LÃO PHAN GÀN VÀ HỘI CHỨNG THƠ - Tác giả: Lê Nhật Ánh ; Vũ Thị Hương Mai giới thiệu

Leave a Comment

 

LÃO PHAN GÀN

VÀ HỘI CHỨNG THƠ

*

Sau chiến tranh, những người lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam hay mắc phải những di chứng trầm cảm và các biến chứng khác, nó tác động không tốt mà kéo dai dẵng đến hết cuộc đời. Người ta gọi là "Hội chứng Việt Nam". Còn lão gàn Phan Tiến lại mắc phải “Hội chứng thơ “ mới đáng của nợ ấy !

Một ngày, vào giữa thập niên chín mươi của thế kỷ trước, anh Phạm Hoan à lô cho tôi: "Mày về Bà Rịa, gặp thằng cha thiếu tá điên này nhậu chơi, coi có giúp gì cho hắn !" Ngày đó có được cái điện thoại bàn cũng phải tiêu tốn đến hai chỉ vàng, nên tôi đâu có dám chuyện nhiều. Buổi tối, chạy cánh én về quán bia hơi Cây Phượng, gặp lão thử xem có chuyện gì.

Quẹo ngã tư Xóm Cát hướng về sông Dinh một đoạn, bên phải là quán bia bình dân của anh em nhà Nghị, Lập quê Thái Bình vào mở. Ban đầu chỉ có mươi bàn, sau tăng thêm ghế, bàn cùng lều trại và nới quán. Nói quán cho dân dã vậy thôi, chứ dân đi làm nhà nước về ngồi kín bưng. Dãy bàn phía sát cánh đồng, vốn là chỗ anh em bọn tôi hay ngồi. Hôm nay có thêm một gã hói quê xứ Nghệ. Lão có khoác trên người quần áo kiểu gì thì nó cũng lộ ra cái chất Bắc miền Trung. Anh bạn tôi trợn mắt: "Ơ cái thằng nầy, mầy nhìn cái gì, rót bia ra ly mà chào thiếu tá đi chứ !" Họa sỹ Phạm Hoan cười nói nhanh: "Thằng cha thiếu tá này biết làm thơ và chơi được, bữa nay hắn trả tiền bia".

Thật ra, người tôi gặp hôm ấy là lão Phan Tiến thơ. Đầu hói, mắt xếch, miệng cười như Đười Ươi. Lão xun xoe đến quá mức, làm tôi ngồi không mấy yên tâm. Thường thì người miền ngoài, họ rất khéo chuyện nhờ vả. Nhưng với lão này, tôi thấy nó có sao sao ấy. Vốn là đại uý quân đội, gã bị thoái ngũ nên lão hưu sớm. Những cuộc trà dư, tửu hậu, ngài pháp sư Phạm Hoan mới lên lon thiếu tá cho. Lão buồn, vì không có ai chịu ngồi để bầu bạn, chuyện trò, thơ phú. Nhìn bộ dạng, thì lão Phan gàn này không đủ mưu để mà hại người. Bụng dạ cứ tuốt tuột như ruột ngựa, say lên hứng tình thì lão rút giấy ra làm thơ. Thơ đọc nghe cũng hồn, nhưng khi tĩnh ngồi viết lại thì câu nhớ, câu quên. Thường thì câu quên của lão lại hay hơn câu nhớ. Tại khi say, hay tặng thơ cho người này, người kia trong bàn nên họ nhớ mãi, còn lão thì quên luôn.

Khoảng năm hai ngàn không trăm mười sáu, lão cất công nhờ người đánh máy vi tính, in ra gần mười bản thảo thơ. Họa sỹ Phạm Hoan nể tình, ngẫu hứng vẽ cho cái bìa và đặt tên tập thơ. Lão lò dò, lặn lội nhờ những người nỗi tiếng biên tập và viết lời bạt cho. Thần tượng lâu nay, vẫn là nhà thơ đồng hương xứ Nghệ “ ông Sông Quê “. Sau nhiều bận tới lui, nhà thơ lớn chỉ khen cái bìa sách đẹp và ấn tượng đấy. Và câu an ủi sau cùng với lão là: - “ Anh vẫn coi chú mầy như hội viên! “ . Lão buồn thiu thỉu, về ngồi uống rượu một mình bên sông Dinh có đến vài buổi chiều. Nhà thơ “ lý quê choa “ ngoài Hà Tĩnh, gọi điện phán thêm câu: - Ừ thì cứ nửa hội viên hầy!

Lão giận người, rồi giận ta. Lão bỏ Vũng Tàu, bỏ thơ phú, và bỏ luôn cái Trạm Thu Phí Cỏ May mỗi chiều ngồi trực để ăn lương. Vẫn biết cái danh nghệ sỹ ở đất Bắc, vốn to lắm. Nhiều tay mơ gốc miền Trung, làm văn nghệ đất Mô Xoài. Từ lâu vốn không ưa gì lão, lại cứ nghĩ quẩn quanh xa gần: - Cái lão Phan gàn này không thể ngồi chung chiếu với mình!

Cô đơn chữ nghĩa chừng nửa năm, buồn tình lão theo các thầy học câu kéo ở sông, rồi ở biển. Những lúc ngồi chờ cá, lão lại nghĩ ngợi mông lung. Lão không làm sao quên được các con chữ nên thơ. Thế là đành ngồi viết trên bao bì của gói thuốc lá. Hồn lão cũng vụt lớn lên mỗi ngày, ý tứ chạy vây quanh như bầy cá Vượt đợi mưa về nơi cửa biển.

Lại nói chuyện thơ phú, cảm xúc trong thơ lão có nhiều ý tứ nỗi trội, đôi khi phá cách. So với những người bạn đồng niên ở các câu lạc bộ, thì thơ lão “ ngộ “ hơn. Chỉ phải cái tội, là thơ không bao giờ lão có được câu kết. Nó cứ phải say say, sai sai cái gì đó thì lão mới chịu. Người đời lại nghĩ, cái lão trêu ngươi này. Chữ của lão rõ và đẹp, lúc say càng bay bướm. Những người thân thương thì bảo: - Lão nầy rượu lên, thơ kinh lắm! Ừ thì phải cho lão say mới thơ. Bụng của lão thẳng như ruột ngựa, không để dành được gì cho lâu. Không đăng ý ở đầu này, thời phải kiếm người để mà nghe sướng thơ ở đầu kia. Lão sẵn sàng đi mua rượu thiếu để đãi bạn. Tại cái bệnh hay Lạt lòng, nên mang hết hoa cỏ có trong vườn nhà tặng ai đó mến thương. Chai rượu ngon, chậu Mai quý, giò Phong Lan đẹp hay cây kiểng ưng ý. Hứng tình là chở đi biếu người cho bằng được. Có nhiều bữa bị vợ giận, lão phải nhịn đói, nằm im ngủ chèo queo trên gác mái.

Hội thơ nào mời chơi đâu, dẫu có xa mấy lão cũng tìm đến. Ngày nọ, gặp tay thơ Khổng Vĩnh Nguyên quê Bình Định vào thăm, lão tháp tùng chơi luôn nửa tháng. Do quá mến mộ danh Hàn Mặc Tử, lão đã bươn xe đò ra viếng mộ và cao hứng đề thơ. Ngày ấy, câu lạc bộ thơ Lan Đình Bà Rịa kết nạp hội viên rất khắt khe. Lão cũng phải ráng họa hai bài thơ Đường thì họ mới xét cho vào hội theo tiêu chí.

Bà Rịa là vùng đất lành, nên nhiều văn nghệ sỹ tìm về trú ngụ và làm quê hương. Lão cũng lân la tìm đến họ, cốt là để được làm bạn thơ. Chỉ tiếc cái tính cách quê nhà “ thâm căn cố đế “ của lão lại làm con người ta ái ngại.

Điều may mắn trong đời với lão thiếu tá Phan Tiến, là tập thơ được Hội nhà văn cấp phép xuất bản và ra mắt bạn văn nghệ trong và ngoài tỉnh. Ngày đi trại sáng tác trên Lâm Đồng, lão lâng lâng người nên đêm không ngủ được. Trời Đà Lạt lạnh tanh, lão lang thang xuống hồ Xuân Hương câu cá và làm thơ tình mới kinh chứ. Hôm sau bị trại trưởng mời lên nhắc nhở, cấm chắc. Ngày ở trại mạc, hứng khởi, viết tốt, lão còn đòi leo sang viết tuỳ bút để in sách. Thơ của lão có duyên, cũng đã được các nhạc sỹ mến mộ, phổ nhiều ca khúc dự thi và đoạt giải.

Nhớ lại ngày đọc bản thảo “ Lúc tỉnh, lúc say “ để in. Lão gàn tâm huyết giành nhiều thời gian, và kế hoạch in thơ. Lão làm thuê mướn tất cả mọi công việc ở đời. Hằng mong cho có được đồng tiền chân chính. Lão làm bảo vệ quán ăn, lãnh lương về gã để dành, say lên đem xếp cất thật kỹ, mai tĩnh rồi lại chẳng còn nhớ đâu. Ngày Tết nhất, con cái về dọn nhà, mới lòi ra nhiều gói tiền nho nhỏ. Biết bố in thơ, nên chúng giấu mẹ và góp thêm vào cho bố. Hôm ra mắt thơ, lão mặc Vest còn sướng hơn cưới vợ, ngực đeo Huân Chương và tấm thẻ hội viên mới kẻng. Lão mừng rưng rưng người có đến hơn nửa năm.

Đùng một ngày, gặp lão gàn ở nhà Nguyễn Đăng Minh cùng với ba nhà thơ. Lạ là lão chỉ xung phong đi mua rượu, chứ riêng mình thì hứa chay tịnh. Tôi ngạc nhiên đến phải thốt lên: Á đù ! Cái lão đại uý này hôm nay làm sao thế ? Chỉ nhớ trong đời, lão bị quân đội kỷ luật và cho thoái ngũ ngay ở Lăk. Là do lão không nghe lệnh trên, đã hạ nòng súng để anh Thượng Fulro ở buôn Dongpak chạy vào rừng, sau khi về thăm vợ con.

Tôi luôn quý mến, cái nhân văn trong con người lão Phan Tiến thơ này!

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ TRÒ ĐỜI:

Vũ Thị Hương Mai giới thiệu

Tác giả: Lê Nhật Ánh - nguồn facebook: Nhật Ánh

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét