CẶP VÕ MỒM LỪNG DANH: HẢO VÀ THIỀU - Tác giả: Đông La (Hải Dương)

Leave a Comment

 

CẶP VÕ MỒM LỪNG DANH:

HẢO VÀ THIỀU

*

Qua chuyện Trần Mạnh Hảo chê Nguyễn Quang Thiều khi Thiều ca ngợi Đinh Thị Như Thuý tôi mới biết đến chuyện Nguyễn Quang Thiều và Đinh Thị Như Thuý.

Hôm nay tôi sẽ bàn chút về ngôn ngữ thơ liên quan đến cặp võ mồm nổi tiếng của thi đàn Việt Nam: Trần Mạnh Hảo - Nguyễn Quang Thiều.

*

Nguyễn Quang Thiều từng viết về ngôn ngữ thơ khi viết về Đinh Thị Như Thuý:

Sự quyến rũ của ngôn ngữ không phải là sự tầng tầng lớp lớp những nghĩa và những cấu trúc đầy tính hình thức mà chúng ta cố tạo ra cho nó hay tìm cách gán ép cho nó. Mà sự quyến rũ của ngôn ngữ là khi nó bị ném thẳng vào bức tường của sự thật và ngay lập tức bật trở lại như chúng ta ném một quả bóng”.

Câu dưới Thiều viết ý “ngôn ngữ như quả bóng ném vào bức tường sự thật” là vô nghĩa. Dù ta có tưởng tượng, liên tưởng đến mấy cũng không thể thấy có một sự tương đồng nào của hiện thực. Vì thực tế, ngôn ngữ là hình thức tái hiện sự thật thông qua quá trình nhận thức. Lẽ ra Thiều phải viết ngược lại, viết rõ hơn mới đúng, mới có nghĩa: “sự thật như quả bóng ném vào bức tường nhận thức nảy ra một hình thức mới là ngôn ngữ”. Như cách nói của Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Quang Thiều đã trình bầy chưa sõi tiếng Việt. Lẽ ra, ý trên Thiều phải viết: “Sự quyến rũ của ngôn ngữ là khi sự thật bị ném thẳng (được phản ánh) vào bức tường của nhận thức (quá trình nhận thức) và ngay lập tức bật trở lại như chúng ta ném một quả bóng”. Có điều viết như vậy là thấy gì viết thế, tức là cách viết của người thường hoặc cách viết của kẻ mang danh nhà thơ nhưng bất tài, nên không thể tạo ra “sự quyến rũ của ngôn ngữ”. Viết vậy, Thiều chứng tỏ mình hoàn toàn dốt về thơ.

Nguyễn Quang Thiều viết: “Người đàn bà chăm chú dõi tìm trái đỏ trong cây là tôi hiểu chị viết về những người đàn bà trong mùa thu hoạch cà phê”. Câu “Người đàn bà chăm chú dõi tìm trái đỏ trong cây” là ngôn ngữ đời thường, ai cũng có thể viết được, không phải là thơ. Phải viết như Đông La tôi đây thấy được cả “nỗi nhớ cong”, “chạm” được vào cả “nỗi cô đơn” của chính mình thì mới là thơ. Bởi thơ là sáng tác, là sáng tạo ngôn ngữ, là viết không giống ai, một cách viết của một tài thơ đích thực: “Anh xa em gần nửa vòng trái đất/ Nỗi nhớ cũng cong theo dáng Địa cầu”; hoặc: “Anh như con thuyền lênh đênh sóng nước/ Nghiêng bên nào cũng chạm phải cô đơn”.

Có lẽ loài người chưa có ai như tôi khi bút chiến mang chính tác phẩm của mình ra làm chứng để lập luận, chắc có nhiều kẻ môi mỏng đã cho tôi là khoe khoang kệch cỡm. Tôi chấp hết, đơn giản là vì để vạch mặt cái ngu, cái bất tài của những kẻ khét tiếng cỡ như Nguyễn Quang Thiều, Trần Mạnh Hảo… thì cần phải dùng tất cả vũ khí mà mình có.

Với câu “thơ” như câu nói thông thường của bất cứ ai của Đinh Thị Như Thuý ở trên, vậy mà Thiều véo von thế này: “Nhưng ánh sáng của câu thơ đã rời khỏi thân xác của một hiện thực đen tối như ánh lửa rời thân xác của một khúc gỗ”. Đúng là thằng huyên thuyên, viết vậy, giống như chuyện Thiều tán gái chứ không phải tán thơ.

Còn ý Thiều viết: “Sự quyến rũ của ngôn ngữ không phải là sự tầng tầng lớp lớp những nghĩa và những cấu trúc đầy tính hình thức mà chúng ta cố tạo ra cho nó hay tìm cách gán ép cho nó”.

Viết vậy, xem chừng ông đương kim Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều lại dốt tiếp, lại thể hiện mình mù tịt về ngôn ngữ thơ ca, thể hiện quan điểm về ngôn ngữ của một kẻ bất tài. Bí kíp ngôn ngữ thơ ca được cha ông ta tinh lọc, kết tinh từ ngàn đời, truyền cho chúng ta là, đặc thù của ngôn ngữ thơ ca chính là sản phẩm của trí tưởng tượng, là việc mượn cảnh tả tình, dùng hình nói ý. Ngay với nước ngoài, khi bàn về ngôn ngữ thơ, Reverdy cũng viết: “Đặc tính của hình ảnh gợi cảm mạnh mẽ trong ngôn ngữ là xuất hiện từ chỗ ngẫu nhiên tương cận của hai sự thực rất xa nhau, mà chỉ tinh thần mới thấy mối liên hệ”. Chính vậy, có nhiều câu thơ có hình ảnh khác với ngôn ngữ giao tiếp, nhưng lại làm nên vẻ đẹp lung linh của thi ca. Để được vậy, nhà thơ phải có tài, đó là việc sử dụng những hình ảnh tương hợp để biểu cảm, biểu đạt, dùng từ phải “đắt”. Như hai câu ca dao: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”. Theo “lý thuyết ném bóng” trên của Nguyễn Quang Thiều thì phải viết: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc nước nhịp nhàng đổ đi”. Nhưng viết vậy chỉ là văn vần chứ không phải thơ. Phải viết “múc ánh trăng” như câu ca dao mới thành câu thơ tuyệt vời, mới bất tử. Với hai câu Kiều cũng vậy: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”. Thực tế không ai có thể “xẻ vầng trăng” được, nhưng với Nguyễn Du trong thơ thì có thể, chính vậy ông mới thành nhà thơ bất tử.

Trước tôi rất lâu, Trần Mạnh Hảo chính là người chê thơ Nguyễn Quang Thiều nhiều nhất, cho là lai căng, như thơ dịch xổi, một thứ thơ giống tây, nhưng là Tây giả cầy nhí nhố. Chỉ vì nhận lầm Thiều quý mình quá, cứ chở tôi về nhà tận Hà Đông cơm nước, ngủ nghỉ; tôi e ngại thì Thiều nói: “Ông không có gì phải ngại vì ông là một thành viên của nhà tôi”. Chỉ lăn tăn trong thơ Thiều có nhiều ẩn ý chống chế độ, nhưng lại nghĩ Thiều gốc công an, có thể nó giả vờ để giăng bẫy bắt phản động. Vì vậy mà tôi đã hết mình “đánh” ông Hảo để bênh vực Thiều. Mà chỉ có tôi lên tiếng chứ bản thân Thiều không thể cãi lại được ông Hảo. Chỉ một lần duy nhất, theo chính “anh Hảo”, Thiều không cãi lại mà là chửi:

Vừa qua, chúng tôi có viết bài phê bình thơ ông Nguyễn Quang Thiều và một số nhà thơ cùng trường phái thơ “Tân…con cóc”. Ông Thiều không tranh luận lại mà lên mạng Internet chửi chúng tôi như một ả mất gà rằng:

Ông Hảo có viết thơ thì chắc không phải là kẻ ác độc đến tận cùng. Nhưng ông ấy là kẻ vô phúc. Kẻ vô phúc thì đáng thương hơn là đáng giận con ạ. Chắc thể nào trước khi chết, ông ấy sẽ nhận ra điều đó… “làm điều bẩn thỉu

Nhưng với những gì anh viết về tôi (tôi xin nhấn mạnh: không liên quan đến thơ ca của tôi) tôi chỉ còn biết nói với anh một câu duy nhất: anh là một thẳng đê tiện và bỉ ổi”. Ký tên Nguyễn Quang Thiều”.

*

Rất lâu rồi, khi tôi còn chưa gặp Nguyễn Quang Thiều, Trần Mạnh Hảo từng cho biết: “Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã lớn tiếng tuyên bố trên các báo ở Thành phố Hồ Chí Minh rằng: “Thơ Việt Nam xuất phát từ đầu óc tiểu nông nên thấp bé tủn mủn vặt vãnh không thể vươn lên cái tầm cao ngất ngưởng của thơ Tây”. Vì thế: “Nguyễn Quang Thiều đã sáng tác thơ bằng tiếng Anh hoặc tiếng Tây Ban Nha, rồi tỷ mẩn tự dịch thơ mình ra tiếng Việt Nam… Từ cách cảm, cách nghĩ, cách ví von, liên tưởng, cách hành văn, kết cấu… tất thảy đều như… tây cả, tịnh không có chút không khí Việt Nam nào, toàn là một thứ thơ tây giả cầy”.

Vậy chê Nguyễn Quang Thiều như vậy, còn thơ Trần Mạnh Hảo như thế nào? Một lần tôi thấy ông trùm phản động Nguyễn Thanh Giang viết về Trần Mạnh Hảo thế này:

Tôi từng bức bối, tởm lợm cái bọn trâng tráo vô luân dám ngang ngược tung hô “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước”, “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với Dân” nhưng không dám, và cũng không tìm được cách nói vừa văn hoa, vừa đã đời như Trần Mạnh Hảo. Trần Mạnh Hảo xổ toẹt cả cuộc kháng chiến chống Pháp”; “Tôi chợt nhớ ra, vào lúc nào đó tôi cũng đã từng lầm nhẩm những câu thơ như tráng ca của Trần Mạnh Hảo”. Rồi Nguyễn Thanh Giang đã dẫn ra bài thơ “Tôi mang Hồ Gươm đi” của Trần Mạnh Hảo mà mình mê đắm. Vì vậy tôi mới xem kỹ cái bài này của Trần Mạnh Hảo xem nó thế nào?

Trước hết, Trần Mạnh Hảo vốn hay bắt bẻ người ta “viết sai tiếngViệt” nhưng đúng như câu ngạn ngữ “gậy ông lại đập lưng ông”, những điều Trần Mạnh Hảo chê bai người khác, nếu viết về chính mình, sẽ rất đúng.

Trần Mạnh Hảo cũng rất giỏi “làm xiếc ngôn ngữ” ngang tài véo von của Nguyễn Quang Thiều. Trước khi phân tích bài “Tôi mang Hồ Gươm đi” cũng cần phải nói có trường hợp có những người khi chê người khác thì xăm soi, bới bèo ra bọ, nhưng khi người ta phân tích thơ mình thì lu loa, cho phân tích thơ mà thô thiển như cầm dao đi mổ lợn, mổ trâu! Thực ra thơ càng tinh tế cao sâu thì càng phải tuân theo những quy luật của tinh tế cao sâu, như các sản phẩm của khoa học công nghệ hiện đại cũng vậy, buộc phải làm theo các cơ sở của tri thức khoa học chứ không phải làm bừa.

Trần Mạnh Hảo viết:

Gió níu hoàng hôn xuống đáy tranh

Lá rụng trời xao động cổ thành

Đổi dòng, sông gửi hồn ngưng đọng

Mượn hồ trả kiếm lại trời xanh

 

Tôi muốn mang hồ đi trú đông

Mà không khiêng vác được sông Hồng

Mà không gói nổi heo may rét

Đành để hồ cho gió bấc trông

 

Sao Hồ Gươm biết tôi ra đây

Mà thương ôm bóng kẻ lưu đầy

Mà lau đôi mắt tôi bằng sóng

Mà cả trời kia xuống hết cây?”

Đây là bài tiêu biểu của Trần Mạnh Hảo, còn được Phú Quang phổ nhạc. Bài thơ của Trần Mạnh Hảo có rất nhiều hình ảnh lạ như “gió níu hoàng hôn”, “Muốn mang hồ đi trú đông”, “khiêng vác sông Hồng”, rồi “gói heo may” v.v… nghĩa là nghe rất kêu. Nhưng đi sâu phân tích cụ thể về ngôn ngữ, như cách Trần Mạnh Hảo vẫn hay làm với người khác, ta sẽ thấy bài thơ hoàn toàn rỗng tuếch, Trần Mạnh Hảo đúng là điển hình về việc “viết sai tiếng Việt”. Như câu “Lá rụng trời xao động cổ thành”. “Lá rụng đầy trời làm xao động cổ thành” thì mới có nghĩa chứ còn “Lá rụng trời” là lá rụng gì? Cái khó ở chỗ này là viết cho có nghĩa thì không thành thơ, mà viết thành thơ thì lại không có nghĩa. Rồi muốn “mang hồ đi trú đông” sao lại “Mà không khiêng vác được sông Hồng”, ông Hảo muốn “mang hồ” đi cơ mà, đâu phải sông Hồng? Thực ra để vần với “đông”, ông Hảo phải viết “Hồng” ở câu dưới để ép vần. Theo truyền thuyết, Hồ Gươm là nơi Lê Lợi sau khi dùng gươm thần đánh đuổi được giặc Minh đã “hoàn kiếm” lại cho Long Vương qua Thần Kim Quy. Như vậy, câu “Mượn hồ trả kiếm lại trời xanh”, Trần Mạnh Hảo đã “nói điêu”!

Thực ra do kém về ngôn ngữ, nói chung là kém tài, Trần Mạnh Hảo đã dùng nhiều từ chủ yếu để ép vần như trên nên rất gượng và làm ra những câu thơ vô nghĩa.

Trần Mạnh Hảo, ngoài “tài” “làm xiếc” ngôn ngữ, nếu theo “lý luận” về đổi mới của Nhà văn Nguyễn Minh Châu, thơ Trần Mạnh Hảo cũng điển hình cho lối viết “minh họa”.

Trần Mạnh Hảo viết:

Mẹ ơi, bất kỳ từ điểm nào trên trái đất

Ai cũng thấy mẹ sinh nhiều con trai

Khi đất nước Việt Nam mang dáng hình tia chớp

Rạch chân trời một lối đến tương lai

Ở đây cũng có sự ép vần khiên cưỡng, để vần với “tương lai” ở câu kết thì Trần Mạnh Hảo phải viết “con trai” ở câu trên, chính vậy mới làm cho khổ thơ lủng củng, khấp khểnh về nghĩa. Sao lại “bất kỳ từ điểm nào trên trái đất/ Ai cũng thấy mẹ sinh nhiều con trai”? Có phải Trần Mạnh Hảo muốn đe dọa thế giới bằng chuyện nước ta có nhiều con trai, rồi sẽ “cung ứng” cho quân đội nhiều lính không? Rồi sao “đất nước mang dáng hình tia chớp/ Rạch chân trời một lối đến tương lai”? Nghĩa là cho nước ta là một “tia chớp” chỉ “lối đến tương lai” bằng cách “rạch chân trời” một nhát, còn tương lai cho cái gì thì Trần Mạnh Hảo không nói; còn ý muốn nói tương lai đó là tương lai của nước ta thì viết như vậy nghĩa là cho nước ta là một quả bom sẽ mở được lối đến tương lai bằng cách nổ một phát!

Còn đây là việc Trần Mạnh Hảo “minh họa” về “hồn thiêng sông núi”:

Tất cả núi đều đổ ra biên giới

Tất cả rừng đều cuộn tới chở che

Giặc phương Bắc mà liều mình lao tới

Những đỉnh núi kia sẽ đổ xuống đè

Có điều “núi” đã chiến đấu được như vậy thì đất nước còn cần gì đến “nhiều con trai”, còn cần gì đến quân đội, súng ống đạn dược nữa.

Còn hai khổ sau:

Thế hệ chúng con đi như gió thổi

Quân phục xanh đồng sắc với chân trời

Chưa kịp yêu một người con gái

Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai

 

Thế hệ chúng con ồn ào, dày dạn

Sống thì đi mà chết thì nằm

Giọt lệ phần mình, nụ cười dành bạn

Đất nước là một cuộc hành quân

Viết vậy là điển hình cho lối viết “minh họa”, cách viết một chiều, chỉ mô tả bề mặt hiện thực chứ không thâm nhập bề sâu, đã miêu tả chiến tranh như ngày hội, dù có hy sinh gian khổ nhưng chỉ có niềm vui mà không có đau thương, người lính Cụ Hồ như con rô bốt chỉ biết xông lên chiến đấu và chiến thắng!

Riêng hai câu này:

Thế hệ chúng con ồn ào, dày dạn

Sống thì đi mà chết thì nằm

thì thật thản nhiên, vô cảm, điển hình cho lối “sáng tác”, nghĩa là những người có chút năng khiếu, có thể sản xuất ra hàng loạt thơ ca bằng cách ghép vần làm ra những câu thơ chung chung, nghe kêu “beng beng”, nhưng là những câu thơ giả, không đúng với hiện thực.

 

Mời thư giãn với nhạc phẩm THẾ SỰ

của Ngọc Phụng, qua tiếng hát Ngọc Phụng:

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết của (về) tác giả Đông La0

- Các bài viết của (về) tác giả Kiều Mai Sơn0

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Mạnh Hảo0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Huy Thiệp0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Hoàng Đức0

- Các bài viết của (về) tác giả Sương Nguyệt Minh0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Quang Thiều0

*.

ĐÔNG LA (tên thật: Nguyễn Văn Hùng)

Địa chỉ: quận Bình Thạnh, thành phố Sài Gòn

Email: donglasg@gmail.com

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: datinh_1974@yahoo.com.vn, ngày 20.12.2022.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét