BA
VỊ VUA TỪNG CÔNG KHAI
XUỐNG
CHIẾU NHẬN LỖI LẦM
*
Vua thừa nhận sai lầm của bản thân, công
khai xin lỗi nhân dân và đại thần. Chuyện tưởng như đùa này từng ba lần xảy ra
trong sử Việt.
Dưới thời phong kiến, vua là “thiên tử”,
đấng tối thượng, có quyền cao hơn hết thảy. Người ta thường nghe chuyện quan
lại xin lỗi nhà vua chứ hiếm khi có chuyện vua xin lỗi bề tôi. Thế nhưng, thực
tế vẫn có những vị vua sẵn sàng nhìn nhận sai lầm của mình, xin lỗi đại thần,
bá tánh.
Lý Cao Tông xin lỗi nhân dân
Lý Cao Tông (1173-1210) là vị vua thứ
bảy của triều đại nhà Lý, lên ngôi khi mới 3 tuổi. Trong giai đoạn đầu trị vì,
nhờ có thái phó Tô Hiến Thành ra sức phò tá nên đất nước giữ được sự yên ổn.
Nhưng sau khi thái phó họ Tô qua đời, vua Lý Cao Tông như con thuyền mất lái.
Trẻ người non dạ, lại không có người
thẳng thắn can gián, Lý Cao Tông ngày càng sa vào thói ăn chơi. Đất nước suy
kiệt, giặc cướp nổi lên. Trước thực trạng đau lòng, Lý Cao Tông cuối cùng cũng
nhận ra sai lầm của mình.
Năm 1207, vua xuống chiếu cáo lỗi với
nhân dân: "Trẫm còn bé mà phải gánh vác việc lớn, ở tận nơi cửu trùng,
không biết được cảnh khó khăn của dân chúng, nghe lời bọn tiểu nhân mà gây nên
oán với kẻ dưới. Dân đã oán thì trẫm còn biết dựa vào ai? Nay trẫm sẽ sửa lỗi,
cùng dân đổi mới. Ai có ruộng đất, sản nghiệp bị sung công sẽ được hoàn
lại".
Với bản chiếu này, Lý Cao Tông trở thành
vị vua đầu tiên trong sử Việt công khai xin lỗi nhân dân. Tiếc rằng, sau khi
nhận ra lỗi lầm của mình, ông chỉ làm vua được thêm ba năm thì qua đời. Sự
nghiệp nhà Lý tiếp tục suy vong dưới thời vua Lý Huệ Tông, đến năm 1225 thì sụp
đổ.
Lê Thánh Tông xin lỗi bề tôi
Lê Thánh Tông (1442-1497) là vua thứ năm
của nhà Hậu Lê. Ông được hậu thế đánh giá là vị vua kiệt xuất. Chế độ phong
kiến Đại Việt dưới thời trị vì của ông đạt đến đỉnh cao.
Ngoài tư chất thông minh, tinh thần ham
học, vua Lê Thánh Tông còn rất cầu thị. Ông không ngại xin lỗi ngay cả bề tôi
của mình.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, có lần,
Quốc Tử Giám Tế tửu Nguyễn Bá Ký dâng sớ trách vua làm văn chỉ chuộng lối học
phù hoa, vô dụng mà không chú ý kinh, sử. Trái với lẽ thường, nhận được sớ, vua
Lê Thánh Tông không hề giận, trả lời rằng:
“Nếu ta chuộng văn hoa, không lấy gốc
kinh, sử thì còn sách nào nữa? Ta tự xét mình, xét lời ngươi nói thì trong bốn
chữ 'phù hoa vô dụng' kia, thực đã gồm cả lòng trung rồi. Thế mà ta lại làm văn
mà biện lại, thì ta thực có lỗi. Lúc ấy, người đã kịp thời can ngăn, chẳng vì
thế mà giữ ý”. Từ đó, vua Lê Thánh Tông rất quý trọng tài đức Nguyễn Bá Ký.
Năm 1467, vùng Đông Bắc có loạn, tổng
binh Lê Hối dẹp mãi không được. Triều đình sai Khuất Đả đem quân tương trợ
nhưng cả hai đều bại trận. Khi pháp ti đem hai quan ra xét xử, quan Hình bộ
thượng thư viện dẫn đến lệ bát nghị có ý tha bổng cho hai người này. Đô ngự sử
Trần Xác cũng tán thành cho rằng: "Xưa nay chỉ có tội đại ác và phản
nghịch là không được hưởng lệ bát nghị, chưa từng thấy quan phạm tội thường mà
không cho hưởng lệ này".
Sau khi biết tin, vua dụ rằng:
"Quân pháp chỉ có một chứ không có hai. Nói như lời của Xác chỉ là biện
bác, mê hoặc người mà thôi, phải nên trị Xác về tội này mới được".
Nhưng chẳng bao lâu sau, nhận ra lỗi lầm
của mình, vua lại ra chỉ dụ: "Ta vu oan cho ngươi là kẻ biện bác để mê
hoặc người, đó là ta lỡ lời. Nay, người có mưu kế gì hay cứ nói với ta, ấy cũng
như cơn mưa ngọt đến khi trời nắng hạn, như có con thuyền đến lúc ta cần qua
sông. Người hãy kính nhớ lấy".
Trần Xác là người cương trực, nắm luật
lệ rất chắc, ông đã dám nói những lời thẳng thắn, đúng với nhiệm vụ can gián
nhà vua của mình. Hành động nhận lỗi trước đại thần của vua được đời sau đánh
giá rất cao.
Vua Quang Trung tự nhận sai
Sau cuộc tấn công đánh bại quân Thanh
xâm lược ở Thăng Long vào tết Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung nhận được “đơn kiện”
của người dân nơi đây về việc bia Văn Miếu bị đánh đổ ngổn ngang, thông qua một
bài thơ:
"Bia Tiến sĩ vô can vô tội
Mà vạ lây vì nỗi cháy thành
Bia thì đạp đổ tung hoành
Nhà bia thì đốt tan tành ra tro
Một nền văn hiến lâu dài
Tiếc thay chưa được đón Ngài ngự thăm".
Sau khi đọc được tờ sớ, vua Quang Trung
không hề giận dữ những người đã lên tiếng chỉ trích mình, cũng không bắt tội
người viết bài thơ. Ngược lại, vua thẳng thắn nhận lỗi và phê rằng:
“Ta không trách nông phu
Ta chỉ gờm thầy Nho
Cả gan to mật, dám kêu Vua bằng Ngài!
Thầy Nho là ai? Sắc cho Bộ hỏi, dân khai”.
Vua Quang Trung đã không hạch hỏi tiếp
mà đi ngay vào điều cốt yếu cần giải quyết, cụ thể là cho ngay thánh chỉ cùng
châu khuyên vào tờ đơn Nôm đó:
"Thôi! Thôi! Thôi! Việc đã rồi
Trăm điều hãy cứ trách bồi vào ta!
Nay mai dọn lại nước nhà
Bia Nghè lại dựng trên tòa muôn gian
Cơ đồ họ Trịnh đã tan?
Chớ đổ Trịnh Khải mà oan muôn đời".
Hành động tự nhận lỗi, không trách người
khác của vua Quang Trung được các nhà sử học đánh giá cao, thể hiện cái tâm,
tầm của bậc minh quân.
Mời
nhấp chuột đọc thêm:
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
- Bạn đọc cảm nhận
về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl
Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ QUÊ NGHÈO:
Ngô Thanh Tuấn giới thiệu
Tác giả: Nguyễn
Thanh Điệp Nguồn: zingnews.vn
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
0 comments:
Đăng nhận xét