NGUỒN MỸ CẢM - Tác giả: Thái Quốc Mưu (Hoa Kỳ)

Leave a Comment

NGUỒN MỸ CẢM
*
(Tác giả Thái Quốc Mưu)
Tôi tổng kết với mục đích tri ân tất cả quý vị: Linh mục, Giáo sư, Giảng viên, Tiến sĩ, Học giả, Nhà Bình luận, Văn thi sĩ, Nhạc sĩ, Họa sĩ cùng quý độc giả trong, ngoài Hoa Kỳ đã ưu ái phê bình, cảm nhận về những tác phẩm văn học của tôi.
Kính quý
Thái Quốc Mưu
*
1. BÀI BÌNH CỦA NHÀ VĂN, NHÀ BÁO PHƯƠNG HOA SỬ, VIẾT VỀ TẬP VĂN THƠ Gió Quyện Hương Đồng CỦA THÁI QUỐC MƯU ĐĂNG TRÊN TỜ TRỐNG ĐỒNG, CALIFORNIA. Trích:
“... Giữa cái văn chương tiếng Việt ở hải ngoại đang lúc về chiều và tác phẩm văn chương coi có mòi ế ẩm; tình người mỗi lúc một nhạt và gần như chờ tắt hẳn; thì tác phẩm văn xuôi của Nhà văn Thái Quốc Mưu qua Gió Quyện Hương Đồng, như một cơn mưa mát, rơi xuống cánh đồng vốn từ lâu khô cằn.
Văn của ông chuyên chở nhiều đề tài từ tình cảm quê hương, chuyện tình nam nữ ở đồng quê, và đặc biệt về tình người…”

2. NHẬN ĐỊNH CỦA TẠP CHÍ THẾ KỶ SỐ 12, THÁNG 8 NĂM 1998, CALIFORNIA -  VIẾT VỀ TẬP VĂN THƠ Gió Quyện Hương Đồng CỦA THÁI QUỐ MƯU. Trích:
“... Nhìn tên sách Gió Quyện Hương Đồng, người ta dễ có cảm tưởng đây là cuốn sách viết về “miệt vườn”, tức thôn quê vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cảm tưởng ấy đúng, vì hai phần ba số truyện - và có lẽ là phần hay nhất, có bối cảnh nông thôn miền Nam. Tác giả sinh trưởng ở Kiến Hòa, chịu ảnh hưởng sâu đậm của nếp sống và tinh thần của người dân quê, nhất là quan niệm về đạo đức, tính nghĩa khí của những tâm hồn bình dị, dân dã.
Trong truyện, ông luôn đề cao những đức tính ấy: “Họ hiếu khách, thật thà, bất cứ lúc nào cũng có cái gì tiềm ẩn trong họ như một bản sắc anh hùng!”
Những truyện về nông thôn của ông đọc hấp dẫn và cảm động, vì ông hiểu biết nhiều về vùng đất nầy, tình cảm ông tha thiết và nhất là văn của ông hợp với những cái bình dị, chân chất.
Truyện rất nhiều sự kiện và chính những sự kiện diễn tả tình cảm, phẩm chất của đời sống nông thôn chứ không phải các đoạn tả tình, tả cảnh. Điều đó, chứng tỏ tác giả là một người giàu óc quan sát, ghi nhận và nhất là từng trải.
Nhìn chung, đây là cuốn sách hay, đọc rất lôi cuốn, đúng như lời giáo sư Tiến sĩ Lê Bá Kông: “... đọc tác phẩm của bạn Thái Quốc Mưu, nó đã lôi cuốn tôi một mạch ba đêm liền...”

3. NHẬN ĐỊNH CỦA TUẦN BÁO SÀIGÒN NHỎ, SỐ 213, NGÀY 5/6/98, CALIFORNIA – VIẾT VỀ TẬP VĂN THƠ Gió Quyện Hương Đồng CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“... Qua những truyện ngắn trong tập truyện nầy, người đọc thấy Thái Quốc Mưu là người viết về những vẻ đẹp nên thơ chốn quê nhà bằng ngòi bút chân thực, mộc mạc đầy quyến rũ...”

4. NHẬN ĐỊNH CỦA NHÀ THƠ LÊ BÁ NĂNG, ORLANDO, FLORIDA - VIẾT VỀ TẬP VĂN & THƠ Gió Quyện Hương Đồng CỦA TÁC GIẢ THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“... Gió Quyện Hương Đồng chuyện nào cũng xuất sắc cả. Lối tả cảnh đồng quê của anh, bút pháp vững vàng như nhà chuyên viết chuyện đồng quê Bảo Trân vậy.
Nếu tôi là họa sĩ, đọc hết những truyện ngắn nầy, ngồi nơi thôn quê vẽ được bức tranh đầy ấp:
“…Tình người, Tình nước hòa chan tình đời.
Rượu nồng mấy cốc đầy vơi,
Thấm từng thớ thịt nổi trôi lạc lòai.
Đắng cay thay! Một kiếp người!
Xót chua thay! Những cuộc đời lưu vong!”
(Thơ Thái Quốc Mưu)

5. NHẬN ĐỊNH CỦA NHÀ VĂN, NHÀ BÁO SONG NHỊ, SAN JOSE CALIFORNIA - VIẾT VỀ TẬP VĂN THƠ Gió Quyện Hương Đồng CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“... Tôi được xem trong Gió Quyện Hương Đồng. Quả là một tấm lòng rất lớn đối với quê hương đất nước và chí hướng của Kẻ Sĩ...”

6. CẢM TƯỞNG CỦA VĂN THI SĨ THỪA PHONG, ORLANDO, FLORIDA - VIẾT VỀ TẬP VĂN & THƠ Gió Quyện Hương Đồng CỦA TÁC GIẢ THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“... Cho tôi thưởng thức hương vị tác phẩm của ông, tôi gặp lại cảnh tình quen thuộc của đất nước miền Nam, những tình cảm chất phát, hiền lành qua lời nói, câu chuyện bình dị...”

7. NHẬN ĐỊNH CỦA NHÀ THƠ LÊ NGUYỄN, ALABAMA – VIẾT VỀ TẬP VĂN THƠ  Gió Quyện Hương Đồng CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“...Tôi phát biểu, quý giá là ở tâm hồn người viết, một con dân dành cho quê hương xa cách nghìn trùng...” Trích:

8. CẢM TƯỞNG CỦA NỮ SĨ ĐINH VIỆT LIÊN – MỘT TRONG NHỮNG NGƯỜI SÁNG LẬP THI ĐÀN QUỲNH DAO TRƯỚC 4/75, SÀIGON. BÀ ĐỊNH CƯ TẠI SAN JOSE, CALIFORNIA - VIẾT VỀ TẬP VĂN THƠ  Gió Quyện Hương Đồng CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“... Nhân lúc thư nhàn mở cuốn Gió Quyện Hương Đồng ra, xem được mấy bài thơ mà tỉnh người ra, không dè nho học ông Mưu lại rành rẽ như vậy. Những lúc mạn đàm ông nghe nhiều hơn nói, vẻ khiêm tốn hiền hòa... Bút pháp Văn, Thi sĩ Thái Quốc Mưu trong Gió Quyện Hương Đồng thật sống động, truyền cảm, nhiều đoạn khiến tôi phải ngừng đọc để suy ngẫm. Những truyện ngắn như: “Người Bạn Vong Niên, Một Chuyến Về Quê, Hương Đồng...” dẫn dắt người đọc về cảnh thanh bình miền đồng bằng Nam Bộ, hồi tưởng đến vẻ chất phác niềm nở của người miền quê đôn hậu, tha thiết, chân tình và giữ được thuần phong mỹ tục.
Niêm luật thơ Đường của Thi sĩ Thái Quốc Mưu rất vững vàng, ý thơ sâu sắc. Bài “Vịnh Cái Trống” thật tài tình! Tả đúng cái trống, song chứa đựng lời châm biếm hóm hỉnh.
Bài “Tình Đời
“... Thế sự đặt bày cơn tụ tán,
Tình đời nồng nhạt nhắn đầy vơi...”
Tỏ ra tác giả cũng thấm vị chua cay trên đường đời. Tôi cảm thấy bùi ngùi khi đọc hai câu:
“... Đường tình nửa bước cười tê tái,
Thơ phú đôi dòng ngậm xót xa!...”
Nhà thơ xót xa với tâm sự của kẻ tha hương, đã thốt ra những câu bi đát trong bài “Say!”:
“... Rót đi cho cốc rượu tràn,
Tình người tình nước hòa chan tình người…”

9. CẢM TƯỞNG CỦA BÀ ĐAN PHƯƠNG, ALABAMA - VIẾT VỀ TẬP VĂN THƠ  Gió Quyện Hương Đồng CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“... Đọc Gió Quyện Hương Đồng của ông làm tôi nhớ nhà quá! Sách của ông lời văn giản dị, nhẹ nhàng,... nhiều đoạn tôi vừa đọc vừa khóc đó ông Thái Quốc Mưu ơi! Tôi chưa có dịp về quê lần nào, nhưng đọc sách ông có lẽ sang năm tôi về. Tôi nhớ những đêm trăng giả gạo, những mùa gặt lúa, bơi xuồng và nhiều thứ nữa, nhưng tôi biết phải viết làm sao..!”

10. CẢM TƯỞNG CỦA ÔNG DƯƠNG NGUYỄN, VANCOUVER, WASHINGTON STATE - VIẾT VỀ TẬP VĂN THƠ  Gió Quyện Hương Đồng CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“... Tôi đọc truyện Lấy Vợ Vùng Quê của anh đăng trên Thời Báo Cali, tôi rất thích những mẫu chuyện ở quê ta, cũng là dịp để nhớ lại nhiều kỷ niệm của dĩ vãng. Lối hành văn của anh nhẹ nhàng, thật hấp dẫn, chẳng hề dùng những danh từ sáo ngữ, nên lôi cuốn người đọc không ít. Cũng trong Thời Báo, tôi được biết anh đã viết 14 truyện ngắn trong quyển Gió Quyện Hương Đồng, tôi đi tìm mấy tiệm sách ở Porlansd, Oregon, ở Vancouver và Seattle đều chẳng còn...”

11. CẢM TƯỞNG CỦA DANH HỌA VŨ ĐỨC THANH, ORLANDO, FLORIDA - VIẾT VỀ TRUYỆN DÀI Phía Sau Cuộc Đời CỦA THÁI QUỐ MƯU. Trích:
“... Đọc Phía Sau Cuộc Đời, “sự êm đềm của những khi gió lặng trời yên là để chuẩn bị đợi chờ những cơn phẫn nộ của phong ba bão táp”. Thật là chí lý. Trong sách anh có phần triết lý trong cuộc sống tạm bợ nầy.”
Cuộc tình “trăng gió” của ông Phong và bà Bích Hoa rất linh động, anh đã diễn tả và lột xác cái thật của chăn gối hay gần hơn nữa, người được đọc cũng cảm nhận nồng độ “bốc khói” trong mưa móc ấy.
Cám ơn anh đã cho độc giả những nhịp tim đập mạnh trong cuộc tình gió thoảng...”

12. CẢM TƯỞNG CỦA NHÀ VĂN DIỆU TẦN, GIẢNG SƯ VIỆN NGÔN NGỮ HỌC, BỘ QUỐC PHÒNG HOA KỲ, MONTEREY, CALIFORNIA - VIẾT VỀ TRUYỆN DÀI Phía Sau Cuộc Đời CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“... Anh viết “Phía Sau Cuộc Đời”, rất thật và rất mạnh. Dám nói lên những điều người khác muốn mà không dám nói...”

13. CẢM TƯỞNG CỦA NHÀ THƠ MINH VIÊN, SAN FRANCISCO, CALIFORNIA - VIẾT VỀ TRUYỆN DÀI Phía Sau Cuộc Đời CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“... Tôi rất thích tâm lý, tình cảm của các nhân vật trong “PHÍA SAU CUỘC ĐỜI”

14. NHÀ BÌNH LUẬN CHÂU THẠCH ĐÃ BÌNH LUẬN 18 BÀI THƠ CỦA THÁI QUỐC MƯU:
Trích: Đời, Bãi Biển Chiều Buông, Cội Nguồn, Sân Tennis Cũ, Tìm Nhàn, Lên Trời, Lão Điên Chầu Trời, Viếng Trời, Du Địa Phủ, Viếng Cõi Âm, Niềm Mơ Ước Vĩ Đại Của Tôi, Cõi Âm Ty, Nói Với Diêm Chúa, Cái Trống, Chạnh Lòng, Nỗi Buồn Xa Xứ, Về Chốn Xưa, Biển Sóng và Ta, Cây Sào.

15. CẢM TƯỞNG CỦA NHÀ VĂN SƠN TÙNG, FALLS CHURCH, VIRGINIA VIẾT VỀ TẬP VĂN THƠ Gió Quyện Hương Đồng. Trích:
“... Tôi rất mừng và khâm phục khi được biết thêm về những hoạt động khác của anh cho văn học hải ngoại...”

16. CHIA SẺ CỦA NHÀ VĂN LÃ MỘNG THƯỜNG (tức LINH MỤC TRẦN ĐOÀN - VỀ TRUYỆN DÀI Phía Sau Cuộc Đời CỦA THÁI QUỐC MƯU (qua phone).
“... Đề tài Phía Sau Cuộc Đời cần nói lên cuộc chiến khốc liệt nội tâm thì quá nhẹ. Nếu xét về văn chương, ông đã bỏ quên tính chất đặc thù của ông: Trào phúng, tự nhiên nhưng cay đắng…”
… Ra một cuốn sách không tránh khỏi người đồng ý kẻ không. Nhưng ông nên nhớ điều nầy... Ờ ờ, sao tự nhiên tôi quên... À, ông hãy nhớ câu nầy: “Muốn trở thành văn hào thì một trăm năm sau cũng còn người thù oán... Bởi vì, người viết dám lôi tuột phèo phổi của con người mọi thời đại mà nói ra, cho nên một trăm, một ngàn năm sau người đọc vẫn thấy như là tác giả viết về họ.” Vì vậy, ông không ngại gì cả.
Hồi trước, tôi viết cuốn... tôi hơi lo... Nhưng bây giờ chẳng lo lắng sợ hãi gì cả. Tôi thấy điều gì sai, không đúng, tôi viết...
- Thưa cha, đa số những kẻ chống cuốn sách là “những người muốn giữ “đạo đức!”
- “... Thế nào ông cho là đạo đức? Chính những kẻ trong đời sống không biểu hiện một lỗi lầm nào mới chính là những tên chúa điếm. Bởi vì họ khéo léo che đậy những việc làm xấu xa của họ nên không ai biết. Còn những người ông thấy có lỗi lầm mới chính là kẻ thật thà, ngay thật bởi vì họ không dùng thủ đoạn để che giấu lỗi lầm của mình...”
“... Nầy, tôi thấy ông viết biên khảo rất tốt, ông theo hướng nầy sẽ thành công. Tôi viết về nó thì nhớ đâu viết đó, ông chịu khó hơn tôi. Tôi chú trọng về tâm linh hơn. Tôi đọc rất nhiều sách của các tôn giáo khác như Trang Tử, Lão Tử, Phật Giáo,
Hồi Giáo,... sách gì tôi cũng đọc. Đọc để có chất liệu mà viết. Thôi nhá! Chúc mừng năm mới ông.”
- “Con chân thành cám ơn Cha!”

17. CẢM NHẬN CỦA NHÀ BÌNH LUẬN, NHÀ THƠ CHÂU THẠCH - VIẾT VỀ “Tiểu luận phê bình văn học viết về Nhà văn, Nhà thơ Thái Quốc Mưư” của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang. Trích:
“… Rất hân hạnh cho tôi là một trong những người mà có lẽ được đọc sớm quyển sách viết về ông sau khi vừa xuất bản. Đó là cuốn “Tiểu luận phê bình văn học viết về Nhà văn, Nhà thơ Thái Quốc Mưư”. Sách in ở Việt Nam và bán trên Cty. Amazon, USA. Tác giả là Nhà văn, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Quang. Trong đó, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Viết:
- Văn, thơ Thái Quốc Mưu đề cao một nền luân lý Việt Nam.
- Dĩ Văn Tải Đạo đất nước, Đạo người, thủy chung như nhất.
- Đi sâu vào lòng xã hội, tìm kiếm sự kiện, phát hiện những hiện tượng bằng bút pháp sinh động, mạch lạc, súc tích.
- Thơ đối với tác giả Thái Quốc Mưu như một tấm gương soi rọi bộ mặt cuộc đời và hoài vọng cố hương.
- Tâm thức thơ của Thái Quốc Mưu lãng mạn, tình tứ, bạo tợn, tung hoành bay lượn qua khắp các lãnh vực: đạo thiền, quê hương, đất nước, đời mình, đời thường, mùa xuân, quê người... v.v...
- Thơ Thái Quốc Mưu vừa bay bổng, vừa cúi xuống nhìn nhân thế, nhìn thực tại, tiềm ẩn nhiều sâu nhiệm trong ấy với mục đích xây dựng xã hội và con người.
- Thơ của Thái Quốc Mưu hay cả về cấu tứ, âm điệu lẫn nghệ thuật đối nhau trong Đường thi.
- Thơ Thái Quốc Mưu viết bình dị mà ý tưởng thật cao siêu, vượt trên chữ nghĩa của con người...”

18. CẢM TƯỞNG CỦA NHÀ THƠ, GIÁO SƯ NGUYÊN VĂN TÀI, CANADA -VIẾT VỀ TRUYỆN DÀI Phía Sau Cuộc Đời CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“... Thú thật, đây là quyển truyện vô cùng hấp dẫn... Tác giả đưa ra hai nhân vật nữ góa chồng và cả hai đều có tình nhân (boyfriend), những hình ảnh nầy vô cùng sống thực của xã hội hiện tại. Do đó, truyện chắc chắn sẽ được nhiều độc giả chiếu cố. Tôi tin rằng quyển “Phía Sau Cuộc Đời” sẽ được tái bản nhiều lần...”

19. CẢM TƯỞNG CỦA Linh mục NGUYỄN HỮU QUANG, AUSTRALIA - VIẾT VỀ TRUYỆN DÀI Phía Sau Cuộc Đời CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“Ông viết Phía Sau Cuộc Đời rất bạo, rất trung thực, tôi nghĩ giáo hội Công Giáo rất cần những người dám nói thẳng và nói thật như ông…”

20. CẢM TƯỞNG CỦA NHÀ THƠ VINH HỒ, FLORIDA – VIẾT VỀ TRUYỆN DÀI Phía Sau Cuộc Đời CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“... Phía Sau Cuộc Đời gây ấn tượng như câu thơ của thi sĩ Du Tử Lê, “Chỉ như mặt khác tấm gương soi”. Tôi nghĩ nhà văn cần phải trình bày cái mặt khác, cái mặt trái như của “Phía Sau Cuộc Đời...”

21. CẢM TƯỞNG CỦA VĂN THI SĨ CHU SA LAN, ALABAMA - VIẾT VỀ TRUYỆN DÀI Phía Sau Cuộc Đời CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“... Truyện rất hay và hấp dẫn, tuy có vài sơ suất nhỏ nhặt về chánh tả không đáng nói. Nhưng phải nhận bố cục vững, hành văn trôi chảy. Tựu trung đây là cuốn sách nên đọc và đáng đọc. Hy vọng sẽ đọc tiếp truyện khác của anh trong tương lai gần đây...”

22. CẢM TƯỞNG CỦA NHÀ VĂN NHỊ HÀ, NEW ORLEANS, LOUISIANA - VIẾT VỀ TRUYỆN DÀI Phía Sau Cuộc Đời CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“... Tôi xin tóm gọn, Phía Sau Cuộc Đời trong hai chữ “Thẳng và Thật”, trong đó có sự đấu tranh quyết liệt trong nội tâm giữa cái thánh thiện và sự cám dỗ, sự khác biệt về nếp suy nghĩ giữa lớp già và lớp trẻ, sự khao khát vươn tới Chân - Thiện - Mỹ để xã hội ngày càng lành mạnh hơn, bớt đi những phần tử bát nháo, bôi nhọ...”

23. NHẬN ĐỊNH CỦA NHÀ THƠ LÃO THÀNH HÀ THƯỢNG NHÂN, CALIFORNIA. VIẾT VỀ THI TẬP Thơ Đừơng CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“… Một lần ngồi bàn chuyện với các vị trưởng thượng về thi ca, trong đó có cụ Trần Văn Hương, lúc ấy đang làm Thủ Tướng, tôi có nói: “Tôi không thích thơ luật Đường.” Cụ Hương giơ hai tay kêu lên: “Thật à? Điều ấy làm tôi ngạc nhiên quá!”
Thơ Đường của Quách Tấn là thơ mới, rất mới!
Vậy thì, thơ nào cũng có giá trị của nó. Miễn là nó hay, miễn là người thơ sử dụng nó một cách thoải mái.
Tôi nghĩ, Thái Quốc Mưu đã sử dụng luật thi một cách thoải mái. Thơ Đường của anh hay, đạt!
Thơ Luật Đường của Thái Quốc Mưu rất tề chỉnh, vần luật tề chỉnh, đối ngẫu tề chỉnh.
Ở nước ngoài còn được đọc những tập thơ như thơ như Thơ Luật Đường của Thái Quốc Mưu kể ra rất hiếm, đó là điều rất an ủi.
Tôi mong anh sẽ thành công. 68 là tuổi còn rất trẻ ở thời đại bây giờ”.

24. LỜI NHẬN XÉT CỦA VĂN THI SĨ HÀ BỈNH TRUNG CHIA SẺ VẾ THI TẬP Thơ Đường CỦA THÁI QUỐC MƯU (qua đàm thoại trực tiếp). Trích:
“… Năm 1972, trước Quốc Khánh Việt Nam Cộng Hòa một ngày, tôi tình cờ gặp Văn Thi Sĩ Hà Bỉnh Trung trong khung viên Phủ Tổng Ủy Công Vụ. Khi ấy, ông mang quân hàm Thiếu Tá, giữ chức vụ  Sĩ Quan Liên Lạc Báo Chí Phủ Tổng Thống. Còn tôi, lúc đó, Chủ Sự Phòng Nhân Viên Chánh Ngạch ở Tòa Hành Chánh Long Khánh. Hôm ấy, tôi đưa những viên chức xuất sắc trong Tỉnh về Sàigòn dự Lễ Quốc Khánh. Lần thứ hai, tôi gặp lại ông trong kỳ Đại Hội Văn Học & Truyền Thông Báo Chí Việt Nam Hải Ngoại ở Florida. Đặc biệt, khi tôi đến chào, ông nói, vẫn giọng nhỏ nhẹ:
- “Anh là Mưu phải không? Khi nãy nghe giọng nói của anh tôi ngờ ngợ”. Trí nhớ của ông ít ai có được.
Trong khi mạn đàm, tôi tâm sự với ông, “Em làm thơ gần năm mươi năm - khoảng cách từ năm 1972 đến thời gian Đại Hội - mà thơ vẫn chưa đạt như mong ước!”
Ông nói: “Tôi thấy Thơ Đường của anh hay lắm chứ!” Xong, ông nhỏ nhẹ tiếp:
“Người nào muốn làm thơ, viết văn hay, thì sau khi viết xong, đem cất vào tủ, tuần sau lấy ra đọc lại, sửa, rồi đem cất,... làm như vậy ba, bốn lần thì văn, thơ sẽ hay.”
Ông có lý, nhưng tôi, và có lẽ ít ai làm được như lời ông khuyên!”.

25. NHẬN ĐỊNH CỦA BÁO NGÀY NAY, MINNESOTA - VIẾT VỀ TRUYỆN DÀI Phía Sau Cuộc Đời CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“... Cốt truyện sáng sủa, mạch lạc đã kéo người đọc không thể ngừng đoạn. Chúng tôi hy vọng Phía Sau Cuộc Đời sẽ được đón nhận nồng nhiệt tại các cộng đồng Việt ở hải ngoại khắp nơi trên thế giới...”

26. CẢM TƯỞNG CỦA NHÀ VĂN GIÁO SƯ NGUYỄN VĂN TÍN (bào đệ Tướng Nguyễn Văn Hiếu QL/VNCH), NEW YORK - VIẾT VỀ TRUYỆN DÀI Phía Sau Cuộc Đời CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“... Đối với giáo hội, tu - nhất là đối với linh mục là một thiên chức, chứ không phải một nghề, nó không gắn liền với tài năng và công lao, mà là một ơn gọi. Linh mục sa ngã thì giáo hội phải nâng đỡ trợ lực, chứ không phải cứ sa thải. Linh mục phạm tội đức tin thì bị lên án gắt gao, còn phạm lỗi đức nghèo khó hay vâng lời thì được bỏ qua rất dễ dàng. Nếu chồng hay vợ yếu đuối sa ngã thì có nên ruồng bỏ hay không? Hay là cần phải thương cảm để cứu vãn tình thế?”
Khi được lời phê bình trên đây, tôi, tác giả tập truyện Phía Sau Cuộc Đời – chia sẻ qua phone với Giáo sư, Nhà văn Nguyễn Văn Tín, như sau: “Anh cho rằng linh mục là một thiên chức, chứ không phải một nghề, nó không gắn liền với tài năng và công lao, mà là một ơn gọi”. Cá nhân tôi nghĩ không có Thiên chức, không có ơn kêu gọi chi cả. Đó là những lời họ bịa đặt để tự nâng mình lên. Nếu linh mục được ơn kêu gọi (có nghĩa là Thiên Chúa, gọi). Thế thì, chẳng lẽ Chúa GỌI cả những kể bất nhân, gian dâm, thâm lạm ngân quỷ của Giáo hội… Những kẻ như thế làm linh mục chỉ kiếm danh, kiếm tiền và phá banh Giáo Hội?
Tôi hoàn toàn không tán đồng quan điểm của anh và nếu đem ví dụ vợ hoặc chồng sa ngã ra mà so sánh với người tu sĩ thì không đúng. Bởi vì, vợ hoặc chồng sa ngã chỉ ảnh hưởng cho một thiểu số (vợ chồng, con cháu). Còn những Linh Mục làm bậy thì gây ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội và đến cả tập thể Giáo Hội. Nếu nói như anh, thì Chúa Gọi Sai Hay Sao?
Vả lại, tu sĩ cũng cần có tài năng và công lao của họ cũng được tính tới. Cụ thể, là trong hàng giáo phẩm, những ông tu sĩ có tài năng, làm việc tốt mới được phong hàm cao hơn... Xin anh ĐỪNG NGHĨ tôi là “kể ngoại đạo” viết với ý đổ bôi bác Công Giáo. Tôi cũng là con dân Chúa, thưa anh! Nhưng tôi không phải là kẻ cuồng tín, như kẻ khác, thứ gì họ cũng nói: “Cha nói nó”. Cha mới giảng đó”. Khi nghe họ nói như thế, tôi hỏi lại ngay: “Bộ thứ nào Cha nói cũng đúng sao?” Tôi không xem Linh Mục là Thượng Đế. Tôi tôn trọng họ chỉ vì họ là tu sĩ. Là tu sĩ, nhưng họ thiếu nhân cách tôi tỏ thái độ khinh bỉ ngay.

27. BÌNH LUẬN CỦA NHÀ VĂN DIÊN NGHỊ SAN JOSÉ CALIFORNIA – VIẾT VỀ TẬP “Tản Mạn – Chuyện Vặt Đời Thường” CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
Mười lăm truyện trong toàn tập TẢN MẠN thể hiện cái nhìn tinh tế, quan sát sâu các sự kiện, cảm xúc nồng nàn của người cầm bút.
Hầu hết thuộc thể ký, miêu tả thực, sinh động, những cái dở cạnh vài cái hay -  Những chướng tai gai mắt đan quyện những mừng vui và hy vọng vươn tới. Nhiều trang viết giàu hình tượng, đúng tâm lý thường tại của con người bên nầy hoặc bên kia, và tự hỏi tại sao con người lạnh lùng, thiếu vắng nụ cười, thản, hoặc có nụ cười thì phía sau ẩn giấu những rỗng, gượng!
Truyện cô đọng, súc tích, văn mạch khơi gợi, dễ nghe, dễ  nhớ. Chuyện ít nhiều liên quan tác giả không thể không nhắc lại - thể hiện thiên chức người cầm bút chân chính bằng thái độ dấn thân, dám nói, dám viết, dám tranh luận... Không e sợ chỉ trích, dòm ngó, to nhỏ thị phi, chê bai, có nghĩa tác giả dám coi thường dư luận. Tâm đắc với Thái Quốc Mưu suy nghĩ và hành động đó.”

28. NHẬN ĐỊNH CỦA TẠP CHÍ VĂN HỌC, CALIFORNIA - VIẾT VỀ TRUYỆN DÀI Phía Sau Cuộc Đời CỦA THÁI QUỐC MƯU. BÀI ĐĂNG TRÊN WEB TỐNG PHƯỚC HIỆP, VĨNH LONG. Trích:
“... Tiểu thuyết phóng sự “Phía Sau Cuộc Đời” lấy khung cảnh là một cộng đồng người Việt, với nhiều phức tạp núp sau bề mặt nghiêm túc bình thường của nó. Hình như tác giả muốn, qua tiểu thuyết phóng sự nầy, gởi gắm một vài thông điệp quan trọng, hơn là ghi nhận những điều đang xảy ra trước mắt khi trang trọng ghi vài lời suy nghĩ nhỏ trước khi vào truyện: “Lịch sử là một quan tòa công chính, sẽ phán xét nghiêm khắc tất cả những sự việc xảy ra trong suốt cuộc hành trình nhân loại. Không một cá nhân, tổ chức, đoàn thể chính trị, tôn giáo, đảng phái, quốc gia nào thoát khỏi sự phán xét ấy.” Hoặc “Lẽ phải thuộc về chân lý, đó là nguyên lý bất di bất dịch”.

29. NHẬN ĐỊNH CỦA “THƠ VIỆT HẢI NGOẠI” - MỘT GÓC NHÌN TẢN MẠN CỦA HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THI ĐÀN LẠC VIỆT, CALIFORNIA 2001 - VIẾT VỀ TRUYỆN DÀI Phía Sau Cuộc Đời CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“... Nhà văn Trần Trung Thuần, một cây bút bình luận tài ba đã có lý khi xếp Thái Quốc Mưu vào hàng ngũ Vi Khuê, Trần Mộng Tú, Hà Huyền Chi... Với sự tán thưởng, phê bình của mấy chục nhà văn, nhà thơ lão thành, có danh và uy tín trên nhiều hình thức và báo chương, với khả năng đa dạng Thái Quốc Mưu hẳn sẽ có một chỗ đứng xứng đáng trong hàng ngũ những người làm văn học nghệ thuật Việt Nam ở trong, ngoài nước...”

30. BÌNH LUẬN CỦA VĂN THI SĨ HÀ TRUNG YÊN (NGUYỄN NGỌC CHÂU), ATLANTA, GEORGIA - VIẾT VỀ TẬP VĂN THƠ Gió Quyện Hương Đồng CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“… Văn và thơ của Thái Quốc Mưu nghiêng rất nhiều về phong tục, tập quán của người Việt trong quá khứ gần và hiện đại ở trong nước và nhiều nước ngoài bây giờ. Sự hồi tưởng từ bản thân phong phú hơn những ghi chép từ tha nhân.
Cũng có thể nói tác phẩm của anh biểu hiện rõ rệt và xuất sắc nhiều phương diện kể các ngõ ngách của tâm hồn. Đời sống của nhân vật do anh biểu hiện làm cho chúng ta ngạc nhiên không chỉ vì kiến thức bao quát, sự hướng nội bất ngờ mà còn dựng lên những mảnh đời trần trụi và trung thực, tự nhiên. Thậm chí còn gây úy kỵ cho những kẻ đạo đức giả. Đó là một khuynh hướng sáng tác có giá trị phẩm chất xã hội học….”

31. NHẬN ĐỊNH CỦA VĂN THI SĨ NGUYỆT LÃNG Ở BÌNH PHƯỚC, BÌNH LONG, VIỆT NAM - VIẾT VỀ TẬP VĂN THƠ Gió Quyện Hương Đồng và TRUYỆN DÀI Phía Sau Cuộc Đời CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“… Trong dòng chảy của văn học và giữa cái xô bồ của cuộc sống, Thái Quốc Mưu cứ như là một cánh bèo bình dị, mộc mạc, khiêm tốn nhưng không dễ bị nhấn chìm; dù giữa trường giang hay trong ao tù nước đọng vẫn cứ trôi và nở hoa, lặng lẽ góp phần vào bức tranh cuộc sống. Gió Quyện Hương Đồng là tác phẩm giàu nội tâm khi anh viết về vùng quê một mạc, yên bình. Còn Phía Sau Cuộc Đời là một truyện dài sôi động, trung thực, thẳng thắn… của anh. Ngòi bút của anh trên lãnh vực nào cũng giàu tính chất văn trong lãnh vực đó…:

32. CẢM NHẬN CỦA NHÀ VĂN TRÀM CÀ MAU, SAN JOSÉ CALIFORNIA – VIẾT VỀ Văn, Thơ THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“… Thái Quốc Mưu không chỉ là một Nhà văn, mà còn là một Nhà thơ đa tài, sáng tác nhuần nhuyễn nhiều thể loại thơ khác nhau. Từ thơ mới, thơ tự do, thơ Đường luật... Anh sáng tác thơ dễ dàng, tự nhiên, hồn thơ lai láng. Lời thơ không bay bướm, chẳng gấm hoa, độc giả có thể nắm bắt được dễ dàng cảm xúc của người làm thơ.
Văn thi sĩ Thái Quốc Mưu đã xuất bản rất nhiều tập thơ.
Văn của Thái Quốc Mưu, súc tích, tự nhiên, sáng sủa, chân chất, dí dỏm, không tả tình tả cảnh lê thê. Lối viết của anh hấp dẫn, vui, lôi kéo độc giả khi đã đọc, thì đọc cho đến cuối truyện mà không bỏ ngang vì chán.
Nhiều truyện ngắn của Thái Quốc Mưu đọc lại lần thứ ba vẫn còn thấy hấp dẫn, thích thú.
Tôi vẫn thường hỏi, không biết làm sao mà Thái Quốc Mưu có thể sáng tác được nhiều tác phẩm như thế. Đề tài của anh như không bao giờ cạn...”

33. BÌNH LUẬN CỦA VĂN THI SĨ TRẦN TRUNG THUẦN (GIÁO SƯ TRẦN VẤN LỆ), CALIFORNIA - NHẬN ĐỊNH, VIẾT VỀ Văn, Thơ THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“... Nhiều nhà văn chỉ viết văn thôi, như một nghiệp dĩ ràng buộc họ. Chúng ta thấy trường hợp nầy ở các nhà văn trước đây ở Việt Nam như Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương, Lê Xuyên, Trần Đức Lai, Phú Đức,... Trong thời hiện đại chưa ai thấy Nguyễn Ngọc Ngạn, Nguyễn Đức Lập, Dương Thu Hương,... làm thơ.
Những nhà văn, đại khái, kể tên trên, họ viết văn như  cái máy, chắc là viết văn đối với họ dễ  dàng lắm, còn thơ thì hoặc là đồ không đáng lý tới, hoặc là khó làm quá! Chúng ta hãy nghĩ rằng thơ khó làm để cho thơ có giá trị trong hai chữ Vô Giá mà người đời đã gán cho nó và cái nghèo khổ đeo đuổi không rời những kẻ làm thơ! Ngược lại, có nhiều người làm thơ có tiếng tăm... tự dưng chuyển sang đường viết văn như Vi Khuê, Hà Huyền Chi, Trần Mộng Tú, Thái Quốc Mưu... và họ thực sự nổi tiếng như người Đa Tài. Đời đã và đang dành cho họ nhiều tiếng khen nồng nhiệt, hy vọng họ còn nhiều tác phẩm hay hơn nữa tặng cho đời”.

34. NHẬN ĐỊNH CỦA VĂN THI SĨ DIỄM CHÂU tức HỌA SĨ CÁT SƠN CA, CALIFORNIA – VIẾT VỀ Văn, Thơ THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“… Tôi biết Nhà văn, Nhà thơ, Nha báo Thái Quốc Mưu là một cây bút sáng tác liên tục, bởi vì sau lần gặp gỡ đó, anh gởi tặng tôi cuốn truyện “Gió Quyện Hương Đồng” mà anh vừa mới ấn hành. Đó là tuyển tập thơ văn hấp dẫn... và qua bán nguyệt san Kiến Thức Phổ Thông Dân Việt trao đổi với tờ báo Phụ Nữ Thời Nay Hải Ngoại của tôi & ViVi, tôi biết thêm anh là một Nhà văn, Nhà thơ, Nhà báo hoạt động năng nổ, rất thành công trên lãnh vực văn chương chữ nghĩa, lẫn cả công việc.
Thái Quốc Mưu say mê làm việc hầu như liên tục, chẳng biết mỏi mệt khiến tôi rất phục.
Theo dõi về anh, lúc thì thấy anh ở chỗ nầy, khi thì sinh hoạt văn học ở thành phố kia... Gần đây nhất, tôi thấy nhà xuất bản Amazon ở Mỹ đã quảng cáo bán tác phẩm Tiểu Luận Phê Bình Văn Học - Viết Về Nhà Văn, Nhà Thơ Thái Quốc Mưu, do một Giáo sư, Nhà văn Tiến sĩ Nguyễn Quang ở trong nước viết về anh.
Trong cuộc đời sinh họat văn nghệ, tôi quen biết nhiều bạn văn thơ, nhưng có người chỉ sáng tác trong từng giai đoạn. Riêng Văn Thi Sĩ Thái Quốc Mưu là người nổi trội, thời gian đã làm cho tài nghệ của anh nổi bật với đời, và là người bạn văn tôi liên lạc thường xuyên”.

35. NHẬN ĐỊNH TRỰC TIẾP, CHIA SẺ Thơ Đường CỦA VĂN THI SĨ VINH HỒ ORLANDO, FLORIDA TRONG KỲ ĐẠI HỘI VĂN BÚT VIỆT NAM HẢI NGOẠI. Trích:
“… Khi xem phụ diễn văn nghệ xen kẽ trong các tiết mục, Nhà văn, Nhà Bình Luận Lê Nhật Thăng cảm hứng ghi 8 chữ theo hàng dọc từ trên xuống, để làm 8 chữ đầu câu cho bài thơ Đường luật: CHÀO, MỪNG, VĂN, BÚT, VIỆT, NAM, HẢI, NGOẠI đưa Thái Quốc Mưu và nói: “Anh có cảm hứng làm không?”
Ngồi chung bàn với Thái Quốc Mưu, tôi thấy có bên phải anh Nhà thơ Phan Long, Nhà thơ Trần Chung Vũ Văn Đễ, bên trái Nhà thơ Lê Nhật Thăng. Từ bàn bên kia tôi đến đứng sau lưng Thái Quốc Mưu. Anh cầm bút!
CẢM ĐỀ
CHÀO nhau vui sướng khó nên lời
MỪNG rộn hân hoan với mọi người
VĂN pháp khơi nguồn bao cuộc sống
BÚT hoa tỏa sắc khắp muôn nơi
VIỆT hà rực rỡ vầng dương tỏa
NAM quốc sáng ngời ánh nguyệt soi
HẢI động? Dẹp tan cơn sóng bủa!
NGOẠI tâm há chuyển được lòng trời.
Vài phút sau, bài thơ hoàn chỉnh. Thấy quá nhanh, tôi liền nói: “Tôi làm thơ Đường trên 40 năm, nhưng làm nhanh như anh thì chịu! Rất hiếm người làm thơ Đường nhanh như anh.”

36. NHẬN ĐỊNH CỦA NHÀ VĂN, NHÀ BÌNH LUẬN DIÊN NGHỊ SAN JOSE CALIFORNIA - VIẾT VỀ THI TẬP Như Giọt Sương Sa CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“… Thái Quốc Mưu, thế hệ làm thơ chịu nhiều thử  thách phế hưng thời đại, nghiệt ngã qua cuộc đổi đời, tái tạo cuộc đời, chạm mặt cơ duyên tròn đầy, vẫn không thể tách rời chân lý ngàn xưa, chẳng hề thay đổi!
Bọt bèo cái kiếp nhân sinh
Như cơn gió thoảng trước mành lướt qua!
Kiếp nhân sinh bèo bọt, mong manh - Kiếp ấy vốn hữu hạn, ngắn ngủi giữa vô biên, vô lượng thời gian!
Thái Quốc Mưu, như kẻ lữ hành qua bao nơi chốn lạ trở về, ngắm nhìn nơi chốn thân quen, cố quán, quê nhà là đẹp hơn đâu cả. Đẹp hơn, gắn bó hơn, bởi tình yêu gắn bó, bởi tình yêu xuất phát từ đó. Hình bóng người nữ xuất hiện, ánh lên hồng phúc, do bàn tay Chúa và duyên khởi giữa đời:
Tạ ơn Chúa - Cảm ơn đời,
Cảm ơn em đến cho trời thêm Xuân!
Hấp lực của tối thể bất ngờ chuyển hóa nhà thơ chối bỏ cái danh vọng phù phiếm, thay vào đó nỗi si mê sắc đẹp nữ giới và đã phải thú nhận:
Chẳng thèm cái bả hư danh
Ta đam mê những tấm thân diễm kiều”

37. NHẬN ĐỊNH CỦA DANH HỌA QUỐC TẾ VŨ HỐI (Giải Khôi Nguyên Quốc Tế) - NÓI VỀ TẬP VĂN THƠ Gió Quyện Hương Đồng CỦA THÁI QUỐC MƯU (Qua phone) Trích:
“... Vừa đọc xong gọi chú liền đây, nói tóm tắt nhé! Tập truyện Gió Quyện Hương Đồng viết hay quá! Càng đọc càng thích thú!...”
Năm 1999, tôi tặng ông tập truyện Phía Sau Cuộc Đời, ông viết gởi tôi:
“... Tôi đọc một mạch, rất thích thú. Cũng trong niềm cảm hứng đó, tôi viết thư họa tặng chú “Dĩ Văn Tải Đạo!” Thật là đúng trong văn của chú tải Đạo Nước, Đạo Người, thủy chung như nhất...”

38. NHÀ VĂN LÃ MỘNG THƯỜNG (LINH MỤC TRẦN ĐOÀN), D’IBERVILLE, MS 39532 – VIẾT ĐỐI DIỆN NỖI LÒNG… VỀ TẬP VĂN THƠ Gió Quyện Hương Đồng CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“... Tôi khoái nhất lời tự tình hàm chứa sự bào chữa lại mang đầy tính chất người nơi truyện ngắn Tình Già của Thái Quốc Mưu, “Như mọi sự, sức chịu đựng trong lòng tôi cũng có giới hạn. Một hôm lòng khát khao trong tôi phát hiện ra chỗ nhược điểm trong biên giới đó, nó len lỏi ra ngoài và chẳng đặng đừng, nên tôi đăng báo tìm bạn bốn phương với hy vọng tìm được một người bạn già cùng cảnh ngộ để sớm hôm tâm sự cho đỡ buồn”...”

39. CẢM NHẬN, VIẾT VỀ TẬP VĂN THƠ Gió Quyện Hương Đồng CỦA NHÀ VĂN LÊ TRƯỜNG GIANG (tức Nhà giáo Lê Vũ Cứ). Trích:
“... Tình yêu của Thái Quốc Mưu là tình những con ngươ bình dị, chơn chất. Họ thương nhau như bà con ruột thịt. Họ yêu mảnh đất quê hương như chính bản thân mình. Tình đất tình người trong Gió Quyện Hương Đồng ràng quyện nhau không hề lơi lỏng. Đi đâu cũng tìm về. Ở đâu cũng hướng về. Nhân vật của Thái Quốc Mưu bất luận hoàn cảnh nào cũng dào dạt sức sống, yêu đời, vươn lên tốt tươi trong lòng đất Mẹ, như cỏ cây vùng đồng bằng sông Cửu Long bám chặt vùng đất phì nhiêu màu mỡ đơm hoa, kết trái.
Đời sống họ không sung túc lắm, nhưng tâm hồn họ thanh thản, phong phú, mang hơi hướng của Lão, Phật, Nho giáo. Tình họ là thứ tình “phù sa” bao dung, hào phóng chỉ biết ban phát mà không hề đòi nhận lại...
... Tình người trong Gió Quyện Hương Đồng là vậy đó và phẩm chất đạo đức của con người cũng được Thái Quốc Mưu thể hiện khá minh bạch”.

40: CẢM NHẬN CỦA NHÀ VĂN, GIÁO SƯ VƯƠNG THIỆN, HOUSTON, TEXAS – VIẾT VỀ TẬP VĂN THƠ Gió Quyện Hương Đồng CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“... Anh viết về đồng quê, về sinh hoạt, nếp sống, tình gia đình, chòm xóm đã nói lên tấm lòng tha thiết yêu quê hương của anh...
Lối viết của anh thật giản dị, tượng hình, ai đọc cũng hiểu như thấy chính cảnh đang xảy ra trước mắt. Ở hải ngoại có nhiều nhà văn trước năm 1975 và những nhà văn sau khi qua Mỹ mới viết, nhưng trưởng thành ở miền Nam rất ít người viết về đồng quê tha thiết như anh...”

41. NHẬN ĐỊNH CỦA NHÀ VĂN PHẠM PHONG DINH, WINNIPERG, CANADA - VIẾT VỀ TẬP VĂN & THƠ Gió Quyện Hương Đồng CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“... Đọc cuốn Gió Quyện Hương Đồng, như cái tên sách, là man mác cả một khoảng trời miền quê Việt Nam và một chuỗi dĩ vãng đã quá xa ùn ùn kéo về làm người đọc bồi hồi liên tưởng và so sánh cuộc đời của những nhân vật trong truyện với cuộc đời của chính mình.
Đọc sách anh người đọc khó thể buông sách xuống. Vì nội dung diễn biến liên tục của cuốn sách đã đành, mà còn kỹ thuật dụng văn độc đáo chan chứa tình người, tình yêu, những nét hài nhẹ nhàng, những đoạn diễn tả những mối tình quê rất thật và rất trữ tình.
Tất cả những yếu tố đã đóng góp những nét đặc sắc riêng cho quyển sách, tạo cho sách có một giá trị riêng biệt...”

42. NHẬN ĐỊNH CỦA GIÁO SƯ HOÀNG HẠC VŨ NHƯ SƠN, CHỦ NHIỆM / CHỦ BÚT NGUYỆT SAN NGỌC LÂN MANAZINE, NEW ORLEANS, SỐ 75 ngày 01-12-1999 - VIẾT VỀ TRUYỆN DÀI Phía Sau Cuộc Đời CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“... Phía Sau Cuộc Đời, với văn phong vững chãi, tình tiết thật phũ phàng, đề cập đến những vị lãnh đạo tinh thần với đạo đức không vững vàng và ông nhắm đánh thẳng vào những vị “vô tình” ấy.
Thái Quốc Mưu đã mạnh dạn ghi lại những điều “VIẾT” chẳng phải “LÁCH” vì anh quan niệm: “Lịch sử là một quan tòa công chính, sẽ phán xét nghiêm khắc tất cả những sự việc xảy ra trong suốt cuộc hành trình nhân loại. Không một cá nhân, đoàn thể chính trị, tôn giáo, đảng phái, quốc gia nào thoát khỏi sự phán xét ấy.” Hay “Lẽ phải thuộc về chân lý đó là nguyên lý bất di bất dịch” Cám ơn anh đã viết cuốn sách đầy “giông tố” nầy...”

43. CẢM NHẬN CỦA NHÀ VĂN TRƯƠNG DƯỠNG, FLORIDA - VIẾT VỀ TRUYỆN DÀI Phía Sau Cuộc Đời CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“... Phía Sau Cuộc Đời, một phóng sự tiểu thuyết đọc hấp dẫn từ trang đầu đến trang cuối. Với giọng văn nhẹ nhàng, không cầu kỳ, người đọc thích từng câu nói của các nhân vật trong truyện... vì câu chuyện giống như có thực ngoài đời...”

44. TỜ VIỆT NAM THỜI BÁO SỐ 2680, THỨ BẢY & CHỦ NHẬT 18, 19-12-1999. TRONG MỤC ĐIỂM SÁCH, NHÀ VĂN DIÊN NGHỊ VIẾT VỀ TRUYỆN DÀI Phía Sau Cuộc Đời CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“… Sự tôn trọng con người không phải chỉ vì tuổi tác, địa vị, danh vọng, giàu sang mà vì tác phong, phẩm chất, công lao họ đóng góp vào cộng đồng nhân loại. Cũng như giới tu sĩ, không nhất thiết thấy ai mặc áo nhà tu là phải tôn trọng, chúng ta chỉ tôn trọng tinh thần đạo đức, nhân cách của họ. Những tên Thạch Đầu Đà, Pharisiêu giả hình, đội lốt tu sĩ phải được phát hiện, chỉ tên để tránh cho các giáo hội những con sâu bệnh hoạn, truyền lây, di hại.
Thái Quốc Mưu minh họa bức tranh với màu sắc xã hội trung thực, dễ dàng bắt gặp ở nhiều địa phương có cộng đồng Việt Nam tị nạn trên lục địa Hoa Kỳ. Ông vạch trần sự xấu xa, tởm lợm những người chung quanh, trước mắt, vô tình hay cố ý đánh mất nhân cách, những kẻ sùng bái hư danh, ích kỷ, vụ lợi phương hại đến tha nhân…”.

45. TRÊN TRANG ĐẤT ĐỨNG.COM, CHÂU THẠCH NHẬN ĐỊNH VỀ HAI CHỮ NGỢM NGƯỜI TRONG THƠ THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“…Tóm lại, “ngợm người” để chỉ những kẻ có hình thể, vóc dáng của con người, nhưng cách sống với đồng loại, chưa đạt được cái bản chất đích thực của CON NGƯỜI, mà tôi đã đọc trong mục danh ngôn đâu đó câu: “Hãy sống sao cho người ra NGƯỜI” của Thái tiên sinh.
Theo Thái Quốc Mưu thì giống động vật mang tên người, khi được “Viết hoa” thành CON NGƯỜI thì vô cùng khó khăn và lớn lao, vĩ đại, cao quý hơn tất cả. Nó nằm trên tất cả những ước mơ – kể cả Thiên Đàng hoặc Niết Bàn. Bởi, khi tất cả giống người biết tu thân để trở CON NGƯỜI được viết hoa, xã hội đa số chỉ có những CON NGƯỜI đích thực là NGƯỜI. Họ toàn là bậc chính nhân quân tử, lương thiện, gắn bó yêu thương,... thì Thiên Đàng hoặc Niết Bàn đã hiện hữu giữa trần đời, chẳng phải tìm đâu xa. Khi ấy, lũ “ngợm người” không còn đất dung than, chẳng thể tồn tại. Sẽ tự diệt”.

46. VĂN THI SĨ NGUYỆT LÃNG (NGUYỄN VĂM THẨM) CẢM NHẬN VỀ THÁI QUỐC MƯU TRÊN TRANG ĐẤT ĐỨNG. Trích:
“… Tôi có may mắn là được kết giao với cả ba anh em của Thái Quốc Mưu (Liêu Tiên Sinh), Thái Quốc Tế (Kha Tiệm Ly), Thái Quốc Thế Nguyên (A Lý Phượng Tuyền) dù mỗi người có một tính cách, hoàn cảnh sống khác nhau, ba quan niệm sống khác nhau. Sẽ thiếu sót nếu tôi không nói thêm về tài năng ba anh em nhà họ Thái. Thái Quốc Mưu viết đủ các thể loại văn, thơ, biên khảo, phê bình, và cổ nhạc... thứ nào anh cũng “chơi”. Kha Tiệm Ly nổi bật về văn thơ, đặc biệt là Phú. Phú của Kha hay nhất từ trước đến nay. Thái Quốc Thế Nguyên đi sang ngả rẽ, đã dựng nên tên tuổi trong làng Ca Cổ: Soạn giả A-Lý Phượng Tuyền.
Điều nữa mà tôi thích ở Thái Quốc Mưu là sự vô tư của anh, là tính khôi hài và chấp nhận nó một cách hồn nhiên. Ai nói gì cũng không giận, coi sự châm chích là những câu khen! Không phòng thủ, không trả đũa với ai. Ngược lại, anh trân trọng tất cả. Có lẽ vì sống hồn hậu như thế khiến anh lâu già. Anh trân trọng những bông hoa trong vườn và những bông hoa đã cắm vào bình. Và, cả những bông hoa đã qua đi trong cuộc đời của anh.
Đặc biệt, Thái Quốc Mưu có tấm lòng rất lớn khi bằng hữu bị bệnh tật, hoặc gặp cảnh nguy nan. Anh đã thể hiện tấm lòng Bồ Tát với tha nhân”.

47. LƯU DÂN THI THOẠI - BÚT LUẬN 25 NĂM THƠ VĂN HẢI NGOẠI, CỘI NGUỒN XUẤT BẢN - VIẾT VỀ Văn, Thơ CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“…Người xưa thường mượn thơ làm phương tiện để gởi gắm tâm sự, để trang trải nỗi lòng. Người thời nay, như Mai Thảo thì lại nhận định: “Chỉ thơ, thơ mới là ngôn ngữ, là tiếng nói tận cùng và chung quyết của văn chương”.
Học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần sau một đời người miệt mài với chữ nghĩa, đọc, viết và nghiên cứu văn học cuối đời đã đưa ra kết luận: “Thi sĩ các anh là con cưng của Thượng Đế. Rút cục chỉ có thơ.” Có nhiều nhà văn thành danh với nhiều tác phẩm, cuối đời lại tìm đến với thơ.
Thái Quốc Mưu, tác giả tập truyện dài Phía Sau Cuộc Đời và tập THƠ VĂN có tựa đề Gió Quyện Hương Đồng đã ấn hành từ năm 1998. Ông là một Nhà văn và cũng là một Nhà thơ vì tác giả tỏ ra vững vàng ở cả hai bộ môn nầy.
Về thơ, ông sáng tác bằng nhiều thể loại, Thất ngôn tứ tuyệt, Tứ tuyệt trường thiên, Cổ phong, Lục bát, thơ Ngũ ngôn và thơ Đường. Thơ đối với ông như là một tấm gương để soi rọi bộ mặt cuộc đời và cũng để soi lại một thời dĩ vãng, để nhận diện con người và nhận diện chính mình, những đổi thay tàn nhẫn theo cuộc biển dâu:
Trước gương ta bỗng nực cười
Trong gương ai lộng một người xác xơ
Mắt thâm, vóc dáng bơ phờ
Người đâu ta lại cứ ngờ ngợ quen.
(Đối Diện)”.

48. NHẬN ĐỊNH NHÀ VĂN DIÊN NGHỊ, SAN JOSE CALIFORNIA - VIẾT VỀ THI TẬP Kỷ Vật Cho Đời CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“… Đoạn đường cải tạo, một thách đố sống còn, cạm bẫy, cam go dành cho người trong cuộc - Kẻ nào yếu đuối, hãi sợ, bi quan đã phải đứt gánh giữa đường - Kẻ nào kiên trì, tự tin, vươn dậy bằng trái tim chân thật sẽ nhận được sự đền bù của lịch sử - Thái Quốc Mưu, một người tù ngẩng cao đầu, trở về chung thủy, tình yêu quê hương sông núi vượt thời gian:
Trái tim chân chính ngàn năm vẫn,
Sáng tỏa muôn đời với nước non.
(Trái tim sông núi)
“Kỷ Vật Cho Đời” tâm tình chân thật của nhà thơ, là tiếng nói thi ca thời đại, phản ảnh hiện thực cuộc sống đời thường…”.

49. NHÀ VĂN DIÊN NGHỊ, SAN JOSE CALIFORNIA NHẬN ĐỊNH– VIẾT VỀ TẬP Truyện Ngắn CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“… Bước vào những ngày đầu năm 2008, Thái Quốc Mưu đã lục lại kho truyện ngắn khá đầy, tính ra 19 truyện để in thành tập.
Những truyện được sắp đặt phần đầu sách, mở ra một khung trời quê hương, nơi tác giả gởi tiếng khóc chào đời, cho đến trưởng thành, khôn lớn cùng với nhiều ràng buộc, vương mang.
Những tên đất, tên người, ngôn ngữ, giọng điệu, hương vị miền Nam, trong từng cốt truyện hằn lên dấu ấn sâu đậm về quá khứ lùi xa, chẳng những chưa hề phai mòn, mà trải dài luyến nhớ, hồi niệm...
Truyện cũng chỉ rõ tương quan nguyên nhân, hậu quả, thời nào cũng vậy! “Ác giả ác báo” kẻ gieo gió ắt có ngày gặt bão như một quy luật giữa dòng đời.
Quan niệm, tư duy, điều kiện, lối sống, hoàn cảnh, môi trường đã nhiễm bầu khí mới, qua đó, tình cảm cũng dạt dào, sống động, hòa nhập, thích ứng hiện tại. Những mối tình nam cũng như nữ, thuộc lứa trung, cao niên, đặc biệt những bản thể hơn một lần dở dang hoặc góa bụa - Mỗi sinh phần thao thức một góc đời riêng, chịu đựng thách đố từ cảnh ngộ riêng...
Con người vốn tin chuyện tình yêu, lứa đôi chồng vợ do duyên, do số. Trong chừng mực nào đó, xã hội cũng thường lý tưởng hóa tình yêu, có khi đồng hóa tình yêu thiêng liêng tín ngưỡng - Thái Quốc Mưu dự cảm ý nghĩa tình yêu hiện sinh, đã sáng tỏ sau nhiều tra vấn, đối chiếu: Hạnh phúc tình yêu là gì? Từ đâu? Nếu không phải bắt nguồn từ “dục cảm?”
Tạo hóa huyền nhiệm quyền uy, ban cho loài người phái tính, hòa hợp tồn sinh theo quy luật âm dương. Con người ý thưc rõ ràng trách nhiệm làm người. Chia sẻ, kết nối, xây dựng, nương tựa nhau, tuy hai mà một hoặc một nửa bên này một nửa bên kia”.

50. NHÀ VĂN DIÊN NGHỊ, SAN JOSE, CALIFORNIA NHẬN ĐỊNH - VIẾT VỀ THI TẬP Như Giọt Sương Sa CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
Luận về hệ thống, qua luật Thiên Địa, không thể không đề cập đến cái trục trung gian: Nhân - Trên Trời - Dưới Đất, giữa là Người. Con Người chịu chi phối, tác động ảnh hưởng của của tôn vinh Trời Đất, Thần Thánh, mà con người luôn thức tỉnh, xây dựng một thế giới tốt đẹp, một Thiên Đường, Niết Bàn ngay trong mỗi con người. Bao lâu thực hiện được khát vọng cao cả ấy, bắt đầu từ bàn tay huyền diệu Cõi Cao:
Nhưng trời có bão, có sóng hờn, biển giận
Có sấm to, chớp giật, sét lôi đình
Đất hiền lành có lúc cũng rung rinh
Trời, Đất thế, nên đời người cũng thế!
Dung thông với Tính Trời, Đất, cảm nhận hiện tượng ngoại giới liên quan đến con Người, và sau khi đã ngán ngẩm trần thế hiện thực, con người trở về bản chất cố hữu.
Bản chất con người là gì? - Chính là sự yêu thương - Con người thiếu yêu thương, cuộc đời sẽ mất trọn ý nghĩa...
Thái Quốc Mưu, như kẻ lữ hành qua bao nơi chốn lạ trở về, ngắm nhìn nơi chốn thân quen, cố quán, quê nhà là đẹp hơn đâu cả. Đẹp hơn, gắn bó hơn, bởi tình yêu gắn bó, bởi tình yêu xuất phát từ đó. Hình bóng người nữ xuất hiện, ánh lên hồng phúc, do bàn tay Chúa và duyên khởi giữa đời…”

51. CẢM NHẬN CỦA VĂN THI SĨ VĂN DƯƠNG QUÂN (TỨC GIẢNG VIÊN DƯƠNG VĂN VÀNG, ĐÃ GIẢNG DẠY CÁC ĐẠI HỌC SÀIGÒN). VIẾT VỀ Truyện Ngắn THÁI QUỐC MƯU. Trích:
“… Thái Quốc Mưu có tài viết truyện ngắn y như thật. Tôi biết rõ về anh, nếu không tôi sẽ nghĩ anh viết kể chuyện thật mình…”

52. NHÀ BÌNH LUẬN CHÂU THẠCH CẢM NHẬN BÀI THƠ “Đời” CỦA THÁI QUỐC MƯU, Trích:
ĐỜI
Vét sạch sành sanh dạo phố chơi
Đi tìm cái thú để yêu đời
Banh chưa tới đích, liền buông thở
Ngựa mới nâng chân, đã ngã rồi
Giữa chợ, bóng người hiu hắt đổ
Ven đường, chiếc lá dật dờ rơi
Chợt cơn giông đẩy mây đùn xuống
Những hạt mưa tuôn đẫm góc trời
Atlanta, Mar. 17, 2014
Sự chết được báo động bằng cơn giông đẩy mây đùn xuống hay thực tế hơn là bệnh tật và cô đơn và nuối tiếc và bao hệ lụy của tuổi già phủ trên ngày tháng. Khi “những hạt mưa tuôn đẫm góc trời” là lúc linh cửu con người được đưa xuống đất và linh hồn con người run rẩy như lạnh dưới cơn mưa.
Nếu không chú ý ta có thể nghĩ rằng qua bài thơ nầy Nhà thơ Thái quốc Mưu có tâm trạng bi quan yếm thế. Thật ra không phải như thế! Vì, những điều ông nói cũng chỉ là những điều nằm trong triết lý tôn giáo có từ xa xưa của những bậc giác ngộ giáo hóa con người. Các vị ấy ở trên con người, ở chốn siêu thoát không dính dấu vết con người, ở chốn hạnh phúc mà báo động cho con người biết thảm họa của mình.
Thái quốc Mưu không phải là bậc giác ngộ nhưng bài thơ hay ở chỗ ông dùng cái cốt cách thoát tục trong lời thơ để diễn tả sống động và trọn vẹn nỗi bi đát của cõi nhân sinh hay của cuộc đời trong đó có cả Nhà thơ…”

53. CẢM NGHĨ CỦA VĂN THI SĨ HỒNG CHÂU, ĐỨC QUỐC, VIẾT VỀ BÀI THƠ Đời CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
Cảm nghĩ khi đọc bài thơ ĐỜI của nhà khảo cứu, nhà văn, nhà thơ, nhà báo Thái Quốc Mưu.
Nghe kể chuyện ĐỜI là sự thích thú muôn thuở trong tôi! Nhẩt là lại về đề tài thiên hạ tìm cách "YÊU ĐỜI" ...
ĐỜI Người là cái chi chi mà sao tôi lại thấy nó thật là tội nghiệp, thật là đáng thương…? Người ta chào gỉ, chào gì cũng cười toe, cười toét, cũng nghiêm trang đĩnh đạc, cũng khúm na khúm núm… chỉ mỗi chào ĐỜI là khóc. Mới bé tí tị tì ti chưa biết gì mà đã khóc, khóc như biết ĐỜI là bể khổ, là sinh - lão - bệnh - tử và chỉ là phù du… nên bé khóc, phải khóc cố cho to, như không muốn ra đời, như muốn chui lại vào bụng mẹ…ĐỜI được các Triết gia, các nhà Văn, Họa sĩ, Thi sĩ… định nghĩa đủ kiểu, mô tả đủ cách... nhưng cuối cùng thì ĐỜI vẫn là mông lung, hư ảo...
Riêng tôi vẫn tâm đắc nhất cái ví von: - ĐỜI là cái bao mà mỗi con người phải đeo, phải kéo, phải gánh theo mình cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Cái GÁNH ĐỜI mà ai cũng phải gánh. Nó nặng hay nhẹ? nào đâu phải là tội, là nợ do nó tạo nên. Nó chính là sự biểu hiện của TÂM, TRÍ, LỰC trong mỗi con Người. Vậy mà khổ thân nó! Nó bị chửi đủ kiểu nào là: " chó má, mạt rệp, ruồi bu, đểu giả… " có mấy ai nói "ĐỜI ơi ta yêu mày lắm!..." chỉ đến khi sắp lìa ĐỜI, khi mà sức tàn lực kiệt không còn có thể lôi, thể lết... được nữa, thì mới biết quý, biết bỏ hết tiền của ra để mua thêm chút bẻo sức lực để kéo ĐỜI thêm một khúc nữa...
Nhà khảo cứu, nhà thơ... Thái Quốc Mưu, Người đã đi gần trọn đường đời của mình. Người nghiên cứu biết bao nhiêu cuộc đời của mọi tầng lớp Con Người kim có, cổ có. Ở trong nước rất nhiều, ở ngoài nước cũng không ít.
Chắc chắn Ông cũng đã nhận thấy Con Người đã cư xử bất công đến cỡ nào với ĐỜI nên có bài thơ.
ĐỜI
Vét sạch sành sanh dạo phố chơi
Đi tìm cái thú để yêu đời
Banh chưa tới đích, liền buông thở
Ngựa mới nâng chân, đã ngã rồi
Giữa chợ, bóng người hiu hắt đổ
Ven đường, chiếc lá dật dờ rơi
Chợt cơn giông đẩy mây đùn xuống
Những hạt mưa tuôn đẫm góc trời
Atlanta, Mar. 17, 2014
Thái Quốc Mưu

54. CẢM TƯỞNG CỦA ĐỘC GIẢ NGỤ TẠI 1600 SAINT BERNARD DR. SE, CULLMAN. AL 35055 - VIẾT VỀ TRUYỆN DÀI Phía Sau Cuộc Đời CỦA THÁI QUỐ MƯU. Trích:
“... Tiểu thuyết Phía Sau Cuộc Đời nói lên phần nào tâm tư, ý tưởng của tác giả thật thâm thúy, gây cho độc giả không thể chẳng suy nghĩ...”

55. NHẬN ĐỊNH CỦA NHÀ THƠ LÊ LIÊN VỀ BÀI THƠ Biển Sóng và Ta CỦA THÁI QUỐC MƯU. Trích:
BIỂN, SÓNG và TA
Tháng năm biển vẫn mặn mòi
Ngàn xưa con sóng nổi trôi phận mình
Chân trời góc biển lênh đênh
Trắng phau bọt nước bãi ghềnh nhấp nhô.
Thoát qua! Bỗng vút xa bờ
Ngàn thu dấu cát đợi chờ sóng xưa
Nỗi buồn lên hạt nắng trưa
Nghe cô quạnh, ngọn gió lùa bên tai.
Rong rêu phủ kín tháng ngày
Thời gian níu kéo hình hài rụng rơi

Xác thân thân xác một đời
Ta con sóng lượn dưới trời lao đao.
Thái Quốc Mưu
“…Tôi đã trăn trở rất nhiều khi đọc bài thơ này! Một bài thơ ngắn, giàu hình tượng. Và tác giả gắn cho mỗi hình ảnh sinh động này nhiều bản thể khác nhau.
Mỗi bản thể đều cất dấu một nổi niềm riêng của nó! Dần dần tôi khám phá ra sự kỳ ảo này trong những câu thơ tưởng chừng như mộc mạc, nhưng lại là nổi niềm đau thương chất ngất trước vận mệnh con người đổi thay…
… Một bài thơ vọng khúc bi ca nhưng không làm cho ta bi lụy.
Tôi nghĩ mình chưa khám phá được hết những uẩn khúc trong bài thơ này?! Nhưng tôi học được cách chấp nhận để thích nghi với cuộc sống từ tác giả.
Đúng vậy, khi tác giả ví mình “trắng phau bọt nước bãi ghềnh nhấp nhô” thì lòng tôi chùng xuống, thương cảm cho thân phận mong manh, dễ vỡ, long đong chìm sâu xuống tận cùng xã hội. Thế nhưng xuyên suốt bài thơ, mặc nhiên không có lời than vãn, mà chỉ có lời tự tình chân phương. Và câu kết của bài thơ như một dấu hóa (#) cho ta nhận ra thần thái ung dung, tự tại được sáng lên từ tâm hồn thanh cao.
“Ta con sóng lượn dưới trời lao đao”. Tôi yêu động từ LƯỢN trong bài thơ này biết bao! Với tôi, nó chính là “Từ Khóa” làm cho bài thơ đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật sống! Sống với tâm thái Ung Dung, Tự Tại…”

56. THƠ PHỔ NHẠC, THƯ HỌA, VẼ BÌA, TỰ ĐIỂN,…
- Nhà văn Lã Mộng Thường (Linh mục Trần Đoàn), đã phổ nhạc bài thơ Khoảng Khắc Buồn.
- Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân, California, đã phổ nhạc 15 bài thơ.
- Nghệ sĩ Thanh Sàigòn đã làm một PPS cho ca khúc Một Chuyện Tình Buồn - Thơ Thái Quốc Mưu, Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân, Cali. phổ nhạc, Diễn đạt ca sĩ Miên Thùy, Paris.
- Văn, Thi, Nhạc sĩ Phân Ni Tấn ghi tên Thái Quốc Mưu vào Group Dựa Lưng Núi Ngồi trong Tự Điển Văn Nghệ Sĩ Việt Nam của ông.
- Nhạc sĩ Lưu Nhất Vũ, Việt Nam, đã phổ nhạc 5 bài thơ.
- Nhà văn Đỗ Bình, Paris, Pháp tổ chức một buổi Sinh Hoạt Văn Học Giới Thiệu Văn Thi Sĩ Thái Quốc Mưu.
- Danh họa Quốc Tế Vũ Hối (Giải Khôi Nguyên Quốc Tế), vẽ tặng bìa tập văn thơ Gió Quyện Hương Đồng và viết tặng 4 câu Thư Họa.
- Nhà văn, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang, Việt Nam, viết tập Tiểu Luận Phê Bình Văn Học – Viết về Nhà Văn, Nhà Thơ Thái Quốc Mưu. Sách dày 401 trang. Sách in, phát hành ở Việt Nam và bán trên Amazon Book.
Danh họa Nguyễn Đức Thanh vẽ tặng bìa tập truyện dài Phía Sau Cuộc Đời.
- Danh họa Vũ Quang Minh (hiện là Nhà sư), phát họa một bức hình Thái Quốc Mưu.
- Nhà Bình Luận Lê Nhật Thăng (Hà Trung Yên, Nguyễn Ngọc Châu) viết tặng 2 câu thơ do Danh họa Vũ Hối viết Thư Họa.
*
Trên đây là những tấm lòng của tất cả quý vị đã thương mến, ưu ái dành cho cuộc đời cầm bút của tôi. Tôi chân thành biết ơn và nguyện khắc ghi mãi mãi trong lòng. Dẫu mai kia từ giả cõi đời tôi cũng nguyện đem theo.
Kính chúc và Cầu Nguyện Các Đấng Thiêng Liêng luôn ban nhiều Ân Phúc đến gia đình quý vị.
Sau cùng,
Tôi thành tâm cầu nguyện cho anh linh tất cả quý vị văn thi hữu đã mãn phần sớm được về an nghĩ nơi Cõi Vĩnh Hằng.
Kính quý!
Thái Quốc Mưu
*.
THÁI QUỐC MƯU
Địa chỉ: 6395 GlenBrook Dr.
             Tucker, GA 30084, USA - Hoa Kỳ.
Email: thaiquocmuu1@aol.com
Điện thoại: 404-747-5025





…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày: 31.05.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.    

0 comments:

Đăng nhận xét