THỦA THIẾU THỜI CÔ BẢY PHÙNG HÁ - Tác giả: Trang Nguyên ; Nguyễn Đình Văn giới thiệu

Leave a Comment

 


THỦA THIẾU THỜI

CÔ BẢY PHÙNG HÁ

*

Đã có nhiều bài báo viết về cuộc đời và sự nghiệp của nghệ sĩ Phùng Há. Nhưng hiếm có câu chuyện nào về thuở thiếu thời của cô Trương Phụng Hảo (Phùng Há) nổi tiếng nhất trong ngành cổ nhạc Việt Nam. Lần theo tài liệu xưa, qua những câu chuyện nho nhỏ của chính nhân vật kể lại cho giới ký giả kịch trường, mới thấy cuộc đời của người nghệ sĩ đã lắm phong trần từ tuổi thanh xuân.

Từ hai thập niên cuối thế kỷ 19, nhờ làm ăn mua bán giỏi, dòng họ Trương, một gia đình người Hoa đến từ Quảng Ðông trở nên giàu có nức tiếng tại Mỹ Tho. Và khi ông Trương Nhân Trưởng sánh duyên cùng Lê Thị Mai, một người đàn bà Việt Nam chất phác tại làng Ðiều Hoà, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho càng làm cho người ta thèm khát cái địa vị phú quý đó. Song hành với cái gia tài càng ngày càng phát triển, lần lượt bảy đứa bé mang hai dòng máu Hoa – Việt chào đời đem lại niềm hạnh phúc cho cả nhà với những cái tên ghi vào sổ bộ như: Trương Tích Kỳ, Trương Tích Quy, Trương Tích Trung, Trương Ngân Hảo, Trương Liên Hảo, Trương Phụng Hảo, Trương Nguyệt Hảo.

Ðó là những cái tên anh chị em bà nhớ rõ khi tuổi đã ngoài năm mươi, trong quãng đời đẹp đẽ nhất, hào quang nhất của bà dưới ánh đèn sân khấu. Và bà cũng giải thích tại sao người ta gọi là cô Bảy Phùng Há vì bà là người con thứ sáu trong nhà (gọi theo thứ tự của người miền Nam), còn Phùng Há là do tiếng Quảng Ðông phát âm từ tên Phụng Hảo mà thành. Ðây là giai đoạn sự nghiệp sân khấu của bà phát triển rực rỡ và để lại dấu ấn với nhiều vai diễn khác nhau cũng như đào tạo ra nhiều môn sinh xuất sắc trong làng nghệ thuật cải lương Việt Nam.

(Nghệ sĩ Phùng Há trong một vai diễn)

Nhưng để có được Phùng Há vào thời điểm đó, bà đã trả giá cuộc đời qua bao phong trần từ thiếu thời đến tuổi thanh xuân. Có lẽ do cá tính cương nghị của bà xuất hiện quá sớm. Trong khi bên nội, sắp xếp quyết định cuộc đời của các anh chị bà theo cách “Tàu hoá” một trăm phần trăm, từ cách ăn mặc đến ngôn ngữ, từ nếp sống hằng ngày đến vấn đề học vấn. Tuy cô bé Trương Phụng Hảo cũng bị đặt vào khuôn khổ sống và suy nghĩ theo người Tàu nhưng lại có một tâm hồn khác hẳn với các anh chị của mình. Cô bé ấy lại thương mẹ hơn cha, yêu tiếng nước Nam, yêu quê ngoại, yêu nơi chôn nhau cắt rún hơn quê cha của mình, một nơi xa xăm muôn trùng chưa từng trông thấy. Cô bé lại được cái may mắn mặc đồ Việt, cắp sách đến trường người Việt.

Không may, cha qua đời năm bà lên chín tuổi. Gia đình bên nội quyết định hồi hương và đưa cha về Hạc Sơn, tỉnh Quảng Ðông chôn cất.

Bà kể: “Con tàu đưa gia đình bên nội, mẹ và các con nhỏ rời xa nước Việt về xứ lạ Trung Hoa. Tôi cảm thấy như đứt lìa từng đoạn ruột khi phải giã từ Mỹ Tho, chia tay bà ngoại già lụm cụm phe phẩy cánh tay tiễn biệt.

Tàu lìa bến Sài Gòn, cảnh vật quê hương mờ dần sau hàng lệ ràn rụa tuôn rơi ở đôi mắt mẹ tôi”. Cô bé Trương Phụng Hảo đã khóc nhiều với mẹ. Không phải cô không thương cha, yêu mến anh chị em ruột thịt nhưng cô không thích về Tàu.

“Có lẽ do tính khí của tôi như vậy, nên bị anh chị em ruột, bà con bên nội ghét bỏ.

Trong thời gian mang tang cha, tôi đã mếm mùi đắng cay kỷ luật khắt khe của phong tục tập quán người Tàu xưa cũ.

Mẹ tôi là nạn nhân đáng thương hơn hết của tập quán cổ hủ ấy. Làng Hạc Sơn tỉnh Quảng Ðông buồn không sao tả xiết. Những trưa hè, tiếng sáo diều kêu rả rích trên khung trời xanh biếc, những buổi hoàng hôn nắng tắt sau đồi núi chập chùng là những lúc cõi lòng mẹ con tôi tơi bời đổ nát. Tình hoài hương như đốt cháy tâm can. Ở đây thiếu tất cả những hình ảnh thân yêu, thiếu bà ngoại già nua lúc nào cũng yêu thương con cháu, thiếu tình quê hương dân tộc. Hạc Sơn ơi, ta phải rời bỏ mi một ngày nào đây!”.

Lòng ấp ủ một chuyến trở về đất Việt. Thế rồi vào một sáng sớm, làng Hạc Sơn còn chìm trong giấc ngủ, hai mẹ con Phùng Há lặng lẽ ra đi. Bao nỗi đắng cay vây chặt bước đi của người đàn bà và đứa bé gái yếu đuối ấy, nhưng tiếng gọi quê hương cứ giục mãi trong lòng không cho họ dừng bước, cứ đi và đi mãi. Ðã gian truân mà hai mẹ con còn vướng bệnh tật liên miên. Cô bé Phùng Há ngồi gục bên đường, cơn sốt hành hạ dữ dội và những hột đậu nho nhỏ trổ ra trên khắp mình mẩy cô bé. Thật kinh khủng, bi thảm vô cùng. Người mẹ gầy yếu cõng đứa con bệnh hoạn trên lưng bước chân xuống tàu. Quan Tàu thấy có người bệnh trái rạ liền tống cổ mẹ con bà lên bến.

(Nghệ sĩ Phùng Há trong vở Tô Ánh Nguyệt, năm 1958)

Người mẹ đau khổ ấy đã khóc hết nước mắt, cúi đầu van lạy quan Tàu nhỏ lòng thương mẹ goá con côi, tha thiết trở lại cố hương. Cuối cùng, quan Tàu xiêu lòng. Con tàu từ từ rời bến mang theo hai mẹ con vượt trùng dương. Mẹ con Phùng Há khóc mùi mẫn vì quá xúc động, vì quá vui sướng. “Giã biệt Hạc Sơn, xin chào vĩnh viễn nước Trung Hoa của nhà bên nội, của người cha quá cố”.

Ðặt chân trở lại Mỹ Tho thân yêu, người đàn bà goá và cô bé Phùng Há không cầm được nước mắt! Họ đi tìm bà ngoại. Bà già lắm, bà chết ngất khi vòng tay ôm choàng hai mái đầu đứa con gái và đứa cháu quý nhất của đời bà.

Người anh trai lớn của Phùng Há, không theo gia đình bên nội hồi hương lúc cha mất mà ở lại tiếp tục cai quản một lò gạch và một trại cưa của cha để lại do phần công việc làm ăn đang trong thời kỳ phát đạt.

Phùng Há nhớ lại: “Anh Hai không giúp đỡ thật tình hai mẹ con tôi vì chúng tôi không theo nếp sống người Tàu, trở thành người Tàu và sống như người Tàu.

Mẹ tôi tức giận bỏ đi tự lực cánh sinh bằng nghề buôn thúng bán bưng vô cùng vất vả. Còn tôi thì trở thành công nhân tí hon của lò gạch như bao người xa lạ khác”.

Lúc bấy giờ, Phùng Há đã được 13 tuổi nhưng hình vóc cao lớn như cô gái đến tuổi dậy thì. Cô mặc đồ xẩm, nghe được tiếng Tàu nhưng bao giờ cũng nói tiếng mẹ. Sẵn mê thích cổ nhạc và có giọng trầm ấm, Phùng Há được người anh bà con bên ngoại, một nhạc sĩ, dạy cô ca nhiều bài bản. Mỗi lần đi xem hát về, cô nhái theo bộ điệu giọng ca, lời hát của các cô đào hát. Anh chị em công nhân trong lò gạch thích nghe cô ca hát, họ làm việc thay cô để được nghe cô ca hát. Trong những lúc rảnh rỗi, đi dạo chơi trong vườn, leo trèo chuyền cây này qua cây nọ, Phùng Há không để dứt tiếng ca, cô nghêu ngao suốt ngày như con chim hoạ mi. Tiếng đồn “ở lò gạch có con xẩm lai hát hay”. lan rộng khắp làng Vòng Nhỏ (Mỹ Tho).

("Bạch công tử" Lê Công Phước và nghệ sĩ Phùng Há.)

Rồi một hôm nọ có người tìm đến ngỏ ý mời Phùng Há đi hát cho một gánh mới thành lập. Người ấy là ông Hai Cu, thân sinh của kép Hai Giỏi, chồng của cô Năm Phỉ ngày xưa.

Lúc bấy giờ tuy có thích ca hát nhưng Phùng Há không thích bỏ nghề lò gạch làm đào hát. Cô đã có ý từ chối lời mời của ông Hai Cu nhưng mẹ cô đang trong cơn bệnh trầm kha mà lại không có tiền chạy thuốc men. Bà mẹ cương quyết không nhờ vả đứa con trai Tàu lai sắt đá. Ông Hai Cu đưa cho cô 300 đồng lo chạy thuốc thang cho mẹ. Ngày trước đồng tiền còn mắc mỏ, 300 đồng bạc là cả số tiền khá lớn, một số tiền đủ xoay sở trong ngoài và có thể chạy chữa bệnh tình của mẹ chóng lành. Phùng Há bằng lòng và bỏ lò gạch theo gánh Tái Ðồng Ban.

Một việc là dù còn chân ướt chân ráo, Phùng Há lại được giao trọng trách của một cô đào chánh ngay ở buổi hát đầu tiên. Tuồng Kiều, một loại tuồng Tàu. Trong những buổi đầu tập dượt, Phùng Há được mọi người hoan nghinh và nhiệt thành mến mộ. Tiếng đồn lan ra nhanh chóng trong giới nhạc sĩ của xứ Mỹ Tho. Những người có tên tuổi trong làng cổ nhạc tìm đến gánh Tái Ðồng Ban để xem mặt cô Phùng Há, cô đào chánh tí hon – trong số đó có Năm Châu, nguyên là một “cây” lục huyền cầm có hạng. Năm Châu đờn cho Phùng Há hát chơi trong lúc tập tuồng. Năm Châu không nghịch lại với số người ái mộ tài năng của Phùng Há. Ông cũng không phản đối đề nghị của Hai Cu yêu cầu ông đi hát cho Tái Ðồng Ban.

Năm Châu lúc xuân thời là một nghệ sĩ đẹp trai nhứt, lại có căn bản học vấn khá cao và tỏ ra có khiếu về kịch nghệ. Sẵn cảm tài nghệ của Phùng Há, Năm Châu bỏ ngón đàn để trở thành kép chánh bên cạnh cô đào chánh vừa đẹp vừa ca hay hát giỏi.

Cặp Năm Châu - Phùng Há xuất hiện như hai vì sao sáng chói của vòm trời ca kịch từ thuở ấy.

Mối tình bất hủ của Thuý Kiều - Kim Trọng đã hơn một lần sống lại làm say mê khán giả qua tài ca diễn của Năm Châu - Phùng Há. Tái Ðồng Ban sớm gây được tên tuổi qua đôi đào, kép tài hoa trẻ ấy. Tiềng lương mỗi đêm 8 cắc và mỗi tháng là 24 đồng. Không bao lâu, ông bầu tăng lương lên 40 đồng một tháng, một số lương cao nhất lúc bấy giờ của nghệ sĩ trong ngành cải lương Việt Nam.

________________________

Nghệ sĩ Phùng Há (người đeo kính) của thập niên 1960 (Ảnh: LIFE)

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Chuyện làng văn0

- Kho sách0

- Các bài bình thơ0

- Các bài bình văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Liên khúc Bolero Acoustic Guitar

do ca sĩ Nguyễn Lê Bá Thắng (Quán quân Bolero 2022) thể hiện, 

với sự phụ diễn của diễn viên Đặng Tuấn Hưng:

Nguyễn Đình Văn giới thiệu

Tác giả: Trang Nguyên - nguồn: Trẻ

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét