VÒNG XOÁY CỦA ĐẶNG PHI KHANH - Tác giả: Nguyễn Xuân Dương (Bắc Ninh)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)

VÒNG XOÁY
CỦA ĐẶNG PHI KHANH
*

Thương ngọn gió xông lên miền đất bạc
Rồi lang thang tìm đến dáng thân gầy
Sao không hỏi mầm xanh nào đã mọc
Để ru chiều trong mắt trẻ thơ ngây?
Thời thuỷ điện, phù sa chìm phía biển
Lũ cuốn người, cuốn bản xuống âm giang
Mảnh trăng vỡ cũng ngầu lên váng đục
Cánh chim trời cũmg thảm thiết tan hoang!
Trong mắt lúa có dáng hình mắt mẹ
Thuỷ điện về gom lũ để chồng nhau
Lúa gục xuống xin ngàn lần ngừng xả
Hỏi phía người ai chịu nỗi thương đau?
Rồi đành thế lúa tìm về nương cũ
Hạt gạo thơm dâng kính những linh hồn
Chắc nơi ấy cũng ngậm ngùi thổn thức
Vòng xoáy cuộc đời
Đâu là dại
Đâu khôn?
*.
ĐẶNG PHI KHANH
LỜI BÌNH:

Thơ Đặng Phi Khanh bao giờ cũng vậy. Dù anh viết về tình yêu, tình mẹ, tình quê hay những bài thơ ngợi ca thiên nhiên và cả những bài thơ viết về nỗi buồn nhân thế. Thơ Đặng Phi Khanh cứ thầm thĩ thầm thì cứ gửi gắm cứ sẻ chia và luôn hướng con người ta đến với chân thiện mĩ, đến với lòng cao thượng bao dung.
Bài thơ Vòng xoáy viết về một vấn nạn Thủy điện. Một vấn nạn xuất phát từ lòng tham vô độ của con người đã tàn phá cả một hệ sinh thái rồi từ đó gieo chết chóc thương đau cho đất nước này nhất là đồng bào miền Trung. Nơi luôn hứng chịu bão lũ của thiên nhiên bây giờ lại là bão lũ của con người. Dòng sông ngăn lại thì dòng điện chảy ra và dòng đô la chảy vào két sắt những nhà đầu tư những nhóm lợi ích.
Dù viết về một đại thảm họa nhưng thơ Đặng Phi Khanh lại biết khai thác chất liệu rất đời thường rất nhỏ bé để từ đó làm bật dậy những tiếng kêu xé lòng:
Thương ngọn gió xông lên miền đất bạc
Rồi lang thang tìm đến dáng thân gầy
Sao không hỏi mầm xanh nào đã mọc
Để ru chiều trong mắt trẻ thơ ngây?
Những vùng đất ngày xưa thấm đẫm mỡ màu phù sa của những dòng sông đắp bồi giờ những dòng sông đã bị băm nhỏ chặt khúc hết đập thượng nguồn rồi đập hạ nguồn. Dòng phù sa lắng lại xuống lòng hồ còn đâu để tưới tắm cho những bãi bờ ngô lúa. Những ngọn gió ngày xưa mang hơi thở mát tươi của đồng xanh nội cỏ giờ đã là những vùng đất bạc màu khô hạn. Những cơn giớ Lào miền Trung bỏng rát giờ lại đang xông lên từ miền đất bạc để sấy khô để hun đốt những thân cây xơ xác. Con người khi ngăn chặn những dòng sông sao không chịu hỏi, không cịu nhìn vào những mầm xanh đang khô chết vì thiếu nước, thiếu phù sa. Những mầm xanh ấy là mầm xanh nuôi sống cuộc đời. Những mầm xanh làm dịu những ánh mắt của trẻ thơ. Những mầm xanh ru cho những giấc ngủ, những giấc mơ mà sao người lớn cứ tước đoạt không mảy may một chút xót thương, một chút nhân ái. Con người hỡi sao tàn độc vậy chăng. Vẫn chưa hết:
Thời thuỷ điện, phù sa chìm phía biển
Lũ cuốn người, cuốn bản xuống âm giang
Mảnh trăng vỡ cũng ngầu lên váng đục
Cánh chim trời cũmg thảm thiết tan hoang!
Hệ lũy của thủy điện là thế đó. Không một giọt phù sa nhưng đó vẫn chưa phải là thảm họa. Để bảo vệ cho những con đập mong manh họ xả lũ tùm lum mà lúc nào họ cũng to mồm gào lên chúng tôi xả lũ đúng quy trình. Hệ quả như thơ Đặng Phi Khanh đã viết cả rồi ta chỉ đọc thôi đã thấy sục sôi lòng căm giận đối với những ông chủ chỉ biết đến đồng tiền coi sinh mệnh con người, sinh mệnh những làng quê không bằng cỏ rác. Đến nỗi mảnh trăng trên trời cao kia cũng uất hận rồi ngầu lên những váng đục. Đến nỗi cánh chim trời trên cao kia không còn nơi đậu không còn nơi kiếm ăn cứ thế tan tác trong gió Lào trong bão lũ. Cảnh hoang tàn của những vùng quê vì thủy điện là như thế đó.
Trong mắt lúa có dáng hình mắt mẹ
Thuỷ điện về gom lũ để chồng nhau
Lúa gục xuống xin ngàn lần ngừng xả
Hỏi phía người ai chịu nỗi thương đau
Lúa cũng có mắt sao? Đúng vậy lúa cũng phải mở mắt ra để nhìn cho thấu vào mắt mẹ đang lo lắng và cả đang sợ hãi. Lúa phải mở mắt ra để nhìn chính cuộc đời mình đang bị thủy điện tàn phá giết chóc khi thủy điện không còn là những công trình phân lũ mà lại là những công trình gom lũ. Lũ mẹ chồng lên lũ con mà xả đúng quy trình cho những đồng lúa gục xuống trong thương đau. Cho đói nghèo chồng lên nghèo đói trên tấm lưng còng của mẹ. Lúa kêu làm sao được. Âm thanh gào thét của lúa làm sao có thể xuyên thấu đến lỗ tai người, trái tim người đã bị đồng tiền bịt kín. Ai chịu nỗi thương đau? Một câu hỏi cứ xé nát lòng ta. Câu hỏi dội về phía người rồi dội lại mà thôi…
Rồi đành thế lúa tìm về nương cũ
Hạt gạo thơm dâng kính những linh hồn
Chắc nơi ấy cũng ngậm ngùi thổn thức
Vòng xoáy cuộc đời
Đâu là dại
Đâu khôn?
Lúa biết về nương cũ trên cao chăng? Phải chăng thủy điện dưới con mắt nhà thơ Đặng Phi Khanh đã và sẽ triệt hạ cả một nền lúa nước trù phú nhất Đông Nam Á sao? Viễn cảnh đó là có thật khi dòng sông Mê Kông sẽ bị băm nhỏ chặt khúc cho những đập thủy điện. Lúc không xả nước thì đồng bằng Cửu Long ngập mặn, và khi xả lũ thì đau thương chết chóc tan hoang. Cây lúa hạt gạo cũng biết nghĩ về những ngươi đã ngã xuống sao con người lại vô cảm đến thế. Dân tộc này rồi sẽ sống sao đây khi câu hỏi cứ dằn vặt mãi kiếp người:
Vòng xoáy cuộc đời
Đâu là dại
Đâu khôn

Mời thư giãn với nhạc phẩm NGƯỜI XÂY HỒ KẺ GỖ
của Nguyễn Văn Tý, qua tiếng hát Kiều Hưng và Thu Hiền:
                 
*
NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Địa chỉ: Nhà số 7 Đường Thành Cổ,
Phường Vệ An - Thành phố Bắc Ninh
Email: nguyenxuanduong1940@gmail.com
Điện thoại: 037.224.23.92
.                                         


.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 10.07.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.

0 comments:

Đăng nhận xét