vọng. Nỗi buồn sầu đã dâng lên đến
đỉnh điểm. Chữ “không” ở câu cuối
“đắt” như kim cương và ẩn dụ của cả đoạn thơ thật tuyệt vời.
Cảm Xúc
Dâng Tràn - Hồn Thơ Lai Láng
Cảm xúc tầng 1:
Theo tôi, Vũ Hoàng Chương thành công trong việc trao tặng độc giả những cảm
giác khoái trá ở tầng 1. Ngôn ngữ thơ của ông chắt lọc, trau chuốt, hình tượng
đẹp một cách lộng lẫy, kiêu sa, câu thơ mạch lạc, trong sáng. Nói theo ngôn ngữ
bóng đá, kỹ thuật cá nhân của các cầu thủ trong Say Đi Em điêu luyện, thuộc đẳng cấp cao, nhìn qua là thấy có cảm
tình và nể phục.
Cảm xúc tầng 2: Trong
Say Đi Em thế trận chữ nghĩa được dàn
trải hợp lý, tạo hiệu quả tối đa cho việc chuyển tải tứ thơ. Vần và nhịp điệu
giúp dòng chảy của tứ thơ thông thoáng. Độc giả như được xem một trận bóng đá
mà đội phe mình công thủ, lên xuống nhịp nhàng, đấu pháp toàn đội kín kẽ, hoàn
hảo.
Cảm xúc tầng 3: Là
thứ cảm xúc cao cấp nhất trong thơ - nếu đến mức dâng tràn, ta có hồn thơ. Để
có hồn thơ bài thơ cần mấy điều kiện sau đây:
1/ Tứ thơ không
phân mảnh đứt đoạn mà phải được dàn trải sao cho ý này nối tiếp ý kia, không
ngừng nghỉ.
2/ Thể thơ phải như
con kênh thông thoáng để khi câu chữ từ tứ thơ tuôn xuống có thể thành dòng
thơ. Trong Say Đi Em, chỉ mới bước
vào đầu đoạn 2 là men rượu đã ngấm, cảm xúc quyện lấy tứ thơ để cùng chảy một
dòng.
3/ Thi sĩ phải nổi
điên để cảm xúc sôi lên phủ mờ lý trí. Trường hợp Say Đi Em, bắt đầu vào đoạn 3 là lý trí đã trốn chạy khá xa, và đến
giữa đoạn 3 thì hoàn toàn mất dạng. Cứ thế cho đến lúc thi sĩ “Say không còn biết chi đời”.
4/ Phải kết hợp để
khi cảm xúc lên đến đỉnh điểm (cao trào) thì cũng là lúc thi sĩ tuôn ra điểm
cốt yếu của tứ thơ. Đó sẽ là tiếng lòng chân thật của ngài. Ở Say Đi Em là đoạn
3 và đoạn 4.
Nếu thi sĩ cao hứng
đến mức nổi điên mà điều kiện 1 và 2 không được thỏa mãn thì dù không có hồn
thơ bài thơ cũng có chút ít cảm xúc tầng 3. Đây là thứ cảm xúc cho độc giả cảm
giác khoan khoái đặc biệt hơn nhiều so với cảm xúc tầng 1 và 2.
Say Đi Em không những có đủ
4 điều kiện trên mà điều kiện nào cũng đạt đến mức hoàn hảo, hơn nữa, dòng chảy
của tứ thơ nhanh và mạnh, nên có thể nói mà không sợ quá lời: Bài thơ có cảm
xúc dâng tràn, hồn thơ lai láng.
So sánh với Hồ
Trường của Nguyễn Bá Trác - một bài thơ được nhiều người khen là “hào khí ngất trời” - cảm xúc của Say Đi Em mạnh hơn nhiều
Những
Nét Chính Trong Nghệ Thuật Thơ Của “Say Đi Em”
Say Đi Em là bài thơ có độ
dài bậc trung – 44 câu, 283 chữ, mỗi câu trung bình có 6,4 chữ. Nhưng chỉ với
số chữ, số câu như thế tác giả đã đưa vào khá nhiều tuyệt chiêu thi ca. Để độc
giả không bị phân tâm hoặc sa đà vào những tiểu tiết có tính “kỹ thuật cá nhân”
(câu chữ) ở đây tôi chỉ nhắc đến tài thơ của thi sĩ về mặt thế trận và cảm xúc.
“Kỹ thuật cá nhân” sẽ được ghi lại ở “Phần Đọc Thêm”
ƯU ĐIỂM:
1/ Vẫn còn vóc
dáng, âm điệu của Thơ Mới nhưng có nhiều phá cách độc đáo.
2/ Tứ thơ đáng chú
ý: Nỗi lòng phức tạp của tác giả – mặc cảm tội lỗi nhưng đáng thương, đáng kính
trọng, đặc biệt là sự can đảm, dám nói lên sự thật.
3/ Bài thơ có
tính nhạc cao, nhất là nhịp điệu. Thơ, nhạc, họa hòa quyện lấy nhau thành một
khung cảnh vừa sống động, vừa lung linh mờ ảo.
4/ Sử dụng điệp vận
nặng tay ở phần sau đọan 3 - cột chặt hồn người đọc vào ý thơ, vào dòng cảm
xúc, làm nổi bật ý nghĩa của đoạn thơ.
“Ta quá say rồi … Say không còn biết chi đời”.
5/ Đoạn kết
hoàn hảo, để lại ấn tượng sâu sắc.
6/ Vần rất
đậm nhưng không có hội chứng nhàm chán vần, đọc lên nghe không ngán, không
nhàm, không chán. Không bị đắp mô nên tứ thơ thông thoáng, chảy thành dòng; cảm
xúc cũng chảy thành dòng, đưa tứ thơ lên đỉnh điểm, tạo được cao trào.
7/ Lý trí trốn
biệt, lời thơ Thật (viết hoa), cảm xúc dạt dào, hồn thơ lai láng.
8/ Đạt được mục
đích quan trọng nhất, cao cả nhất của thơ là cho thi sĩ với độc giả, người với
người cơ hội được trao đổi tâm tình bằng Tiếng Người Chân Thật. Vũ Hoàng Chương
– tác giả của Say Đi Em - xứng đáng
có một vị trí danh dự trong Bến Bờ Thi Ca.
KHUYẾT ĐIỂM:
Trong 3 câu
Đôi người gió sương
Đầu xanh lận đận,
cùng nhớ thương, càng xót thương...
Hoa xưa tươi, trăng
xưa ngọt, gối xưa kề, tình nay sao héo?
Cụm từ “cùng nhớ thương” hơi “chõi” với “tình nay sao héo”. Hai người “cùng
nhớ thương” thì sao tình lại héo?
Vũ Hoàng
Chương Say Thật Hay “Tỉnh Như Sáo”
Nhà phê bình Thu Tứ
dẫn lời của nhà phê bình Vũ Ngọc Phan về bài thơ Say Đi Em như sau:
Về tập Thơ
say (1940) của Vũ Hoàng Chương, trong Nhà văn hiện đại Vũ Ngọc
Phan viết “(tác giả) rất chú trọng đến sự gọt dũa lời thơ (...) Ðọc thơ ông
người ta thấy ít cảm động (...) Người ta có cái cảm tưởng đó chỉ là những lời
nhớ hão, thương hờ.” Riêng về bài sau đây (Say Đi Em), nhà phê bình nhận xét
“cái say (của Vũ Hoàng Chương) là cái say phát ra ở điệu thơ, ở nghệ thuật của
ông, hơn là ở những tính tình ông thổ lộ.”(1)
Và nhà phê bình Thu
Tứ đưa ra cảm tưởng của mình:
Ðọc thơ ông Vũ này,
rồi đọc lời bình thơ của ông Vũ kia, thấy phân vân. Có phải Vũ Hoàng Chương
“nhớ hão, thương hờ”? Hay thực ra ông nhớ thật, thương thật, chỉ những lời quá
trau chuốt của ông gây cảm tưởng kém chân thành?
“Ta quá say rồi”,
nhưng lời thơ của ta cứ tỉnh như sáo, rắc rối hình như là ở đó...(1)
Mặc dù rất kính
trọng kiến thức rất rộng của hai nhà phê bình Thu Tứ và Vũ Ngọc Phan về Văn
Học, tôi không đồng ý với nhận định của hai ông về bài thơ Say Đi Em.
Trong số rất nhiều
định nghĩa thơ tôi may mắn gặp được định nghĩa đề cập đến thời điểm thi sĩ cầm
bút làm thơ của William Wordsworth:
"Poetry is the spontaneous overflow of
powerful feelings: it takes its origin from emotion recollected in
tranquility”.
"Thơ là cảm xúc mạnh mẽ tự động trào ra, khởi
đi từ cảm xúc được hồi tưởng trong sự tĩnh lặng." (5)
Có nghĩa là, trái
với suy nghĩ của nhiều người, tuyệt đại đa số thơ được sáng tác, không phải
ngay lúc tác giả tiếp cận với cảnh thơ mà là sau đó một thời gian – dài ngắn
tùy thi sĩ, tùy “độ lớn rộng” của đề tài, của tứ thơ và độ dài của bài thơ. Đó
là thời gian ấp ủ, thai nghén tứ thơ. Vũ Hoàng Chương viết Say Đi Em - một bài
thơ bề thế (44 câu, 283 chữ) - không phải lúc say bí tỉ ở vũ
trường mà là một lúc tĩnh lặng nào đó khi đã về nhà. Có thể sau đó vài ngày. Có
thể vài tuần, vài tháng, và cũng có thể cả năm.
Từ một câu nói, một
cảnh tượng hay một cái gì đó tình cờ khơi gợi, kỷ niệm xưa bùng cháy trong tâm
khảm và thi sĩ ghi lại bằng sự hồi tưởng của mình.
Câu nói của Thu
Tứ
“’Ta quá say rồi’, nhưng lời thơ của ta cứ
tỉnh như sáo, rắc rối hình như là ở đó...”
là nhận xét của một
người chưa làm thơ, hoặc làm thơ mà chưa hiểu được, chưa thấy được, chưa ý thức
được tiến trình làm thơ của mình.
“Ta quá say rồi” không phải là lời của Vũ
Hoàng Chương lúc đang say rượu ở vũ trường mà là phát biểu của một Vũ Hoàng
Chương khác, ở một nơi khác, đang hồi tưởng, để ghi lại bằng thơ cái tâm trạng
của anh chàng Vũ Hoàng Chương say bí tỉ ở vũ trường hôm đó.
Khi thi sĩ cao hứng
đến mức nổi điên, con chữ cứ liên tục trào ra ngòi bút. Lúc ấy, tính “xạo” của
cái tôi văn hóa (và cái tôi teo chim, nếu có) sẽ biến mất; những gì viết ra sẽ
là sản phẩm (không gian dối) của cái tôi đích thực. Tuy nhiên, lời thơ và cả
thế trận chữ nghĩa – dù không có sự kiểm soát của lý trí - vẫn mang dáng dấp
đẳng cấp của nhà thơ. Ngôn chữ trau chuốt, cao sang không vì thế mà chuyển
thành bình thường, dân dã. Câu thơ gọn gàng, trong sáng không vì thế mà thành
tối mù, khó hiểu.
Hơn nữa, khi tứ thơ
đã dàn trải xong, thi sĩ có quyền quay lại - với sự hỗ trợ của lý trí - để điều
chỉnh, sửa chữa, miễn là đừng “đắp mô” cản hoặc làm lệch dòng chảy của cảm
xúc.
Hồn thơ, tức là cái
hơi nóng của cảm xúc tầng 3, không phải cứ mò mẫm, nắn bóp từng chữ, từng câu
là “bắt” được nó. Cần phải có một tâm hồn nhạy bén, có thể “cảm” được “hận thù đằng đằng”, “đau thuơng chất ngất”, “hào khí ngất trời” … không phải từ con
chữ, từ câu thơ, mà từ “giữa những hàng
kẻ” để “lấy hồn ta hiểu hồn người”
(Hoài Thanh).
Trong bóng đá,
không phải lúc nào cầu thủ trên sân cũng tỉnh táo đi bóng, chuyền bóng, sút
bóng theo đúng bài bản của huấn luyện viên đưa ra. Đôi khi tình huống xảy ra
quá nhanh, không có thì giờ để suy nghĩ tính toán. Lúc ấy cầu thủ phải dựa vào
sự nhạy bén, vào giác quan thứ 6 của mình để phản ứng, để chạy, để chuyền, để
sút. Rất nhiều khi phản ứng ngẫu hứng như vậy lại sản sinh ra những đường
chuyền “đẹp như mơ”, những cú đệm bóng nhẹ nhàng nhưng lại “bẻ gẫy lưng” thủ
thành đối phương ghi bàn thắng. Nhiều cầu thủ xem lại khúc phim đá ngẫu hứng
của mình cũng lắc đầu, le lưỡi, không hiểu sao mình có thể “tài tình” như thế
được. Chính lúc cao hứng, nổi điên, chơi xuất thần, “phi bài bản” như vậy đã
tạo nên nét đẹp đặc biệt của bóng đá, mới đưa bóng đá lên hàng nghệ thuật.
Trong Nhìn Từ Xa …
Tổ Quốc, Nguyễn Duy – trong lúc cao hứng đến mức điên tiết – đã viết về những
tệ hại của Xã Hội Chủ Nghĩa và con người Việt Nam đúng và thật quá, ngôn ngữ
hình tượng mạnh mẽ, sinh động và táo bạo quá. Chính ông sau này cũng phải công
nhận “khi viết xong thì chính bản thân
tôi cũng bất ngờ bởi vì không nghĩ là mình viết được những câu thơ như vậy.”
Một ông thi sĩ
Trung Quốc nào đó, nói về kinh nghiệm của mình trong việc uống rượu đã viết:
Dục phá thành sầu
duy hữu tửu
Dịch sát nghĩa:
Chỉ có rượu mới phá
được thành sầu.
Câu đó có thể đúng
với rất nhiều nguời bầu bạn với Thần Men, nhưng với Vũ Hoàng Chương trong Say Đi Em thì có sự khác biệt; phải
chăng là do nỗi sầu của ông quá sâu đậm? Khi đã đến đỉnh điểm của cơn say - “Say không còn biết chi đời” – thi sĩ họ
Vũ đã thốt lên:
Nhưng em ơi
Ðất trời nghiêng
ngửa
Mà trước mắt thành
sầu chưa sụp đổ
Ðất trời nghiêng
ngửa
Thành sầu không sụp
đổ, em ơi!
những lời mà theo
tôi, hoàn toàn thoát khỏi sự kiềm tỏa của lý trí, và do đó, tuyệt đối không thể
là những lời dối trá.
Hai nhà phê bình
văn học tiếng tăm, đặc biệt là Vũ Ngọc Phan, mà không cảm được hồn thơ, không
nhận ra được sự chân thật trong lời thơ, tứ thơ của Say Đi Em thì kể cũng lạ.
Kết
Luận
Vũ Hoàng Chương,
bằng kỹ thuật thơ điêu luyện của mình, đã tạo được dòng chảy thông thoáng cho
tứ thơ. Nhờ thế cảm xúc mạnh mẽ trong cơn say cũng chảy thành dòng, sóng sau
dồn sóng trước. Khi cơn say lên đến đỉnh điểm, cảm xúc dâng lên cao ngất, cũng
là lúc tứ thơ vừa chấm dứt – bài thơ kết thúc ở cao trào, hồn thơ lai láng. Với
cảm xúc ở tầng 3 mạnh mẽ như thế, hồn thơ nóng bỏng như thế, lý trí đã bị phủ
mờ. Lời thơ lúc ấy – trào ra qua một ngõ ngách nào đó từ vô thức – đích thị là
tiếng lòng chân thật của thi sĩ.
Trong bài thơ Say Đi Em, thi sĩ của chúng ta, nhờ thấm
hơi men, đã có thể đưa lý trí của mình “đi chỗ khác chơi” để có một thi phẩm
vừa chân thật vừa thấm đẫm hồn thơ. Ông đã làm được điều mà ngay cả những nhà
thơ siêu thực – bỏ rất nhiều công sức để nghiên cứu, thử nghiệm, nhằm loại bỏ
lý trí (để tìm lời thật) trong thơ – cũng chỉ thành công phần nào về mặt hình
thức. Họ tuy tạo được những vần thơ “phi logic”, có “những va đập chói lòa của
từ ngữ” (J. Vaché), có khả năng ngăn cản lý trí của người đọc bước vào bài thơ,
nhưng đồng thời cũng chặt luôn cây cầu giao cảm giữa tác giả và độc giả (7).
Theo tôi, với bài
thơ Say Đi Em, Vũ Hoàng Chương đã
xứng đáng được mời vào ngồi một chỗ trang trọng trong Bến Bờ Thi Ca, nơi tụ hội
những thi sĩ đã có tác phẩm mà qua đó, nhờ đó, thi sĩ với độc giả được cùng
nhau trò chuyện bằng Tiếng Người Chân Thật.
Mời thư giãn với nhạc phẩm DUYÊN KIẾP CẦM CA của Huỳnh Anh
qua tiếng hát Thiên Kim, Lâm Nhật Tiến và Đặng Minh Thông:
*.
PHẠM ĐỨC NHÌ
Địa chỉ: League
City , Hoa Kỳ.
Email: nhidpham@gmail.com
.
.............................................................................................................
- Cập
nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 21.03.2019.
- Bài
viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui
lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
CHÚ THÍCH:
1 / (Vũ Hoàng Chương, Thu
Tứ, gocnhin.net)
2/ (Chi Tiết Thú Vị Về Khoa Thi
Nho Học Cuối Cùng, Chí Đức, kienthuc.net.vn)
3/ (Vũ Hoàng Chương,
Wikipedia.org)
4/ (Thiên Tình Sử Của Thi Sĩ Vũ
Hoàng Chương - Phần 1, Phạm Thị Nhung, Cỏ Thơm)
5/ (William Wordsworth Quotes,
Brainy Quote, brainyquote.com)
6/ (Thiên Tình Sử Của Thi Sĩ Vũ
Hoàng Chương - Phần 2, Phạm Thị Nhung, Cỏ Thơm)
7/ Vài câu, đoạn thơ Siêu Thực:
a/ Bông hoa này của núi rừng đã vàng đi như những giọt lệ của chúng
ta (Shéhadé)
b/ Dây trường xuân / thân thể
tôi...
Đảo / cái bụng của nó...
(Char)
c/ Trên cây cầu, vào cùng một giờ
Cũng vậy hạt sương trên đầu con mèo cái đang tự dối mình.
(Bréton)
d/
Lẵng xuân bờ giũ trái xuân sa
Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà
Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm
Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa
Buồn hưởng vườn người vai suối tươi
Ngàn mây tràng giang buồn muôn đời
Môi gợi mùa xưa ngực giữa thu
Duyên vàng da lộng trái du ngươi
Phần Đọc Thêm
Nét Đẹp Kiêu Sa Của Ngôn Ngữ Thơ Trong “Say Đi Em”
Ở đây tôi xin tuyển chọn một số
chỗ có ngôn ngữ thơ hay, đẹp để thay cho mục Ngôn Ngữ Thơ, lẽ ra phải có, trong
bài bình thơ. Mục đích là để bài viết khỏi bị loãng vì những chi tiết chưa đến
mức thật quan trọng. Mong những độc giả thích lối bình thơ bài bản thông cảm và
lượng thứ.
1/
Hồn ngả lâu rồi nhưng chân còn
dẻo
Lòng trót nghiêng mà bước vẫn
du dương
Lòng nghiêng tràn hết yêu
thương
Bước chân còn nhịp Nghê Thường
lẳng lơ
Đoạn thơ này chứng tỏ tình của Vũ
Hoàng Chương đối với mấy cô ca ve là thứ tình hờ. Chỉ cần hồn ngả, lòng nghiêng
là “yêu thương” trôi tuột mất một cách dễ dàng và nhẹ nhàng.
Tôi nhớ đến bài thơ Nghiêng của
La Thụy. Nhà thơ, chủ trang web Bâng Khuâng, cho lòng chao nghiêng để hương mê
lắng đọng
Chừ hoài niệm
Len lỏi ngoằn ngoèo trong ký ức
Tình xưa hẹn ước.
Có “chông chênh” thì chỉ “rơi mất
ánh trăng thề” chứ tình thì vẫn đầy ắp. Thi ảnh của Nghiêng đẹp hơn, nhưng Vũ
Hoàng Chương còn sử dụng 2 câu sau để làm cầu nối với đoạn kế tiếp, và đó là
một mặt của tấm bản lề vừa khít. Cho nên xét về thơ thì có thể nói kẻ tám lạng
người nửa cân. Còn nói về tâm hồn thì nhà thơ La thụy hiền lành và dễ thương
hơn.
2/
Ánh đèn tha thướt
Lưng mềm não nuột dáng tơ
Hàng chân lả lướt
Đê mê hồn gởi cánh tay hờ
Ai khoái món khiêu vũ lại
thường được nhảy với đào ruột của mình như Vũ Hoàng Chương sẽ dễ thấm, dễ cảm
được cái hay của câu thơ “Đê mê hồn gởi cánh tay hờ” này.
3/
Say đi em! Say đi em!
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bậc ngả nghiêng, điên rồ xác thịt
Dùng những cụm từ “lơi lả ánh
đèn”, “cung bậc ngả nghiêng” để nói về trạng thái say đã là xuất sắc rồi. Còn
say cho “điên rồ xác thịt” thì quá tuyệt.
4/
Năm 1948, trong bài Đôi Bờ của Quang Dũng có 2 câu
Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mưa
nói về hình ảnh, kỷ niệm xưa ẩn
hiện “trong đáy cốc”, đẹp một cách hiền dịu.
Vũ Hoàng Chương viết Say Đi Em trước đó khoảng
10 năm cũng có câu
“Có ai ghì hư ảnh sát kề môi”
cũng diễn tả những ảnh hình ẩn
hiện ở đáy ly rượu.
Hay, có lẽ cả hai đều hay,
nhưng theo tôi, câu thơ của Quang Dũng còn hơi tỉnh (không đủ men
say) còn câu thơ của VHC mạnh bạo hơn, cuồng nhiệt hơn.
(Nguồn: Quang Dũng - tác
phẩm chọn lọc, NXB Trẻ, 1988)
5/ Chữ “không” ở câu cuối thật
“đắt”
“Đất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt thành sầu chưa sụp đổ
Đất trời nghiêng ngửa
Thành sầu không sụp đổ, em ơi.
Xin được lập lại mấy lời về cái
“đắt” của chữ “không” này.
Thành sầu của ông như đang chịu
một trận động đất mạnh đến mức “đất trời nghiêng ngửa” mà vẫn “chưa sụp
đổ” và đã chuyển từ chỗ “chưa sụp đổ” – còn chờ đợi, còn một chút hy vọng
mong manh - đến chỗ “không sụp đổ” – nghĩa là đã hoàn toàn tuyệt vọng. Nỗi buồn
sầu đã dâng lên đến đỉnh điểm. Chữ “không” ở câu cuối “đắt” như kim cương.
Trong lúc tra cứu để viết bài
này tôi có nghe ca sĩ Anh Thư hát Say Đi Em, bài thơ của Vũ Hoàng Chương được
Nguyễn Dũng phổ nhạc. Bản nhạc kết thúc ở câu “Đất trời nghiêng ngửa, đất trời
nghiêng ngửa, mà thành sầu chưa sụp đổ, em ơi”. Nhạc sĩ Nguyễn Dũng – không
biết vì lý do gì – đã bỏ câu “Thành sầu không sụp đổ”. Thật đáng tiếc, anh đã
bỏ đi chữ hay nhất, câu thơ hay nhất của bài thơ.
Mời độc giả, nếu muốn, nghe bản
nhạc ở link sau đây:
6/ Hai chữ “em ơi” ở câu đầu và
câu cuối đoạn 4:
Nhưng em ơi
Ðất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt thành
sầu chưa sụp đổ
Ðất trời nghiêng ngửa
Thành sầu không sụp
đổ, em ơi!
Về ý nghĩa thì gần như dư thừa,
chẳng đóng góp được gì, nhưng được đặt đúng chỗ và kết hợp với nhau một cách
khéo léo đã tạo được âm vang tuyệt vời cho đoạn kết.
.
0 comments:
Đăng nhận xét