(Nguồn ảnh: internet) |
CÒN LẠI
CỦA CHÂU LY
*
Ta ngồi xuống giữa
đồi chiều lộng gió
Rừng vang vang khúc
nhạc trỗi mơ hồ
Sợi nắng chảy trên
cây đời vàng võ
Chợt thấy lòng lạ
lẫm giữa hư vô.
Nghe tiếng hót của
loài chim hoang dã
Ai “bắt cô trói
cột” giữa non ngàn
Mà quặn thắt chút
tội tình đày đoạ
Hình hài này,ôi có
cũng như không...
Nghe tiếng gió vọng
từ khe đá núi
Rừng thâm u, huyết
lệ chảy âm thầm
Ta đứng dậy nghe tứ
bề gãy đổ
Những giáo điều vô
nghĩa suốt trăm năm.
Muốn làm bạn với
vài con sóc nhỏ
Sợ chi ta mà hoảng
loạn quay đầu?
Ta khác ngươi phải
làm tên thất thổ
Cạn một đời hoài
vọng mảnh trăng thu.
Cạn một đời se lòng
soi bóng nguyệt
Mà hồn nghe hổ thẹn
với tiền nhân
Ơi, Đặng Dung trăng
tàn rồi trăng khuyết
Vẫn gươm mài cho
đến buổi trăng tan.
Sống lạc lõng giữa
cuộc cờ phù thế
Núi rừng ơi ta
thương lượng tí điều
Lỡ một ngày kia
sông mòn đá lở
Còn lại bên đời,
vạt nắng
để nương nhau...
*.
Tháng Tư 2018
CHÂU LY
LỜI BÌNH:
Đọc thơ Châu Ly lòng tôi thường trĩu nặng một nỗi
buồn. Thơ chị có một sức mạnh hấp dẫn người đọc đến lạ thường. Qua mỗi bài thơ
chị đều bày tỏ với cõi người về những triết lí nhân sinh khi “Cuộc trần này ôi có có không không”.
Vâng có mà không, không mà có cứ vần xoay điên đảo.
Nỗi buồn trĩu nặng của thơ Châu Ly không làm cho
người đọc nản lòng gục ngã mà nó có sức mạnh nâng dắt những nhận thức để cho ta
nhìn thẳng vào nhân tình thế thái mà vững tâm ứng xử. Điều còn lại cuối cùng
của chúng ta vẫn là những giây phút thân yêu giữa cuộc trần đầy gió mưa giông
bão. Vì dù có thế nào đi chăng nữa cuộc đời này vẫn còn nhiều yêu thương và
nhân hậu.
Biết nói thế nào và dùng từ thế nào đây cho chính
xác để lí giải về thơ Châu Ly. Hình như thơ chị có cái gì đó rất cổ kính rất
trầm ấm lôi cuốn được chúng ta, ta như cứ bị lạc vào trong một miền thi ảnh,
một vùng âm thanh xưa cũ. Thơ chị cứ như là tiếng gọi trầm hùng từ xưa cũ vọng
về với cuộc người này. Đọc thơ Châu Ly lúc nào tôi cũng như chạm vào câu thơ
hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan:
Dấu xưa xe ngựa hồn
thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng
tịch dương
Âm điệu trong thơ Châu Ly thì cổ xưa còn tư liệu
trong thơ chị lại rất hiện thực. Có phải vậy chăng mà thơ chị dễ lan tỏa và
thấm đẫm vào hồn ta. Xin được đi dọc bài thơ để nói được đôi điều gì đó về Còn
lại của Châu Ly:
Ta ngồi xuống giữa
đồi chiều lộng gió
Rừng vang vang khúc
nhạc trỗi mơ hồ
Sợi nắng chảy trên
cây đời vàng võ
Chợt thấy lòng lạ
lẫm giữa hư vô.
Những bài thơ thế sự hay nói khác đi khi viết về
những nỗi buồn đau nhân thế Châu Ly thường dùng đại từ nhân xưng ta. Điều đó
nhận được sự đồng cảm hình như tuyệt đối từ phía người đọc. Chúng ta đều thấy
đây không còn là nhận thức riêng biệt của Châu Ly nữa mà thuộc về nhận thức của
mọi người. Ta hãy cùng nhau ngồi xuống giữa núi đồi lộng gió để mà cảm nhận cho
hết những bể dâu dời đổi xung quanh ta. Khung cảnh núi rừng làm cho ta an nhiên
và tĩnh tâm trở lại sau gió mưa bão lũ cuộc đời. Ở đây trước hết thuộc về những
gì đang hiện hữu. Rừng vẫn ngàn đời như thế rừng vẫn vang vanng những khúc nhạc
mơ hồ không đầu không cuối. Nhưng đây tôi nghĩ chỉ là cảm xúc ban đầu tươi mới
khi được ngồi giữa núi đồi lộng gió mà thôi. Rồi tiếp đó ta nhìn thấy những sợi
nắng chảy, một hình tượng rất kì ảo thế nhưng ta đã nhầm. Châu Ly đã kịp đánh
thức ta tỉnh lại. Sợi nắng không chảy trên những nhành lá non tơ trên bạt ngàn
rừng núi mà chảy trên “cây đời vàng võ”. Cuộc đời này đã vàng võ úa nhàu đã tàn
phai. Chính sự đối nghịch ấy đã làm cho ta giật mình vì mình đã trở nên xa lạ.
Chỉ khổ thơ đầu ta đã cảm nhận được cái dằng xé đớn đau của một con người sống
rất nhiều duyên nợ với thế gian.
Nghe tiếng hót của
loài chim hoang dã
Ai “bắt cô trói
cột” giữa non ngàn
Mà quặn thắt chút
tội tình đày đoạ
Hình hài này,ôi có
cũng như không...
Từ quan sát bằng thị giác chuyển sang cảm nhận
bằng thính giác. Nhưng không phải là tiếng hót líu lo, tiếng hót ríu rít mà là
tiếng kêu thảm khắc của loài chim đã muôn đời là biểu tượng của sự gian manh
tráo trở đeo bám nhau cho trọn kiếp người. Giưã hoang tàn nghe tiêng kêu thảm
khắc đó đã để lại cho ta nhiều suy ngẫm. Từ chuyện cổ tích nhà thơ đã liên tưởng
đến cuộc đời hiện tại. Vâng năm trâu sao lại có sáu cọc. Ngược lại sáu cọc sao
chỉ năm trâu? Chỉ vì cãi vã về một con trâu mà hai kiếp người bị đầy đọa. Châu
Ly thật tài hoa khi lấy sự tích này để biện minh và lý giải về cuộc đời hiện
đại.
Nghe tiếng gió vọng
từ khe đá núi
Rừng thâm u, huyết
lệ chảy âm thầm
Ta đứng dậy nghe tứ
bề gãy đổ
Những giáo điều vô
nghĩa suốt trăm năm.
Nghe tiếng chim giờ lại là âm thanh của gió. Gió
không vọng từ trời cao và vọng từ khe núi. Phải chăng tiếng gió ấy không phải
là luồng không khí đối lưu mà thứ gió được tạo ra từ huyết lệ đã ngàn đời tuôn
chảy và còn chảy mãi đến muôn sau. Nhà thơ không ngồi nữa mà đứng dậy, trong
khoảnh khắc ấy một sự gãy đổ điêu tàn không phải của cây rừng mà của những giáo
điều vô nghĩa trong thế gian. Những giáo điều vô nghĩa chảy suốt gần trăm năm
rồi là gì có lẽ mỗi chúng ta hãy tìm cách tự lí giải cho mình. Nhà thơ không
nói và tôi cũng không nói vì nó vừa võ đoán vừa áp đặt. Chỉ là một khoảnh khắc
muốn được an nhiên tĩnh lặng giữa núi rừng hoang dã. Nhưng một con người luôn
trăn trở luôn đắng đót với thế nhân thì làm sao có thể an nhiên tĩnh lặng cho
được. Nỗi day dứt trăn trở mãi khôn nguôi…
Muốn làm bạn với
vài con sóc nhỏ
Sợ chi ta mà hoảng
loạn quay đầu?
Ta khác ngươi phải
làm tên thất thổ
Cạn một đời hoài
vọng mảnh trăng thu.
Trong tận cùng cô đơn hoang hoải của cõi người
nhà thơ không biết làm bạn với ai muốn làm bạn với mấy con sóc nhỏ. Nhưng loài
sóc nhỏ này đã bao lần bị con người tìm cách hãm hại nó có biết đâu đây là một
con người, một nhà thơ giàu lòng nhân ái muốn tìm bạn để được sẻ chia. Đọc câu
thơ tôi trào nước mắt cho cái hoang lạnh gữa cõi người. Rồi một sự sám hối bùng
lên đốt cháy con tim. Đừng tự nghĩ về mình như thế. Nhà thơ Châu Ly không bao
giờ là người thất thố mà chỉ là con người sống với những hoài niệm của một thời
xưa cũ. Có chăng đó là cuộc đời tha hương phiêu dạt mà thôi. Hoài vọng một mảnh
trăng thôi mà vẫn không nhận được về mình mảnh trăng thu trong sáng rạng soi
cho trí tuệ cuộc đời…
Cạn một đời se lòng
soi bóng nguyệt
Mà hồn nghe hổ thẹn
với tiền nhân
Ơi, Đặng Dung trăng
tàn rồi trăng khuyết
Vẫn gươm mài cho
đến buổi trăng tan.
Dù đã cạn một đời se lòng soi bóng nguyệt mà sao
chị vẫn cứ cảm thấy mình hổ thẹn với tiền nhân? Bởi vì mình không có chí khí
bền gan như các bậc tiền nhân. Chỉ biết soi cái bóng nhạt nhòa của mình dưới
ánh trăng mà không thể là:
Kỷ độ Long Tuyền
đới nguyệt ma
(Thơ Đặng Dung)
Mài gươm dưới
nguyệt mấy thu rày.
(Bản dịch của Nguyễn Văn Trình)
Chị chẳng thể làm gì được trước những đau thương
mất mát của cuộc đời và của chính mình. Đã nhiều lúc thi nhân chỉ biết gửi gắm
vào những câu thơ đẫm đầy nước mắt. Thơ cũng chỉ để sẽ chia. Thơ không thể là
một thanh gươm báu để rửa sạch nỗi đau nhân thế, trừ diệt bọn gian manh tham
nhũng tàn phá đất nước này! Phải chăng vì thế trong khổ thơ này nhà thơ đã mượn
nhân vật lịch sử Đặng Dung để gửi gắm tâm sự như Đặng Dung đã gửi gắm tâm sự
qua bài thơ Thuật Hoài của ông. Ơn vua nợ nước chưa đền thì đầu đã bạc. Mài
gươm dưới nguyệt đã bao năm nhưng chẳng gặp thời đành lỗi hẹn với non sông! Có
phải vì thế nhà thơ đã nói với loài sóc nhỏ một câu "Ta khác ngươi phải
làm tên thất thố"? và phải:
Sống lạc lõng giữa
cuộc cờ phù thế
Núi rừng ơi ta
thương lượng tí điều
Lỡ một ngày kia
sông mòn đá lở
Còn lại bên đời,
vạt nắng
để nương nhau...
Những lời cầu xin tuyệt vọng khi phải sống lạc
lõng trong thế cuộc cõi người, khi không gửi gắm được vào con người mà chỉ cầu
xin rừng núi. Rừng núi làm sao mà hiểu được lời cầu xin tưởng như nhỏ nhoi ấy
nhưng nó lại rất lớn lao cao cả. Cầu xin làm sao giữa cuộc đảo điên sông mòn đá
lở. Không phải chờ đến mai sau đâu nhà thơ Châu Ly ạ. Hiện nay bao nhiêu dòng
sông cạn khô như không tồn tại. Đất lở đá nhào vùi lấp bao con đường bao sinh
linh… Nhưng tôi và nhà thơ và tất cả các bạn cùng nguyện cầu không chỉ cho
riêng nhà thơ mà cho tất cả chúng ta một điều còn lại duy nhất:
Còn lại bên đời vạt nắng để nương nhau
Khi vẫn còn vạt nắng. Phải hiểu như thế nào về
vạt nắng của nhà thơ? Tôi nghĩ rằng vạt nắng của mặt trời đã thuôc về vĩnh cửu
thì có lẽ ta chẳng cầu xin nó vẫn tồn tại. Ta phải hiểu rằng đây là vạt nắng
tỏa lan từ hơi ấm của tình người. khi ta biết nương tựa vào nhau được gắn kết
với yêu thương và lòng nhân hậu thì ta sẽ còn lại tất cả.
Thơ Châu Ly dù đượm buồn - nỗi buồn nhân thế -
Nhưng cái kết trong thơ chị bao giờ cũng là cái kết có hậu. Cái kết thắp lên
trong ta ngọn lửa tình yêu cuộc sống!
Mời thư giãn với nhạc phẩm GẶP NHAU LÀM NGƠ
của Trần Thiện Thanh, qua tiếng hát Tuấn Vũ:
*
NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Địa chỉ: Nhà số 7 Đường Thành Cổ,
Phường Vệ An - Thành phố Bắc Ninh
Email: nguyenxuanduong1940@gmail.com
Điện thoại: 037.224.23.92
.
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 22.10.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét