(Nguồn ảnh: internet) |
GIẢI THÍCH CA TỪ
TRỊNH CÔNG
SƠN BẰNG GIAI THOẠI
*
(Tác giả Chu Mộng Long) |
Giải thích lời ca hay lời thơ bằng giai thoại hay bằng tiết lộ của chính
tác giả là khuynh hướng khá phổ biến và thống trị dai dẳng trong đọc hiểu văn
bản nghệ thuật.
Mặc dù có vô số tác phẩm không thể tìm ra
giai thoại hay tiết lộ nào của tác giả, nhưng nhiều người vẫn mò mẫm trong cái
thung lũng đen đó và xem mỗi phát hiện như là "chân lý" bất ngờ, thú
vị. Hậu quả là nhà phê bình tự bịa ra giai thoại hay cuộc chuyện trò nào đó với
tác giả dựa trên tiểu sử tác giả.
Dựa vào giai thoại hay tiết lộ của tác giả để
khám phá nghĩa của văn bản, mới nghe có vẻ rất thú vị, đặc biệt là trường hợp
ca từ nhạc Trịnh có nhiều chỗ "bí hiểm". Nhưng theo tôi, lấy giai
thoại hay tiết lộ của tác giả để giải nghĩa, thực chất moi ra nghĩa thực, nghĩa
đen, là giết chết nghĩa.
Với cách đọc hiểu này, hóa ra, tưởng ca từ
nhạc Trịnh siêu thực mà không siêu thực. Thủ pháp đơn giản của Trịnh là che
giấu sự thực để rồi bây giờ có ai đó tò mò hay chính tác giả lột trần ra. Té ra
"đời mình là những chuyến xe..." là kiếp sống giang hồ của gái đĩ khi
nhan sắc tàn phai; “loài sâu ngủ quên trong tóc chiều” là hình hài tác giả co
ro cuốn chiếu nằm ngủ trong một đêm buồn, "đêm thấy ta là thác đổ..."
là hình ảnh, âm thanh trong não của người ngồi thiền v.v...
Nghĩa chết hẳn khi bí mật được giấu kín trong
câu chữ bị phơi tung ra ngoài. Chết vì người đọc, người nghe không còn có thể
tưởng tượng ra cái gì khác đang thăng hoa sống động ở trên câu chữ lung linh
ấy. Chết vì lẽ ra cái chất liệu của hiện thực khi cấu trúc nên hình thức thẩm
mỹ sẽ thành đa nghĩa thì đã bị đóng băng thành một nghĩa. Chết vì
cái-đã-diễn-ra rất riêng tư của tác giả không thể thành cái-đang-diễn-ra cho
mọi người đọc.
Nghệ thuật sống động vì nó luôn thành
cái-đang-diễn-ra cho mọi người.
Tôi từng bật cười khi đọc nhiều sách của
nhiều nhà phê bình khi khoe đã về đến tận thôn Vỹ Dạ xem hình ảnh "lá trúc
che ngang mặt chữ điền", hay lôi chuyện tình của Hàn Mặc Tử với nàng Hoàng
Cúc ra để giải nghĩa bài thơ "Đây thôn Vỹ Dạ". Nghĩa của thơ đơn giản
là bài văn miêu tả hay bài kể chuyện chi tiết về một sự-thực-đã-diễn-ra à?
Từ giai thoại hay tiết lộ bí mật của tác giả
để hiểu thêm về thủ pháp sáng tạo biến chất liệu hiện thực thành hình thức thẩm
mỹ thì được chứ gọi đó là phát hiện về nghĩa thì là con số không.
Tôi không khuyến khích các bạn đọc văn theo
cách này. Chỉ là tham khảo. Hãy để tưởng tượng của mình bay bổng ra khỏi những
giai thoại hay lời tiết lộ bí mật, tức không bị cầm tù trong phần đen, vì đã bí
mật thì có thể sẽ gặp phải phần tăm tối nhất, thô thiển nhất của cuộc sống, dù
đó là cuộc sống của vĩ nhân.
Mời thư giãn với nhạc phẩm ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI
của Trịnh Công Sơn, qua tiếng hát Khánh Ly:
*
CHU MỘNG LONG (tên thật: Châu Minh Hùng)
Địa chỉ: Khoa GD Tiểu học Mầm non, Đại học Quy
Nhơn
170 An Dương Vương, phường Nguyễn Văn Cừ,
thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
Điện thoại: 0982.03.61.75
........................................................................................
- Cập nhật từ email: quanboyman1992@yahoo.com.vn
gửi ngày 15.09.2019
- Bài viết không thể hiện quan
điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét