VĂN CHƯƠNG TINH HOA
VÀ VĂN CHƯƠNG ĐẠI CHÚNG
Trong điều
kiện bình thường của đất nước, văn chương phân hóa thành hai bộ phận chủ yếu:
Tinh hoa và đại chúng, hướng đến các đối tượng công chúng khác nhau.
Văn chương
đại chúng hướng đến cái hay về nội dung và nghệ thuật vừa tầm đón nhận của đa
số người đọc. Nhiều người tán thưởng là dấu hiệu thành công của tác phẩm. Tính
chất truyền thống, dễ tiếp nhận là đặc điểm của văn chương đại chúng. Hướng tới
con người bình thường, bộ phận văn chương này rất giàu dưỡng chất của đời sống,
của cái hàng ngày, đặc biệt đậm nét trữ tình và giá trị nhân bản. Có thể nghĩ
rộng ra để hiểu sức sống lâu bền của nhạc bolero trong đông đảo người yêu nhạc
suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Nhưng loài
người có đặc điểm là khao khát vô biên cái mới. Trong quá trình phát triển, văn
học, nghệ thuật không chỉ bỏ qua cái kém, cái dở, cái lạc hậu... mà còn bỏ qua
cả cái đẹp, cái hay đã quen thuộc. Văn chương đại chúng không đặt ra nhiệm vụ đáp
ứng nhu cầu đổi mới đó. Làm tiền đề cho tầm đón nhận của văn chương đại chúng
là kinh nghiệm thẩm mỹ từ văn chương truyền thống của dân tộc. Bảo thủ về tầm
đón nhận là đặc điểm của bộ phận công chúng văn chương này.
Trong vô số
những người viết văn, làm thơ có những tài năng không sáng tác một cách hồn
nhiên, mình là thế nào thì cứ thế mà viết. Họ hiểu sâu sắc mỗi tác phẩm văn học
là một sáng tạo mới cả về nội dung lẫn hình thức. Họ có ý thức bằng tác phẩm
của mình góp phần thúc đẩy sự vận động của văn chương. Với tài năng và nhiệt
huyết họ trở thành bộ phận tinh hoa của nền văn học. Nghĩ về Bích Khê, Chế Lan
Viên đã viết: “Có những người làm thơ.
Lại có những người vừa làm thơ vừa đẩy thơ về phía trước. Khê thuộc loại thứ
hai”.
Hơn ở đâu
hết ta thấy ở đây một quy luật của nghệ thuật: "Quý hồ tinh bất quý hồ đa".
Văn chương
tinh hoa đặt nhiệm vụ khám phá con người và cuộc sống ở bề sâu, bề xa, chiếu
những tia Rơnghen nhận thức, cảm thấu cõi bí ẩn, phức tạp của hiện thực đời
sống, đặc biệt là đời sống tinh thần vô cùng phức tạp, tinh tế của con người.
Bộ phận văn chương này không chỉ thể hiện ý thức, tình cảm mà còn khám phá cõi
vô thức, tiềm thức, tâm linh... Nó ráo riết cách tân về thi pháp, hướng tới bạn
đọc hàng đầu, vượt lên trước tầm đón nhận của công chúng như người đua xe gắng
vượt lên trước dù chỉ nửa vành bánh xe.
Sự cách tân
về văn học, nghệ thuật nào mà không phải trả giá? Trên quá trình tìm tòi, sáng
tạo đó, nhiều tác phẩm chưa thuần thục, chỉ dừng ở mức thể nghiệm, chưa thành
một sinh thể nghệ thuật thật sự. Giới thiệu về Phong trào Thơ mới 1932-1945
trong hợp tuyển "Thi nhân Việt
Nam", Hoài Thanh - Hoài Chân nói rõ họ đã phải đọc hàng vạn bài
thơ dở mới lựa chọn được từng ấy bài thơ tiêu biểu để đưa vào cuốn sách. Hàng
chục bài trong số đó cũng đã không chịu đựng được thử thách của thời gian.
Sự vượt
thoát thi pháp văn chương truyền thống, sử dụng các thủ pháp nghệ thuật được
gợi ý từ trường phái tượng trưng, trường phái siêu thực và các trường phái hiện
đại, hậu hiện đại khác... của phương Tây dễ dẫn đến tình trạng phi giao tiếp
giữa văn bản và độc giả. Nhiều người là những tài năng văn học, nghệ thuật bị
nhìn nhận như những kẻ điên, nhưng đó là "những người điên dũng cảm". Không có họ không có sự tiến bộ
trong văn học nghệ thuật. Vai trò tiên phong của họ cần được ghi nhận. Việc
tiếp nhận thơ Hàn Mặc Tử là một bài học. Đương thời Xuân Diệu không chịu được
thơ Hàn. Trong bài "Thơ của người"
in trên báo "Ngày nay" số ra ngày 7-8-1938, thi sĩ trẻ đã viết:"
Hãy so sánh thái độ can đảm kia (thái độ những nhà chân thi sĩ) với những cách
đột nhiên mà khóc, đột nhiên mà cười...chân vừa nhảy, miệng vừa kêu: "Tôi điên đây, tôi điên đây!". Điên
cũng không dễ làm như người ta tưởng đâu. Nếu không biết điên hãy cứ im lặng
như thường mà im lặng sống". Ngược lại, Chế Lan Viên khẳng định: "Tôi xin hứa hẹn với các người rằng mai sau
những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi và còn lại của cái thời kỳ
này chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử" ("Người mới", số 5,
23-11-1940). Thời gian đã chứng minh lời khẳng định của Chế Lan Viên.
Giữa văn
chương đại chúng và văn chương tinh hoa có mối quan hệ biện chứng. Có nền mới
có đỉnh. Có nhiều tác giả, tác phẩm đỉnh cao thì cái nền cũng sẽ được nâng lên.
Thật thú vị khi nghĩ về thơ của Thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều:
- Vầng trăng ai sẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường!
và thơ ca
dân gian:
- Vầng trăng ai sẻ làm đôi
Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng!
Không dễ
khẳng định ai đã ảnh hưởng ai nhưng là hiện tượng tốt đẹp. Tôi nghiêng về khả
năng người nghệ sĩ dân gian đã chịu ảnh hưởng Nguyễn Du thiên tài để sáng tạo
nên cặp câu lục bát mang vẻ đẹp vượt thoát vẻ đẹp mộc mạc, chất phác của ca dao
nói chung.
Trước Cách
mạng tháng Tám 1945 Xuân Diệu được xem là nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ
mới: "Ta là Một, là Riêng, là Thứ
nhất / Không có chi bè bạn nổi cùng ta!" (Hy Mã Lạp Sơn). Đương thời,
trong điều kiện dân ta đa số mù chữ, ông là một trong những hiện tượng tinh
hoa, đặc tuyển. Dần dần trình độ tiếp nhận của công chúng văn chương được nâng
lên, thơ ông không còn là cái gì quá xa vời mà nằm trong vùng tiếp nhận của đại
chúng.
Trước đây,
trong hoàn cảnh cách mạng và kháng chiến, văn chương được định hướng đại chúng
hoá, hướng về lực lượng cách mạng, chủ yếu là công, nông, binh. Đây là một quan
điểm có lý của nó trong hoàn cảnh đặc biệt lúc bấy giờ. Chế Lan Viên đã lý
giải:
"Cái tinh tế cỏ hoa tạm thời chưa nghĩ đến
Vì ta tính đến hàng chục triệu con người và vạn
khoảnh non sông".
Cũng trong
hoàn cảnh đó, khi nói về định hướng đại chúng hóa ta chỉ thấy cái hay, cái được
và thực tế đã có nhiều bài thơ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
và đế quốc Mỹ xâm lược đã "đi cùng năm tháng" với nhân dân ta. Điều
đáng nói là trong hoàn cảnh đặc biệt (chiến tranh và cách mạng) quá kéo dài ta
đã không thấy mặt trái của quan điểm đại chúng hoá. Văn chương theo ý hướng
tiếp tục quá trình hiện đại hoá mở ra từ đầu thế kỷ XX đã không được chú ý đến,
thậm chí bị kỳ thị.
Sau những
được mất, những bài học ta đã thấu hiểu vấn đề là không phải bắt các văn nghệ
sĩ phải hạ thấp tính sáng tạo xuống cho vừa tầm tiếp nhận của quần chúng mà là
phát triển sự nghiệp giáo dục để nâng tầm đón nhận của quần chúng lên. Trước
đây trong kháng chiến quần chúng còn ít chữ ta phải viết sao cho dễ hiểu. Bây
giờ trình độ học vấn chung đã được nâng lên, ta phải viết sao cho hay, cho thú
vị!.
Vì nhiều lý
do, trong đó có quan điểm đại chúng hoá, ở ta văn chương tinh hoa và văn chương
đại chúng không xa cách nhau bao nhiêu về chất lượng. Thật ra thì ranh giới
giữa hai kiểu loại văn chương này cũng không phải là rạch ròi, đứt đoạn. Ngay
từ xưa đã thế. Truyện Kiều của Nguyễn Du là tác phẩm tinh hoa số một của thơ
Việt Nam. Trong đó có những điều Thi hào đã tiếp thu, chuyển hoá từ văn học dân
gian, người bình dân cảm nhận được với tất cả sự yêu quý, trân trọng và có
những phần là tập đại thành của văn học bác học, dành cho các bậc thức giả, cho
"bạn đọc hàng đầu"- nói theo ngôn ngữ lý luận hôm nay- đồng điệu. Tác
phẩm của thiên tài luôn là một cấu trúc nghệ thuật có tính chất mời gọi khám
phá.
Trong cùng
một người viết, các tác phẩm của họ cũng không đồng nhất về tính chất đại chúng
hay tinh hoa.Việc họ hướng về loại người đọc nào sẽ quy định không chỉ thông
điệp tư tưởng nghệ thuật mà còn cả việc sử dụng thủ pháp nghệ thuật, cấu trúc
tác phẩm, xử lý không gian, thời gian nghệ thuật...và suy cho cùng là liên quan
đến chất lượng của tác phẩm.
Thực tế thì
văn chương có cái hay dễ tiếp nhận và có cái hay tinh tế, phức tạp, mang tính
hiện đại đòi hỏi người đọc phải động não - điều mà ngôn ngữ lý luận gọi là
"đồng sáng tạo". Chế Lan Viên đã có nhận định đáng lưu ý: “Xưa Aragon, Eluard là các ông tổ siêu thực.
Giờ đây các vị là nguyên soái của hiện thực xã hội chủ nghĩa nhưng là một thứ
hiện thực đã đi qua siêu thực còn mang trên mình những đốm lân tinh rực rỡ của
nó. Hấp dẫn nhờ vậy” (Chế Lan Viên giữa chúng ta, Nhà xuất bản Văn học -
Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Hà Nội, 2000, tr.31). Không đơn giản là mới,
nhiều xu hướng văn chương hiện đại còn sử dụng cái kì lạ, huyền ảo, đi vào vô
thức, tiềm thức, sử dụng lối viết tự động tâm linh; không gian nghệ thuật, thời
gian nghệ thuật, nghệ thuật trần thuật... cực kỳ phức tạp, không dễ nắm bắt.
Từ thực tế
sáng tác và tiếp nhận có thể thấy rằng dị ứng với văn chương hiện đại thế giới
là điều không đúng. Để cách tân thì vai trò của truyền thống văn chương dân tộc
không thể bỏ qua nhưng việc tiếp nhận các giá trị văn chương thế giới là rất
quan trọng. Ở đây tính dân tộc phải được hiểu thật sự khoa học trong thế vận
động. Không thể nhân danh sự trong sáng được hiểu một cách giản đơn là gắn với
truyền thống để kìm hãm sự phát triển của văn chương. Bởi vì: “Có trong sáng động và trong sáng tĩnh, có
trong sáng giàu và trong sáng nghèo… Biết là sao được khi dòng sông ngôn ngữ
tiếp xúc với cái mới, cái lạ thì nó hãy tạm thời bị vẩn đục. Vấn đề là nó phải
nhanh chóng chủ động giải quyết sự đục ấy để không những lặp lại sự trong sáng
cũ mà tiến đến một sự trong sáng mới cao hơn, giàu hơn vì bấy giờ đã thêm yếu
tố mới nhập vào” (Chế Lan Viên, Sđd, tr.339).
Đặc trưng
của nghệ thuật là sự đa dạng, phong phú. Hãy cứ để cho mọi tài năng, mọi khuynh
hướng được tự do nảy nở và phát triển. Đó mới là đổi mới thật sự. Đã có một số
nhà văn, nhà thơ có khát vọng cách tân, tự xếp mình vào xu hướng thơ văn hiện
đại, hậu hiện đại. Tác phẩm của các nhà thơ Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Hoàng Hưng,
Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, của các nhà văn Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh,
Nguyễn Bình Phương... làm cho bạn đọc phân hoá một cách sâu sắc. Người khen thì
khen hết lời, người chê thì như đào đất đổ đi, rất khó nghe.
Vấn đề phức
tạp thêm ở chỗ có một số người muốn được nhìn nhận là tiên phong, ra sức đưa
văn chương vào cái sừng trâu tắc tị, hoặc đổi mới bằng cách đưa lên trang sách
tất cả những gì bẩn thỉu, tục tằn nhất nhằm gây sự chú ý của bạn đọc. Đổi mới
văn chương đâu dễ thế?. Văn chương đích thực là kết tinh của tài năng, huyết
lệ, mồ hôi, thậm chí là tuổi thọ của người viết.
Văn học nghệ
thuật là lĩnh vực của tài năng, của sáng tạo cái đẹp. Không chỉ những cái tầm
thường, mực thước sẽ không sống được với thời gian mà cả những cách tân giả tạo
với những tuyên ngôn, những quảng cáo lập loè màu sắc cũng sẽ bị đời sống văn
chương bỏ qua.Tôi quan niệm văn chương dù đổi mới thế nào thì vẫn phải được
sáng tạo theo quy luật của cái đẹp và dựa trên nền tảng nhân văn. Và cuối cùng
thì tác phẩm phải trả lời được vấn đề là: Có hay, có thú vị không?.
Tôi tin ở
trái tim, khối óc của công chúng hôm nay khi tiếp nhận văn chương. Những tác
phẩm có giá trị thật sự bao giờ cũng là một sinh thể nghệ thuật có sức lay
động, xúc động người đọc.Thơ giả, văn giả như hoa nhựa không có hương vị gì,
chỉ lòe người bằng vẻ sặc sỡ.
Trên cơ sở
cái nền chung khá rộng của văn chương Việt Nam hôm nay đang nổi lên nhu cầu
xuất hiện những nhà văn, nhà thơ thật sự tài năng. Cách đây gần tám mươi năm,
Hoài Thanh-Hoài Chân đã viết: “Chúng ta
cần một thứ thơ không chỉ dành cho một bọn người có học mà làm nao lòng hết
thảy mọi người Việt Nam” (Thi nhân Việt Nam). Thứ văn chương như thế không
chỉ đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của con người đầu thế kỷ XXI, mà còn làm chứng chỉ
đại diện cho văn chương Việt Nam đương đại trước thế giới.
*
PHẠM QUỐC CA
Địa chỉ: Đường Lý Nam Đế,
thành phố Đà
Lạt, Lâm Đồng.
.............................................................................................................
-
Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com.vn ngày 07.04.2020
-
Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
-
Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét