SAO LẠI ĐI BÁNG BỔ THƠ - Tác giả: Xuân Lộc (Hà Tĩnh)

Leave a Comment


SAO LẠI ĐI
BÁNG BỔ THƠ
Thưa ông Nguyễn Hoàng Đức
(Tác giả Xuân Lộc)
Ông là ai mà giám báng bổ cả nền thơ Việt?
Có người gọi ông là triết gia, hình như ông cũng là một nhà văn, một nhà phê bình... Tôi là một kẻ ngoại đạo nên không quan tâm lắm ông là gì, nhưng tôi thích đọc vì vậy rất tôn trọng những người mang nghiệp bút nghiên. Mấy năm nay cũng nhờ có internet mà may mắn được đọc một số bài viết của ông đăng rãi rác trên các trang mạng, thấy ông có những bài tranh luận, phản biện rất nóng bỏng, sử dụng nhiều kiến thức có vẻ rất cao siêu, thâm sâu mà tôi tự thấy nó không thuộc chuyên môn của mình để bàn chuyện đúng sai, nhưng thường thấy ông cao giọng, tự tin cho mình đứng cao hơn người khác một bậc để bác bỏ hoặc ủng hộ một lập luận nào đó, tôi thấy cũng mừng và có phần kính nể ông. Bản thân tôi luôn ủng hộ những phản biện, những phê bình ngay trực, không vòng vo lươn lẹo, hoặc ca ngợi một chiều vì sợ mất lòng hoặc đụng chạm đến người khác như phần lớn các quan chức và các nhà văn hóa khác đã làm, đang làm trên đất nước này suốt mấy chục năm qua.
Không hiểu sao thời gian gần đây, liên tục có những bài viết của ông và một số người nữa bàn về thơ một cách không bình thường, mang tính phỉ báng, bôi bác, rũ bỏ tất cả... Nên tôi thấy cần có mấy dòng trao đổi với ông sau khi đọc bài viết: Muốn có tác phẩm lớn Việt nam nên vút bỏ thơ đi.
Thưa ông Nguyễn Hoàng Đức, trước hết cần phải xác định một vị trí, nên vứt bỏ thơ đi đâu?
Như ông đã viết người Việt vẫn còn từ 85 đến 90% là nông dân, mà từ cổ chí kim, từ đông sang tây người nông dân vẫn là những người thiệt thòi nhất, vất vả nhất, ít có điều kiện học hành nhất. Tuy nhiên những anh hùng, hào kiệt, những trí thức tinh hoa phần nhiều cũng từ tầng lớp nông dân vươn lên mà thành cả. Cho dù khi thành danh rồi thì phần lớn họ lại quên đi cái gốc gác nông dân của mình, nhưng có sao đâu, cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn như thế từ đời này sang đời khác và đến muôn đời. Đặc biệt người nông dân Việt Nam có lẽ là những người vất vả và nghèo khó nhất thế giới. Vì sống cạnh một nước láng giềng lớn không mấy hữu hảo, luôn o ép, bắt nạt và tìm mọi cách để thôn tính nên người nông dân Việt Nam phải tay cày, tay súng suốt mấy ngàn năm, không thể ngóc đầu lên, tồn tại được như hôm nay, không bị Hán hóa đã là một kỳ công rồi. May mắn cho người nông dân Việt nam là có sức chịu đựng dẽo dai và một tinh thần lạc quan tuyệt vời, trong đó không thể không nói đến phần đóng góp của thơ ca.
Mấy năm nay nền văn học,nghệ thuật nước nhà không có những tác phẩm lớn, nguyên nhân vì sao thì tôi không giám lạm bàn, chỉ có một chút suy nghĩ, rằng trong bao nhiêu năm chiến tranh, hy sinh và thiếu thốn, nay cuộc sống có điều kiện hơn, con người tự thấy nhu cầu vật chất tăng lên, người ta dồn hết tâm lực để làm giàu, để được sống đầy đủ hơn, nên việc kiếm tiền nhanh là ưu tiên hàng đầu. Việc sáng tạo văn chương mất cân bằng so với kinh tế có phần nào hiểu được chăng?
Trong một môi trường mất cân đối như vậy, thơ lại phát triễn ào ạt, tràn lan, đáng lẽ nên mừng thì lại làm một số người lo lắng và đang manh nha một chiến dịch bài trừ thơ. Tại sao lại thế?
Thơ nở rộ trước hết là vì mảnh đất để nó phát triễn màu mỡ hơn, cụ thể là điều kiện để in ấn tác phẫm dễ dàng hơn, có nhiều người có điều kiện kinh tế và thời gian để ngồi lẫn thẫn với thơ hơn. Thơ cũng là niềm vui của các bậc trí thức, tướng lãnh, quan chức sau khi hết thời gian phụng sự nay về hưu, có điều kiện thể hiện chút cảm xúc thật muộn màng của mình, động viên an ủi nhau sống tốt hơn, có ích hơn trong những năm tháng cuối mùa. Hay-dở thì đó cũng là niềm vui, niềm an ủi của họ.
Tâm hồn con người đa dạng, khi buồn vui, đau khổ hay hạnh phúc người ta có nhu cầu thể hiện cảm xúc của mình. Mỗi người có một cách thể hiện riêng, có người reo lên sung sướng, có người âm thầm chịu đựng nỗi đau, có người lao vào đường tàu vì bất hạnh, có người nhảy xuống sông vì thất tình...có người lặng lẽ gửi gắm cảm xúc của mình vào những câu thơ. Đó là nỗi niềm riêng của mỗi người, mà mỗi con người là một tiểu vũ trụ, không ai giống ai. Nhà thơ Dimitroga viết: Mỗi con người ra đi không thể nào tái tạo/ Mỗi vũ trụ riêng tư không lặp lại bao giờ... Cho nên việc đòi hỏi đã làm thơ thì phải hay, phải là đỉnh cao, là hàn lâm tất cả là một đòi hỏi vô lý, bất khả.
Từ muôn đời nay người nông dân Việt Nam nói riêng, người Việt Nam nói chung gắn liền thơ ca, hò vè với niềm vui khi nông nhàn, khi mùa màng bội thu, khi thi cử đậu đạt, khi vinh quy bái tổ, khi chiến tranh mất mát, sống chết trong gang tấc... như vậy thì thơ ca là một thú vui tao nhã, bình dân, nhưng cũng là một thứ vũ khí vô cùng lợi hại.
Thưa ông Nguyễn Hoàng Đức, tôi đồng ý với ông khi ông viết: Qua nhiều năm quan sát kỹ nền thơ Việt, tôi thấy các nhà thơ chẳng mấy khen ai, nghĩa là họ rất đố kỵ. Chẳng biết nghe ai, chỉ cần mình được đọc thơ, rồi vào Hội, rồi leo ghế, rồi ẵm giải... Có lẽ đấy là đặc thù riêng của giới nhà thơ nước ta, nhưng khi đọc thơ tôi chỉ cần xem những câu thơ có hợp với lòng mình không, có hay không, có nội dung gì không chứ không bao giờ quan tâm đến những cá tính vụn vặt ấy. Cứ để cho họ tự sướng một chút thì có chết ai đâu, miễn thơ họ hay là ta sướng mà thôi. Nhưng tôi không thể nào đồng cảm với ông được khi ông cho rằng: thơ là một đầm lầy bầy nhầy ẩn nấp những ký sinh trùng thơ hãm tài, nhân cách thấp kém ... rồi ông khẳng định các nhà thơ Việt Nam chỉ là: Hiểu biết thấp /A dua, ăn theo nói leo /Đố kỵ, ích kỷ, cấu kết bè nhóm, đánh chặn hiền tài /Lưu manh càn quấy. Những quy kết này là quá đáng, ngoa ngôn, là vơ đũa cả nắm, là thiếu tôn trọng người khác. Ông đổ lỗi cho việc nền văn học nước nhà không có tác phẩm lớn là vì thơ và đề nghị vứt bỏ thơ đi. Đây rõ ràng không phải và không thể là ngôn ngữ của một triết gia mà tôi kỳ vọng.
Tôi muốn hỏi ông nên vứt thơ đi đâu đây? Thưa triết gia Nguyễn Hoàng Đức. Khi thơ là thú vui của những con người thấp kém,ngu dốt như ông nói, mà số lượng những người này lại quá đông đến 90% dân số nước Việt. Họ sẽ ra sao, người Việt sẽ ra sao nếu không còn thơ ca, thứ đã gắn bó với họ cả mấy ngàn năm nay? Có phải thật sự là một quốc gia văn minh, để có tác phẩm văn học lớn, thậm chí là dành được giải thưởng Nobel thì không cần đến thơ ca nữa không? Tôi nghi ngờ điều này lắm khi giải Nobel văn học đã dành không ít cho các nhà thơ. Cũng chưa có ai nói với tôi là giải Nobel dành cho văn xuôi có giá trị hơn dành cho thơ cả. Vậy tại sao một quốc gia mà người người làm thơ, nhà nhà làm thơ lại không nhen nhúm hy vọng một nhà thơ giật được Nobel mà cứ phải là văn xuôi?.
Đành rằng thơ bây giờ nở ra nhiều quá, bình dân quá, có nhiều thơ dỡ quá, nhưng thử hỏi có đỉnh cao nào mà không mọc lên từ cái nền dân giã này? Nếu không có thơ dỡ thì làm sao có thơ hay? Cứ để cho thơ nở ra như hoa lá mùa xuân, có muôn hồng ngàn tía, mỗi người có mỗi sở thích và chọn lựa của riêng mình, ai không thích thì ngoãng mặt đi chổ khác, tìm thú vui khác, hà cớ gì lại đi báng bổ thơ ca như vậy? Anh có thể khen chê, bình luận thơ hay dở theo suy nghĩ của mình, nhưng cho mình quyền xúc phạm người làm thơ thì trước hết phải xem lại mình đang đứng ở đâu và mình có cái quyền đó hay không?
Tôi e rằng không ít nhà thơ trong hội nhà văn là đồng nghiệp của ông và rất nhiều người lấy thơ làm cái nghiệp áo cơm sẽ đau lòng lắm khi đọc những lời xúc phạm của ông đấy ông Nguyễn Hoàng Đức ạ. Trước khi kết thúc mấy dòng trao đổi này tôi muốn nhắc lại câu danh ngôn mà tôi lấy làm nguyên tắc sống của mình là: Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ. tự kiêu một chút đã là thừa, và cho rằng dẫu vì lý do gì, thì việc ông đòi vứt bỏ thơ ca ra khỏi nền văn học là một đòi hỏi vô lý và rất vô trách nhiệm.
Hãy để cho thơ sống như dòng đời vốn vậy, tự nó sẽ đơm hoa, kết trái và lụi tàn theo quy luật của thiên nhiên, thích hay không cũng chẳng ai, chẳng quyền lực nào ngăn được những mầm thơ đâm chồi nẫy lộc.Xin quý vị đừng báng bổ thơ hơn nữa và cứ để cho các loại nhà thơ tìm thấy thú vui của mình trong những bài thơ dù hay dù dỡ, đấy là quyền của họ mà cũng không ảnh hưởng gì đến quốc kế dân sinh ,không gây chết chóc cho ai. Đọc thơ hay không là quyền của người thưởng thức, chẳng nhẽ cứ đẩy những người có máu làm thơ và biết tìm kiếm niềm vui trong thơ ra đường để thành những kẻ lừa đảo, trộm cướp, lưu manh chỉ vì họ không làm được thơ hay, thơ hàn lâm, thì các ông mới vừa lòng ư?
Vài lời của kẻ ngoại đạo. Kính chúc ông sức khỏe!

    

Mời thư giãn với nhạc phẩm THẰNG BỜM CÓ CÁI QUẠT MO
của Đỗ Lộc, qua tiếng hát bé Bảo Khương:
          
*
XUÂN LỘC 
Địa chỉ: thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Sài Gòn.
Email: xuanloc56@gmail.com 
Điện thoại: 091.831.92.33
.
.



…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: tranchicuong27@yahoo.com.vn ngày 21.05.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét