NHỮNG
ĐIỀU LÝ THÚ VỀ
LÝ
CHIÊU HOÀNG
*
Lý Chiêu Hoàng (1218
- 1278) là một trong những vị tiền nhân chịu nhiều trắc trở trong cuộc đời. Bà
sinh ngay sau khi Huệ Tông mắc bệnh điên và mất vào lúc đang có dịch đậu mùa
(tháng 2, bà mất tháng 3/1278). Cuộc đời của bà đã trải qua nhiều thân phận:
Hoàng nhị nữ => Hoàng thái tử => Hoàng đế => Hoàng hậu => Công chúa
=> Bảo Văn Hầu phu nhân và cuối cùng là Thành hoàng 1 số làng.
1/ Lý Chiêu Hoàng là
nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử hơn 1000 năm tồn tại và phát triển của chế
độ phong kiến. Bà là trường hợp duy nhất, độc nhất vô nhị là một nữ hoàng.
2/ Lý Chiêu Hoàng
ngoài là phụ nữ duy nhất từng được phong Thái tử trong lịch sử Việt Nam thì
đồng thời cũng là người ở ngôi Thái tử trong thời gian ngắn nhất. Theo sách Đại
Việt sử ký toàn thư cho biết, tháng 10 năm Giáp Thân (1224) Lý Huệ Tông
"xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng thái tử để truyền ngôi
cho". Như vậy Lý Chiêu Hoàng được lập làm Thái tử và ngay sau đó được
truyền ngôi, vì thế bà làm thái tử không đầy một ngày. Bà không phải Hoàng Thái
Nữ vì ngày xưa, bất luận trai gái đều gọi là tử (子).
3/ Lý Chiêu Hoàng lên
ngôi tháng 10 năm Giáp Thân (1224) khi đó bà mới 7 tuổi, thuộc danh sách những
vị vua trẻ trong lịch sử nước ta.
4/ Lý Chiêu Hoàng làm
vua hơn 1 năm, từ tháng 10 năm Giáp Thân (1224) đến tháng 12 năm Ất Dậu (1225)
thì nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (tức Trần Thái Tông). Bà là vị vua ở
ngôi ngắn nhất trong số các vua triều Lý.
5/ Lý Chiêu Hoàng là
vua triều Lý đặt ít niên hiệu nhất và niên hiệu của bà là một trong những niên
hiệu dài nhất có tới 4 chữ, sử chép rằng: "Chiêu Thánh lên ngôi, đổi niên
hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo" (Đại Việt sử ký toàn thư).
6/ Chuyện hôn nhân
của Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh là một trong những nghi vấn của lịch sử. Chúng
ta đều biết Trần Thủ Độ chính là người "đạo diễn" vở kịch "vợ
nhường ngôi cho chồng", chuyển vương quyền từ tay họ Lý sang họ Trần một
cách êm thấm. Tuy nhiên dường như không hề có lễ thành hôn của Lý Chiêu Hoàng,
sử sách không có dòng nào ghi chép về điều đó, tất cả chỉ dựa trên thông tin
của Trần Thủ Độ mà thôi. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Trần Thủ Độ
tự đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm, sai đóng cửa thành và các cửa
cung, cử người coi giữ. Các quan đến chầu không được vào. Thủ Độ loan báo rằng:
Bệ hạ đã có chồng rồi. Các quan đều nói được, xin chọn ngày vào chầu".
7/ Lý Chiêu Hoàng là
người duy nhất trong lịch sử 2 lần làm công chúa và lại là công chúa của hai
triều đại khác nhau. Bà sinh tháng 9 năm Mậu Dần (1218), sau khi ra đời được
phong làm Chiêu Thánh công chúa. Năm Đinh Dậu (1237) Trần Thủ Độ mượn cớ bà
không thể sinh con nên đã ép Trần Thái Tông phế ngôi hoàng hậu rồi giáng bà
xuống làm công chúa.
8/ Lý Chiêu Hoàng là
người duy nhất trong lịch sử làm vua của một vương triều rồi lại làm hoàng hậu
của một vương triều khác. Ngày 11 tháng 12 năm Ất Dậu (1225) bà nhường ngôi cho
chồng là Trần Cảnh (tức Trần Thái Tông vị vua đầu tiên của nhà Trần) và trở
thành hoàng hậu Chiêu Thánh.
9/ Lý Chiêu Hoàng và
Trần Thái Tông là đôi vợ chồng duy nhất trong lịch sử đều làm vua.
10/ Lý Chiêu Hoàng là
người mang một nỗi oan lịch sử, người đương thời cũng như các sách sử đều cho
rằng bà là người có tội đã làm mất ngôi vương triều Lý. Sách Việt sử tiêu án
cho rằng: "... bà là chất âm mà ở dương vị, trái hẳn lẽ thường"; Việt
giám thông khảo tổng luận chê Chiêu Hoàng là "Vua đàn bà vì thế không gánh
vác nổi cơ nghiệp..." Còn trong dân gian đặt ra câu: "Tộ truyền bát
diệp, diệp lạc âm sinh" nghĩa là: truyền được 8 lá, lá rụng xuống rồi âm
khí sinh ra, ý nói nhà Lý truyền ngôi được đời rồi mất ngôi vì có vua đàn bà.
11/ Một việc xưa nay
chưa từng có trong lịch sử là năm Mậu Ngọ (1258) Lý Chiêu Hoàng trở thành
"phần thưởng" ban cho tướng có công. Chồng cũ của bà là Trần Thái
Tông xét thấy tướng Lê Tần có công đầu trong cuộc kháng chiến chống quân Mông
Cổ nên đã cho ban quốc tính, đổi tên là Lê Phụ Trần và đem Chiêu Hoàng gả cho
vị tướng này coi như là một phần thưởng đặc biệt.
12/ Lý Chiêu Hoàng
lấy Lê Tần khi đã 40 tuổi nhưng từ đó cuộc đời bà mới thực sự có hạnh phúc; bà
đã sinh ra được 2 người con, con trai là Lê Tông, con gái là Ngọc Khuê. Một
điều thú vị là Lê Tông (còn có tên khác là Lê Phụ Hiền) sau này được ban quốc
tính (họ vua) và đổi tên thành Trần Bình Trọng, một danh tướng nổi tiếng với
câu nói bất hủ: "Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc",
ông còn là phò mã triều Trần, được vua Trần Thái Tông gả công chúa Thụy Bảo làm
vợ. Còn Ngọc Khuê sau này được gả cho Trạng nguyên Trần Cố (đỗ khoa thi năm
Bính Dần 1266).
13/ Lý Chiêu Hoàng là
người duy nhất trong lịch sử trải qua 6 danh vị suốt cả cuộc đời thăng trầm: 1.
Công chúa nhà Lý, 2. Thái tử, 3. Nữ hoàng, 4. Hoàng hậu, 5. Công chúa nhà Trần,
6. Phu nhân tướng quân (tước Bảo Văn Hầu).
14/ Lý Chiêu Hoàng mất
ngày 23 tháng 9 năm Mậu Dầu (1278) thọ 60 tuổi; điều đặc biệt kỳ lạ là khi đó
tóc bà vẫn đen nhánh, môi đỏ như tô son, đôi má vẫn một màu hồng đào.
15/ Lịch sử ghi chép
về Lý Chiêu Hoàng với nỗi niềm bi kịch mà không nêu rõ công lao gì trong hơn 1
năm ở ngôi của bà. Thế nhưng trong nhân dân nhiều nơi rất trân trọng tôn bà làm
Thành hoàng vì đã giúp dân xây dựng xóm làng, an cư lạc nghiệp như làng Tình
Quang và làng Giao Tự (Gia Lâm, Hà Nội), làng Yên Thành (nay thuộc quận Ba
Đình, Hà Nội)...
16 / Lý Chiêu Hoàng
là vị vua duy nhất không được thờ ở đền Đô bởi quan niệm "Nữ nhân ngoại
tộc", bà đã làm dâu của họ Trần lại làm mất ngôi nên có tội với nhà Lý vì
thế không được thờ cùng Lý Bát Đế. Nhân dân đã lập một ngôi đền thờ riêng cho
bà ở gần đền Đô đặt lên là đền Rồng (Long miếu điện). Hàng năm vào dịp lễ hội
đền Đô (15/3 âm lịch) người dân lại rước kiệu của bà từ đền Rồng về đền Đô để
bà được gặp vua cha và các vị vua triều Lý.
17. Bà được Trần Anh
Tông sắc phong thần: Chuyện kể rằng, một lần vua Trần Anh Tông đi công tác đến
làng Giao Tự (làng Chè) nay thuộc xã Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội. Đêm đó, vua nằm
mộng thấy bà Lý Chiêu Hoàng. Hôm sau, ông kể cho dân làng nghe và ban cho họ 5
thỏi vàng; 5 nén bạc để lập đền thờ bà Chiêu Hoàng. Sau này, dân tu bổ mở rộng
miếu thành đình, tôn bà làm Thành Hoàng làng Giao Tự.
Một thuyết khác cho
rằng, ngôi đình đã có trước đời Trần Anh Tông. Đến khi quân Nguyên xung đột
biên giới với nước ta năm 1313, Anh Tông đi qua làng Giao Tự và nghỉ lại. Ông
được vị Thành Hoàng làng - tự xưng là Phật Kim báo mộng và phù hộ cứu nước. Vua
đã ban vàng bạc để mở rộng đền và sắc phong bà là "Phật Kim Thượng Hoàng
Thái Hậu Linh Ứng Phụ Quốc Hiến Hựu Khang Nhân Chi Thần".
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Bạn đọc cảm nhận
về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl
- Bạn đọc cảm nhận
về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe nhạc phẩm TẾT QUÊ HƯƠNG
của Minh Vy, qua tiếng hát Cẩm Ly:
Ngô Thanh Tuấn giới thiệu
Tác giả:
Lê Thái Dũng - nguồn: Chuyện đế
vương kỳ thú
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
0 comments:
Đăng nhận xét