Nhà văn NAM CAO
TRONG ‘HỒI KÝ NGUYỄN ĐĂNG MẠNH’
Năm 1963, tôi có về
làng Đại Hoàng, quê Nam Cao, cùng với Nguyễn Hoành Khung. Lúc ấy ông bà thân
sinh Nam Cao hãy còn sống. Tôi đã được uống rượu với ông cụ, được ăn cam Đại
Hoàng. Tôi còn được gặp cô Hồng con Nam Cao và một ông em của Nam Cao. Một nông
dân tên là Đạt.
Tôi về Đại Hoàng để
tìm hiểu những nguyên mẫu nhân vật của tác phẩm Nam Cao, vì biết ông hay dùng
nguyên mẫu. Hồi ấy tôi có hướng dẫn một sinh viên tên là Bạch Văn Hợp làm luận
văn sau đại học (tức luận văn thạc sĩ sau này), đề tài là: “Từ nguyên mẫu
đến nhân vật truyện của Nam Cao”.
Chí Phèo không phải
là người cùng thời với Nam Cao. Đó là một nhân vật truyền thuyết của làng. Ngày
xưa có một anh Chí Phèo, làm nghề mổ lợn, giỏi bắt phèo nên người ta gọi là Chí
Phèo. Anh ta thường uống rượu say, đi trên đường làng, chửi trời chửi đất lung
tung, trẻ con chạy theo hàng đàn. Chí Phèo không đâm chém ai cả. Còn Bá Kiến
thì có nguyên mẫu tên là Bá Bính, gần giống như Bá Kiến: bóc lột dân, dâm ô,
cướp cả vợ bố, ngủ với con dâu. Cũng có bốn vợ. Tôi có ghi lại mấy câu vè về Bá
Bính của dân Đại Hoàng (dân Đại Hoàng hay làm vè, Nam Cao gọi là trần ngôn):
Nam Sang nhất tổng Cao Đà
Có thằng Bá Nghị tên là sọc nhăng
Ông mà lại hoá ra thằng
Khôn ngoan nhất mực, nói năng ai tày
Bốn đời lý trưởng trong tay
Bao chiếm điền thổ xưa nay đã nhiều
Thuế tháng năm nhà nghèo cùng khổ
Mày lại còn lạm bổ lạm thu
Mang về xây dựng cơ đồ
Lắng tai ta sẽ bảo cho ân cần
(Theo ông Trần Doãn
Chấn)
Nghe nói vợ ba
Bá Bính bị ta thủ tiêu vì hay ra vào đồn giặc, người ta cho là Việt gian. Còn
vợ tư Bá Bính thì lúc chúng tôi về Đại Hoàng, vẫn còn sống.
Chí Phèo và Bá Bính
chẳng liên quan gì đến nhau cả. Bá Bính chẳng bị ai đâm chém, còn sống mãi sau
cách mạng tháng Tám, và có chân trong Hội Liên Việt.
Như vậy là truyện Chí
Phèo hư cấu nhiều, nhất là nhân vật Chí Phèo. Nam Cao đã bịa ra vụ án mạng Chí
Phèo giết Bá Kiến và tự sát. Ông đã sáng tạo ra một tính cách độc đáo.
Nhưng truyện Nam Cao
đã trở thành sự thật đối với thế hệ trẻ làng Đại Hoàng. Tôi có đến xem bài viết
về lịch sử làng Đại Hoàng trình bầy trên một tờ giấy lớn đặt ở trụ sở uỷ ban
xã, do một học sinh lớp 7 soạn. Anh ta ghi luôn nhân vật truyện của Nam Cao vào
lịch sử: “Xưa có một địa chủ cường hào tên là Bá Kiến…”
Trong truyện Chí
Phèo, Nam Cao nói làng Vũ Đại lắm bè phái do kiểu đất “Quần ngư tranh
thực”. Điều này có thật.
Người làng còn nhớ
năm cánh:
Cánh Bá Bính (Tên
thật là Trần Duy Bính)
Cánh Nhất Hợp.
Cánh Bát Ngọ (tên là
Trần Thế Ngọ). Còn có một người thật thuộc cánh này tên là Năm Ngọ.
Cánh Lý Bật.
Cánh Bát Tụ.
Còn Thị Nở có người
nói có, có người nói không. Cô Hồng, con Nam Cao, thì nói dứt khoát: “ông
ấy bịa”.
Hôm ấy tôi thử hỏi
một ông người làng gặp giữa đường có biết Nam Cao là ai không? Ông
nói: “Biết chứ! Nam Cao là một cán bộ trung ương” – Nghĩa là một ông
quan cách mạng to. Ông nông dân này nghĩ thế, chắc vì thấy nhiều người về thăm,
trong đó có cả ông Tây bà đầm đi xe tu bin. Mới biết người dân Việt nam chỉ
trọng quan lại, chứ nhà văn thì là cái quái gì! Ngay ở nhà Nam Cao, tôi thấy có
mấy bức ảnh Nam Cao chụp với gia đình, bị để mốc và hoen ố hết. Những di vật ấy
thì có giá trị gì mà giữ!
Xem cảnh làng Đại
Hoàng thì thấy hệt như cảnh làng Vũ Đại trong truyện Nam Cao: Làng Đại Hoàng
nhất thôn nhất xã (xã chỉ có một thôn). Đất vườn nhiều hơn ruộng lúa. Lúa của
làng chỉ đủ để nấu cháo hồ vải. Đàn ông không biết đi cày. Đàn bà không biết đi
cấy. Dân làng làm vườn là chính (gọi là “bòn vườn”): trồng trầu, trồng cam,
trồng chuối, trồng dâu:
Cây trồng cau chuối rườm rà
Cam cam, bưởi bưởi, na na, hồng hồng…
(…) Đất thơm là đất trồng trầu
Bãi bồi là đất trồng dâu cứu bần…
Đại Hoàng có
nghề dệt vải. Vào làng cứ nghe ran ran tiếng lách cách dệt cửi. Truyện Nam Cao
cũng hay nói đến nghề dệt, thợ dệt (Dì Hảo, Một bữa no…)
Người nhiều khôn khéo cũng nhiều
Dệt thoi thoi múa, thi diều diều lên
(Vè
Đại Hoàng)
Đại Hoàng cũng như
làng Vũ Đại, nằm bên bờ một con sông gọi là sông Châu Giang (Gió sông thổi lên
vườn chuối nhà Chí Phèo, Thị Nở gọi là “mát như quạt hầu”)
Tìm hiểu Nam Cao nhất
thiết phải gặp Tô Hoài. Ông là một nhà văn hiếm hoi gần gũi và am hiểu Nam Cao
rất sâu. (Tô Hoài có một bà dì tên là Phượng (nguyên mẫu nhân vật Oanh trong
Sống mòn của Nam Cao) lấy chồng làng Đại Hoàng (ông giáo Bao, nguyên mẫu của
nhân vật Đích trong Sống mòn). Bà Phượng phụ trách trường Tiểu học tư thục Công
Thành ở Bưởi. Nam Cao dạy ở đó. Bà Phượng giới thiệu Nam Cao dạy tiếng Pháp cho
Tô Hoài. Nam Cao ở nhà Tô Hoài, cùng ngủ chung một giường, đắp chung một cái
chăn. Tô Hoài chưa vợ. Nam Cao có vợ rồi nhưng vợ ở quê. Đêm đêm họ tâm sự với
nhau đủ chuyện.
Theo Tô Hoài, Nam Cao
cũng có đủ mọi thói xấu trên đời. Nhưng giầu lòng thương người và rất ngây thơ,
cả tin.
Có một lần hai người
đi chơi gái. Họ tìm đến một nhà trọ. Phòng hết. Có một gái điếm nói nhường cho
họ phòng ngủ. Nhưng khi họ vào ngủ thì cô gái điếm kia vào nằm chen ngay vào
giữa, ả than thở về số phận như thế nào đó, Nam Cao rất xúc động, trong khi đó,
ả vẫn sờ soạng và cắn tai Tô Hoài.
Nhưng Nam Cao có một
điều đặc biệt là hay xấu hổ về những thói xấu của mình, về những chỗ tầm thường
phàm tục của mình. Chỗ hơn đời, hơn người của ông chính là chỗ đấy.
Tô Hoài kể cho tôi
nghe một chuyện này, tôi cho là rất có ý nghĩa. Trước 1950, biên giới phía Bắc
nước ta còn bị tụi Pháp chiếm giữ. Con đường số 4 từ Cao Bằng đi Lạng Sơn, Tây
kiểm soát. Nó đóng nhiều đồn bốt dọc đường, thường cho xe cơ giới có vũ trang
đi lại để kiểm soát và đặt lính phục kích ở những lối tắt qua đường. Vì thế cán
bộ ta đi công tác qua đường số 4 rất nguy hiểm. Những đoàn cán bộ muốn qua con
đường này phải tập trung ở một khu rừng gần đó (chỗ Thất Khê), chờ một trinh sát
viên đi thăm dò, nếu không có phục kích, anh ta về báo, các đoàn mới được lệnh
vượt nhanh qua đường. Tô Hoài nói, khi có lệnh xuất phát, tâm lý chung của mọi
người là không ai muốn đi đầu. Vì đã chắc gì không có phục kích. Trinh sát làm
sao nắm chắc được tình hình một trăm phần trăm! Nếu có phục kích thì anh đi đầu
hẳn là toi.
Một lần Tô Hoài và
Nam Cao phải đi công tác qua đường số 4. Nam Cao cũng nhát như ai. Khi có lệnh
vượt đường, Tô Hoài để ý thấy Nam Cao mặt tái, người run. Nhưng ông nhất quyết
đi đầu. Vừa run vừa đi đầu.
Tôi kết luận, Nam Cao
bề ngoài lạnh lùng, ít nói, nhưng bên trong thì sôi sục, luôn đấu tranh tư
tưởng để tự vượt lên bản thân mình. Xét ra ý nghĩa tư tưởng của truyện Nam Cao
là thế: dạy cho người ta biết xấu hổ, hay nói cách khác, muốn lay tỉnh ở con
người ý thức về nhân phẩm, nhân tính. Không phải chỉ nhân vật trí thức, ngay
thằng Chí Phèo cũng đấu tranh tư tưởng để trở lại làm người lương thiện. Chí
Phèo chết như một người khao khát trở lại làm người.
Nguyên Hồng, Kim Lân
đều rất phục Nam Cao.
Lần đầu Kim Lân gặp
Nam Cao ở nhà Nguyễn Huy Tưởng, phố Lò Đúc. Ông thấy Nam Cao rất khiêm tốn, tự
thấy minh tầm thường. Lắm mặc cảm. Có vẻ lạnh nhạt. Không thích vồ vập ai.
Đến kháng chiến chống
Pháp thì có thời gian họ ở với nhau. Nam Cao tỏ ra kính trọng mọi người, phục
mọi người, chỉ thấy mình là xoàng. Nhưng có một lần, uống rượu với thịt trâu
chết. Kim Lân bốc lên hát tuồng. Như Phong rút súng lục đùa dí vào cổ người
khác. Còn Nam Cao thì lớn tiếng: “Tao đéo phục thằng Goocki”. Té ra con người
này cũng không hẳn chỉ có khiêm tốn đâu! Nam Cao chỉ phục Sêkhốp, cho Goocki ồn
ào quá.
Bản thảo của Nam Cao
viết rất sạch sẽ. Nhưng không quý bản thảo của mình. Bản thảo Sống
mòn nhờ có Nguyên Hồng giữ mới còn, giữ trong suốt cuộc kháng chiến, đến
khi hoà bình lập lại mới giao cho Hội văn nghệ. Tên truyện vốn là Chết
mòn. Khi in, Xuân Thuỷ đề nghị sửa là Sống mòn.
Nam Cao nhát. Rất sợ
máy bay. Kim Lân cho biết như thế. Mỗi lần có máy bay, ông chạy vội xuống hầm,
chui chui, nấp nấp, rất tội. Thế mà ông đã bị giặc bắt và đem ra bắn.
Hồi ấy Nam Cao vào
Thanh hoá dự một hội nghị về văn nghệ. Hội nghị kết thúc, lẽ ra ông trở về Việt
Bắc theo đường số 6. Nhưng ông lại muốn đi vào vùng địch, tạt về thăm làng mình
nghe nói đã thành làng du kích. Ông có nguyện vọng viết về làng Vũ Đại đứng lên
đánh giặc. Đã viết được mấy chục trang nhưng tự thấy không ra gì nên vất đi.
Ông cho là vì thiếu thực tế, nên nhân dịp này về làng để tìm thực tế. Ông đi
theo một đoàn cán bộ tuyên truyền thuế nông nghiệp, đóng vai một anh y tá hay
cán bộ Bình dân học vụ gì đó. Họ đi bẩy cái thuyền nan, vì lúc đó vùng chiêm
trũng Ninh Bình, Hà Nam nước trắng băng. Nam Cao cùng mấy cán bộ lãnh đạo ngồi
chiếc thuyền đầu. Vừa ghé đến làng Vũ Đại thì sa lưới bọn Commandos. Đoàn đã
được thông báo đêm ấy chúng đã rút đi rồi, hoá ra có một toán đóng ở lại. Thật
không may cho Nam Cao!
Không biết lúc
viết Chí Phèo, Chết mòn (tức Sống mòn), Nam Cao đã tới hay đã nghe
nói có một cái làng thật tên là Vũ Đại hay chưa. Làng này thuộc tỉnh Ninh Bình,
giáp với Hà Nam, kề ngay đường số 1 (nay thuộc xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn).
Chẳng lẽ lại có một sự trùng hợp ngẫu nhiên một cách kì lạ thế sao giữa một cái
tên làng trong truyện hư cấu với một cái tên làng có thật – cũng không xa làng
Đại Hoàng của Nam Cao bao nhiêu. Một sự kì lạ nữa là Nam Cao lại bị bắt ở đúng
cái làng mang cái tên ấy và bị bắn chết ở đó. Mà sao ông lại đi trên cái thuyền
đầu? Các thuyền sau họ đều chạy thoát cả. Số mệnh xui nên thế, hay là lại do
cái tính cách “vừa run vừa đi đầu” như cái hồi vượt đường số 4 với Tô
Hoài năm nào?
Mà lẽ ra Nam Cao có
thể chưa bị thủ tiêu, nếu như đêm ấy không có chuyện một người trong đoàn cán
bộ bị bắt bỏ trốn mà không thoát. Bắt được mấy cán bộ ViệtMinh ở làng Vũ Đại,
bọn Commandos đưa tất cả qua đường số 1 sang giam ở nhà thờ Mưỡu Giáp cách làng
chừng vài ba trăm mét. Do cuộc trốn chạy thất bại của anh cán bộ kia, chúng đem
tất cả ra bắn ngay tại cánh đồng Mưỡu Giáp trước cửa nhà thờ. Đó là vào một đêm
tháng 11 – 1951, Nam Cao mới 36 tuổi.
Như đã nói, viết
truyện, Nam Cao hay dùng nguyên mẫu.
Hầu như toàn bộ nhân
vật trong Sống mòn đều có nguyên mẫu cả, và hầu hết đều là người làng
Đại Hoàng: nhân vật Oanh, nguyên mẫu là Phượng, một bà dì của Tô Hoài. Chồng
của Oanh là Đích, nguyên mẫu của Đích là giáo Bao, người Đại Hoàng. San nguyên
mẫu là Trần Đức Phấn, hồi Pháp thuộc từng đăng lính sang Tây, sau 1945 xung
phong theo đoàn quân Nam tiến. 1954, tập kết ra Bắc, đóng lon trung tá, có thời
gian phụ trách điện ảnh quân đội. Mô (anh lao công đánh trống trường), nguyên
mẫu là Trần Văn Đa, sau cách mạng xung phong đi phát triển kinh tế miền núi ở
Phú Thọ. Bá Kiến, nguyên mẫu là Trần Duy Bính. Liên vợ giáo Thứ, nguyên mẫu là
Trần Thị Sen vợ Nam Cao. Còn giáo Thứ, nguyên mẫu là tác giả – Trần Hữu Tri,
tức Nam Cao.
Sách viết xong năm
1944. Nhưng mãi đến 1956 mới in được.
Trong một bài viết về
Nam Cao, Nguyễn Đình Thi cho rằng do tác phẩm phê phán hiện thực như thế nào
đấy nên kiểm duyệt thời Pháp không cho xuất bản. Thực ra không phải. Có hai lý
do: một là khoảng năm 1940 - 1945, do chiến tranh, giấy khan hiếm. Cuốn tiểu
thuyết của Nam Cao lại khá dầy mà tác giả chưa phải là một tên tuổi ăn khách
lắm. In ra, các nhà xuất bản sợ bán không được. Hai là tác phẩm viết quá sát sự
thật về toàn những người quen biết trong làng mình. Vì thế sách in ra cũng
ngại. Ông nói với Tô Hoài, đại ý là phải đợi cho các nguyên mẫu kia “tịch” hết
cả đi rồi mới in được.
Năm 1956, khi sách
được xuất bản, hầu hết các nguyên mẫu đều còn sống cả, chỉ duy có nguyên mẫu
của nhân vật giáo Thứ, tức Nam Cao, thì không còn nữa.
Nam Cao có một tập
nhật ký. Tô Hoài giao cho Hà Minh Đức. Trong cuốn sách Hà Minh Đức viết về Nam
Cao, in năm 1960, 1961 gì đó (Nam Cao, nhà văn hiện thực xuất sắc), anh có
trích vài đoạn trong cuốn nhật kí này.
Cuốn nhật ký ấy nay ở
đâu? chắc vẫn trong tay Hà Minh Đức. Có của quý, cứ giữ độc quyền, mà không
biết dùng, thật phí. Giống như có gươm báu mà không biết dùng. Giữ làm gì!
Mời
nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Đăng Mạnh0
- Các bài viết của
(về) tác giả Xuân Diệu0
- Các bài viết của
(về) tác giả Trần Đăng Khoa0
- Các bài viết của
(về) tác giả Tạ Duy Anh0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Quang Thiều0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Bình Phương0
- Các bài viết của
(về) tác giả Sương Nguyệt Minh0
- Các bài viết của
(về) tác giả Trần Mạnh Hảo0
- Các bài viết của
(về) tác giả Dương Ninh Ninh0
- Các bài viết của
(về) tác giả Nguyễn Bàng0
*.
Láng Hạ, tháng 11 -
2007
NGUYỄN ĐĂNG MẠNH
Địa
chỉ: Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà
Nội.
.............................................................................................................
- Cập nhật từ
email: datinh_1974@yahoo.com ngày 22.12.2020
- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét