NHO GIÁO: TRUNG TÂM LUẬN, TỪ BẮC KINH ĐẾN BẮC VIỆT - Tác giả: Chu Mộng Long (Bình Định)

1 comment
(Nguồn ảnh: internet)
NHO GIÁO: TRUNG TÂM LUẬN, 
TỪ BẮC KINH ĐẾN BẮC VIỆT
* 
(Tác giả Chu Mộng Long)
Nói thẳng tuột theo phong cách người Nam: những bài viết của tôi không phải đối thoại với cụ Mạnh, vì cụ Mạnh chỉ ngẫu hứng và có khi nói ngược cho vui. Nhưng với ông Phao Lồ Nguyễn Hoàng Đức và tất cả những kẻ hợm hĩnh vỗ ngực khoe khoang là "sĩ phu Bắc Hà" thì phải đối thoại dứt khoát, thẳng thừng. Bởi tiếng nói những người này rõ ràng là đại diện cho một thế hệ trí thức hợm hĩnh tự cho mình là trung tâm. Tiếng nói ấy nguy hiểm vì gieo rắc sự kỳ thị Bắc/Nam, vì họ xem Bắc là trung tâm văn hóa, tinh hoa của dân tộc, còn vùng miền khác chỉ là man di, mọi rợ.
Châu Âu một thời tự cho mình là trung tâm trong cuộc "khai hóa" các dân tộc bị cho là "man di". Sau khi bị các dân tộc, trong đó có Việt Nam, đánh cho tan tác mới chịu giải trung tâm để chấp nhận thế giới phi tâm, tự do và bình đẳng.
Tư tưởng Đại Hán lấy phương Bắc làm trung tâm có lâu đời hơn cả châu Âu và ăn sâu vào sĩ phu Bắc Hà và đặc biệt hưng lên trong hàng trí thức rởm vỗ ngực tự xưng là "sĩ phu Bắc Hà".
Gốc của tư tưởng này nằm trong Nho giáo. Khi luận nhân sinh theo lẽ càn khôn của Kinh Dịch, Lão Tử và Trang Tử xem Dương/ Âm, Trời/ Đất, Sáng/Tối, Vĩ mô/Vi mô, Nam/Nữ... chỉ là các cực đối lập trong nghĩa bình đẳng và tương tác, từ đó sinh ra khác biệt và đa dạng. Không đợi mấy ông Tây khi vỡ đầu sứt trán mới hiểu ra mà giải trung tâm, những trí thức khai phóng như Lão, Trang đã phi tâm hóa theo tinh thần tự do, khai phóng. Trong khi Nho giáo, từ Khổng, Mạnh và các hậu bối của mấy ông này lại cố tình trung tâm hóa thế giới, phân biệt các cực đối lập trên bằng trò ngụy tạo Tốt/Xấu, Cao cả/Thấp hèn, biến cái này phụ thuộc cái kia. Tai hại là Nho giáo chọn Bắc làm trung tâm để định vị cho sự vận động của càn khôn và từ đó luận nhân sinh theo cơ chế độc tài toàn trị.
Hậu quả, người Hán tự cho mình là trung tâm, Thiên triều từ nhà Chu trở về sau đều được xem là tinh hoa rực rỡ, bắt tất cả các nước chư hầu xung quanh phải quy phục. Tên Trung Hoa ra đời với nghĩa gốc là tinh hoa-trung tâm của đất trời. Các ước lệ này nhồi vào đầu của bao thế hệ và trở thành tâm thức con người của cả khu vực. Thứ nhất, chỉ có vua Trung Hoa mới được xưng là Thiên tử, Hoàng đế, quy định cả mũ mão, sắc phục để phân biệt với vua (Vương) của các chư hầu. Thứ hai, Lễ hay phép tắc của nhà Chu, sau đó là toàn bộ quy định của Thiên triều qua các thời đại được xem là chuẩn mực buộc các chư hầu phải tuân theo, hướng về. Và tất yếu, thứ ba, tất cả các vua chư hầu ngoài hàng năm sai sứ mang lễ vật cống nạp và quỳ lạy trước Thiên tử còn phải hướng về Thiên triều bái lạy khi được nhận sắc phong của Thiên tử. Sự nhất loạt tuân theo của các nước chư hầu càng làm cho người Hán và sau này là cả người dân Trung Hoa rơi vào kiêu ngạo hơn khi hoang tưởng mình là trung tâm, là tinh hoa của cả vũ trụ, và xem các dân tộc khác là man di, mọi rợ.
Không như người Tây thức tỉnh sau các cuộc chinh phục bất thành, người Hán từng bị người Mông, rồi người Thanh đánh cho tan tác và thống trị suốt cả ngàn năm nhưng vẫn không chừa máu Đại Hán. Bởi lẽ, chính người Mông, người Thanh lên nắm quyền lại nhiễm thói kiêu ngạo của người Hán, lại tự xưng Thiên tử, là trung tâm, bắt các dân tộc khác phải quy phục. Chứng tỏ trung tâm luận của Nho giáo có sức mạnh kinh khủng khi nó kích thích đúng vào máu tham lam, độc tài của kẻ có quyền lực và đầu độc, nô dịch hóa các dân tộc khác.
Việt Nam dù nhiều lần đánh bại đế quốc phương Bắc, nhưng vẫn không thể thoát Trung với nghĩa là thoát khỏi cái trung tâm mang tính kiến tạo lịch sử đầy giả tạo đó. Các ông vua Việt vẫn phải cống nạp lễ vật (thời Lê suốt mấy trăm năm phải cống nạp pho tượng vàng bằng con người thật Liễu Thăng, chỉ bãi bỏ bắt đầu từ Quang Trung), nhận sắc phong và quỳ lạy Thiên triều để giữ chữ "Trung thần", để cầu an và để… giữ ghế.
Ở Việt Nam, chỉ có Nguyễn Trãi dám gọi Thiên tử nhà Minh là "thằng nhãi". Và ngưòi thứ hai là Quang Trung dứt khoát đòi bãi bỏ lễ cống nap "đại thân kim nhân". Còn lại gần như đều nhất loạt giữ đạo trung thần.
Việc "sĩ phu Bắc Hà" hôm nay xem phương Bắc là trung tâm, là tinh hoa là nhiễm cái thói tham lam, độc tài, huênh hoang khoác lác và hợm hĩnh của phong kiến Trung Hoa. Hãy nghe cái "La bàn luận" trong "Càn khôn luận" của nhà thần học Tây phương giả danh Phao Lồ Nguyễn Hoàng Đức:
"Nhưng chiếc la bàn dù kim có xoay tít, ngay đó nó định vị chỉ vào hướng Bắc. Những con sông đều chảy từ Bắc xuống Nam, và những con kiến rồi muôn loài đều di cư theo hướng đó. Những nhà tu thiền hay luyện khí công khi ngồi luyện thì mặt phải hướng về phía Bắc để nhận khí trời đất…". (Hết trích).
Dùng La bàn để luận càn khôn, từ càn khôn luận nhân sinh thì là cái trí trá của anh Nho học khoác lác hơn là nhà thần học tin vào Thượng Đế. Khoan nói cái kim la bàn có liên quan đến vận mệnh con người một cách ú ớ, tôi hỏi về phương hướng trên quả địa cầu này đã. Nếu lấy kim la bàn luôn định về hướng Bắc thì phải là Bắc cực chứ không phải Bắc Việt hay Bắc Kinh, ngài Phao Lồ hè? Mà Bắc cực thì chắc chắn không ai sống được ở đó để làm vương làm tướng. Ngài tự cho Bắc Việt, cụ thể là Hà Nội, nơi ngài sinh ra và đang sống là trung tâm, nhưng vẫn là phía Nam của Bắc Kinh, ngày xưa và cho đến bây giờ người Hán vẫn xem ngài và các sĩ phu đất Bắc là người Nam man di, mọi rợ, ngài nghĩ sao?
Ngài nói các con sông đều có nguồn từ Bắc chảy xuống chắc là ngài nói sông Hồng nơi ngài sống chứ các con sông miền Trung đều có nguồn từ hướng Tây. Và cái suy luận đoán mò rằng người ngồi thiền phải quay về hướng Bắc chắc là suy từ ngài chứ tôi cũng hay ngồi thiền mà không ngồi như vậy. Người Thiên Chúa thì quỳ sám hối trước Chúa linh thiêng trên cao; còn ngài thì hàng ngày, hàng đêm quay về phương Bắc để tỏ lòng cung kính nước mẹ Thiên triều, lấy sự trí trá của người Hoa làm mẫu mực để đi đến thành công trong việc chinh phục đất phương Nam?
Kim la bàn mà ảnh hưởng đến vận mệnh con người thì là suy luận ú ớ thật, khỏi cãi.
Thật là hợm hĩnh khi người học trò của ngài, "nhà bác học" Lê Quý Đôn nào đó còn tung hứng theo thầy, rằng theo vận mệnh kim la bàn, đất Bắc bao giờ cũng giàu hơn đất Nam, người Bắc (anh ta còn ghép chung với người Hoa) bao giờ cũng giàu hơn, thành đạt hơn người Nam. Khỏi cãi cái lý luận ấm ớ khi cho rằng Bắc bao giờ cũng giàu hơn Nam. Thưa nhà bác học, Bắc Bộ và Hà Nội 300 năm nữa cũng không tiến kịp Nam Bộ và Sài Gòn dù cho các ngài đã phá hoại nhiều lần. Hóa ra, chỉ trong mấy mươi năm, "Ta tiến về Sài Gòn, ta chiếm nhà mặt tiền" (kể cả tiến lên Tây Nguyên chiếm rừng, phá rừng) và nhờ trí trá chiếm các ghế quyền lực, những người tự xưng là "sĩ phu Bắc Hà" như các ngài trở nên giàu có, thành đạt là rất đáng tự hào, kiêu hãnh?
Kì thị hay không là ở những người kiêu ngạo, huênh hoang khoác lác, tự cho mình là đỉnh cao trí tuệ, mẫu mực để thống trị kẻ khác, như giặc Tây, giặc Hán một thời vậy. Không ai nói ngược kẻ bị trị, bị miệt thị "man di, thô lỗ" là có thói kì thị cả. Người Nam xem người Bắc là anh em một nhà, do nhường nhịn mà chịu thiệt thòi mới có cái sự giàu có, thành đạt mà các ngài huênh hoang khoác lác. Nói chính xác, người Nam không có thói kỳ thị mà khinh ghét. Cái trò kiêu ngạo, huênh hoang khoác lác theo tư cách thực dân hay Hoa, Hán gì đó mà các ngài tự tôn, tự hào sẽ không chỉ làm cho dân Nam khinh ghét mà có ngày ăn đòn, như bọn thực dân và người Hán đã từng bị ăn đòn trong lịch sử. Thói kiêu ngạo, kì thị và khoác lác của gian thần Nguyễn Hữu Chỉnh từng bị Quang Trung chém đầu, sử sách còn ghi rành rành ra đấy.
Người Việt với nhau mà mang tư tưởng Đại Hán như các ngài thì còn lâu mới có thể thoát Hán hay thoát Trung được. Với người Hán thì cúi đầu quy phục, Hán nô từ trong căn cốt, nhưng với dân Nam thì vỗ ngực tự tôn làm chủ, xem anh em ruột thịt như cỏ rác là đáng trọng hay đáng khinh? Nhưng tôi vẫn tin, Bắc Hà có nhiều sĩ phu đích thực đáng kính trọng chứ không đến nỗi loạn sĩ phu rởm như các ngài. Bằng chứng là cả vạn bạn ngoài Bắc hưởng ứng điều tôi viết chứ không trí trá cãi cùn.
Tôi tuyên bố khởi chiến vì đám sĩ phu trí trá ấy đang thống trị trên mọi mặt làm rối loạn mọi giá trị và tàn phá đất nước cả vật chất lẫn tinh thần.

Mời thư giãn với nhạc phẩm THẰNG BỜM CÓ CÁI QUẠT MO
của Đỗ Lộc, qua tiếng hát bé Bảo Khương:
           
*
CHU MỘNG LONG (tên thật: Châu Minh Hùng)
Địa chỉ: Khoa GD Tiểu học Mầm non, Đại học Quy Nhơn
170 An Dương Vương, phường Nguyễn Văn Cừ,
thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
Điện thoại: 0982.03.61.75

.
                                            .




  ........................................................................................
- Cập nhật từ email: quanboyman1992@yahoo.com.vn gửi ngày 21.08.2019
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.  

1 nhận xét: