TÂY SƠN CÓ PHÁ MỒ CÁC CHÚA NGUYỄN?… - Tác giả: Đặng Phương Nhi ; Vương Chinh giới thiệu

Leave a Comment

 


TÂY SƠN CÓ PHÁ MỒ

CÁC CHÚA NGUYỄN?…

 

Tây Sơn, cụ thể là vua Quang Trung đã cho người đào lăng mộ 8 đời chúa Nguyễn và đời thứ 9 là mộ cha Nguyễn Ánh cho vứt xuống sông vào năm 1792, chính sử nhà Nguyễn từ Đại Nam Thực Lục lẫn Đại Nam Liệt Truyện đều ghi lại:

''Sau Huệ đánh trận hay thua (tướng lĩnh không diệt được Nguyễn Ánh ở Gia Định), người ta đều nói các lăng liệt thánh (lăng các chúa Nguyễn) khí tốt nghi ngút, nghiệp đế tất dấy. Huệ bực tức, sai đồ đảng đào các lăng, mở lấy hài cốt quăng xuống vực.''

Tuy nhiên, đến bây giờ vẫn còn rất nhiều người không tin Tây Sơn là thủ phạm đã phá hủy các lăng chúa Nguyễn, thậm chí có người còn nói ''Nếu Quang Trung cho phá lăng các chúa Nguyễn thì sao bây giờ ở Huế vẫn còn các lăng chúa Nguyễn?'' hoặc ''Chuyện phá lăng không tin được lời chính sử nhà Nguyễn ghi lại, biết đâu là do Nguyễn Ánh bịa để bôi nhọ Tây Sơn''

Việc Tây Sơn quật mồ mả của các chúa Nguyễn có thật hay không? Hãy thử phân tích xem.

Xưa nay việc bảo vệ tông miếu là rất quan trọng đối với các hoàng triều vì theo sự "mê tín" của các vua thì tông miếu, lăng tẩm bị tàn phá không chỉ là mất "thiên uy" mà còn làm giảm sự hưng thịnh, "tuổi thọ" của đương triều, phá hủy ''long mạch'', ''phúc thọ'' của dòng tộc, dĩ nhiên các sử quan nhà Nguyễn sẽ không dại gì "nói không thành có", vì như thế là báng bổ tổ tiên hoàng đế, có mười cái đầu cũng không dám ghi chép bậy. Huống chi các sử quan nhà Nguyễn chép chính sử hoặc là lờ đi hoặc là không ghi, chứ không có chuyện ghi chép vào chính sử việc giả dối, bịa đặt, thậm chí họ còn từng khen Quang Trung trong chính sử.

Các lăng mộ chúa Nguyễn đã bị phá hoại là sự thật, tất cả được xây dựng lại vào năm 1802 lúc Gia Long chiếm được Phú Xuân, và đều xây theo 1 lối kiến trúc duy nhất, quy mô các lăng tương tự nhau.

Với trường hợp bị "phá thật" như vậy thì chỉ có hai khả năng là quân Trịnh hoặc quân Tây Sơn phá.

Trịnh và Nguyễn vốn có tình thông gia, tuy có đối địch nhưng cũng không nỡ cạn tàu ráo máng. Bằng chứng là sau này Nguyễn Ánh lên ngôi tỏ ra khá hậu đãi hậu duệ chúa Trịnh. Tướng Trịnh Hoàng Ngũ Phúc chỉ huy quân Trịnh vào chiếm Phú Xuân năm 1775 là người kinh nghiệm, uy danh, cẩn trọng, tất không làm việc quá đáng đó. Hơn nữa quân Trịnh khi chiếm Phú Xuân cũng không hạ lệnh truy tìm, tàn sát hoàng tộc chúa Nguyễn còn sót ở Phú Xuân. Đặt trường hợp nếu quân Trịnh là kẻ phá mồ các chúa thì Nguyễn Ánh liệu có để yên cho họ Trịnh sau khi ông lên ngôi vua? Nguyễn Ánh là người ân oán phân minh, vậy mà lúc lên ngôi Nguyễn Ánh tỏ ra cư xử tử tế với họ Trịnh chứ không hề có hành động trả thù nào, thậm chí đến cả Hoàng Ngũ Phúc, ông cũng không trừng phạt gia tộc hay đào mộ gì cả.

Chưa kể đến ngoài các lăng mộ của các chúa Nguyễn bị phá hoại, còn có mộ cha của Nguyễn Ánh là hoàng tử Nguyễn Phúc Luân cũng bị đào lên vứt xương xuống sông, nếu là quân Trịnh phá mộ thì cũng chỉ phá mộ các chúa Nguyễn_kẻ thù của các chúa Trịnh mà thôi, tại sao lại phá cả mộ của cha Nguyễn Ánh trong khi quân Trịnh chiếm Phú Xuân 10 năm, mà trong thời gian 10 năm này Nguyễn Ánh và quân Trịnh chưa hề đụng độ nhau mà chỉ lo đánh kẻ thù lớn nhất của mình là quân Tây Sơn, vậy thì cớ gì quân Trịnh lại cho quật cả mồ cha của Nguyễn Ánh? Ta có thể thấy quân Trịnh hoàn toàn không có khả năng phá mồ các Chúa Nguyễn, vậy thủ phạm chỉ còn Tây Sơn chứ không ai khác.

Quân Tây Sơn đa số chỉ huy chẳng có dây mơ rễ má gì với phe Nguyễn, lại truy cùng sát tận tôn tộc chúa Nguyễn, giết từ chúa đến Đông Cung, tôn thất... trong cuốn hồi ký Narrative of a voyage to Cochin China của thương nhân người Anh tên là Charles Chapman đến Nam Hà 1777-1778 có ghi lại cách Tây Sơn đối xử với tôn thất họ Nguyễn như sau:

"Có 1 người họ hàng xa của vương tộc ẩn náu được trong vùng do Bắc Hà kiểm soát. Viên quan (của Tây Sơn) có quen với ông ta, liền giả vờ gọi ông đến để che chở. Người đàn ông tội nghiệp này đã đem theo vợ con cùng cả gia đình rất đông người đến. Khi đến cảng Đà Nẵng, ông đi tàu đến trước, để vợ con lại trên thuyền. Viên quan nhanh nhảu đón ông ấy, đưa về nhà, nhưng chưa qua cổng, ông đã bị lính bắt giữ, ngay lập tức bị chém bay đầu. Sau đó, viên quan này lên thuyền đi đến chỗ vợ con hoàng thân. Ngay khi vừa lên thuyền, ông ta đã cho trói tất cả phụ nữ và trẻ em lại ném xuống sông, lấy tất cả tài sản của họ."

Tây Sơn còn có "thành tích" phá bia tiến sĩ đốt Quốc Tử Giám ở Thăng Long, lại có thói quen cướp bóc, vụ phá lăng miếu mồ mả chúa Nguyễn đem so cũng chỉ tương đương là một vụ đập phá thôi, đốt chùa phá tượng còn làm được, thì đập mồ đào mả việc gì phải chùn tay?

Nhất là khi dân chúng Nam Hà bấy giờ tương truyền Nguyễn Ánh mới là chân mệnh thiên tử, Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh là kẻ thù không đội trời chung, Nguyễn Huệ lại sắp tập hơp lực lượng vào Gia Định ''diệt gọn'' Nguyễn Ánh, nên việc phá lăng mộ các chúa, vứt xương hủy ''long mạch'' để tuyệt đường thoát của Nguyễn Ánh là chuyện dễ hiểu vì 4 lần đánh Gia Định, Nguyễn Huệ chưa từng diệt được Nguyễn Ánh.

Chính Nguyễn Ánh cũng đã nói ''Trẫm vì chín đời mà trả thù'' trong lễ hiến phù tổ tiên, cho dù có hận Tây Sơn đến mấy thì Nguyễn Ánh cũng không thể nào đem tổ tiên của mình ra để lừa gạt được vì đó là động chạm đến nguồn cội tối kỵ mà bất cứ hoàng đế nào cũng đều không dám phạm húy kỵ chạm đến.

Cho nên ta có thể thấy tất cả đầu mâu của việc phá mồ chúa Nguyễn đều chĩa về phía Tây Sơn, cho dù có yêu thích Tây Sơn như thế nào cũng không thể phủ nhận việc Nguyễn Huệ từng phá mồ các chúa Nguyễn cũng như những mặt trái của Tây Sơn mà người ta ít dám nhắc đến.

Người ta chỉ thích nhắc đến chuyện Gia Long trả thù Tây Sơn ra sao, lại không nhắc đến chuyện Tây Sơn đã hại họ Nguyễn Phúc như thế nào, thói đời thật đáng buồn thay.

-----------------

Đã đối chiếu với các sử liệu:

1. Đại Nam thực lục

2. Hoàng Việt Long hưng chí- Ngô Giáp Đậu

3. Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771-1802- Tạ Chí Đại Trường

4. Núi xanh nay vẫn đó- Nguyễn Duy Chính

5. Căn cứ theo chuyến đi thực tế đến Huế, thăm Lăng Gia Long, lăng Cơ Thánh ngày 17/6/2017

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Quỳnh Nga0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

 

Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ QUÊ NGHÈO:

Vương Chinh giới thiệu

Tác giả: Đặng Phương Nhi - nguồn: Page Lịch sử +

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét