(Nguồn ảnh: internet) |
CẢM NGHĨ VỀ
TRUYỆN NGẮN TIẾNG LỤC LẠC
CỦA NGUYỄN QUANG LẬP
*
(Tác giả Nguyễn Bàng) |
Tôi đến
ngôi đền văn chương của Nguyễn Quang Lập lần đầu từ “Tiếng lục lạc”. Lần ấy
đọc xong, tôi đã lặng người giây lát trong cái âm thanh “Tiếng lục lạc vang
lên, nghe như tiếng trẻ con cười”. Lần này sau hơn hai chục năm, đọc lại;
“Tiếng lục lạc” lại làm tôi lặng người thêm một lần nữa.
Xưa nay
chiến chinh thường chỉ cuốn ra chiến trường những người trai trẻ, gây ra muôn
vàn cảnh chinh phu chinh phụ đau khổ. Nhưng cuộc chiến 21 năm trong truyện của Nguyễn
Quang Lập lại cuốn hút cả hai vợ chồng anh Chi - chị Lành
vào nơi chiến địa. Anh là đại tá tham mưu trưởng sư đoàn. Còn chị, ròng rã hai
mươi mốt năm xa anh, là một cấp dưỡng của các binh trạm. Nói như Đường thi “Thà
làm anh lính bếp/Còn hơn bác đồ ngông”, chị đúng là một lính bếp. Vì thế anh
Chi không phải lo cảnh “Lấy chồng đời chiến chinh/ Mấy người đi trở lại/ Nhỡ khi mình không về /thì thương người vợ chờ bé bỏng
chiều quê”. Còn chị Lành, cũng không bao giờ có cảnh: “Nương song luống ngẩn
ngơ lòng/ Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai” với nỗi nhớ khôn khuây trong
chốn khuê phòng mà chỉ có cảnh “hai mươi mốt năm ròng có ai ôm ấp chị đâu!”
cùng với nỗi đau một bận đi tìm chồng nghiệt ngã, kiệt sức và xỉu đi nhưng
người đàn ông tên Chi đó không phải chồng chị. Và khi vượt qua 39 cây số trở về
đã ngã sấp bên một con suối trong một khu rừng vừa bị chất độc hóa học dội
xuống.
Cuộc
chiến kết thúc vang lừng 21 phát đại bác khải hoàn. Cặp đôi Chi - Lành quá nửa
đời người rồi cũng được gặp lại nhau, may mắn hơn biết bao cặp vợ chồng cách
nhau một thước đất mà gọi hoài có nghe tiếng nhau đâu. Mặc dù anh đã 57 tuổi
với khuôn mặt già nua, những nốt sần của tuổi già cùng với mồ hôi cộm lên, da
lưng trơn khô, những lớp tế bào chết ngày mỗi dày thêm và mặc dù, chị cũng đã
46 tuổi, với nước da xanh nhọt, mái tóc rụng nhiều, vàng ợt; họ cũng vẫn còn có
được những phút giây hạnh phúc: “Đêm đêm, anh ôm chị vào lòng. Chị lắng tai
nghe nhịp tim anh còn khỏe không”. Dẫu đó chỉ là hạnh phúc trong trong tiếng
thở dài vì chỉ một năm nữa, nếu anh chị không có con, coi như hết. Giả sử khép
lại câu chuyện, họ không có con thật thì cũng đã chút ít có hậu như những
chuyện cổ tích dân gian.
Nhưng
không phải thế. Cái hy vọng không bị coi như là hết đã nẩy mầm: Chị có thai rồi
chị sinh nở. Nhưng hỡi ôi, đứa bé là một con người dị dạng! Không phải Tạo hóa
tàn nhẫn như vậy mà do chất độc màu da cam đã ngấm với nồng độ rất cao trong cơ
thể người đàn bà tội nghiệp kia gây ra như thế. Tội ác man rợ của chiến tranh
đâu chỉ là “Đống xương vô định đã cao bằng đầu” mà còn ở di hại của nó cho muôn
đời sau!
*
Truyện
ngắn rất gọn với ba ngàn chữ (Chính xác là 3157 chữ) nhưng đầy ắp những tình
tiết lôi cuốn người đọc và rất giàu ngôn từ thẩm mỹ gợi cảm. Nguyễn Quang Lập
tỏ ra rất khéo cất giấu những cái hay và sâu sắc nhất của câu truyện để rồi bất
thình lình tung ra làm choáng ngợp đầu óc và tâm hồn người đọc.
Tên
truyện là “Tiếng lục lạc” nhưng mãi đến nửa cuối truyện mới xuất hiện cái
lục lạc.
Ai cũng
biết, cái lục lạc vừa là đồ chơi vừa là một thứ được coi là rất nhiệm màu để
bảo vệ trẻ nhỏ. Khi con bắt đầu bước những bước đầu tiên, cha mẹ sợ con ngã, sợ
cái cầu ao, giếng nước, sợ bụi cây nhiều muỗi mòng, sợ ngõ phố nhiều xe cộ, sợ
gió máy làm con ốm đau, sợ ma quỷlàm hại con… Và để giảm nhẹ, đánh lừa cảm giác
bất an ấy ,cha mẹ đeo vào chân con mình chiếc lục lạc. Tiếng lục lạc là “đôi
mắt sau lưng” của cha mẹ, là tín hiệu an toàn của con. Nhà giàu thì lục lạc
bằng bạc bằng đồng để phô ra sự giàu sang; nhà nghèo thì lục lạc làm bằng đất
nặn rồi nung trên nóc lò gạch để cầu mong an lành. Và không chỉ có trẻ con đeo
lục lạc mà có cả những cô gái cài lên cạp váy một chuỗi lục lạc bằng bạc vừa để
khoe của vừa để mỗi bước đi lại reo vang những chuỗi âm thanh vui tươi thêm
duyên thêm dáng. Bởi vậy, tiếng lục lạc, dù bằng đồng, bằng bạc hay bằng đất
nung đều là những tín hiệu trong trẻo của hạnh phúc.
Nhưng
chiếc lục lạc của đại tá Chi trong truyện của Nguyễn Quang Lập lại thật kỳ lạ: Nó làm bằng
sừng dê, được chuốt, chạm trổ bằng bàn tay nghệ nhân, mỗi lần rung lên nghe
như tiếng trẻ con cười. Nó là một kỷ vật thiêng liêng do một người bạn chiến
đấu trước lúc hy sinh đã trao lại cho anh: “Cứ mỗi lần thắng trận mày lại rung
lên cho tao nghe thấy, tao mừng”. Anh dã làm theo lời dặn đó chưa lúc nào quên
suốt 14 năm khắp tất cả các chiến trường. Bởi vậy, sau ngày toàn thắng nó được
treo ở trần nhà, tưởng như đã hết công trạng. Nhưng khi thấy vợ có thai sau
những ngày vật vã với tuổi tác, với bệnh tật, cũng là một trận chiến mới của
đời người còn lại, đại tá Chi đã nghĩ ngay ra cái sứ mệnh thiêng liêng mới cho
chiếc lục lạc: giao lại cái lục lạc cho đứa con khi nó mới một tuổi. Nó có
nghĩa vụ phải giữ gìn cái lục lạc cho hết đời mình. Để khi bố mẹ nó đã yên nghỉ
dưới “suối vàng”, mỗi lần thành công được một việc gì, nó phải rung lên cho bố
mẹ nó mừng…Đời bố đã 14 năm thắng trận hẳn đời con sẽ luôn luôn thành công
trong mọi việc. Con sẽ hơn cha, còn hạnh phúc nào bằng!
Sự đời
đâu có đẹp như thế! Đứa con của vợ chồng ông làm sao có thể thực hiện cái nghĩa
vụ ấy. Nó không thành người; nó không có cuộc đời của con người thì làm sao nó
có được sự thành công. Thương quá vợ chồng ông đại tá bất hạnh và thương quá
đứa bé tật nguyền dị dạng!
“Tôi sẽ
hỏi vợ cho nó lúc mười sáu tuổi.” - Câu nói của đại tá Chi không chỉ là nói cho vui mà hàm
chứa biết bao lẽ đời. Đời của đại tá 57 tuổi thì 36 năm chinh chiến. Có vợ
nhưng 21 năm cách biệt, và trước khi chia tay không kịp để lại cho vợ một đứa
con nên mới ra nông nỗi sau ngày đoàn tụ , hằng đêm vợ chồng yêu nhau để hy
vọng có đứa con mà như đọa đầy nhau vì bất lực!- “Tôi sẽ hỏi vợ cho nó lúc nó
mười sáu tuổi” để nó sớm được hưởng hạnh phúc lứa đôi trong cảnh hòa bình, để
nó sớm có con chứ không quá muộn màng thiệt thòi như bố mẹ nó, và để tiếng lục
lạc luôn rung lên sự thành công trong cuộc đời dài lâu của nó. Ước muốn được bù
trừ ấy thật cao cả nhưng không những không thành hiện thực mà sẽ thành nỗi khổ
đau cho đến khi nằm dưới đáy mồ của cặp vợ chồng cựu chiến binh ấy.
Bởi thế,
“Tiếng lục lạc vang lên, nghe như tiếng trẻ con cười”. Câu kết tưởng như có hậu
ấy không phải là tiếng cười trẻ thơ, cũng không phải là tiểng reo thành công mà
là tiếng kêu xé ruột của người trong cuộc và cũng là của cả dân tộc đã phải
gánh chịu những nối đau chồng chất của chiến tranh, giờ lại thêm nỗi đau chất
độc màu da cam hậu chiến. Nó cũng là lời nhắc nhủ những ai không phải ra chiến
trường, những lứa đôi giờ mới đang tuổi thanh xuân; mỗi khi nghe tiếng bi bô
của con cháu mình hòa trong những tiếng reo của những cái lúc lắc hiện đại đủ
hình dáng đẹp như hoa lá, chim muông, sư tử, rồng phượng…, hoặc nghe những âm
thanh thánh thót từ những đồ chơi điện tử văn minh hiện đại: Hãy nghĩ đến xương
máu và khổ đau của những người đã phải đi qua cuộc chiến tranh quá nửa cuộc
đời, mà rồi không bao giờ được nhìn thấy những đứa con bụ bẫm xinh xắn lại phải
sinh ra những đứa con dị dạng. Họ sẽ còn phải tiếp tục chịu khổ đau gấp trăm
ngàn lần khổ đau trong chiến tranh để làm cho hết phận sự của đời người vì
những đứa con không phải do tạo hóa tàn nhẫn như vậy!
Mời thư giãn với nhạc phẩm ĐẤT NƯỚC
của Phạm Minh Tuấn, qua tiếng hát Tùng Dương:
*
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com
.
.
.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác
giả gửi qua email ngày 10.10.2019.
- Bài viết không thể hiện quan
điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét