NỖI BUỒN CHIẾN TRANH QUA TRUYỆN NGẮN TRUYỆN SÓT LẠI Ở THUNG LŨNG CHỚP RI CỦA NGUYỄN QUANG LẬP - Tác giả: Nguyễn Bàng (Sài Gòn)

Leave a Comment

NỖI BUỒN CHIẾN TRANH QUA TRUYỆN NGẮN
TRUYỆN SÓT LẠI Ở THUNG LŨNG
CHỚP RI CỦA NGUYỄN QUANG LẬP
*
(Tác giả Nguyễn Bàng)
Một truyện ngắn cực hay của Nguyễn Quang Lập. Một câu chuyện đậm đặc những nỗi buồn cao cả!
BAO TRÙM LÊN TÁC PHẨM LÀ NỖI BUỒN CHIẾN TRANH.
Số phận con người trong chiến tranh như con sâu cái kiến. Chỉ một quả bom Mỹ giội trúng hầm, nhà thằng Chơn chín người chết tám, “cha mẹ anh em… nằm ngổn ngang trên mặt đất. Không ai còn trọn vẹn, mặt ai cũng nhăn nhó, thâm tím, hình như rất đau đớn…” Những tưởng người chết thiệt thân đau đớn làm vậy, ai ngờ người sống còn phải mang nặng biết bao nỗi đau trần thế mà người gánh chịu lớn nhất là những người lính, phụ nữ và trẻ em.
Những người lính như chú Dũng, từ những chàng trai đầy nhiệt huyết, lý tưởng, có tri thức và kỷ luật đã lên đường ra trận theo tiếng gọi hờn căm của núi sông, làm nên một đội quân cách mạng, một đội quân văn hóa, đã hy sinh ngoài chiến địa. Họ đã không biết đến ngày về; không phải một ngày về “công hầu khanh tướng” như thơ cổ mà ngay cả ngày về “trên đôi nạng gỗ” hay ngày trở về khi tất cả đã đổi thay, dòng sông, con đường làng, góc phố ngày nào giờ chỉ còn trong kí ức như ca dao:
“Ngày đi trúc chửa mọc măng
Ngày về trúc đã cao bằng ngọn tre
Ngày đi lúa chửa chia vè
Ngày về lúa đã vàng hoe ngoài đồng”
Hoặc ngày trở về trong nỗi cô đơn, mất mát đầy nỗi niềm xót xa vì một tình yêu hằng ôm ấp trong trái tim đã tan vỡ:
“Ngày đi em chửa có chồng
Ngày về em đã con bồng con mang”
Chiến tranh tàn khốc không có ngày về cho những người như chú Dũng mà chỉ có cõi vĩnh hằng đón họ trở về với cát bụi hư vô!
Biết bao cô gái như cô giáo Thương, vì chiến tranh không giữ được người yêu ở lại. Cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ hơn nhiều cuộc kháng chiến chống Pháp. Thương không có được cả cái ngày “lấy chồng thời chiến chinh” trong cảnh đơn sơ giản dị như cô gái yêu màu hoa sim tím: “Ngày hợp hôn/ Nàng không đòi may áo mới”, với nụ cười xinh xinh đứng bên cạnh anh chồng “mặc đồ hành quân”, “đi đôi giày đinh”; dẫu rằng “cưới nhau xong rồi đi!” nhưng cũng đã có được một ngày hạnh phúc nhất đời! Thương chỉ có những ngày đêm sống trong nỗi “nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời”, đêm mô cũng ngồi viết thư, viết đầy cả cuốn sổ tay, chỉ còn biết khóc và gọi tên người yêu dấu! Vậy mà nỗi nhớ nhung buồn nhưng đẹp ấy, những bức thư tình chỉ biết cất dấu trong sổ tay ấy cũng không còn được viết nữa vì người yêu dấu của cô, chú Dũng đã hy sinh ở cửa Gianh , biến cô thành một kẻ mất hồn điên dại: “Cô Thương dừng bút, ngồi đờ đẫn, mắt cô trân trối nhìn mãi cái lọ mực. Rồi, hình như mọi ý nghĩ đều từ cái lọ mực ấy tuôn ra, chảy tràn trề trên trang giấy: “Anh thân yêu của em ơi! Anh Dũng ơi! Anh có nghe em gọi không? Anh ơi, đêm nào em cũng nhớ anh. Đêm nào em cũng nhớ anh. Đêm nào em cũng nhớ anh. Đêm nào em cũng nhớ anh…”. và hàng trăm dòng giống nhau như thế cứ liên tiếp hiện ra nhanh đến mức không còn theo dõi kịp. Một lát, cô Thương bỗng ngẩng phắt đầu, mắt đỏ rực. Cô vứt bút ra xa, gục xuống bàn, bật òa một tiếng khóc đau đớn, tủi nhục…”.
Nếu như không có thằng Chơn, có thể cô Thương đã tìm đến cái chết. Nhưng cô không thể chết vì thằng Chơn cần có cô. Chính vì thế cô đã phải sống và chấp nhận phải đi bên cạnh một con người làm cô càng chết dần thêm nhưng là một con người như một ma lực quái quỷ làm cho cô không thể trốn chạy khỏi được là thầy Hoài. Cảm động thay cảnh cô Thương cùng thằng bé “Tôi” đi tìm thằng Chơn trong đêm tối: “Cô Thương đã tìm nó khắp nơi. Cô xin nghỉ dạy không ăn lương một năm trời để tìm nó, vẫn không thấy. Có lẽ nó đi vào lúc rạng sáng. Bởi vì vào khoảng bốn giờ sáng tôi choàng tỉnh. Trên giường không còn ai. Tôi chạy ra: cô Thương đang cầm đuốc chạy bời bời khắp xóm. Tôi chạy theo cô. Tôi và cô lùng sục tất cả những nơi mà nó vẫn thường lui tới nhưng vô hiệu. Cô Thương đã ngất đi sau đó một ngày.”
Hàng loạt trẻ em đã chết vì chiến tranh. Những em may còn sống thì cũng bị đầy đọa trong cảnh điêu linh. Thằng bé “Tôi” may mắn còn có mẹ và ba nhưng cũng phái xa mẹ theo ba sơ tán lên thung lũng Chớp Ri. Thằng Chơn , nhà nó chín người chết tám, chỉ mình nó sống sót. Người đọc khó cầm được nước mắt trước cảnh thằng bé mới năm tuổi, sau trận bom, người ta chạy đến, được người ta lôi lên từ dưới bụng mẹ: “Nó ngơ ngác nhìn cha mẹ anh em… nằm ngổn ngang trên mặt đất. Không ai còn trọn vẹn, mặt ai cũng nhăn nhó, thâm tím, hình như rất đau đớn. Thấy một chân của mẹ rời ra, nó chạy đến, kéo cái chân rời tới gần, hí hoáy lắp vào cho mẹ. Nhiều người trông thấy, đứng ôm mặt khóc rú lên. Còn nó nó không để ý đến ai nữa, nghiến răng cố lắp chân mẹ cho bằng được. Cho đến khi hoàn toàn bất lực, nó gục đầu vào bụng mẹ òa khóc. Nó lăn xả vào ôm hết người này lay gọi, lại người kia… Toàn thân thấm đầy máu những người đã khuất…”
NHƯNG VẤN ĐỀ CHÍNH, VẤN ĐỀ CHỦ YẾU của “Truyện sót lại ở thung lũng Chớp Ri” không phải là nỗi buồn chiến tranh. Tác phẩm đặt ra môt vấn đề lớn, liên quan đến vận mệnh của trẻ thơ, do đó đã tạo ra những khoái cảm thẩm mỹ vĩnh hằng sâu xa ở người đọc mọi thế hệ, dù câu chuyện khi Nguyễn Quang Lập kể đã cách xa 18 năm và cách xa người đọc hôm nay thêm 23 năm nữa. Đó là vấn đề Ước vọng của trẻ thơ..
Xuyên suốt câu chuyện là hình ảnh Chơn, đứa bé sống sót sau tội ác quả bom Mỹ giội trúng hầm làm nhà nó chín người thì chết tám. Vì thế hiển nhiên trong trái tim nhỏ bé của nó hằn lên một nỗi căm hờn giặc Mỹ ghê gớm hơn bất kỳ một đứa trẻ nào. Thằng Chơn được cô giáo Thương chăm sóc, nuôi nấng. Nó còn có ai để gọi mẹ nữa đâu, ngoài cô. Cô là mẹ duy nhất của nó. Tình yêu thương như mẹ của cô Thương đã xoa dịu vết thương chiến tranh trong tâm hồn thằng Chơn. Nó tìm lại được tình yêu cuộc sống ở thung lũng Chớp Ri nên hiển nhiên niềm yêu thương lớn nhất trong lòng nó là tình yêu mẹ Thương!
Ước vọng của thằng Chơn không nhiều và không có gì to lớn. Nó không ước mơ học giỏi, mai sau thành người này người nọ; nó cũng không ước mơ có nhà cao cửa rộng, có nhiều của nả. Nó chỉ mong có được hai điều: Yêu mẹ Thương nhất trần đời và khát khao trở thành bộ đội đi đánh thằng đế quốc Mỹ.
Vì yêu mẹ Thương nhất trần đời nên biết mẹ thích ăn thịt nhím, thằng Chơn đã tìm hiểu và thông thạo các loại bẫy thú và tỏ ra thần đồng và trong việc bẫy nhím, gà ri ở thung lũng Chớp Ri. Vì yêu mẹ Thương, thằng Chơn cũng yêu luôn cả chú Dũng, người yêu của mẹ. Vì yêu chú Dũng nên chưa hề biết chú vuông tròn ra sao, nó đã tưởng như nghe thấy những lời tỏ tình của mẹ Thương và chú Dũng nói với nhau y hệt như những lời của hai nhân vật Li-li-a và An-đơ-rây trong phim ảnh. Chỉ biết chú Dũng là bộ đội pháo pháo năm – bảy – li vậy mà mỗi lần thấy bộ đội ta đánh nhau với tàu bay Mỹ ở Cửa Gianh xa tít, nó như nhìn thấy từng hình ảnh, từng động tác của chú Dũng: “Chú Dũng đã phất cờ!. Chú Dũng ra lệnh hai khẩu pháo di chuyển sang bên trái. Chú Dũng không việc gì! Và rồi: “Hoan hô! Oánh mạnh vào chú Dũng ơi!” Đến khi chú Dũng lên thung lũng thăm cô Thương, thằng Chơn đã vô cùng sung sướng, cất lời nghiêm túc hỏi chú: Chú Dũng lên đây cưới mẹ cháu à? và nhăn răng cười với mẹ: “Mẹ không tin thì thôi, chú Dũng lên cưới mẹ đó”.
Bởi yêu mẹ Thương và chú Dũng nhất trần đời nên khi thấy thầy Hoài, một người trốn nghĩa vụ quân sự tìm cách tán tỉnh mẹ Thương, thằng Chơn không cần che dấu sự khinh ghét thầy. Nó như phát điên lên, nó bảo mẹ: “Mẹ đừng chơi với thầy Hoài nữa mẹ ạ.” rồi cầm tay mẹ, nước mắt đầm đìa: “Mẹ hứa đi!”. Nó đâu biết đến câu ca “mẹ đi lấy chồng con ở với ai” nhưng nó biết thầy Hoài là người xấu, không xứng với mẹ Thương của nó. Thế rồi thấy cô Thương không giữ được lời hứa, vẫn tiếp đón thầy Hoài niềm nở, thậm chí còn cho thầy ăn cháo hầm thịt nhím nữa… Thằng Chơn buồn vô cùng, nó không hiểu ra làm sao cả. Nó không dám trách cô Thương vì với nó, cô Thương làm cái gì cũng đúng, nghĩ cái gì cũng hay. Thế là nó dồn hết sự căm phẫn của mình vào thầy Hoài. Khi hiểu ra sự lừa dối của thầy Hoài, nó không cho thầy vào nhà, nói thẳng vào mặt thầy: “- Không được! Thầy không được lấy mẹ em!” và khi thầy Hoài nói: “Em không biết chú Dũng đã chết rồi à?” thì chẳng khác gì thầy giội một quả bom tàn nhẫn vô hình vào trái tim nó. Quả bom tàn bạo có hình của Mỹ đã giết chết tám người ruột thịt của Chơn nhưng không giết được nó.  Quả bom tàn nhẫn vô hình của thầy Hoài tuy cũng không giết chết thằng Chơn nhưng đã giết chết một tình yêu nhất trần đời trong tâm hồn trẻ thơ của nó. Vì vậy, thầy Hoài không chỉ còn là một người đàn ông đáng ghét mà là kẻ thù trước mặt nó. Một cái lọ mực ném thẳng vào mũi thầy cùng với tiếng thét đến lạc giọng của thằng Chơn: “Nói láo!” Rồi nó cùng thằng bé “Tôi” điên dại ôm lấy thầy, cắn xé.
Mất niềm tin ở mẹ Thương, mất điều ước vọng đẹp đẽ nhât lại thêm căm giận thầy Hoài như kẻ thù, thằng Chơn chỉ còn biết hướng về niềm ước vọng thứ hai là đánh thằng đế quốc Mỹ, kẻ thù của gia đình nó, kẻ thù của chú Dũng và suy cho cùng cả của cô Thương. Ngay tối hôm đó nó bỏ nhà ra đi cùng với chiếc ba-lô “Đi đánh thằng đế quốc Mỹ” của nó dù nó mới có chục tuổi đầu. Đi đâu không biết. Nhưng chắc chắn nó đi ra mặt trận như chú bé Gavroche dũng cảm như con chim tung cánh bay ra ngoài chiến lũy trong chuyện Giăng Van Giăng cô Thương đã hằng kể cho nó. Nó đi để thực hiện bằng được niềm khao khát cháy bỏng đã bao năm trong lòng nó: “Tao mà có phép tiên, tao trèo lên cầu vồng. Xong, tao nhảy lên ngồi trên “con cá trắm”. Xong, máy bay Mỹ đi qua, tao thả quả thủ pháo xuống đầu thằng phi công. Hấp, máy bay cháy! Ha ha… Xong, tao theo “con cá trắm” về cửa Gianh với chú Dũng.
Thằng Chơn “Đi đâu không biết, mười tám năm rồi tôi vẫn không biết nó đi đâu.” Một cái kết mở gợi bao thương cảm xót xa cho người đọc. Có thể nó sẽ như chú Dũng “một đi không trở lại” nhưng hình ảnh nó cũng như hình ảnh chú Dũng không bao giờ chết trong tâm trí người đọc!
VỚI DUNG LƯỢNG TRÊN MỘT VẠN CHỮ, “Truyện sót lại ở thung lũng Chớp ri” không chỉ ngồn ngộn những tình tiết hay mà còn có nhiều dòng tả cảnh tả tình rất đặc săc và sinh động. Người đọc như được sống thật sự ở một vùng thung lũng với cảnh bẫy nhím kỳ thú: “lũ nhím ấy cứ sa vào bẫy là cuống quýt lên như ruồi sa mạng nhện. Chúng co rúm mình rồi ngay lập tức bắn toàn thân ra phía trước, hàng chục cái lông nhọn hoắt văng ra rơi lả tả.”. Người đọc cũng như được chính mắt chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên thung lũng thật là tráng lệ với chiếc cầu vông cực lớn ban đầu mầu lá mạ viền mầu tím sẫm, khi gió nổi thì đỏ chói lạ thường. phía đỉnh là một đám mây hình con cá trắm đầu đen, bụng sáng vệt lân tinh lấp lánh bơi thư thả hờ hững trôi tận của Gianh làm thung lũng nổi lên ầm ầm, mưa gió.
Ngòi bút tả tình của Nguyễn Quang Lập không dài dòng nhưng rất đượm. Đây là cảnh cuộc chia tay của ba mẹ con cô Thương với chú Dũng: “Cô Thương khoác ba-lô của chú Dũng, cả nhà theo con đường đá sỏi chạy thẳng tới chân núi Chớp Ri. Đi được một quãng rất xa, đến bên này bờ suối Roóc thì dừng lại. Khi đó ở trong xóm đã nghe gà gáy le te. Khuya lắm rồi mà chúng tôi chẳng buồn ngủ gì cả. Chú Dũng ôm cô Thương nói gì rất lâu. Tôi và thằng Chơn đứng ở gốc cây chò, căng tai hết cỡ vẫn không nghe rõ. Thằng Chơn bấm tôi thì thào: “Li-li-a, anh yêu em!”. Chúng tôi cười khúc khích.”
Một cảnh chia ly thời chiến tranh hiện đại có ba lô, có tiếng gà gáy, có vòng tay ôm người yêu, có cả sự tưởng tượng theo phim ảnh. Nhưng không thể thiếu cái bịn rịn của muôn đời như muôn ngàn cảnh chia ly của chinh phu chinh phụ mấy trăm năm về trước:
Nhủ rồi tay lại cầm tay       
Bước đi một bước dây dây lại dừng.”
Thủ pháp nghệ thuật tương phản cũng được Nguyễn Quang Lập thể hiện rất thành công. Điển hình nhất là hình ảnh tương phản giữa chú Dũng và thầy Hoài.
Trước cảnh khói lửa bừng khắp núi sông, Chú Dũng đã xử sự như một “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt/ Xếp bút nghiên theo việc đao cung”; thì thầy Hoài tìm cách trốn nghĩa vụ quân sự. Thầy bị kỷ luật: cắt sổ gạo, buộc thôi dạy. Rồi không rõ vì sao, một năm sau người ta thấy thầy về dạy học ở thung lũng Chớp Ri. Khỏi nói thì ai cũng biết, thầy đã được sự chở che nhờ ô dù của ai đó !
Cảnh chú Dũng lên thăm cô Thương thật đàng hoàng diễm lệ bao nhiêu thì cảnh thầy Hoài tìm đến cô Thương lại lén lút thô tục bấy nhiêu. Đây là cảnh Dũng –Thương: “Chú Dũng và cô Thương đưa mắt nhìn nhau. Các đôi mắt đều cười. Chú nắm tay cô. Cô cúi đầu, mắt chớp chớp”. Còn đây là cảnh Hoài-Thương: “Một người đàn ông cao hơn, đi lệch vai, nép sát bên cô Thương”. Đặc biết cảnh thầy Hoài “yêu” cô Thương: “Họ vật nhau, vật thực sự. Tôi không thể tưởng tượng được trong khi yêu nhau người ta lại vật nhau khủng khiếp như vậy… Hai cái bóng đen cứ giày xéo nhau, lăn lăn tới gần mép nước thì dừng lại. Họ ngồi dậy, lại thì thầm, thì thầm”. Một pha cưỡng tình để “yêu” bằng được chứ đâu phải là một cảnh làm tình vì được yêu nhau!
CÁI NHAN ĐỀ “Truyện sót lại ở thung lũng Chớp Ri” cũng gợi nhiều suy nghĩ cho người đọc.
Đúng là một chuyện còn thiếu trong muôn vàn chuyện ở cái thung lũng nhỏ bé heo hút, cái thung lũng quái quỷ, mỗi nhà cách nhau hàng trăm mét, chưa tối đã đóng cửa ngáy pho pho. Người ta đã kể, đã biết muôn vàn chuyện ở thung lũng Chớp Ri, có thể do sơ ý hoặc vô tình đã bỏ quên để sót chuyện này; nhưng nó chỉ sót lại chứ không hề bị thời gian phủ lấp như bao chuyện khác. Nó sẽ được kể lại và phải được kể lại vì mãi mãi nó là bản án chiến tranh tàn bạo, nhưng trên hết nó là tiếng gọi nhân văn cao cả: Hãy nâng niu quý trọng những ước vọng tuổi thơ của các em! Người có sứ mệnh kể lại không ai ngoài thằng bé “Tôi”- Nguyễn Quang Lập!
Trẻ em hạnh phúc khi chúng có những ước mơ đẹp và chỉ hạnh phúc khi có điều kiện để thực hiện những ước mơ đó. Làm mất đi ước vọng của chúng là đánh thuốc độc vào tâm hồn chúng, giết chết không chỉ những ước mơ mà còn có thể giết chết luôn cả chúng!

          
Mời thư giãn với nhạc phẩm PHIÊN GÁC ĐÊM XUÂN
của Nguyễn Văn Đông, qua tiếng hát Tuấn Vũ:
              
*
NGUYỄN BÀNG                                                
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com
.

.

.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 25.12.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét