THIỀN DÂN GIAN BÀN VỀ
NGOẠI CẢM
*
(Nhân đọc bài : “tìm mộ bằng ngoại cảm” đăng
trên báo An Ninh Thế Giới số 632, 633, 634, 635).
Hàng bao thiên niên
kỷ nay, loài người luôn tranh cãi nhau về linh hồn. Duy tâm thì bảo có, duy vật
bảo không. Sự mâu thuẫn này là hai mặt của cùng một bản thể cũng như Âm và
Dương trong thái cực. Hay như Hê-ghen nhà triết học Đức gọi đó là sự mâu thuẫn thống
nhất. Sự mâu thuẫn thống nhất này là nguồn gốc của lô gích biện chứng, động lực
để đẩy xã hội tiến lên. Nhà Phật gọi đó là lẽ vô thường, triết học Hy Lạp nói
bằng hình ảnh là: Không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Còn thiền dân gian
đánh giá trong câu mật chú: một vừa hai phải. Nghĩa là Âm cũng phải mà Dương
cũng phải vì đều trong cái “một vừa”.
Người theo chủ nghĩa
duy vật, bằng khoa học kỹ thuật cũng tạo ra con tàu bay vào vũ trụ, đạt đến
được tốc độ ánh sáng, thời gian co giãn theo tốc độ.
Theo thuyết cơ học
lượng tử của Planck, thấy được vật chất vừa là hạt vừa là sóng, vừa là có vừa
là không…
Bằng trực giác, bằng
thiền định từ ngàn xưa Phật chứng minh được thời gian co giãn theo tốc độ khi
Từ Thức, Lưu Nguyễn nhập thiên thai một năm thì dài bằng hàng trăm năm nơi hạ
giới. Vạn pháp cũng sắc sắc không không. Cú cân đầu vân của Đại Thánh cũng bay
hàng vạn dặm.
Học thuyết
Lô-mô-nô-xốp: “Vật chất không tự sinh ra,
không tự mất đi mà chỉ biến từ dạng này sang dạng khác”, thì cũng tương tự
như học thuyết Tây Du Ký: Hòn đá biến thành con khỉ, thành Đại Thánh rồi thành
đấu chiến thắng Phật. Vậy cả thôi.
Viện truởng triết học
Pháp Juylien dùng khoa học kỹ thuật phương Tây để giải thích triết học phương
Đông và dùng triết học phương Đông để minh triết khoa học, kỹ thuật phương Tây.
Đó chính là thiền dân gian: “một vừa hai phải”.
Những bài báo bàn về
ngoại cảm của báo Công an nhân dân đụng chạm tới nhiều vấn đề. Ở đây, tôi chỉ
xin mạn đàm về vấn đề thiền trên quan điểm thiền dân gian của bài báo đó nêu ra.
Điểm đầu tiên, báo
Công an nhân dân giới thiệu anh Nguyễn Văn Nhã: “Người tiêu biểu về khả năng tu hành rồi trở thành nhà ngoại cảm là anh
Nguyễn Văn Nhã. Anh Nhã hiện nay đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Anh thường
ít khi tiếp xúc, gặp mặt người tìm mộ. Những ai muốn tìm được hài cốt người
thân thường gọi điện hỏi anh, anh sẽ chỉ dẫn qua điện thoại. Anh Nhã làm thế vì
không muốn mang tiếng kiếm tiền từ việc chỉ dẫn người đời đi tìm mộ. Chính vì
thế, nhiều gia đình tìm thấy mộ thân nhân qua sự chỉ dẫn của anh, muốn tìm anh
hậu tạ, nhưng không biết anh ở đâu, hỏi địa chỉ thì anh không cho, thậm chí
mang quà đến anh cũng không nhận. Đã có cả ngàn người tìm được mộ nhờ sự chỉ
dẫn của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã. Song, vẫn không biết mặt mũi nhà ngoại
cảm là như thế nào. Việc có khả năng ngoại cảm do đào tạo bài bản chính là nét
độc đáo ở Việt Nam mà các nhà khoa học đang chuyên tâm nghiên cứu, áp dụng…
Để giúp giáo sư Phương - ở tuổi 80, giáo sư Trần Phương (tên thật là Vũ
Văn Dũng) nguyên phó thủ tướng chính phủ, hiệu trưởng trường đại học kinh doanh
và công nghệ Hà Nội – nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã bay từ thành phố Hồ Chí Minh
ra Hà Nội. Anh Nhã kể với giáo sư Phương rằng anh từng là một kỹ sư hoá, đảng
viên, nhiều năm công tác ở đoàn thanh niên thành phố Hồ Chí Minh. Anh Nhã có
khả năng ngoại cảm do học thiền. Anh đã vẽ sơ đồ cả ngàn ngôi mộ và các nhà
thống kê thấy chính xác đến 60%. Bản thân anh cũng không hiểu vì sao anh có khả
năng đó, chỉ biết thông tin viết ra thế nào thì anh vẽ ra vậy. Còn thông tin đúng
hay sai đối với anh vẫn là điều bí ẩn”.
Anh Nguyễn Văn Nhã tự
khai là do tu thiền nên đã có phép thần thông ngoại cảm.
Về vấn đề linh hồn
thì từ nghìn xưa tranh luận giữa duy tâm và duy vật chưa thuyết nào thắng được
thuyết nào:
“Dã tràng xe cát biển Đông
Như ta tranh luận có, không trên đời”
Những sự việc tìm
được hàng vạn ngôi mộ là thật hay giả thì có trời mà biết được. Người tin cũng
đông lắm, người không tin cũng đông lắm. Báo chí đăng tùm lum, nhưng số đông
không phải lúc nào cũng là chân lý.
Nhưng có điều đặc
biệt là ta chỉ đóng cửa trong nhà nói với nhau chơi, chứ không thấy chính phủ
Mỹ, hoặc cá nhân các nước phát triển sang nhờ các nhà ngoại cảm Việt Nam đi tìm
hộ hài cốt thân nhân của họ. Mà người Mỹ họ coi hài cốt thân nhân là thiêng
liêng lắm. Tìm được hài cốt ngoại thì nhà ngoại cảm sẽ trở thành tỷ phú thế
giới. Nếu quả thật họ chỉ làm phúc không tham tiền, thì họ nên mang số tiền ấy
đưa vào quỹ từ thiện, để giúp đỡ người già cả, cơ nhỡ… thì tốt đẹp biết bao?
Hay nhà ngoại cảm
không biết ngoại ngữ để giao thiệp với hồn người ngoại quốc mà lại không mang
được phiên dịch theo, visa gặp hồn ngoại chỉ cấp độc quyền cho nhà ngoại cảm.
Trần sao âm vậy.
Tôi xin nhắc lại, tôi
không tranh luận về ngoại cảm thật hay giả, như báo Công an nhân dân luôn cảnh
báo. Nhà ngoại cảm giả đi lừa người để kiếm tiền là chính, còn nhà ngoại cảm
thật thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ở đây tôi chỉ nhắc
lại việc tu thiền không liên quan gì đến vấn đề ngoại cảm, để đi tìm mồ mả cả.
Hiểu tu thiền để thành ngoại cảm là làm ảnh hưởng đến các vị cao tăng tu ở các
thiền viện như Trúc Lâm Yên Tử, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, thiền viện Trúc
Lâm Đà Lạt. Không ai đi tìm mộ lại đi hỏi các thiền sư đức cao vọng trọng như
hoà thượng Kim Cương Tử, hoà thượng Thích Thanh Từ cả….Ngày xưa có hỏi về mồ mả
thì nhân dân cũng chỉ đi tìm thầy Tả ao chứ không ai lên Yên Tử hỏi thiền sư
Trần Nhân Tôn.
Và dân ta cũng có ca
dao về các loại thầy về mồ mả:
“Hòn đất mà biết nói năng
Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn”
Đặc biệt, có khi thầy
ngoại cảm thấp tay bùa lại bị ma doạ.
Một số thầy tu thiền
giả, chuyên xơi thịt chó chay, chơi gái chay, cầm tiền mặn, khối vị đã vào tù,
chứ không được bỡn như ca dao, tục ngữ: “Bắt
con tôm càng cho thầy bóc vỏ”, thầy chỉ bóc lịch trong trại giam.
Phật Tổ Như Lai đã
dậy đệ tử bài học về phép thuật và ngoại cảm như sau:
Có một lần Như Lai
dẫn đệ tử qua sông, thấy đám đông xúm quanh đạo sỹ có phép khinh công, có thể
bay qua sông. Các đệ tử cũng theo đến xem sư khinh công trổ tài. Như Lai hỏi sư
khinh công phải mất bao nhiêu năm mới có thể luyện được phép thuật này. Sư
khinh công đáp phải dầy công tu luyện 40 năm mới thành đạt. Như Lai quay lại
dậy đệ tử: “Phải mất 40 năm mới bay được
qua sông, các con chỉ mất 2 xu là các con có thể lên đò qua sông”.
Ý Phật dậy chúng
sinh: Thiền là tu tâm dưỡng tính, chứ thiền không học để có phép thần thông,
ngoại cảm.
Câu chuyện Sư khinh
công có lẽ chỉ là huyền thoại, giá mà ngày nay tu thiền như anh Nguyễn Văn Nhã
mà có được phép thuật khinh công, thì các kỳ Ôlimpic, Các anh đi nhẩy cao, nhẩy
xa thì đạt đến 100 lần huy chương vàng và lập kỷ lục vĩnh viễn cho mọi thời đại.
Trong thiền truyện
cũng có những truyện về phép thuật của thiền sư, nhưng đấy chỉ là cái giả đi
tìm cái thật. Như tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, khi chết được chôn cất khâm liệm đàng
hoàng. Một thời gian sau, mọi người lại thấy Bồ Đề Đạt Ma đi một chiếc dép
hoằng dương đạo pháp khắp nơi. Vua Lương Vũ đế không tin đã quật mộ Đạt Ma lên
để tìm sự thật. Quả nhiên dưới mộ chỉ chôn một chiếc dép, Đạt Ma đã dùng phép “Kim
thiền thoát xác”. Sau đó Lương Vũ Đế tiếp tục truy tìm Đạt Ma thì lại nhận được
tin báo Đạt Ma lướt trên ngọn cỏ vượt biển về Tây Thổ. Đây cũng chỉ là phần
huyền thoại để tô điểm cho hợp với trình độ của chúng sinh. Phật thuyết pháp
chia thành hai cách. Với người trình độ thấp người giải theo tục đế, ví dụ như
cuộc đời có trên có dưới, còn theo Đệ nhất nghĩa đế thì trong vũ trụ không có
trên và dưới. Trên với nước Việt Nam thì dưới với nước Mỹ …. Trên dưới tự tánh
vốn không:
“Gà mổ mối
Mối đục chân vua
Vua ăn thịt gà”.
Ngộ được tánh không
đấy là ngộ đạo thiền, đấy mới là phần cốt lõi của tổ thiền Bồ Đề Đạt Ma. Mọi
phép thuật của Đạt Ma chỉ là giả để nổi bật cái thật của thiền là tánh không:
“Thà rằng ở với thằng tù
Còn hơn ở với thằng tu giả vờ”.
Chuyện xưa kể về
ngoại cảm, về pháp thuật một cách huyền bí đều chỉ là bài học về luật nhân quả,
về thiền chứ không vẽ ra pháp thuật ma quái để làm hỗn loạn tâm linh con người.
Chuyện giả để tìm ra cái lõi thật của vạn pháp.
Khổng Minh có ngoại
cảm siêu việt có thể mượn gió Đông Nam để đánh tan 100 vạn hùng binh của Tào
Tháo trong trận Xích Bích. Song, khi ngoại cảm biết mình sắp chết đã làm lễ
dâng sao giải hạn nhưng cũng không thể thoát chết vì can tội thảm sát đội quân
Giáp Mây của Mạnh Hoạch. Ác giả ác báo, luật nhân quả thì không có nhà ngoại
cảm nào vượt nổi.
La hán Mục Kiền Liên
đệ tử có ngoại cảm và pháp thuật cao nhất của Phật tổ Như Lai cũng bị đánh chết
như một tục nhân vì đã gây tội ác định giết mẹ mà không thành. Thiền mượn pháp
thuật để thuyết pháp về luật nhân quả, về tánh không.
Trong truyện “Liêu Trai Chí Dị” của Bồ Tùng Linh,
ngoại cảm pháp thuật tình ái cũng để thuyết pháp luật nhân quả, tánh không mà
thôi.
Còn trong bài viết về
“ngoại cảm” của báo Công an nhân dân thì ngoại cảm chỉ đẩy con người đến rối
loại tâm linh thành mê tín dị đoan. Cách viết cực đoan này làm xã hội mất quân
bình. Người viết cần phân tích rõ về hai mặt của ngoại cảm nếu không sẽ dẫn tới
mạt pháp.
Người đạo cao khi đọc
các bài về ngoại cảm họ sẽ cười phá lên vì thấy mọi sự trên đời đều bị lộn
ngược, tiếng cười của người cao đạo sẽ phá vỡ màn vô minh do tâm ô trượp sinh
ra. Giá mà các nhà ngoại cảm có phép thông huyền như vậy thì ta cũng nên bỏ
viện kiểm sát, bỏ khoa học hình sự, bỏ cả toà án chỉ cần nhờ các nhà ngoại cảm
như Nhuyễn Văn Nhã đi Bô-inh 777 vào nam ra bắc gọi hồn người chết hỏi xem thủ
phạm là ai, rồi vẽ bản đồ chi tiết nơi gây án cùng tang vật. Thế là xong.
Nghĩ đến đây, ta sẽ
cười một cách hỷ xả và mở lòng từ bi để thông cảm với tác giả bài báo về ngoại
cảm. C’ests la vie - đời là như vậy.
Đạo Phật vừa là khoa
học, vừa là triết học vừa là tôn giáo. Đa số mọi người hiểu đạo Phật qua tôn
giáo, về thế giới niết bàn, có đầy đủ các vị Phật.
Ít ai thấy tính khoa
học và triết học của Phật giáo. Về triết học Phật giáo không công nhận có linh
hồn.
Khi các đệ tử của
Phật Như Lai đi thuyết pháp đều bị các phe đối lập chấp vấn về linh hồn.
Như Lai thuyết giảng:
Nếu có người bị mũi tên tẩm thuốc độc bắn trúng, mang đến nhờ ta cấp cứu. Nếu
người đó bắt ta trả lời các câu hỏi cho họ: mũi tên này từ đâu bắn tới, bắn
nhằm mục đích gì và tẩm loại thuốc độc gì…Nếu ta giải thích cho họ đầy đủ thì
bệnh nhân sẽ chết.
Đời là bể khổ ta có
bát chánh đạo để tu hành cứu khổ. Đạo của ta là đạo cứu đời, đạo của ta là đạo
diệt khổ.
Chính phần ấp úng này
của Như Lai giảng về linh hồn lại là bài thuyết thông huyền cực diệu của Phật
pháp vô biên.
Tóm lại, tu thiền là
minh tâm kiến tánh để ngộ được tánh không của vạn pháp, còn phần ngoại cảm chỉ
là phản ứng phụ ngoài tôn chỉ của thiền.
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn
"CÔ" SƯỚNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:
*.
NGUYỄN BẢO SINH
Địa
chỉ: Nhà số 30, ngõ 167, Trương
Định
Hai Bà Trưng,
thành phố Hà Nội
..........................................................................................................
- Cập nhật từ messenger facebook Đinh Dũng
ngày 21.06.2022.
- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét