THƠ VỚI TRÁCH NHIỆM CÔNG DÂN - Tản văn Chử Văn Long (Hà Nội)

Leave a Comment


THƠ VỚI TRÁCH NHIỆM
CÔNG DÂN
*
(Tác giả Chử Văn Long)
Vào những ngày sắp khai mạc kỳ họp đầu tiên Quốc hội khoá IX năm 1997, tôi nhận được bài viết gửi Ban biên tập tuần báo Người Hà Nội kèm theo dự án Một giải pháp khả thi, để đường xuyên Việt không phải đi qua đường ngầm Hải Vân của kỹ sư Trần Ứng Thanh, Giám đốc công ty, sản xuất cung ứng vật liệu Sở Xây dựng Hà Nội (đại diện một nhóm kỹ sư, nhà khoa học cầu đường).
Dự án được phân tích qua những tính toán cụ thể, dựa trên kinh nghiệm nhiều nước chỉ làm đường ngầm khi không thể làm đường lộ thiên. Đường ven biển sẽ tạo ra được môi trường môi sinh cảnh quan suốt dọc tuyến do san lấp mặt bằng, hẹp chừng vài trăm mét, rộng vài cây số, tạo ra những khu đất hàng nghìn hécta, có thể dùng làm những khu côngnghiệp, dịch vụ thương mại, bến cảng, liền kề với đường sắt, đường bộ đi qua, hoàn toàn không có độ dốc, tương tự đoạn đường Lăng Cô đã hoạt động gần trăm năm vẫn bình thường. Con đường hầm với 5 km xuyên núi, dù được thi công hiện đại đến đâu vẫn mang những nhược điểm, nhỏ là trình độ sử dụng sữa chữa của mình, lớn là những biến thiên địa chất ở một vùng núi non hiểm trở.
Phương án thi công đường ven biển đơn giản hoàn toàn phù hợp với trình độ con người, máy móc hiện có trong nước, và lực lượng lao động quá đỗi dư thừa ở nước ta đang không có việc làm. Giảm được hàng trăm triệu USD so với phương án đường ngầm. Có thể, huy động vốn các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư, khi đường được đưa vào sử dụng, Nhà nước cho phép thu phí trong thời gian có thể thu hoàn vốn. Nhà nước không phải đứng ra vay vốn nước ngoài như dự án đường ngầm (toàn bộ dự thảo dự án đã được giới thiệu trên báo Lao động số 191/97 (4620) ngày thứ bảy 29/11/1997, trang 3).
Đọc xong bài viết và những trang dự án, tôi thật sự xúc động và cảm phục những con người đầy nhiệt huyết, vô tư, cao cả, không có trọng trách gì liên quan đến công việc này mà lại mạnh dạn đề xuất một phương án táo bạo ưu điểm hơn hẳn phương án đầu tư nước ngoài đã được chính phủ phê duyệt.
Tôi hình dung chỉ nội việc năm cây số đường hầm hun hút thay vì được nằm phơi dưới ánh nắng mặt trời, xe tầu không phải leo lên xuống dốc, chưa kể đến cảnh quan trải qua suốt vòng cung con đường gần hai chục cây số ven biển như dự án đã mô tả phác hoạ, lại còn tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho đất nước, lao động dư thừa được có công ăn việc làm đỡ phải bán thân đi tận nước ngoài.
Từ tâm sự đó, tôi thấy thơ không thể đứng ngoài những điều xúc động lớn lao này. Lấy tư cách nhà thơ ở một tuần báo, tôi đã viết thư photop kèm theo bản dự án trên gửi tới các đại biểu Quốc hội mà tôi có thiện cảm về uy tín và trách nhiệm trước những vấn đề lớn lao của đất nước, đang trong kỳ họp.
Chỉ hơn tuần sau, tôi nhận được 13 lá thư trả lời của những đại biểu: Nguyễn Mạnh Cầm, Đoàn Khuê, Đỗ Nguyên Phương đã đưa vấn đề này ra cuộc họp. Sau đó là thư của Văn phòng Tổng Bí thư, với ý kiến đồng chí Đỗ Mười hoan nghênh ý tưởng đề xuất của dự án đường ven biển và đã gửi tài liệu này cho Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc để xác định về mặt chuyên môn, giá trị kinh tế. Tiếp theo là công văn của Văn phòng Chính phủ gửi bộ Giao thông Vận tải và nhóm thiết kế đường ven biển (Trần Ứng Thanh đại diện) để sau này bàn bạc đối chiếu kỹ thuật chuyên môn
Mấy ngày sau, Thanh điện thoại cho tôi với nội dung rằng công việc vừa làm chắc còn phải chờ đợi, chắc nhiều khó khăn, thời gian này anh nên xếp đặt công việc đến toà báo ít hơn, giờ giấc đi về, cả đường đi lối lại cũng nên thay đổi kẻo đề phòng xe cộ va quệt, tai nạn Lúc bấy tôi mới nhận ra những điều mệt mỏi đằng sau công việc đã làm
Gần bốn năm trôi qua, đường Hải Vân đang được thi công, bầu nhiệt huyết ngày ấy trong tôi đã dần nguội. Chợt nghĩ lại chuyện đó, tôi thầm tự hỏi:
Có thể nhóm kỹ sư và nhà khoa học của Trần Ứng Thanh ôm bầu nhiệt huyết bốc đồng phiến diện quá chăng?
Có thể mình quen xúc động với thơ nên mơ mộng quá chăng?
Có thể đường hầm là đúng?
Có lẽ nào bầu nhiệt huyết của nhóm kỹ sư và nhà khoa học của Trần Ứng Thanh, không đem lại một chút ý nghĩa gì cho cuộc sống mà họ mong dâng hiến hết mình bằng kiến thức, rèn luyện, lao động suốt cả cuộc đời mới có thể nhận ra việc thay thế đường ngầm bằng đường ven biển, với bao ưu điểm đã được dư luận đánh giá vừa rồi. Tôi càng thấm thêm lòng yêu đất nước non sông của mỗi con người dễ gì đã tìm được nơi thể hiện. Bởi cuộc đời đâu có mơ mộng như thơ.

Mời thư giãn với nhạc phẩm HUYỀN THOẠI
của Phan Mạnh Quiynhf, qua tiếng hát Phan Mạnh Quỳnh:
           
*.
CHỬ VĂN LONG
Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.       
Điện thoại: 035.881.82.63
Email: haicv08@gmail.com       





   ...................................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 11.03.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.

0 comments:

Đăng nhận xét