SỨ MỆNH LỊCH SỬ CỦA CHỮ NHO - Tác giả: Nguyễn Hải Hoành (Hà Nội)

Leave a Comment


SỨ MỆNH LỊCH SỬ CỦA CHỮ NHO

 

(Tác giả Nguyễn Hải Hoành)

Trong bài Vì sao sau 1000 năm Bắc thuộc, Việt Nam vẫn không bị đồng hóa? chúng tôi có đưa ra giả thuyết : khoảng 2000 năm trước, tổ tiên ta đã sáng tạo ra cách đọc chữ Hán bằng âm tiếng Việt, qua đó đạt mục đích mượn chữ Hán làm chữ viết cho dân tộc mình, mặt khác lại tương kế tựu kế dùng chính vũ khí ngôn ngữ này để hoàn toàn vô hiệu hóa âm mưu của kẻ xâm lược muốn đồng hóa dân tộc ta bằng ngôn ngữ của chúng. [1]

Theo phỏng đoán, chữ Hán chính thức vào nước ta từ khi Triệu Đà, một viên quan người Hán triều nhà Tần mang quân chiếm nước Âu Lạc, mở đầu thời kỳ Bắc thuộc dài khủng khiếp [2].

Lịch sử cho thấy, văn hóa Hán ngữ có sức đồng hóa rất mạnh, và mỗi khi chiếm được một mảnh đất mới nào, bọn phong kiến người Hán đều lập tức tiến hành đồng hóa dân bản xứ, trước hết là đồng hóa về ngôn ngữ, - bởi lẽ ngôn ngữ thể hiện rõ nhất bản sắc dân tộc. Nếu để mất tiếng nói mẹ đẻ của mình và phải nói/nghe bằng Hán ngữ, thì dân tộc ấy đã bị đồng hóa và mãi mãi chỉ còn là một bộ phận thấp cổ bé miệng trong quốc gia của dân tộc Hán.

Thời xưa, một số dân tộc ở xung quanh Trung Quốc không thoát khỏi tai họa này và họ đã trở thành các dân tộc ít người trong một nước lớn do bọn phong kiến dân tộc Hán thống trị, sử dụng cùng một ngôn ngữ chính thức là Hán ngữ.

Riêng dân tộc Việt Nam sau hơn 1000 năm chịu sự đồng hóa của các triều đại phong kiến phương Bắc lại vẫn giữ được tiếng nói của mình, qua đó giữ được dân tộc, tổ quốc mình.

Trên thế giới chưa có dân tộc nào từng lập được kỳ tích như vậy! Đây là thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử nước ta, không giành được thắng lợi đó thì còn đâu tổ quốc Việt Nam. Rõ ràng, nếu để thua trong cuộc đấu tranh chống đồng hóa cực kỳ gian nan ấy thì ngày nay nước ta chỉ còn là một vùng đất có cái tên đại loại như Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây mà thôi.[3]

Chắc chắn không một người Việt Nam nào cam chịu số phận như vậy, cho dù sau đây mức sống của các dân tộc Trung Quốc được nâng cao đến mức nào đi nữa ! Đó là do khát vọng độc lập tự chủ đã ngấm vào máu thịt dân tộc ta từ thời mở nước và chưa bao giờ phai nhạt.

 

CHỮ NHO, CHỮ NOM VÀ CHỮ HÁN

Bất kỳ chữ viết nào cũng gồm có ba yếu tố là mặt chữ, nghĩa chữ và âm đọc. Khi xem một văn bản viết bằng ngôn ngữ đã biết, dù chỉ là một chữ, một dòng, theo bản năng, bao giờ người ta cũng đọc thầm hoặc đọc thành tiếng âm đọc của các chữ ấy. Xét trên mặt đó, chữ Hán, chữ Nho và chữ Nôm không giống nhau và cần được phân biệt, tránh nhầm lẫn.

Chữ Hán là chữ viết của người Trung Hoa, được dùng để ghi âm Hán ngữ và nhiều phương ngữ ở Trung Quốc. Chữ Hán thuộc loại chữ biểu ý (chữ ghi ý), vì thế âm đọc của mỗi chữ có thể khác nhau tùy theo người đọc dùng phương ngữ nào của Hán ngữ.

Chữ Nho là chữ Hán được người Việt Nam mượn dùng làm chữ viết chính thức của dân tộc ta kể từ thời điểm muộn nhất là bắt đầu thời Bắc thuộc (khoảng thế kỷ II tr. CN). Chữ Nho khác chữ Hán ở phần ngữ âm : nó là chữ Hán được đọc bằng âm tiếng Việt chứ không đọc bằng âm tiếng Hán như chữ người Hán dùng. Nói cách khác, chữ Nho là chữ Hán đã được Việt Nam hóa phần ngữ âm ; còn về mặt chữ và nghĩa chữ thì như chữ Hán. Vì thế có người gọi chữ Nho là chữ Hán-Việt. Chữ Nho chỉ dùng để viết, như ghi chép, sáng tác văn thơ, giao tiếp bút đàm với người biết chữ Hán, chứ không thể dùng để ghi âm tiếng Việt, vì thế dân ta vẫn hoàn toàn nói/nghe bằng tiếng mẹ đẻ, nhờ vậy tiếng Việt chưa bao giờ có nguy cơ bị tiêu diệt và hoàn toàn không phải là một phương ngữ của tiếng Hán.

Chữ Nôm là chữ viết do người Việt tự sáng tạo ra trên cơ sở chữ Nho, nhằm ghi âm tiếng Việt. Chữ Nôm ra đời vào khoảng thế kỷ XIII, sau khi nước ta giành được độc lập. Chữ Nôm khó hơn, phải biết chữ Nho mới học được chữ Nôm. Người Hán không thể đọc hiểu chữ Nôm, trừ một số ít chữ Nôm mượn chữ Nho cả âm lẫn nghĩa.

Chữ Nho và chữ Nôm chỉ được sử dụng cho tới đầu thế kỷ XX thì được thay thế bằng chữ Quốc Ngữ có nhiều ưu điểm hơn hẳn.

Những điều nói trên đều là sự thực lịch sử, nhưng chẳng rõ vì sao cho tới nay vẫn có người nhầm lẫn coi chữ Nho và chữ Nôm là chữ của người Trung Hoa, tức chữ nước ngoài, bởi vậy họ cho rằng muốn xóa bỏ ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa thì phải từ bỏ chữ Nho và chữ Nôm. Cần thấy rằng đây là một sai lầm hết sức tai hại. Hơn bao giờ hết, di sản phong phú của chữ Nho và chữ Nôm đang cần được người Việt gìn giữ và kế thừa xứng đáng.

 

VAI TRÒ TO LỚN CỦA CHỮ NHO ĐỐI VỚI DÂN TỘC VÀ TỔ QUỐC TA

Đánh giá vai trò của chữ Nho đối với sự phát triển mọi mặt của nước ta là một vấn đề lớn. Dưới đây chỉ nêu ra một vài ý kiến sơ bộ, nếu có sai sót, xin được chỉ bảo.

1. Như bài trước đã phân tích, sự ra đời chữ Nho, tức chữ Hán đọc bằng âm tiếng Việt, đã giúp dân ta học chữ Hán nhanh hơn, qua đó có thể giao tiếp hiệu quả với người Hán ; nhờ thế các vương triều Trung Hoa vẫn thực thi được quyền lực cai trị nước Việt và truyền bá được nền văn minh Trung Hoa. Trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, chúng thỏa mãn với điều đó và không còn cưỡng bức dân ta học nói/nghe tiếng Hán.

Tổ tiên ta tuy học chữ Hán nhưng vẫn hoàn toàn nói tiếng mẹ đẻ, nhờ thế dù học chữ Hán bao lâu thì vẫn giữ nguyên được tiếng Việt. Như vậy, cho dù có chủ ý hay không, việc sáng tạo ra chữ Nho đã hoàn thành sứ mệnh cứu dân tộc ta tránh được nguy cơ bị đồng hóa, bị mất nước sau hơn 10 thế kỷ Bắc thuộc.

2. Chữ Nho ra đời đánh dấu sự mở đầu kỷ nguyên người Việt Nam có chữ viết của mình, nghĩa là có công cụ dùng để hỗ trợ tư duy, sáng tạo, để ghi lại và lưu truyền các hiểu biết, kinh nghiệm, thành tựu, vượt qua không gian và thời gian. Từ đó dân tộc ta ra khỏi thời đại xã hội tiền sử , tiến lên thời đại xã hội văn minh - một xã hội có sử sách ghi chép và lưu truyền tình trạng của nước nhà trên mọi lĩnh vực. Bước tiến này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Từ khi có chữ Nho, người Việt đã từng bước tiếp xúc toàn diện và tiếp thu khá trọn vẹn các thành tựu của nền văn minh Trung Hoa, từ đó xây dựng và phát triển nền văn minh Việt.

Thời xưa Trung Hoa có nền văn minh phát triển nhất châu Á, các nước ở gần đều muốn học hỏi. Nhờ biết chữ Nho nên người Việt có thể đọc hiểu mọi thư tịch viết bằng chữ Hán, qua đó từng bước tiếp nhận nền văn minh Trung Hoa. Từ đây, hệ thống chính trị, xã hội, giáo dục nước ta bắt đầu được tổ chức theo mô hình Trung Hoa. Việc giao dịch hành chính, thông tin liên lạc giữa các cấp, các vùng không còn chỉ truyền miệng mà đã dùng văn bản viết chữ Nho, tiện lợi và chính xác hơn trước. Nhờ đó nền văn minh Việt Nam đã có một bước tiến nhảy vọt ngay từ thế kỷ I trước CN, sớm nhiều so với các dân tộc khác ở xung quanh Trung Quốc.

Nho giáo dần dần trở thành tư tưởng chính thống của nhiều vương triều Việt Nam, có ảnh hưởng sâu sắc, lâu dài tới xã hội ta. Nghĩa lý đạo Phật cũng đến nước ta chủ yếu qua chữ Nho, vì kinh Phật ta dùng đều là kinh chữ Hán do người Hán dịch từ kinh chữ Phạn họ lấy ở Ấn Độ về. Số người biết chữ Nho đông dần lên và hình thành tầng lớp tinh hoa của dân tộc, trở thành động lực đẩy mạnh tiến trình phát triển đất nước. Nhờ đọc kinh chữ Nho nên các nhà Phật học ở ta thạo chữ Nho và trong quá trình hoằng dương Phật pháp, họ đã có đóng góp lớn vào việc dạy chữ cho đồng bào.

3. Người Việt biết chữ Nho có thể giao tiếp bằng bút đàm với bất cứ người nước nào biết chữ Hán, kể cả người Âu Mỹ sau này đến giao thương. Nhờ đó nước ta bắt đầu tiến hành giao tiếp đối ngoại, xây dựng mối quan hệ với Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên ..., nâng cao vai trò quốc tế của nước mình.

Sau khi giành độc lập, chính quyền nước ta đã dùng chữ Nho vào việc lập văn bản đặt quan hệ liên lạc chính thức với chính quyền Trung Hoa. Từ đó các vương triều Việt Nam được «thượng quốc» Trung Hoa sách phong, tức được công nhận địa vị hợp pháp cai trị nước Việt, thậm chí có quyền nhờ «thượng quốc» bảo vệ khi bị tiếm quyền. Tuy là mối quan hệ giữa một nước «phiên thuộc» với một đế quốc trung ương lớn mạnh có nền văn minh phát triển hơn, nhưng đó chỉ là quan hệ triều cống định kỳ, không có sự lệ thuộc chính trị, kinh tế. Nhờ thế nước ta về cơ bản được hòa bình, độc lập, tự chủ trong gần 10 thế kỷ. [4]

4. Sau khi giành lại độc lập, tổ tiên ta đã dùng chữ Nho để công bố nhiều văn bản thể hiện ý chí độc lập tự chủ của dân tộc, nhằm nâng cao tinh thần bảo vệ Tổ quốc của dân ta và cảnh báo cho phong kiến phương Bắc biết quyết tâm giữ gìn chủ quyền nước ta.

Như bài thơ Nam quốc sơn hà 南國山河 (Sông núi nước Nam), mở đầu bằng lời tuyên bố hùng hồn Nam quốc sơn hà, Nam đế cư, được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta. Hoặc Chiếu dời đô遷都詔của Lý Thái Tổ (1009). Hoặc Hịch tướng sĩ 諭諸裨將檄文 của Hưng Đạo Vương (1284), kêu gọi tướng sĩ chiến đấu chống quân Nguyên xâm lược. Hoặc Bình Ngô Đại Cáo 平吳大誥 của Nguyễn Trãi (427), thay vua Lê Lợi tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống giặc Minh. Những áng văn bất hủ đó được truyền miệng lâu dài trong cả nước, có tác dụng nâng cao tinh thần độc lập tự chủ của dân ta.

Cũng nhờ có chữ Nho mà tổ tiên ta làm được các văn bản ghi chép chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Những thư tịch này có ý nghĩa vô cùng quan trọng về chính trị và văn hóa. Rõ ràng, nếu không có chữ Nho thì chúng ta ngày nay thiếu mất một nguồn sử liệu xác nhận bờ cõi nước nhà.

Đầu thế kỷ XX, nhờ đọc các «Tân thư» chữ Hán đến từ Nhật và Trung Hoa, tầng lớp nhà Nho tiến bộ nước ta tiếp thu được những tư tưởng tiên tiến bình đẳng, dân chủ, tự do,... qua đó tổ chức được một số phong trào cách mạng lớn chống thực dân Pháp như Đông Du, Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

5. Từ khi có chữ Nho, nước ta bắt đầu xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục, thời xưa gọi là dạy chữ — bởi lẽ không có chữ thì chẳng có gì để dạy.

Trước thế kỷ XX, toàn bộ hệ thống giáo dục và thi cử đều dùng chữ Nho. Thí sinh dự các kỳ thi chọn người tài làm quan đều phải thông thạo sử Việt Nam, sử Trung Hoa, Tứ thư ngũ kinh. Năm 1075 vua Lý Nhân Tông mở khoa thi Tam trường (thi Đại khoa gồm ba kỳ) đầu tiên, phỏng theo chế độ khoa cử Trung Hoa. Chế độ này cực thịnh dưới thời Lê Thánh Tông (thế kỷ XV). Nhờ thế đã đào tạo được một đội ngũ trí thức và quan lại tài giỏi, như Chu Văn An ( ?-1370), Nguyễn Trãi (1380-1442), Nguyễn Công Trứ (1778-1859)...[5]. Giới sĩ phu này là tầng lớp tinh hoa hiếm thấy trong lịch sử dân tộc ta, cả về nhân cách và tri thức.

Vì chữ Hán đọc bằng âm Việt dễ học hơn chữ Hán đọc bằng âm Hán, do đó không ít trẻ nông thôn 6-7 tuổi đã giỏi chữ Nho và sớm đỗ đạt. Tổ tiên ta còn nghĩ mọi cách học chữ Nho dễ hơn. Như Vua Tự Đức soạn Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca, là bộ từ điển Hán Việt theo thể thơ lục bát. Nhà Nho Đoàn Trung Còn làm bài vè Tam thiên tự: Thiên trời, địa đất, cử cất, tồn còn, tử con, tôn cháu, lục sáu, tam ba, gia nhà, quốc nước ... (天thiên là trời, 地địa - đất..., 家gia - nhà, 國quốc - nước), rất dễ học, trẻ chăn trâu cũng có thể thuộc lòng.

Ngay trong thời Bắc thuộc, nền giáo dục đã khá phát triển, chứng cớ là các tác giả Nam quốc sơn hà, Chiếu dời đô — hai văn bản chữ Nho ra đời sau khi nước ta vừa giành lại độc lập — tỏ ra hiểu biết sâu sắc về văn hóa, lịch sử Việt Nam, Trung Hoa, và viết văn chữ Hán rất hay.

Sau độc lập, hệ thống giáo dục càng phát triển, đáp ứng nhu cầu hiếu học của dân ta. Khắp nước ở đâu cũng có những lớp dạy chữ của các thầy đồ. Ngoài ra nhiều nhà chùa đã tổ chức dạy chữ Nho miễn phí cho Phật tử. Ở thời Nguyễn, chữ Nho được dạy tới các làng xã. Có thể phỏng đoán, tỷ lệ biết chữ của người Việt Nam thời xưa cao hơn người Trung Quốc.

Đặc biệt, giới tinh hoa nước ta thời xưa giỏi Hán văn và thông thạo văn hóa, lịch sử Trung Hoa không kém người Hán. Như Nguyễn Trực, đỗ Trạng nguyên cả ở Việt Nam và Trung Hoa. Một số vị vua nước ta đã sáng tác nhiều tác phẩm văn thơ chữ Nho, như Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông [6], là tập bài giảng về lẽ hư không của đạo Phật, viết theo thể văn biền ngẫu cực kỳ khó. Các học giả Phùng Khắc Khoan (1528-1613), Giang Văn Minh (1573-1637)... đi sứ Trung Hoa đều được vua quan Trung Hoa nể phục vì giỏi chữ Hán và vượt qua được các thử thách họ bày ra như đố giảng thơ, họa thơ, đối câu đối hiểm hóc.

6. Nhờ có chữ Nho, nước ta xây dựng được nền văn học của mình, sáng tác nhiều tác phẩm văn học. Đáng tiếc là các tác phẩm viết trước và trong thời Bắc thuộc đều bị nhà cầm quyền người Hán tiêu hủy hết. Từ thời nhà Lý (1010) trở đi mới lại được ghi chép. Nhưng khi nhà Minh chiếm nước ta, chúng lại cướp và đốt hết các thư tịch do người Việt viết.

Về thơ chữ Nho, nổi bật có Việt âm thi tập, tuyển tập thơ đầu tiên ở nước ta; Tân Việt âm thi tập (1459); Tinh tuyển chư gia luật thi ; Toàn Việt thi lục gồm 2391 bài thơ của 175 tác giả thời kỳ 1510-1516; Hoàng Việt thi tuyển (1788); Thơ Thiền và Kệ của giới thiền sư-cao tăng và vua quan các thời Lý, Trần, Hồ-Lê, Lê-Trịnh, Tây Sơn và thời Nguyễn [7].

Ngay cả khi đã có chữ Nôm và Quốc ngữ, tổ tiên ta vẫn sáng tác nhiều thơ chữ Nho, như các nhà thơ Nôm Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến. Trong nhà tù Côn Đảo, các chí sĩ cách mạng Đông Kinh Nghĩa Thục như Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Nguyên Cẩn, Lê Đại... thường họa thơ chữ Nho với nhau.

Các nhà văn đã sáng tác nhiều tác phẩm văn xuôi chữ Nho, xưa nhất là Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên (1329), mới nhất là Trùng Quang tâm sử của Phan Bội Châu xuất bản ở Trung Quốc (1921-1925). Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (1546), được ca tụng là "thiên cổ kỳ bút". Trong thời gian ở Trung Hoa, ông tổ chế tạo súng của nước ta là Hồ Nguyên Trừng, hiệu Nam Ông cũng viết tập hồi ký chữ Nho Nam Ông mộng lục.

Đầu thế kỷ XX một số báo Quốc ngữ như Đăng Cổ Tùng Báo, tạp chí Nam Phong vẫn in kèm các tác phẩm chữ Nho. Phan Bội Châu viết nhiều văn thơ chữ Nho như Việt Nam vong quốc sử, Ái quốc ca, Ngục trung thư, Thiên Hồ ! Đế Hồ ! (Trời ơi! Chúa ơi! 1923), Hải ngoại huyết thư (1906)... Đông Kinh Nghĩa Thục biên soạn nhiều tài liệu tuyên truyền cách mạng bằng chữ Nho.

Năm 2011 Trung Quốc đã xuất bản Tổng tập tiểu thuyết Hán văn của Việt Nam 越南漢文小説集成, gồm 20 tập, tổng số 6 triệu chữ, là kết quả hợp tác của Đại học Sư phạm Thượng Hải, Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam và Đại học Thành Công Đài Loan. Trong đó đã biên tập, nghiên cứu và giới thiệu hơn 80 tiểu thuyết Hán văn do người Việt Nam thời xưa sáng tác, gồm các thể loại thần thoại (17 loại, như Lĩnh Nam chích quái...), truyền kỳ (14 loại, như Truyền kỳ mạn lục...), lịch sử (5 loại, như Việt Nam Khai quốc chí truyện...), bút ký (10 loại, như Nam Quốc dị khai lục ...) và tiểu thuyết cận đại từng đăng trên tạp chí Nam Phong. Báo Trung Quốc bình luận: Trong các tiểu thuyết Hán văn của nước ngoài, Hán văn của Việt Nam có đặc sắc bản thổ rất mạnh mẽ.

Đặc biệt, chữ Nho có mặt mãi mãi trên các bức hoành phi, câu đối, chuông, vạc, bia đá ở các đền chùa đình miếu và nhiều danh lam thắng cảnh cũng như trong các gia đình. Những tác phẩm nghệ thuật-lịch sử này đã góp phần không nhỏ lưu giữ nền văn hóa và thể hiện dân ta có truyền thống văn hiến lâu đời khiến du khách phương Tây ngạc nhiên, khâm phục.

7. Từ khi có chữ Nho, người Việt Nam bắt đầu viết lịch sử nước mình. Như Đại Việt sử ký toàn thư 大越史記全書 viết bằng chữ Nho và chữ Nôm, chép sử từ năm 2879 tr. CN đến năm 1675, in và phát hành năm 1697. Đây là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn, do nhiều đời sử quan biên soạn trong thời gian 1272-1697. Hoặc Hoàng Lê nhất thống chí 皇黎一統志, cuốn tiểu thuyết lịch sử ghi chép sự thống nhất đất nước của vương triều nhà Lê, là bộ sử thi có giá trị về văn học và sử học. Lam Sơn Thực Lục藍山實錄do Nguyễn Trãi viết là nguồn tư liệu quý giá về cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi.

Nho sĩ các nơi cũng dùng chữ Nho chép sử địa phương mình, như Nghệ An ký乂安記. Rất nhiều gia tộc đều lập gia phả viết bằng chữ Nho truyền lại cho đời sau biết về tổ tiên mình. Hình thức sử dân gian này rất có giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử dân tộc.

8. Từ Hán-Việt đã làm giàu đáng kể ngôn ngữ Việt. Nếu nói khoảng 70% từ Việt hiện dùng có gốc Hán-Việt thì nghĩa là vốn từ ngữ tiếng Việt ít nhất đã tăng gấp ba từ khi có chữ Nho, và còn tăng tiếp. Có chữ tưởng là thuần Việt nhưng lại có gốc Hán-Việt, như phật ý, phất (tay áo),... Từ Hán-Việt giúp ta có thể «đứng trên vai hai người khổng lồ Trung Hoa và Nhật Bản» để chuyển ngữ hầu hết các từ ngữ của nền văn minh nhân loại, diễn tả ngắn gọn các khái niệm phức tạp như triết học, vũ trụ, phạm trù, dân chủ, cộng sản ... Hầu hết từ khoa học kỹ thuật tiếng Việt hiện có đều dùng từ Hán-Việt dựa theo sự chuyển ngữ của người Hoa hoặc người Nhật, như điện, vật lý, nguyên tử...

Từ Hán-Việt cô đọng, ngắn gọn, tiện dùng. Như từ đàn ông có thêm từ nam (dùng giọng nam cao chứ không dùng giọng đàn ông cao); Bắc bán cầu thay cho Nửa trái đất kể từ xích đạo tới Bắc cực. Người Việt còn dựa gốc từ Hán-Việt sáng tạo nhiều từ mới hoặc thêm nghĩa Việt cho từ Hán ngữ. Thí dụ phổ biến (với nghĩa làm cho nhiều người biết), vi tính, phản biện tuy có một phần gốc chữ Hán nhưng nghĩa khác đi, Hán ngữ không có những từ đó.

Từ Hán-Việt còn làm cho tiếng Việt thêm hàm súc, giàu âm điệu, tao nhã, bớt dân dã. Như mấy câu thơ chữ Nôm của Bà Huyện Thanh Quan : Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương... Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/Nước còn cau mặt với tang thương (bài Thăng Long thành hoài cổ), nếu không dùng các từ Hán-Việt thu thảo (cỏ mùa thu), tịch dương (mặt trời lúc sắp lặn), tuế nguyệt (năm tháng), tang thương (sự thay đổi cuộc đời), thì câu thơ khó thể có hàm ý sâu lắng và âm điệu hay đến thế được.

Tổ tiên ta đã khéo léo chọn âm Việt cho mỗi chữ Hán, sao cho vừa gần sát âm Hán lại vừa hợp giọng Việt. Nhờ thế khi đọc âm Hán-Việt các bài thơ chữ Hán, nhất là thơ Đường, nhiều người cảm thấy nghe êm tai hơn khi đọc âm Hán hoặc đọc thơ dịch.

Như bài thơ: Bồ đào mỹ tửu, dạ quang bôi/ Dục ẩm, tỳ bà, mã thượng thôi/ Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi? [8] Hoặc: Mộ đầu Thạch hào thôn/ Hữu lại dạ tróc nhân/ Lão ông du tường tẩu/ Lão phụ xuất môn khán ... [9].

Khi đọc lên, mấy câu này ngân vang như một điệu nhạc êm tai. Có lẽ vì thế mà cho tới nay người Việt vẫn rất thích thơ Đường, thích làm thơ Đường luật và ngâm thơ từ Hán-Việt.

9. Một cống hiến quan trọng nữa của chữ Nho là, dựa trên nền tảng chữ Hán đọc theo âm Việt, tổ tiên ta đã sáng tạo ra chữ Nôm, một loại chữ viết mới nhằm ghi âm tiếng Việt. Chữ Nôm ra đời đã tạo dựng nên một nền văn học ngôn ngữ thuần Việt rất phong phú, như Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương, thơ dịch của Đoàn Thị Điểm ...Nhưng chữ Nôm không được các vương triều nước ta coi là chữ viết chính thức (trừ triều vua Hồ Quý Ly và vua Quang Trung), và do chữ Nôm khó học nên chưa thể phổ cập, vả lại thời gian tồn tại không lâu bằng chữ Nho, cho nên đóng góp của chữ Nôm vào kho tàng văn hóa nước ta bị hạn chế.

 

SỐ PHẬN ÉO LE CỦA CHỮ NHO

Chữ Nho mang theo các hạn chế của chữ Hán cổ, chủ yếu gồm : - nhìn chữ mà không biết đọc âm; - chữ có nhiều nét nên khó nhớ, khó viết; - có quá nhiều chữ nên khó nhớ hết; - có quá nhiều chữ cùng âm khác nghĩa nên khi nghe đọc âm khó biết nên viết chữ nào; - có nhiều chữ đa âm, đa nghĩa, khi nhìn chữ khó biết đọc âm nào, hiểu theo nghĩa nào; - khó đưa vào máy chữ, máy tính, khó số hóa.

Chữ Hán có rất ít âm, tương ứng bộ từ Hán-Việt cũng vậy, tuy tổng số âm Hán-Việt đọc chữ Hán nhiều hơn tổng số âm tiết trong Hán ngữ phổ thông. Vì thế từ Hán-Việt không thể ghi được âm của tiếng Việt. Đây là nhược điểm căn bản khiến cho chữ Nho chủ yếu chỉ dùng trong văn viết chứ không dùng trong văn nói, chỉ ghi ý tưởng mà không ghi được lời nói. Cách viết văn chữ Nho cũng theo lối văn ngôn của chữ Hán cổ, cô đọng khó hiểu, phải nhìn văn bản thì may ra mới hiểu, nếu nghe đọc thì không thể hiểu.

Vì vậy sau mấy nghìn năm tồn tại, chữ Nho vẫn chưa thể phổ cập trong dân ta mà chỉ được giới tinh hoa dùng trong công việc hành chính, giáo dục, sáng tác văn thơ, viết sử, giao tiếp đối nội đối ngoại. Cuối cùng, chữ Nho được thay bằng chữ Quốc ngữ như một quy luật khách quan, hợp tình hợp lý. Các nhà Nho tiên tiến rất ủng hộ sự thay thế này.

Việc dùng chữ Nho làm chữ viết chính thức đã hạn chế sự phát triển ngôn ngữ Việt. Văn học chữ Nho nghèo thể loại, không phản ánh được lời nói thuần Việt của dân ta, không thể hiện được ca dao, tục ngữ, thơ và chuyện dân gian...

Người đầu tiên đưa ra cách khắc phục nhược điểm chữ Nho không thể hiện được tiếng Việt là Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) : ông đề nghị đọc chữ Hán theo nghĩa Việt mà không đọc theo âm Hán-Việt. Như viết 飲 食 (ẩm thực) nhưng đọc là ăn uống [10]. Nghĩa là từ ăn uống được viết bằng chữ Hán飲 食, chữ này không đọc là ẩm thực nữa. Nói cách khác là bỏ gần hết từ Hán-Việt. Có thể đây là phỏng theo cách dùng chữ Hán của người Nhật - cách này đã làm cho Nhật ngữ trở nên quá phức tạp, khó phổ cập, khó La-tinh hóa, số hóa chữ viết. Rất may là kiến nghị đó đã không được chấp nhận.

Cuối thế kỷ XIX, khi tiếp xúc với nền văn minh phương Tây tiên tiến toàn bộ dùng chữ biểu âm, nhiều nhà trí thức Trung Hoa cho rằng do chữ Hán khó học, hầu hết dân mù chữ nên không thể phát triển Khoa học Kỹ thuật vì thế đất nước lạc hậu, hèn yếu.

Do chịu ảnh hưởng từ Trung Hoa mà một số ít nhà trí thức Việt Nam cũng lên án chữ Hán, song chưa có hành động gì đáng kể. Như Phan Châu Trinh từng nói Không bỏ chữ Hán thì không cứu được nước Nam, về sau ông đã rút lại câu này [11]. Đông Kinh Nghĩa Thục hết sức đề cao chữ Quốc ngữ, phê phán mạnh Nho giáo và giới hủ Nho, nhưng vẫn mở lớp dạy miễn phí chữ Quốc ngữ, chữ Pháp và chữ Nho. Đây là thái độ đúng đắn đối với chữ Nho.

Chữ biểu ý có một số nhược điểm căn bản, vì vậy việc thay thế bằng chữ biểu âm là cần thiết. Nhưng chữ biểu ý cũng có những ưu thế riêng mà chữ biểu âm không thể có, cần được nghiên cứu. Quan điểm cho rằng chữ viết có tác dụng quyết định sự phát triển Khoa học Kỹ thuật còn đang được tranh cãi. Chữ Nhật rất phức tạp mà Khoa học Kỹ thuật nước họ vẫn rất phát triển.

Thực dân Pháp chủ trương thay dần chữ Nho bằng chữ Quốc ngữ và chữ Pháp, từ năm 1919 ngừng các khoa thi chữ Nho. Địa vị chữ Nho ngày càng hạ thấp. Nhà thơ Trần Tế Xương tả lại : Nào có ra gì cái chữ Nho/ Ông Nghè ông Cống cũng nằm co/ Chi bằng đi học làm ông Phán/ Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò.

Tuy vậy cho tới nay chữ Nho vẫn có mặt khắp nơi trên đất nước ta, từ niên đại ghi trên thanh gỗ nóc nhà nông thôn cho tới tục « xin chữ » dịp Tết, hoành phi câu đối ở đền chùa mới dựng... Nhiều vị trong giới Phật học và giới trí thức vẫn nghiên cứu, sử dụng, viết hoặc dịch và xuất bản các tác phẩm chữ Nho [12]. Điều đó cho thấy dân ta vẫn yêu quý và không dễ gì xa rời thứ chữ đã làm nên nền văn minh hàng nghìn năm của mình.

Gần đây, trong tình hình dân ta căm phẫn trước chủ trương của Bắc Kinh đòi chiếm gần hết Biển Đông, một số người nêu ra những lo ngại về việc dùng chữ Hán. Có Việt kiều trẻ về thăm đất nước thấy chữ vuông có mặt ở nhiều nơi lại tưởng nhầm là chữ Trung Quốc, khi trở lại nơi định cư, họ đã làm dư luận người Việt ở nước ngoài lo ngại về chuyện “Việt Nam sẽ do Trung Cộng chăm sóc từ Bắc chí Nam”…

Đó là do họ chưa biết chữ Nho, chữ Nôm có gì khác chữ Hán, chưa hiểu lai lịch và vai trò của chúng trong nền văn hóa Việt Nam và vì sao chúng có mặt khắp nơi trên đất nước ta.

Thực ra chữ Hán Trung Quốc hiện dùng có hơn 2200 chữ giản thể [13], còn chữ Nho, chữ Nôm đều là chữ phồn thể, chữ Nôm càng nhiều nét hơn. Muốn phân biệt được ba loại chữ này, cần hiểu sơ qua về chúng. Có thể khẳng định: tất cả các chữ vuông bạn thấy tại các đền chùa đình miếu... ở ta đều là chữ Nho hoặc chữ Nôm, tức chữ của tổ tiên ta. Chớ nên vừa thấy các chữ vuông ấy đã vội cho rằng đó là chữ Hán, là thứ văn hóa lai căng và đòi xóa bỏ.

*

Tóm lại, chữ Nho đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình. Chữ Quốc ngữ tuy có những ưu điểm hơn hẳn, nhưng là chữ do người nước ngoài làm ra và chỉ mới được chính thức sử dụng khoảng 100 năm, còn chữ Nho đã làm nên nền văn minh hai nghìn năm của nước ta. Di sản chữ Nho để lại rất to lớn, quý báu, giúp các đời sau hiểu lịch sử cùng các thành tựu của nước nhà thời xưa. Chữ Nho, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ đều cần được coi trọng.

Chữ Nho và chữ Nôm là bằng chứng thể hiện rõ truyền thống văn hóa khát khao độc lập tự chủ của tổ tiên ta. Xa rời di sản chữ Nho, chữ Nôm là xa rời truyền thống quý giá ấy. Ngoài ra, biết chữ Nho còn giúp chúng ta hiểu và dùng đúng tiếng Việt.

Tất cả người Việt Nam mọi thế hệ đều có nghĩa vụ kế thừa di sản chữ Nho. Muốn vậy, cần dạy chữ Nho cho lớp trẻ ở mức thích hợp. Thiết nghĩ, đây là một việc lẽ ra đã phải làm từ lâu.

Hàn Quốc, Nhật Bản là hai nước từng sử dụng chữ Hán, bao năm nay họ đã thực hiện giảng dạy thứ chữ này ở cấp phổ thông và đại học, yêu cầu học sinh ra trường phải biết một lượng chữ Hán nhất định. Mặc dù xưa nay họ dùng chữ Hán nhiều hơn ta nhưng rõ ràng điều đó không hề ngăn cản, nếu không nói là xúc tiến họ thoát Trung, thậm chí thoát Á ngoạn mục hơn ta nhiều!

Thực tế hiển nhiên này hoàn toàn bác bỏ quan điểm cho rằng dùng chữ Nho và chữ Nôm là một biểu hiện phụ thuộc vào Trung Quốc. Để biết kết luận đó đúng hay sai, xin hãy suy nghĩ về vấn đề: tổ tiên ta dùng chữ Nho cả nghìn năm nhưng có phải vì thế mà nước ta ngày xưa phụ thuộc Trung Quốc nhiều hơn ngày nay...? 

Ghi chú:

[1] Xem tạp chí Văn hóa Nghệ An số 299 ngày 25/8/2015, tr. 23-27. Vì mọi thư tịch sử liệu Việt Nam thời kỳ trước và trong Bắc thuộc đều đã bị kẻ xâm lược tiêu hủy nên các bàn luận về thời kỳ đó chỉ có thể là giả thuyết.

[2] Hiện còn chưa nhất trí về thời điểm bắt đầu Bắc thuộc, có các giả thiết như 179BC; 203BC; hoặc thế kỷ II BC. Thời điểm kết thúc tương đối nhất trí là năm 938 sau CN, khi Ngô Quyền thắng Nam Hán, lập nhà Ngô.

[3] Dân tộc Choang có 18 triệu người, nhiều thứ hai trong số hơn 50 dân tộc ở TQ (chỉ sau dân tộc Hán), nhưng không có đại diện nào trong bộ máy Quốc vụ viện Trung Quốc hiện nay (hầu hết là người Hán).

[4] Trong gần 1.000 năm sau khi giành độc lập chỉ có 7 cuộc chiến tranh, rất ít so với thời nay. Có 2 cuộc chiến nổ ra do Trần Thiên Bình và Lê Chiêu Thống «mời» quân đội nhà Minh và nhà Thanh vào Việt Nam với cái cớ nhà Trần và nhà Lê bị tiếm quyền.

[5] Theo Nguyễn Thị Chân Quỳnh: Lịch sử thi cử Việt Nam.

[6] Trần Thái Tông (1218-1277): nhà thơ trữ tình, nhà tu hành đắc đạo, nhà Hán học và Phật học uyên thâm. Khóa Hư Lục được viết vào lúc nhà vua truyền ngôi cho con để xuất gia lên núi tu thiền.

[7] Trích dẫn theo Đỗ Trung Lai.

[8] Đây là bài凉州詞 Lương Châu từ của 王翰Vương Hàn, đời Đường. Dịch ý : Rượu nho ngon đựng trong chén dạ quang (chén ban đêm phát sáng)/ Đang muốn uống thì tiếng đàn tỳ bà đã vang lên giục ta ra trận ngay/ Xin bạn chớ cười (nếu ta) vì say rượu mà nằm lại chốn sa trường / Xưa nay người ra trận có mấy ai trở về ?

[9] Đây là 4 câu đầu bài 石壕吏 Thạch Hào Lại (Viên quan lại ở xóm Thạch Hào), của nhà thơ杜甫Đỗ Phủ (712-770), đời Đường, tả cảnh ban đêm Lý trưởng bắt lính, bắt phu ở một xóm nhỏ. Dịch ý: Chiều tối vào thăm xóm Thạch Hào. Có viên quan lại đang bắt người vào ban đêm. Ông lão trèo tường đi trốn. Bà già ra cổng ngó xem... Bản dịch của Khương Hữu Dụng: Chiều ghé xóm Thạch Hào, Quan bắt người nửa đêm. Ông già vượt tường trốn, Bà già ra cửa nhìn....

[10] Nguyễn Đình Chú: Cần khẩn trương khôi phục dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông Việt Nam.

[11] Vũ Thế Khôi: Ai bức tử chữ Hán-Nôm.

[12] Thí dụ Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang với tập san Suối Nguồn tập hợp nhiều vị túc nho. Tiểu thuyết Huyền thoại Kim thiếp Vũ Môn mới xuất bản trích dẫn rất nhiều tư liệu chữ Nho.

[13] Trong khi chỉ cần biết 2000 chữ Hán thường dùng là có thể đọc hiểu 98% các thư tịch chữ Hán.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

 

Mời nghe nhạc phẩm MÙA XUÂN CHÚC NHAU

của Minh Kỳ,, qua tiếng hát nhóm Phù Sa, nhóm Lotu:

*

NGUYỄN HẢI HOÀNH

Địa chỉ: phố Lê Thánh Tông, phường Phan Chu Trinh

quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.   

 

 

 

 

 

 

  ........................................................................................

- Cập nhật từ email: quanboyman1992@yahoo.com.vn ngày 29.06.2024

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét