PHẠM QUỲNH
SỰ NGHIỆP VÀ SỐ
PHẬN
*
Phạm Quỳnh, hiệu Thượng Chi (1892-1945), sinh tại 17 phố Hàng Trống, Hà
Nội; quê gốc Bình Giang, Hải Dương. Ông là quan đại thần triều Nguyễn, đồng
thời là một nhà văn hóa lớn rất nổi tiếng trong lĩnh vực trước thuật văn
chương. Về tư tưởng, ông được đánh giá là một người yêu nước, luôn tranh đấu
cho nền độc lập tự trị Việt Nam, đòi khôi phục quyền hành của triều đình Huế
trên cả ba Kỳ; chủ trương chủ nghĩa quốc gia, quân chủ lập hiến.
Từ năm 1916 ông đã thường xuyên viết bài cho những tờ báo uy tín đương
thời. Sau ông đảm nhiệm các chức vụ như Giáo sư trường Cao đẳng Hà Nội, Tổng
thư ký Hội Khai trí Tiến đức, Giáo sư khoa Bác ngữ học, Văn hóa và Giáo sư Hán
học. Năm 1932 Bảo Đại lên ngôi mời ông giữ chức Thượng thư Bộ Học rồi Thượng
thư Bộ Lại.
Năm 1945 ông bị Việt Minh bắt. Về sự việc này Thiếu Tướng Phan Hàm cho
biết: “Theo lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Nguyễn Tri Phương (tức Thừa
Thiên - Huế), tôi và anh Võ Quang Hồ (nay là Thiếu tướng về hưu) trực
tiếp đi bắt Phạm Quỳnh vào khoảng 14 giờ ngày 23-8-1945 (…) Ông đang ngồi ăn
cơm với vợ con (…) Sau khi giải ông bằng ô tô đến nhà lao Thừa Phủ tạm giam ở
đó cùng Ngô Đình Khôi và con ông Khôi là Ngô Đình Huân, hai chúng tôi hoàn
thành nhiệm vụ. Việc xử bắn Phạm Quỳnh diễn ra như thế nào, theo lệnh ai và vào
thời điểm nào chúng tôi hoàn toàn không rõ.”
Sự kiện Phạm Quỳnh bị bắn có nhiều nguồn tin khác nhau buộc chúng ta
phải tìm đến những sử liệu đáng tin cậy:
I. Báo Cứu Quốc số ra ngày 18-7-1946 tường thuật cuộc xử bắn Phạm Quỳnh
cùng Tổng đốc Quảng Nam Ngô Đình Khôi và con ông Khôi là Ngô Đình Huân, có câu
“…Phạm Quỳnh trước khi nhận mấy viên đạn kết liễu cái đời phản quốc đã co
rúm người lại không nói được câu nào…”.
II. Trong cuốn Histoire du Viêt Nam (Lịch sử Việt Nam) của nhà sử học
người Pháp Philippe Devillers có chép câu: “Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi, cả
hai bị bắt và bị hành quyết theo lệnh Ủy ban Giải phóng hôm 23 tháng Tám gần
Huế - Theo báo Quyết chiến 5-12-1945”. Nguyên văn tiếng Pháp: “Pham
Quynh et Ngo Dinh Khoi, tous deux arrêtés et exécutés sur ordre du Comité de
Libération, le 23 août près de Hué (cf. Quyet Chien Hué 5 décembre 1945).”
*
Là một trọng thần của triều đình nhà Nguyễn nhưng Phạm Quỳnh lại dành
nhiều tâm huyết cho hoạt động văn hóa. Trước tác của ông rất đa dạng, uyên bác
bao gồm báo chí, văn học, triết học, nghiên cứu, khảo luận, cách ngôn, ngụ
ngôn, sân khấu, v.v.. Những tác phẩm quan trọng được đánh giá cao về chất lượng
nội dung gần đây đã lần lượt được tái bản như “Luận giải văn học và triết
học”, “Thượng chi văn tập (5 quyển)” “Tiểu luận
(tiếng Pháp), v.v.. Nhưng công lao, cống hiến lớn nhất phải kể ông là nhà trí
thức đi tiên phong trong công cuộc quảng bá và giữ gìn chữ Quốc ngữ; chủ trương
dùng tiếng Việt giảng dạy ở mọi cấp học thay cho chữ Nho, chữ Pháp với tuyên
ngôn đanh thép “Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn.”
Để có sự nhìn nhận đúng đắn về nhân phẩm đạo đức và những cống hiến quý
giá của Phạm Quỳnh cho nền văn hóa nước nhà, cũng như đánh giá hết sức khách
quan về cái chết của ông, chúng ta hãy cùng nghe những phát ngôn của những vị
từng giữ cương vị đứng đầu ngành sử học Việt Nam nói về ông và đôi lời của
Thiếu tướng Phan Hàm – người trực tiếp bắt ông.
Thiếu tướng Phan Hàm nói: “Khi đến bắt ông, tôi thấy ngôi biệt thự
của ông không sang trọng, không có đồ cổ đồ quý. Ông có dáng người hơi cao,
gương mặt toát vẻ thông minh của người trí thức. Việc bắt Phạm Quỳnh gây xao
động trong tim óc tôi. Tôi cảm thấy như có cái gì không phải, vội vã và thiếu
cân nhắc. Nhưng đây là lệnh cấp trên. Sau này hễ nghĩ đến hình ảnh Phạm Quỳnh
và vợ con ông lúc ông bị bắt tôi lại cảm thấy chạnh lòng”.
Giáo sư Văn Tạo, cựu Viện trưởng Viện sử học nói: “Phạm Quỳnh không
có hành vi tàn ác với nhân dân, không đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân như
nhiều quan lại thời Nguyễn, không ra lệnh bắt bớ tù đày các nhà yêu nước (…)
Mặt khác ông lại có công chuyển tải văn hóa Đông - Tây trên văn đàn báo giới
Việt Nam góp phần làm phong phú thêm cho ngôn ngữ văn hóa dân tộc Việt Nam thời
đầu thế kỷ XX, công lao đó đáng được ghi nhận.”
Giáo sư Trần Huy Liệu Viên trưởng đầu tiên của Viện Sử học Việt Nam
nói: “…Tạp chí Nam Phong của Phạm Quỳnh có nhiều bài khẳng định giá trị cao
quý của văn học Việt Nam (…) Tư tưởng duy lý, duy cảm của Phạm Quỳnh phản ánh lòng
yêu nước của ông trên lĩnh vực văn hóa. Cái chết của Phạm Quỳnh: Ai giết? Ai
chịu trách nhiệm trước lịch sử? Cái chết của Phạm Quỳnh là hậu quả tất yếu của
chủ nghĩa tả khuynh ở một địa phương cụ thể . (…) Phạm Quỳnh bị xử bắn theo
quyết định của những người có trách nhiệm cao nhất trong Ủy ban khởi nghĩa tỉnh
Thừa Thiên năm 1945 (…) Trên cương vị Thượng thư Bộ Học, Thượng Thư Bộ Lại,
Phạm Quỳnh không có một hành động nào chống phá phong trào giải phóng dân tộc
hoặc chống phá đảng Cộng sản Đông Dương. Tất cả những ai cùng thời với ông đều
thừa nhận ông là một Thượng thư liêm khiết. Trước khi bùng nổ Cách mạng tháng
Tám ông đã về hưu, lặng lẽ chuyên tâm đọc sách và viết…”
Hy vọng qua thông tin sơ sài vội vã trên đây chúng ta cũng dễ dàng nhận
ra công-tội của Phạm Quỳnh - học giả uyên bác của Việt Nam bị giết chết ở nửa
đầu thế kỷ trước.
Để kết thúc, chúng tôi xin mượn câu kết trong bài viết năm 2011 của nhà
báo Sơn Tùng nói về nhà văn hóa Phạm Quỳnh: “Đây là bi kịch gia đình hay bi
kịch của cả một dân tộc?”
Ngày 28 - 5 - 2016, một số con cháu ông làm lễ khánh thành
trùng tu mộ và đặt tượng ở cửa chùa Vạn Phúc, thành phố Huế.
Tượng do cháu ngoại ông là Kiến trúc sư Tôn Thất Đại thiết
kế, cao 0,60m ,bệ cao 2m .Tượng đặt sau mộ, mặt trước bia mộ ốp đá
đen, khắc câu nói nổi tiếng của ông: "Truyện Kiều còn tiếng ta
còn. Tiếng ta còn nước ta còn"
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe Khề Khà
Truyện đọc truyện ngắn
CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:
Vũ Thị Hương Mai giới thiệu
Tác giả: Trần
Xuân - nguồn: Trần Xuân
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
0 comments:
Đăng nhận xét