‘KIM VÂN KIỀU TRUYỆN’ CÒN RẤT NHIỀU ĐIỀU CHƯA RÕ RÀNG - Tác giả: Lê Thanh Long (Hà Nội)

Leave a Comment

 

“KIM VÂN KIỀU TRUYỆN”

CÒN RẤT NHIỀU ĐIỀU CHƯA RÕ RÀNG

*

(Tác giả Lê Thanh Long)

Hiện nay ở nước ta có ba cuốn “Kim Vân Kiều truyện” được dịch ra tiếng Việt

1. Bản “Kim Vân Kiều truyện” in đầu tiên sớm nhất là bản dịch của Hùng Sơn Nguyễn Duy Ngung, do Cao Bá Cẩn in lần đầu năm 1925. Sau đó được Công Ty Văn Hóa Việt, Nhà xuất bản Văn Học in lại năm 2006. Bản dịch này không nói rõ dịch từ cuốn sách “Kim Vân Kiều truyện” nào của Trung Quốc, cuốn đó in năm nào?

Bản dịch này có lời bình của Thánh Thán ở ngay mỗi chương. Mà Kim Thánh Thán (1608 - 1661), vậy suy ra bản “Kim Vân Kiều truyện” của Trung Quốc phải ra đời ít nhất là vào thời Kim Thánh Thán còn sống, tức là rất lâu rồi. Theo các sách, Thanh Tâm Tài Nhân tên là Từ Văn Trường (1521 - 1593), tất nhiên ông phải viết “Kim Vân Kiều truyện” trong khoảng thời gian này.

2. Bản dịch “Kim Vân Kiều truyện” của hai ông Nguyễn Đức Vân và Nguyễn Đăng Na được in bằng Rô nê ô năm 1962, được Nhà xuất bản Hải Phòng in năm 1994, sau đó được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội in lại năm 1999. Bản dịch này cũng không nói rõ dịch từ cuốn sách “Kim Vân Kiều truyện” nào của trung Quốc, sách đó in năm nào?

3. Bản dịch “Kim Vân Kiều truyện” của Tô Nam Nguyễn Đình Diệm, xuất bản ở Sài Gòn, năm 1971. Bản dịch này cũng không nói rõ dịch từ cuốn “Kim Vân Kiều truyện” nào của Trung Quốc, sách đó in năm nào?

4. Nhà xuất bản Xuân Phong Văn nghệ in lần đầu cuốn “Kim Vân Kiều truyện” ở Trung Quốc bằng tiếng Trung Quốc là vào năm 1983. Bản sách này cũng không nói rõ được in từ cuốn sách nào, sách đó xuất bản năm nào? Trong khi Trung Quốc cho in bản dịch “Truyện Kiều” của Nguyễn Du sớm hơn rất nhiều, do Hoàng Dật Cầu dịch, Nhân dân Văn học Xuất bản xã, Bắc Kinh, xuất bản năm 1959.

Tất cả các bản sách đều không nói rõ dịch và in từ cuốn sách nào, cuốn sách ấy được in năm nào? Sự mù mờ này gây cho người đọc và người nghiên cứu “Truyện Kiều” nhiều nghi ngờ về sự chưa rõ ràng của cuốn “Kim Vân Kiều truyện”. Ngay cả phía Trung Quốc cũng im lặng, không có một lời giải thích nào về chuyện này, họ không tìm thấy hay là không có bản truyện cổ này? Câu chuyện này thật là khó hiểu.

Trong khi đó các nhà nghiên cứu Việt Nam thì cứ đi chứng minh hộ người Trung Quốc về xuất xứ của cuốn “Kim Vân Kiều truyện”, trong khi những tư liệu có được đều là những tư liệu của nước ngoài, xuất bản thời gian gần đây, nói về những cuốn sách thời xưa. Ba cuốn sách dịch, đã in đều giới thiệu một cách rất tỉ mỉ, rất tường tận, đến chân tơ kẽ tóc về lịch sử phát triển, về tác giả của cuốn tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện”. Thế mà, cuối cùng, đến nay người đọc, đọc rồi vẫn chả hiểu gì cả về cuốn tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện” này! Người đọc đặt ra rất nhiều nghi vấn về tính xác thực của những tư liệu đã trích dẫn đưa ra.

Tại sao tổ nguồn của “Kim Vân Kiều truyện” là Trung Quốc lại không đưa ra một tư liệu nào về cuốn sách cổ này? Có lẽ đi tìm lời giải cho câu hỏi tại sao này cần hơn là đi chứng minh hộ cho người khác về sự tồn tại của nó.

Đến đây, xin nói sơ lược về bài viết của Giáo sư Đổng Văn Thành công bố trên “Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng”, số 4, năm 1986 và số 5, 1987. Trong bài viết “So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam” ông chê bai “Truyện Kiều” với mục đích muốn đề cao “Kim Vân Kiều truyện”. Bài viết này sau 18 năm, đến năm 2005 mới được công bố trên báo chí ở Việt Nam.

Ông Đổng Văn Thành viết: “Cuốn sách của Thanh Tâm Tài Nhân bị vùi lấp hàng mấy thế kỷ trong văn học sử Trung Quốc, từ cuối đời Thanh cho tới những năm 50 của thế kỷ XX, cuốn tiểu thuyết ấy hầu như được ít người biết đến. Trong tất cả các sách về lịch sử tiểu thuyết, lịch sử văn học, kể từ cuốn “Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc” của Lỗ Tấn đến nay, đều không có đến nửa chữ giới thiệu về nó. Thứ hai, ông Tôn Khải Đệ, chuyên gia nghiên cứu tiểu thuyết Trung Quốc, người sớm nhất nhắc đến nó trong sách “Thư mục tiểu thuyết” được thấy ở Tokyo - Nhật Bản, xuất bản năm 1932, lại coi nó là điển hình của những tác phẩm kém cỏi. Ông nghiêm khắc chê bai: “Dựa vào sự việc của Thúy Kiều mà viết cho sáng rõ ra, vốn có thể mở một thế giới khác ngoài lối tiểu thuyết cũ rích in hệt nhau, tiếc rằng lực hút của tác giả quá yếu, không thể mang lại sức sống cho Thúy Kiều”. “…Cuốn sách hầu như bị sổ toẹt, từ đó tiếng xấu lan xa trong ngoài nước. Lúc được phát hiện thì đồng thời cũng là lúc dường như bị phán quyết án tử hình”. “… Nếu không có Nhà xuất bản Xuân Phong Văn nghệ in lại tiểu thuyết đời Minh - Thanh (1983), hẳn bộ tiểu thuyết này còn bị ngăn cách với bạn đọc lâu hơn”.

Chúng tôi trích dẫn một số ý kiến của ông Đổng Văn Thành để bạn đọc thấy rõ ràng tại sao ở Trung Quốc lại ít hoặc không thấy có tư liệu nói về cuốn “Kim Vân Kiều truyện” này. Đến như Giáo sư Văn học Đổng Văn Thành, Phó Chủ nhiệm Phòng văn học cổ đại, Đại học Liêu Ninh Trung Quốc, trừ cuốn “Kim Vân Kiều truyện” in năm 1983, còn không tiếp cận được một tài liệu nào khác về “Kim Vân Kiều truyện” ở trung Quốc nữa là.

Không biết bản in “Kim Vân Kiều truyện” năm 1983, Nhà xuất bản Xuân Phong Văn nghệ lấy ở đâu ra bản gốc để in?!

Các học giả Trung Quốc sao không nói về cuốn “Kim Vân Kiều truyện” này cho rõ ràng đi, có hay không bản “Kim Vân Kiều truyện” bằng tiếng Hán ở Trung Quốc? Giáo sư Đổng Văn Thành đâu, ông nói gì về chuyện này đi chứ!

____________

Nếu ta truy cập vào Internet, gõ “Kim Vân Kiều truyện”, trong Wikipedia sẽ tìm được các tư liệu giống như lời giới thiệu trong các sách “Kim Vân Kiều truyện” xuất bản bằng tiếng Việt.

Giới thiệu về tác giả Thanh Tâm Tài Nhân, tên thật là gì, sinh năm nào, quê ở đâu, quan hệ với Hồ Tôn Hiến thế nào, thảo tờ biểu “dâng hiêu trắng” thế nào v.v…

Nguồn gốc của “Kim Vân Kiều truyện” phát triển qua các tác phẩm của các tác giả khác nhau từ Chu Tiếp, đến Dư Hoài, Hồ Khoáng, rồi Thanh Tâm Tài Nhân.

Bản chữ Hán ở Việt Nam: Chỉ có một bản duy nhất, bản chép tay ở Viễn Đông Bác Cổ Học viện, ký hiệu A953, nhan đề “Kim Vân Kiều - Thanh Tâm Tài Tử biên thử”, lập ngày 23.3.1954, hiện lưu giữ ở Thư viện Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Bản chữ Hán ở Trung Quốc và nước ngoài: Theo Nguyễn Hữu Sơn và Nguyễn Đăng Na ở Trung Quốc và nước ngoài đã sưu tầm được 13 loại bản khác nhau. Cụ thể đã có những bản nào, in xuất bản năm nào? Hay chỉ nói chung chung vậy?

“Kim Vân Kiều truyện” và “Kim Ngư truyện” ở Nhật Bản cũng chỉ dựa chủ yếu vào bài viết “Kim Vân Kiều và văn học thời Edo” của Gs. Hatakenaka Toshiro viết vào năm 1950, sau đó được Gs. Takeuchi in ở phần sau bản dịch “Kim Vân Kiều” của mình (Kodansha, 1975). Bài viết này nói về Nhật Bản thời Edo (thế kỷ 16 - 19), trào lưu dịch và phóng tác “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân “Tú tượng thông tục Kim Kiều truyện” (1763). Như vậy cũng chỉ là người sau này viết lại chuyện cũ. Có gì chứng minh đó là cuốn sách nguyên thủy rất cổ, đã lưu truyền tới trên 250 năm, từ thời 1763, hay cũng chỉ là bản in thời nay, rồi người nọ đưa lại thông tin của người kia.

“Kim Vân Kiều truyện” bằng chữ Hán ở Trung Quốc, ngoài bản in năm 1983 ra, thì đến nay không thấy đưa ra một bản nào khác cổ hơn.

Tác giả bài viết đưa ra các thông tin này để bạn đọc tham khảo, hiểu rõ thêm về tình hình cuốn “Kim Vân Kiều truyện”.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Các bài bình thơ0

- Các bài bình văn0

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:

*.

Hà Nội ngày 15.10.2020

LÊ THANH LONG

Địa chỉ: Phòng 1132, nhà HH03C, Khu đô thị Thanh Hà,

xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Email: lethanhlong321@gmail.com

Điện thoại: 0822.098.772

 

 

 

 

 

...........................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 17.03.2021

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét