NGUYỄN BẮC SƠN, MỘT ĐẶC SẢN CỦA THI CA MIỀN NAM - Tác giả: Đỗ Trường (Đức)

Leave a Comment

 

NGUYỄN BẮC SƠN, MỘT ĐẶC SẢN

CỦA THI CA MIỀN NAM

*

(Tác giả Đỗ Trường)

Nếu được phép, chọn gương mặt tiêu biểu cho thơ ca miền Nam thời chiến, thì có lẽ Nguyễn Bắc Sơn là một trong những nhà thơ mà tôi nghĩ đến. Tuy viết ít, nhưng Nguyễn Bắc Sơn có giọng thơ rất đặc biệt. Cái cá tính đặc trưng ấy, ai đã đọc một lần, sẽ bị ám ảnh mãi không thôi. Theo dòng văn học sử, ta có thể thấy, có người cả đời làm và in thơ, nhưng không bao giờ thành thi nhân, và có người chỉ cần một tập, hay một bài thơ đã trở thành thi sĩ. Và Nguyễn Bắc Sơn là một thi sĩ như vậy. Chỉ với thi tập: Chiến Tranh Việt Nam và Tôi đã đủ làm nên chân dung nhà thơ vạm vỡ Nguyễn Bắc Sơn.

Nguyễn Bắc Sơn tên thật là Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1944 tại Phan Thiết. Ông sinh trưởng trong gia đình có bố theo kháng chiến, và tập kết ra Bắc, trở thành sĩ quan cấp cao trong quân đội. Nguyễn Bắc Sơn ở lại quê nhà. Năm 1962 ông đăng lính biệt kích của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, rồi trở về làm lính địa phương quân. Sau 1975 Nguyễn Bắc Sơn sống và viết tại Phan Thiết, cho đến năm 2015 ông qua đời, bởi bệnh tim.

Có thể nói, ngay bài thơ đầu của Nguyễn Bắc Sơn được đăng trên báo Khởi Hành đã gây chú ý cho người đọc. Năm 1972 khi thi tập Chiến Tranh Việt Nam và Tôi do Đồng Dao ấn hành, thì Nguyễn Bắc Sơn trở thành hiện tượng văn học lúc đó. Và mãi hai mươi ba năm sau (1995), Nguyễn Bắc Sơn mới xuất bản tập thơ thứ hai: Ở đời như một nhà thơ Đông phương. Tuy tập thơ này, không gây được tiếng vang, nhưng có thể nói: Nếu Chiến Tranh Việt Nam và Tôi như nút thắt mâu thuẫn nội tâm, thì Ở đời như một nhà thơ Đông phương là nút mở tâm hồn Nguyễn Bắc Sơn vậy.

Từ mâu thuẫn nội tâm đến những câu thơ xuyên qua cuộc chiến.

Tuần nay, tôi mới được đọc thơ Nguyễn Bắc Sơn do Thư Quán Bản Thảo ở Hoa Kỳ gửi tặng. Nhưng không hiểu thế quái nào, nếu thơ ông thi sĩ này, chỉ đọc bằng mắt, thì dường như máu không đủ đi vào khu vực não bộ để tập trung, kích thích đẩy nhanh sự hoạt động và nhận thức. Do vậy, buộc tôi phải đọc cả bằng miệng, và đọc to, vang lên mới thấy thấm, thấy sảng khoái. Và đọc Nguyễn Bắc Sơn, nếu không để khoảng ngắt, dừng, ta chỉ thấy được động, chứ chưa cảm hết cái tĩnh, sự giằng xé trong tâm hồn thi nhân.

Sinh ra trong chiến tranh, và lớn lên trong bom đạn với một cái xã hội đảo lộn tùng phèo, không chỉ có Nguyễn Bắc Sơn, mà cả thế hệ ông ngơ ngác: “Các giáo sư dạy cho lũ học trò những điều họ không tin/ Và chúng ta tin những điều họ không dạy”. Với người cha là một sĩ quan quân đội ở bên kia chiến tuyến, người lính trẻ Nguyễn Bắc Sơn không thể không hoang mang và dao động. Sự đối đầu và nghịch lý ấy chính là mâu thuẫn nội tâm lớn nhất trong cuộc sống cũng như trong thơ Nguyễn Bắc Sơn. Có thể nói, nếu không có mâu thuẫn này, chưa chắc Nguyễn Bắc Sơn viết được những câu thơ đầy tâm trạng, để làm nên thi tập Chiến Tranh Việt Nam và Tôi hay, có tính đặc trưng đến vậy. Cũng từ những nguyên nhân ấy, dẫn đến cái nhìn về chiến tranh rất bi quan, chán chường. Và cái lối viết tưởng như buông trôi, buông thả ấy, thể hiện ngay trên trang thơ của ông:

“Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí

 

Lũ chúng ta sống một đời vô vị
nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau
chọn trời đêm làm nơi đốt hỏa châu
những cột khói giả rồng thiêng uốn khúc

 

Mượn bom đạn chơi trò pháo tết
và máu xương làm phân bón rừng hoang”

(Chiến tranh Việt Nam và tôi)

Tôi không nghĩ, thơ Nguyễn Bắc Sơn độc đáo như một số nhà văn, nhà phê bình đã viết, mà có lẽ, nó mang tính đặc trưng thì đúng hơn. Bởi, khi đọc, ngẫm nghĩ,  ta có thể thấy, thơ ông bắt nguồn, hay chịu ảnh hưởng từ thơ dân gian, khẩu ngữ, với những câu thơ tự trào, tự cảm như: “…Đến năm mười tám đôi mươi/ Tôi nằm dưới đất chồng lôi lên giường/ Một rằng thương, hai rằng thương/ Có bốn chân giường gẫy một còn ba…“ Và cái chất dân gian ấy đã được ông nâng lên, hòa trộn bản ngữ phóng khoáng phương Nam, tuy dân dã nhưng có tính nghệ thuật cao. Có thể nói, Nguyễn Bắc Sơn là người có tài sử dụng ngôn từ. Những từ, cụm từ tưởng rằng cũ, nhưng ông đã đặt nó đúng vào tâm trạng, văn cảnh, nó trở thành từ mới nghĩa mới. Và Chiến Tranh Việt Nam và Tôi như một luồng gió mới, đã thổi đúng tâm lý không chỉ của người lính, của thanh niên trong thời chiến, mà với mọi tầng lớp người đọc. Bởi, những khẩu ngữ hiện thực đưa vào trong thơ, một điều kỵ húy, bấy lâu nay không có trong dòng thơ được cho là bác học. Đoạn trích dưới đây trong bài Mật khu Lê Hồng Phong sẽ chứng minh điều đó:

“Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui…
Ngày vui đời lính vô cùng ngắn
Mặt trời thoáng đã ở phương Tây
Nếu ta lỡ chết vì say rượu
Linh hồn chắc sẽ thành mây bay”

Khi đi sâu vào nghiên cứu thi ca thời chiến miền Nam, ta thấy, cái giọng và chất dân dã, kỵ húy ấy, không chỉ có trong thơ Nguyễn Bắc Sơn, mà bắt gặp khá nhiều ở các thi sĩ khác. Thật vậy, như người lính, nhà thơ Huỳnh Hữu Võ một lần đã viết: “… Anh phải ngủ thật nhiều ban ngày/để đêm từng đêm ngồi ôm súng gác/anh phải cười nơi đây thật to/để khỏi nghe tiếng súng/anh phải văng tục nơi đây cho đã/vì thiếu bóng đàn bà suốt tháng/anh phải thủ dâm“. Tuy nhiên, vẫn giọng và chất liệu ấy, nhưng tài năng sử dụng của mỗi thi sĩ khác nhau. Có một điều cũng cần phải nói, thế hệ chúng tôi, hoặc sau này, khi đọc một bài thơ, hay truyện ngắn, tiểu thuyết rất cần biết thời gian, hoàn cảnh sáng tác của tác giả để hiểu rõ, đi đến cảm nhận cho đúng. Và rất tiếc, tôi đọc, nghiền ngẫm khá nhiều thơ văn thời chiến, nhưng ít có những tác phẩm ghi ngày và nơi viết. Kể cả những cuốn sách của các nhà nghiên cứu sưu tầm cẩn trọng như Thư Quán Bản Thảo, Hoa Kỳ. Do vậy, nếu không tinh, không thận trọng sẽ dẫn đến người đọc hiểu sai hồn cốt của tác phẩm cũng như tư tưởng của nhà thơ, nhà văn ấy.

Có thể nói, Chiến Tranh Việt Nam và Tôi là bức tranh trung thực về cuộc chiến đẫm máu nhất của dân tộc. Là người trong cuộc, nhưng dường như Nguyễn Bắc Sơn đã bước ra khỏi cuộc chiến ấy để viết. Do vậy, thơ ông chắc chắn sẽ không làm hài lòng giới lãnh đạo ở cả hai chiến tuyến. Nhưng nó đã găm vào lòng người đọc, và giá trị không chỉ dừng lại ở thời điểm đó. Thật vậy, với Nguyễn Bắc Sơn đây là cuộc chiến hoàn toàn vô nghĩa. Nó mang lại thân phận rẻ mạt của người lính, cái chết mỏng manh của con người:“Buổi chiều uống nước dòng Ma Hý/ Thằng Xuân bắn chết thằng Mang Khinh/ Hỡi ơi sống chết là mưa nắng/ Gió tối mưa đêm chớ lạnh mình“. Và còn là nỗi đau, nỗi ám ảnh, với những thần kinh điên loạn của con người đã bị vứt ra khỏi cuộc chiến. Tôi không rõ, trước khi viết Nỗi Buồn Chiến Tranh, người lính miền Bắc Bảo Ninh đã đọc Chiến Tranh Việt Nam và Tôi của Nguyễn Bắc Sơn hay chưa? Nhưng cái tâm lý, cùng nỗi ám ảnh, với những cơn thần kinh điên loạn của người lính, thì Nguyễn Bắc Sơn đã đi trước Bảo Ninh nhiều lắm:

“…Mày gởi một chân ngoài trận mạc
Mang về cho mẹ một bàn chân
Mẹ già khóc đến mù hai mắt
Ðời tàn trong lứa tuổi thanh xuân
Chiều chiều ngồi nhà hút ống vố

Ta may mắn tay chân lành lặn
Nhưng tâm hồn trống rỗng bơ vơ
Mỗi ngày chữa bệnh bằng ly rượu
Tối nằm đánh vật với cơn mơ
Ta mắc bệnh ung thư thời chiến
Thoi thóp còn một trái tim khô
Sợ hãi con người hơn thú dữ…”

(Căn bệnh thời chiến)

Cái mâu thuẫn nội tâm cũng như trong thơ, dường như xuyên suốt những năm tháng khoác áo lính của Nguyễn Bắc Sơn. Có những lúc hào sảng, bi tráng hay bất cần, khinh bạc: “Đời mình như ly rượu cạn/ Hắt toẹt đời đi chẳng nhíu mày” (Tha Lỗi Cho Tôi). Và đôi khi buồn thảm, nhẫn chịu, bi ai: “Và nỗi buồn như nước những đêm mưa/… Ngày qua ngày ta chỉ thích đi câu/ Râu tóc mọc dài như bầy cỏ loạn/ Sống thật âm thầm, ai hiểu ta đâu” (Cười Lên Đi Tiếng Khóc Bi Hùng). Thật ra, những mâu thuẫn đó chẳng phải riêng Nguyễn Bắc Sơn, mà nó là mẫu số chung cho mỗi con người trong thời chiến.

Và ai là người vỗ tay cho cuộc chiến này? Vâng có lẽ, chỉ có những kẻ nhân danh chủ thuyết này, học thuyết nọ, đánh đổi xương máu của nhân dân, để đạt mục đích bẩn thỉu, đê hèn của mình mà thôi. Do vậy, cho dù Nguyễn Bắc Sơn, hay bất kể thi, nhạc sĩ nào có viết: “Trong thành phố này ta là người phản chiến” âu đó cũng là chuyện thường tình của con người. Cũng may, Nguyễn Bắc Sơn sinh ra lớn lên ở miền Nam, ở miền Bắc chắc chắn ông thành Nguyễn Chí Thiện thứ hai rồi. Nên khi đọc, nghiên cứu Nguyễn Bắc Sơn, có lẽ không riêng tôi, mà còn nhiều người khác cũng không đặt nặng, đi sâu vào vấn đề này. Cái chính, muốn tìm nguyên nhân mâu thuẫn nội tâm của con người dẫn đến đặc tính thơ văn của thi sĩ mà thôi.

Khi đi sâu vào đọc Chiến Tranh Việt Nam và Tôi, ta có thể thấy, tuy phóng khoáng, tự do, nhưng kỳ lạ, những bài thơ hay của Nguyễn Bắc Sơn thường ở (khung) thơ thất ngôn, bát ngôn. Mật khu Lê Hồng Phong là một bài thơ thất ngôn như vậy. Cái sảng khoái cho người đọc cảm giác như đang tan trong nỗi buồn chiến trận. Cái tính từ “cắc cù“ dân dã, địa phương tính, tưởng chừng cũ kỹ ấy, đã được đặt ở “vị trí đắc địa“, không chỉ cho câu thơ, mà làm cho cả đoạn thơ trở nên khắc khoải khôn cùng. Và một lần nữa, nó khẳng định thêm tài năng sử dụng từ ngữ của nhà thơ:

“Ðêm nằm ngủ võng trên đồi cát
Nghe súng rừng xa nổ cắc cù
Chợt thấy trong lòng buồn bát ngát
Nỗi buồn sương khói của mùa thu”

Một Tiếng Đồng Hồ Trước Khi Lên Đường Hành Quân, là một bài thơ lục bát duy nhất trong thi tập Chiến Tranh Việt Nam và Tôi. Và có thể nói, nó cũng là một trong những bài thơ hay, đặc trưng nhất trong thi tập này. Đọc những câu thơ khẩu ngữ này, ta thấy hiện lên tâm lý một cách trung thực của người lính. Tuy có chút tự diễu, nhưng nó đã phơi bày cái lý tưởng hóa giả dối mà từ bấy lâu nay chúng ta cố tình che đậy:

“Khi tao đi lấy khẩu phần
Mày đi mua rượu đế Nùng cho tao
Chúng mình nhậu đế trừ hao
Bảy ngày sắp đến nghêu ngao trong rừng
Mùa này gió núi mưa bưng
Trong lòng thiếu rượu anh hùng nhát gan…”

Và những câu tự diễu ấy, đã được Nguyễn Bắc Sơn nâng lên, không chỉ để bóc trần cái tàn nhẫn, dã man, mà nó còn bật ra cái tính dung tục hóa bản chất con người của chiến tranh. Sự mất mát ấy, nếu đã đọc câu thơ, lời thán dung tục trong Ly Chiến Sĩ của Phạm Quang Ngọc, hay Khóc Chiến Hữu của Trần Đắc Thắng… viết ở ngay nơi chiến trường, thì có lẽ, ta sẽ hiểu thêm được phần nào những câu thơ của Nguyễn Bắc Sơn chăng? Đọc, và ngẫm nghĩ Bài Ca Khổ Nhục, xem ra cái máu chảy, đầu rơi nơi chiến trường không thấm tháp gì so với nỗi đau, sự mất mát nhân cách của con người:

“Ngửi mày một tí xem làm sao
Thân thể mày bay mùi binh đao
Ngày trước mày hiền như đất cục
Giờ mở miệng ra là chửi tục
Hà hà ra thế con nhà binh
Ngôn ngữ thơm tho như mùi cứt
Ngày trước mày định đi tu tiên
Giờ lính tu bi-đông ừng ực”

Nếu nói, thơ Nguyễn Bắc Sơn là ngông nghênh, ngang tàng, thì dường như ta mới nhìn thấy cái động, cái vỏ ngoài, mà chưa nhìn thấy cái tĩnh, tự tại, an nhiên ở trong lõi vậy. Thật vậy, đọc Nguyễn Bắc Sơn ta không chỉ thấy được những danh, động từ mạnh (như gái điếm, phá phách hay đốt tiền…) ở trong thơ, nhằm phủ lấp đi sự thiếu rỗng của linh hồn người lính nơi chiến trường, mà còn thấy được sự tĩnh tại của nhà thơ, người lính ngay trên đường tác chiến hành quân:.

“Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất
dừng quân đây nói chuyện tiếu lâm chơi
hãy tựa gốc cây, hãy ngắm mây trời
hãy tưởng tượng mình đang đi picnic”

(Chiến Tranh Việt Nam và Tôi)

Và ta lại bắt gặp hình ảnh ấy ở Bức Bích Hoạ Về Một Thành Phố Ban Mai, nơi đằng sau chiến trường. Động từ “gác chân” tưởng chừng bỗ bã, ngang tàng, nhưng trong khung cảnh sớm mai, với nụ cười và điếu thuốc ấy, dường như đã nó bật ra cái an nhiên, thư thái của người lính chiến. Tôi nghĩ, đây là một bức tranh đẹp, thanh bình, và đầy sức sống. Nói thơ Nguyễn Bắc Sơn như một bức tranh tĩnh trong động là vậy:

“Người lính đêm qua đi kích về gác chân lên
Chiếc xe chở đầy những ổ mì vàng nóng hổi
Cười nụ cười đầu tiên trong ngày.
Và bật que diêm đốt thuốc”

Có thể nói, nhân đạo là đặc tính quan trọng, xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo của Nguyễn Bắc Sơn. Nếu ta đã đọc Luân Hoán, Trần Hoài Thư, Tô Thùy Yên…thì thấy rõ, và hiểu sâu sắc hơn cái đặc tính chung này của các thi sĩ quân đội nói riêng cũng như thi ca miền Nam nói chung. Cái tính nhân đạo ấy, dường như không dừng ở tình đồng đội, đồng bào, mà nó đã vượt qua ranh giới đến với bên kia chiến tuyến. Ta hãy đọc lại đoạn trích trong bài Chiến Tranh Việt Nam và Tôi để thấy rõ điều đó:

“Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
xem chiến cuộc như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi “

Những Dự Tính Lãng Mạn Đầu Năm 1970 là bài thơ nhân bản, mang tính thời sự, xã hội cao. Có điều lạ, nếu tách rời, nó chỉ là những câu khẩu ngữ thường nhật, chẳng có tí tẹo nào dính dáng đến thi ca, thơ phú cả. Ấy vậy, gộp tổng thể với nhau, nó lại là một bài thơ hay. Quả thật, tôi đã đọc khá nhiều thơ ca miền Nam, nhưng cái kiểu tưởng tượng phong phú và quái quỷ như Nguyễn Bắc Sơn, có lẽ hơi bị hiếm:

“Ta sẽ đóng vai kẻ hành khất
Gõ cửa những nhà giàu trong thị xã mỗi sáng mai
Ta mang theo một ống sáo đồng
Cùng quyển kinh Việt Nam
Ta xin tiền
Chia cho các người nghèo trong các ấp
Ta đánh thức
Lương tâm người giàu
Bằng tính lì lợm của ta

 

Ta sẽ đóng vai người thợ thiến
Chuyên môn đi thiến vòi
Những thằng điên
Những chính trị gia
Những kẻ say mê giết người vì lý thuyết”

Nếu từ ngữ trong thơ về chiến tranh, về xã hội sần sùi bao nhiêu, thì thơ tình Nguyễn Bắc Sơn đẹp, mượt mà bấy nhiêu. Và Nhị Hồng là một bài thơ tình như vậy. Đọc nó, ngoài cái đẹp đến trong veo, còn cho tôi một cảm giác, dường như thi sĩ đang nối lại mạch thơ Tiền chiến vậy:

““Lòng vui sướng như một chiều nắng tốt
Cầm tay em chầm chậm bước qua sông
Tà áo em buồm trắng đã căng phồng
Những tình ý một đời chưa nói hết”

Có một đặc điểm thú vị, thơ Nguyễn Bắc Sơn thường không liền mạch. Do vậy, cũng như thơ thất ngôn của Đinh Hùng, mỗi bài thơ của Nguyễn Bắc Sơn có thể tách ra thành nhiều đoạn. Mỗi đoạn có thể là một bài thơ tứ tuyệt hoàn chỉnh. Mai Sau Dù Có Bao Giờ là bài thơ điển hình cho thi pháp này của ông. Thật vậy, đọc bài thơ này, không chỉ thấy được mâu thuẫn trong tình cảm đôi lứa, tình yêu quê hương, mà ta còn thấy hơi ấm của tình bạn. Đoạn trích dưới đây, hoàn toàn có thể là bài thơ tứ tuyệt hay sẽ chứng minh cho điều đó:

“Đôi lúc nghĩ trời sinh một mình ta là đủ
Vì đám đông quấy bẩn nước hồ đời
Nhưng nghĩ lại trời sinh thêm bè bạn
Để choàng vai ấm áp cuộc rong chơi.”

Có thể nói, nhìn tổng thể, Chiến Tranh Việt Nam và Tôi là tập thơ hay, nhưng trong đó, không phải không có những câu thơ, bài thơ dở. Và cái dở này thuộc về những câu thơ nói. Đành rằng, trong thơ phải có nói. Nhưng những khẩu ngữ ấy, dứt khoát phải ngắn gọn, súc tích. Thành thật mà nói, có những câu thơ, ta có thể cắt bỏ đến hai từ thừa. Đây có lẽ, là yếu điểm chung của dạng thơ khẩu ngữ, cũng như ở thi tập Chiến Tranh Việt Nam và Tôi.

Sự thật đã giải thoát mâu thuẫn và linh hồn

Sau biến cố 1975 và với thi tập Ở đời như một nhà thơ Đông phương, dù có đớn đau, hay còn gọi là những bi hài kịch đi chăng nữa… nhưng Nguyễn Bắc Sơn đã cởi bỏ được cái mâu thuẫn nội tâm bấy lâu. Bởi, sự thật chế độ, xã hội đã đập vào mắt, cũng như con người và cuộc sống của ông. Nói dại, nếu Nguyễn Bắc Sơn sớm nhận ra sự thật, cởi bỏ được mâu thuẫn nội tâm, thì có lẽ, văn chương miền Nam không có thi tập Chiến Tranh Việt Nam và Tôi. Điều đó chẳng thiếu hụt, buồn tẻ cho văn học nước nhà lắm sao?

“Bố tôi ước mơ làm cho loài người sung sướng
Và thế là ông từ tuổi thanh xuân
Cùng bạn bè đi làm cách mạng
Ông làm cách mạng chừng nào
Thì loài người càng thêm sặc máu
Tôi ước mơ cõi đời tốt đẹp
Và thế là tôi làm thơ ca tụng loài người
Tôi càng ca tụng chừng nào
Thì loài người càng xấu xa chừng nấy
Bi kịch của bố con tôi
Là bi kịch của hai thằng tây đen
Cùng đi kiếm con mèo đen
Trong đêm đen mù mịt” 

(Chuyện Hai Bố Con Tôi)

Dường như, thoát ra khỏi mâu thuẫn, Nguyễn Bắc Sơn đến gần Phật pháp và giáo lý hơn. Cái thực hư, được mất vô thường ấy làm cho tâm hồn thi sĩ trong trẻo hơn chăng: “Dường như đứa trẻ nghìn năm trước / Bây giờ đây vẫn trẻ trong ta / Khi về râu tóc còn nguyên vẹn / Một ngày loáng thoáng một ngày qua” (Một Ngày Nhàn Rỗi). Từ đó thơ Nguyễn Bắc Sơn mang đậm tính triết lý cuộc sống và tình yêu hơn:

“Ta đọc ba ngàn quyển sách
Xong rồi chẳng nhớ điều chi
Ta chỉ nhìn em một cái
Sao mà nhớ đến mê si”

(Giai nhân và sách vở)

Càng lớn tuổi, thơ Nguyễn Bắc Sơn dường như trở nên nhẹ nhàng và lãng mạn. Chiêm Bao Về Đà Lạt là một bài thơ hay, tôi thích nhất trong giai đoạn sáng tác này của ông. Sự đồng cảm ấy, bởi có lẽ, những năm đầu tuổi trẻ, tôi cũng đã từng sống ở đó chăng? Xa Đà Lạt, xa giàn su xanh thuở ấy, chẳng phải mười năm, mà đến tận giờ này vẫn còn lạnh buốt con tim vậy. Chúng ta hãy đọc lại đoạn trích của bài thơ tự sự, với cái lối so sánh ẩn dụ này:

“Kỳ lạ nhỉ! Giờ đây ta bỏ xứ
theo trái phong du, níu gió lên trời
xin bái biệt cổ thành với nhà ga không thiết bị
khói của chòi rơm, bãi cát trăng soi

 

Ừ Đà Lạt ngoài khung cửa kính
giàn su xanh thuở ấm má em hồng
và ta, kẻ mười năm không áo lạnh
biết đời mình đủ ấm hay không?”

Cho đến những năm tháng cuối đời, Nguyễn Bắc Sơn luôn luôn đứng về phía lẽ phải, những người dân cùng khổ. Đọc những bài thơ có tính thời sự xã hội của ông trong thời gian này, từ ngữ nhẹ nhàng, ẩn vào tâm linh, phật pháp, khác hẳn với lời thơ gân guốc, thẳng băng viết trước 1975. Tuy vậy, nó có sức nặng, sức lan tỏa không hề nhỏ. Thật vậy, với tôi Người Hoa Khôi Áo Rách là một trong những bài thơ thời sự xã hội hay nhất kể từ năm 1975 đến nay. Tôi đã tìm kiếm, nhưng vẫn không rõ, bài thơ này được Nguyễn Bắc Sơn viết bao giờ, và trong hoàn cảnh nào? Thoạt tưởng, đây là bài thơ tình, nhưng không phải vậy. Và cái sự cảm thông của nhà thơ: “tiếc câu thơ anh không đủ làm cho đời em ấm cúng” làm cho tôi liên tưởng đến thân phận của người thiếu phụ, thân cò lặn lội, kiếm tiền nuôi chồng nơi lao tù, trong một cái xã hội đầy nhiễu nhương, bỉ ổi:

“…anh có nghe chuyện đời em lận đận
những chuyến đi buôn những chuyến xe đò
tiếng nói sau lưng lời chua chát nhỏ to
dòng lệ em khô nhưng vẫn là dòng lệ mặn
đã qua chưa ôi cái thời đăng đẳng
đứng bên kia sông cũng ngó thấy điêu tàn
băng giá chuyển mình băng giá mau tan
tiếc câu thơ anh không đủ làm cho đời em ấm cúng
tiếc loài người bày ra xích xiềng huyển mộng
đến nỗi quên mình là hạt giống vô biên
câu chuyện tình như ngọn gió miên miên
thổi ấm Kinh Thi thổi lạnh hồn Kinh Dịch

Sau 1975, tuy đã cởi bỏ được mâu thuẫn, nhưng bút lực Nguyễn Bắc Sơn không còn được như trước. Thi tập Ở đời như một nhà thơ Đông phương, và những tác phẩm được viết sau đó, tuy có một số bài hay như: Mùa Thu Đi Ngang Qua Cây Phong Du, Thơ Tình Tháng Chạp, hoặc Chiêm Bao Về Đà Lạt…còn lại dường như chìm vào dòng thơ ba phải nơi quê nhà. Chứ người đọc không tìm thấy vây vỉa, góc cạnh nào như tập thơ Chiến Tranh Việt Nam và Tôi.

Tôi thuộc thế hệ sau Nguyễn Bắc Sơn khá xa, chưa một lần tiếp xúc, gặp gỡ, và chỉ đọc thơ ông qua tài liệu của Thư Quán Bản Thảo gửi tặng trước đây đúng một tuần. Tự nhiên cảm hứng, tôi viết ngay, và vào những lúc rảnh, nơi làm việc. Có lẽ, thời gian qúa ngắn để đủ độ chín viết chân dung một nhà văn. Vì vậy, những suy nghĩ trên của tôi có thể không đúng. Nhưng dù sao đó cũng là một cách tiếp cận nhằm sáng tỏ chân dung một thi nhân.

Và tôi xin mượn hai câu trong bài Thơ Tình Tháng Chạp, để kết thúc bài viết. Có lẽ, hai câu thơ này, vận đúng vào thi tập Chiến Tranh Việt Nam và Tôi và con người Nguyễn Bắc Sơn chăng:

“Tất cả sẽ qua đi điều gì còn ở lại

Một đoá hoa Quỳnh trong cõi trăm năm”

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l


Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn:

CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến

*.

ĐỖ TRƯỜNG

Địa chỉ: Thành phố Leipzig, tỉnh Leipzig,

Bang Sachsen, Cộng hòa Liên Bang Đức.

Email: dotruong07@yahoo.de

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ messenger facebook Trần Hải Sơn ngày 21.10.2021.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét