10
KINH NGHIỆM
SÁT THỦ CỦA TỬ VI
*
(Tác giả Lê Trung Hưng) |
Sách Tử Vi mỗi ngày càng nhiều nhưng ý nghĩa các Sao vẫn
thấy không thấy thêm ra, chỉ quanh quẩn trên những câu Phú với ý nghĩa mơ hồ,
nhiều khi đặt để ở một trạng thái gán ghép thành ra làm nản chí những người ham
học hỏi Tử Vi không ít. Trong chiều hướng phải làm sao sáng tỏ cho ngành học lý
đoán cổ truyền này, những công trình nào dù bé nhỏ tới đâu, nếu đem phổ biến
một cách trung thực và nhiệt thành, thiết tưởng cũng là một nỗ lực khách quan
nhất của người tri thiên mệnh để xây dựng xã hội. Người viết xin trình làng
những kinh nghiệm được coi là những đòn sát thủ trên mỗi bản số Tử-vi để cùng
nhau chiêm nghiệm.
1- SINH BẤT PHÙNG THỜI: HẠN THÁI TUẾ VÔ CHÍNH DIỆU
Mỗi bản số đều được hưởng 10 năm thuận lợi, đắc ý nhất ở
cung Tam hạp với Sao Thái Tuế (được gọi là vòng Thái Tuế).
Thí dụ: Người tuổi Tỵ, vậy khi đến hạn 10 năm ở một trong
ba cung Tỵ, Dậu, Sửu là được hưởng vòng Thái Tuế. Nhưng có 01 điều cân nhắc cận
thận về cường độ của sự thoải mái, nghĩa là xem, đắc ý tới mực nào, thì phải
xem xét cung Mệnh (và cả cung an Thân) có chính diệu tọa thủ hay không, đồng
thời cung nhập hạn của vòng Thái Tuế có chính diệu hay không?. Sự đắc thắng vẻ
vang hay chiến thắng trong gian lao là tùy thuộc vào các điều kiện sau đây:
Cung Mệnh (và cung an Thân) có Chính diệu hãm địa, hạn
gặp vòng Thái Tuế ở cung Vô Chính diệu thì chỉ đắc lợi một cách tương đối.
Cung Mệnh (và cung an Thân) có Chính diệu đắc địa, hạn
gặp vòng Thái Tuế ở cung Vô Chính diệu thì đương số chỉ đắc lợi trung bình.
Cung Mệnh (và cung an Thân) Vô Chính diệu, hạn gặp vòng
Thái Tuế ở cung Vô Chính diệu thì vẻ vang trong gian khổ, sinh bất phùng thời.
Cung Mệnh (và cung an Thân) Vô Chính diệu, hạn gặp vòng
Thái Tuế ở cung có Chính diệu tọa thủ (nhất là bộ Sát, Phá, Tham) thì chiến
thắng rạng rỡ huy hoàng đắc lợi như ý muốn.
Trường hợp Cung Mệnh trùng hợp với ngay cung của vòng
Thái Tuế không tốt bằng cung an Thân trùng hợp với cung của vòng Thái Tuế (vì
Thân chủ về hành động, còn Mệnh là lý thuyết và tư tưởng, nên chỉ có làm mới có
hưởng, tay có làm thì hàm mới có nhai!)
2- ĐỒNG BỆNH TƯƠNG LÂN
Trong những tai nạn cộng đồng, nghĩa là nhiều người vướng
vào vòng hoạn nạn cùng một lúc và bởi một nguyên do (Thí dụ: tai nạn rớt máy
bay làm nhiều người chết ...) Tử vi đã trở lên nghi vấn trong cách giải thích
trường hợp khó khăn và tế nhị này? Tuy nhiên, nếu đem đối chiếu với những lá số
thiệt mạng (hay chỉ mang thương tích) trong tai nạn cộng đồng, thì khi dùng
phép quy nạp đã cho thấy nét tương đồng kể sau:
- Tam hợp với cung Mệnh có Thiên Hình, Thiên Riêu, Địa
Không và Địa Kiếp (hay tam hợp của cung Ách)
- Cung Ách có Thất Sát, Phá Quân hay Tham Lang (Hay cung
Mệnh có cách này)
- Tiểu Vận (một năm) hay Đại Hạn (10 năm) vào vòng tam
hợp của Thiên Không (Thiếu Dương - Tử Phù và Phúc Đức)
Hầu hết những người có cách trên đều phải nếm qua mùi vị
của "Đồng Mệnh tương lân": Việc xảy ra nếu có người chết, kẻ chỉ bị
thương, là còn do cung Phúc Đức chi phối, dù thế nào đi chăng nữa thì cũng phải
cộng đồng tai ách. Chắc chắn không ai dám kiểm chứng trường hợp này, bằng cách
tập hợp tất cả các cá nhân có Hình-Riêu-Không- Kiếp ở Mệnh (và Ách cung là thế
Sát Phá Tham), nhưng nếu quý vị nào chịu khó sưu tập những lá số có có tiêu
chuẩn vừa nói, thì sẽ thấy ngay cá nhân của bản số đều vướng phải chuyện xui
xẻo này một lần trong đời của họ.
3 - ĐỜI LÀ BỂ KHỔ: CUNG ÁCH
Thế nhị hợp của cung Ách với hai cung Mệnh, Thân đã nói
lên rõ ràng cái nghiệp mà nhà Phật chủ trương .
- Mệnh, Thân sinh phò Ách cung, là ta phải lãnh đủ mọi
chuyện do ta đã làm. Cá nhân phải trực tiếp chịu ảnh hưởng cái hậu quả của việc
ta đã tạo ra trong đời sống hằng ngày (gieo nhân nào, gặt quả ấy). Đây là giai
đoạn tạo nghiệp mà Nguyễn Du tiền bối đã nói: "Thiện căn ở tại lòng
ta"
- Ách cung sinh phò Mệnh, Thân là bản thân ta ở kiếp này
phải hứng chịu nhiều những hậu quả truyền kiếp (do dòng họ tiền nhân để lại,
cũng có thể là do đời sống ta kiếp trước để lại). Cho nên, trong chuyện Kiều có
câu ứng: Đã mang lấy nghiệp vào thân / Cũng đừng có trách lẫn trời gần
trời xa.
- Mệnh,Thân sinh phò Ách cung là khi nào hành Tam hợp của
cung Mệnh, Thân sinh ra hành của Tam hợp cung Ách (Ví dụ: Mệnh ở cung Dậu, vậy
hành của Tam hợp Tỵ Dậu Sửu là Kim. Ách ở cung Thìn, vậy hành của Tam hợp Thân
Tý Thìn là Thủy. Tam hợp Mệnh là Kim đã sinh phò tam hợp Ách là Thủy). Còn Ách
cung sinh phò Mệnh, Thân cũng tính như cách vừa nói (Ví dụ: Ách ở cung Tỵ thuộc
Tam hợp là hành Kim. Cung an Thân ở ngay cung Thân thuộc Tam hợp Thủy, do đó
Ách (Kim) sinh xuất ra Thân (Thủy)
Mặt khác, đã gọi cung Tật Ách, thì chỉ được hiểu là những
nghiệp xấu tích lũy tích tụ lại (còn nghiệp tốt tích tụ ở cung Phúc Đức mới
đúng nghĩa của nó) thành ra không bao giờ Đại Tiểu hạn đến cung Tật Ách mà
người ta thấy thoải mái đắc ý được (sách xưa ghi đơn sơ: hạn Thiên Sứ xấu,
chính là ẩn ý vậy). Đã biết cung Tật Ách xấu, và hiểu là những tai nạn cho mỗi
bản số trong kiếp đang sống, thiết tưởng phải lưu ý hai bộ mặt của cung Ách:
- Ách cung thuộc cách Sát Phá Tham là hay bị ngoại
thương, chủ về sự sát phạt tích cự mau lẹ.
- Ách cung thuộc cách Cơ Nguyệt Đồng Lương, Tử Phủ Vũ
Tướng chủ về nội thương, các tai họa có tính cách gậm nhấm, tiêu hao dần mòn
...
4 - CÔNG ƠN TỔ PHỤ: CUNG PHÚC VÔ CHÍNH DIỆU
Nếu cung Tật Ách tiêu biểu cho nghiệp xấu, thì cung Phúc
Đức tượng trưng cho nghiệp tốt. Có điều cần phải nhấn mạnh là: nghiệp tốt với
những cường độ khác nhau (phước mỏng hay phước dày là thế). Đa số sách Tử - Vi
đều hời hợt ghi chú: “Sao Mộ ở cung Phúc Đức là cách tốt đẹp”. Tôi thấy điều
này trái hẳn với ý nghĩa Tăng - Trưởng - Hủy - Diệt của vòng Tràng Sinh (phải
hiểu là 12 giai đoạn của một kiếp sống, chứ không phải là 12 sao: Tràng Sinh,
Mộc Dục, Quan Đới, Lâm Quan, Đế Vượng, Suy, Bệnh, Tử, Mộ, Tuyệt, Thai và Dưỡng,
được đa số nhìn như những tinh đẩu riêng biệt là một điều lầm lẫn lớn).
Cung Phúc Đức bản chất là một kho tích tụ những may mắn
cho một đời người, nếu nó có sao Mộ đóng, tức là có nghĩa: Giai đọan may mắn đã
chìm sâu trong bóng tối một cách dễ hiểu hơn là không còn hên nữa. Phúc Đức ở
giai đoạn của Thai, của Dưỡng của Trường Sinh … là cách tốt đẹp khả quan nó
biểu hiện cho những tiềm lực dồi dào, tài nguyên “may mắn” còn phong phú, còn
tiềm tàng …
Ngoài ra, một kinh nghiệm khác về cung Phúc Đức, là khi
nào cung này Vô Chính Diệu, được Thái Dương, Thái Âm (đắc địa) ở thế Tam Hợp hội
nhập chiếu sáng rõ ràng một đời “Họa bất trùng lai, phước vô đơn chí”
Ví dụ: Cung Phúc Đức Vô Chính Diệu ở cung Mùi, có Thái
Dương ở cung Mão, có Thái Âm ở cung Hợi chiếu sáng. Sách xưa có ghi “Nhật
Nguyệt chiếu hư không chi địa” là một đời có nghĩa “Bao nhiêu hạnh phúc ở trần
gian, trời đã dành riêng để tặng … lá số”. Thiên địa hòa mình thì nhân sự thanh
bình vậy.
5 - ĐEN NHƯ MÕM CHÓ: CUNG QUAN LỘC VÔ CHÍNH DIỆU
Sống là phải tranh đấu, nhất là đối với những ai còn chủ
trương: Có trung hiếu nên đứng trong trời đất, không công danh thà nát với cỏ
cây (Nguyễn Công Trứ), thì cung Quan Lộc phải kể là quan trọng đối với đấng
“mày râu” (Riêng đối với phái đẹp, thì tác giả Vân Đằng Thái Thứ Lang đã bàn rõ
cách Thân cư Quan Lộc có Tuần - Triệt án ngữ, xin miễn bàn nhiều!) Các cách tốt
xấu của chính tinh ở Quan Lộc đã có nhiều sách giải rất chi tiết, nhưng khi
cung này Vô Chính Diệu thì sao? Xin thưa ngay rằng: Đen như mõm chó. Cổ nhân
nói câu thành ngữ này là có ý diễn tả cái cảnh bấp bênh, cái tráo trở, cái bất hạnh,
cái long đong … của con người. Cung Quan Lộc Vô Chính Diệu là một trạng thái bi
đát, mà cụ Uy Viễn Tướng Công đã cay cú:
- Người trần thế muốn nhàn sao được?
Nói dễ hiểu hơn: Công danh sự nghiệp, thăng trầm vật vờ
như phù vân. Kể cả trường hợp được Nhật Nguyệt chiếu sáng thì cũng chỉ là cái
thế của Quân Sư quạt mo, phò người để còn có mình, khí cái gốc nương nhờ sụp đổ
thì ta còn gì, ngoài ý nghĩa “ký sinh nhân”?
6 - LÀM THÂN TRÂU NGỰA
Người biết coi số Tử - Vi đều ngán ngẫm nhóm sao tráo trở
và thủ đọan là: Tả, Hữu, Không, Kiếp, Phục Binh, Kình, Đà … (được coi là nhóm
hung tinh chiến lược) đóng ở cung Nô.
Trong bản số Tử-Vi thế nhị hợp của cung Thân, Mệnh và
cung Nô cũng phải lưu ý nhóm sao dữ kể trên đóng ở vị trí nào:
- Nếu Tam hợp cung Thân - Mệnh có hành sinh xuất tam hợp
cung Nô, mà cung Nô chứa bộ hung tinh chiến lược thì có nghĩa là làm ơn mắc
óan, hữu công vô lao, bạn bè chỉ là hạng bất nhân luôn luôn tìm cách trục lợi
mình, sang thì tìm đến, khó thì tìm lui. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tả óan:
Còn bạc còn tiền còn để tử
Hết cơm hết gạo hết ông tôi.
Ví dụ: Cung Thân ở cung Hợi (thuộc Hợi Mão Mùi là Mộc),
Cung Nô ở cung Dần (thuộc Dần Ngọ Tuất là Hỏa). Vậy là cái ta Mộc sinh xuất cho
cái Nô Hỏa..
- Nếu tam hợp cung Thân - Mệnh được hành sinh nhập bởi tam
hợp của cung Nô, mà cung Nô cũng chứa bộ hung tinh chiến lược, lại có nghĩa
thâm thúy như sau: Bạn Bè, thuộc hạ của ta tuy là hạng đầu trâu mặt ngựa, đối
với người khác là sự phản bội nhưng đối với ta vẫn trung thành phục vụ, đem hết
sức khuyển mã để phụng sự ta.
Ví dụ: Nô Bộc ở cung Hợi (thuộc tam hợp Mộc) sinh nhập
cho Thân ở cung Dần (thuộc tam hợp Hỏa). Những thầy phù thủy, thầy pháp cao tay
ấn đều có cách này.
7 - TRẮNG TAY SỰ NGHIỆP
Đại, Tiểu Hạn trùng phùng, đáng sợ nhất của lá số Tử - Vi
là Đại hạn 10 năm đóng tại một trong ba cung có sao: Thiếu Dương, Tử Phù, Phúc
Đức (đỡ vất vả nhất) và Tiểu vận một năm cũng nằm trên một trong ba cung có sao
vừa nói, (gọi là hạn Thiên Không, sẽ gặp số không ở cuối đường hầm). Cụ Thiên
Lương chủ trương học Tử - Vi phải có lòng thành khẩn và can đảm mà gồng mình
chịu đựng.
- Khi sao Thiên Không đóng ở Tứ Mộ (bốn cung Thìn Tuất
Sửi Mùi) nghĩa là không có trường hợp Đào Hoa, Thiên Không (xảo trá, mưu mô) và
cũng không có trường hợp Hồng Loan Thiên Không (xuất tăng tầm đạo) chỉ có một
GRANĐ ZEZÔ. Vậy khi nào hạn Thiên Không (vòng của Thiếu Dương, Tử Phù, Phúc
Đức) nhập Mộ cung, thì kể như trắng tay sự nghiệp (nhất là khi Mệnh, Thân thuộc
cách Cơ Nguyệt Đồng Lương, mà Đại Tiểu hạn trùng phùng là Sát Phá Tham cách) may
mắn lắm bản thân mới còn, đa số đều ôm hận ngút trời, mà về cõi ta bà Âm Phủ.
8 - SỚM TỐI ĐÁNH ĐẦU: NHẬN DIỆN NHÓM HUNG TINH CHIẾN LƯỢC
Sáu sao Kình Dương, Đà La, Địa Kiếp, Địa Không, Hỏa Tinh
và Linh Tinh. Tuy bản chất hung dữ nhưng có nhiều nét dị biệt cần phải bám sát
vào ba đặc tính kể sau để nhận diện:
- Kình Dương và Đà La thuộc loại Sát tinh hữu dõng vô
mưu, tuy tác hại nhưng còn chiêu hồi được. Nói cách khác, khi nó hãm địa là
những bộ mặt quỷ dạ xoa, chủ trương tiêu diệt phá phách, nhưng khi chúng đắc
địa nhất là cung Sửu, Mùi thì lại là mẫu hình Chung Vô Diệm tuy xấu mặt nhưng
tốt bụng, luôn luôn trung thành, cứu giải phò nguy cho cung mang ý nghĩa mà đôi
sao này trấn đóng.
- Địa Kiếp và Địa Không là cặp bài trùng phản trắc chung
thân (bất kể chúng đóng ở cung hãm địa hay đắc địa) cung nào mà có bộ mặt của
hai sao Địa Không, Địa Kiếp (dù một hay cả hai sao) thì cục diện cung đó đã có
chiều hướng lệch lạc (Thiên Tả) lình xình. Không, Kiếp dù đắc địa ở cung Tỵ,
Hợi, cũng chỉ làm lợi buổi đầu, nó đưa người thụ hưởng lên thật cao rồi cuối
cùng vật té xuống hồ sâu (bản chất phản trắc là như thế!). Ngoài ra, một vài
tiểu xảo lý thú về sự lệch lạc của Địa Không, Địa Kiếp như sau:
Cung Tử Tức có Không Kiếp là thêm con hoang, dị bào, khó
nuôi con …
Cung Huynh Đệ có Không Kiếp là có thêm anh chị em không
cùng một giòng chính thống, hay anh chị em gái có người tình duyên dang dỡ...
Cung Phối có Không Kiếp là nhiều lần chắp nối, vợ này, chồng khác (nhất là gặp
phải góa phụ, góa vợ..) hoặc gia đạo gặp cảnh này cảnh nọ, chồng nói gà, bà nói
vịt thật phũ phàng …
- Hỏa Tinh và Linh Tinh là nhóm sao chuyên chú về những
thủ đoạn vụng trộm, tính toán, tiểu lợi, chỉ rình mò khi nào đương số gặp vận
xấu là vùng lên đánh lén để ăn có. Cung nào chứa Hỏa Tinh, Linh Tinh (chỉ cần
một cung là đủ) là hay gặp phải ý nghĩa của câu “họa vô đơn chí”, nghĩa là
đường kia nỗi nọ ngổn ngang tơi bời, bởi lo chuyện này chưa xong thì tai ách
khác đã tới (nhưng không đến nỗi gay cấn lắm) quan trọng và tai hại nhất là
những ai tuổi Canh, Tân (và mạng Kim) gặp hạn Linh, Hỏa ở thế Sát Phá Tham là
tiêu tùng sự nghiệp, bổn mạng lâm nguy (Linh Hỏa đóng ở hai cung Thủy là Hợi và
Tý thì hạn nhẹ nhất).
9 - ĐƯỢC LÀM VUA THUA LÀM GIẶC:
Sao Phá Toái hoạt động riêng trong giang sơn của nó là
vòng Kim (thuộc ba cung Tỵ Dậu Sửu). Ai cũng biết Phá Toái chỉ chịu quy phục
sao Phá Quân (gọi là Toái Quân - Lưỡng Phá). Do đó người Mạng Kim mà Thân, Mệnh
đóng ở một trong ba cung Tỵ - Dậu - Sửu thuộc cách Sát - Phá - Tham thì hay
nhất, anh hùng nhất (số làm tướng, bách chiến, bách thắng). Thói thường cưỡi
cọp thì sẽ có ngày cọp cưỡi (sinh nghề tử nghiệp) thành ra những người tuổi Tỵ
- Dậu - Sửu thuộc cách Cơ - Nguyệt - Đồng - Lương ở cung Thân, Mệnh, hạn gặp
Phá Toái kể như lọt vào vòng kiềm tỏa và ảnh hưởng trực tiếp của hung tinh này,
đau khổ là lý đương nhiên, chưa vui họp mặt đã sầu chia ly.
10 - ANH HÙNG TẠO THỜI THẾ:
Tử vi là chúa tinh, đóng ở cung nào đem bóng dáng của
hạnh phúc vào cung đó, đây chỉ là lý thuyết tổng quát. Còn khi đem áp dụng vào
bản số Tử vi thì đã biến thiên rất nhiều ý nghĩa, lẽ dễ hiểu: Vua hiền mà không
gặp được bầy tôi tài giỏi, thì làm sao mà không gặp được bầy tôi tài giỏi, thì
làm sao mà nước lã quấy nên bột nên hồ? Lưu Bị không gặp được Khổng Minh, Lê
Lợi không có Nguyễn Trãi, chưa chắc đã có tình trạng lịch sử đáng được ghi
chép. Có bốn mẫu cung Thân Mệnh (nhất là cung an Thân, vì có hoạt động mới tạo
được thành quả) cần phân tích:
- Mệnh Thân có Tử Vi và Thất sát: Vua có thực lực nhưng
bề tôi là đám chủ về bạo động, nên ở tình trạng chật vật, thật vất vả mới bình
trị được thiên hạn, thất bại nhiều hơn chiến thắng.
- Mệnh thân có Tử vi và Phá quân: Vua gặp phải bầy tôi
gian xảo và tham vọng, thành ra yếm thế, bi quan, nhiều khi cũng phải gian tham
độc ác theo để tương kế, tựu kế mà sống.
- Mệnh Thân có Tử vi và Thiên Tướng: Vua gặp được tướng
giỏi (nhưng hữu dũng vô mưu) cách này là phải luôn chiến đấu (làm sao bắt Thiên
Tướng làm việc liên miên, để không còn cơ hội tạo phản) do đó tình trạng phải
đa đoạn công việc việc suy gẫm nhiều mưu cơ
- Mệnh Thân có Tử vi và Thiên Phủ: Vua gặp thời thạnh
trị, văn thần trung nghĩa, trên dưới hòa thuận nên được hưởng nhiều thanh thản
trong đời sống, vừa có tiếng, vừa có miếng.
Nói cách chung, tất cả các yếu tố gọi là sao trên bản số
Tử vi, đã sinh hoạt như một cộng đồng nhân loại, có đầy đủ các yêu tính thế tục
và thánh thiện vậy.
.
LÊ TRUNG HƯNG
Địa chỉ: Thầy thuốc Lê Hưng, phường Chánh
Nghĩa,
thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Điện thoại: 083.804.17.42
.
…………………………………………………………………………
- Cập
nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 19.08.2015.
- Bài
viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui
lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét