(Nguồn ảnh: internet) |
ĐỌC ‘TIỀN
KIẾP’ CỦA NGUYÊN BÌNH
- TẬP THƠ
NGÀN NĂM BÂNG KHUÂNG
*
(Tác giả Châu Thạch) |
“Tiền Kiếp” là tập thơ của nhà thơ
Nguyên Bình vừa xuất bản. Nguyên Bình
còn là một nhà bình thơ, một nhà giáo, cư trú tại Bà Rịa - Vũng
Tàu.
Vì sao tôi gọi “Tiền Kiếp” cúa nhà thơ Nguyên Bình là tập thơ ngàn năm bâng
khuâng? Thật vậy, ta hãy đọc khổ thơ đầu cúa bài thơ “Tiền Kiếp” đươc đăng ở
trang 51 thì sẽ có khái niệm về tập thơ nầy:
Nợ em cái nhìn từ tiền kiếp
Tôi đã vay về một sáng
xuân
Nghìn năm thương nhớ chưa
trả hết
Nay còn vương lại chút
bâng khuâng
Bâng khuâng là gì? Là sự buồn nhớ lâng lâng, là
những cảm xúc luyến tiếc, nhớ thương xen lẫn nhau, gây nên trạng thái tâm hồn
ngơ ngẩn, ngẩn ngơ.
Đúng vậy, tập thơ “Tiền Kiếp” của nhà thơ Nguyên Bình là một tập thơ tình, ông
sáng tác bởi những cuộc tình mà ông đã tương tư, ngẩn ngơ từ bao kiếp trước,
những cuộc tình ông đã vay nhưng định mệnh còn chưa cho ông trả.
Có lẽ, vì Nguyên Bình không uống chén canh Mạnh
Bà khi qua cầu Nại Hà từ muôn kiếp trước, nên nhà thơ vẫn nhớ cả những cuộc
tình trong tiền kiếp của nhà thơ.
Thế nhưng vì thơi gian lâu quá, ký ức phai mờ,
cái nhớ chỉ còn vương lại chút bâng khuâng khi tưởng đến hình ảnh những ai
trong quá khứ còn biền biệt xa nhau, hay những ai có duyên lành gặp nhau ở hiện tại nhưng trong mơ hồ chỉ biết đã từng
có nhau từ tiền kiếp mà thôi.
Hãy đọc thêm
một khổ thơ trong bài thơ “Tiền Kiếp 2” đăng ở trang 98 ta sẽ thấy nhà
thơ nhận được em, biết em là người yêu
trăm năm trước của mình:
Em là mộng của trăm năm
trước
Mộng về linh hiển giấc mơ
xa
Em là tia nắng hôm qua chợt
Nắng đậu bên thềm cạnh khóm
hoa.
Đọc thơ ta thấy Nguyên Bình đã hư cấu cuộc tình,
cho cuộc tình năm xưa trở nên có thân vị. Vì có thân vị mới có sự “linh hiển”,
mới đánh động được tâm hồn khi thi sĩ chợt nhìn tia nắng “đậu bên thềm cạnh một khóm hoa” để nhớ được “Em là mộng của trăm năm trước”.
Thơ tình yêu Nguyên Bình là như thế! Nhà thơ
không chỉ yêu em ở kiếp nầy. nhà thơ đem cả tình yêu từ ngàn kiếp trước dâng
trọn cho em.
Làm sao biết em cùng anh có từ kiếp trước? Đó chỉ
là sự tưởng tượng của thi nhân, sự tưởng tượng thi vị đó để tôn vinh hết tình
yêu, để thần thánh hóa tình yêu, để hiển thị sợi dây huyền nhiệm quấn vào linh hồn nhau mãi
mãi.
Sự lãng mạn trong thơ tình của của Nguyên Bình
tràn ra không gian, chảy theo thời gian, hiển hiện trong cả tia nắng lung linh
bên khóm hoa khoe sắc thắm.
Đọc “Em là
tia nắng hôm qua chợt/ Nắng đậu bên thềm một khóm hoa” ta thấy hình tượng
người con gái khác xa với trăm ngàn bài
thơ khác: Em không là bức tranh, em không là đóa hoa, em cũng chẳng là mùa xuân tươi thắm. Em chỉ là một tia nắng
nhỏ bé, lung linh, cô đọng sức sống và sự diu mát của tâm hồn. Em lại hiển hiện
trong vùng thơm hương và đẹp sắc, là đóa hoa mọc ở bên thềm.
Đọc hai câu thơ trên, nếu cảm nhận nhạy bén, ta
sẽ thấy được em chính là tia nắng ấm, còn anh chính là đóa hoa mọc ở bên thềm.
Nắng và hoa tạo nên một góc thơ riêng biệt cho mình, đầy nồng ấm của tình em là
nắng, thơm hương của tình anh là hoa, một đóa hoa lặng lẻ bên thềm!
Tình yêu
dấu trong ngăn tim của Nguyên Bình ghê
quá, sâu đậm, dai dẳng. hiếm có trong đời. Nhà thơ giữ hương của từng sợi tóc
trong tâm tư mình đến cả ngàn năm và nhận nó ra ngay khi nó có lại trên bàn tay
mình:
Sợi tóc em từ tiền kiếp
Cất trong ngăn kéo đọa đày
Giờ đây vẫn xanh như ngọc
Mượt mà dịu mát bàn tay
(Còn Đó Xuân Xanh)
Nhà thơ Nguyên Bình quan niệm một cuộc tình tan
vỡ như một nhánh thiên hương rơi rụng. Tình tan vỡ cũng đẹp muôn đời như nhánh
thiên hương rơi rụng giữa mùa xuân:
Một nhánh thiên hương rơi rụng
Cũng là lộng lẫy xuân về
Muôn đời tình em ngà ngọc
Ta ngàn năm mãi say mê
(Còn Đó Xuân Xanh)
Nhà thơ không cho “yêu là chết trong lòng một ít” mà nhà thơ cho mỗi mối tình là một
nhánh thiên hương, dầu rơi rụng vẫn ngát xuân trong trong ký ức mình mãi mãi.
Đó là thứ tình yêu quyến luyến vô biên, trong trẻo muôn đời!
Trong thơ Nguyên Bình, yêu bằng một thứ tình lớn, cao trọng với hai linh hồn như một,
truyền thông nhau và cảm nhận được nhau tất cả. Nhà thơ tưởng tượng người yêu
đọc thơ mình:
Anh mơ thấy em ngồi bên cửa sổ
Đọc thơ tình anh trao
Những vần thơ
Tan chảy vào đôi mắt đẹp kinh
hồn
Trái tim hồng bừng lên
Sáng ngời như vừa thắp lửa
(Tình Thơ)
Đọc thơ, người đọc cũng ngất ngây với bài thơ tình
mà em đang đọc. Phước cho thi nhân nào có người yêu như thế, nó cho tôi tưởng
tượng Hàn Mạc Tử với Mộng Cầm, nó cho tôi tưởng tượng bức danh họa tuyệt vời về đọc thơ, và nó cho
tôi ao ước đời mình có ai đó đọc thơ mình như thế một lần!
Nguyên Bình yêu đến độ dại khở, dầu chia tay cũng
không quên nhắc nhau nhớ mối tình từ tiền kiếp và dặn nhau tìm lại trong màu áo
năm xưa. Bài thơ có 12 câu, xin rút ngắn còn 6 câu thôi:
Thôi đừng dấu lệ vào trăng nữa
Em hãy khóc cười như trẻ thơ
…Ta uống tương tư đầy năm tháng
Từng đêm say khướt rượu ân tình
…Tìm nhau em nhé trong màu áo
Ta mặc bây giờ buổi tiển đưa
(Chia tay)
Nhắc nhau nhớ màu áo, tưởng là một tứ thơ bình
thường, nhưng thật ra đây là một tứ thơ mộc mạc, chân tình, chưa hề ai có, diễn
đạt đến tận cùng sự âu yếm, sự chơn
chất của chàng trai.
Trăng trong tình thơ Nguyên Bình là một thứ trăng
nửa hư nửa thật, nửa của quá khứ ngàn năm và nửa của nằm trong hiện tại, nửa
trong nỗi nhớ và nửa trong hẹn hò hiển hiện bây giờ:
Người thả thơ lên trời
khắc vào lòng bia đá
Anh vẽ hình em lên vành vạnh trăng xa
Kìa em yêu! Bên kiều
diễm bóng Hằng Nga
HÌnh trái tim anh lặng
thầm thương nhớ đó
Trăng mười sáu như
lời ai chưa ngỏ
Màu sữa non lênh
loáng ngập đường trăng
Em dạo đường mơ, anh
đếm bước quanh sân
Cùng tắm trăng đêm
nguyệt đầy em nhé.
(Tắm Trăng)
Vẽ hình em lên trăng là bức vẽ vô hình, là bức vẽ
trong tâm khảm nhà thơ. Bức vẽ vô hình bên trăng và trái tim lặng thầm thương
nhớ cho ta hình dung một không gian mông lung, yên lặng, tỉnh mịch đến vô cùng.
Tất cả hình ảnh đó gieo vào lòng ta tiếng thơ tình trầm lắng.
Rồi thì “Trăng
mười sáu” cho ta sự tinh khiết, “Màu
sửa non” cho ta sự mơ huyền. Để rồi anh và em “Cùng tắm trăng đêm nguyệt đầy em nhé” cho ta tất cả sự tuyệt vời
của một cuộc vui tưởng như là ân ái trong trăng. Tất cả khung cảnh trong thơ
hiện lên mơ màng như xa như gần, như thật như ảo, đưa tâm hồn ta trôi, trôi
theo cuốn phim trăng mà cho đến hoa lá
cũng “ngây tình không dám động/Lòng em
hồi hộp chị Hằng ơi” như nhà thơ Hàn Mạc Tử đã “Bẻn Lẻn” năm xưa!
“Tiền
kiếp” là một tập thơ tình bâng khuâng, bâng khuâng từ ngàn năm trước và
bâng khuâng mãi đến bây giờ. Tình của tiền kiếp là tình của hôm nay và tình
của hôm nay là tình có từ ngàn kiếp
trước. Với 76 bài thơ tình, nhà thơ Nguyên Bình đã cõng em, nhưng cũng chính là cõng chúng ta,
những người đọc thơ vào vùng thơ mộng như sau:
Lại đây anh cõng
mùa xuân mới
Đưa về trước cửa
thảo lư xanh
Nhà anh mới dựng
bằng hoa lá
Mái thơ vách nhạc
với nền tranh
Tí rượu xuân nồng
lơ mơ say
Đường cheo leo quá
đi qua mây
Hương em bừng sáng
đêm nguyệt thẹn
Anh cõng trái tim
rẽ lối nầy…
“Không thèm xuân
mới không thèm gió
Em chỉ đợi chờ một
vòng tay”
Cứ cõng em về miền
kysb ức
Lối cũ thênh thang
không vũng lầy
Im nào…em có…nghe
suối mơ
Gần tới cây xưa ta
đã trèo
Hái trái xuân thì
vừa chín tới
Giấu vào tình sử
những mùa yêu…
(Cõng nhau)
Im nào… Mời bạn đọc hãy im
nào… nghe tiếng suối mơ trong tập thơ “Tiền
Kiếp”!!!
Mời thư giãn với nhạc phẩm MÁI ĐÌNH LÀNG BIỂN
của Nguyễn Cường, qua tiếng hát Tùng Dương:
*.
CHÂU THẠCH (Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 22.11.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân
Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét