Truyện truyền kỳ: NGHỀ NẾM RƯỢU - Tác giả: Kha Tiệm Ly (Tiền Giang)

Leave a Comment

 

Truyện truyền kỳ:  

NGHỀ NẾM RƯỢU

*

(Tác giả Kha Tiệm Ly)

Cao thám hoa người nước Sái, huyện lệnh đất Mạt Cùng.  Không hạp với đám quan trường tham lam vô độ, bòn rút của công, không chút sỉ liêm, lương tâm chó cắn. Lợi dụng Sái có dịch cúm Háng Thâm, chúng làm giàu lên cả vạn sinh mạng người dân. Cao cả giận, có miệng mà nói chẳng nên lời; bèn lột áo mão trả lại triều đình, về quê “làm người tử tế”!

Bởi lòng trong như nước suối, suốt thời làm quan không hề tơ hào của dân cây kim sợ chỉ, nên căn nhà xưa càng rách nát; nhờ xóm giềng và đệ huynh bốn biển;  người thương hại, kẻ đáp ơn, nên cũng được sáng cơm chiều rượu.

Nửa năm sau, Thám hoa mở lớp dạy học, nhưng ngặt LỄ NGHĨA các vị trong ngành Bộ Lại còn đề nghị bỏ nên chẳng trẻ nào thèm học; bèn xoay qua nghề viết sách; nhưng sách kiến thức, sách dạy làm người cũng chẳng đất dung thân: Ra mấy đầu sách, lỗ nặng, bèn bóp bụng đem bán làm giấy lau khi đại tiện! Lại định làm thơ, nhưng lại thấy thi vương thi bá trùng trùng, vị nào cũng khoe đã in dăm ba chục đầu .. thơ, mỗi lần cả ngàn cuốn, nhưng vì các vị ấy quý văn chương nên không nỡ bán, mà chỉ đem cho, đem tặng; lại khoe có hàng trăm bài được phổ nhạc, nhưng tiếc rằng các ca sĩ người phàm mắt thịt, không hiểu được giá trị nên không thèm hát! Giận thay!

Nhà không còn hột gạo, Thám hoa mặt mày ủ dột, liền lấy bầu rượu ở góc nhà, tu một hơi, “khè” một cái vô cùng sảng khoái. Đoạn cười tràng lớn rồi nghĩ: “Sao ta không làm nghề nếm rượu như lúc theo thầy mài mực? Nghề nầy chẳng phải cho ta ngân lượng để đưa ta từ trường phán đến thi đình đó sao?”

Thời ấy nước Sái thanh niên uống rượu ve kêu, yêu rượu hơn yêu nước… giải khát, nên sáng chiều quán nhậu nghẹt người, vì thế nghề nếm rượu phát triển hơn xưa.  Vốn có biệt tài nếm rượu từ thuở xuân thời, nên rượu nào Thám hoa nếm mà ngài lắc đầu là kể như cho chẳng ai thèm uống; còn gật đầu nói “Hào! Hào!” (Ngon! Ngon!) thì kể như thùng rượu cả ngàn táo ấy đệ tử lưu linh tranh nhau mà uống, chủ đong sáng chiều không kịp!

Tiếng lành đồn xa, tại trường an có một đại nhân có lò nấu rượu để cung cấp cho hàng trăm đại tửu lâu của mình, ngài bèn cho tứ mã tức tốc thỉnh thám hoa về kinh.

Sau khi chào hỏi, chủ nói rõ mục đích của mình, rồi tự tay cung kính đưa thám hoa chén rượu lớn. Thám hoa kề mũi ngửi nhẹ, nhấp một hớp nhỏ, chấp chấp vài cái rồi đặt chén xuống bàn, nhìn chủ nhân (vốn là cực phẩm đại thần), nói:

- Loại rượu đặc biệt được làm bằng loại nếp Giáng Nù nên có hương trinh nữ, được tẩm men Bách Vụ trong Bản Thảo Cương Mục Tần Hồ sơn nhân thời Minh nên vị ấm nồng, hậu ngọt, lại được chưng cất bằng thiên thủy ngày đoan ngọ nên cực kỳ tinh khiết. Rượu quý! Rượu quý!

Quan nhân mát lòng, cười sảng khoái:

- Thám hoa rõ là danh bất hư truyền. Thiên hạ gọi là “Tửu Thánh” không sai!

- Đây không phải loại rượu cho kẻ phàm phu; mà phải là rượu “Tiến Quân Vương” đó!

Quan nhân cười lớn:

- Không sai! Bản chức định dâng cho hoàng thượng đấy!

- Nhưng ngặt  trong rượu có mùi tanh của máu người!

Quan nhân, ngạc nhiên, cả giận:

- Ta trọng thám hoa là đồng liêu, nhưng không vì thế mà ngài lại loạn ngữ sàm ngôn. Thật tiếc cho ta nể trọng thám hoa bấy lâu!

Thám hoa đứng lên, lắc đầu:

- Nhưng đó là sự thật! Hẹn tái kiến!

- Không tiễn!

Thám hoa đi rồi, đại nhân buồn vô hạn, ngài bán tín bán nghi vì xưa nay thám hoa luôn coi lời nói như đỉnh Thái Sơn chưa hề bỡn cợt bao giờ; vội cho người chiết rượu ra vò để rửa thùng rượu hàng ngàn…đấu (đấu=10 lít) xem sao!

Khi thùng rượu cạn, người nhà cả kinh vì thấy dưới đáy có xác một con … muỗi!

Đại nhân ân hận liền cho người túa ra tìm thám hoa, nhưng bóng chim tăm cá!

*

KHA TIỆM LY (Thành viên Wikipedia)

Địa chỉ: 99/5 Đinh Bộ Lĩnh Phường 2,

thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Email: khatiemly@gmail.com

Điện thoại: 0987.701.952  

 

 

 

 

…………………………………………………………………………

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày: 02.01.2022.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét