10
TRẠNG THÁI
KỲ THÚ CỦA TỬ VI
*
Sau loạt bài "10 điều tâm niệm khi đoán số Tử-Vi"
cho khoa Đẩu Số Tử-Vi. Người viết vẫn chỉ mong làm một công việc bình thường
nhất là truyền thông đến quý vị say mê nghiên cứu Tử-Vi, một vài suy nghiệm
thâm thúy đã tìm thấy ở khoa lý học Đông Phương này.
Trong khuôn khổ tổng quát vừa nói, kẻ viết xin trình bày
thêm "10 trạng thái kỳ thú của Tử-vi" như sau:
(Tác giả Lê Trung Hưng) |
1 - Vó câu nghị lực
2 - Đối kháng của định mệnh
3 - Liên minh kỳ diệu
4 - Hạnh phúc lâm nguy
5 - Đường đời cô đơn
6 - Bạn là ai
7 - Nên sống hay chết
8 - Sung sướng hay đau khổ
9 - Nhân diện ác quỷ
10 - Anh hùng chiến trận.
I. VÓ CÂU NGHỊ LỰC:
Biết xem Tử-vi ai cũng phải công nhận giá trị quan hệ của
các sao Thiên Mã, nó tượng trưng cho nghị lực ở đường đời, cũng như chiếc xe đi
của đương số. Thiên Mã chỉ đóng ở 4 cung thuộc Tứ sinh: Dần, Thân, Tỵ, Hợi. Khi
Mã đóng ở cung nào, thì Mã thuộc hành của cung đó.
Thí dụ: Thiên Mã đóng ở cung Thân, tức là Mã Kim, Thiên
Mã đóng ở cung Dần là Mã Mộc .... Tuy vậy, có điều lý thú nhất, là khi Mã đóng
ở cung nào có sao Tuần thì phải nên hiểu rằng: Mã không còn ở cung đó nữa, mà
Thiên Mã đã nhờ chiếc cầu Tuần nhảy tới (theo chiếu thuận) vị trí mới để trở
thành Mã của hành ở cung mới nhảy tới. Thí dụ: Thiên Mã đóng ở cung Thân mà
cung Thân có sao Tuần thì phải hiểu rằng Thiên Mã đã nhảy tới cung Hợi, để trở
thành Mã Thủy (chứ không phải là Mã Kim nữa). Do đó, khi đối chiếu ngũ hành của
Mã với ngũ hành của Mệnh, ta nên để ý tới sự kiện Mã ngộ Tuần (Sao Triệt không
kể tới) mà luận giải về tính cách phấn đấu của đương số trong đời sống cũng như
về những tai họa do xe cộ gây ra ...
II. ĐỐI KHÁNG CỦA ĐỊNH MỆNH
Lá số Tử-Vi gồm 12 cung, mỗi cung mang một chủ đề trong
12 chủ đề của đương số là: Mệnh, Phụ, Phúc, Điền, Quan, Nô, Di, Ách, Tài, Tử,
Phối, Bào. Ta hãy để ý có 6 đôi cung xung phá nhau, lần lượt là:
- Dần với Tị
- Sửu với Ngọ
- Tý với Mùi
- Hợi với Thân
- Mão với Thìn
- Dậu với Tuất.
Cho nên khi nhìn vào các cung trên, ta thấy ngay các vấn
đề đã trở thành nên những đối tượng tranh chấp (một thắng một bại, một mất một
còn, một chánh một tà, một thịnh một suy) nhau thật rõ ràng.
Thí dụ: Mệnh đóng tại cung Tý ta có:
Mệnh - Ách: xung phá.
Phụ - Di: xung phá
Phúc - Nô: xung phá
Điền - Quan: xung phá
Tử - Phối: Xung phá
Tài - Bào: xung phá
Rồi giữa những cặp cung tranh chấp ấy, ta để ý những sao
của cung nào hợp và lợi cho ngũ hành của bản Mệnh, thì cung ấy cường và cung
kia nhược. Thí dụ: Phúc - Nô xung phá, nếu Nô cung cường thì Phúc cung nhược,
Tử phối xung phá, nếu Phối thịnh thì Tử suy .....
III. LIÊN MINH KỲ DIỆU
Nếu đã có 6 đôi cung phá nhau, thì cũng có 6 đôi cùng hạp
nhau (nhưng chỉ là hạp một chiều) được gọi là 6 đôi nhị hợp:
- Tý với Sửu (Sửu lo cho Tý)
- Dần với Hợi (Hợi lo cho Dần)
- Mão với Tuất (Mão lo cho Tuất)
- Thìn với Dậu (Dậu lo cho Thìn)
- Tỵ với Thân (Tỵ lo cho Thân)
- Mùi với Ngọ (Mùi lo cho Ngọ)
Từ căn bản này, 12 chủ đề của bản số Tử-Vi đã thu lại làm
6 hành động làm lợi cho 6 chủ đề mà thôi. Thí dụ: Mệnh đóng tại Tý, thì bản số
có giải đáp tổng quát ngay: cha mẹ lo cho đương số, bạn bè đem tài lộc tới cho
đương số ....
Một lý thú căn bản suy gẫm: cung an Mệnh (tượng trưng cho
đời sống tiêu cực của con người) luôn luôn được cung phụ mẫu che chở, nhưng
cung an Thân (tượng trưng cho hành động của con người) lại luôn luôn sinh phò
cho cung Phụ Mẫu (có ý nghĩa như sự báo hiếu vậy). Vấn đề này đã được cụ Thiên
Lương cho là một bố cục tế vi của cổ nhân khi soạn ra cách an sao lập số Tử-vi
vậy.
IV. HẠNH PHÚC LÂM NGUY:
Bộ Sát - Phá - Tham là nhóm tinh đẩu quá khích, chủ về
các hành động sát phạt, cho nên khi người ở cách Cơ - Nguyệt - Đồng - Lương mà
sang Đại hạn Sát - Phá - Tham thì hãy coi chừng sự xông xáo thái quá của nhóm
sao vừa nói gây ra phản ứng phũ phàng không sao lường được (điều này thì ai
cũng biết cả). Tuy nhiên ở đây, ta hãy để tâm kiểm nghiệm hai trường hợp sau:
- Bộ Sát Phá Tham ở cung Phụ Mẫu.
- Và Bộ Sát Phá Tham ở cung Phu Thê.
Luôn luôn là khuynh hướng báo trước sự hình khắc chia ly
(nhẹ cũng là cảnh ông nói gà, bà nói vịt, cha ở nhà trước mẹ ở sân sau...)
Trong trường hợp bộ Sát Phá Tham (cho dù đặc địa hay hãm địa) ở trong vòng Thái
Tuế thì còn đỡ (giảm 50 % hiệu lực), chứ nếu chúng ở ngoài vòng Thái Tuế của
bản số (Vòng Thái Tuế là vòng tam hợp cung tuổi của bản số) thì thật là tai hại
vô cùng.
V. ĐƯỜNG ĐỜI CÔ ĐƠN:
Xem số Tử-Vi, nhiều người có thói quen nhìn ngắm các
chính diệu đắc địa hay hãm địa mà luận giải sự tốt xấu. Tôi thấy điều này có vẻ
phiến diện, hời hợt, khi đúng khi không. Thật ra vấn đề ngũ hành của chính tinh
mới là hệ trọng.
Đối với hai cung Phối và Nô là hai nơi quần tụ của mỗi cá
nhân trong xã hội, cần phải đẹp đẽ để đời sống thêm ý nghĩa (từ đời tư đến đời
công). Cái đẹp ở hai cung Phối và Nô có nghĩa là có bạn đời và bạn đường chung
thủy khả tín. Chúng ta hãy chú ý đến các ngũ hành của chính diệu đóng tại
cung Phối và Nô như sau:
a) - Đối với cung Phối
Nếu ngũ hành của chính tinh cung Phối sinh nhập với ngũ
hành của bản mệnh thì đời sống vợ chồng lâu dài đằm thắm, nếu cung Phối có
chính tinh xung khắc với ngũ hành bản Mệnh thì: anh đường anh, tôi đường tôi,
tình nghĩa đôi ta chỉ có thế thôi... Đặc biệt, cung Phối có hai chính diệu (một
hạp, một khắc) nghĩa là trong đời tình cảm thế nào cũng hai lần hát khúc tào
khang là ít.
b) - Đối với cung Nô
Ngũ hành chính diệu sinh nhập ngũ hành bản Mệnh thì có
bạn bè, thuộc hạ tốt, trông cậy được. Bằng như ngũ hành chính diệu xung khắc
ngũ hành bản Mệnh là kể như đường đời cô độc, không ai là Chung Tử Kỳ của Bá
Nha cả. Khi ngũ hành của bản Mệnh sinh xuất ngũ hành của chính diệu tại Nô
cung, phải coi như một đời tôi mọi cho bằng hữu.
Thí dụ: Người Mạng Thổ, Nô cung có Vũ Tướng, là kể như
không có bạn tri kỷ!. (vì Vũ Khúc là Kim, Thiên Tướng là Thủy, ngũ hành bản
Mệnh là Thổ không hợp và lợi gì với Kim và Thủy cả). Còn các bàng tinh và phụ
tinh chỉ là chuyện thứ yếu, thêm bớt chút đỉnh ý nghĩa thôi.
VI: BẠN LÀ AI:
Cuốn Tử-Vi nghiệm lý của cụ Thiên Lương
có nói: "Môn Tử-Vi khoa tính tình học tiềm ẩn", tôi thấy điều này rất
chí lý. Muốn tìm hiểu tính tình của một bản số, ta nên vẽ ra 3 vòng Tam hợp là:
- Vòng Thái Tuế: tượng trựng tư tưởng của mình.
- Vòng Mệnh: Tượng trưng .
- Vòng Thân: Tượng trưng hành động của mình.
Vòng Thái Tuế là Tam hợp của ba cung có tên giống địa chỉ
năm sinh. Vòng Mệnh là Tam hợp của ba cung an Mệnh, cung Quan Lộc và cung Tài
Bạch. Vòng Thân là tam hạp của ba cung liên quan với cung an Thân. Sau đó, ta
ghi nhận ngũ hành của mỗi vòng:
- Hợi Mão Mùi là Mộc;
- Dần Ngọ Tuất là Hỏa;
- Thân Tí Thìn là Thủy;
- Tỵ Dậu Sửu là Kim.
Rồi lý luận theo tám trường hợp kể sau :
- Vòng Mệnh cùng hành với vòng Thái Tuế, còn Vòng Thân ở
thế ngũ hành tương khắc, là người ngụy quân tử nói thì thật hay mà toàn làm những
điều ác hiểm (giống như vai trò của Nhạc Bất Quần trong tiểu thuyết Tiếu Ngạo
Giang Hồ của Văn sĩ Kim Dung)
- Vòng Thân cùng hành với vòng Thái Tuế, còn Vòng Mệnh ở
thế ngũ hành tương khắc, là người nói dữ dằn nhưng hành động lại quang minh
chính trực (như mẫu người Từ Hải trong truyện Kiều)
- Vòng Mệnh, Vòng Thân cùng hành với vòng Thái Tuế : tốt
nhất, đây là mẫu người quân tử chính danh.
- Vòng Mệnh cùng hành với Vòng Thân nhưng xung khắc ngũ
hành với vòng Thái Tuế, là người chung thân bất mãn, lãnh tụ của đối lập, thích
nghi và làm điều ngang trái.
- Vòng Thái Tuế sinh xuất vòng Mệnh nhưng Vòng an Thân
lại sinh nhập Vòng Thái Tuế, là mẫu người cực kỳ khôn ngoan, chủ trương nhượng
bộ trong lý thuyết rồi lấn lướt trong hành động.
- Vòng Mệnh cùng hành với Vòng Thân nhưng sinh nhập vòng
Thái Tuế là người luôn luôn chủ trương lấn lướt tha nhân, chuyên nghĩ và xếp
đặt những chuyện ăn người, đây là mẫu người tham vọng.
- Vòng Mệnh cùng hành với vòng Thân nhưng được Vòng Thái
Tuế sinh xuất là người hiền lành đến nhu nhược, luôn cam phận thiệt thòi (một
sự nhịn, chín sự lành).
- Vòng Mệnh sinh nhập Vòng Thái Tuế, rồi Vòng Thái Tuế
sinh xuất Vòng Thân là người nói hay làm dở, nói nhiều làm ít đa lý thuyết,
thiếu thực hành, dốt hay nói chữ.
VII. NÊN SỐNG HAY CHẾT:
Đời có người vinh kẻ nhục, số Tử-Vi cũng có những nét
bàng bạc đồng sao mà lại dị nghĩa, cả hai người nhe răng nhưng người này cười
mà kẻ kia lại khóc. Đó là trường hợp bộ ba Mã - Khốc - Khách.
Nhiều sách đều khẳng định hạn gặp Mã - Khốc - Khách là
vận tốt, tôi đã kiểm nghiệm thấy không đúng mà phải luận giải thế tương quan
giữa ngũ hành của Mã với hành của Mệnh trước tiên đã, nếu thấy Mã phò người thì
mới là nhạc ngựa khánh vàng reo vui, còn thấy Mã hại người thì chỉ là tiếng kèn
trống đám ma thôi (hoặc đến hạn đó gặp nhiều cái rủi ro đưa tới như bệnh, tật,
mất xe, hao tài tốn của, nhiều chuyện bực mình....)
Thí dụ: Người tuổi Ngọ, mạng Mộc Mã ở cung Thân (Mã Kim)
vậy là Mã hại người. Ôi! còn ghê rợn nào bằng hạn Mã - Khốc - Khách, khóc dở,
mếu dở ...
Người tuổi Dần, mạng Thủy, Mã đóng ở cung Thân (Mã Kim),
đây là Mã phò người, nên gặp hạn Mã - Khốc - Khách là đến hồi thái lai vậy.
Từ đó mà suy luận rộng thêm ra các trường hợp khác.
VIII. SUNG SƯỚNG HAY ĐAU KHỔ
Khi nào chính diệu xung chiếu được coi như chính diệu tọa
thủ ở cung vô chính diệu?
- Khi nào Vòng tam hợp của cung vô chính diệu có hành
khắc chế được hành của Vòng tam hợp cung xung chiếu có chứa chính diệu .
Thí dụ : Mệnh vô chính diệu tọa thủ ở cung Dậu (vòng tam
hợp là Tỵ Dậu Sửu : Kim). Cung xung chiếu là Mão (vòng tam hợp Hợi Mão Mùi :
Mộc) chứa hai chính diệu Thái Dương và Thiên Lương. Vậy vòng Kim khắc chế vòng
Mộc, nên chiếm đoạt được hai chính tinh Thái Dương và Thiên Lương đem về cung
Dậu xử dụng. Ngược lại nếu hành của cung vô chính diệu bị hành của cung xung
chiếu áp đảo thì kể như "Hư không chi địa" hoàn toàn, lúc này cung vô
chính diệu lại càng lâm nguy và dễ dàng để cho các "Hung tinh chiếu
lược" hoành hành.
IX. NHẬN DIỆN ÁC QUỶ:
Cụ Hà-Lạc Dã Phu Việt Viêm Tử trong "Tử-Vi Áo
Bí" đã đề cao vai trò của bộ Tả Phù và Hữu Bật. Thật tình mà nói, thì hai
sao này là những "gián điệp hai mang" nghĩa là nó vừa hữu ích mà vừa
nguy hiểm khi tìm biết tánh nết của một người qua bản số Tử-Vi. Khi Tả-Hữu đóng
vào vòng Thái Tuế có hai trường hợp xảy ra :
- Nếu trong vòng Thái Tuế không có Địa Không, Địa Kiếp,
Hóa Kỵ, Đà La, là người chính nhân quân tử.
- Nếu trong vòng Thái Tuế có thêm Địa Không, Địa Kiếp,
Hóa Kỵ, Đà La thì hẩm hiu cho người có tài mà không có thời (sinh bất phùng
thời )
Riêng trường hợp hai sao Tả Hữu đứng ở thế đối lập với
vòng Thái Tuế hay đứng ở thế sinh nhập vòng Thái Tuế [Ví dụ : tuổi Ngọ, vòng
Thái Tuế là Hỏa và hai sao Tả-Hữu đóng cung Mùi (thuộc hành Mộc)] thì dù có
thêm Không, Kiếp, Kỵ, Đà hay không vẫn là hạng hữu tài vô hạnh, làm điều quấy
đảo thiên hạ.
X. ANH HÙNG CHIẾN TRẬN:
Sao Phá Toái chỉ chịu đứng ở ba cung Tỵ - Dậu - Sửu. Nó
tượng trưng cho sự ương ngạnh, thích làm điều phá tán, vỡ đổ (giống như nhân
vật Na-Tra trong chuyện Phong Thần). Sao này coi như con đẻ của Phá Quân, nên
khi Phá Toái đồng cung với Phá Quân thì kết hợp thành sức mạnh vô song (tương
tự như Vũ Khúc gặp Văn Khúc) chủ về võ nghiệp thời danh. Nếu vòng Thái Tuế lại
chứa "Toái Quân lưỡng Phá" này thì không cần phải nói nhiều: rõ ràng
là bậc anh hùng trong thiên hạ, ấn chức nguyên nhung trao vào tay này không hổ
thẹn chọn lầm người.
*.
Tóm lại, để kết luận cho bài Tham luận này, ta có thể tạm
bắt chước người Tây Phương để nói rằng:"Đưa Lá số Tử vi của bạn đây, tôi
sẽ nói bạn là ai!"
Mời thư giãn với nhạc
phẩm HUYỀN THOẠI
của Phan Mạnh Quỳnh, qua tiếng hát Phan Mạnh Quỳnh:
*
LÊ TRUNG HƯNG (con trai cụ Thiên Lương)
Địa chỉ: Thầy thuốc Lê Hưng VKD, phường Chánh
Nghĩa,
thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Điện thoại: 083.804.17.42
…………………………………………………………………………
- Cập
nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 17.08.2015.
- Bài
viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui
lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét