CHIẾN LƯỢC ‘TẰM ĂN LÁ’ CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI HOA Ở SINGAPORE VÀ NGUY CƠ ‘ĐẶC KHU CHỢ LỚN TỰ TRỊ’ RA SAO? - Tác giả: Khuyết Danh

Leave a Comment

 

CHIẾN LƯỢC ‘TẰM ĂN LÁ’ CỦA

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI HOA Ở SINGAPORE

VÀ NGUY CƠ ‘ĐẶC KHU CHỢ LỚN TỰ TRỊ’ RA SAO?

*

Thập niên 1950, Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa chiếm xong toàn bộ đại lục Trung Hoa. Chính quyền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) lẫn Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) ngấm ngầm lẫn công khai có chủ trương tác động, gây ảnh hưởng đến các cộng đồng người Hoa khu vực Đông Nam Á.

Vốn trước năm 1949, người Hoa ở Việt Nam vẫn giữ quốc tịch Trung Quốc. Chính phủ Trung Hoa Dân quốc tuyên bố tất cả người Hoa ở nước ngoài đều là công dân Trung Quốc, rằng Trung Quốc có quyền ngoài - lãnh thổ: quyền can thiệp vào các quốc gia khác để bảo vệ công dân của mình.

 

CHIẾN LƯỢC "TẰM ĂN LÁ" CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI HOA Ở SINGAPORE

Cũng trong những năm này, Singapore là thuộc địa Anh, nơi cộng đồng người Hoa chiếm đa số nổi lên phong trào đòi tự trị. Trong tổng tuyển cử đầu tiên năm 1955, lãnh đạo ủng hộ độc lập của Mặt trận Lao động là David Marshall giành chiến thắng; dẫn đầu một phái đoàn đến Luân Đôn để yêu cầu tự trị hoàn toàn, song người Anh bác bỏ. David Marshall từ chức và Lâm Hữu Phúc trở thành người thay thế, tiếp tục tiến hành các chính sách nhằm thuyết phục người Anh trao cho Singapore quyền tự trị nội bộ hoàn toàn đối với toàn bộ các vấn đề, trừ quốc phòng và đối ngoại.

Thực tế 4 năm sau, 1959, qua bầu cử tháng 5-1959, Đảng Hành động Nhân dân giành chiến thắng và Singapore trở thành một nhà nước tự trị nội bộ trong khối Thịnh vượng chung.

Và sau những biến động lịch sử, từ một thành viên của Liên bang Malaysia cùng với Malaya, Sabah và Sarawak (1962), Singapore thành bang tự trị vào tháng 9-1963. Cuối cùng, Singapore độc lập ngày 9-8-1965.

Đó là một ví dụ cụ thể gần đây của cái gọi là chiến thuật, mô hình "tằm ăn lá" kiểu Trung Hoa xưa nay không thay đổi: bắt đầu là đưa dân tới làm ăn ở một vùng đất nào đó, tạo thành khối, lực lượng chặt chẽ; sau đó là... chống lại chính quyền nơi đó, đòi tự trị rồi tách ra...

 

ÔNG CHA TA QUÁ RÀNH THỦ ĐOẠN "TẰM ĂN LÁ" CỦA PHƯƠNG BẮC

Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép:

Đời vua Trần Anh Tông (1293-1314), đức Trần Hưng Đạo lui về trí sĩ ở Vạn Kiếp. Vua Anh Tông thấy ngài bệnh nặng sắp mất liền ngự giá đến thăm. Nhà vua đã cẩn thận xin ý kiến của Hưng Đạo Vương về cách thế đối phó với giặc phương bắc, mới hỏi rằng: “Thượng phụ một mai khuất núi, phỏng có quân Bắc lại sang thì làm thế nào?”

Hưng Đạo Vương tâu rằng: “(...) Khi nào quân giặc kéo đến ầm ầm, như gió, như lửa, thế ấy lại dễ chống. Nếu nó dùng cách dần dà, như tằm ăn lá, thong thả mà không ham của dân, không cần lấy mau việc, thế ấy mới khó trị...".

 

2 BIỆN PHÁP PHỐI HỢP TRIỆT TIÊU TẬN GỐC NGUY CƠ TỰ TRỊ Ở CHỢ LỚN: HÀNH CHÍNH VÀ ĐỊA GIỚI

Cũng trong thập niên 1950, cảnh giác nguy cơ "tằm ăn lá" và lấy ngay tấm gương tự trị Singapore sát cạnh, Chính quyền Ngô Đình Diệm đã tiến hành một loạt biện pháp cụ thể phòng chống nguy cơ tỉnh Chợ Lớn, thành phố Chợ Lớn - nơi có đa số cư dân là người Hoa - đòi tự trị.

Tỉnh Chợ Lớn (khác thành phố Chợ Lớn) vốn được chính quyền Pháp thành lập ngày 20-12-1899 với nhiều quận huyện. Dân số tỉnh Chợ Lớn ở thập niên 1950 khoảng 1.000.000 dân (bao gồm cả người Việt, người Hoa...), xấp xỉ Singapore lúc ấy.

Còn thành phố Chợ Lớn (khu vực quận 5, 6 và một phần quận 8, 10 hiện nay) vốn được thành lập sớm hơn, cùng thời điểm chính thức thành lập thành phố Sài Gòn 1865.

Đến 1956, dưới thời Chính quyền Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm, hầu hết người Hoa ở tỉnh Chợ Lớn, thành phố Chợ Lớn vẫn mang quốc tịch Trung Hoa (Trung Hoa Dân quốc - Đài Loan). Và cộng đồng này vốn có quan hệ rất chặt chẽ về gia đình, buôn bán với cộng đồng người Hoa ở Singapore - từ hàng trăm năm...

Tấm gương Singapore + tác động ngấm ngầm của của Chính quyền Trung Quốc lúc ấy + các nhóm Tam Hoàng (vốn là các nhóm Thiên Địa hội từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam và rất manh động trong giới người Hoa ở miền Nam suốt thời Pháp thuộc) hoạt động ngấm ngầm, Chính quyền Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm đã ra tay: hàng loạt biện pháp phòng chống nguy cơ "diễn biến hòa bình" được thực hiện ngay những ngày đầu tiên của nền Đệ nhất Cộng hòa.

* Nổi bật là hai động tác chính:

A. Công bố hàng loạt ngành nghề kinh doanh chỉ dành cho người Việt Nam; người nước ngoài không được hành nghề.

Cụ thể Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm (Thủ tướng Diệm đắc cử tổng thống Việt Nam Cộng hòa ngày 24-10-1956) ra Đạo dụ (một hình thức quy phạm pháp luật mang tính bắt buộc thời đó) số 53 ngày 6-9-1956 quy định người nước ngoài không được hoạt động 11 ngành nghề, chủ yếu nhắm vào Hoa kiều:

1) Buôn bán cá thịt

2) Buôn bán tạp hóa

3) Buôn bán than, củi

4) Buôn bán xăng, dầu lửa và dầu nhớt

5) Cầm đồ bình dân

6) Buôn bán vải, tơ lụa, chỉ sợi

7) Buôn bán sắt, đồng, thau vụn

8) Nhà máy xay lúa

9) Buôn bán ngũ cốc

10) Chuyên chở hàng hóa, hành khách bằng xe hơi, hay tàu thuyền

11) Trung gian ăn huê hồng.

Người Hoa vốn mê buôn bán, làm ăn, đây lại là những ngành nghề họ hoạt động kinh doanh bao lâu nay, cha truyền con nối.

Giới Hoa kiều ở Chợ Lớn - Sài Gòn phản ứng khá dữ dội cả không chỉ chính trị mà cả với hoạt động kinh tế.

Người Hoa xuống đường biểu tình, bạo động, phản đối chính sách của Chính phủ Ngô Đình Diệm. Hè 1957, người Hoa vùng Chợ Lớn - Sài Gòn đóng cửa gần hết trường học, hoạt động thương mại, và rút tiền ra khỏi ngân hàng.

Khoảng 800 triệu đến 1,5 tỉ đồng Việt Nam Cộng hòa lúc đó (gần 17% tiền tệ đang lưu hành ở miền Nam) biến khỏi thị trường .Thương mại ngưng trệ: giữa tháng 5 - 1957, khoảng 6.000 cửa hàng của người Hoa đã đóng cửa, 200.000 người mất công ăn việc làm. Hoa kiều còn phản đối bằng việc ngừng vận tải hàng hóa (các hãng vận tải lớn đều do họ nắm giữ).

Với sự hỗ trợ của giới buôn lớn, chủ ngân hàng Hoa kiều ở Đông Nam Á và chính quyền Đài Loan, người Hoa nhất loạt đình chỉ hoạt động, tẩy chay không bốc dỡ gạo Việt Nam Cộng hòa đã cập bến cảng nước ngoài. Nông sản ứ đọng ở vùng quê, trong khi Sài Gòn – Chợ Lớn lại rất khan hiếm.

Nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa tưởng chừng sụp đổ.

Ngay lập tức, tháng 5-1957, Bắc Kinh phản đối và cho là "sự xâm phạm tàn nhẫn các quyền hợp pháp của người Hoa".

Chính phủ Ngô Đình Diệm không nao núng, tiếp tục quyết liệt chính sách của mình.

Chỉ vài năm sau, 99,8% trên tổng số hơn 1 triệu người Hoa ở tỉnh, thành phố Chợ Lớn cũng như toàn miền Nam xin nhập quốc tịch Việt Nam; trở thành người Việt gốc Hoa như chúng ta thấy ngày nay, chứ không còn là Hoa kiều như trước đó. Một số ngoại kiều, không chỉ Hoa kiều không vô quốc tịch Việt Nam thì thoải mái "đi chỗ khác chơi" (tức trục xuất) hay tự về nước tùy ý.

Đến năm 1961, Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa đã báo cáo lên Tổng thống Ngô Đình Diệm: Trên 1.000.000 người Hoa thuộc địa phận Việt Nam Cộng hòa (miền Nam) chỉ còn 2.000 người già yếu, bệnh tật không nhập quốc tịch (0,2%) nên cũng không cần trục xuất.

Quốc tịch Việt Nam rồi thì còn đòi tự trị gì được! Không lẽ người Việt đòi tự trị với người Việt - bất hợp pháp với công pháp quốc tế.

* Trước đó, chỉ sau khi khai sinh Đệ nhất Cộng hòa (26-10-1955) gần một tháng rưỡi, để giải quyết dứt khoát vấn đề Hoa kiều ở miền Nam Việt Nam, ngày 7-12-1955, Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm đã ký ban hành Dụ số 10 quy định về Bộ Luật Quốc tịch Việt Nam. Điều 12 ghi rõ: “Con chính thức mà mẹ là người Việt Nam, và cha là người Trung Hoa, nếu sinh đẻ ở Việt Nam thì là người Việt Nam”.

Lúc đó, giới Hoa kiều ở miền Nam vẫn hy vọng Thống chế Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) Tưởng Giới Thạch sẽ can thiệp nên có ý coi thường, không chấp hành đạo dụ này. Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ra tiếp Dụ số 48 (ngày 21-8-1956), Sửa đổi Bộ Luật Quốc tịch Việt Nam, Điều 16 quy định:

"Hoa kiều thổ sanh (sinh trưởng tại Việt Nam) sẽ là người Việt Nam, bắt buộc phải nhập và khai nhận quốc tịch Việt Nam, hoặc nếu không chịu nhập tịch thì có thể xin hồi hương (về Đài Loan) trước ngày 31-8-1957. Thời hạn ấn định cho những Hoa kiều sinh tại Việt Nam phải làm khai sinh để được cấp thẻ căn cước sẽ kết thúc ngày 08-4-1957, việc kiểm tra sẽ hoàn tất vào ngày 22-6-1957".

Ai không muốn nhập tịch thì ra đi, mỗi người sẽ được chính quyền Sài Gòn cấp 400 đồng để “hồi hương”, đúng theo luật định.

8 ngày sau, 29-8-1956, Thủ tướng Ngô Đình Diệm lại ban hành Dụ số 52 quy định Hoa kiều sinh sống ở Việt Nam Cộng hòa phải mang quốc tịch Việt để tự do giao dịch, đi lại và buôn bán. Người Hoa phải Việt hóa tên họ (như Trịnh, Quách, Mạch, Lâm, Giang, Diệp, Lưu, Vương, Hà, Hứa, Mã, Lý, Trần, Trương, v.v…) chứ không được xưng các tên ngoại quốc hay tên gọi riêng (như Chú, A, Chế…) kể cả bí danh, trong những văn kiện chính thức. Tên hiệu các cơ sở thương mại, văn hóa, phải viết bằng Việt ngữ.

Và 8 ngày sau nữa (6-9-1956), Thủ tướng Ngô Đình Diệm tung đòn nock-out bằng Dụ số 53 như đã nói ở trên.

Loạt sự kiện này đã làm rung chuyển giới Hoa kiều Sài Gòn - Chợ Lớn lẫn miền Nam lúc ấy. Đến mức con nít Sài Gòn hát um xùm một bài hát ngắn gọn mà đến nay chắc chắn nhiều người Sài Gòn còn nhớ: "Các (mấy) chú Ba Tàu, thằng nào cũng như thằng nấy - Thằng nào không giấy (quốc tịch Việt), đuổi ngay nó đi về Tàu...".

B. Một tháng rưỡi sau, biện pháp địa giới hành chính ngăn chặn tận gốc cụ thể cũng được ban hành. Ngày 22-10-1956, trước khi đắc cử tổng thống Việt Nam Cộng hòa hai ngày (24-10-1956), Thủ tướng Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143/VN "Thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam".

Theo đó, địa phận Việt Nam Cộng hòa gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Lúc này, tỉnh Tân An hợp nhất phần lớn đất đai tỉnh Chợ Lớn để thành lập tỉnh mới Long An. Một số khu vực còn lại của tỉnh Chợ Lớn nhập vô tỉnh Gia Định.

Cũng theo sắc lệnh này, Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn đổi tên thành Đô thành Sài Gòn. Như vậy tên gọi "Chợ Lớn" không còn được dùng chính thức trong các tên gọi hành chính cấp tỉnh thành nữa. Kể từ đây, địa danh "Chợ Lớn" chỉ còn được dùng để chỉ khu vực quận 5, quận 6, quận 11 và một phần quận 8, quận 10 của Đô thành Sài Gòn.

Tỉnh Chợ Lớn có đa số cư dân là người Hoa mang quốc tịch Trung Quốc tồn tại 57 năm (1899 - 1956) đến đó là hết! Thành phố Chợ Lớn 91 năm (1865 - 1956) cũng không còn! Chỉ là địa danh lịch sử - văn hóa.

 

NÓI THÊM:

Cũng vào giữa thập niên 1950, Chính quyền Sài Gòn đã đặt tên lại hàng loạt con đường vốn mang tên Pháp ở Sài Gòn.

Chú ý: Các con đường từ Sài Gòn (khu vực người Việt) vô Chợ Lớn (khu vực đa số người Hoa) đều mang tên các danh tướng, danh nhân, địa danh đánh thắng các thế lực xâm lược Trung Hoa: Trần Hưng Đạo (bắt đầu từ trung tâm Sài Gòn, chợ Bến Thành tới đường Cộng Hòa - nay là đường Nguyễn Văn Cừ, ranh giới Sài Gòn - Chợ Lớn), Nguyễn Trãi, Trần Quốc Toản (nay là 3-2), Bến Bạch Đằng - Bến Chương Dương - Bến Hàm Tử...

(Stt đi vào cách nhìn nhận và xử lý nguy cơ ngoại bang, không đi vào ý thức hệ chính trị - không có lợi cho hòa hợp hòa giải dân tộc trước các thế lực ngoại bang. Mong các bạn comments chia sẻ điều này. Xin cảm ơn!)

---------

Nguồn:

https://www.facebook.com/tamtuyetbh/posts/3068426519930293

*

KHUYẾT DANH (đang cập nhật)

Địa chỉ: (đang cập nhật)

Email: (đang cập nhật)

Điện thoại: (đang cập nhật)

 

 

 

 

 

- ĐẶNG XUÂN XUYẾN giới thiệu -

(Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến)

.

0 comments:

Đăng nhận xét