VỀ BÀI 'VÁN THUYỀN MẶT SÔNG' CỦA BÙI CỬU TRƯỜNG - Tác giả: Phạm Chí Thiện (Sài Gòn)

Leave a Comment

 

VỀ BÀI “VÁN THUYỀN MẶT SÔNG”

CỦA BÙI CỬU TRƯỜNG

*

VÁN THUYỀN MẶT SÓNG

 

Bốn bề mặn chát nước

Quanh quanh sóng bạc đầu

Một manh thuyền rã nát

- Tôi

Đi đâu về đâu?

 

Giông xé buồm tơi tả

Sầm sập bão đuổi nhau

Mịt mù trời lộn biển

-Tôi

Đi đâu về đâu?

 

Chớp loé toang hoang đất

Ùng oàng toé lửa màu

Rách rưới mây tung toé

-Tôi

Đi đâu về đâu?

 

Sóng chồm về vô định

Mang mang không cuối đầu

Ván thuyền tung bọt trắng

- Tôi

Đi đâu về đâu?

*.

BÙI CỬU TRƯỜNG

LỜI BÌNH:

Từ triệu năm trước ,ngay từ thuở loài người chưa có ký tự trên những vách núi, con người đã thể hiện bằng hình vẽ về con người với thế giới tự nhiên; sự hủy diệt của thiên nhiên với muôn loài trên trái đất, đặc biệt là giữa Sự Sống và Cái Chết.

Chưa kể những kiệt tác về nhạc, họa, kiến trúc, điêu khắc, sân khấu... mà đến thế kỷ 21 này người ta vẫn cho rằng chỉ có người ngoài hành tinh mới tạo dựng nổi những kỳ quan huyền bí, trác việt đó. Riêng về thành tựu thi ca cũng không ít những tượng đài khổng lồ, ở ngay trong trái tim, tâm hồn mỗi trái tim hàng tỷ con người; linh thiêng, bền vững, sống mãi hơn bất cứ tôn giáo nào .

Rất lạ là bài thơ "Ván thuyền mặt sóng" đã cho tôi sự thú vị bao nhiêu thì nó cũng khiến tôi choáng ngợp, bần thần bấy nhiêu .

Tôi rất may mắn được gặp gỡ môt số nhà thơ nổi tiếng mà thơ họ đã được nhiều thế hệ yêu thơ Việt Nam, bất kể họ tôn theo chế độ chính trị nào, đều yêu mến. Bên cạnh các tố chất khác như năng khiếu thiên bẩm, di truyền, thông minh, trí nhớ tuyệt vời ra tôi chỉ lưu tâm đến Vốn Ngôn Từ của họ.

Ví dụ như tôi và khá nhiều người khác, dù được coi là "có học" và cũng tập toẹ được dăm bài gọi là thơ. Nhưng vốn từ của tôi cùng những người cỡ tôi chỉ vỏn vẻn vài ba ngàn từ.

Còn những vị tôi vừa nói, vốn từ của họ trên cả chục ngàn nên họ đương nhiên là những Nhà Thơ; còn chúng tôi may mắn lắm cũng chỉ là những Người Yêu Thơ - Cũng toại nguyện lắm rồi.

Tôi choáng ngợp vì bài thơ của nữ thi sỹ: Chỉ có Bốn khổ thơ Năm chữ, nếu tính theo kiểu số học, chỉ vỏn vẹn 80 Từ.

Thế mà với cách dùng như một vị Thần Ngôn Ngữ, thi sĩ đã vẽ lên trời xanh một tác phẩm không phải ở tầm mức "hoành tráng" thông thường nữa. Tôi đã liên tưởng huyền sử Thánh Gióng vừa cưỡi ngựa sắt vừa nhổ hàng chục bụi tre đằng ngà giết hàng ngàn giặc ngoại xâm!

Tôi ngỡ ngàng về mô tả sự cuồng nộ, chết chóc của thiên tai đối với mạng sống con người - một thực thể vô cùng bé tẹo trước nó.

Nếu như với một người làm thơ khác, giả sử biểu đạt những cuồng nộ đó:

“Mặn chát nước bốn bề...

Sóng bạc đầu quanh quanh...

Bão đuổi nhau sầm sập".

Nhưng ở đây thi sỹ nhấn đậm vào hình ảnh:

"Bốn Bề mặn chát nước

Quanh Quanh sóng bạc đầu...”

Vậy thì con người làm sao thoát ra nổi đại thảm họa - là cái chết bị bủa vây, bị bịt kín đó?

Viết tới đây tôi lại thắt tim nhớ đến Ngày Giỗ Tận ở quê tôi. Là một vùng đất ven biển nơi cửa sông Hồng, nhiều năm phải chịu trận mười hai mười ba cơn bão. Bão đổ thường cách nhau dăm ba tuân.Nhưng ngày nọ bão vừa ngớt, sáng hôm sau trời đã hửng nắng, ai ai cũng thở phào; kể cả các bậc "lão nông tri điền". Chẳng ngờ đêm đó bão bất thình lình giáng xuống thêm một trận nữa. Do không phòng bị nên hầu như nhà nào cũng có người chết vì bão nên mới có Ngày Giỗ Tận!

Vậy mà cảnh tượng nhà thơ mô tả trong bài:

Sầm sập Bão Đuổi nhau", thử hỏi thảm họa chết chóc mà nó trút xuống đầu con người sẽ khủng khiếp đến cỡ nào?

Điều khiến tôi ngỡ ngàng tột đỉnh cảm súc là khi săm soi chữ "Tôi" trong bài thơ của "Thần điều khiển ngôn từ" trước những điệp trùng hiểm họa chết người của tự nhiên đó.

Tôi nhớ cuối năm 1968, 6 tháng đi bộ vượt Trường Sơn vào tận miền Đông Nam bộ và câu thơ: “Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa ...” Nhưng bên Đông và bên Tây đó vẫn có khoảng cách là cả dãy Trường Sơn đại hùng vĩ .

Tôi cũng nhớ lại lần đầu ngồi trên máy bay hành khách siêu thanh, tôi đã rợn tóc gáy lúc máy bay hạ cánh vì thoáng sợ hãi nó sẽ phóng luôn, nổ tung vào hàng rào và khu phố phía trước. Nhưng điều đó không xảy ra vì máy bay được điều khiển bằng hệ thống máy móc vô cùng tinh vi, tin cậy.

Còn trong bài thơ, chỉ bằng một từ TÔI thần tình, nhà thơ đã hóa giải tất cả!

Chữ TÔI trong ngữ cảnh như đã nói ở trên mới khiêm nhường, trầm tĩnh, bản lĩnh Con Người biết nhường bao!

Bốn khổ thơ, bốn câu hỏi không sai một chữ, một dấu chấm, phảy. HỎI để mà hỏi chứ tác giả - Vị sứ giả của nhân loại đã có câu trả lời từ lâu lắm rồi.

Ngay Việt Nam của chúng ta thôi, cách nay trên hai trăm năm, Đại Thi hào Nguyễn Du của chúng ta và là Danh nhân Văn hóa Thế giới từng viết: "Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều".

Còn thời nay chúng ta đang và sẽ nằm lòng câu: "Sống chung với lũ" đó sao?

Rồi thời kỳ từ "trường kỳ kháng chiến" và cả mai sau hẳn người Việt nào cũng nhập tâm, ưỡn ngực, ngẩng cao đầu vì chính nghĩa mà "vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng" đấy thôi!

Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của Tổ Quốc ta lấy nguyên mẫu môt bà me có Chín Liệt sỹ là chồng, con, cháu. Mẹ đã ngã xuống vì Độc lập,Tự do, Thống nhất Đất nước đó thôi!

Chính tôi và hàng trăm đồng đội đã chứng kiến thời chống quân xâm lược Mỹ, một gia đình có ba anh em trai ở xã Thanh An,huyện Củ Chi; người anh Hai (anh Cả) là Xã đội Trưởng,chiến đấu anh dũng hy sinh, lập tức người em kế lên thay anh đảm đương vị trí xã đội trưởng. Và khi người anh Ba hy sinh, người em Út vẫn không mảy may ngán ngại, run sợ gánh trọng trách dù tính mạng sống chết có thể xảy ra bất cứ giờ khắc nào!

Tôi xin được "gỉả sừ" một lần nữa rằng: Nếu dùng từ TA thay cho chữ tôi thì mọi điều hay đẹp nêu trên sẽ bị xóa nhòa hết.

Chữ “ta” ở đây sẽ là biểu hiện của sự bất lưc, bó tay, đầu hàng trước hiểm họa hủy diệt khủng khiếp của tự nhiên nhưng vẫn gồng lên mang tính bản năng, bề ngoài mà thôi còn bên trong thì quá rệu rã. Và thực chất chỉ là sự buông xuôi, đành ngồi chờ chết mà thôi!

Bởi vậy bằng tất cả tấm lòng và lý trí của minh, dù chỉ mới được thưởng thức ba bốn bài thơ qua mang - chứ chưa hề được găp nữ thi sỹ, tôi xin được phép khẳng định:

Riêng khía cạnh mới lạ, độc đáo hiếm có, chinh phục người yêu thơ như đã nêu ở trên, nữ thi sỹ Bùi Cửu Trường xứng đáng là thủ lĩnh của những nhà thơ nữ hiện thời.

Tôi biết khẳng định này của tôi có thể "" lên theo kiểu "bị mắng". Nhưng tôi sẵn sàng chấp nhận, nếu tôi sai.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ TÌNH BÁN MUA:

*

PHẠM CHÍ THIỆN

Địa chỉ: 2596/22A Huỳnh Tấn Phát, Phú Xuân.

huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: 086.575.29.10

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 15.07.2017.

- Ảnh minh họa cho bài viết: Tác giả Phạm Chí Thiện và cháu nội.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét